headertvtc new


   Hôm nay Chủ nhật, 21/04/2024 - Ngày 13 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

KINH PHÁP HOA - PHẨM PHƯƠNG TIỆN (tt)

CHÁNH VĂN:

6 - Khi đó trong hàng Thanh văn lậu tận A La Hán, Ngài A Nhã Kiều Trần Như, v.v… một nghìn hai trăm người và các Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Cận sự nam cùng Cận sự nữ, hạng người phát tâm Thanh văn Duyên giác đều nghĩ rằng: ‘Hôm nay, đức Phật cớ chi lại ân cần khen ngợi phương tiện mà nói thế này: "Pháp của Phật chứng rất sâu khó hiểu, tất cả hàng Thanh văn cùng Duyên giác không thể đến được.’’ Đức Phật nói một nghĩa giải thoát chúng ta cũng chứng được Pháp đó đến nơi Niết bàn, mà nay chẳng rõ nghĩa đó về đâu ?

GIẢNG:

Đây là ở trong chúng, tất cả các người phát tâm Thanh văn, Duyên giác nghe Phật nói như vậy đều khởi nghi: Phật hôm này vì nhân duyên gì mà khen ngợi phương tiện, nói pháp Phật chứng rất sâu, khó hiểu, tất cả hàng Thanh văn, Duyên giác không thể đến được. Trong khi đó, chúng ta chỉ cần nghe một nghĩa giải thoát thôi thì cũng chứng được pháp đó đến Niết bàn rồi. Vậy không biết còn gì nữa ?

CHÁNH VĂN:

7 – Lúc ấy, Ngài Xá Lợi Phất biết lòng nghi của bốn chúng, chính mình cũng chưa rõ, liền bạch Phật rằng: Thưa Thế Tôn, nhơn duyên gì mà Phật khen ngợi pháp phương tiện thứ nhất nhiệm mầu, rất sâu khó hiểu của các đức Phật ? Con từ trước đến nay chưa từng nghe Phật nói điều đó, hôm nay bốn chúng thảy đều có lòng nghi, cúi xin đức Phật Thế Tôn bày nói việc đó. Cớ gì mà đức Thế Tôn ân cần khen ngợi pháp nhiệm màu rất sâu khó hiểu ?

GIẢNG:

Ngài Xá Lợi Phất cũng nghi.

Ở trước, Phật phóng quang mà Phật không nói gì hết, có Bồ Tát Văn Thù giải nghi cho rồi – giải nghi lý do Phật phóng quang. Đến đây, Phật xuất định, không ai hỏi mà lại tán thán trí tuệ của Phật, cả hàng Thanh văn, Bích Chi Phật cũng không hiểu được; tán thán rồi Phật cản ngăn thôi không cần nói. Vậy đó là ý gì? – Bởi vì đó là chỗ chứng của Phật, người ngoài không sao biết được nên Phật tự tán thán thôi. Ở đây cần phải thấy rõ, nếu còn có thấy pháp Thanh văn, Duyên giác thì sao? – thì cái thấy đó chưa có tột đâu. Phát tâm Thanh văn, Duyên giác mà còn bám vào, chất vào trong đó tức là còn thấy có pháp này, pháp kia sai biệt thì chưa thấy được ý nghĩa sâu xa, lý rốt ráo mà Phật muốn chỉ. Chính cái "tâm không hiểu" đó mình khéo nhận ra thì liền thông chớ không phải có gì riêng khác.

Ngài Xá Lợi Phất thuật lại lời kể.

CHÁNH VĂN:

                8 – Đấng Huệ Nhật Đại Thánh
                     Lâu mới nói phát này
                    Tự nói pháp mình chứng
                    Lực, vô úy, tam muội
                    Thiền định, giải thoát thảy
                    Đều chẳng nghĩ bàn được.

GIẢNG:

Ngài tán thán Phật là bậc Huệ Nựt Đại Thánh.

Huệ nhựt: là trí tuệ sáng như mặt trời. Đại thánh: vì Phật là bậc thánh trên hàng Thánh nên xưng là Đại thánh.

Khi Phật chưa ra đời thì chúng sanh đang sống trong đêm dài vô minh tăm tối, Phật ra đời giống như mặt trời xuất hiện để phá bóng tối vô minh đó, nên mới xưng tán Ngài là Huệ Nhật. Ngài tự nói pháp mình chứng đều chẳng thể nghĩ bàn.

                    Pháp chứng nơi đạo tràng
                    Không ai hỏi đến đặng
                    Ý con khó lường được
                    Cũng không ai hay hỏi
                    Không hỏi mà tự nói
                    Khen ngợi đạo mình làm
                    Các đức Phật chứng đặng
                    Trí huệ rất nhiệm màu

Pháp đó không ai hỏi đến, Phật tự nói chỗ mình chứng, chỗ mình làm, bởi vì chỗ đó là chỗ sống của Phật, chỗ tự chứng của Phật, người ngoài không thể biết được. Do đó, Phật tự nói lên, rồi tự ngài khen ngợi để cho mọi người có lòng khao khát.

                    Hàng vô lậu La Hán
                    Cùng người cầu niết bàn
                    Nay đều sa lưới nghi
                    Phật cớ chi nói thế ?

Ở đây bao nhiêu người khởi nghi.

                    Hạng người cầu Duyên giác
                    Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni
                    Các trời, rồng, quỷ, thần
                    Và càng thát bà thảy
                    Ngó nhau cưu lòng nghi
                    Nhìn trông đấng Túc Tôn
                    Việc đó là thế nào
                    Xin Phật vì dạy cho ?

Đây là hàng Duyên giác, Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni đều ngó nhau khởi lòng nghi, cố nhìn đức Thế Tôn để trông chờ, khao khát muốn được nghe Phật chỉ dạy, Phật nói về nhân duyên đó.
                    Trong các chúng Thanh văn
                    Phật nói con hạng nhất
                    Nay con nơi trí mình
                    Nghi lầm không rõ được
                    Vì là pháp rốt ráo
                    Vì là đạo Phật làm
                    Con từ miệng Phật sanh
                    Chắp tay nhìn trông chờ
                    Xin ban tiếng nhiệm mầu
                    Liền vì nói như thiệt

Ngài Xá Lợi Phất là vị trí tuệ bậc nhất mà ngài vẫn còn nghi, ngài nói: "Vì là pháp rốt ráo, vì là đạo Phật làm". Đây là chỗ sống của Phật, chỗ hành của Phật nên Ngài phải chịu thôi. Ngài lại nói: "Con từ miệng Phật sanh", Ngài nói như thế là bởi vì Ngài lấy trí tuệ làm mạng sống, chứ không phải sống theo cái sống thường của mình đây. Trí tuệ đó từ nơi Phật, mà Ngài nhờ đó phát minh ra. Giờ đây, Ngài đang chắp tay nhìn trông chờ, sẵn sàng để tiếp nhận, cho nên "xin Phật ban tiếng mầu, liền vì nói như thiệt". Như vậy xưa nay không như thiệt  hay sao mà bây giờ mới xin nói như thiệt? Đây là muốn cho Phật thổ lộ bản hoài chân thật của Ngài.

                    Các trời, rồng, thần thảy
                    Số đông như hằng sa
                    Bồ tát cầu thành Phật
                    Số nhiều có tám muôn
                    Lại những muôn ức nước
                    Vua chuyển luân vương đến
                    Đều lòng kính chắp tay
                    Muốn nghe đạo đầy đủ

Đó là mọi người dọn lòng sẵn sàng đón nhận, tới phiên Phật ngăn.

 CHÁNH VĂN:

9- Khi đó đức Phật bảo Ngài Xá Lợi Phất: ”Thôi thôi ! Chẳng nên nói nữa. Nếu nói việc đó tất cả trong đời các trời và người đều sẽ kinh sợ nghi ngờ”

 GIẢNG:

Ở trước Phật tán thán rất nhiều, tới đây Ngài Xá Lợi Phất cầu xin chỉ dạy, Phật lại ngăn và từ chối. Ngài Xá Lợi Phất lại cầu xin.

CHÁNH VĂN:

10- Ngài Xá Lợi Phất lại bạch Phật rằng: ”Thưa Thế Tôn! Cúi xin nói đó, Cúi xin nói đó, vì sao ? Trong hội đây có vô số trăm nghìn muôn ức A tăng kỳ chúng sanh đã từng gặp các đức Phật, các căn mạnh lẹ, trí tuệ sáng suốt, được nghe Phật dạy chắc có thể kính tin”.

Lúc ấy Ngài Xá Lợi Phật muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:

                    Đấng Pháp Vương vô thượng
                    Xin nói, nguyện đừng lo
                    Vô lượng chúng hội đây
                    Có người hay kính tin

GIẢNG:

Ngài Xá Lợi Phất cầu xin, vì trong đây có nhiều chúng sanh gặp gỡ các Đức Phật, cũng từng nghe Phật dạy, có những người  trí tuệ sáng suốt có thể tin nhận được, chớ không phải là không có ai để tin.

CHÁNH VĂN:
 11- Đức Phật lại ngăn Xá Lợi Phất:  “Nếu nói việc đó thì tất cả trong đời, trời, người, A tu la đều sẽ kinh nghi, Tỳ kheo tăng thượng mạn sẽ phải sa hầm lớn”.

Khi đó đức Thế Tôn lại nói kệ rằng:

                    Thôi thôi !Chẳng nên nói
                    Pháp ta diệu khó nghĩ
                    Những kẻ tăng thượng mạn
                    Nghe ắt không kín tin

GIẢNG:
Phật lại ngăn lần nữa

Tăng thượng mạn: là những người chưa chứng mà cho là chứng, chưa được mà cho là được, tức là đối với những người này họ tự nói: ”Tôi đã đủ rồi, đâu cần nghe chi nữa”, đối với hạng người này nói chi cho uổng. 

 CHÁNH VĂN:

12- Lúc ấy Ngài Xá Lợi Phất bạch Phật rằng:” Thưa Thế Tôn ! cúi xin nói đó, cúi xin nói đó. Nay trong hội này hạng người sánh bằng con có trăm nghìn muôn ức, đời đời đã từng theo Phật học hỏi, những người như thế chắc hay kính tin lâu dài, an ổn nhiều đều lợi ích.

Khi đó Ngài Xá Lợi Phất, muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:

                    Đấng Vô Thượng Lưỡng Túc
                    Xin nói pháp đệ nhất
                    Con là trưởng tử Phật
                    Xin thương phân biệt nói
                    Vô lượng chúng hội đây
                    Hay kính tin pháp này
                    Đời đời Phật đã từng
                    Giáo hóa chúng như thế
                    Đều một lòng chắp tay
                    Muốn nghe lãnh lời Phật
                    Chúng con nghìn hai trăm
                    Cùng hạng cầu Phật nọ
                    Nguyện Phật vì chúng này
                    Cúi xin phân biệt nói
                    Chúng đây nghe pháp ấy
                    Thời sanh lòng vui mừng
 
GIẢNG:

Ngài Xá Lợi Phất ân cần thưa thỉnh thì Phật ngăn, đó là Phật muốn cho chúng thật lòng khao khát, tha thiết thưa thỉnh thì khi Ngài nói ra mới dễ tiếp nhận. Bởi vì việc sâu xa khó hiểu như vây, nếu nói dễ dàng thì dễ khinh thường, vì cái sâu xa khó hiểu đó cũng không ở đâu xa, mà chính ngay nơi mình thôi.

CHÁNH VĂN:

13 – Bấy giờ đức Thế Tôn bảo Ngài Xá Lợi Phất: “Ông đã ân cần ba phen thưa thỉnh đâu đặng chẳng nói, ông nay lắng nghe khéo suy nghĩ nhớ đó, ta sẽ vì ông phân biệt giải nói”.

14 – Khi Phật nói lời đó, trong hội có các Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni, Cận sự nam, Cận sự nữ, cả thảy năm nghìn người từ chỗ ngồi đứng dậy lễ Phật mà lui về. Vì sao? Vì bọn người này gốc tội sâu nặng cùng tăng thượng mạn, chưa đặng mà nói đã đặng, chưa chứng mà cho đã chứng, có lỗi dường ấy cho nên xin ở lại. Đức Thế Tôn yên lặng không ngăn cản.

15 – Bấy giờ, đức Phật bảo Ngài Xá Lợi Phất: “Trong chúng ta đây không còn cành lá, rặt có hột chắc. Xá Lợi Phất! Những gã tăng thượng mạn như vậy lui về cũng là tốt, ông nay nên khéo nghe, ta sẽ vì ông mà nói”.

Ngài Xá Lợi Phất bạch rằng: “Vâng thưa Thế Tôn, con nguyện ưa muốn nghe.”

GIẢNG:

Đến đây Phật hứa nói, rõ ràng Phật ngăn tới ngăn lui để cho chúng hết lòng thưa thỉnh. Mọi người đã sẵn sàng đón nhận, khi đưa ra họ nhận liền, còn họ nghe mà chưa thật lòng, chỉ nghe cho vui thôi thì sao? Thì nói ra họ chưa tiếp nhận, chưa có thể thấm sâu được.

Nhưng khi Phật hứa nói, thì trong hội có năm nghìn người đứng dậy lễ Phật lui về, quý vị thấy có buồn không? Đối diện với Phật, sắp nghe pháp mà đành đứng dậy bỏ về thì nói sao đây? Như vậy không phải đối diện mà lầm qua sao? Cho nên mình thấy, ngay thời của Phật mà cũng còn có chuyện như vậy, còn mình bây giờ ngồi nghe có ai muốn bỏ về chưa? Khi họ bỏ về, Phật không ngăn mà còn bảo họ về cũng tốt. Vậy Phật không từ bi hay sao, Phật không kêu những người đó ở lại nghe pháp?

Đây, cảnh tỉnh cho những ai có lòng tự mãn, đó là: “Những kẻ tăng thượng mạn, nghe ắt không kính tin.” Khi có niệm tự cho mình là đủ rồi, tự cho mình hiểu quá rồi thì đâu cần cầu thêm nữa. Chính như vậy là tự mình sẽ ngăn mình. Nói như vậy, Phật có bỏ hạng người này không?

Trong kinh Pháp Hoa nói mọi người đều sẽ thành Phật, ai cũng thành Phật. Tại sao Phật bỏ họ, có bỏ luôn hay không? Đây quý vị nhớ lại kỹ, sẽ thấy ánh sáng Pháp Hoa lúc Phật phóng ra, nó vẫn chiếu khắp nơi phải không? Nhưng Phật có thâu lại chưa? Trong kinh cũng chưa thấy chỗ nào Phật thâu lại hết. Như vậy là sao? Phật cũng còn để dành cho họ. Còn để dành thì có lúc họ sẽ bắt gặp, tuy họ bỏ về, Phật không ngăn nhưng cũng không gạt bỏ luôn. Bởi vì dù họ đi đâu cũng không ra ngoài ánh sáng đó, hiểu như vậy quý vị không có nghi.

Khi họ về rồi Phật bảo: "Trong chúng ta đây không còn cành lá, rặt có hột chắc." Cành lá là gì? – Là chỉ cho cái tâm kia đây, lăng xăng. Còn hột chắc là không có cái tâm kia đây, chỉ nhất tâm chân thật. Chính cái tâm này mới nghe được Pháp Hoa, vào được Pháp Hoa. Cho nên đến đây chuẩn bị nói Pháp Hoa, Ngài nói với Xá Lợi Phất: “Ông hãy khéo nghe, ta sẽ vì ông mà nói.” Ngài Xá Lợi Phất mới thưa rằng: “Vâng, bạch Thế Tôn, con nguyện ưa muốn nghe.” Đó là sẵn sàng nghe, đúng lúc, đúng thời!

CHÁNH VĂN:

16 – Đức Phật bảo Ngài Xá Lợi Phất: “Pháp mầu như thế, các đức Phật Như Lai đến khi đúng thời mới nói, như bông Linh Thoại đến thời tiết mới hiện một lần. Xá Lợi Phất! Các ông nên tin lời của Phật nói không hề hư vọng.

GIẢNG:

Phật nói rõ, pháp mầu sâu xa thì phải đúng thời mới nói, nếu nói dễ dàng, người sẽ khinh thường. Xưa, thị giả thiền sư Điểu Khòa là Hội Thông theo học với Thầy thời gian, một hôm từ giã Thầy đi nơi khác.

Sư hỏi:

- Ông đi đâu?

Hội Thông thưa:

- Hội Thông vì pháp mà xuất gia, song Hòa thượng chẳng từ bi chỉ dạy, nay con xin đi các nơi tham học Phật pháp.

Sư bảo:

- Nếu là Phật pháp, ta đây cũng có chút ít.

Hội Thông thưa:
- Thế nào là Phật pháp của Hòa thượng?

Sư bứt sợi lông vải trên thân đưa lên thổi. Ngay đó Hội Thông liền lĩnh hội huyền chỉ.

Chỉ một việc bứt sợi lông vải đưa lên thôi sao trước kia sư không làm, phải đợi đến lúc này mới làm? Tức phải chờ đúng lúc thời tiết nhân duyên đầy đủ, tâm người mới khế hợp mà cảm nhận được.

Trong đây, Phật ví dụ bông linh thoại, tương truyền ngàn năm mới nở một lần. Khi nó nở là có thánh nhân ra đời, tức chỉ việc ít có, khó gặp! Cho nên Phật ân cần nhắc người khéo tin nhận, chớ vội bỏ qua!

CHÁNH VĂN:

17 – Xá Lợi Phất! Các đức Phật theo thời nghi nói pháp ý thú khó hiểu. Vì sao? Ta dùng vô số phương tiện các món nhơn duyên lời lẽ thí dụ diễn nói các pháp. Pháp đó không phải là suy lường phân biệt mà có thể hiểu, chỉ có các đức Phật mới biết được. Vì sao? Các đức Phật Thế Tôn, chỉ do một nhơn duyên lớn mà hiện ra nơi đời.

Xá Lợi Phất! Sao nói rằng các đức Phật Thế Tôn chỉ do một sự nhơn duyên lớn mà hiện ra nơi đời? Các đức Phật Thế Tôn vì muốn cho chúng sanh khai Tri Kiến Phật để đặng thanh tịnh mà hiện ra nơi đời, vì muốn cho chúng sanh chứng vào đạo Tri Kiến Phật mà hiện ra nơi đời.

Xá Lợi Phất! Đó là các đức Phật do vì một sự nhơn duyên lớn mà hiện ra nơi đời.

GIẢNG:

Các đức Phật theo thời nghi mà nói pháp là sao? Ngầm ý nói, nó không có cố định, không thể chấp vào lời nói đó, vì đó chỉ là phương tiện, chưa phải thật, phải thầm nhận ý thú ngoài lời, ngoài sự suy nghĩ, nên tiếp đó Phật bảo: “Pháp đó không phải là suy lường phân biệt mà có thể hiểu, chỉ có các đức Phật mới biết được”.  Vậy mình làm sao hiểu? Phật nói cho ai? Bởi mình cầu hiểu nên không thể hiểu. Mình càng suy thì càng trái xa. Vì pháp đó ở đâu mà mình hiểu? Mình suy? Hiểu nó là nó ở ngoài mình rồi!

Tiếp đến Phật thổ lộ nhân duyên ra đời, tức chư Phật chỉ vì MỘT NHÂN DUYÊN VIỆC LỚN mà hiện ra đời!

Sao gọi là việc lớn? Bởi nó vượt qua thời gian, không gian, không cái gì trên đời có thể so sánh, nó là cái giải quyết cả kiếp người, cả sự luân hồi trong sinh tử từ vô thủy. Ai cũng có việc lớn đó mà bỏ quên, và nhân duyên việc lớn đó là gì?

Tức là KHAI THỊ cho chúng sinh TỎ NGỘ VÀO TRI KIẾN PHẬT. Tri kiến Phật là gì? Tức cái THẤY BIẾT GIÁC NGỘ hiện sẵn nơi sáu căn của mỗi người đây.

Chúng sinh luôn nhận theo trần mà quên nó nên sống hàng ngày trong đó mà không hề hay biết, đành chịu lưu chuyển trong luân hồi. Chư Phật khai, tức đánh thức cho người NHỚ LẠI, chứ không có khai cái gì mới. Bởi cửa đó sẵn mở rồi, chỉ cần người NHỚ lại, tin nhận là xong.

Lục Tổ nói: “Một niệm tâm sáng, đó là khai tri kiến Phật.” Ngay đây, một niệm sáng tỏ không mê, tức mở ánh sáng giác ngộ chứ gì? Cho nên nói Phật khai là một phần, một phần chính yếu là mỗi người phải TỰ KHAI.

CHÁNH VĂN:

18 – Đức Phật bảo Xá Lợi Phất: “Các đức Phật Như Lai chỉ giáo hóa bồ tát, những điều làm ra thường vì một việc: chỉ đem Ttri Kiến Phật chỉ cho chúng sanh tỏ ngộ thôi.”

Xá Lợi Phật! Đức Như Lai chỉ dùng một Phật thừa mà vì chúng sanh nói pháp, không có các thừa hoặc hai hoặc ba khác.

19 – Xá Lợi Phất! Pháp của tất cả các đức Phật ở mười phương cũng như thế.

Xá Lợi Phật! thuở quá khứ các đức Phật dùng vô lượng vô số phương tiện, các món nhơn duyên lời lẽ thí dụ mà vì chúng sanh diễn nói các pháp, vì pháp ấy đều là một Phật thừa, nên các chúng sanh đó theo chư Phật nghe pháp rốt ráo đều đặng chứng “nhất thế chủng trí”.

Xá Lợi Phất! Thuở vị lại, các đức Phật sẽ ra đời cũng dùng vô lượng vô số phương tiện các món nhơn duyên, lời lẽ thí dụ mà vì chúng sanh diễn nói các pháp, vì pháp ấy đều là một Phật thừa, nên các chúng sanh đó theo chư Phật nghe pháp rốt ráo đều đặn chứng “nhất thế chủng trí”.

Xá Lợi Phất! Hiện tại nay, trong vô lượng trăm nghìn muôn ức cõi Phật ở mười phương, các đức Phật Thế Tôn nhiều điều lợi ích an vui cho chúng sanh. Các đức Phật đó cũng dùng vô lượng vô số phương tiện các món nhơn duyên, lời lẽ thí dụ mà vì chúng sanh diễn nói các pháp, vì pháp ấy đều là một Phật thừa, nên các chúng sanh đó theo chư Phật nghe pháp rốt ráo đều đặng chứng “nhất thế chủng trí.”

Xá Lợi Phất! Các đức Phật đó chỉ giáo hóa bồ tát, vì muốn đem Tri Kiến Phật mà chỉ cho chúng sanh, vì muốn đem Tri Kiến Phật cho chúng sanh tỏ ngộ, vì muốn làm cho chúng sanh chứng vào Tri Kiến Phật vậy.

Xá Lợi Phất! Nay ta cũng lại như thế, rõ biết các chúng sanh có những điều ưa muốn, thân tâm mê chấp, ta tùy theo bổn tánh kia dùng các món nhơn duyên, lời lẽ thí dụ cùng sức phương tiện mà vì đó nói pháp.

Xá Lợi Phất! Như thế đều vì để chính đặng một Phật thừa “nhất thế chủng trí.”

GIẢNG:

- Ở đây chú ý: Chư Phật đó có làm ra điều gì, đều là vì một việc: ĐEM TRI KIẾN PHẬT chỉ cho chúng sanh. Vậy còn nghi gì nữa? Phật có giấu giếm cái gì đâu. Trong đây Phật đã nói rõ, bao nhiêu việc làm sai biệt là đều hướng người về một việc: TỎ NGỘ TRI KIẾN PHẬT! Tức phải đến chư Phật, chớ không phải chỉ đạp theo dấu Phật cho là đủ! Đây là chỗ ba đời chư Phật đều chỉ dạy, không chỉ riêng Phật Thích Ca thôi.

Tại sao Phật chỉ nhắm đến việc này? Bởi các Ngài đều thấy rõ, TRI KIẾN PHẬT là cái ai ai cũng có đủ, không thiếu sót, mà không chỉ ra nó, không đánh thức nhớ lại nó, thì còn chỉ cái gì? Chính kinh Hoa Nghiêm Phật từng nói: “Lạ thay! Lạ thay! Tất cả chúng sanh đều có đủ đức tướng trí tuệ Như Lai, chỉ vì vọng tưởng chấp chước mà không thể chứng được. Nếu lìa vọng tưởng là trí thanh tịnh, trí tự nhiên, trí vô sự tự nhiên hiện tiền.”

Tóm lại, ý Phật muốn đưa người đến một Phật thừa, giác ngộ thành Phật, ngoài ra đều là phương tiện.

[ Quay lại ]