headertvtc new


   Hôm nay Thứ hai, 23/12/2024 - Ngày 23 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

KINH PHÁP HOA - PHẨM THÍ DỤ (TT 2)

CHÁNH VĂN:

Xá Lợi Phất! Khi đó Trưởng giả đều cho các con đồng một thứ xe lớn, xe đó cao rộng chưng dọn bằng các món báu lan can bao quanh, bốn phía treo linh, lại dùng màn lọng giăng che ở trên, cũng dùng đồ báu đẹp tốt lạ mà trau giồi đó, dây bằng báu kết thắt các dải hoa rủ xuống, nệm chiếu mềm mại trải chồng, gối đỏ để trên, dùng trâu trắng kéo, sắc da mập sạch, thân mình mập đẹp có sức rất mạnh, bước đi ngay bằng mau lẹ như gió, lại có đông tôi tớ để hầu hạ đó.

Nói về sự trang hoàng của chiếc xe báu.

Vì cớ sao? Vì ông Trưởng giả đó của giàu vô lượng, các thứ kho tàng thảy đều đầy ngập, ông nghĩ rằng: "Của cải của ta nhiều vô cực, không nên dùng xe nhỏ xấu kém mà cho các con, nay những trẻ thơ này đều là con của ta, đồng yêu không thiên lệch, ta có xe bằng bảy báu như thế số nhiều vô lượng nên lấy lòng bình đẳng mà đều cho chúng nó, chẳng nên sai khác".

Vì sao? Dầu đem xe của ta đó khắp cho cả người một nước hãy còn không thiếu huống gì các con. Lúc ấy, các người con đều ngồi xe lớn đặng điều chưa từng có, không phải chỗ trước kia mình trông.

GIẢNG:

Phật ví dụ trước, nói về trong quốc ấp tụ lạc có vị đại trưởng giả tuổi già, của giàu, nhiều nhà ruộng tôi tớ, nhà đó lớn mà chỉ có một cửa ra vào thôi, trong đó có người rất đông hoặc hai trăm đến năm trăm người, nhà thì hư mục, trong khi đó đồng một lúc bốn phía nhà bỗng nhiên lửa nổi lên bốc cháy, người nhiều như vậy, nhưng có hai mươi, ba mươi người con ở trong đó. Đó là điểm thứ nhất, muốn nói lên cái gì?

Ông Trưởng giả: chỉ cho Đức Như Lai.

Quốc ấp tụ lạc: Quốc là nói cõi nước lớn. Ấp: là xóm làng lớn; tụ lạc: là thôn xóm trong đó, giống như một phường hay một huyện.

Nhà lửa: chỉ cho nhà lửa tam giới.

Vậy quốc ấp tụ lạc ở đây là chỉ cái gì? - Chỉ cho cảnh giới của Như Lai, nó bao trùm hết, nhà lửa này cũng nằm trong đó, cái nhà này ở trong quốc ấp tụ lạc đó, nó chỉ là một phần nhỏ trong đó thôi, cảnh giới Như Lai này trong đó đầy đủ vô lượng công đức không thể nghĩ bàn (của giàu vô lượng). Cho nên cảnh giới này ở trước gọi là chỉ Phật với Phật mới biết thôi. Bởi vì mấy người con ở trong nhà lẩn quẩn thì làm sao biết được ở ngoài. Ở ngoài là cõi nước thành ấp tụ lạc, chỉ có ông trưởng giả mới biết, chứ mấy người con đâu có biết, cũng như mình phải không?

Mình cũng chỉ biết lẩn quẩn trong nhà lửa này thôi, còn ở bên ngoài mình đâu biết được. Cảnh giới Như Lai này chỉ có người nào ra khỏi nhà lửa thì mới biết được thôi. Như vậy nhà lửa đã thêm mục nữa thì có đáng gì đâu, mà mình quý nó không chịu ra.- Bởi sống trong tình mê.

Trưởng giả nhiều nhà ruộng, tôi tớ, là muốn nói lên cái gì? Ông Trưởng giả tuổi già là chỉ cho cái gì? - Là chỉ cho Như Lai vô sự. Bởi vì Như Lai là chỉ cho người đã ra khỏi nhà lửa tam giới, đã giải thoát rồi, Ngài như người vô sự, không có việc bận rộn nữa. Nhưng Ngài phải vào trong nhà lửa là vì mình, nên Ngài mới vào đó. Và Như Lai ở đây không phải chỉ có một cái nhà này thôi mà nhiều nhà lắm,tức là chỉ Như Lai vô trụ mà mình học trong Kinh Kim Cang, Ngài hiện khắp nơi, không ở chỗ nào, không cố định ở nhà nào hết.

Của giàu vô lượng: Đó là chỉ cho trí tuệ không ngằn mé, cái kho Như Lai đầy đủ trí tuệ diệu dụng, không thể đếm được, đây ví dụ là của giàu vô lượng, hết tính kể, không có gì so sánh được, do đó mà phần trước Phật nói trí tuệ như Ngài Xá Lợi Phất nhiều vô lượng, cộng lại suy lường cũng không biết được.

Trưởng giả giàu vô lượng, làm chủ nhà này, là chỉ cái gì? - Là chỉ cho Như Lai Ngài hiện thân trong ba cõi này nhưng Ngài vẫn tự tại, không bị lệ thuộc vào trong ba cõi. Làm chủ trong nhà đó, tức là Ngài tự tại trong đó, chứ không phải như mình bị mắc kẹt trong đó. Nhưng cái nhà đó chỉ có một cửa ra vào thôi, cửa đó là cửa gì? - Đó là cửa Tâm, ba cõi lăng xăng đó nhưng có một tâm thôi, ra vào thì cũng một tâm thôi  chớ không gì khác. Từ “tâm mê” đi vào ba cõi chịu luân hồi. Từ “tâm giác” đi ra ba cõi, giải thoát, an vui.

Cho nên chỉ có một cửa rõ ràng vậy thôi, còn nói bờ này bờ kia cũng là ngay một tâm này. Tâm này mê thì ở bờ này, giác thì qua bờ kia. Nhà to rộng vậy mà chỉ một cửa thôi, có ai thấy cửa đó chưa? Thấy cửa sao không chịu ra? Thêm điều nữa, nhà có một cửa thôi mà lại nhỏ hẹp nữa, vì sao lại nhỏ hẹp? - Đó là muốn nói lên chỗ chân thật này là chỗ rất khó tin, khó hiểu, ít người tin nổi, nên khó ra là vì chỗ đó. Quả thật cửa sẵn ở đó thôi đâu có giấu giếm gì ai, nhưng vẫn ít có người chịu ra, bởi vì vô minh che, do đó trong nhà Thiền có câu: “Nếu một bề đề cao việc này, thì cửa pháp đường cỏ cao một trượng!"

Vì nếu một bề đề cao việc đó tức là cứ nói thẳng chỗ đó thôi thì ít người tin nổi, hết người đến, thành ra pháp đường cỏ mọc cao một trượng. Vì vậy các Ngài phải dùng nhiều phương tiện nói thế này, nói thế kia, bao giờ sạch hết chấp mới sống được chỗ này. Phải sạch hết vô minh như Phật vậy đó. Phật đã sạch hết vô minh nên Ngài cần ra thì ra thôi, ra dễ dàng! Thật ra, nói ra hay vào chỉ là một lối nói, chứ nói thẳng đối với Như Lai thì Ngài không có gì ra vào nữa, vì tất cả đều ở trong tánh Như Lai, nói có ra có vào, cũng là thí dụ thôi, còn đã thấu triệt chỗ đó thì không có gì ra vào.

Ở đây Ngài thương nên vào đây để đánh thức mình, nhưng còn chưa chịu ra nữa, như những người con trong đây, ông trưởng giả thương kêu như vậy cũng không chịu ra, mấy người con đó là chỉ cho ai? Giống như mình không? Như vậy kêu hoài có ai chịu ra chưa? Nó chân thật sẵn đó nhưng lại khó tin, cho nên Ngài phải đánh thức mình, tin được thì mình ra chứ không gì khác. Rồi lầu gác hư mục, cùng một lúc lửa bỗng cháy lên, chỉ cho cái gì? - Lầu gác hư mục chỉ cho vô thường đeo đuổi tàn phá con người cũng như mọi vật ở trong ba cõi này tất cả đều chịu chung trong đó.

Dù cho Phật hay Bồ Tát hiện thân ở trong đây, mà mang cái thân này cũng phải chịu vậy thôi. Bởi vậy tám mươi tuổi Phật cũng nhập Niết Bàn. Thô thì sanh già bệnh chết nó ép ngặt, còn tế là sanh trụ dị diệt nó chi phối. Vi tế là trong tâm niệm mình, từng niệm, từng niệm nó sanh trụ dị diệt đó, nó chi phối trong từng niệm, luôn luôn vô thường.

Lửa bỗng nổi lên là sao? - Đó là muốn chỉ cho sự vô thường, nó không có gốc gác, không có cội rễ, chỉ do mê lầm mà thôi. Cho nên nó bỗng nổi lên không biết gốc gác từ đâu. Tìm gốc gác nhà lửa này tìm không ra, thấy được chỗ này, mới thấy cái sanh tử vô thường, cũng không phải có thật tánh, nên mình giác thì mình thoát được.

Trong nhà Thiền có câu chuyện Ngũ Tông đến hỏi Thiền Sư Duy Tuệ:

- Con đã học thiền nhiều năm, nhưng vẫn chưa thành tựu, bây giờ xin thầy vui lòng chỉ dạy cho con.

Ngài Duy Tuệ bảo:

- Cũng không có bí quyết, vấn đề là giải thoát sinh tử thôi.

Ngũ Tông thưa:

- Nhưng làm sao thoát sinh tử?

Thiền Sư Duy Tuệ liền lớn tiếng bảo:

- Từng niệm tưởng trôi qua là sinh và tử.

Ngay đó Ngũ Tông tâm rỗng rang, cảm nhận thấy như mình vừa đặt gánh nặng xuống.

Đơn giản, nhưng mình mới nghe qua thấy lạ, vậy giải thoát sanh tử ở chỗ nào? Mình nghe nói sanh tử sự đại, mình nghĩ Phật, Tổ nhắc nhở mình quan tâm cho thật kỹ, mình liền tưởng sanh tử là cái gì quá sức tưởng tượng. Nhưng sanh tử không phải gì khác, là chính ngay nơi từng tâm niệm của mình đó, từng niệm từng niệm trôi qua đó là sanh tử chứ gì nữa? Sanh tử không là cái bên ngoài, do đó mình giác được nó tức thấu suốt được nó thì tâm rỗng rang, lửa này không chỗ khởi, là mình thoát sanh tử, nếu còn thấy sanh tử thật là mình bị chi phối trong đó.

Cho nên mình nghe giải thoát được Niết Bàn, mình tưởng Niết Bàn là cõi nào đó. Đâu biết rằng Niết Bàn là ngay tâm niệm mình thôi, tâm mình được lặng dừng, một niệm lặng thì một niệm là Niết Bàn, còn niệm niệm được lặng là niệm niệm Niết Bàn, chứ có gì đâu, thoát sanh tử là thoát nơi tâm niệm mình, chớ có gì thoát. Do đó Ngũ Tông nghe nói vậy liền cảm nhận được, tâm rỗng rang giống như buông gánh nặng xuống, thật nhẹ nhàng!

Thấy được như vậy, thì sanh tử tức vô sanh, không phải tìm vô sanh ở đâu. Thấu được chỗ này, thì thấy mình đang ngồi trên đất trống tự thuở nào rồi không chạy đi đâu hết, chạy ra ngoài đó là thí dụ.
Một hôm Ngài Dược Sơn muốn thử nghiệm Sa Di Cao có chỗ thấy hiểu chân thật chưa, Ngài mới nói với Sa Di Cao rằng:

- Ta nghe nói ở Trường An ồn náo phải không? Sa Di Cao đáp:

- Riêng nước con thì an ổn.

Coi như mình ngồi chỗ chân thật an ổn sẵn rồi, có chạy đi đâu, chỉ tại mê thôi nên tạm gọi là kêu ra.

Ngài Dược Sơn gạn thêm nữa:

- Ông do xem Kinh mà được, hay thưa hỏi mà được?

Sa Di Cao đáp:

- Con không do xem kinh được, cũng không do thưa hỏi mà được.

Ngài Dược Sơn nói:

- Vậy nhiều người không xem kinh, cũng không thưa hỏi sao họ không được?

Sa Di Cao đáp:

- Chớ nói họ không được, chỉ vì họ không chịu nhận thôi.

Nó sẵn đó rồi, thì nói gì được với không được, chỉ tại chưa chịu nhận, nên còn lăn lộn mãi trong nhà lửa này.

Ở đây trở lại đoạn 13, nhà ông trưởng giả trong đó người rất đông, tức chỉ trong tam giới này có rất nhiều loại, nhưng trong nhà đó chỉ có mười, hai mươi, hoặc ba mươi người con thôi, đây chỉ cho trong tam giới này người rất đông nhưng người gặp Phật tu hành thì rất ít. (tiếp đoạn 14). Khi ông trưởng giả thấy lửa từ bốn phía nhà cháy lên, liền rất sợ sệt mà nghĩ rằng: ta dẫu có thể nơi cửa nhà này, ra ngoài rất an ổn, dễ dàng không có khó khăn gì hết, ta có thể dùng thân và tay của ta có sức mạnh, nên dùng vạt áo hoặc ghế đẳng từ trong nhà mà ra ngoài, nhưng mà thương mấy người con trong này phải kêu ra. Đó là muốn nói lên cái gì? Đối với Như Lai Ngài có sức tự tại với sanh tử rồi, cho nên không thành vấn đề. Ngài ra dễ dàng thôi, Ngài cũng đầy đủ sức thần thông diệu dụng, nhưng sao Ngài không dùng thần thông diệu dụng đó đem mấy người con kia ra mà phải kêu, đó là điểm phải thấy cho kỹ! Đây là muốn nói lên cái gì? - Đó là Phật muốn đánh thức họ dậy để cho họ có niềm tự tin, tự mình nhận mới giải thoát được, chứ không có thể ỷ lại từ bên ngoài mà thoát được, đây là điểm căn bản. Trong nhà thiền có câu chuyện: có vị tín đồ, một hôm vị này đang tránh mưa dưới mái hiên của một căn nhà bên đường, ông thấy có một vị Thiền sư che dù đi ngang qua, ông liền gọi to:

- Xin Thiền Sư Ngài từ bi độ khắp chúng sanh, cho con được quá giang một khoảng đường xem thế nào?

Vị Thiền Sư bảo:

- Ta thì ở trong mưa, ông ở dưới mái hiên đâu có mưa, thì đâu cần ta độ.

Vị tín đồ nghe vị Thiền Sư nói như vậy, ông liền chạy ra đứng ngoài mưa và nói:

- Bây giờ con đang ở ngoài mưa xin Ngài độ con!

- Ta cũng ở trong mưa, ông cũng ở trong mưa, ta chẳng bị mưa ướt nhân vì ta có dù, còn ông bị mưa ướt vì ông không có dù. Do đó chẳng phải là ta độ ông, ở đây cây dù nó độ ta, ông muốn được độ, xin ông tự kiếm cây dù che. Nói xong Ngài đi.

Chuyện này quý vị thấy có lý không? Đây là nhắc mình cái gì? - Rõ ràng do cây dù độ Ngài, ông muốn không bị mưa ướt thì kiếm dù che là hết bị mưa. Đó chính là chỗ này, tự mình tin nhận, mình thoát ra thôi, còn nhờ ai nữa. Do đó ở đây Phật kêu ra mà không ra, Ngài cũng đành chịu thôi chứ biết sao. Tức là: "Người này ăn, không thể người kia no được".

Đến câu chuyện của Ngài Đạo Khiêm với Thiền Sư Tông Nguyên. Ngài Đạo Khiêm ở chỗ Thiền sư Đại Huệ tham thiền thời gian lâu mà không tỏ ngộ, một hôm Ngài Đại Huệ sai Đạo Khiêm đem một lá thư cho một người ở xa, hồi xưa kia không phải như bây giờ, lên xe đi một ngày thì tới, có khi đi phải mấy tháng trời, Đạo Khiêm nghe vậy không muốn đi, Ngài than: "Ta nghĩ là ở đây tham thiền bao nhiêu năm rồi, chưa được đắc lực gì hết, bây giờ phải đi trên một quãng đường dài như vậy, thì công phu không biết ra sao?” Ngài Tông Nguyên là bạn, mà cũng là người đã tỏ ngộ rồi, thấy Đạo Khiêm than như vậy thì Ngài Tông Nguyên thúc đẩy nói:

- Huynh hãy đi, tôi sẽ cùng đi với huynh, không thể bảo rằng: trên đường đi không có công phu tham thiền được, chỗ nào cũng là chỗ công phu được hết.

Trên đường đi Đạo Khiêm than lần nữa:

- Tôi tham thiền mấy mươi năm, công phu chưa đến đâu, không biết ra sao?

Ngài Tông Nguyên mới bảo:

- Thôi bây giờ đây, những điều gì ông học hỏi được từ các Lão Hoà thượng lâu nay, hãy gạt qua một bên hết đi, ngay đây những cái gì giúp được huynh thì tôi sẵn sàng giúp hết, nhưng có năm điều huynh phải tự làm đó là: thứ nhất là đi đại, thứ hai là đi tiểu, thứ ba là ăn cơm, thứ tư là mặc áo, thứ năm là tự huynh phải mang cái thây thúi này trên suốt quãng đường đi, không ai mang thế cho huynh được.

Đạo Khiêm nghe tới đó, liền tỏ ngộ.

Có người nào tỏ ngộ chưa? Ai có thể vào đây mà mang thế cái thây cho mình? - Chính mình phải mang chớ ai mang thay thế cho mình được! Cũng vậy, chính mình sáng chứ ai sáng cho mình. Phải tự mình mở sáng ra, tự mình giác ngộ, thấy được con người thật của chính mình, đó là mở sáng trí vô sư, từ trí vô sư đó nó giúp mình giải thoát sanh tử. Còn trí mình học được của Tổ, của Phật, cũng trả về Tổ Phật mà thôi. Ở đây Phật kêu mình, mình thức tỉnh được thì mình chạy ra thôi, Ngài không dùng thần thông đưa mình ra. - Mình đang ở trong nhà lửa là một cái đã thu hẹp rồi, lại còn bám vào cái thân này nữa, là thêm lớp thu hẹp thứ hai nữa. Trong khi đó tâm chân thật của mình thì nó thênh thang nhưng mình lại không ngó ngàng tới? - Cái tâm thể chân thật này không có chỗ nào thiếu nó. Bây giờ nói gần hơn, quý vị có thể cảm nhận được như mình còn tâm chúng sanh đây tức là tâm chưa thanh tịnh gì, mà thấy nó thênh thang rồi, ví dụ ngồi đây quý vị nghĩ tới Mỹ, nghĩ tới mặt trăng, nếu mình sống trở về được với tâm thanh tịnh thì nó còn rộng lớn thế nào nữa, nhưng mình lại không chịu nhận mà cứ Đông Tây chạy giỡn nhìn cha vậy thôi, cũng không biết gì là nhà? Gì là lửa? Gì là hại? Ở trên Phật kêu ra, đó là:

Đức Như Lai trong này luôn luôn thúc đẩy, mà mình không để ý, cũng giống như ở đây, Phật kêu ra mà mình cứ lo chạy giỡn thôi. Cũng vậy, tánh giác nó ngầm ngầm thúc đẩy, nếu không thì chắc là giờ này quý vị không ngồi đây; mà nó có thúc đẩy ngầm, nên mới tỉnh phần nào đó để mà học Đạo, nghe pháp nhưng còn chưa chịu ra, vì ham vui thôi. Tức là bị cái vô minh tham ái nó che mờ không sáng được, nên không biết gì lửa? Gì là nhà? Gì là hại? Chỉ biết vui trong ngũ dục mà thôi. Cha kêu mà cứ chạy giỡn, chạy một lúc va đầu, sứt trán chịu khổ, loanh quanh chạy trong nhà lửa đó, với con mắt Phật nhìn mới thấy mình đáng thương, còn mình ở trong cảnh đó lại thấy vui.

Trong lúc đông tây chạy giỡn nhưng nhìn cha là sao? Là loanh quanh trong đó cũng không rời Như Lai, chỉ cần biết nghe trở lại, tin nhận thì thoát ra thôi. Trong nhà Thiền có câu chuyện Ngài Huệ Tịch lúc làm Sa Di ở chỗ Thiền sư Tánh Không, Ngài nghe một vị tăng hỏi Tánh Không là:

- Thế nào ý Tổ Sư từ tây sang?

Thiền sư Tánh Không đáp:

- Như có người ở giếng sâu ngàn thước, không có một tấc dây gì hết, mà ra khỏi giếng được, thì người này đáp cho ông được ý Tổ Sư.

Một thời gian sau Huệ Tịch đi tham vấn nơi khác, Ngài đến Thiền Sư Đam Nguyên hỏi:

- Người ở giếng sâu như vậy, thì làm sao ra được?

Ngài Đam Nguyên bảo:

- Ôi ! Cái đồ ngốc, ai ở dưới giếng?

Mình nghe nói ở dưới giếng thì tưởng có người ở dưới giếng thật, đó là mê.

Lúc đó Huệ Tịch nghe nói như vậy nhưng chưa tỉnh lắm. Sau đó Ngài đến Thiền Sư Quy Sơn đem câu chuyện này hỏi lại, Ngài Quy Sơn liền gọi:

- Huệ Tịch!

Ngài nghe gọi liền: Dạ!

Ngài Quy Sơn bảo:

- Ra rồi!

Quý vị thấy ra dễ không? Mình nghe gọi, liền "Dạ". Vậy sắc thân năm ấm có ngăn che gì không? Nếu ngăn che thì đâu có "Dạ” được, vậy chỉ cần “nghe trở lại” thì ra liền chớ có gì đâu. Dù cho người có nghiệp chướng sâu dầy mà nghe kêu có biết dạ không? Vậy có che được nó không? Nhưng tại sao không ra được? Tại vì chưa chịu nghe lại thôi. Ở đây Phật kêu nhưng cứ đông tây chạy giỡn, tuy vậy mà vẫn không rời Như Lai, tức nhìn Như Lai mà chạy.

Ông trưởng giả liền nghĩ: nhà này đã bị lửa lớn đốt cháy như vậy đó, mà các người con không biết lo sợ, cứ chạy giỡn hoài, ông bèn bày phương tiện, biết chúng nó ham đồ chơi, nếu đem đồ chơi ra dụ thì chúng nó sẽ chạy ra thôi. Cho nên ông bảo là để sẵn ở ngoài cửa các đồ chơi nào xe dê, xe hươu, xe trâu mà nói với các con rằng các con mau ra cha sẽ cho các con các thứ xe như thế. Mấy người con nghe cha nói đồ chơi báu đẹp vừa ý mình, nên mỗi người đều mạnh mẽ xô đẩy lẫn nhau, cùng tranh ra khỏi nhà lửa. Trước kia kêu gọi hết lời mà không ra, bây giờ nghe có xe đẹp thì chạy ra liền, giống mình chưa? Tức là nói cái gì? Ở đây dụ cho chúng sanh là luôn luôn ham thích được hưởng. Làm mà không hưởng đâu chịu làm, cũng như giờ nói tu đi thì đâu chịu, phải nói tu có phước, được quả này quả kia thì chịu lắm, bởi mình luôn luôn sống trong ngã tưởng, nên phải luôn có một cái gì đó để cho nó hưởng, nó được, mới chịu. Bây giờ bảo buông đi, buông chạy ra đây thôi, nhưng bỏ cái này thì uổng, cho nên không chịu ra, phải có được gì đó.

Do đó khi nghe nói cho ba xe liền tranh nhau chạy ra liền. Bởi vậy mà có câu: "Trước dùng dục mà dẫn dắt, sau mới đưa vào trí huệ Phật". Đối với người còn đam mê trong này nhiều quá, nếu Phật nói ráng tu để được giải thoát thì đâu chịu. Nhưng nếu bảo thôi ráng làm phước sau sanh lên cõi trời, được cái này cái kia như ý thì chịu liền dễ dàng. Như vậy cũng là cứu khổ, còn hơn là để bị đọa vào địa ngục biết bao giờ mới lên. Hoặc bảo ráng tu khổ nhọc, sau sẽ được quả Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hà, A Na Hàm, A La Hán, nghe vậy thì cũng chịu. Ở đây Phật rất khéo là như vậỵ,

Nghe nói vậy cùng tranh nhau ra, khi đến ngã tư đường, ngồi nơi đất trống, tức là giải thoát tự tại rồi, không còn lo sợ gì nữa, nhưng mà chịu chưa? Chưa chịu, còn đòi xe. Cha đã hứa, bây giờ cho chúng con xe đi, đó là chỉ cho tâm trạng chưa quên được sở đắc, ra ngoài rồi tức là đã sáng được và hiểu được đạo, nhưng vẫn còn kẹt trong sở đắc, thấy mình có được, tức là còn kẹt trên phương tiện thứ lớp của Phật. Phật nói có quả này, quả kia, là trên phương tiện thôi, nhưng mình lại kẹt trên phương tiện, cho nên nói ba xe là dụ quả Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát. Xe dê dụ cho Thanh Văn, xe hươu dụ cho Duyên Giác, xe trâu dụ cho Bồ Tát, đó là phương tiện dẫn dắt tùy theo trình độ tâm chứng của người, do tâm chứng của người có cạn sâu sai biệt mà tạm lập vậy thôi, trên tâm thể rốt ráo có hai không? Thanh Văn cũng tâm thể này, Duyên Giác cũng tâm thể này, Bồ Tát cũng tâm thể này, và Phật cũng tâm thể này, có gì khác đâu. Cũng như mình, nếu nhìn bên ngoài thì thấy có vị A La Hán khác, Bồ Tát nhứt địa khác, Bồ Tát nhị địa khác, còn nếu như mình nhìn lại chính mình thì lúc ở nhứt địa là ai, nhị địa là ai trong đó, tam địa ai trong đó, tứ địa ai trong đó, có mấy người trong đó, có ai khác không? Mình không thấy chỗ đó, chỉ nhìn bên ngoài nên mắc kẹt trên phương tiện thứ lớp của Phật, rồi còn phân chia cao thấp nữa. Ở đây thấy rõ, sống trọn vẹn trong đây rồi, thì chỉ có một tâm thể đó thôi, còn có sự sai biệt là do mình sống trọn vẹn hay chưa trọn vẹn vậy thôi. Chưa trọn vẹn thì tạm lập ra lúc này thì như vầy, lên chút nữa thì như vầy, như vầy, … đó là lúc mình chưa sống trọn vẹn, còn nếu trọn vẹn thì chỉ cái đó thôi, chớ có gì khác đâu. Do đó kinh Kim Cang nói:

- Tất cả Hiền Thánh đều do pháp vô vi mà có sai khác thôi.

Như vậy còn đòi xe, đó là chưa quên được chỗ sở đắc, ra rồi còn đòi nữa tức là đòi “được”. Cho nên Phật cho đồng một thứ xe thôi, dù trước kia là nói ba xe, nhưng bây giờ cho một thứ xe là xe trâu trắng lớn, xe đó trang hoàng đầy đủ hết, đó là nói lên cái gì? Xe trâu trắng đây là nói lên Phật Tánh bình đẳng của tất cả, nghĩa là tất cả đều có Phật tánh bình đẳng chung đó, hay gọi là giác thể không hai. Nói rằng, dù cho cả nước cũng không thiếu nữa, bởi vì ai ai cũng đều đủ chỗ này hết, có ai thiếu đâu. Nói cho, mà thật ra có cho gì đâu, mà nói thiếu nói đủ. Mình mắc kẹt trên danh từ, nghe nói cho, tưởng đâu là có được, mới nghĩ đến thiếu đủ. Chính chỗ này, trong kinh Pháp Bảo Đàn Ngài Pháp Đạt cũng nghi và thưa với Lục Tổ rằng:

- Con tụng kinh Pháp Hoa mà chưa hiểu được nghĩa kinh, xin Hòa thượng từ bi chỉ dạy cho.

Lục Tổ bảo:

- Ông đâu có biết, mình đang ngồi trên xe trâu trắng mà lại đi tìm ba xe ngoài cửa, ba xe là giả, là việc thuở xưa, còn một xe là thật, là việc hiện nay. Chỉ dạy ông dẹp các giả để trở về cái thật, sau khi trở về cái thật thì cái thật đó cũng không tên. Nên biết có những của báu, trọn thuộc về ông, do ông thọ dụng, lại không khởi cái tưởng của cha, cũng không khởi tưởng của con, cũng không khởi tưởng dùng, đến đó mới thấu triệt được.

Rõ ràng tưởng có cho, có nhận đó là lầm! Đây là của báu sẵn trong nhà thôi.

Đức Sơn hầu Ngài Sùng Tín, đêm khuya đi ra ngoài thấy trời tối, đi vào thưa với Ngài Sùng Tín là:

- Bên ngoài trời tối đen.

Ngài Sùng Tín nói:

- Tối thì ta đưa đèn cho.

Ngài đốt đèn đưa cho, Đức Sơn vừa đưa tay tiếp lấy, thì Ngài Sùng Tín thổi tắt đi. Ngay đó Đức Sơn sáng tỏ liền.

Đưa đèn là cho. Cho, nhưng người ta vừa nhận thì thổi tắt, vậy có cho gì không? Chỉ là đánh thức cái có sẵn của mình thôi. Như Lục Tổ nói: "Bao nhiêu của báu đó đều có sẵn nơi mình rồi, là do mình thọ dụng thôi".Có gì là cho là nhận. Còn nghĩ có cho có nhận, đó là còn lớp mê, cho nên mình nghe nói ba xe kẹt theo lời nói đó, liền chấp có ba xe. Khi chấp có ba xe đó rồi, còn phân biệt là cao là thấp, là lớn, là nhỏ, tôi tu đại thừa, còn anh là tu theo tiểu thừa, tôi cao anh thấp, là mắc kẹt thêm một lớp nữa. Đó là chưa được vào nhà Như Lai, còn đứng ngoài cửa, bởi đứng ngoài cửa phỏng đoán nên mới phê bình kia đây. Biết rốt ráo rồi, như Lục Tổ nói ba xe cũng là giả, chỉ có một thừa, nhưng một thừa đó cũng không phải thật, bởi vì sao? - Bởi vì còn một, còn ba là cũng còn đối đãi, một hay ba đó cũng chỉ là phương tiện thôi, và còn giả mới tạm nói là thật, như vậy thật giả cũng là hai tên đối đãi thôi, một - ba cũng là hai tên đối đãi. Khi sống được trong đây rồi, thì còn tưởng thật tưởng giả gì nữa? Sống được đây rồi, ngay đó liền dùng thôi, cũng như tay mình đây, muốn quơ thì quơ, chớ còn nghĩ phải dùng cái tay để quơ thì sao? Thì giống như có cái tay thứ hai ở ngoài mình. Còn nghĩ là cha, là con, cũng chưa thật thấu, phải biết đó chỉ là thí dụ. Cũng như nghe kêu liền dạ, nó sẵn đó bật ra vậy thôi, còn nghĩ dùng cái đó là tự mình tách rời ra.

Đoạn cuối Phật giải thích rõ, Ngài nói cho ba xe, rốt cuộc lại cho một xe thôi, vì Ngài nghĩ rằng ai cũng là con hết, nên dùng lòng bình đẳng mà cho, vì sao? Dầu đem xe đó mà cho khắp cả nước cũng không thiếu, vì ai ai cũng đều đủ hết không phải là cái bên ngoài. Lúc ấy mấy người con ngồi trên xe lớn rồi, mới đặng điều chưa từng có, không phải là chỗ trước kia mình trông. Bây giờ mới thấy ngoài sức mong đợi của mình. Nghĩa là, không mong cầu mà được, tức là ngoài chỗ hiểu biết, ngoài chỗ mình nghĩ tới. Bởi vì sao? Bởi vì ngồi sẵn trong đó rồi còn nói được gì nữa. Mình cứ nghĩ tu sau đó sẽ được cái gì đó, mà không ngờ, khi mình sáng ra là cái mình có sẵn tự bao giờ, cho nên không cầu mà được, còn có cầu mà được là thuộc bên ngoài rồi, mà có được là có mất.

Đó mới thấy được niềm vui chân thật, còn niềm vui trong ba cõi này là niềm vui vô thường, có vui có khổ, vui được chút liền mất, rõ ràng không thật.

Vì chỗ đó khó chỉ, khó nói, cho nên Phật dùng thí dụ để cho mình nhân cái đó thấy cái này thôi, vậy có ai chịu ra chưa?

CHÁNH VĂN:

Xá Lợi Phất! Ý của ông nghĩ sao, ông Trưởng giả đó đồng đem xe trâu báu lớn cho các người con, có lỗi hư vọng chăng? Xá Lợi Phất thưa: "Thưa Thế Tôn! Không, ông Trưởng giả đó chỉ làm cho các con đặng khỏi lửa, toàn thân mạng chúng nó chẳng phải là hư vọng. Vì sao? Nếu được toàn thân mạng bèn đã được đồ chơi tốt đẹp, huống nữa là dùng phương tiện cứu vớt ra khỏi nhà lửa.

Thế Tôn! Dầu ông Trưởng giả đó nhẫn đến chẳng cho một thứ xe rất nhỏ còn chẳng phải hư vọng. Vì sao? Vì ông Trưởng giả đó trước có ý nghĩ như vầy: ta dùng chước phương tiện cho các con đặng ra khỏi, vì nhơn duyên đó nên không hư vọng vậy. Huống gì ông trưởng giả tự biết mình của giàu vô lượng, muốn lợi ích các con mà đồng cho xe lớn!

GIẢNG:

Đây Phật bảo Ngài Xá Lợi Phất, ở trên ông Trưởng giả kêu ra cho ba xe, cuối cùng chỉ cho một xe thôi, vậy ông Trưởng giả đó có lỗi hư vọng không? Ngài Xá Lợi Phất thưa: Không có hư vọng, bởi vì ông Trưởng giả cứu được các người con bảo toàn thân mạng, đó là cái lợi ích lớn rồi, huống nữa là ông còn cho xe lớn, dù ông không cho xe nào cũng không hư vọng. Bởi vì sao? Bởi mục đích là cứu được thân mạng cho người con đó. Mục đích đó thành công, đâu phải là hư dối. Như Phật dùng phương tiện khiến cho mình ra khỏi nhà lửa, thoát được sanh tử luân hồi đó là lợi ích lớn rồi, chỉ bấy nhiêu đó thôi mình thấy quá vui rồi, huống nữa Phật còn chỉ ra cái tánh giác sẵn có cho mọi người, tức là Tri Kiến Phật, để cho mọi người tự nhận rồi sống với cái bất diệt đó, trong đó đầy đủ diệu dụng không thể nghĩ bàn, thì còn gì hơn nữa mà nói là hư dối. Tuy nói không được gì hết, nhưng mà tự mình được cái đã bỏ quên, mình sống lại với cái sẵn có đó, thì cái niềm vui này còn cái gì diễn tả nữa. Không có hư dối là vậy.

Cũng như ở trong nhà thiền, có người đến hỏi các Thiền Sư là:

- Thế nào là Phật?

Thì các Ngài đáp là:

- Ba cân gai!

Thì như vậy có hư dối không? Phật là ba cân gai sao? Ba cân gai không phải là Phật rồi, nhưng ở đây đánh thức ông Phật hiện tiền vô phân biệt của mình đó. Bởi vì mình đang sống trong phân biệt cho nên hỏi thế nào là Phật là cũng tìm Phật để hiểu, tức là phân biệt theo tình thức. Thiền sư muốn phá cái tình thức đó, đánh thức ông Phật hiện tiền vô phân biệt đây, cho nên nói ba cân gai mình hết nghĩ ngợi, như vậy mình mới nhận ra ông Phật thật của mình. Vậy nói ba cân gai không phải là nói suông, không phải luống uổng, không phải hư vọng. Đây cũng vậy, kêu ra cho ba xe, rốt cuộc chỉ cho một xe thôi, là chỉ cho chỗ chân thật đó, mình thấy như vậy là không hư dối, nhưng chỉ có người bắt chước nói bừa tức là mình không thấu được lẽ thật thì quả là hư dối.

CHÁNH VĂN:

Phật bảo Ngài Xá Lợi Phất: "Hay thay! Hay thay! Như lời ông nói, Xá Lợi Phất! Như Lai cũng lại như thế, Phật là cha của tất cả thế gian, ở nơi các sự sợ hãi suy não lo buồn, vô minh che tối hết hẳn không còn thừa, mà trọn thành tựu vô lượng tri kiến, trí lực, vô sở úy, có sức đại thần thông cùng sức trí huệ, đầy đủ các món phương tiện, trí huệ ba la mật, đại từ đại bi thường không hề lười mỏi. Hằng vì cầu việc lành lợi cho tất cả muôn loại mà sanh vào nhà lửa tam giới cũ mục này, để độ chúng sanh ra khỏi nạn lửa, Sanh, già, bệnh, chết, lo buồn khổ não, ngu si tối tăm, ba độc, dạy bảo cho chúng sanh đặng vô thượng chánh đẳng chánh giác.

GIẢNG:

Phật khen ngợi lời đáp của Ngài Xá Lợi Phất đó là đúng, Phật cũng như vậy. Đây là hợp pháp lại Phật có vô lượng tri kiến, trí lực, vô sở úy, dứt hết không còn thừa, đã ra khỏi sanh tử này rồi, nhưng mà bây giờ vì lợi ích cho mọi người, mọi chúng sanh, nên Ngài mới sanh trong nhà lửa này để mà độ.

CHÁNH VĂN:

Ta thấy, các chúng sanh bị những sanh, già, bệnh, chết, lo buồn, khổ não nó đốt cháy, cũng vì năm món dục tài lợi mà bị các điều thống khổ. Lại vì tham mê theo đuổi tìm cầu nên hiện đời thọ các điều khổ, đời sau thọ khổ địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ. Nếu sanh lên trời và ở trong loài người thời nghèo cùng khốn khổ, bị khổ về người yêu thường xa lìa, kẻ oán ghét lại gặp gỡ. Các món khổ như thế mà chúng sanh chìm trong đó vui vẻ dạo chơi, chẳng hay chẳng biết, chẳng kinh chẳng sợ, cũng không sinh lòng nhàm không cầu giải thoát, ở trong nhà lửa tam giới này đông tây rảo chạy dầu bị khổ nhiều vẫn chẳng lấy làm lo.

GIẢNG:

Phật thấy các chúng sanh bị sanh, già, bệnh, chết, lo buồn, khổ não nó đốt cháy. Vì sao lại có những cái này? Vì sanh, già, bệnh, chết là hiện tướng của vô thường; do vô thường mới có từ sanh đến già, cũng do vô thường mới có lúc mạnh, lúc bệnh rồi đến lúc chết, cũng do vô thường mà có thương yêu phải xa lìa. Người mình yêu mến đâu muốn xa lìa, chỉ muốn gần mãi, khi vô thường đến khiến cái duyên gì đó phải chịu xa lìa mà xa lìa thì khổ. Còn kẻ oán ghét, người mình không ưa thì đâu muốn gặp, nhưng vô thường đưa đến lại gặp nữa, cứ thế mà khổ mãi, cho nên cái khổ đã nằm sẵn trong vô thường. Phật thấy chúng sanh sống trong đó, Ngài thương nên vào đây để đánh thức; nhưng mình còn chìm trong đó không biết, không hay, cứ đông tây mà rảo chạy dầu bị khổ nhiều mà cũng không cầu giải thoát.

CHÁNH VĂN:

Xá Lợi Phất! Đức Phật thấy việc này bèn nghĩ rằng: Ta là cha của chúng sanh nên cứu chúng nó ra khỏi nạn khổ đó, ban vô lượng vô biên món trí huệ vui của Phật để chúng nó dạo chơi.

GIẢNG:

Phật thấy ai cũng như con, tức là mọi người đồng ở trong cảnh giới Như Lai đó mà mê lầm không biết, cứ nhận nhà lửa tam giới vô thường này làm nhà của mình, sống loanh quanh trong đó rồi chịu khổ. Vì vậy Phật thường hiện thân trong tam giới để đánh thức mình, tức đánh thức bầy con đang mê chạy giỡn vui trong ngũ dục đó. Vui trong ngũ dục là vui trong khổ chứ có gì? Nhưng mình không xét thấu, mình tưởng là vui, sự thật chỉ là vui tạm thôi. Nếu thế gian thật là vui, thì chắc là ở trên cõi đời này, khỏi cần bày ra những trò vui giả tạo nữa, như cải lương, phim ảnh. Người chết đã mấy trăm năm, dựng lên tuồng hát cho vui, vậy có vui thật không? Bởi vì cuộc sống nhiều khi nhọc nhằn khổ quá, xem chút cho đỡ buồn, mượn đó để tạm vui chút vậy thôi, ngoài ra còn có cái vui như đá gà, vui này là vui trên cái khổ của chúng sanh. Hễ vỗ tay cười, nhìn lại con gà đã đổ máu; hoặc xem đấu võ, dưới này vỗ tay cười là có người bị đo ván rồi, đó là vui trên cái khổ của người, vậy có thật vui chưa? Hiểu rõ như vậy mới thấy Phật nói lẽ thật, vui trong thế gian là vui trong khổ, không vui thật. Cho nên Phật đánh thức cho mỗi người nhớ lại tánh giác sẵn có của mình, để mình sống trở lại trong Vô thượng Bồ đề, cái đó mới là cái vui thật, mà ở đây Phật nói:

Ngài là cha của chúng sanh nên cứu chúng nó ra khỏi nạn khổ đó, ban vô lượng vô biên món trí tuệ vui của Phật. Đó là cái vui chân thật.

CHÁNH VĂN:

Xá Lợi Phất! Đức Như Lai lại nghĩ: Nếu ta chỉ dùng sức thần thông cùng sức trí tuệ bỏ chước phương tiện, mà vì chúng sanh khen ngợi các món tri kiến, trí lực, vô sở úy của Như Lai, ăét chúng sanh chẳng có thể do đó mà đặng độ thoát.

Vì sao? Vì các chúng sanh đó chưa khỏi sự sanh, già, bệnh, chết, lo buồn đau khổ, đương bị thiêu đốt trong nhà lửa tam giới, làm sao có thể hiểu được trí huệ của Phật.

GIẢNG:

Tức là đang sống trong đau khổ phiền não, trong tâm sanh diệt, thì làm sao hiểu được tâm thật này. Cho nên tuy Phật có sức thần thông mà không dùng cái đó, phải dùng phương tiện kêu gọi; nghĩa là Phật thấy rõ chúng sanh lẩn quẩn trong ba cõi, thí dụ lên cõi trời tuy có vui nhưng khi hết phước rớt xuống lại khổ, vậy cũng chịu trong sanh tử vô thường thôi. Trong kinh nói mấy ông trời đó sống lâu, không có tướng già như mình, nên ít nhớ tới vô thường; đến khi tuổi thọ sắp hết, nó hiện ra tướng vô thường, như là thân ra mồ hôi, hoa trên đầu héo, các hiện tướng đó xuất hiện thì họ giật mình, biết sắp chết rồi, thấy khổ sở vô cùng vì họ ít thấy chết. Vì vậy sanh lên cõi trời cũng khổ, nên ở đây nói đông tây rảo chạy cũng không ra ngoài nhà lửa đó. Phật thấy họ sống khổ như vậy, còn vô minh, còn trong tâm sanh diệt, những phiền não còn đầy đó, mà bây giờ dùng thần thông cho ở cõi Phật đi nữa thì họ có hết khổ không?

Do đó, Phật không dùng thần thông, mà dùng phương tiện để đánh thức cho mình biết là khổ, mình tu hành cho hết tham, sân, si, dừng tạo nghiệp rồi mới chỉ ra cái thật thì mới được vui, mới hết khổ, lẽ thật là như vậy, Thí dụ con chó bị ghẻ nếu đem để trên lầu năm, rồi cho nó nằm nệm, nó hết khổ không? Nó còn đang ghẻ, thì dù có lên đó nó cũng không hết ngứa được, nên cũng khổ thôi. Điều quan trọng là phải trị cho nó hết ghẻ, thì nó ở dưới này nó cũng vui nữa.

CHÁNH VĂN:

Xá Lợi Phất! Như ông Trưởng giả kia dầu thân và tay có sức mạnh mà chẳng dùng đó, chỉ ân cần phương tiện gắng cứu con thoát nạn nhà lửa, vậy sau đều cho xe trân báu lớn.

GIẢNG:

Phương tiện khiến cho mình quên cái thân tâm sanh diệt vô thường này, thì mới cảm nhận được chỗ vi diệu kia, còn bám chấp vào thân tâm sanh diệt hư giả này, và quý nó quá, mà bảo chỉ cái thật kia thì làm sao nhận nổi, đã không nhận nổi có khi còn chê bai nữa.

CHÁNH VĂN:

Đức Như Lai cũng lại như thế, dầu có trí lực cùng sức vô úy mà chẳng dùng đến, chỉ dùng trí huệ phương tiện nơi nhà lửa tam giới cứu vớt chúng sanh, vì chúng sanh nói ba thừa Thanh Văn, Duyên Giác cùng Phật thừa, mà bảo rằng: "Các ngươi không nên ưa ở trong nhà lửa tam giới, chớ có ham mê các món sắc, thinh, hương, vị, xúc thô hèn, nếu tham mê ắt sanh ái nhiễm thời sẽ bị nó đốt, các ngươi mau ra khỏi ba cõi, sẽ đặng chứng ba thừa: Thanh Văn, Duyên Giác và Phật Thừa.

GIẢNG:

Ở đây Phật nói thêm, Ngài dùng phương tiện nói ba thừa Thanh Văn, Duyên Giác và Phật Thừa, mà bảo mình tỉnh lại, không nên ưa ở trong nhà lửa tam giới này. Ở trong đó nếu tham mê thì sanh ái nhiễm, ái nhiễm là cái đốt mình khổ, cho nên phải mau ra, muốn mình tỉnh giác mà dứt cái niệm ái nhiễm, đây chính là tập nhân của khổ đế, là nhân của luân hồi sanh tử.

Trong nhà Thiền có câu chuyện:  Hòa thượng Kim Bích Phong sau khi tỏ ngộ, Sư buông hết mọi tham ái, chỉ thích một cái bát bằng ngọc chẳng rời tay. Mỗi lần trước khi ngồi thiền định, Sư lại đem cái bát cất kỹ gần bên mới an tâm. Có lần nhân tuổi thọ sắp hết, Vua Diêm La sai quỷ đến bắt Sư, song Sư cũng biết thời đã đến, mỉm cười ngồi nhập định xem Vua Diêm La làm gì. Quỷ đến bên cạnh Sư đợi một ngày, hai ngày… không thể bắt Sư, bèn đi hỏi ý thổ địa. Thổ địa bảo:

- Thiền sư Kim Bích Phong này rất thích cái bát ngọc, nếu ngươi có cách đem cái bát ấy đi, Ngài động niệm sẽ xuất định.

Quỷ nghe nói, liền nhanh đến chỗ đặt cái bát ấy làm lay động nó. Sư nghe bát động, động niệm liền xuất định giữ lại! Quỷ thấy Sư xuất định liền vỗ tay cười to:

- Hay đấy! Giờ đây xin mời Ngài theo tôi đến gặp Vua Diêm La!

Thiền sư Kim Bích Phong vừa nghe lời quỷ, biết rõ do tâm tham ái cái bát, làm mất đi huệ mạng ngàn năm của mình, liền đập vỡ cái bát ngọc, nhập định trở lại và để bài kệ:

                        Nhược nhân dục nã Kim Bích Phong
                        Trừ phi thiết luyện tỏa hư không
                        Hư không nhược năng tỏa đắc trụ
                        Tái lai nã ngã Kim Bích Phong   

        Tạm dịch:

                        Nếu người muốn bắt Kim Bích Phong
                        Trừ khi sắt luyện khóa hư không
                        Nếu hay khóa được hư không ấy
                        Trở lại bắt ta Kim Bích Phong

Đó là vì có chút tình luyến ái vật sở hữa mà tâm bị động, tâm động liền có tướng hiện, tức bị quỷ thần xem thấy. Đây là Sư còn có sức định tỉnh mạnh nếu không đã bị trở lại trong sanh tử rồi!

Một câu chuyện khác, là có một ông tướng có bộ đồ trà cổ rất quý. Ông quý bộ tách cổ đó hơn những người quen thân. Một hôm ông đang cầm mân mê xem, bỗng sảy tay rớt, ông hoảng hốt chụp lấy, lúc đó mặt ông tái xanh sợ rớt bể, thì ngay đó ông chợt tỉnh, ông  nghĩ: "Ta đã từng vào sanh ra tử, trước trận địa lớp lớp hàng hàng tên đạn, mà không có chút gì sợ sệt hết, hôm nay tại sao vì cái tách nhỏ mà sợ sệt như vậy?". Ông tỉnh lại biết vì do cái ái, thuận tay ông quăng bể luôn.

Quý vị thấy khổ trong ái luyến này chưa? Mà cái tham ái này là do si mê không thấy được lẽ thật nên mới ái thôi. Do đó mở sáng trí tuệ, thấy được lẽ thậtù, thì trừ những niệm này. Cho nên Phật kêu ra để tỉnh lại, để trừ cái tâm ái nhiễm này, phiền não này bớt, chỉ ra lẽ thật mình dễ thấy hơn. Nếu còn cái ái này, khi về cõi Phật thấy đẹp quá lại ái nữa.

CHÁNH VĂN:

Nay ta vì các ngươi mà bảo nhiệm việc đó quyết không dối vậy.

Các ngươi chỉ nên siêng năng tinh tấn tu hành. Đức Như Lai dùng phương tiện ấy để dẫn dụ chúng sanh thẳng đến, lại bảo: Các ngươi nên biết rằng pháp ba thừa đó đều là pháp của các đấng Thánh khen ngợi, là pháp tự tại không bị ràng buộc không còn phải nương gá tìm cầu, ngồi trong ba thừa này dùng các món căn, lực, giác chi, thánh đạo, thiền định vô lậu, cùng giải thoát tam muội vv… để tự vui sướng, đặng vô lượng sự an ổn khoái lạc.

GIẢNG:

Ở đây Phật nói rõ ba thừa đều là pháp của bậc Thánh khen ngợi. Như vậy Phật có chê Thanh Văn Duyên Giác không? Nhiều khi mình học không tới, liền nói pháp này là pháp tiểu thừa, pháp kia là pháp đại thừa, rồi khen chê trong đó, chính tâm khen chê đó là tâm sinh diệt. Ở đây Phật nói ba thừa đó đều là pháp của các đấng Thánh khen ngợi, nhưng đó là phương tiện, chớ lầm kẹt trên đó. Mình phải khéo nhận đến chỗ chân thật không hai, thấy đến lẽ thật đó thì mới là điểm trọng yếu. Nghĩa là mình phải quên niệm kia đây để thấy nó đồng một thể, chứ không phân biệt pháp này pháp kia, Thanh Văn, Duyên Giác đều là phương tiện để đưa mình đến chỗ chân thật không hai thôi.

CHÁNH VĂN:

Xá Lợi Phất! Nếu chúng sanh nào bề trong có trí tánh, theo đức Phật Thế Tôn nghe pháp tin nhận ân cần tinh tấn, muốn chóng ra khỏi ba cõi tự cầu chứng Niết Bàn gọi đó là Thanh Văn thừa, như các người con kia vì cầu xe dê mà ra khỏi nhà lửa.

GIẢNG:
Thanh Văn thừa đó, là do tâm mong muốn chóng ra khỏi ba cõi, tự chứng Niết Bàn dụ cầu xe dê.

CHÁNH VĂN:

Nếu có chúng sanh nào theo đức Phật Thế Tôn nghe pháp, tin nhận, rồi ân cần tinh tấn, cầu trí huệ tự nhiên, ưa thích riêng lẽ vắng lặng, sâu rõ nhơn duyên của các pháp, gọi đó là Duyên Giác thừa, như các người con kia vì cầu xe hươu mà ra khỏi nhà lửa.

GIẢNG

Đây do tâm của người mong cầu trí tuệ tự nhiên, sâu về lý nhân duyên của các pháp, ưa thích ở nơi vắng lặng riêng lẽ một mình, thì thuộc về Duyên giác thừa. Tức cũng do tâm mong muốn của người, chứ không phải là do pháp.

CHÁNH VĂN:

Nếu có chúng sanh nào theo đức Phật Thế Tôn nghe pháp tin nhận, siêng tu tinh tấn cầu nhứt thiết trí, Phật trí, tự nhiên trí, vô sư trí, các món tri kiến lực, vô úy của Như Lai, có lòng thương xót làm an vui cho vô lượng chúng sanh, lợi ích Trời, người độ thoát tất cả, hạng đó gọi là Đại Thừa. Bồ Tát vì cầu đặng thừa này thời gọi là Ma Ha Tát, như các người con kia cầu xe trâu mà ra khỏi nhà lửa.

GIẢNG:

Bồ Tát thì cũng do tâm cầu trí huệ Phật rồi rộng độ chúng sanh. Như vậy tùy theo tâm lượng căn cơ mong muốn tu hành mà thành có sai khác, chứ không phải tại nơi pháp. Nhiều khi mình phân biệt
khen chê, đó là điều không hay. Nếu mình hiểu rõ khổ đế, tập đế, diệt đế và đạo đế một cách thấu suốt, thì thấy rõ tứ đế đó không phải thuộc về tiểu thừa. Nếu nhìn bằng mắt đại thừa thì tứ đế cũng là đại thừa.

Như Phật nói khổ đế, tập đế đó là để chi? Là để mình sáng tỏ không lầm lẫn cái nhân quả sanh diệt vô thường. Vì tập đế là nhân sanh diệt đưa đến khổ đế là quả sanh diệt mình không lầm nó với thật tướng thường trụ tức không lầm nhân quả sanh diệt với thật tướng thường trụ nơi mình. Biết như vậy thì không có diệt đế, đạo đế nào riêng khác để chứng, chỉ là sống trở về chân thật nơi mình, đó là khéo chuyển tứ đế thành ra đại thừa rồi. Như vậy mình đưa tứ đế đó về nhất thừa, không còn có niệm phân biệt pháp này cao, pháp kia thấp, mà đó là tùy theo căn cơ của mỗi người.

[ Quay lại ]