headertvtc new


   Hôm nay Thứ hai, 23/12/2024 - Ngày 23 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

KINH PHÁP HOA - PHẨM PHƯƠNG TIỆN (tt 3)

CHÁNH VĂN:

    27- Cho nên Xá Lợi Phật !
           Ta vì bày phương tiện
           Nói các đạo dứt khổ
           Chỉ cho đó Niết bàn
                                                  Ta dầu nói Niết bàn
                                                  Cũng chẳng phải thiệt diệt

GIẢNG:

Niết bàn là tịch diệt vắng lặng. Nhưng Ngài nói Niết bàn đó không phải thiệt diệt, bởi vì nhiều người nghe nói Phật đến khi chết là nhập Niết bàn, cho nên mình mắc kẹt trên từ Niết bàn. Ở đây, Phật nói Niết bàn là chỉ Tâm lặng lẽ, dứt sạch những niệm phân biệt sanh diệt, thì ngay đó là Niềt bàn, chứ không phải đến Niết bàn là diệt tất cả, không còn gì hết, Phật nói rõ:

                    Ta dầu nói Niết bàn

                    Cũng chẳng phải thiệt diệt

Do đó, trong kinh Kim Cang, Phật nói: "Độ chúng sanh nào vào Niết bàn mà không có chúng sanh nào diệt độ", để chỉ rõ cái sanh tử này nó không thật, nhưng vọng tưởng này cũng không phải thật. Cho nên giác ngộ nó thì nó hết thôi, mà thể của nó vẫn sáng ngời, chớ không có vọng tưởng để diệt, cũng như không có cái sanh tử để diệt, mà ở đây nói Niết bàn là để đối với sanh tử. Vậy cũng là hai pháp đối đãi mà thôi, phương tiện mà dựng lập. Cốt yếu là mình nhận rõ lại bản tâm của mình, bản tâm vốn là sáng ngời lặng lẽ từ xưa, khi nhận rõ nó thì thấy sanh tử, Niết bàn chỉ là hai danh từ, nên không mắc kẹt trên đó. Chứ nghe nói nhập Niết bàn, rồi như vậy không biết đi đâu, không biết mình sống ra sao. Ở đây, nhập Niết bàn là sống với tâm chân thật của mình, không sanh không diệt đó, chứ không phải là đi đâu.

CHÁNH VĂN:

                Các pháp từ bổn lai
                Tướng thường tự vắng lặng
                Phật tử hành đạo rồi
                Đời sau đặng thành Phật
                Ta có sức phương tiện
                Mở bày khắp ba thừa
                Tất cả các Thế Tôn
                Đều nói đạo nhất thừa

GIẢNG:

            Ở đây Phật nói rõ:
            Các pháp từ xưa nay
            Tướng thường tự vắng lặng

Như vậy là để nói lên cái gì ? Quý vị nghe có nghe có nghi không ? Trong khi đó mình thấy nó lăng xăng đủ thứ hết, ra ngoài đường là thấy xe chạy, sao vắng lặng được ? Ở đây muốn chỉ cho thật tướng chứ không phải chỉ cho tướng hư dối này. Chính những tướng này là tướng thật tướng thôi, nhưng làm sao thấy được thật tướng này ? Mình thấy tất cả tướng hiện tại đó, nhưng không khởi tâm động niệm phân biệt trên đó, thì nó có động tịnh gì ? Có sanh có diệt gì ? Nói rõ hơn là, thấy tất cả mà không chen cái ngã này vào, dù cho có sanh diệt thì những sanh diệt này cũng như như thôi. Còn mình chen cái tôi vào mới sanh chuyện, chen cái tôi này mới có này có kia, có tôi có anh, có yêu có ghét, thì đó là sanh diệt. Còn thấy biết tất cả không chen cái tôi này vào, thấy nó là nó thôi, nó vắng lặng là như vậy, là không có niệm sanh diệt, nó là nó như vậy thôi, đó là thấy không sanh diệt. Vậy muốn nói lên ngay sanh diệt đó là vô sanh chứ không có gì khác, không phải chạy tìm cái vô sanh ở đâu, Do đó mà:

                    Phật tử hành đạo rồi
                    Đời sau đặng thành Phật

Thành Phật là thành cái sẵn tự vắng lặng đó, chứ không phải có cái khác. Và tuy mở bày nói ba thừa đó là đạo nhất thừa thôi, cốt yếu là không ngoài đưa người trở về tri kiến Phật, cho nên nói gì thì nói, Ngài cũng nhấn mạnh chỗ đó.

CHÁNH VĂN:

                    Nay trong đại chúng này
                    Đều nên trừ nghi lầm
                    Lời Phật nói không khác
                    Chỉ một, không hai thừa

GIẢNG:
Phật nhấn mạnh lại khiến cho mọi người tin chắc chắn, ngài nói phương tiện chỉ để đưa về nhất thừa.

CHÁNH VĂN:

        28 – Vô số kiếp đã qua
                Vô lượng Phật diệt độ
                Trăm nghìn muôn ức Phật
                Số nhiều không lường được
                Các thế tôn như thế
                Các món duyên ví dụ
                Vô số ức phương tiện
                Diễn nói các pháp tướng
                Các đức thế tôn đó
                Đều nói pháp nhất thừa
                Độ vô số chúng sanh
                Khiến vào nơi Phật đạo

GIẢNG:

Bao nhiêu Phật quá khứ ra đời, cũng không ngoài nói về tri kiến Phật, mở sáng tri kiến Phật, mới là căn bản, chứ đừng kẹt trên hình thức sai biệt.

            Lại các đại thánh chúa
            Biết tất cả thế gian
            Trời người loài quần sanh
            Thâm tâm chỗ ưa muốn
            Bèn dùng phương tiện khác
            Giúp bày nghĩa đệ nhất

GIẢNG:

Đây nói các bậc đại thánh chúa là chỉ cho các đức Phật. Ngài biết được thâm tâm của mọi người ưa muốn cái gì đó, tùy chỗ ham muốn đó, ngài dùng phương tiện để giúp bày cho nghĩa đệ nhất này. Những phương tiện ngài đưa ra, là để thầm nhận cái này. Ngay đó, có ai cảm nhận được chỗ phóng quang chưa? Phật phóng quang đó cũng là cái gì? Đó cũng là phương tiện khác, để giúp bài cho nghĩa đệ nhất này, bởi vì nghĩa đệ nhất này không thể diễn tả được, cho nên phóng quang đó là nhắc cho mọi người nhớ ánh sáng đó. Hiểu được ý này, quý vị đọc sách thiền thấy các thiền sư cũng dùng cách này đánh thức mình. Chẳng hạn, các Ngài đưa ngón tay hay cúi đầu hoặc là tằng hắng, lè lưỡi cũng là cái gì? Cũng là những phương tiện khác để giúp bày cho nghĩa đệ nhất này. Đưa ngón tay lên để làm gì? Để đánh thức nghĩa đệ nhất ngay trước mắt đó. Các ngài tằng hắng, lè lưỡi để đánh thức chỗ không thể nói được đó. Mình phải khéo vượt qua phương tiện đó để sống lại chính mình, soi lại mình đó là gốc. Do đó, Ngài Bá Trượng nhắc là: “đọc kinh xem giáo lý phải luôn luôn soi lại mình.”

CHÁNH VĂN:

        29 – Nếu có loài chúng sanh
                Gặp các Phật quá khứ
                Hoặc nghe pháp bố thí
                Hoặc trì giới nhẫn nhục,
                Tinh tấn, thiền, trí thảy
                Các món tu phước huệ
                Những người như thế đó
                Đều đã thành Phật đạo.
                Nếu người lòng lành dịu
                Các chúng sanh như thế
                Đều đã thành Phật đạo

GIẢNG:

Ở đây nói về các chúng sanh gặp các đức Phật trong quá khứ đã tu hành lục độ, tâm được lành dịu thuần thục thì cũng trở về Phật đạo hết. Nghĩa là lục độ đó cũng là phương tiện khác của đạo Phật, cũng từ nơi tánh giác đó nó thúc đẩy, đánh thức mình trở về thôi. Tu lục độ là tu bố thí, trì giới, nhẫn nhục… như bố thí là buông xả hết cái chấp, bớt hướng về cái ngã này, để sống trở về với tánh giác. Đó cũng là phương tiện để đưa mình tới Phật thừa.

CHÁNH VĂN:

            30 – Các Phật diệt độ rồi
                Người cúng dường xá lợi
                Dựng muôn ức thứ tháp
                Vàng, bạc và pha lê
                Xà cừ cùng mã não
                Ngọc mai khôi, lưu ly
                Thanh tịnh rộng nghiêm sức
                Trau giồi nơi các tháp
                Hoặc có dựng miếu đá
                Chiên đàn và trầm thủy
                Gõ mật cùng gỗ khác
                Gạch ngói bùn đất thải
                Hoặc ở trong đồng trống
                Chứa đất thành miễu Phật
                Nhẫn đến đồng tử giỡn
                Nhóm cát thành tháp Phật
                Những hạng người như thế
                Đều đã thành Phật đạo

GIẢNG:

Đây nói về cúng dường tháp miếu xá lợi, dựng miếu đá, v.v… Cho nên những đứa bé chơi giỡn nhóm cát thành miếu, dần dần công đức đầy đủ cũng thành Phật đạo hết.

Vậy có ai bị bỏ xót không? Những đứa bé giỡn chơi nhóm cát thành tháp Phật đó, tại sao nó không làm thứ khác mà làm tháp miếu? Tức mấy đứa bé đó nó cũng có chủng tử này, nó mới hiện ra hình tướng. Như vậy để thấy hạt giống Phật nó hiện ra rồi. Hoặc có những anh chàng say rượu vô chùa lại niệm Phật, tuy say rượu nhưng còn có hạt giống. Những vị như vậy dần dần chứa nhóm công đức đầy đủ cũng đều thành Phật đạo, chỉ là đủ duyên hoặc chưa đủ duyên phát hiện.

CHÁNH VĂN:

        31 – Nếu như người vì Phật
               Xây dựng các hình tượng
               Chạm trổ thành các tướng
               Đều đã thành Phật đạo
               Hoặc dùng bảy báu là
               Thau, đồng bạch, đồng đỏ
               Chất nhôm cùng chì kẽm
               Sắt, gỗ cùng với bùn
               Hoặc dùng keo, sơn, vải
               Nghiêm sức làm tượng Phật
               Những người như thế đó
               Đều đã thành Phật đạo.

GIẢNG:

Nghĩa là dùng các hình tượng chạm trổ hoặc những chất kim khí, gỗ hoặc keo, sơn, vải, v.v… để làm thành tượng Phật đó thì cũng đều đầy đủ công đức thành Phật đạo hết.

CHÁNH VĂN:

                Vẽ vời làm tượng Phật
                Trăm tướng phước trang nghiêm
                Tự làm vật bảo người
                Đều đã thành Phật đạo
                Nhẫn đến đồng tử giởn
                Hoặc vỏ cây và bút
                Hoặc lấy móng tay mình
                Mà vẽ thành tượng Phật
                Những hạng người như thế
                Lần lần chứa công đức
                Đầy đủ tâm đại bi
                Đều đã thành Phật đạo
                Chỉ dạy các Bồ Tát
                Độ thoát vô lượng chúng

GIẢNG:

Đây nói lên chạm trổ, vẽ tượng Phật, đó là những cái nhân lành, những hạt giống Phật nó biểu hiện ra, dần dần đầy đủ những công đức rồi cũng đều thành Phật đạo. Đây chú ý, Phật nói rõ: lần lần chứa đầy đủ công đức mới thành Phật đạo chứ không phải liền khi đó! Vậy để thấy rõ nhân quả phải được viên mãn mới thành Phật. Mình vẽ hay chạm trổ hình tượng Phật đó là cái nhân Phật biểu hiện ra, lần lần đầy đủ thì quả được viên mãn. Nhân và quả được viên mãn tương ứng với nhau thì thành Phật.

Cho thấy, đâu đâu cũng để cho mình chứa nhóm hạt giống Phật, không có chỗ nào bỏ qua. Cho nên mình không chấp cái này bỏ cái kia, hay là mình không chấp vào chút ít công phu của mình cho là đủ. Đây Phật nói rõ phải lần lần chứa những công đức đầy đủ tâm đại bi đó, chứ không phải nghe nói dùng cây bút vẽ hình tượng Phật thôi là đủ rồi, là lầm. Đó chỉ là một cái duyên, một cái nhân chứa nhóm hạt giống Phật của mình, mà còn phải bồi dưỡng những công đức cho được đầy đủ viên mãn thì mới thành tựu quả Phật.

CHÁNH VĂN:

            32 - Nếu người nơi tháp miếu
                Tượng báu và tượng vẽ
                Dùng hoa, hương, phan, lọng
                Lòng kính mà cúng dường
                Hoặc khiến người trỗi nhạc,
                Đánh trống, thổi sừng ốc
                Tiêu, địch, cầm, không hầu
                Tỳ bà, chụp chả đồng
                Các tiếng hay như thế
                Đem dùng cúng dường hết
                Hoặc người lòng vui mừng
                Ca ngâm khen đức Phật
                Nhẫn đến một tiếng nhỏ
                Đều đã thành Phật đạo

GIẢNG:

Đây Phật nói về cúng dường hương hoa, ca nhạc, tức là dùng hoa, hương, ca nhạc để cúng dường cho Phật, cho đến một tiếng khen ngợi nhỏ thôi, cũng đều thành Phật đạo hết. Như vậy, trong mọi sinh hoạt hàng ngày, mình đang sống trong ánh sáng Phật, không rời Phật thật đó một giây phút nào hết, nhưng mình lại ít để ý, tự quên, rồi lang thang chạy theo trần cảnh trong sáu trần để chịu luân chuyển. Ở đây, từ chỗ sống hàng ngày, khéo tin nhận trở về là mình đang đi trên con đường giác ngộ. Vậy, thành Phật không phải là chuyện của ai khác, mà đây là việc bổn phận của mỗi người. Coi như không ai thiếu hết, chỉ mình khéo tin nhận thôi, khéo tin nhận nơi tâm của mình, đó chính là Phật thật.

CHÁNH VĂN:

                    Nếu người lòng tán loạn
                    Nhẫn đến dùng một bông
                    Cúng dường nơi tượng vẽ
                    Lần thấy các đức Phật
                    Hoặc có người lễ lạy
                    Hoặc lại chỉ chắp tay
                    Nhẫn đến giơ một tay
                    Hoặc lại hơi cúi đầu
                    Dùng đây cúng dường tượng
                    Lần thấy vô lượng Phật
                    Tự thành đạo vô thượng
                    Rộng độ chúng vô số
                    Vào vô dư niết bàn
                    Như củi hết lửa tắt

GIẢNG:

Những người lòng tán loạn, chỉ dùng một bông cúng dường tượng vẽ, lần lần gặp gỡ các đức Phật, cũng đều thành tựu được đạo vô thượng, cho đến hơi cúi đầu, giơ tay thôi, không có chỗ nào thiếu vắng. Đây quý vị đọc thấy rõ:

                Lần thấy vô lượng Phật
                Tự thành đạo vô thượng

Thành đó là thành tự thân thôi chứ không có đạo gì ở bên ngoài mà thành. Đó là mình sống trở về với mình, cho nên những cái này là gợi cho mình sống trở lại thôi. Thành đạo vô thượng rồi thì độ vô số chúng và vô dư niết bàn, như củi hết lửa tắt.

Củi hết lửa tắt là nghiệp hết, không còn có tạo tác, không còn có chỗ để dẫn mình đi luân hồi, nên gọi là nhập niết bàn. Đây nói như củi hết lửa tắt vậy thôi chứ không nói ra sao, có người nghe nói vậy không biết nhập niết bàn ra sao, rồi suy nghĩ xem nhập chỗ nào, càng sai thêm. Nhập niết bàn là dứt nghiệp sanh tử thôi, ngay đó thì lặng lẽ, chứ không nói nhập thế nào, nhập đi đâu, còn nghĩ tới đi đâu là nghĩ tới sanh tử.

CHÁNH VĂN:

                    Nếu người lòng tán loạn
                    Vào nơi trong tháp miếu
                    Một xưng Nam mô Phật
                    Đều đã thành Phật đạo
                    Nơi các Phật quá khứ
                    Tại thế hoặc diệt độ
                    Có người nghe pháp này
                    Đều đã thành Phật đạo

GIẢNG:

Vào trong tháp xưng Nam mô Phật thôi cũng không mất nhân đó, như vậy để thấy rõ, không có chỗ nào mà nó thiếu hế. Bao nhiêu phương tiện, bao nhiêu duyên lành đều là gợi lại cái sẵn có nơi mình, mà mình không dám nhận. Do đó, cúng dường hay làm các công đức khác cũng đều soi lại nó, đó mới là Phật chính.

Tóm kết lại đoạn này, là nói tất cả các đức Phật trong thời quá khứ đã khơi dậy cho những người đó cũng thành Phật đạo. Quý vị nghe như vậy còn mình thì sao ? Các vị có khen một tiếng nhỏ, chỉ chấp tay, hơi cúi đầu thôi, rốt ráo rồi cũng thành Phật Đạo hết. Mình ở đây có ai thành chưa ? Đó là khiến cho mọi người có đủ niềm tin nơi chính mình, ai ai cũng đều có hạt giống Phật đó. Tin nhận và sống trở về cái đó thì ai cũng đủ khả năng để giác ngộ. Nếu giác ngộ mà chưa đầy đủ thì mình từ phàm tiến lên bậc Hiền, rồi dần dần lên bậc Thánh, còn sống trọn vẹn thì thành một vị Phật. Vậy là ai ai cũng đều có những cơ hội để mình gặp gỡ lại ông Phật đó hết, nhưng mình đã bỏ qua rất nhiều cơi hội. Đưa ngón tay trước tượng Phật, thì cái gì thúc đẩy đưa ngón tay lên ? Ngay đó, nếu mình nhớ trở lại, thì mình có cơ hội sống trở về rồi.

CHÁNH VĂN:

            34- Các Thế Tôn vị lai
                Số nhiều không thể lường
                Các đức Như Lai đó
                Cùng phương tiện nói pháp
                Tất cả các Như Lai
                Dùng vô lượng phương tiện
                Độ thoát các chúng sanh
                Vào trí vô lậu Phật.

GIẢNG:

Các đức Phật Thế Tôn vị lại nói pháp cũng đều đưa người về trí tuệ vô lậu thôi. Nhưng quý vị biết Phật vị lai đó là ai không ?- Đó là những vị Phật đang ngồi nghe pháp này.

CHÁNH VĂN:

                Nếu có người nghe pháp
                Không ai chẳng thành Phật

       
Nếu có người nghe pháp thì không ai mà không thành Phật cả. Vậy quý vị đang nghe pháp đây thì không phải là Phật vị lai sao ?

               Các Phật vốn thệ nguyện
               Ta tu hành Phật đạo
               Khắp muốn cho chúng sanh
               Cũng đồng đặng đạo này


Tức muốn cho mọi người đều thể nhập vào tri kiến Phật thôi.

                Các Phật đời vị lai
                Dầu nói trăm ngàn ức
                Vô số các pháp môn
                Kỳ thiệt vì nhất thừa


Ngài nhấn mạnh lại là tất cả cũng đưa về nhất thừa thôi.

                Các Phật lưỡng túc tôn
                Biết pháp thường không tánh
                Giống Phật theo duyên sanh
                Cho nên nói nhất thừa

GIẢNG:

Đây là điểm cần phải chú ý !

Lưỡng túc tôn: là đầy đủ cả hai: phước, trí trang nghiêm, tức hai điều phúc đức và trí tuệ. Một đức Phật là phải đầy đủ hai cái đó, còn thiếu một là chưa viên mãn và các Phật đó:

            Biết pháp thường không tánh
            Giống Phật theo duyên sanh

Đó là sao ? Giống Phật theo duyên sanh là nhờ duyên mà nó sanh, như vậy thành ra duyên sanh ra giống Phật sao ? Ở đây phải hiểu cho thật kỹ vì đây là lý sâu xa !

Giống Phật theo duyên sanh: cho thấy ở đây ai cũng có hạt giống Phật đó hết, nhưng mà theo duyên sanh tức là có duyên được gặp gỡ Phật, Bồ tát, Tổ, những vị Thiện tri thức nhắc lại, gợi lại mình, mình liền nhớ ra, sực tỉnh lại thì đó gọi là theo duyên sanh, chứ không phải nói cái duyên nó sanh ra hạt giống Phật.

Ngài nói các pháp không tánh, là - Không thật nhiễm hay là tịnh, không thật cố định là phàm hay là thánh, là chúng sanh hay là Phật. Mê thì gọi chúng sanh, giác thì gọi là Phật, không cố định là chúng sanh là chúng sanh thật, không cố định Phật là Phật thật. Nếu Phật cố định là Phật rồi thì mình không mong gì thành Phật được. Như vậy mê cũng không cố định là mê, ngộ thì hết mê. Vậy ngộ cũng không thật ngộ nữa, không thật có cái ngộ riêng. Do đó, nếu mình theo duyên nhiễm thì đi vào sanh tử, đó gọi là mê, còn theo duyên tịnh là trở về Niết bàn.

Vậy ngay nơi tâm thể chính mình, cái đó nó không có nhiễm-tịnh, sanh diệt gì. Khi đầy đủ nhân duyên tương ưng thì mình liền giác ngộ hạt giống Phật nơi mình, tức là tánh giác sẵn có chứ không phải cầu bên ngoài. Nó có sẵn đó, khi gặp duyên đầy đủ gợi lại thì mình nhớ lại, nó hiện ra, còn thiếu duyên thì nó ẩn.

Câu chuyện Ngài Nam Tuyền cúng trai Mã Tổ:

Một hôm Ngài cúng kỵ Mã Tổ, Ngài thử trong chúng bèn hỏi:

- Hôm nay cúng trai Mã Tổ, vậy Mã Tổ có đến hay không ?

Trong chúng không ai đáp được, vì Mã Tổ đã tịch rồi, bây giờ cúng cơm hỏi Ngài có đến không. Nói sao đây ? Lúc đó Ngài Lương Giới bước ra thưa rằng:

- Đợi có bạn liền đến

Ngay đó Ngài Nam Tuyền liền khen:

- Chú nhỏ này tuy hậu sanh cũng khéo dũa gọt.

Hỏi cúng trai Mã Tổ, Mã Tổ có đến hay không, vậy đó là Mã Tổ gì ? – Muốn đến pháp thân chân thật sẵn có nơi mình, nó đâu có hình tướng gì. Cũng giống như Mã Tổ tịch rồi, để chỉ ra cái không hình tướng thì đâu có đến, đâu có đi. Không đến không đi, thì cúng cho ai đây ? Cho nên mọi người không ai thấy được ý đó. Ngài Lương Giới hiểu rõ được pháp thân chân thật đó nên Ngài nói “ Đợi có bạn liền đến”. Có bạn là đủ duyên, đủ duyên thì liền đến. Pháp thân của mình không có hình tướng gì, nhưng đủ duyên thì nó liền hiện. Mình tu hành, khi công phu tương ứng, hay được các bậc Thiện tri thức đánh thức, gợi lại, đủ duyên mình liền cảm nhận ngay. Cảm nhận tức là đến. Giống như đây Phật nói, các hạt giống Phật theo duyên sanh là như vậy.

CHÁNH VĂN:

                Pháp đó trụ ngôi pháp
                Tướng thế gian thường còn
                Nơi đạo tràng biết rồi
                Đức Phật phương tiện nói

GIẢNG:

Chỗ này mỗi người phải nghiệm cho kỹ, pháp đó là pháp gì mà nó trụ nơi ngôi pháp, mà tướng thế gian thường còn ? Nói vậy có trái với hiện tại không? Thế gian là sanh diệt, ở đây Ngài nói “tướng thế gian thường còn !” Muốn thấy được tướng thế gian thường còn này thì phải rõ được pháp đó, mà pháp đó là pháp gì ?- Đó là chỉ cho pháp thể vô tướng, hay gọi là tri kiến Phật. Nó ở ngay ngôi pháp tức là sao ? Đây muốn cho mình thấy rõ, sum la vạn tượng đầy dẫy nó đang sanh diệt lăng xăng chỉ là trên giả tướng thôi, còn trên pháp thể vô tướng nó vẫn hằng bất động.

Nghĩa là mình thấy tất cả mà không chen cái ngã vào, thì nó là nó thôi, nên pháp đó trụ ngôi pháp. Đây là cái nào mình trả về cái đó, đừng sanh thêm tâm phân biệt vào đó, như Ngài vân Môn nói:

- Cây gậy chỉ là cây gậy thôi.

Còn mình thêm “ cây gậy của tôi”, mới sanh chuyện! Cây gậy là cây gậy, có sanh diệt gì đâu. Như vậy nó trụ ngay nơi nó thôi, mình thấy cây gậy thì cái thấy nó trụ nơi cái thấy thôi, đừng có dẫm chân vào cái khác, ngay đó mình rõ được thế gian thường còn. Đây cho thấy ngay nơi tướng sanh diệt hiện tại, nó ngầm đầy đủ cái thể bất sanh bất diệt trong đó, nếu mình đừng được niệm phân biệt thì cảm nhận ngay cái chân thật hiện hữu. Kinh Hoa Nghiêm có bài kệ”

                Nhất thiết pháp bất sanh
                Nhất thiết pháp bất diệt
                Nhược nhơn như thị giải
                Chư Phật thường hiện tiền.

    Nghĩa là:

                Tất cả pháp chẳng sanh
                Tất cả pháp chẳng diệt
                Người hiểu được như thế
                Chư Phật thường hiện tiền

Nếu thấy tất cả các pháp không sanh diệt, là mình sống trở về với tâm bất sanh bất diệt, thì ngay đó Phật hiện tiền. Còn mình theo tâm sanh diệt để sống, đem tâm sanh diệt nhìn tất cả, thì tất cả đều sanh diệt. Đó là nói về các vị Phật vị lai cũng nhắm thẳng vào việc chính đó. Bây giờ tới Phật hiện tại.

CHÁNH VĂN:

                    Hiện tại mười phương Phật
                    Của trời, người cúng dường
                    Số nhiều như hằng sa
                    Hiện ra nơi thế gian
                    Vì an ổn chúng sanh
                    Cũng nói pháp như thế
                    Biết vắng bặt thứ nhất
                    Bởi dùng sức phương tiện
                    Dầu bày các món đạo
                    Kỳ thiệt vì Phật thừa

GIẢNG:

Ở đây cần chú ý, Phật hiện ra đời cũng vì an ổn chúng sanh, nên nói pháp như thế thôi. Các Ngài biết vắng bặt thứ nhất, tức là các ngài biết, các pháp vốn là vắng bặt, nó bặt hết các nói năng suy nghĩ, vượt ngoài ngôn ngữ phân biệt, không thể bàn luận, cũng không thể dùng cái tình thức này để hiểu được. Nhưng chính vì không thể nói được, nên các Ngài phải dùng phương tiện để diễn bày, sự thật cũng vì một Phật thừa này thôi. Tùy theo tâm hạnh chúng sanh có sai biệt, nên các Ngài dùng phương tiện nói ra những phần sai biệt, hoặc nói quả này quả kia, nhưng cốt để đưa mọi người trở về tánh giác, tức một Phật thừa đây.

CHÁNH VĂN:

                    Biết các hạnh chúng sanh
                    Thâm tâm có nghĩ nhớ
                    Nghiệp quen từ quá khứ
                    Tánh dục, sức tinh tấn
                    Và các căn lợi độn
                    Dùng các món nhân duyên
                    Thí dụ cùng lời lẽ
                    Tùy cơ phương tiện nói

GIẢNG:

Phật biết chúng sanh có các nghiệp từ quá khứ, đã nghĩ nhớ cái gì, cho nên Ngài theo chỗ nghĩ nhớ đó mà dùng phương tiện để nói, để đánh thức trở lại. Bởi khi có nghĩ nhớ thì sao ? Nghĩ nhớ cái này, nghĩ nhớ cái kia tức quên mất cái hiện tiền, nên các Ngài mới phương tiện đánh thức mình trở lại.

CHÁNH VĂN:

            35 - Ta nay cũng như vậy
                Vì an ổn chúng sanh
                Dùng các món pháp môn
                Rao bày nơi Phật đạo
                Ta dùng sức trí tuệ
                Rõ tánh dục chúng sanh
                Phương tiện nói các pháp
                Đều khiến đặng vui mừng


GIẢNG:

Phật nói rõ, Ngài dùng sức trí huệ nên biết rõ tánh dục tức là lòng ham muốn của chúng sanh, mà dùng các phương tiện nói pháp khiến cho họ được vui mừng. Thí dụ như có người chưa chịu thành Phật, chưa chịu giải thoát, chỉ muốn đời sau sinh ra được sung sướng thôi, hoặc được được hưởng an vui, Phật nói thành Phật thì làm sao họ chịu, vì vậy Phật nói phải dùng phương tiện bảo họ là ráng tu tạo công đức, tu phước lành, giữ năm giới cho kỹ,thì đời sau sinh ra được tốt đẹp hoặc tu thập thiện đời sau sanh ra được lên cõi trời, khỏi rơi vào các đường dữ. Nói như vậy, đó là Phật cũng phương tiện thôi, để cho họ bắt đầu trở về dần dần, mà chưa thể nói thẳng được thành Phật.

CHÁNH VĂN:

                    Xá Lợi Phất nên biết
                    Ta dùng mắt Phật xem
                    Thấy sáu đường chúng sanh
                    Nghèo cùng không phước huệ
                    Vào đường hẻm sanh tử
                    Khổ nối luôn không dứt
                    Sâu tham nơi ngũ dục
                    Như trâu “mao” mến đuôi
                    Do tham ái tự che
                    Đui mù không thấy biết
                    Chẳng cầu Phật thế lớn
                    Cùng pháp dứt sự khổ
                    Sâu vào các tà kiến
                    Lấy khổ muốn bỏ khổ
                    Phật vì chúng sanh bày
                    Mà sanh lòng đại bi

GIẢNG:

                Phật dùng mắt Phật đó mà xem:
                Thấy sáu đường chúng sanh
                Nghèo cùng không phước huệ
   
Nghèo đây là nghèo gì ?- Nghèo phước, nghèo tuệ. Chúng sanh quá nghèo về phước đức và trì tuệ, nên mới chìm sâu trong vô minh. Chính chìm sâu trong vô minh mà luôn luôn tạo nghiệp, đi vào trong các khổ, giống như con trâu mao nó mến cái đuôi của nó. Người do tham ái nó tự che, đui mù, không có trí tuệ, nên không cầu Phật thế lớn để đi ra khỏi các khổ não đó.

Trâu mão là chỉ cho con bò rừng, lông đuôi của nó rất là dài, nó rất yêu quí giữ cái lông đuôi đó, khi đi nếu có cây gì móc vào thì nó liền dừng lại, không dám động đậy gì hết. Nhưng vì lông dài và đẹp nên cũng hay bị người bắt để lấy lông đuôi làm chui cờ, dải mũ .., vì tiếc giữ cái lông đuôi đó mà chịu khổ. Cũng giống mình đây, vì tham ái bám vào cái ngã này rồi cũng đi vào các khổ, bị những cái tham sân si nó dẫn mình đi vào trong sanh tử. Con bò rừng này bị người bắt, còn mình thì ai bắt đây ?- Bị sanh tử bắt vào trong luân hồi chịu khổ. Chính vì đó mà Phật gọi là đui mù không thấy biết.

Mình đây hai mắt mở sáng, nhưng ngài cũng nói là đui mù. Đui mù đây là thiếu trí tuệ, cho nên mở mắt mà vẫn đui là như vậy. Chính mình vì tham ái, yêu tiếc cái thân này, nên nó dẫn mình đi luân hồi hoài hoài không dứt. Thí dụ khi sắp chết, thân này nó sắp mất rồi, thì sao đây ? Bỏ không đành, vì mình đã sống với nó vài chục năm, bây giờ bỏ nó đâu đành. Cứ quyến luyến, tiếc không thể bỏ nó được, nhưng bất ngờ nó rã thì liền chụp cái khác để thế vào, có phước thì chụp được cái tốt tốt, nếu thiếu phước lỡ chụp vào có hai sừng thì mệt, vì lúc đó đụng cái gì chụp cái nấy thôi, đâu có lựa chọn được.

Chỉ người có trí tuệ, có đạo lực mạnh làm chủ được, thì mới có thể lựa chọn. Cho nên Phật mới sinh lòng đại bi mà giáo hóa để đánh thức mình trở lại.

CHÁNH VĂN:

            36 - Xưa, ta ngồi đạo tràng
                     Xem cây cùng kinh hành
                    Trong hai mươi mốt ngày
                    Suy nghĩ việt như vầy:

Đây Phật thuật lại, khi Ngài thành đạo, Ngài đi kinh hành, trong hai mươi mốt ngày đó Ngài suy nghĩ:

                    Trí huệ của ta đặng
                    Vi diệu rất thứ nhứt
                    Chúng sanh các căn chậm
                    Tham vui si làm mù
                    Các hạng người như thế
                    Làm sao mà độ đặng ?

GIẢNG:

Ngài thấy rằng, trí tuệ mà Ngài chứng được đó, nó quá vi diệu, khó nói, khó diễn tả được, trong khi đó chúng sanh căn chậm lụt, bi tham vui si mê che lấn nên bị mù. Tham vui mà si là sao ? – Tham vui theo ngũ dục, chìu theo cái ngã này, nên không thấy được lẽ thật, vọng chấp vào đó là si, hạng người như vậy, làm sao mà độ đặng đây, do đó Ngài muốn nhập Niết Bàn.

CHÁNH VĂN:

                    Bấy giờ các Phạm Vương
                    Cùng các trời Đế Thích
                    Bốn thiên vương hộ đời
                    Và trời Đại tự tại
                    Cùng các thiên chúng khác
                    Trăm nghìn ức quyến thuộc
                    Chắp tay cung kính lễ
                    Thỉnh ta chuyển pháp luân

GIẢNG:

Đến đây các vị Trời Đế Thích , Phạm Vương, Tứ Thiên Vương, Trời Đại tự tại, cùng các quyến thuộc đó, cùng đến để thỉnh Ngài chuyển pháp luân.

CHÁNH VĂN:

                    Ta liền tự suy nghĩ
                    Nếu chỉ khen Phật thừa
                    Chúng sanh chìm nơi khổ
                    Không thể tin pháp đó
                    Do phá pháp không tin
                    Rớt trong ba đường dữ
                    Ta thà không nói pháp
                    Mau vào cõi Niết Bàn
                    Liền nhớ Phật quá khứ
                    Thật hành sức phương tiện
                    Ta nay chứng đặng đạo
                    Cũng nên nói ba thừa

GIẢNG:

Ngài thương xót, cho nên phương tiện nói. Như vậy ngay buổi đầu Phật đã thổ lộ cho mình thấy rõ, chỗ chân thật đó vượt ngoài ngôn ngữ, không thể diễn tả được, không thể nói bày được. Nhưng giờ đây, từ chỗ không thể nói đó, mới phương tiện nói ra, vậy có nói ra đều là phương tiện cả, mình chớ chấp theo phương tiện đó, mà phải thấy tột ý ban đầu kìa, ý sâu xa đó ! Chỗ này là chỗ Ngài ngầm đánh thức mình, phải thầm nhận ý ngoài lời.

CHÁNH VĂN:

            37 - Lúc ta nghĩ thế đó
                    Mười phương Phật đều hiện
                    Tiếng phạm an ủi ta
                    Hay thay! Đức Thích Ca
                    Bực đạo sư thứ nhứt
                    Đặng pháp vô thượng ấy
                    Tùy theo tất cả Phật
                    Mà dùng sức phương tiện
                    Chúng ta cũng đều đặng
                    Pháp tối diệu thứ nhứt
                    Vì các loài chúng sanh
                    Phân biệt nói ba thừa

GIẢNG:

Lúc đó thì mười phương, các đức Phật hiện ra khen ngợi ngài: hay thay! Đức Thích Ca, ngài đã đặng pháp vô thượng, mà các đức Phật đều chứng đặng như vậy, pháp đó là pháp tối diệu thứ nhất, nhưng vì các loài chúng sanh mới phân biệt nói ra ba thừa, nghĩa là, các pháp chứng nghiệm của các Ngài đó rất là khó nghĩ bàn được, chỉ tự thầm chứng thôi, nên mình vừa nghĩ đến nó là sai rồi. Bởi vậy trong nhà thiền hỏi: “thế nào là đại ý của Phật pháp?” Bị đánh liền. Muốn hiểu nó tức là biến nó thành ra cái bị hiểu rồi, nên các ngài chỉ đánh thôi, đánh cho mình bật suy nghĩ để tự thầm nhận, nhưng ở đây vì:

CHÁNH VĂN:

                    Trí kém ưa pháp nhỏ
                    Chẳng tự tin thành Phật
                    Cho nên dùng phương tiện
                    Phân biệt nói các quả
                    Dầu lại nói ba thừa
                    Chỉ vì dạy Bồ Tát

GIẢNG:

Do mọi người trí còn kém nên ưa pháp nhỏ, ưa pháp nhỏ là sao? Cũng như mình nói tu giải thoát thành Phật chưa chịu, phải từ từ có được chút chút gì đó thì mình mới chịu. Ví dụ bảo: “tu phải tu rốt ráo viên mãn trở về chính mình thôi không được gì hết”. Thấy cũng hơi buồn. Tu năm ba năm thì chứng được cái quả gì đó, hoặc lên được bức tranh thứ ba thứ tư nào đó thì thấy an ủi, đó là ưa pháp nhỏ. Cho nên ở đây ngài nói rằng:

- Chẳng tự tin thành Phật.

Bởi vậy các ngài nói các quả, có quả Thanh Văn, Duyên Giác, Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm… nhưng sự thật chỉ một tâm này thôi, chớ có gì khác.

Thí dụ tu chứng Tu đà hoàn, thì Tu đà hoàn là ai? Tư đà hàm là ai? Có phải người nào khác không? Cũng một tâm này thôi, do phiền não của tâm mình nó bớt được bao nhiêu. Nếu bớt được một phần là chứng tu đà hoàn, bớt phần nữa thì chứng tư đà hoàn, bớt phần nữa chứng A Na Hàm, còn phiền não hết thì chứng A La Hán, đó là phương tiện chứ không phải thật. Cho nên ngài nói:

                    Dẫu lại nói ba thừa
                    Chỉ vì dạy Bồ Tát

Dầu ngài nói ba thừa cũng chỉ dạy Bồ Tát thôi.

CHÁNH VĂN:

                38 – Xá Lợi Phất nên biết!
                       Ta nghe các đức Phật
                       Tiếng nhiệm màu rất sạch
                       Xưng: “Nam mô chư Phật!”
                       Ta lại nghĩ thế này
                       Ta ra đời trược ác
                       Như các Phật đã nói
                       Ta cũng thuận làm theo

GIẢNG:

Khi Ngài nghe chư Phật nói như vậy, Ngài nghĩ lại, Ngài ra đời trong đời ác trược này, cho nên Ngài cũng phải tùy thuận theo các Đức Phật đó.

CHÁNH VĂN:

                    Suy nghĩ việc đó rồi
                    Liền đến thành Ba Nại
                    Các pháp tướng tịch diệt
                    Không thể dùng lời bày
                    Bèn dùng sức phương tiện
                    Vì năm tỳ kheo nói.

GIẢNG:

Từ chỗ không nói đó, ngài phải dùng phương tiện nói ra, nên mới vì năm tỳ kheo ở vườn Lộc Dã mà nói pháp.

CHÁNH VĂN:

                    Đó gọi chuyển pháp luân
                    Bèn có tiếng Niết Bàn
                    Cùng với A La Hán
                    Tên pháp, tăng sai khác.

GIẢNG:

Từ đây mới có tên Niết Bàn, có tiếng A La Hán, có tiếng Pháp Tăng. Vậy Niết Bàn, A La Hán, Phật, Pháp, Tăng, những tên này là gì? Từ chỗ không tên mà tạm bày có tên. Ban đầu không thể nói, rồi đến vườn Lộc Dã Phật nói pháp Tứ Đế, mới có tên Niết Bàn. Nói Tứ Đế, khi dứt sạch được phiền não chứng được Niết Bàn có tên A La Hán, có được năm vị, tức năm vị đó là có tăng, gồm đủ Phật – Pháp – Tăng – Tam Bảo. Đó cũng là cái tên, mình phải thấy lại các gốc, chứ đừng mắc kẹt trên tên đó. Nghĩa là Phật hay Pháp hay Tăng đó là gốc từ đâu? – Phật là tâm sáng suốt, Pháp là tâm chân thật, Tăng là tâm thanh tịnh chới gì! Đó là cái chân thật nơi mình. Còn Phật, Pháp, Tăng, tên bên ngoài đó là những tên phương tiện.

CHÁNH VĂN:

                    Từ kiếp xa vẫn lại
                    Khen bày pháp Niết Bàn
                    Dứt hẳn khổ sống chết
                    Ta thường nói như thế


Do đó, ngài khen pháp Niết Bàn để giải thoát sanh tử.

CHÁNH VĂN:

              39 - Xá Lợi Phất phải biết
                    Ta thấy các Phật tử
                    Chí quyết cầu Phật đạo
                    Vô lượng nghìn vuông ức
                    Đều dùng lòng cung kính
                    Đồng đi đến chỗ Phật
                    Từng đã theo các Phật
                    Nghe nói pháp phương tiện
                    Ta liền nghĩ thế này:
                    Sở dĩ Phật ra đời
                    Để vì nói Phật huệ
                    Nay chính đã đúng giờ

GIẢNG:

Đây là Phật thuật lại, ngài thấy bao nhiêu người chỉ quyết cầu Phật đạo đó, đều dùng lòng cung kính đi đến chỗ Phật nghe pháp phương tiện từ đó tới nay, đến đây là đúng giờ rồi, đến đây tâm tâm được tương ưng. Như vậy, khi đúng thời, đúng lúc, hai bên tương ưng nhau, nói ra, gợi lại, thì mình liền cảm thông, cái này không phải do một bậc gì, hay do quyền lực tối cao đem đến cho mình mà nói sẵn nơi mình thôi, nhưng mình chưa nhận được, bởi vì chưa đúng thời, và mình chưa đủ lòng tin thuần thục, cho nên Phật phải chờ đúng giờ là như vậy.

CHÁNH VĂN:

                    Xá Lợi Phất phải biết!
                    Người căn chậm trí nhỏ
                    Kẻ chấp tướng kiêu mạn
                    Chẳng thể tin pháp này

GIẢNG:

Kẻ chấp tướng, kiêu mạn thì không thể tin nổi pháp này. Bởi vì sao? – Kiêu mạn, chấp tướng là muốn đưa nó lên thôi, thấy giả tướng này bám vào nó, đâu tin được chân thật kia, cho nên khó tin.

CHÁNH VĂN:

                    Nay ta vui vô úy
                    Ở trong hàng Bồ Tát
                    Chính bỏ ngay phương tiện
                    Chỉ nói đạo vô thượng
                    Bồ Tát nghe pháp đó
                    Đều đã trừ lưới nghi
                    Nghìn hai trăm La Hán
                    Cũng đều sẽ thành Phật

GIẢNG:

Đến đây là đã tự tin mình thành Phật rồi, trước là Thanh Văn nay thành Bồ Tát, vậy quý vị thấy sao? Trước là Thanh Văn tin được rồi thì đến: đây là Bồ Tát, như vậy các pháp thường không tánh rõ ràng, cũng như mình ở đây, tin được cái này thì mình chuyển phàm tiến lên thánh và

                Nghìn hai trăm La Hán
                Cũng đều sẽ thành Phật

La Hán này cũng thành Phật hết, đâu phải A La Hán hoài

CHÁNH VĂN:

                    Như nghi thức nói pháp
                    Của các Phật ba đời
                    Ta nay cũng như vậy
                    Nói pháp không phân biệt.

GIẢNG:

Phật kết lại, ngài cũng tuân theo nghi thức của chư Phật đó mà nói pháp, phương tiện nói thành ba thừa, nhưng rốt lại cũng đưa vào nhất thừa.

CHÁNH VĂN:

                   Các đức Phật ra đời
                    Lâu xa khó gặp gỡ
                    Chính sử hiện ra đời
                    Nói pháp này khó hơn
                    Vô lượng vô số kiếp
                    Nghe pháp này cũng khó
                    Hay nghe được pháp này
                    Người đó cũng lại khó

GIẢNG:

Ở đây, khiến mình có thêm niềm tin, các đức Phật đó ra đời khó gặp gỡ rồi, Phật ra đời nói pháp này càng khó hơn, mình nghe được pháp này càng khó hơn nữa. Nghe đây có hai phần, nghe bằng lỗ tai là một, còn nghe thấu qua lỗ tai nữa. Hay nghe được pháp này tức tin nhận sâu xa tự tâm mình đó, thì người đó thật là ít có nữa.

CHÁNH VĂN:

                    Thí như hoa linh hội
                    Tất cả đều ưa mến
                    Ít có trong trời người
                    Lâu lâu một lần trổ.

GIẢNG:

Đây là ngài nhắc nhở, mình được cái duyên lành đó không phải là dễ dàng, cho nên chớ bỏ qua cơ hội, nghe được, tin nhận được thì tin liền. Bởi vì từ vô lượng kiếp mình trầm luân trong sanh tử này, bây giờ chợt nghe được điều này, tức là hạt giống này đang sống dậy, không chịu tin nhận thì đợi gì nữa? Nếu tin nhận được cái này, còn gì vui sướng hơn! Cho nên ngài nói ít có.

CHÁNH VĂN:

                    Người nghe pháp mừng khen
                    Nhẫn đến nói một lời
                    Thời là đã cúng dường
                    Tất cả Phật ba đời.

GIẢNG:

Nghe pháp tin nhận, mừng khen, thì ngài nói đó là cúng dường ba đời chư Phật rồi, quý vị cúng dường như thế này thì khỏe hơn đi mua đồ cúng dường không? Ở đây Phật muốn nói rằng: mình cúng dường Phật là tin nhận trở lại mình, nghe lời Phật ứng dụng thực hành sống trở về, đó mới là cúng dường chân thật. Còn cúng dường bằng hương hoa là để mình gieo duyên lành sống trở lại cái này.

                    Người đó rất ít có
                    Hơn cả hơn cả hoa Ưu Đàm
                    Các ông chớ có nghi
                    Ta là vua các pháp
                    Khắp bảo các đại chúng
                    Chỉ dùng đạo nhất thừa
                    Dạy bảo các Bồ Tát
                    Không Thanh Văn đệ tử

GIẢNG:

Phật ân cần dặn đi dặn lại, quả là hết tình vì mình rồi đó. Ngài chỉ dùng đạo Nhất thừa để dạy thôi, chứ không Thanh Văn đệ tử. Như vậy ngài bác bỏ hàng Thanh Văn đệ tử hay sao? Đây nói Thanh Văn đệ tử đó, cũng là dẫn dắt trở về thôi, thật sự ý ngài không phải nằm chỗ đó.

CHÁNH VĂN:

                    Xá Lợi Phất các ông!
                    Thanh Văn và Bồ Tát
                    Phải biết pháp màu này
                    Bí yếu của các Phật.

GIẢNG:

Ngài nhấn mạnh, pháp này là bí yếu của chư Phật, bí yếu chỗ nào? – Đó là chỗ sống của chư Phật, chư Phật đều gìn giữ chỗ đó, gặp người tương ưng thì mới thâm trao cho, đó là chỗ sống ngay nơi nội tâm của mọi người, mà mọi người không hay biết. Nếu sống rời cái này tức là sao? – Tức là mê. Nhưng chỗ đó không phải riêng của chư Phật mà mọi người ai cũng đều có; mình phải dừng cái niệm lăng xăng, tìm cầu bên ngoài; thầm nhận trở lại thôi. Vì đó là chỗ khó diễn tả, cho nên gọi là chỗ bí yếu.

CHÁNH VĂN:

                        Bởi đời ác năm trược
                        Chỉ tham ưa các dục
                        Những chúng sanh như thế
                        Trọn không cầu Phật đạo.

 Theo các dục nên không thành giác ngộ.

                        Người ác đời sẽ tới
                        Nghe Phật nói nhất thừa
                        Mê lầm không tin nhận
                        Phá pháp đọa đường dữ.
                        Người tàm quý trong sạch
                        Quyết chí cầu Phật đạo

Người có lòng tàm quý trong sạch đó, thì quyết chí cầu đến Phật đạo tức cầu đến giác ngộ

                        Nên vì bọn người ấy
                        Rộng khen đạo nhất thừa
                        Xá Lợi Phất nên biết
                        Pháp các Phật như thế
                        Dùng muôn ức phương tiên
                        Tùy thời nghi nói pháp
                        Người chẳng học tập tu
                        Không hiểu đạo pháp này.

GIẢNG:

Đây phải nhớ, pháp mà các Phật tùy nghi nói ra, người không có học tập tu, thì không hiểu đặng pháp này, vì sao hỏi? – Vì pháp này không phải pháp để nói suông trên văn tự, trên ngôn ngữ, mà phải thể nghiệm nơi chính mình mới có thể hiểu được pháp này.

CHÁNH VĂN:

                        Các ông đã biết rõ
                        Phật là thầy trong đời,
                        Việc phương tiện tùy nghi
                        Không còn lại nghi lầm
                        Lòng sanh rất vui mừng
                        Tự biết sẽ thành Phật

GIẢNG:

Rất vui mừng là sao? – Tự biết sẽ thành Phật, chứ không phải phỏng đoán lờ mờ, mà chắc chắn sẽ thành Phật, nói nhiều rồi cũng quy về chỗ tự biết thôi. Đó là điều mà mỗi người phải tự kiểm lại, từ trước đến nay Phật nói nhiều phương tiện rồi cũng để nhấn mạnh lại chỗ sống trở về tánh giác của mình, rốt cuộc là tự thầm nhận nơi chính mình. Mà cái thành Phật ở đây là thầm nhận lại cái sẵn có nơi mình thôi, chỗ này mình cảm nhận được rõ ràng, chứ không phải chỗ này do chư Phật, Chư Tổ bên ngoài nói, không thể nghiệm được, đó cũng thiếu thực tế. Mà đây mình tự biết được rõ ràng, đó là lẽ thật trăm phần trăm.

 ( hết phẩm phương tiện)

[ Quay lại ]