headertvtc new


   Hôm nay Thứ năm, 26/12/2024 - Ngày 26 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

KINH PHÁP HOA - PHẨM THÍ DỤ

CHÁNH VĂN:

- Lúc bấy giờ Ngài Xá Lợi Phất hớn hở vui mừng, liền đứng dậy chắp tay chiêm ngưỡng dung nhan của Đức Phật mà bạch Phật rằng: "Nay con theo đức Thế Tôn nghe đặng tiếng pháp này, trong lòng hớn hở đặng điều chưa từng có. Vì sao? Con xưa theo Phật nghe pháp như thế này, thấy các vị Bồ Tát được thọ ký thành Phật, mà chúng con chẳng được dự việc đó, tự rất cảm thương mất vô lượng tri kiến của Như Lai.

Thế Tôn! Con thường khi một mình ở dưới cây trong núi rừng, hoặc ngồi, hoặc đi kinh hành, hằng nghĩ như vầy: Chúng ta đồng vào pháp tánh, tại sao đức Như Lai lại dùng pháp tiểu thừa mà tế độ cho?
Đó là lỗi của chúng con chớ chẳng phải là

Thế Tôn vậy. Vì sao? Nếu chúng con chờ Phật nói pháp sở nhơn thành đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thời chắc do pháp đại thừa mà

đặng độ thoát. Song chúng con chẳng hiểu Phật phương tiện theo cơ nghi mà nói pháp, vừa mới nghe Phật nói pháp, vội tin nhận suy gẫm để chứng lấy.

Thế Tôn! Con từ xưa đến nay trọn ngày luôn đêm hằng tự trách mình, mà nay được từ Phật nghe pháp chưa từng có, trước chưa hề nghe, dứt các lòng nghi hối, thân ý thơ thới rất được an ổn. Ngày nay mới biết mình thật là Phật tử, từ miệng Phật sanh ra, từ pháp hóa sanh, đặng pháp phần của Phật.

GIẢNG:

Đây là phẩm Thí Dụ, nhưng trong Kinh Pháp Hoa nói có bảy thí dụ chính, còn có thêm hai thí dụ phụ nữa, bảy dụ là:
- Một là dụ nhà lửa (trong phẩm thí dụ).
- Hai là dụ cùng tử, là đứa con bỏ cha đi lang thang nghèo đói (trong phẩm Tín giải).
- Ba là dụ cỏ thuốc (trong phẩm Dược Thảo Dụ).
- Bốn là dụ Hóa Thành, Bảo Sơ.û
- Năm là dụ Hạt châu, hạt châu buộc trong chéo áo.
- Sáu là dụï Kế châu, hạt châu trên núi tóc của vua.
- Bảy là dụ Phu y tử, là thầy thuốc và các người con
Đó gọi là bảy dụ chính, thêm hai dụ phụ là:
- Người đói gặp cơm vua không dám ăn ở phẩm Thọ Ký.
- Thí dụ ở trên cao nguyên đào giếng trong phẩm Pháp Sư.

Vậy có bảy thí dụ chính và hai thí dụ phụ, nhưng

ở đây lấy phẩm này đặt tên là phẩm Thí Dụ, vì phẩm này Phật nói về thí dụ nhà lửa, ba xe gồm xe dê, xe hươu, xe trâu; để nói lên bản hoài của Phật ra đời.

Phật ra đời là việc lớn, là một đại sự nhân duyên để Khai Thị cho chúng sanh Ngộ Nhập Tri Kiến Phật, đưa thẳng đến Nhất Thừa, đây là Tông chỉ của Kinh Pháp Hoa muốn nhắm, cho nên phẩm này đặt tên là Phẩm Thí Dụ.

Qua phẩm Phương Tiện, Phật đã nói rõ, Phật ra đời nói pháp tam thừa, nói những phương tiện để đưa về nhất thừa là chính, nên đến đây Ngài Xá Lợi Phất vui mừng hớn hở, Ngài đứng dậy bạch Phật, thưa rằng: Ngài từ trước đến giờ, đã theo Thế Tôn nghe pháp, nhưng hôm nay nghe được pháp này trong lòng rất vui mừng hớn hở, được điều chưa từng có, vì sao? Vì từ trước đến giờ nghe thấy các vị Bồ Tát được Phật thọ ký thành Phật, nhưng mình tại sao không được dự vào việc đó. Ngài nói, Ngài tự cảm thương mất đi vô lượng tri kiến của Như Lai. Và thường ở một mình dưới gốc cây hoặc ngồi hay đi kinh hành, Ngài nghĩ mình cũng đồng vào trong pháp tánh, tại sao Đức Như Lai dùng pháp Tiểu thừa mà tế độ, không dùng pháp Nhất thừa này để độ, rồi Ngài tự trách, trách mình chớ không phải trách Thế Tôn, trách là sao? - Ngài nói rằng, nếu mình chờ Phật nói pháp sở nhân thành đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, Phật nói chỗ thành Phật đó, thì được từ đại thừa mà vào, mà được độ thoát. Đây vì do không hiểu được phương tiện của Phật, cho nên vừa nghe nói liền tin nhận, rồi suy gẫm để chứng lấy, không hiểu đó là phương tiện.

Như vậy, Ngài Xá Lợi Phất đến đây Ngài có chỗ tin nhận, cho nên mới hoan hỷ và tỏ bày: "Nghe được tiếng pháp này trong lòng rất là hớn hở, được điều chưa từng có", chỗ chưa từng có đó là chưa từng có ở chỗ nào? - Ở chỗ lâu nay Ngài nghe Phật thọ ký cho các vị Bồ Tát này, Bồ Tát kia, tưởng như mình là không có phần đó, cho nên tự trách mình sao mất việc đó. Giờ đây được nghe Phật nói thẳng ra, mới chợt nhận ra mình cũng có phần chứ không mất, vậy còn gì vui hơn! Chính đây là niềm vui khi Ngài tin nhận mình có việc đó.

Con từ xưa đến nay trọn ngày luôn đêm hằng tự trách mình, mà nay được từ Phật nghe pháp chưa từng có, trước chưa hề nghe, dứt các lòng nghi hối, thân ý thơ thới rất được an ổn.

Đối với Ngài Xá Lợi Phất, mình chưa đến cảnh giới chứng A La Hán như Ngài, chưa hiểu được hết lòng của Ngài, nói gần hơn như:

Thiền giả Trí Hoàng, ban đầu tham học nơi Ngũ Tổ, tự cho mình có sở chứng, mới cất am ngồi thiền mãi, trải qua 20 năm. Đệ tử của Lục Tổ Huệ Năng là Huyền Sách nghe danh Ngài liền đến am hỏi rằng:

- Ông ở đây làm gì?

Trí Hoàng nói:

- Nhập định

Huyền Sách hỏi:

- Ông nói nhập định là có tâm nhập hay không tâm nhập? Nếu không tâm nhập thì tất cả vô tình cỏ cây, ngói đá nên được định, nếu có tâm nhập thì tất cả loài hữu tình hàm thức cũng nên được định hết. Bởi vì chúng sanh cũng có tâm thì như vậy là sao? Ngài Trí Hoàng mới nói:

- Tôi chính khi nhập định chẳng thấy có "cái có tâm và không tâm."

Huyền Sách nói:

- Chẳng thấy có tâm và không tâm tức là thường định, sao lại có xuất nhập, nếu có xuất nhập tức không phải Đại Định.

Ngài Trí Hoàng nghe nói như vậy thì giật mình và hỏi Ngài Huyền Sách là:

- Thầy là đệ tử của ai?

Ngài Huyền Sách trả lời:

- Thầy tôi là Lục Tổ ở Tào Khê.

Sau đó, Ngài Huyền Sách hướng dẫn Ngài Trí Hoàng đến gặp Lục Tổ, Lục Tổ chỉ bày khơi thông cho, sau đó Ngài mới đại ngộ, tâm sở đắc trong 20năm qua đều dứt sạch hết, bây giờ mới thật sự thấu suốt.

Quý vị thấy nhập định tu 20 năm, mà cũng còn chỗ vướng kẹt, Ngài Huyền Sách hướng dẫn đến Lục Tổ, được Lục Tổ khai thị và ấn chứng cho, thì mới thật sự thấu suốt được chỗ này, đâu phải đơn giản. Cho nên vừa mới nghe, mình vội chứng lấy tức là không thấy sâu được ý Phật. Xá Lợi Phất do trước kia vừa nghe vội  chứng lấy, mà không biết đó là phương tiện của Phật. Nên Phật nói lý Tứ Đế để dứt khổ, đó là phương tiện giúp cho mình đang khổ được dứt khổ, nhưng dứt khổ còn lại cái gì? Cũng như sạch hết phiền não, sạch hết sanh tử còn lại cái gì? Phật cũng chưa nói cái đó, mới nghe đến đó đã vội chứng lấy tức chưa thấy được ý sâu, cho nên gọi là Thanh Văn. Thanh Văn là từ nghe mà được. Còn đây dẫn vào Nhất Thừa ngay nơi tâm mà chứng, chứng mà không có chỗ chứng, nên nó sâu xa. Ngài Xá Lợi Phất nói: "Nghe điều chưa từng nghe". Để thấy điều này nó ngoài ngôn ngữ, đến đây mới biết mình thật là Phật tử, từ miệng Phật sanh ra, tức là không còn nghi gì nữa, từ pháp mà hóa sanh, tức là sống trong pháp, không còn hư dối, rồi được pháp phần của Phật là tin nhận có phần thành Phật, có phần Tri Kiến Phật không còn thấy thiếu mất.

                    Con nghe tiếng pháp này
                    Được điều chưa từng có
                    Lòng rất đỗi vui mừng
                    Lưới nghi đều đã trừ

Đến đây là tin chắc đại thừa đó rồi.

                    Xưa nay nhờ Phật dạy
                    Chẳng mất nơi đại thừa
                    Tiếng Phật rất ít có
                    Hay trừ khổ chúng sanh
                    Con đã được lậu tận
                    Nghe cũng trừ lo khổ.


Ngài nói là nghe tiếng Phật ít có đó, trừ khổ  chúng sanh, sạch hết các lậu, chẳng còn rớt lại trong sanh tử nữa, nghe đó Ngài cũng đã trừ các khổ rồi.

                    Con ở nơi hang núi
                    Hoặc dưới cụm cây rừng
                    Hoặc ngồi hoặc kinh hành
                    Thường suy nghĩ việc này

Ngài thuật lại Ngài luôn luôn nghĩ đến việc này.

                    Than ôi! Rất tự trách
                    Sao lại tự khinh mình
                    Chúng ta cũng Phật tử
                    Đồng vào pháp vô lậu
                    Chẳng được ở vị lai
                    Nói pháp vô thượng đạo
                    Sắc vàng, băm hai tướng
                    Mười lực các giải thoát

Nghĩa là mình cũng được trong pháp vô lậu đó, mình cũng là Phật tử, tại sao không được có cái việc của Phật như vậy.

                    Đồng chung trong một pháp
                    Mà chẳng được việc đây
                    Tám mươi tướng tốt đẹp
                    Mười tám pháp bất cọng
                    Các công đức như thế
                    Mà ta đều đã mất

Ngài thuật lại tâm trạng lúc trước tự trách mình, cũng là nghi, nghi mình cũng có việc đó mà chưa dám tin, thấy người ta ngộ được thọ ký, xét lại mình cũng là người có tâm, cũng có tu giải thoát như vậy, mà sao không thể ngộ, không thể chứng được việc đó, chính đó là tâm niệm đưa mình đi tới.

                    Lúc con kinh hành riêng
                    Thấy Phật ở trong chúng
                    Danh đồn khắp mười phương
                    Rộng lợi ích chúng sanh
                    Tự nghĩ mất lợi này
                    Chính con tự khi dối.

Thấy Phật ở trong chúng tiếng tăm vang khắp làm lợi ích chúng sanh, nghĩ mình sao mất lợi đó.

                    Con thường trong ngày đêm
                    Hằng suy nghĩ việc đó
                    Là mất hay chẳng mất?

GIẢNG:

Hỏi: Là mất hay không mất? Ngay câu này quý vị thấy sao? Nếu ngay câu này mà khéo soi lại thì xong việc. Chính khi mình nghĩ mất hay không mất đó, thì soi lại tâm đó xem? có mất đi đâu không? Nếu soi lại thấy tâm đó là đầy đủ đâu có mất, ngay tâm đó mình soi lại thì giống Ngài Lâm Tế bị Hoàng Bá đánh "Có lỗi hay không lỗi". Bởi vì nghi có lỗi hay không lỗi mà quên mất chính mình. Khi nghi mất hay không mất thì ngay đó có mất không? Thấy lại tâm nghi đó thì xong.

                    Con thường thấy Thế Tôn
                    Khen ngợi các Bồ Tát
                    Vì thế nên ngày đêm
                    Suy lường việc như vậy.

Ngài cũng có hạt giống đó trước rồi, cho nên thấy Thế Tôn khen ngợi các Bồ Tát, thì ngày đêm cũng suy lường như vậy, tức việc hôm nay Ngài có được đây không phải là chuyện ngẫu nhiên, mà là đã từng ôm ấp việc này lâu rồi, nhưng chưa đủ duyên chín mùi.

                    Nay nghe tiếng Phật nói
                    Theo cơ nghi dạy pháp
                    Vô lậu khó nghĩ bàn
                    Khiến chúng đến đạo tràng
                    Con xưa chấp tà kiến
                    Làm thầy các Phạm Chí.

Ngài thuật lại, trước kia Ngài chưa gặp Phật, Ngài thờ ngoại đạo Phạm Chí là ông San xà Dạ, rồi làm thầy của mấy trăm vị Phạm Chí, chấp theo tà kiến.

                    Thế Tôn rõ tâm con
                    Trừ tà nói Niết Bàn
                    Con trừ hết tà kiến
                    Đặng chứng nơi pháp không.

Ngài sạch hết tà kiến trụ nơi pháp không, nhưng chưa rõ được bất không, thấy không mà chưa thấy cái bất không.

                    Bấy giờ lòng tự bảo
                    Đặng đến nơi diệt độ
                    Mà nay mới tự biết
                    Chẳng phải thiệt diệt độ
                    Nếu lúc đặng thành Phật
                    Đủ ba mươi hai trướng
                    Trời, người, chúng Dạ xoa
                    Rồng, thần đều cung kính
                    Bấy giờ mới được nói
                    Dứt hẳn hết không thừa.

Trước nói diệt độ mà nay chưa phải thật, đây là diệt độ nhưng trên còn có Phật, Bồ Tát, Duyên Giác. Vậy là còn có sai biệt chưa thật hết. Đến khi thành Phật dứt hẳn không còn gì trên nữa.

                    Phật ở trong đại chúng
                    Nói con sẽ thành Phật
                    Nghe tiếng pháp như vậy
                    Lòng nghi hối đã trừ.

Đến đây nghe Phật nói mình cũng thành Phật, Ngài hết nghi, tức là bây giờ nói ông có sẵn nơi đó rồi.

                    Khi mới nghe Phật nói
                    Trong lòng rất sợ nghi
                    Phải chăng ma giả Phật
                    Não loạn lòng ta ư?

Mới nghe Phật nói cho rằng chắc ma giả rồi, tại sao? - Tại trước nói khác, bây giờ như nói khác, trước nói tu dứt khổ đến Niết Bàn đó là giải thoát, dứt sanh tử rồi. Đến đây Phật nói chưa phải thiệt diệt độ, vậy trước nói khác, sau nói khác? Nên tưởng như ma giả Phật gạt mình.

                    Phật dùng các món duyên
                    Thí dụ khéo nói phô
                    Lòng kia an như biển.

Đây Ngài thuật lại, lúc mới nghe chưa dám tin, bởi vì ngoài sức tưởng tượng quá. Nhờ Phật khéo thí dụ nói bày, khiến lòng an ổn.

                    Con nghe lưới nghi dứt
                    Phật nói thuở quá khứ
                    Vô lượng Phật diệt độ
                    An trụ trong phương tiện
                    Cũng đều nói pháp đó
                    Phật hiện tại, vị lai
                    Số nhiều cũng vô lượng
                    Cũng dùng các phương tiện
                    Diễn nói pháp như thế.

Tức là trước Phật nói vô số Phật quá khứ, Phật hiện tại, Phật vị lai ra đời, dùng bao nhiêu phương tiện nói pháp tam thừa, nhưng rốt cục lại cũng quy về nhất thừa thành Phật thôi, Ngài nghe như vậy Ngài biết, rồi tin nhận.

                    Như Thế Tôn ngày nay
                    Từ sanh đến xuất gia
                    Đặng đạo chuyển pháp luân
                    Cũng dùng phương tiện nói
                    Thế Tôn nói đạo thật
                    Ba tuần không nói được
                    Vì thế con định biết
                    Không phải ma giả Phật

Đến đây Ngài mới tin rõ ràng không phải ma giả Phật, đó là Ngài vượt qua phương tiện. Trước kia mới nghe, thấy Thế Tôn sao bây giờ nói khác trước, tưởng đâu ma giả Phật gạt mình. Chính chỗ này mới thấy, niềm tin sâu rồi, thì không mắc kẹt trên ngôn ngữ sai biệt, mà mình chấp trên ngôn ngữ sai biệt có khi dễ nghi lầm, đây tin nhận như vậy mới thật tin.

Bây giờ quý vị, nghe Hòa thượng dạy như vậy cũng hay, giả sử nghe người khác hay hơn thì có đổi thay không? Hoặc nếu nghe Hòa thượng nói ngược lại, thì có rung động không? Như Ngài Đại Mai khi Ngài nhận hiểu rõ ràng rồi, dù cho ông thầy nói khác đi cũng không có nghi ngờ. Ngài hỏi Mã Tổ:

- Thế nào là Phật?

Mã Tổ đáp:

- Tức tâm tức Phật.

Ngài tỏ sáng tin nhận được, bèn về núi ở tu một thời gian dài, Mã Tổ thấy vắng lâu quá, mới sai ông Tăng đi dò xem, và dặn ông Tăng là Ngài Đại Mai có nói gì thì về thuật lại cho Mã Tổ nghe, đến nơi ông Tăng hỏi Ngài:

- Hòa thượng được gì về đây, ở trong núi vậy?

Ngài Đại Mai đáp:

- Ta đến Mã Tổ hỏi: "Thế nào là Phật", Mã Tổ đáp: "Tức tâm tức Phật". Từ đó ta tin nhận được, về ở núi tới nay.

Ông Tăng nói:

- Bây giờ Mã Tổ không nói vậy nữa, mà nói là: "Phi tâm phi Phật". Tức không phải tâm, không phải Phật.

Gặp người khác nghe như vậy, thì chới với rồi sanh nghi: ủa, sao trước ông nói với mình vậy, mà bây giờ lại nói khác, tức là còn kẹt trên ngôn ngữ.

Còn Ngài Đại Mai nghe vậy liền nói:

- Ông già đó làm loạn thiên hạ không có ngày nào thôi, mặc ông phi tâm phi Phật, ta chỉ biết tức tâm tức Phật thôi.

Sau đó ông tăng về trình lại với Mã Tổ, nghe xong Mã Tổ khen:

- Trái mai đã chín.

Vậy đó mới thật chín mùi, còn mình nghe khác liền nghi, là không phải thứ thật. Ở đây khi mới nghe, Ngài Xá Lợi Phất thấy cũng hơi nghi, chắc ma chứ không phải Phật. Khi nghe Phật dùng phương tiện rõ ràng, thì mới biết những điều Phật nói trước kia đó là phương tiện, phương tiện thì không phải thật, cho nên Ngài tin chắc không nghi, tức vượt qua ngôn ngữ phương tiện, không bị ngôn ngữ nó che. Tin như vậy, thì không còn ai lay động được nữa.

                    Con sa vào lưới nghi
                    Cho là ma làm ra
                    Nghe tiếng Phật êm dịu
                    Sâu xa rất nhiệm mầu
                    Nói suốt pháp thanh tịnh
                    Tâm con rất vui mừng
                    Nghi hối đã hết hẳn
                    An trụ trong thiệt trí
                    Con quyết sẽ thành Phật
                    Được trời, người cung kính
                    Chuyển pháp luân vô thượng
                    Giáo hóa các Bồ Tát.


Ở đây Ngài tin tưởng mình có cái thật trí đó, và có phần thành Phật. Đây cũng là điểm ngầm nói lên, điều này là điều khó tin khó hiểu, không thể dùng tâm suy nghĩ hay là hiểu biết thông thường mà biết được. Bởi vậy Ngài Xá Lợi Phất trước kia, cũng đã từng theo Phật nghe pháp rồi, vậy mà mới nghe qua còn chưa dám tin, thì thấy điều này ngoài sức suy nghĩ, ngoài sức tưởng tượng.

CHÁNH VĂN:

Lúc bấy giờ, đức Phật bảo Ngài Xá Lợi Phất: "Ta nay ở trong hàng Trời, người, sa môn, bà la môn mà nói. Ta xưa từng ở nơi hai mươi muôn ức Phật vì đạo vô thượng nên thường giáo hóa ông, ông cũng lâu dài theo ta thọ học ta dùng phương tiện dẫn dắt ông sanh vào trong pháp ta".

Xá Lợi Phất! Ta thuở xưa dạy ông chí nguyện Phật đạo, ông nay đều quên mà bèn tự nói đã được diệt độ. Ta nay lại muốn khiến ông nghĩ nhớ bổn nguyện cùng đạo đã làm, mà vì các Thanh Văn nói kinh đại thừa tên là: "Diệu Pháp Liên Hoa Giáo Bồ Tát Pháp Phật Sở Hộ Niệm".

GIẢNG:

Ngài Xá Lợi Phất tin nhận rõ ràng rồi, Phật chờ tới đó thôi, Phật mới thọ ký, như vậy việc thọ ký, cũng không phải thọ ký gì khác. Khi tin nhận rồi thọ ký cái đã sẵn, còn khi chưa tin nhận, có nói ra mình cũng đâu cảm nhận. Trước khi thọ ký Phật tuyên bố rõ ràng giữa chúng mà nhắc lại: "Xưa kia Ngài đã dạy Xá Lợi Phất chí cầu Phật đạo rồi mà bỏ quên, ở đây nhắc lại thôi. Việc này không phải việc mới có. Ngài Xá Lợi Phất có chánh nhân đã sẵn rồi, hôm nay đầy đủ duyên thuần thục Phật nhắc lại là duyên nhân vậy thôi, chánh nhân như hạt giống sẵn có, còn duyên nhân là mình vun bón thêm phân cho nảy nở.

Nhìn Ngài Xá Lợi Phất rồi nhìn lại mình, có khi mình cũng từng nghe Phật dạy quá nhiều rồi tại mình bỏ quên thôi. Có thể nói là hằng ngày Phật dạy mình rất nhiều, đâu là chỗ Phật dạy? Ngay chỗ thấy nghe hằng ngày đây, hằng ngày thấy nghe là tri kiến Phật nằm sẵn đó.

Nghe thì cái gì nghe? Thấy thì cái gì thấy? Thấy  nghe tất cả là ông Phật Như Lai cũng đang ngồi chỗ thấy nghe đó, ông ngồi đó nhắc mình luôn luôn mà mình không nhớ! Nếu nhớ lại thì thấy ra là Phật nhắc nhở mình hằng ngày mà mình quên.

Cho nên Phật nói: ta đã từng dạy ông bao nhiêu lâu rồi, bây giờ cũng nhắc lại chuyện đó thôi chứ không phải chuyện mới có. Khi Phật nhắc như vậy rồi Ngài mới thọ ký, để cho thấy việc thọ ký ở đây, không phải nhân Ngài thọ ký mới có việc này, mà việc này là việc sẵn rồi.

CHÁNH VĂN:

Xá Lợi Phất! Ông đến đời vị lai quá vô lượng vô biên bất khả tư nghì kiếp, cúng dường bao nhiêu nghìn muôn ức Phật, phụng trì chánh pháp đầy đủ đạo tu hành của Bồ Tát, sẽ thành Phật hiệu là Hoa Quang Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật Thế Tôn.

GIẢNG:

Phật thọ ký cho Xá Lợi Phất thành Phật, không phải ngay đây thành Phật liền, mà qua đời vị lai vô lượng vô biên bất khả tư nghì kiếp, cúng dường bao nhiêu nghìn muôn ức Phật, phụng trì chánh pháp đầy đủ đạo hạnh Bồ Tát rồi thành Phật, hiệu Hoa Quang Như Lai. Nếu mình được thọ ký tới đó thì không vui rồi phải không? Thọ ký qua vô lượng vô biên bất khả tư nghì kiếp, chứ không phải là từ một trăm kiếp, như vậy để nói lên cái gì? - Để chỉ rõ việc thọ ký thành Phật là thành cái sẵn có đây, chứ không phải thành cái mới có. Cái tri kiến Phật đây nó vượt ngoài thời gian, với nó thời gian không thành vấn đề. Còn mình nghe nói thọ ký thời gian dài như vậy, sanh buồn hoặc là mong thọ ký sớm thành Phật là sao? - Thứ nhất là kẹt thời gian lâu mau, thứ hai là mong cái có được cho sớm là sai rồi, có được tức có mất. Cái này có sẵn rồi còn gì được mất, trải qua bao nhiêu ngàn kiếp thì Nó vẫn là Nó. Đùó là thấy vượt ngoài thời gian, mới thật sự là cảm nhận được cái này, còn nhìn trên lâu - mau, nhanh - chậm, đó là mắc kẹt.

Ngài thành Phật là Hoa Quang Như Lai, đó cũng là tương ứng với túc nhân của Ngài, Xá Lợi Phất là vị Trí tuệ bậc nhất trong hàng đệ tử của Phật, nên ở đây thành Phật Hoa Quang. Hoa là chỉ cho cái nhân, nhân nở thành quả. Quang là ánh sáng trí tuệ, cái nhân đó thành tựu cái quả đó, gồm mười hiệu là Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật Thế Tôn. Như vậy mỗi vị khi thành Phật rồi thì cũng đầy đủ mười hiệu trên, là vốn không hai. Nhưng ở đây thành Phật đó phải trải qua tu đầy đủ đạo hạnh của Bồ Tát rồi mới thành Phật, tức là đầy đủ bao nhiêu công đức, đầy đủ sai biệt trí, tập khí sạch hết, nhân và quả được viên mãn, chớ không phải thành Phật là Phật sẵn rồi không cần gì tu. Trong nhà Phật có câu: "Không có Thích Ca tự nhiên hay Di Lặc trời sanh".

Tức là không có để tự nhiên mà thành, không phải nói sẵn rồi cứ để như vậy là xong, không phải công phu gì hết.

CHÁNH VĂN:

Nước tên Ly Cấu, cõi đó bằng thẳng, thanh tịnh đẹp đẽ an ổn giàu vui, Trời, người đông đảo, lưu ly làm đất, có tám đường giao thông, dây bằng vàng ròng để giăng bên đường, mé đường đều có hàng cây bằng bảy báu, thường có bông trái. Đức Hoa Quang Như Lai cũng dùng ba thừa giáo hóa chúng sanh.

GIẢNG:

Cõi nước này rất đẹp đẽ, không giống như cõi Ta bà ở đây, đủ gò, nỗng, cao, thấp, đủ thứ xấu. Đêå chỉ cho Ngài Xá Lợi Phất thành Phật rồi thì tâm Ngài thanh tịnh nên cõi nước Ngài cũng thanh tịnh.

CHÁNH VĂN:

Xá Lợi Phất! Lúc đức Phật ra đời dầu không phải đời ác mà bởi bổn nguyện nên nói pháp ba thừa Kiếp đó tên là "Đại Bửu Trang Nghiêm". Vì sao gọi là "Đại Bửu Trang Nghiêm"? Vì trong cõi đó dùng Bồ Tát làm "Đại Bửu" vậy. Các Bồ Tát đó số đông vô lượng vô biên bất khả tư nghị, tính kể hay thí dụ đều không kịp đến được, chẳng phải sức trí tuệ của Phật không ai có thể biết được. Khi muốn đi thì có bông đỡ chân.

GIẢNG:

Cho thấy rõ trong thời kỳ này không phải thời ác trược, đó là kiếp của nhiều người phước đức đầy đủ, thuộc về kiếp tăng, chứ không phải là kiếp giảm, kiếp ác trược như mình ở đây.

CHÁNH VĂN:

Các vị Bồ Tát đó không phải hàng mới phát tâm, mà đều đã trồng cội đức từ lâu. Ở nơi vô lượng trăm nghìn muôn ức đức Phật, tịnh tu phạm hạnh hằng được các Phật ngợi khen. Thường tu trí huệ của Phật, đủ sức thần thông lớn khéo biết tất cả các pháp môn, ngay thật không dối, chí niệm bền vững, bậc Bồ Tát như thế, khắp đầy nước đó.

GIẢNG:

Trong nước đó Bồ tát rất là nhiều, như toàn là Bồ tát.

CHÁNH VĂN:

Xá lợi Phất! Đức Phật Hoa Quang, thọ mười hai tiểu kiếp, trừ lúc còn làm Vương tử chưa thành Phật. Nhơn dân nước đó thọ tám tiểu kiếp. Đức Hoa Quang Như Lai quá mười hai tiểu kiếp thọ ký đạo Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác cho Kiên Mãn Bồ Tát mà bảo các Tỳ kheo: Ông Kiên Mãn Bồ Tát này kế đây sẽ thành Phật hiệu là Hoa Túc An Hành Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, cõi nước của đức Phật đó cũng lại như thế.

Xá Lợi Phất! Sau khi Phật Hoa Quang đó diệt độ, chánh pháp trụ lại trong đời ba mươi hai tiểu kiếp, tượng pháp trụ đời cũng ba mươi hai tiểu kiếp.

GIẢNG:

Ở đây Xá Lợi Phất khi thành Phật đó, cõi nước tốt đẹp, kiếp số tốt đẹp, chúng trong đó cũng tốt đẹp luôn. Nước tên là Ly cấu, tức lìa nhơ nhớp, đâu đâu cũng là trang nghiêm tốt đẹp. Vì nó tương ưng với các trí tuệ, nghĩa là nơi nơi hiển bày trí tuệ đó thôi, chỗ nào cũng tốt đẹp thanh tịnh, tức chỗ nào cũng hiển bày trí tuệ hết, nếu mình hiểu theo thông thường thì sẽ không thấy được ý này. Nên có câu: "Rỡ rỡ hoa vàng đều là Bát Nhã." Nhìn thấy hoa nở đó cũng là hiển bày Bát Nhã, chỗ nào cũng là chỗ trang nghiêm, chỗ ly cấu.

Sở dĩ mình thấy có chỗ nhơ, chỗ sạch, rồi có chỗ cao, chỗ thấp, chỗ thì núi cao thật là cao, sông sâu thật là sâu, bởi vì sao? - Vì tâm mình sai biệt quá nhiều, có khi thì hiểm độc như là hố sâu, có lúc cao mạn giống như núi cao. Tâm đó là tâm bất bình thường, nên nhìn đâu cũng thấy bất bình thường. Còn ở đây sống trong trí tuệ, thấy rõ đâu đâu cũng là Bát Nhã, cho nên đâu đâu cũng là trang nghiêm, cũng là thanh tịnh.

Khi Phật Hoa Quang sắp tịch, thọ ký cho Bồ Tát Kiên Mãn tên là Hoa Túc An Thành Như Lai, cái tên này cũng nói lên một ý nữa. Kiên Mãn là gì? Kiên là bền vững, Mãn là trọn vẹn. Hoa Túc An Hành, Hoa là hoa, còn Túc là chân, An Hành là bước đi an ổn. Nếu mình với tâm bền vững trọn vẹn tiếp nối Tri Kiến Phật vậy đó, thì chỗ đi của mình được an ổn, mỗi bước đi là mỗi bước chân nở hoa, cho nên thọ ký cho Bồ Tát Kiên Mãn, là ý muốn nhắc mình tu hành chứ không có gì khác, cũng chỉ cho chỗ chân thật đó không dứt mất đứt đoạn mà có sự liên tục không mất.

Như vậy quý vị thấy, Phật ở trước là Phật Nhựt Nguyệt Đăng Minh, từ Tri Kiến Phật Đăng Minh truyền xuống thì sao? Phật truyền nhau, truyền nhau sáng mãi không dứt. Như vậy mỗi người đều có đầy đủ Tri Kiến Phật, nhận rõ Tri Kiến Phật đó thì thấy rõ là cái sẵn tự bao giờ, không lúc nào thiếu vắng. Người cảm nhận sâu rồi mới thấy, dù cho ở trong thời không có Phật đi nữa, cái đó cũng không mất, tại sao mình không nhận ra sống với cái đó, mà cứ mãi sống với "cái còn cái mất" này. Thực sự là lúc Phật chưa ra đời, chánh pháp này diệt mất, vắng bóng ở thế gian, mà cái đó có mất không? - Cũng không mất.

Sở dĩ Phật không ra đời, chánh pháp vắng bóng, đó là bởi chúng sanh nghiệp tập nặng, cho nên không ai nhắc nhở, không ai biết hết, thì tạm gọi là mất. Khi Phật ra đời thì sao? - Phật nhắc lại, có người nhận ra thì thấy rõ cái đó không bao giờ mất.

Đây nói rõ, khi Phật sắp tịch thì thọ ký cho Bồ Tát Kiên Mãn tiếp nối thành Phật, tức cái đó không mất, mình còn chỗ nương tựa chứ không phải là không, cũng muốn nói lên Tịch hay Diệt chỉ là thân này diệt thôi, chứ còn cái chánh pháp nhãn tạng đó, tức cái Tri kiến Phật đó, nó đâu có mất. Nếu mình nhìn trên thân tướng bảo là Phật có sanh có diệt, đó là không thấy được Như Lai rồi. Bởi vậy người học theo kiểu học giả nói rằng: Phật tu hành khổ nhọc chứng Niết Bàn bất sanh bất diệt, nói cho nhiều, cuối cùng tám mươi tuổi rồi cũng chết, mấy vị A La Hán cũng chết hết, vậy chứng Niết Bàn ở chỗ nào? Thành Phật ở chỗ nào? Nhìn theo kiểu đó là nhìn theo kiểu gì? Kiểu học chữ nghĩa thôi, không thấy được chỗ sâu xa, vậy thành Phật là thành cái thân này sao? Hết thân này không còn là Phật, nhìn cách đó là cái nhìn thô thiển. Thật sự thành Phật là thành trí tuệ chân thật này, thân này diệt chứ cái kia đâu có diệt, thấy như vậy mới thấy chỗ thành Phật, mới thấy ý sâu xa của Phật pháp.

Phật thọ ký xong rồi, lúc ấy Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ:

                    Xá Lợi Phất đời sau
                    Thành Đấng Phật trí khắp
                    Hiệu rằng: Phật Hoa Quang
                    Sẽ độ vô lượng chúng
                    Cúng dường vô số Phật
                    Đầy đủ hạnh Bồ Tát
                    Các công đức thập lực
                    Chứng đặng đạo vô thượng
                    Quá vô lượng kiếp rồi
                    Kiếp tên Đại Bửu Nghiêm
                    Cõi nước tên Ly Cấu
                    Trong sạch không vết nhơ
                    Dùng lưu ly làm đất
                    Dây vàng giăng đường sá

GIẢNG:

Đây nói lên việc thọ ký cho Ngài Xá Lợi Phất tên là Phật Hoa Quang, cõi nước tên Ly Cấu, Kiếp tên Đại Bửu Nghiêm, cõi nước rất là tốt đẹp không có các thứ dơ xấu.

                    Cây bảy báu sắc đẹp
                    Thường có hoa cùng trái
                    Bồ Tát trong cõi đó
                    Chí niệm thường bền vững
                    Thần thông ba la mật
                    Đều đã trọn đầy đủ
                    Nơi vô số đức Phật
                    Khéo học đạo Bồ Tát
                    Những Đại Sĩ như thế
                    Phật Hoa Quang hóa độ.

Nói về chúng của Phật Hoa Quang đều là những Phật Bồ tát, thần thông ba la mật đều đầy đủ

                    Lúc Phật làm Vương tử
                    Rời nước bỏ vinh hoa
                    Nơi thân cuối rốt sau
                    Xuất gia thành Phật đạo

                    Phật Hoa Quang trụ thế
                    Thọ mười hai tiểu kiếp
                    Chúng nhơn dân nước đó
                    Sống lâu tám tiểu kiếp

Như vậy trong thời đó tuổi thọ con người sống rất lâu.

                    Sau khi Phật diệt độ
                    Chánh pháp trụ ở đời
                    Ba mươi hai tiểu kiếp
                    Rộng độ các chúng sanh
                    Chánh pháp diệt hết rồi
                    Tượng pháp cũng băm hai
                    Xá Lợi rộng truyền khắp
                    Trời, Người, khắp cúng dường
                    Phật Hoa Quang chỗ làm
                    Việc đó đều như thế.

Đây là nói lên việc của Phật Hoa Quang sau khi nhập diệt.

                    Đấng lưỡng Túc Tôn kia
                    Rất hơn không ai bằng
                    Phật tức là thân ông
                    Nên phải tự vui mừng.

Phật kết luận lại, Phật đó chính là ông chứ không ai khác hết, đừng nghe nói Phật đó lại tưởng Phật của ai, điều này khiến cho Ngài Xá Lợi Phất tin nhận rõ chính mình là Phật.

[ Quay lại ]