headertvtc new


   Hôm nay Thứ bảy, 20/04/2024 - Ngày 12 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

KINH PHÁP HOA - PHẨM TÍN GIẢI

CHÁNH VĂN:

1. Lúc bấy giờ, các Ngài Huệ Mạng Tu Bồ Đề, Đại Ca Chiên Diên, Đại Ca Diếp, Đại Mục Kiền Liên, từ nơi Phật được nghe pháp chưa từng có. Đức Thế Tôn dự ghi cho Ngài Xá Lợi Phất sẽ thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, sanh lòng hi hữu hớn hở vui mừng, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa y phục, trịch bày vai hữu, gối hữu chấm đất, một lòng chắp tay cúi mình cung kính chiêm ngưỡng dung nhan Phật mà bạch cùng Phật rằng:" Chúng con ở đầu trong hàng tăng, tuổi đều già lụn, tự cho đã được Niết bàn không kham nhiệm gì nữa, chẳng còn thẳng cầu thêm đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác".

Đức Thế Tôn thuở trước nói pháp đã lâu, lúc đó chúng con ngồi nơi toà thân thể mỏi mệt, chỉ nhớ nghĩ ba pháp: Không, vô tướng, vô tác, đối với các pháp du hí thần thông, tịnh cõi nước Phật, độ thoát chúng sanh của Bồ Tát, lòng chúng con không ưa thích.

GIẢNG:

Tín: là tin. Giải: là hiểu. Tín giải là tin hiểu, thông thường là nghe rồi tin hiểu, nhưng cái tin hiểu này còn cạn. Tín giải ở đây là tin nhận rõ ràng có việc đó, tức có tri kiến Phật. Cho nên tin nhận như vậy liền được Phật thọ ký, còn mình tin hiểu thường thường, chưa sâu. Tức nhân ở phần trước, Phật nói về thí dụ nhà lửa ba xe, như xe dê, xe huơu, xe trâu, ba xe này là chỉ cho ba thừa thanh văn, duyên giác, Bồ Tát tuy có sai biệt, nhưng gốc là ở Phật thừa thôi.

Ngài Xá Lợi Phất đại diện cho hàng thượng căn, mới nghe thì tin nhận liền, nên được Phật thọ ký trước, còn mấy vị này, đến đây mới được thọ ký. Các vị này đại diện cho hàng trung căn, đến đây các ngài đều tin nhận và lãnh hội được chính mình cũng có phần thành Phật, tức có tri kiến Phật.

Tại sao tin nhận lại không trình thẳng chỗ tin nhận của mình, mà lại nói thí dụ? Ý đó rất sâu xa! Bởi vì chỗ tin nhận đó là tin nhận ở đâu? Là ở nơi tâm mình chớ không phải bên ngoài, cái đó không phải là ở chỗ ngôn ngữ, cho nên không thể diễn bày bằng ngôn ngữ cho ta hiểu được, mà phải dùng thí dụ để tỏ bày thôi, người hiểu thì phải thầm hiểu, đó là cái khéo của các Ngài.

Ở đây các Ngài như Ngài Tu Bồ Đề, Ngài Đại Ca Chiên Diên, Ngài Đại Ca Diếp, Ngài Đại Mục Kiền Liên, từ chỗ Phật nghe việc chưa từng có, là thọ ký cho Ngài Xá Lợi Phất thành Vô thượng chánh đẳng chánh giác nên các Ngài vui mừng đến đảnh lễ Phật thưa rằng:" Chúng con là những vị ở đầu trong hàng tăng, tuổi đã già nua, tự cho đã chứng Niết bàn rồi, không kham muốn làm gì nữa, tức là không còn cầu thêm đạo Vô thượng chánh đẳng chánh giác". Đó là các Ngài thuật lại tâm của các Ngài từ trước đến giờ. Song đây nói Ngài Tu Bồ Đềà trước, đáng lý ra nói Ngài Ca Diếp trước. Bởi vì Ngài Tu Bồ Đề là vị giải lý không bậc nhất trong hàng Thanh văn, mà đây muốn chỉ cho xả bỏ cái không, gọi là cái không một bên của hàng Thanh văn đó, để vào đạo Nhất thừa chân thật, nên lấy Ngài Tu Bồ Đề trước, mà không để Ngài Ca Diếp trước. Bởi vì cái không của Thanh văn chỉ có một bên Thể mà thiếu Dụng. Còn cái không của Đại Thừa gọi là chân không mà diệu hữu, nghĩa là cái không mà trong đó có đầy đủ diệu dụng, không phải chỉ nghiêng bên không khô khan thôi, nên cái không đó nó thành tựu vô lượng muôn ngàn cái diệu dụng mà độ thoát chúng sanh, chứ không phải là cái không một bề không tịch vắng lặng. Cũng như thấy mình được Niết bàn, còn có người chưa được, đó là chưa thấy tột ai ai cũng đều có Phật tánh, mọi người đều có tự tánh Niết Bàn. Cho nên ở đây là muốn cho mọi người đều tiến lên.

Do đó nghe hàng Thanh Văn được thành Phật, các Ngài mừng rỡ, tin nhận mình cũng có phần đó, không còn bị bỏ sót nữa. Cho thấy trước kia Phật quở các hàng Thanh Văn là mầm chết, là tiêu nha bại chủng, là vì sao? Đó là muốn khuyến khích thúc đẩy hàng Thanh văn không chấp chỗ Niết Bàn đó mà tiến lên nữa, không phải quở như vậy là gạt bỏ qua một bên. Bởi vì Phật thấy rõ ai ai cũng đều có phần đó, nghĩa là tất cả chúng sanh đều có thì Thanh Văn tại sao không có? Mình phải hiểu ý đó.

Bây giờ các Ngài thuật lại: Chúng con đứng đầu trong hàng tăng, tuổi già nên các Ngài cho được Niết Bàn là đủ rồi, không muốn cầu thêm gì nữa. Nói như vậy là có ý ngầm nhắc cho mọi người đừng có vội tự mãn, mới được mà đã tự hài lòng, như vậy là cái thấy còn hạn hẹp. Nếu thật sự với tâm Bồ Tát thì sao? Ví dụ như Ngài Địa Tạng phát nguyện là:

- Chúng sanh độ tận phương chứng Bồ Đề, Địa ngục vị không thệ bất thành Phật.

Nghĩa là Ngài nguyện rằng:

- Độ hết chúng sanh Ngài mới chứng Bồ Đề, còn địa ngục chưa không, Ngài thề không thành Phật.

Ai dám phát nguyện như Ngài? Tâm như vậy mới là tâm rộng lớn, không ngằn mé. Bởi, các Ngài thấy rõ chúng sanhø vốn Niết Bàn rồi, tất cả chúng sanh vốn có Phật tánh, nói độ chứ thật sự có độ gì đâu, chỉ nhắc lại thôi. Do đó các Ngài không còn sợ nữa, còn mình vì thấy chúng sanh thật, thấy địa ngục thật, cho nên phát nguyện kiểu đó đến bao giờ cho hết, chẳng lẽ ở đó hoài sao? Đó là cái thấy còn giới hạn.

Ở đây các Ngài nói thêm:"Đức Thế Tôn thuở trước nói pháp đã lâu, lúc đó chúng con ngồi nơi toà thân thể mỏi mệt, chỉ nhớ nghĩ ba pháp: không, vô tướng, vô tác, đối với các pháp du hí thần thông, tịnh cõi nước Phật, độ thoát chúng sanh thì không còn ưa thích nữa".

Tức ­­nói lên tâm trạng các Ngài chán nản sanh tử, lăng xăng trong này lâu dài quá rồi, được Niết Bàn nghỉ ngơi là vừa, chỉ muốn an ổn ở trong đó, chỉ nhớ ba môn giải thoát không, vô tướng, vô tác.

- Không là sao? Là do các Ngài quan sát lý tứ đế, thấy các pháp là không có ngã, ngã sở gì hết, các pháp đều rỗng lặng, không có chủ thể, cho nên không có chỗ gì để tham luyến, tất cả đều là không. Thấy rõ như vậy, không còn chỗ nào để bám, đó là thấy được pháp không giải thoát môn.

- Vô tướng là sao? Vì tất cả tướng đều là không, là rỗng, không có thật gì hết. Như tướng nam tướng nữ, tướng một tướng khác những tướng đó nó nương cái gì mà có? Nam nữ theo mình nhìn trên con mắt của phàm phu, thấy nam thật là nam, nữ thật là nữ. Còn các Ngài thấy sở dĩ có tướng nam tướng nữ là tuỳ theo nghiệp mà nó hiện ra thôi. Do nghiệp người nam nó hiện ra tướng người nam, còn nghiệp nữ thì hiện ra tướng người nữ, như bây giờ đây đang mang tướng người nữ mà có nghiệp nam rồi, sau sanh ra thành người nam thì nói sao? Vậy thì tướng nam nữ đó chỉ là tạm thời một lúc thôi, còn cái thật thì không có nam nữ. Trong kinh Duy Ma Cật có đoạn nói về Ngài Xá Lợi Phất và Thiên nữ.

Trong hội Ngài Xá Lợi Phất hỏi Thiên nữ:

- Thần lực của cô thật bất tư nghì, sao cô không biến thành người nam tu hành cho dễ, mà mang thân nữ hoài vậy

Thiên nữ trả lời:

- Trong mười hai năm tìm tướng nữ không thể được. Rồi cô biến Xá Lợi Phất thành Thiên nữ và tự hoá mình thành Xá Lợi Phất mà hỏi rằng:

- Tại sao Ngài không chuyển thân nữ đi?

Ngài Xá Lợi Phất trả lời:

- Tôi cũng không biết tại sao lại biến thành người nữ này nữa.

Lúc đó Ngài Xá Lợi Phất dùng thần lực chuyển nhưng chuyển hoài không được. Sau đó cô dùng thần thông thâu lại tướng nữ, Xá Lợi Phất trở lại thân nam.

Vậy tướng nam, nữ đó là sao? Là giả tướng thôi Còn cái thật là tri kiến Phật của mỗi người thì có nam nữ gì? Thấy rõ như vậy, thì tướng nam tướng nữ là tướng giả tạm, tuỳ theo nghiệp nó hiện ra thôi, do đó không còn tâm chấp trước vào các tướng đó.

- Vô tác là sao? Có chỗ cũng gọi là vô nguyện, đây là vì biết rõ các pháp đều không có tướng thật, cho nên không có tâm chấp trước vào các tướng đó để tạo tác, mong cầu trong ba cõi nữa. Tướng nam nữ không thật và các tướng có ra cũng đều là không thật, vậy thì cầu sanh vào đâu nữa? Cầu để cho ai hưởng? Cầu tướng tốt đẹp lên cõi trời thì Trời cũng là do nghiệp hiện ra thôi, hết nghiệp cũng rớt lại, vậy cũng không thật luôn, mọi tướng đó có gì là ta để mà cầu? Biết rõ điều này là hết lòng mong cầu trong ba cõi, không còn lầm các tướng sanh diệt đó nữa. Trong sử có ghi chuyện Ngài Thích Pháp Hỷ, lúc đó ngài lớn tuổi, sắp tịch, vào đầu mùa xuân năm Trinh Quán thứ VI khoảng năm 632 Tây lịch, Ngài có chút bệnh, tự biết không còn bao lâu nữa thì hết duyên đời. Thấy Ngài bệnh, trong chúng ép Ngài uống thuốc để trị liệu nhưng Ngài không uống, vì Ngài biết thế nào cũng chết thôi. Đến ngày 12 tháng 10, Ngài mới bảo trong hàng môn nhân đệ tử rằng:

- Thôi vô thường đã đến, các ông chớ có ồn náo, phải giữ im lặng ngồi thiền, để giúp ta bỏ thức này đi và cũng chớ cho người lạ vào phòng! Ngài xướng lên nói: "Ba cõi là hư vọng, chỉ một tâm thôi".

Lúc đó đại chúng chợt nghe ở phía Bắc khu rừng có tiếng âm nhạc vang lên, mọi người thấy vậy ai cũng mừng, đem chuyện này trình lên cho Ngài, Nhưng Ngài bảo rằng:

- Quả báo vui ở thế gian, ta đã bỏ từ lâu rồi, thế nào còn sanh ở chỗ vui đó nữa, đểø phải chịu ràng buộc.

Ngài không nghe theo, cứ lờ đi, và nhập định trở lại, một lúc sau những tiếng đó nó dừng hết, sau đó nghe mùi hương toả khắp trong phòng, Ngài ngồi ngay ngắn đến canh năm thì tịch.

Để thấy rõ, tuy Ngài nghe được tiếng âm nhạc, nhưng Ngài không lầm theo tiếng nhạc đó, chứ còn theo người khác khi nghe tiếng âm nhạc, tiếng kèn trống thì mừng lắm, coi như là sắp được rước về cõi trời tốt đẹp rồi, và nếu theo đó là đã đánh mất cái chân định của mình. Ở đây các Ngài rõ được vô tác, nên không còn có tâm niệm cầu sanh trong ba cõi nữa. Khi các Ngài chứng được ba môn giải thoát đó rồi, thì tự an ổn trong Niết Bàn không còn mong cầu gì nữa. Đó là tam giải thoát môn, nói theo Thanh Văn, còn nói theo Đại thừa thì sao ?

Không: Là rõ các pháp đều là duyên sanh, không có tự tánh. Từ cái nhỏ cho đến cái lớn đều như vậy. Nhỏ thí dụ như nguyên tử, trong nguyên tử thì có các âm điện tử và dương điện tử chung hợp tạo thành, chứ trong đó không có cái thể cố định là nguyên tử. Rồi cho đến cái to lớn như quả địa cầu, cũng do nhiều nhân duyên hợp lại thành. Nhân duyên thì không có tự tánh, do không có tự tánh nên tất cả phân biệt kia đây, đều là không thật, bặt được những tâm sở đắc, ngay đó tâm lặng lẽ, ngay đó Niết Bàn, khỏi cầu Niết Bàn đâu nữa, vì đâu đâu cũng là Niết Bàn. Cho nên với tinh thần của Đại thừa, thì thấy rõ đâu đâu cũng là Niết Bàn, chứ không phải bỏ sanh tử mới có Niết Bàn. Nghĩa là ngay đây mà tâm nó bặt niệm kia đây, không động, không sanh diệt, thì ngay đây là Niết Bàn. Do đó tam giải thoát môn của Đại thừa có phần sâu hơn.

Ở đây các Ngài thấy các môn giải thoát đó, các Ngài an ổn trong Niết Bàn rồi, cho nên đối với pháp Du hý thần thông, tịnh cõi nước Phật, độ thoát chúng sanh thì các Ngài không còn muốn nữa. Bởi Phật gọi chúng sanh là cang cường khó độ, có người tâm thuần thục rồi, nói đâu nghe đó, còn có người đâu có dễ dàng, nếu mà không có tâm đại nguyện của Phổ Hiền, thì khó mà chịu nổi, độ một lúc thấy chán. Ở đây các Ngài nói, các pháp du hý này các Ngài không ham muốn chút nào. Còn các vị Bồ Tát dùng thần thông du hý, tức là thần thông dạo chơi, bởi sao? Bởi vì các Ngài qua lại trong ba cõi sanh tử này giống như dạo chơi vậy thôi. Là vì các vị Bồ tát này thấy rõ sanh tử Niết Bàn này đều là giả danh, đều là hai tên đối đãi tạm lập, sanh tử không thật là sanh tử, Niết Bàn không thật có Niết Bàn riêng nữa. Chính ngay sanh tử là Niết Bàn rồi, ở trong đó các Ngài thấy sanh tử không thật thì có gì đâu mà mỏi mệt, do đó các Ngài qua lại như đi dạo chơi, đó gọi là du hý thần thông. Rồi độ chúng sanh cũng vậy, các Ngài thấy rõ chúng sanh vốn không thật là chúng sanh, chúng sanh cũng chỉ là giả tướng, mà tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, nên không sợ độ chúng sanh không hết, do đó không có nản.

Còn thanh tịnh cõi Phật cũng vậy thôi, các Ngài thấy rõ thanh tịnh cõi Phật hay độ thoát chúng sanh cũng chính là thanh tịnh độ thoát tự tâm thôi, không riêng có một pháp thật gì, cho nên các Ngài làm tất cả mà không thấy có mình làm, không thấy có gì để làm, thường gọi là làm Phật sự trong mộng, đến đó mới thật là vô ngã. Vì vậy đâu còn có mệt mỏi, nếu thấy mệt mỏi thì sao? Thì cái gì mệt mỏi? Đó là ngầm chỉ có tập khí ngã trong đó, bởi vậy mới có mệt mỏi, chớ không có ngã thì lấy gì mệt mỏi, ai mệt mỏi? Do đó trong kinh Viên Giác có một đoạn Phật dạy Bồ Tát Phổ Giác rằng:

- Này thiện nam! Chúng sanh đời sau muốn cầu Viên giác, thì phải phát tâm như thế này:" Tôi nguyện độ tất cả chúng sanh tột trong hư không đều được rốt ráo vào Viên giác, người được Viên giác không chấp ở nơi Viên giác, trừ hết các tướng nhơn và ngã v.v… phải phát tâm như vậy mới khỏi đọa vào tà kiến".

Nghĩa là tất cả chúng sanh trong hư không, Ngài phát nguyện độ hết vào trong cứu cánh Viên giác, nhưng đối trong Viên giác, không có người nào nhận lấy cái Viên giác đó, rồi trừ hết tất cả tướng kia đây, ta - người thì phát tâm như thế, chẳng có rơi vào tà kiến.

Ai dám phát tâm như vậy? Không phải độ một số chúng sanh thôi, mà tất cả chúng sanh tột trong hư không đó, phát nguyện độ vào cứu cánh Viên giác hết. Nhưng ở trong Viên giác không có người nào nhận lấy cái giác tức là sao? Bởi vì thấy rõ ai cũng đều sẵn có cái đó rồi, chỉ nhắc lại, đánh thức cho họ thôi. Phát tâm như vậy là các Ngài thấy rõ tột hết các chúng sanh đều có tánh giác, mà khi thấy được như vậy mới là thấy tột được chỗ Viên giác. Còn thấy có một chúng sanh nào chưa thành Phật, là còn thấy có chúng sanh thật, tức cái thấy chưa viên mãn. Tâm mình mở rộng, không có giới hạn và như vậy mới quên cái ta này được. Các vị Bồ Tát có thể phát tâm độ hết chúng sanh, không có mỏi mệt là vì thấy tột được lý chân thật đó. Khi mình có bám vào tướng sai biệt này thì có giới hạn, rồi phát tâm cũng có giới hạn. Đây các Ngài nói vì sao các Ngài an lòng như vậy.

Vì sao? Đức Thế Tôn khiến chúng con ra khỏi ba cõi đặng chứng Niết Bàn, lại nay đây chúng con tuổi đã già nua ở nơi đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác của Phật dạy Bồ Tát không hề sanh niệm ưa thích.

GIẢNG:

Ở đây các Ngài nói rõ lý do, sở dĩ không ưa hạnh Bồ Tát đó là tuổi già rồi, đã giải thoát ba cõi nữa rồi, vậy còn gì nữa, chỉ mong vô sự thôi. Nhưng nếu thấy cái Vô thượng chánh đẳng chánh giác là cái riêng của Phật và Bồ Tát, thì cái thấy đó đủ chưa? Cái đó là cái thấy chưa tột, do đó các Ngài nói:

- Chúng con hôm nay ở trước Phật nghe thọ ký cho Thanh văn sẽ đặng vô thượng chánh đẳng chánh giác lòng rất vui mừng đặng pháp chưa từng có, chẳng ngờ hôm nay bỗng nhiên đặng pháp hy hữu, tự rất mừng đặng lợi lành lớn, vô lượng trân báu chẳng tìm cầu mà tự đặng.

GIẢNG:

Bất ngờ không có lòng mong cầu bây giờ lại được, chính đó là điểm có ý nghĩa sâu. Không cầu mà tự được, nói lên ý gì?

-Thứ nhất: Đây là cái sẵn trong mình rồi, không phải do tìm cầu bên ngoài, do đó nhớ lại nó liền có thôi. Nó có sẵn không phải từ Phật đem cho mình, nên nói không cầu mà tự được. Ở đây Phật nhắc lại cho mình nhớ, rồi tin nhận điều đó, Phật chứng minh: À, ông tin nhận như vậy là đúng, là phải, là thật, vậy thôi, chứ không phải Phật đem cái đó trao cho mình, nên các Ngài nói rõ bỗng nhiên mà được, không cầu mà được, chứ nếu cầu mà được thì sao? Thì cái đó là thuộc cái bên ngoài rồi, mà cái bên ngoài là có được, có mất, đó là ý nghĩa thứ nhất. Bởi vậy khi các vị tin nhận điều đó rồi được Phật thọ ký, sẽ thành Phật. Ngài nói thọ ký thành Phật chớ có đem cái gì để thọ ký đâu, phải thấy rõ điều đó.

- Thứ hai: Vô lượng trân báu không cầu mà tự được, là để nói lên trong tự tánh đó có đầy đủ công đức, đầy đủ diệu dụng không thể nghĩ bàn. Nghĩa là trong tự tánh hay là trong Niết Bàn, nó có đủ diệu dụng không lường được, chứ không phải nói chứng Niết Bàn đến đó là không tịch, rỗng không, không có gì hết.

Cho nên ở trong nhà Thiền có câu chuyện bà già đốt am là: Có một ông Tăng tu thiền, được một bà già phát tâm ủng hộ, hằng ngày bà thường sai đứa cháu gái đem cơm cúng dường, thời gian gần hai chục năm. Một hôm bà muốn thử xem, ông tu có kết quả gì không. Bà mới bảo cô cháu là:

- Hôm nay con vô đưa cơm xong rồi ôm cứng ông Tăng hỏi: "ngay lúc này thì thế nào?"

Cô gái đem cơm và làm đúng y như lời bà già đã dặn, vị Tăng chỉ đáp hai câu kệ:

                    Khô mộc ỷ hàn nham
                    Tam đông vô noãn khí.

Tức là:

                    Cây khô tựa núi lạnh.
                    Ba tháng mùa đông không chút hơi ấm.

Nghĩa là Ngài nói tâm Ngài lúc đó hoàn toàn trơ lặng không một chút động niệm gì hết. Nhưng cô về kể lại cho bà già nghe, bà nói:

- Uổng công cho ta lâu nay cúng dường cho một vị phàm tăng thôi.

Bà sai đốt am và đuổi ông tăng đi. Vị tăng đó đi một thời gian xin tu trở lại, bà ủng hộ lần nữa. Trải qua một thời gian sau, bà thử lần thứ hai. Khi cô cháu gái ôm ông tăng rồi hỏi:

- Như vậy ngay đây thế nào?

Thì ông tăng nói:

- Tôi biết, cô biết, đừng cho bà già đó biết.

Khi về, cô thuật lại cho bà nghe, thì bà gật đầu.

Có ý sâu gì trong đó? Nếu mình không hiểu được ý sâu đó, rồi mình đem tâm phàm phu hiểu méo mó ý nghĩa trong nhà Thiền. Ở ngoài đời nghe kiểu đó liền suy luận cho ông tăng có ý riêng gì với cô, nên mới nói:" Tôi biết, cô biết, đừng cho bà già biết", như vậy là suy hiểu theo tâm phàm tục. Còn ở đây là muốn nói lên ý nghĩa sâu xa đó là:

- Trước kia vị Tăng nói: "Cây khô tựa đá lạnh. Ba tháng mùa đông không chút hơi ấm" Đó là chỉ cho tâm khô lặng, không có động niệm gì, chỉ có một bề lặng thôi, nhưng chưa có sáng.

- Nhưng sau vị Tăng nói:" Tôi biết, cô biết, đừng cho bà già biết". Tức là không cho cái thứ ba chen vào, đây là sáng ngời biết đó, nhưng chỉ thầm biết thôi, gọi là người tri âm trong cảnh mới cảm nhận được, chứ không thể diễn tả cho người bên ngoài biết, như vậy ý nghĩa của nó rất là sâu xa. Nhưng người thường khó hiểu nỗi, bởi vậy đem tâm phàm của mình hiểu qua cách đó thì cũng phàm luôn.

Có câu chuyện ông Tô Đông Pha với Ngài Phật Ấn. Ông thường hay đối đáp qua lại với Ngài Phật Ấn, nhưng bị thua luôn. Có lần ông đến chùa Kim Sơn để ngồi thiền với Ngài Phật Ấn, hôm đó ngồi Thiền ông có niềm vui thấy phấn khởi, sau khi xả Thiền xong, ông hỏi Ngài Phật Ấn:

- Hôm nay Thầy thấy dáng tôi ngồi như thế nào?

Ngài Phật Ấn nói:

- Giống như một vị Phật.

Nghe Phật Ấn nói vậy, ông thấy rất phấn khởi.

Sau đó Ngài Phật Ấn hỏi lại ông:

- Ông thấy tôi ngồi như thế nào?

Khi nghe Phật Ấn hỏi như vậy, ông nghĩ đây là dịp để ông trả đũa, vì lâu nay đều bị thua Ngài hoài, cho nên ông nói:

- Giống như đống cứt trâu.

Ngài Phật Ấn nghe vậy Ngài chỉ cười, không tỏ vẻ gì là không hài lòng. Nhưng ông nghĩ Ngài Phật Ấn cười mà không trả lời gì hết, như vậy là Ngài Phật Ấn thua rồi nên không đáp được. Do đó đi đâu ông cũng rao lên: "Hôm nay ngài Phật Ấn thua tôi rồi". Nghe thế mọi người đồn ra, sau đến tai cô em gái của ông tức cô Tô Tiểu Muội, cô này rất thông minh, khi cô nghe như vậy cô hỏi lại ông:

- Anh à, nghe anh thắng Ngài Phật Ấn mà anh thắng như thế nào kể lại nghe coi?

Ông kể lại chuyện ngồi Thiền đó cho cô em nghe, nghe xong, cô em gái liền nghiêm mặt lại nói với ông:

- Thôi rồi, anh thua Ngài Phật Ấn rồi anh ơi! Bởi vì Ngài Phật Ấn tâm Ngài giống như Phật cho nên nhìn anh cũng như Phật, còn tâm anh giống như cứt trâu nên thấy Ngài như đống cứt trâu.

Ngay đó ông xịu mặt liền, thì ra ông thấy rõ là cái công phu Thiền định của ông còn thua Ngài Phật Ấn rất xa.

Đó là ý muốn nói lên cái gì? Là tâm không thanh tịnh thì nhìn theo cái không thanh tịnh của mình. Bởi vậy lấy tâm phàm của mình nhìn trong cảnh giới Phật, thì nó cũng phàm theo mình luôn. Nhưng với người tâm thật sự sáng rồi, mới thấy rõ nó sâu xa, nhiều khi với tâm sáng rồi chỉ nhìn cảnh giới phàm thôi cũng là sâu nữa. Kế tiếp các ngài nói ví dụ:

CHÁNH VĂN:

2. Thế Tôn chúng con hôm nay xin nói thí dụ để chỉ rõ nghĩa đó. Thí như có người tuổi thơ bé, bỏ cha trốn đi qua ở lâu nơi nước khác, hoặc mười, hai mươi đến năm mươi năm, người đó tuổi đã lớn lại thêm nghèo cùng khốn khổ, rong ruổi bốn phương để cầu đồ mặc, vật ăn, dạo đi lần lần tình cờ về bổn quốc.

Người cha từ trước đến nay, tìm con không đặng bèn ở lại tại một thành trong nước đó. Nhà ông giàu có của báu vô lượng, các kho đụn, vàng, bạc, lưu ly, san hô, hổ phách, pha lê, châu báu v.v… thảy đều đầy tràn, tôi tớ, thần tá, lại dân rất đông, voi, ngựa, xe cộ, bò, dê nhiều vô số. Cho vay thâu vào lời lãi khắp đến nước khác, khách thương buôn bán cũng rất đông nhiều.

GIẢNG:

Đây nói thí dụ một người cùng tử tuổi thơ bé nhỏ, bỏ cha tìm qua nước khác xin ăn. Khi vắng con, người cha cho người đi tìm con nhưng tìm hoài không được, nên ông ở lại một thành, nhà ông giàu có nhiều của báu, tôi tớ đầy đủ. Cho vay thâu vào lời lãi khắp đến nước khác, khách thương buôn bán đông nhiều.

Đây thứ nhất nói về đứa trẻ tuổi thơ, bỏ cha trốn đi qua nước khác, đó là muốn nói ai? Tuổi thơ là chỉ cho mê mờ thiếu trí tuệ, còn đứa trẻ chỉ cho mình đó. Ở đây dùng hình ảnh bỏ cha đi lang thang qua nước khác, nước khác là chỉ cho quê người. Mình đây cũng vậy, bỏ tánh giác của mình, đi lang thang bên ngoài là sáu trần, là ở nước người. Tức là ai ai cũng đều có một ông cha hết, mà ông cha đó là ông cha gì? Là ông cha bản giác, đó là chỗ nương tựa vững chắc lâu bền của mỗi người, nhưng lại đành bỏ quên, rồi xây lưng với ông cha đó, để lang thang khổ sở nơi xứ người. Đây gọi là rong ruổi khắp bốn phương, nay đây mai đó xin ăn, thấy đau không? Vua Trần Thái Tông trong bài nói về bốn núi, bài núi thứ nhất Ngài nói:

                        Chỉ sai hữu niệm, quên vô niệm
                        Liền trái không sanh nhận có sanh.

Nghĩa là mình chỉ cần sai một niệm, tức là có niệm (hữu niệm) thì quên cái thể vô niệm chân thật đó. Cho nên liền trái cái thể không sanh của mình, đi vào trong sanh tử gọi là nhận có sanh, khi nhận có sanh thì:

                        Mũi đắm các hương, lưỡi tham vị
                        Mắt mờ chúng sắc, tai mê thinh.

Rồi từ đó mũi đắm mùi hương, tai theo tiếng, tức gọi là lang thang nước người, lúc ở bên nước sắc, nước hương, nước vị, nước xúc cứ mãi theo sáu trần đó mà quên mất cả đường về. Đến đây quí vị nhớ đường về chưa? Hay là còn lang thang ở xứ người? Ngài nói tiếp:

                        Lang thang làm khách phong trần mãi
                        Ngày cách quê hương muôn dặm trình.

Càng đi, càng xa, vì xây lưng rồi, nên mỗi bước đi thì mỗi bước xa, cứ xa hoài quên mất đường về. Nhưng sự thật quê hương đó nó ở đâu? Cũng ở ngay trước mặt thôi, mà quên mất đường về thì thấy sao? Đó mới đáng thương! Bởi vì ai ai cũng đều có tâm hết, mà có tâm tức có giác, chính đó là quê nhà chứ gì. Nhưng quên tâm sáng suốt chỉ nhớ sáu trần thôi, nên đành lang thang xứ người.

Lại còn ở lâu nơi nước khác nữa, đến mười, hai mươi hoặc năm mươi năm, tức là sao? Tức là chìm đắm trong năm đường, trong bốn loài sanh, cứ luân hồi trong đó mãi, nên mỗi ngày một sâu thêm. Rồi sao nữa? Ở trong đó nghèo cùng khốn khổ, đi xin, cầu đồ mặc vật ăn. Lâu lâu xin ăn được một chút là thấy vui rồi, cũng giống như mình đây, lang thang mãi trong địa ngục, ngạ quỷ súc sanh, lâu lâu được lên cõi trời, như xin được món ăn ngon, nhưng ăn hết bữa đó thì sao? Hôm sau cũng đi xin nữa. Cũng vậy, lâu lâu lên được cõi trời, đến khi hết phước đó thì rớt trở lại, rồi cũng xin ăn, rồi lại lang thang nữa. Cái gốc đó từ đâu mà có? Là do quên mình theo vật. Cho nên xin ăn được no một chút, bị đói trở lại, rồi xin nữa, vì cái đó là cái bên ngoài, do đó có được rồi nó cũng mất, lại chịu khổ thôi. Bởi vậy cái khổ quên mình theo vật là cái khổ lớn, thường thường mình nói khổ này, khổ kia, cũng là cái khổ tạm thời thôi, còn cái khổ quên mình theo vật đó mới là cái khổ đời đời, vì vậy có câu chuyện Ngài Cảnh Thanh thử ông Tăng là:

Thiền sư Cảnh Thanh ngồi trong thất, có vị tăng đứng bên cạnh, Sư hỏi:

- Bên ngoài có tiếng gì?

Tăng thưa:

- Tiếng con nhái bị con rắn bắt kêu.

Sư nói:

- Sẽ bảo chúng sanh khổ, lại có khổ chúng sanh.

Nghĩa là:

- Chúng sanh khổ: Là con nhái bị con rắn bắt ăn, vì con lớn hiếp con bé đó là chúng sanh khổ.

- Khổ chúng sanh: Chính là người quên mất mình chạy theo ngoại cảnh, đó là ông tăng đang quên mình theo vật, chỉ nhớ theo tiếng nhái kêu vì bị rắn bắt, mà quên mất cái "đang nghe hiện hữu" đây. Ngài hỏi như vậy đâu phải là Ngài không biết là tiếng con nhái kêu nhưng Ngài muốn thử xem ông Tăng có nhớ đến tánh nghe sáng suốt hiện hữu này không. Do đó Ngài nói: "Chúng sanh khổ, lại có khổ chúng sanh". Chính đó là cái khổ của mình, mình thường thường cũng giống như vậy. Ví dụ mình ngồi đây, mà nghe ngoài kia có người cãi lộn, thì mình cũng lắng tai nghe, nếu ngoài kia có người quen mình chửi mà thua thì sao? Mình tức theo rồi ra ngoài giúp họ thêm nữa, thì có chúng sanh khổ lại có thêm khổ chúng sanh nữa không? Rõ ràng là như vậy, cho nên cái khổ chính của mình là quên mình theo vật đó là cái khổ lớn nhất, mà ở đây khi theo tiếng, thì cứ nghe tiếng này lại bắt qua tiếng kia.

Thí dụ như nghe tiếng rắn bắt nhái, nhái kêu, qua tiếng đó thì sao? Thì lóng nghe tiếng khác, rồi lại lóng nghe tiếng khác nữa, nên cứ đói hoài thôi. Lúc nào không có tiếng nghe thì cảm thấy buồn, phải mở radio ra nghe đỡ buồn. Nếu không còn tiếng gì để nghe, là lúc đó mình đang sống trở về với mình thì sung sướng biết mấy, nhưng đâu có chịu, cho nên chạy theo bên ngoài phải chịu đói mãi, trong khi đó nơi mình có đủ hết không thiếu gì.

Có một lần vị tăng tên Thanh Nhuệ đến thưa với Ngài Tào Sơn rằng:

- Con nghèo cùng xin Thầy cứu giúp cho.

Ngài Tào Sơn mới gọi:

- Xà Lê Nhuệ, hãy lại gần đây.

Thanh Nhuệ lại gần, Sư bảo:

- Kẻ nhà nghèo ở Tuyền Châu, đã uống xong ba chén rượu, lại nói chưa dính môi.

Tức là: nghèo đây không phải nghèo tiền, nghèo bạc, mà chỉ cho nghèo trí tuệ, đang còn mê chưa biết, nên xin Thầy cứu giúp, thì Ngài Tào Sơn bảo:" Xà Lê Nhuệ! Hãy lại gần đây!" Khi nghe gọi Thanh Nhuệ liền đến, vậy lúc đó có nghèo không? Nghe kêu liền "biết nghe" còn biết lại gần thì có thiếu gì đâu mà bảo là nghèo? Cho nên Tào Sơn nói: "Kẻ nhà nghèo ở Tuyền Châu, đã uống xong ba chén rượu rồi, mà còn nói chưa dính môi". Đã có sẵn đó mà còn than nghèo, thật là đáng tức cười. Cũng vậy, mình đây, đi tới quí thầy này thầy kia để cầu đạo, giống như nghèo mà đi xin. Ngày xưa không giống như bây giờ, các Ngài đánh thức ngay mình, nếu khéo soi lại thì có đủ hết, đâu nghèo.

Ở đây nói rằng, trong khi cùng tử đi lang thang xin ăn tình cờ về trúng ngay bổn quốc, tức quê nhà ngày xưa. Có lúc nào quí vị tình cờ trở về bổn quốc không? Quả thật tình cờ trở về nhiều lắm, nhưng về mà không hay thôi, rồi bỏ đi nữa! Thí dụ có những lúc tâm thanh tịnh, ngồi nghỉ ngơi mà không nghĩ ngợi gì hết, thì trong lúc đó cái gì có mặt mà nó không chết đi? Như vậy ngồi yên vô sự, không nghĩ ngợi gì nhưng mình vẫn còn sống thì lúc đó là cái gì? Có phải quê nhà ngay chỗ đó không? Cho nên cái bản giác đó là cái nó vẫn ngầm sẵn trong thân mê của mình đây thôi không thiếu. Trong chúng sanh vẫn có Phật là như vậy đó, nhưng mình tới lúc đó không nhận còn chối bỏ nữa. Ngài Bàn Khuê nói: "Tất cả quí vị từ xa đến đây với ý định rõ rệt là để nghe những gì tôi nói, nên quí vị đương nhiên phải lắng tai nghe giảng. Thế nhưng trong khi nghe giảng, có tiếng chó sủa bên ngoài, quí vị cũng nhận ra được đó là tiếng chó sủa, quạ kêu nhận ra là quạ kêu, tiếng người lớn nhận ra là tiếng người lớn, tiếng trẻ con nhận ra là tiếng trẻ con. Khi từ nhà đến đây nghe pháp, quí vị không định trước rằng: "Nếu trong khi nghe giảng, bên ngoài có chó sủa, chim kêu, có tiếng người lớn, tiếng trẻ con, thì mình phải cố lắng tai nghe". Thế mà lúc tụ họp tại đây, quí vị vẫn nhận ra được tiếng ồn của chó, quạ bên ngoài, tiếng nói của người lớn và trẻ con. Mắt quí vị vẫn phân biệt được màu sắc, mũi vẫn phân biệt được các mùi. Quí vị không tính trước sẽ gặp những tiếng gì, màu gì, mùi gì. Sự kiện quí vị nhận ra được những gì mình không chờ đợi để thấy nghe, chứng tỏ quí vị đang thấy nghe với tâm Phật Bất sinh".

Đó Thiền sư Bàn Khuê chỉ rõ ngay cái thấy nghe của mình hiện hữu đây, vốn có đủ tâm Phật Bất Sinh, mà nơi đó là gì? Chính là bổn quốc của mình đó! Vậy quí vị tình cờ mà trở về bổn quốc, ngày chừng mấy lần? Đếm không hết, nhưng mà không nhận nổi. Như hiện tại, tôi nói đây quí vị ở dưới cũng nghe rõ ràng, có ai không nghe như vậy ai cũng có đủ, chỉ vì không chịu nhận thôi. Ngài Tử Hồ có lần trong giữa đêm, Ngài bỗng đến trước tăng đường la:"Ăn trộm, ăn trộm". Trong chúng tăng hoảng hồn tưởng ăn trộm thật, ai nấy đều tung mền chạy ra lúc đó có một vị Tăng chạy ra trước đụng phải Ngài, Ngài liền nắm áo ông Tăng và bảo:

- Bắt được rồi, bắt được rồi!

Ông Tăng nói:

- Thưa Hoà thượng! Không phải, con.

Thì Ngài bảo:

- Phải tức phải, chỉ là không chịu nhận thôi.

Tức là ngay nơi mình có đủ hết, nhưng mình không chịu nhận, nếu nhận thì xong, không chịu nhận nên nó chạy ra bên ngoài thành ăn trộm.

Đây nói, tình cờ trở về bổn quốc, người cha từ trước đến nay tìm con không đặng cho nên ở lại tại một thành trong nước đó. Nhà ông giàu có, đủ hết tôi tớ thần dân, buôn bán cho vay thâu vào lời lãi khắp hết qua các nước khác.

Tại sao cha tìm con không được? Cha tìm con không được là để chỉ cho bản giác luôn luôn ngầm đánh thức bên trong của mình, nhưng cái vô minh lâu quá nó che không nhớ, do đó gọi là cha tìm con, tìm hoài không được. Tìm không được thì sao? Mới ở lại một thành trong nước, thành đó là thành gì? Là chỉ cho cái thành Bồ Đề, cho nên phát tâm Bồ đề sẽ khéo vào thành đó. Khéo phát tâm Bồ đề là tâm gì? Là tâm giác thôi chứ gì! Phát tâm giác trở lại vào thành thì gặp cha, tức là thấy trở lại bản giác chứ không đâu xa. Rồi người cha của giàu vô lượng tức là chỉ trong bản giác đó đầy đủ công đức, những diệu dụng không thể nghĩ bàn. Nghĩa là cái thật trí của Phật đó, nó có đủ những diệu dụng không tính kể. Nhiều tôi tớ xe cộ, đó là chỉ cho những phương tiện trí, trong đây có đủ. Rồi trong đó cho vay lời lãi khắp đến nước khác, nghĩa là từ một vốn cho vay ra lời lãi đến các nước khác nữa, là chỉ rộng ra các căn cơ của ngũ thừa: Nhân thừa, Thiên thừa, Thanh văn thừa, Duyên giác thừa và Bồ Tát thừa, mọi căn cơ đều được hưởng, đều có đủ bản giác đó và cũng qui về một chân thật đó chớ không gì khác. Khách thương buôn bán là chỉ cho ứng thân hiện chỗ này, hiện chỗ khác, tức hiện khắp nơi, nghĩa là chỗ nào, đâu đâu cũng có duyên cho mình trở về, khi tâm thuần thục, thì nghe tiếng, hoặc thấy sắc đều có thể tỏ ngộ được, như các Ngài có người nghe tiếng chim kêu cũng tỏ ngộ, có người thấy hoa đào nở cũng tỏ ngộ. Ởû đây có vị nào chịu theo khách buôn để về gặp chủ chưa? Khách buôn đủ đây, mà thường theo lời lãi nó dẫn đi mãi. Ngay đó mà biết trở về, thì đều gặp chủ hết, lời lãi cũng từ một cái vốn đó mà có ra, mà bây giờ chỉ theo cái lời lãi tức là theo cái phân biệt thôi.

Trong nhà Thiền có một vị Tăng hỏi Ngài Nam Nhạc là:

- Thế nào là đại ý Phật pháp?

Ngài Nam Nhạc không trả lời, mà hỏi lại:

- Gạo ở Lô Lăng giá bao nhiêu?

Như mình ở đây hỏi: "Thế nào là đại ý Phật pháp", hỏi lại: "Gạo ở Cần Thơ giá bao nhiêu?".

Đó là Ngài trả lời đại ý Phật pháp rồi. Nếu theo giá cả có mắc rẻ tức là theo tâm phân biệt hai bên là không thấy được đại ý Phật pháp. Còn muốn thấy đại ý Phật pháp thì sao? Thì phải bặt niệm phân biệt hai bên mắc rẻ, nghĩa là ở đây không theo lời lãi đó, còn theo lời lãi là theo cái phân biệt hai bên thì xa dần, nếu khéo thì từ chỗ đó trở về, tức từ phân biệt đó mà quên nó, thì trở về gặp chủ. Cho thấy Ngài thí dụ đó đều có ý nghĩa để nhắc mình trở về.

CHÁNH VĂN:

Bấy giờ, gã nghèo kia dạo đến các tụ lạc, trải qua xóm làng, lần hồi đến nơi thành của người cha ở.

GIẢNG:

Người cùng tử đó bỏ đi thời gian tình cờ trở về bổn quốc, trở về bổn quốc rồi mà chưa tới thành của cha, bấy giờ đi xin ăn dạo đến các tụ lạc trải qua xóm làng, lần hồi đến nơi thành của người cha ở, tức là sao? Tức là chỉ cho tu hành từ từ theo thứ lớp, sau thời gian mới đến chỗ thật, đến thành cha ở, bây giờ thành đó ở đâu! Ở ngay thân tâm mình đây chứ không đâu khác, mình theo sáu trần là đi xa thành ấy, còn trái với sáu trần thì trở lại thành ấy, tức là trở về ngay thân tâm mình thôi. Vậy thân tâm mình gặp Phật pháp là sao? Là trở về thành của cha rồi. Bây giờ còn điều nữa, là phải vào cửa để gặp cha, nhưng gặp cha cũng chưa đủ, mà còn có nhận cha hay không. Đó là chuyện còn đang chờ mình.

CHÁNH VĂN:

Người cha hằng nhớ con, cùng con biệt ly hơn năm mươi năm mà ông vẫn chưa từng đối với người nói việc như thế, chỉ tự suy nghĩ lòng rất ăn năn. Ông tự nghĩ, già nua và có nhiều của cải, vàng bạc, trân báu, kho đụn tràn đầy, không có con cái, một mai mà chết mất thời của cải tản thất không người giao phó. Cho nên ân cần nhớ luôn đến con. Ông lại nghĩ: Nếu ta gặp đặng con ủy phó của cải, thản nhiên khoái lạc không còn sầu lo.

GIẢNG:

Ở phần trước người cùng tử đi dạo đến các tụ lạc rồi trải qua các xóm làng, lần lần đến nơi thành của người cha ở, bây giờ đây người cha hằng nhớ con, biệt ly hơn năm mươi năm, nhưng cũng vẫn chưa từng nói với những người khác, chỉ tự suy nghĩ lòng rất ăn năn thôi và nghĩ mình của cải nhiều, kho báu đầy đủ, không có ai giao phó thì của cải tan mất. Cha hằng nghĩ nhớ đến con, là ý nghĩa gì? Đó là ngầm dụ cho Phật hằng nhớ chúng sanh (Vị trưởng giả là chỉ cho Phật) mà cũng có nghĩa là chỉ cho tánh giác đó nó luôn luôn hằng thôi thúc bên trong của chúng ta, ai ai cũng có tánh giác ở bên trong nó thôi thúc, nó ngầm ngầm đó, chúng ta nhớ lại liền gặp. Vị Thiền Sư Việt Nam là Khuông Việt nói:

                        Trong cây vốn có lửa
                        Có lửa, lửa lại sanh
                        Nếu bảo cây không lửa
                        Cọ xát làm gì sanh?

Ngày xưa lấy lửa phải cọ cây, trong cây đó vốn có lửa, khi mình cọ xát nóng thì mới phát sanh ra lửa, nếu trong cây không lửa thì cọ cách mấy cũng không sanh ra lửa được. Cũng vậy trong thân của mình có tánh giác sẵn, cho nên mình khéo soi nhớ trở lại thì liền gặp nó rồi phát hiện ra, nếu thật sự trong thân mình không có tánh giác, thì dù mình tu cách mấy đi nữa cũng không hiện nổi.

Ông trưởng giả hằng nhớ như vậy mà chưa từng nói với người, sao không nói cho người khác biết để người ta nhắc giúp cho mà lại không nói? Bởi đây là việc của trong nhà, tức là việc trong nhà ông làm sao nói được? Cũng vậy, việc giác ngộ này là của ai? Đó cũng là việc trong nhà mình, nên khó diễn tả cho người hiểu, mà chỉ người nào khéo thầm cảm thông thôi. Do đó ngày xưa khi Tổ Đạt Ma qua Trung Quốc chưa gặp người khế hợp thì Ngài ngồi xoay mặt vô vách chín năm chờ đợi.

Rồi ông thường tự nghĩ rất ăn năn, sao tự nghĩ ăn năn? Thấy được chỗ nầy mới là khéo! Nghĩa là ai ai cũng có sẵn việc đó, đáng lẽ phải sống trong đó, tại sao không chịu sống, lại bỏ quên không tự giữ gìn? Nên ông suy nghĩ tự rất ăn năn mà cũng đáng thương nữa, có sẵn nhưng không chịu nhận! Vì vậy Thiền Sư Nhân Dũng ở Bảo Ninh, nhân dịp Tết đến Ngài dạy chúng bài kệ:

                        Hôm qua năm cũ đi
                        Ngày nay năm mới đến
                        Năm cũ đi chẳng đi
                        Năm mới đến chẳng đến.       

Nghĩa là:
Ngài nói hôm qua thì năm cũ qua rồi, sáng nay năm mới đến, với con mắt người thường thấy là năm cũ đi, năm mới đến, nhưng với con mắt của Thiền Sư năm cũ đi mà không đi đâu hết, cũng như năm mới đến, cũng không có gì để đến, mà có đến có đi đó chỉ là thời gian giả tạm thôi, trong đó còn cái gì không đến không đi. Ngài nói thêm.

                        Khắp đồng đầy thước tuyết
                        Đại địa bặt mảy trần

Khắp đồng đầy thước tuyết: Nghĩa là khắp cả ngoài đồng tuyết phủ đầy hết, tức đâu đâu cũng thấy tuyết sáng ngời hết.

Đại địa bặt mảy trần: Tức là khắp cả quảû đất không có mảy trần nào, vậy tại sao không ai sáng được? Ngài nói tiếp:

                        Người không tên không tuổi
                        Đưa mắt nhìn bồi hồi.

Như vậy là nhân năm mới, Ngài thấy trong cái đến đi đó có cái không đến đi, cái này bày khắp mọi nơi, tạm diễn tả bằng cách là khắp đồng tuyết nó phủ đầy hết, đâu đâu tuyết cũng phủ trắng sáng ngời đó, không có một mảy bụi nào che hết, nhưng tại sao không ai thấy được? Cho nên ngay đó Ngài nói: "Người không tên không tuổi, đưa mắt nhìn bồi hồi". Tại sao nhìn bồi hồi? Tức là ông ngồi sẵn đó nhưng không ai nhớ, không ai ngó ngàng, chỉ đành đưa mắt nhìn bồi hồi! Hiện giờ có người nhìn bồi hồi không? Người đó vẫn ngồi đó bồi hồi không biết nói sao. Cũng là để chỉ cho, tánh giác luôn luôn sẵn đó, nó hằng ngầm ngầm thúc đẩy bên trong, nhưng mình chưa chịu nhớ lại, nếu nhớ lại liền gặp ngay.

Rồi nói: "Ông tự nghĩ của giàu mà không có con cái, thì khi chết mất sẽ sao đây", đó là muốn nói lên cái gì? Đây muốn nói, trí Phật là không cùng tận, dụ cho của báu kho đựng tràn đầy, phải không? Nhưng thân này lại hữu hạn, tám chín chục năm cũng bỏ lại. Như vậy trí Phật thì vô hạn, còn thân mạng này lại hữu hạn, nếu không gặp được người căn cơ khéo khế hợp thì làm sao tiếp nối huệ mạng Phật này? Cho nên ân cần nhớ luôn đến con, nhớ đến người để mà giao phó, tức là luôn luôn có lòng đại bi để đánh thức cho mọi người không có gián đoạn.

Nếu mà được một điều nữa thì hay biết mấy! Cha hằng nhớ con, còn con thì sao? Con thì không nhớ cha, nên đi lang thang, chứ con mà hằng nhớ cha nữa thì quá hay. Ở trong kinh Lăng Nghiêm có đoạn nói về Ngài Đại Thế Chí niệm Phật. Ngài nói: Phật hằng nhớ mình, cũng như mẹ thường nhớ con, mình niệm Phật nếu khéo luôn luôn lúc nào cũng nhớ Phật, thì Phật nhớ mình, mình cũng nhớ Phật, là thấy Phật hiện tiền. Nhưng đây khổ nỗi là không chịu nhớ, nên nhọc lòng cho ông Trưởng giả.

CHÁNH VĂN:

3. Thưa Thế Tôn! Bấy giờ gã cùng tử làm thuê làm mướn lần hồi tình cờ đến nhà người cha bèn đứng lại bên cửa, xa thấy cha ngồi giường sư tử, ghế báu đở chân, các hàng bà la môn, sát đế lợi, cư sĩ đều cung kính bao quanh. Trên thân ông đó dùng chuỗi ngọc chn châu giá trị nghìn vạn để trang nghiêm, kẻ lại dân tôi tớ cầm phất trần trắng đứng hầu hai bên. Màn báu che trên, những phan đẹp thòng xuống, nước thơm rưới đất, rải các thứ danh hoa, các vật báu chưng bày, phát ra, thâu vào, lấy cho v.v… có các sự nghiêm sức dường ấy, oai đức rất tôn trọng.

Gã cùng tử thấy cha có lực thế lớn liền sanh lòng lo sợ, hối hận về việc đến nhà này, nó thầm nghĩ rằng: "Ông này chắc là vua, hoặc là bậc đồng vua, chẳng phải chỗ ta làm thuê mướn đặng tiền vật. Chẳng bằng ta qua đến xóm nghèo có chỗ cho ta ra sức để đặng đồ mặc, vật ăn, nếu như ta đứng lâu ở đây hoặc rồi họ sẽ bức ngặt ép sai ta làm. Gã nghĩ như thế rồi liền chạy mau đi thẳng".

GIẢNG:

Quí vị thấy đáng tức không? Thấy được cha rồi, không dám nhận mà bỏ chạy đi.

Thấy cha mà chưa dám nhận, là sao? Là cũng còn tưởng mình là khách, chứ không phải người nhà, tuy là biết có việc đó nhưng còn đứng bên ngoài nhìn. Cho cái đó là thuộc các hàng Bồ tát, các hạng bậc thượng thôi, mình làm sao mà có? Tổ Lâm Tế từng bảo: "Làm thân sư tử không kêu tiếng sư tử, mà lại kêu tiếng dã can, là bậc trượng phu mà chẳng có hơi hám của trượng phu, vật trong nhà mình mà chẳng chịu tin nhận, chạy ra bên ngoài tìm kiếm, thế ấy là đạp lên trên chữ nghĩa chết của người xưa, nương âm hiểu dương chẳng thể tự thông suốt".

Nghĩa là việc chân thật đó là cái của mình, ở nơi mình mà không chịu nhận lại nhận cái của người. Ngài nói là đạp lên trên chữ nghĩa chết của người xưa.

Gia tài sự sản đó chính là của mình chứ không ai khác, lại tự chối bỏ đi tìm trên chữ nghĩa, phân tích trên văn tự, lấy đó làm vui, lâu lâu phân tích câu nào hay thấy hài lòng vậy là đủ, thì đó không là đạp lên trên cái người xưa hay sao? Trong khi đó tu là phải sáng tỏ nơi mình, thì cho đó là chuyện xa vời, chuyện đó là chuyện của Phật, Tổ ngày xưa thôi.

Do đó ở đây nói cùng tử đến gặp cha rồi mà chưa chịu nhận, ở xa thấy cha ngồi đó đủ thứ trang nghiêm, oai đức rất tôn trọng. Nghĩa là nghe trí Phật bất khả tư nghì, thần thông diệu dụng của Phật, của Bồ tát đó là của các ngài thôi. Đây chỉ đứng xa nhìn không dám nhận. Đâu ngờ cái đó là cái người người đều có. Phật sở dĩ thành Phật là từ đâu? Là cũng từ nơi chúng sanh này đi lên mà thành Phật, Bồ tát cũng vậy. Do đó có lần Ngài Huệ Hải đến tham vấn với Mã Tổ. Tổ hỏi:

- Ông đến đây làm gì?

Ngài Huệ Hải đáp:

- Con đến cầu Phật pháp.

Tổ hỏi:

- Kho báu nhà mình chẳng đoái hoài, bỏ nhà chạy đi tìm cái gì?

Huệ Hải thưa:

- Cái gì là kho báu của Huệ Hải?

Tổ nói:

- Chính ngay cái ông hỏi ta là kho báu của ông.

Cũng vậy Ngài Huệ Siêu đến Ngài Pháp Nhãn hỏi:

- Thế nào là Phật?

Ngài bảo:

- Ông là Huệ Siêu.

Ngay đó Ngài liền ngộ

Nếu hỏi mình thế nào là Phật? Thì mình giải thích Phật là tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn, giải một hơi cuối cùng không biết Phật đâu hết, tức là chạy sang nhà người để tìm! Còn ở đây Ngài chỉ thẳng: "Ông là Huệ Siêu", ngay đó nhận ra thấy Phật liền.

Đây nói đứng bên cửa, nhưng đứng xa xa thấy, không dám đứng gần, tức là không dám đụng đến ánh sáng đó, chứ còn sự thật thì sao?. Ánh sáng đó luôn luôn phát ra sáu cửa này, nhưng không dám đụng đến, ở ngay chỗ đó mà lờ qua, lờ qua không biết bao nhiêu lần. Nếu khéo thì ngay chỗ sáu căn, thấy nghe đó khéo nhận trở lại thì liền thấy mình có đủ hết. Đây nói không nhận mà hối hận về việc đến nhà cha, rồi phải qua xóm nghèo để làm thuê mướn, bỏ chạy đi. Tức là nghe nói Phật đạo sâu xa khó hiểu khó đến, thuộc về ở đâu đó nên sanh lòng lo sợ. Thường thường nghe nói tu thành Phật ít dám nghĩ tới, do đó mà tìm chỗ làm thuê mỗi ngày kiếm chút ít ăn thực tế hơn. Ý nói mình tu hành chỉ thích đời nay tu gieo duyên, để đời sau có phước báu được hưởng vui sướng, còn tu thành Phật thấy xa quá.

Nhưng trong kinh nói, dù có phước báu sanh lên cõi trời sắc giới, được ở đó đến hàng triệu năm, cuối cùng hết phước cũng rớt xuống. Giống y như đây mỗi ngày đi làm thuê, làm mướn, ăn hết rồi cũng phải đi làm nữa. Hoặc người chứng được quả này quả kia cũng là cái tạm thời thôi. Thí dụ như Thanh văn chứng được A Na Hàm sau cũng bỏ, qua chứng A La Hán. Giống như đây làm thuê làm mướn vậy thôi, được rồi thì cũng hết. Còn tu trở về chỗ chân thật thì tu tới vô sở đắc, bởi vì cái đó là cái ở ngay nơi mình, còn cái ngoài mình chỉ là cái tạm.

CHÁNH VĂN:

Khi đó, ông trưởng giả ngồi nơi toà sư tử thấy con bèn nhớ biết, lòng rất vui mừng và tự nghĩ rằng: "Của cải kho tàng của ta nay đã có người giao phó rồi, ta thường nghĩ nhớ đứa con này làm sao gặp đặng, nay tự nó bỗng đến rất vừa chỗ muốn của ta, ta dầu tuổi già vẫn còn tham tiếc". Ông liền sai người hầu cận đuổi gấp theo bắt lại.

Lúc ấy, kẻ sứ giả chạy mau qua bắt, gã cùng tử kinh ngạc lớn tiếng kêu oan: "Tôi không hề xúc phạm, nhân sao lại bị bắt?" Kẻ sứ giả bắt đó càng gấp cưỡng dắt đem về. Khi đó gã cùng tử tự nghĩ không tội chi mà bị bắt bớ đây chắc định phải chết, lại càng sợ sệt mê ngất ngã xuống đất.

Người cha thấy vậy liền nói với kẻ sứ giả rằng: "Không cần người đó, chớ cưỡng đem đến, lấy nước lạnh rưới lên mặt cho nó tỉnh lại, đừng nói chi với nó".

GIẢNG:


Đến đây còn thêm cái đáng tức cho mình, nghĩa là giáp mặt cha, mà còn chưa chịu nhận! Ông Trưởng giả thấy con liền nhớ biết, ông rất vui mừng coi như có người giao của cải rồi, nhưng nó không chịu nhận. Như vậy thấy con bèn nhớ biết nhận ra liền là nói lên ý gì? Là nhận được tánh giác đó ở ngay nơi mình trong mọi hành động tại đây, cho nên thấy đó là nhớ biết liền, nghĩa là mọi hành động đây đều có sự biểu hiện tánh giác đó hết. Bởi vì có biết tức là có giác, mọi hành động gì cũng có biết, vậy không hành động nào lọt qua tánh giác đó hết. Do đó, có câu chuyện ông vua Dị Kiến hỏi đệ tử Ngài Đạt Ma là Ngài Ba La Đề:

- Thế nào là Phật?

Ngài Ba La Đề đáp:

- Thấy tánh là Phật.

Ông hỏi tiếp:

- Thầy thấy tánh chăng?

Thì Ngài đáp:

- Tôi thấy Phật tánh

Vua hỏi tiếp:

- Như vậy tánh ở chỗ nào?

Ngài đáp:

- Tánh ở ngay tác dụng chớ không đâu hết.

Ông vua hỏi thêm:

- Tác dụng thế nào mà tôi chẳng thấy?

Tổ đáp:

- Tác dụng hiện tiền tại Ngài không thấy thôi.

Vua hỏi tiếp:

- Nơi ta có hay không?

Tổ đáp:

- Bệ hạ mà khởi tác dụng thì đâu lại chẳng có, nếu không khởi tác dụng thì thể cũng khó nhận thấy, nghĩa là có khởi tác dụng thì có, còn không khởi thì không thấy được.

Vua hỏi thêm:

- Vậy khi khởi tác dụng có mấy chỗ xuất hiện?

Ngài đáp:

- Có tám chỗ xuất hiện.

Vua hỏi tiếp:

- Vậy xin Ngài vì tôi mà nói tám chỗ ấy?

Ngài Ba La Đề liền nói bài kệ:

                    Tại nơi thai là thân
                    Tại nơi đời là người
                    Ở nơi mắt là thấy
                    Ở nơi tai là nghe
                    Ở nơi mũi là ngửi
                    Ở nơi miệng thì nói bàn
                    Ở nơi tay thì nắm bắt
                    Ở chân thì đi lại
                    Buông ra trùm khắp pháp giới
                    Thu lại chẳng đầy hạt bụi
                    Người nhận rõ đó là Phật tánh
                    Người không biết gọi là tinh hồn.
                    Ngay đó ông vua nghe liền có cảm hiểu.

Đó là thấy rõ Phật tánh hiện ngay nơi mọi tác dụng của mình đầy đủ không thiếu sót, nhưng mình lại không khéo nhận. Ở đây Ngài Ba La Đề đáp: "Ở nơi thai là thân: hiện nơi thai là hiện ra có thân. Tại đời là người: nếu không có nó thì không có hiện ra đời. Rồi ở nơi mắt thì thấy. Ở nơi tai nghe, có cái nào thiếu đâu. Thấy nghe rõ ràng là có biết trong đó, có biết là có giác. Do đó khi xưa các Ngài tu hành mà khế hợp, thì thấy cái hoa trước mắt cũng ngộ được hay nghe tiếng chim cũng ngộ. Có người cưỡi ngựa qua cầu té cũng ngộ. Tức trong mọi tác dụng đó có hiện đủ hết, nếu mình khéo thì thấy rõ cả, nhưng mình không khéo thì thôi. Cho nên ở đây nói:" Ông Trưởng giả đó ngồi thấy con thì liền nhớ biết, xác định chắc chắn như vậy, là có người giao phó rồi. Ông nói đứa con này ta thường nhớ đến nó, bỗng nó liền tự đến, đó là nói lên chúng sanh với Phật vốn không có thật thể sai biệt, trong chúng sanh vốn có Phật rồi, do đó nó mới "bỗngï nhiên tự đến", mà không từ đâu đến. Tức ngay nơi mình đã có đủ rồi, nếu mình khéo nhận thì thấy trong mọi tác dụng đều hiện rõ, còn ngồi đó mà cầu ở đâu đâu thì khó thấy được.

Ông đã già mà còn tham tiếc, là tham tiếc cái gì? Đó là nói lên ý chỉ, tánh giác nó vẫn niệm niệm không có tạm rời nơi mình, trong niệm niệm đều có tánh giác đầy đủ không thiếu, khi nhân duyên đến thì liền gặp. Ông sai người hầu cận đuổi gấp bắt lại là dụ cho cái gì? Là dụ cho dùng pháp đốn giáo mà thu về đó, đốn giáo là ngay đó nhận được liền thôi. Nhưng người cùng tử thì sao? Lúc đó ông Trưởng giả sai sứ giả chạy mau qua bắt, gã cùng tử kinh ngạc kêu oan: "Tôi không hề xúc phạm, nhân sao lại bị bắt?". Không hề xúc phạm tức là không hề cầu cái đó, nó quá sức tưởng tượng, do đó cùng tử mới kinh ngạc kêu oan. Nhưng kẻ sứ giả đó nghe thì càng gấp cưỡng dắt đem về.

Gấp cưỡng bắt đó, là chỉ cho lý thật đốn giáo thì ngay phiền não tức Bồ Đề, sanh tử tức Niết Bàn, chớ không có chỗ để cho mình kịp suy nghĩ, nhưng người cùng tử này căn cơ chưa đến được, chưa tiếp nhận nổi cái lý này, do đó ngất xỉu. Ngất xỉu đó là mình đối diện mà tự mê, có mắt tai đầy đủ mà không thấy không nghe, đó mới là chuyện đau, nếu ngay đó mà nhận là cha tôi thì hay quá! Đó là nói lên duyên chưa đến, dù cho cưỡng hợp cũng không hợp nổi, công phu mình chưa tương ứng thì cố gượng hợp cũng không thể được.

Khi ngất xỉu như vậy người cha mới nói với kẻ sứ giả: "không cần người đó, chớ cưỡng đem đến, lấy nước lạnh rưới lên mặt cho nó tỉnh lại, cũng đừng nói chi với ai hết". Tại sao gặp con rồi mà không dám nói, cha chỉ xa thấy con? Là để nói lên, nhân Phật có đủ rồi, nhưng chưa sống được còn cách đạo quả rất xa. Cũng như mình ở đây nghe biết có tánh Phật đó rồi, nhưng chưa sống được, như vậy mình còn cách đạo quả rất xa, Phật cũng còn từ xa thấy mình. Xa đó là muốn nhắc nhở cho mọi người, nhất là người học pháp Đại thừa, học pháp Thiền, không thể bảo cái đó là cái có sẵn rồi không cần phải tu gì hết. Tuy là nó có sẵn đó nhưng công phu mình chưa đến, thì nó chưa có hợp được, cho nên đây nói người cha còn xa thấy vậy thôi. Rồi bảo sứ giả hãy lấy nước lạnh rưới lên mặt cho nó tỉnh lại đừng nói gì với nó hết, đó là muốn nói chỉ dùng phương tiện, để khiến cho người sẽ tự nhận tự ngộ thôi chứ không thể áp đặt được, bởi vì nó không chịu nhận thì dù cho có áp đặt cách mấy cũng không được. Mặc dù biết nó sẵn sàng trước mặt đó, nhưng bảo ngộ đi, ngộ không nổi?

CHÁNH VĂN:
Vì sao? Cha biết con mình y chỉ hạ liệt, tự biết mình giàu sang làm khiếp sợ cho con. Biết chắc là con rồi mà dùng phương tiện chẳng nói với người khác biết là con mình. Kẻ sứ giả nói với cùng tử: "Nay ta thả ngươi đi đâu tuỳ ý".

Gã cùng tử vui mừng đặng điều chưa từng có, từ dưới đất đứng dậy, qua đến xóm nghèo để tìm cầu sự ăn mặc.

GIẢNG:

Biết chắc là con mình rồi nhưng không nói với người, đó là muốn nói lên ai ai cũng có ông chủ chân thật đó, biết chắc như vậy 100% không nghi ngờ gì hết, nhưng lẽ thật đó mình chỉ có thể thầm hội thôi chứ không thể suy nghĩ để hiểu, cũng không thể nói năng được. Cho nên ở đây nói biết chắc như vậy mà không nói cho người khác nó là con mình. Hiểu chỗ này quí vị đọc trong sách Thiền thì thấy Lâm Tế hỏi Ngài Hoàng Bá: "Thế nào là đại ý Phật pháp?" Ngài Hoàng Bá đánh cho một gậy. Tại sao không giải thích mà chỉ đánh thôi? Nếu nói theo đây thì không thể nói với người khác được, chỉ để cho mình tự nhận. Thì đây, biết chắc chúng sanh có tánh giác đó rồi, không lo gì mà không được giác, nếu khéo dùng phương tiện đánh thức họ thì có lúc họ sẽ tỉnh. Ngài Lâm Tế nói:

- Ở ngay trong cục thịt đỏ có vị chân nhân vô vị, tim, gan, tỳ, phổi nó không biết thuyết pháp, nghe pháp, hư không cũng không biết thuyết pháp, nghe pháp, chỉ có cái riêng sáng tỏ rõ ràng trước mắt các ông đó, nó biết thuyết pháp, nghe pháp.

Nghĩa là: Ở trong thân xác thịt này, có một vị chân nhân không có ngôi thứ gì hết, tức là trong thân này có ông Phật, tim, gan, tỳ phổi nó không biết nói pháp, nghe pháp. Vậy cái gì biết thuyết pháp nghe pháp? Thì chính là nó thôi chớ còn gì nữa. Đó là Ngài chỉ rõ ngay trong thân chúng sanh có Phật tánh sáng ngời đó, nó chưa từng mê nhưng mình không chịu nhận thôi. Nên sứ giả nói với cùng tử:

"Nay ta thả ngươi đi đâu tuỳ ý".

Gã cùng tử được thả rồi đi qua xóm nghèo để tìm cầu sự ăn mặc được chút ít cho là đủ. Được thả đi qua xóm nghèo đó là gì? Tức là được chút thảnh thơi là tự hài lòng, nhưng quên rằng vẫn còn làm công kiếm ăn từng buổi, nếu ngay đó mà nhận cha mình thì sướng biết mấy, hết đời làm mướn rồi. Đó là muốn nói lên công phu của mình thuộc về những công phu tạo tác hữu vi, là công phu sanh diệt, chưa phải thật. Tại sao ở đây gã cùng tử này nhận chút ít tự cho là đủ? Là bởi do cái tập khí nhiều đời, cho nên tuy gặp đó mà cũng không sống được, người có duyên lành nhận được, nhưng chưa sống được, cũng còn phải thời gian, bởi vì tập khí nó huân tập từ vô lượng kiếp đến giờ rồi, do đó muốn bỏ một lần không dễ gì bỏ hết được mà phải có thời gian lâu ngày, ở đây ông Trưởng giả cũng biết như vậy.

[ Quay lại ]