headertvtc new


   Hôm nay Thứ hai, 23/12/2024 - Ngày 23 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

KINH PHÁP HOA - PHẨM THỌ KÝ

CHÁNH VĂN:

Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn nói bài kệ đó rồi, bảo đại chúng xướng lời thế này: "Ông Ma Ha Ca Diếp đệ tử của ta, ở đời vị lai phụng thờ ba trăm muôn ức các Đức Phật Thế Tôn, cúng dường cung kính tôn trọng ngợi khen rộng nói vô lượng đại pháp của các Đức Phật, ở nơi thân rốt sau đặng thành Phật hiệu là Quang Minh Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật Thế Tôn.

Nước tên là Quang Đức, kiếp tên là Đại Trang Nghiêm, Phật thọ hai mươi tiểu kiếp. Chánh pháp trụ thế hai mươi tiểu kiếp, Tượng pháp cũng trụ hai mươi tiểu kiếp. Cõi nước tốt đẹp không có các thứ dơ xấu, ngói sỏi gai góc cùng đồ tiện lợi chẳng sạch. Cõi đó bằng thẳng không có cao thấp hầm hố gò nõng, đất bằng lưu ly, cây báu thẳng hàng, vàng ròng làm dây để giăng bên đường, rải hoa báu khắp nơi sạch sẽ.

Bồ tát trong nước đó đông vô lượng ngàn muôn ức, các chúng Thanh văn cũng lại vô số. Không có việc ma, dầu có ma và dân ma nhưng đều hộ trì Phật pháp.

GIẢNG:

Đây là Phật thọ ký cho ngài Ma Ha Ca Diếp. Sở dĩ có phẩm này là sao? Tức là đến bốn vị đệ tử lớn của Phật đã lãnh ngộ được, tin nhận được lý chân thật là một vị. Cho nên trước nói lên thí dụ cùng tử, Phật nói lên thí dụ Dược thảo, các vị này coi như tin nhận được lý chân thật một vị đó, quên được niệm sai biệt, là mở cái tri kiến Phật sẵn nơi mình rồi, đó chính là cái nhân chân thật để thành Phật, vì vậy liền được thọ ký. Thọ ký tức là trao lời ghi nhận chắc chắn sau này sẽ thành Phật không nghi, trong nghĩa thọ ký cũng có ý sâu trong đó.

Thứ nhất, thọ ký là sao? Ở đây, người tin nhận được điều đó thì liền được thọ ký, nghĩa là cái thành Phật đó cũng là thành cái sẵn có đó thôi, chớ không phải gì khác, cho nên tin nhận thì liền được thọ ký. Khi mình nhận được điều đó thì đúng với quả chân thật giác ngộ, lý thật đó không còn sai lệch, nên liền được thọ ký, chớ không phải là đem cái gì trao cho, nhớ điều đó!

Thứ hai, thọ ký để cho thấy tuy mình chứng ngộ cái nhân sẵn có đó rồi, nhưng không phải là ngay đó thành Phật liền, mà thọ ký đây là phải trải qua cúng dường, cung kính tôn trọng, ngợi khen phụng thờ ba trăm muôn ức Đức Phật Thế Tôn sau đó mới thành Phật.

Như vậy cho thấy, tuy mình chứng ngộ cái nhân sẵn có đó rồi nhưng còn phải tiệm tu, phải sống cho được trọn vẹn, được viên mãn ở trong đó thì mới xong, chớ không phải thấy là đủ rồi. Bởi vậy đây phải trải qua nhiều kiếp thờ Phật, trang nghiêm cõi Phật mới viên mãn được quả Phật, chớ không phải nói: à cái đó sẵn có nơi tôi rồi thôi.

Đây nói thọ ký là phương tiện tùy duyên vậy thôi, chớ còn sự thật trong lý rốt ráo chỉ là dùng tâm ấn tâm, chớ không phải có cái gì khác để mà thọ ký. Tưởng nói thọ ký rồi là Phật có cái trao cho, còn mình nhận được cái gì đó nơi Phật, còn thấy có cho có nhận là sai lầm.

Trong kinh Kim Cang thấy rõ, Phật Thích Ca bảo: "Ta ở chỗ Phật Nhiên Đăng không có chút pháp để được, thì đó mới là được. Bởi vì pháp đó không thật không hư". Do đó người chứng ngộ cái đó thì thầm nhận, thầm khế hợp thôi, chớ còn người đứng bên ngoài không hiểu nổi được. Cho nên ở đây quí vị đọc thấy Phật thọ ký cho các Ngài thì tưởng đâu là chuyện của các Ngài không dính dáng gì đến mình phải không? Nhưng sự thật thì sao? Mình cũng có phần trong đó. Quí vị học Pháp Hoa mấy phẩm rồi còn nhớ ở trước Phật nói gì chưa? Ở phẩm Phương tiện, Phật nói những người xưng Nam mô Phật hoặc ở trước tượng Phật đó cúi đầu hay giơ một tay v.v... đều đã thành Phật đạo. Thì Phật thọ ký ai cũng được, ai cũng thành Phật đạo, mà đối trước tượng Phật cúi đầu cũng thành Phật đạo rồi, vậy có ai thiếu đâu. Nhưng tại vì chưa chịu nhận, nên nghe điều đó là để nhớ lại mình, chớ không phải chuyện của các Ngài thôi.

Đây Phật thọ ký cho ngài Ca Diếp, ở đời vị lai phụng thờ ba trăm muôn ức các đức Phật Thế Tôn, ba trăm muôn ức mà tính chừng bao nhiêu? Cũng hàng triệu đức Phật, mỗi đức Phật ra đời chừng bao nhiêu năm? Từ Phật Thích Ca ra đời tới Phật Di Lặc ra đời chừng bao nhiêu năm, mà ở đây còn cúng dường ba trăm muôn ức đức Phật nữa, nếu mình được thọ ký kiểu đó có vui không? Cúng dường hết các đức Phật như vậy, sau đó mới thành Phật gọi là Quang Minh Như Lai, Chánh Biến Tri, đủ mười hiệu, nước tên Quang Đức, kiếp tên Đại Trang Nghiêm. Phật đó thọ mười hai tiểu kiếp, cõi nước đều tốt đẹp hết. Ở trong nước đó thì Bồ tát cũng đông nhiều, chúng Thanh văn cũng vô số, không có việc ma, nếu có việc ma đi nữa cũng đều hộ trì Phật pháp.

Ngài ở giữa đại chúng xướng rõ, Ca Diếp sau này sẽ thành Phật thì đó là một ý để chỉ cho việc này là việc chân thật rõ ràng không nói giấu giếm. Phụng thờ ba trăm muôn ức đức Phật là chỉ cho thường sống trong ánh sáng của Phật, tức ánh sáng giác ngộ đó. Khi công đức viên mãn tròn đầy thì được Phật quả vậy thôi. Bây giờ nhận ra, thấy được tri kiến Phật này là Phật nhân, thường sống trong đó cho được trọn vẹn viên mãn là thành Phật quả. Nên ở đây nói phụng thờ ba trăm muôn ức Phật là luôn luôn sống trong đó, sống trọn vẹn công đức đâu tính thời gian được.

Thời gian phụng thờ số Đức Phật đó thì mỗi người có khác. Vì sao? Vì công phu mỗi người có sai khác, cái vô minh có dày mỏng không đồng, nên sống gần gũi trọn vẹn phải có sai khác, phụng thờ đức Phật nhiều hơn, ít hơn là do công phu của mỗi người. Nhưng có một điều hễ có cái chân thật này rồi thì quyết chắc sẽ thành Phật, sẽ thành tựu Phật quả không sai. Cho nên được nhân này rồi, được thọ ký là vui rồi.

Ngài Ca Diếp là Phật Quang Minh, cõi nước tên là Quang Đức, kiếp tên là Đại Trang Nghiêm, coi như đều là ánh sáng hết. Quang Minh là ánh sáng rực rỡ, Quang Đức là đức sáng nữa, Đại Trang Nghiêm cũng là tốt đẹp luôn. Đó là Ngài Ca Diếp lúc ở trong nhân tu hành Ngài có thờ Phật Nhựt Nguyệt Đăng, sau khi Phật Nhựt Nguyệt Đăng diệt độ thì Ngài dùng đèn để thắp sáng cúng dường, sau đó dùng vàng tốt để tô đắp hình tượng Phật, và ở trong đây Ngài thường rộng nói pháp Phật nữa. Tức đem ánh sáng trí tuệ đến cho mọi người, do đó khi thành Phật hiệu là Quang Minh ứng hợp với cái nhân. Quang Minh là sáng, nước tên là Quang Đức cũng là sáng, cõi nước đều là tốt đẹp bằng phẳng là bởi vì khi thành Phật thì tâm Phật trang nghiêm thanh tịnh rồi, cho nên nhìn ra cái gì cũng trang nghiêm thanh tịnh hết.

Nhưng có người nghe như vậy cũng hơi nghi. Vậy Phật Thích Ca thành Phật tâm Ngài có trang nghiêm thanh tịnh không? Bởi vậy trong kinh Duy Ma Cật, Ngài Xá Lợi Phất cũng nghi. Thành Phật thì trang nghiêm thanh tịnh nên cõi nước cũng trang nghiêm thanh tịnh theo. Nhưng tại sao cõi nước của Phật Thích Ca thấy đủ thứ nhơ nhớp, hang hố, gò nổng đầy đủ trong đó thì sao? Loa Kế Phạm Vương nói: "Đó là tại tâm ngài thấy như vậy thôi, chớ còn tôi thấy cõi nước trang nghiêm sáng ngời hết". Nói xong Phật cũng xác nhận là đúng như vậy, sau đó Phật ấn ngón chân xuống liền đó cõi Ta Bà này đều trang nghiêm tốt đẹp.

Để nói lên, tại vì tâm mình còn sai biệt, nhơ nhớp nên thấy cõi này nhơ nhớp sai biệt theo. Nếu tâm thanh tịnh thì thấy tất cả đều trong sạch thanh tịnh.

CHÁNH VĂN:

Bấy giờ đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:

                        Bảo các tỳ kheo rằng
                        Ta dùng mắt của Phật
                        Thấy ông Ca Diếp này
                        Ở nơi đời vị lai
                        Qua vô số kiếp sau
                        Sẽ đặng thành quả Phật
                        Mà ở đời vị lai
                        Cúng dường và kính thờ
                        Đủ ba trăm muôn ức
                        Các đức Phật Thế Tôn   
GIẢNG:

Ở đây là Phật nói rằng, Ngài dùng mắt Phật thấy ông Ca Diếp này về sau sẽ được thành Phật. Đó là ý nhắc mình, muốn thấu được việc này phải sao? Đây Ngài nói Ngài dùng mắt Phật thấy ông Ca Diếp về sau sẽ thành Phật, việc đó rõ ràng không sai lầm, như vậy mình muốn thấu việc này thì cũng phải mở con mắt Phật sẽ thấy được việc này không nghi ngờ. Nếu dùng con mắt chúng sanh này hoặc tâm chúng sanh suy nghĩ, cũng suy nghĩ theo tâm chúng sanh của mình nên khó thấu được. Cho nên nhiều người nghe rồi suy theo tâm chúng sanh khiến cũng sai biệt theo tâm chúng sanh của mình, nên có khi nghi ngờ. Còn nếu mở được con mắt Phật sẽ thấy được việc này, tin chắc rõ ràng không nghi.

CHÁNH VĂN:

                        Vì cầu trí huệ Phật
                        Mà tịnh tu phạm hạnh
                        Cúng dường đấng tối thượng
                        Nhị Túc Tôn xong rồi
                        Tu tập trọn tất cả
                        Trí huệ bậc vô thượng
                        Ở nơi thân rốt sau
                        Đặng chứng thành làm Phật    
GIẢNG:

Cúng dường đấng tối thượng Nhị Túc Tôn đó, Nhị Túc Tôn là sao? Nhị Túc là chỉ cho hai điều đầy đủ, đó là hai thứ trang nghiêm phước và trí. Một vị Phật phải đầy đủ hai đức phước và trí trang nghiêm mới thành vị Phật. Cho nên Phật mà còn thiếu một phần thì chưa trọn vẹn. Vì vậy người cứ chuyên trí tuệ mà thiếu phước là chưa đủ, còn lo tu phước mà không có tuệ thì cũng chưa đủ. Bởi vậy trong đệ tử của Phật có vị A La Hán, chứng A La Hán nhưng thiếu phước cho nên đi khất thực, thường ôm bát không về, bị đói hoài. Chứng A La Hán là có tuệ, nhưng thiếu phước nên ôm bát không về hoài. Có một lần Ngài Xá Lợi Phất khất thực đưa bát cho ông, tưởng đâu đưa bát đầy ông sẽ ăn được no, ngờ đâu vừa mới cầm trượt tay rớt bể đổ, thành ra không ăn được lại cũng đói tiếp. Tới ngày gần cuối, Ngài Xá Lợi Phất là thầy, Ngài muốn cho no bụng buổi cuối đó, khi đi khất thực về đưa bình bát cho ông, Ngài ngồi kế bên dùng thần thông để cho ông dùng bữa cơm cuối đó, để cho thấy rõ có tuệ mà còn thiếu phước.

Còn có phước mà thiếu tuệ thì nhiều khi cũng còn nguy. Vì có phước mà thiếu tuệ thì dễ tham đắm trong phước đó, không thấy rõ phước đó là do nghiệp của mình đã làm từ tiền kiếp mà được thôi, nhiều khi say đắm trong phước đó mà tạo tội thêm. Thí dụ như những người giàu có, vua chúa, không có phước làm sao làm được chuyện đó. Tuy có phước nhưng thiếu trí tuệ, trí tuệ này là trí tuệ trong Phật pháp, chớ không phải trí tuệ thế gian, nên ỷ vào phước này mà tạo không biết bao nhiêu tội.

Còn Phật khi thành Phật rồi thì đầy đủ cả phước và huệ. Vì vậy quí vị thấy thường vẽ Phật Thích Ca có hai vị Bồ tát ở hai bên là Bồ tát gì? Ngài Văn Thù và Ngài Phổ Hiền. Ngài Văn Thù chỉ cho trí tuệ, Phổ Hiền là chỉ cho đại hạnh, đại hạnh là phước đầy đủ. Một vị Phật phải đầy đủ có hai vị Bồ tát kề cận tức đầy đủ trí tuệ và hạnh nguyện, phước đức trọn vẹn, thiếu một bên là chưa đủ. Đây chỉ cho Lưỡng Túc Tôn là như vậy đó, cúng dường đầy đủ những bậc đó rồi, khi đến thân rốt sau thì chứng thành Phật.

CHÁNH VĂN:

                        Cõi đó rất thanh tịnh
                        Chất lưu ly làm đất
                        Nhiều thứ cây bằng báu
                        Thẳng hàng ở bên đường
                        Dây vàng giăng ngang đường
                        Người ngó thấy vui mừng
                        Thường thoảng ra hương thơm
                        Rải các thứ hoa đẹp
                        Các món báu kỳ diệu
                        Dùng để làm trang nghiêm.
                        Cõi đó đất bằng thẳng
                        Không có những gò hầm
                        Các hàng chúng Bồ tát
                        Đông không thể xưng kể
                        Tâm các vị hòa dịu
                        Đến đặng thần thông lớn
                        Phụng trì các kinh điển
                        Đại thừa của các Phật.
                        Các hàng chúng Thanh văn
                        Vô lậu thân rốt sau
                        Là con của Pháp vương
                        Cũng chẳng thể đếm hết
                        Phật đó sẽ sống lâu
                        Tuổi mười hai tiểu kiếp
                        Chánh pháp trụ ở đời
                        Đủ hai mươi tiểu kiếp
                        Tượng pháp trụ ở đời
                        Cũng hai mươi tiểu kiếp
                        Đức Quang Minh Thế Tôn
                        Việc của Ngài như thế
GIẢNG:

Đây là Phật lập lại Ngài thọ ký Ca Diếp thành Phật Quang Minh, cõi nước đều trang nghiêm thanh tịnh tốt đẹp, chất lưu ly làm đất, cây bằng báu, dây bằng vàng giăng ngang đường. Quí vị thấy như là chuyện hy hữu đây không bao giờ thấy. Đây là chỉ cho tâm thanh tịnh, mà tâm đã thanh tịnh thì thấy cái cũng thanh tịnh sáng ngời là đâu đâu cũng hiển bày ánh sáng chánh giác đó hết. Cho nên người nào khéo thì bất cứ chỗ nào cũng cảm được ánh sáng này, còn không khéo thì đâu cũng thấy âm u hết. Vậy ngay đây tâm thanh tịnh thì thấy chỗ nào cũng là Tịnh độ.Phật đó sống tới mười hai tiểu kiếp, một tiểu kiếp không biết bao nhiêu năm, mà đây tới mười hai tiểu kiếp. Chánh pháp trụ đời mười hai tiểu kiếp, vậy ở đây chỉ cho thời này không phải thời ác trược. Đó là phần của Ngài Ma Ha Ca Diếp.

CHÁNH VĂN:

Lúc bấy giờ, Ngài Đại Mục Kiều Liên, ngài Tu Bồ Đề, Ngài Ca Chiên Diên..v..v thảy đều run sợ một lòng chấp tay chiêm ngưỡng dung nhan của Phật, mắt không hề tạm rời, liền đồng tiếng nhau nói kệ rằng:

                        Thế Tôn rất hùng mãnh
                        Pháp Vương trong dòng Thánh
                        Vì thương sót chúng con
                        Mà ban giọng tiếng Phật
                        Nếu rõ thâm tâm con
                        Được Phật thọ ký cho
                        Như dùng cam lồ rưới
                        Từ nóng đặng mát me.
                        Như từ nước đói đến
                        Bỗng gặp cỗ tiệc vua
                        Còn ôm lòng nghi sợ
                        Chưa dám tự ăn liền
                        Nếu lại đặng vua bảo
                        Vậy sau mới dám ăn
                        Chúng con cũng như vậy
                        Hằng nghĩ lỗi tiểu thừa
                        Chẳng biết làm thế nào
                        Đặng huệ vô thượng Phật
                        Dầu nghe giọng tiếng Phật
                        Nói chúng con thành Phật
                        Còn ôm lòng lo sợ
                        Như chưa dám tự ăn
                        Nếu được Phật thọ ký
                        Mới là khoái an vui
                        Thế Tôn rất hùng mãnh
                        Thường muốn an chúng con
                        Xin thọ ký chúng con
                        Như đói cần bảo ăn.   
GIẢNG:

Đây là Ngài Ca Diếp được thọ ký rồi, còn lại ba ngài Mục Kiền Liên, Tu Bồ Đề, Ca Chiên Diên đều run sợ. Run sợ sao? Tâm trạng thấy người kia được thọ ký rồi còn mình không biết sao đây? Cho nên mấy vị nói bài kệ, các Ngài một lòng chắp tay chiêm ngưỡng dung nhan Phật, mắt không hề tạm rời, nhìn chăm chăm Phật tức là sao? Đây là tâm chuyên nhất để thầm hợp với Phật. Sự thật thì ở phẩm Phương tiện trước, trong bài kệ 40, Phật đã nói chung hết rồi. Ở trước Phật nói "ngàn hai trăm La Hán, cũng đều sẽ thành Phật," vậy thì Phật thọ ký một ngàn hai trăm vị La Hán đó sẽ thành Phật hết, nhưng tới đây các Ngài còn run là sao? Là chỉ các Ngài đại diện cho tâm của người còn yếu đó, cho nên nói kệ:

                        Thế Tôn rất hùnh mãnh
                        Pháp vương trong dòng Thánh
                        Vì thương xót chúng con
                        Mà ban giọng tiếng Phật

Thế Tôn rất hùng mãnh đó là tán thán Phật, Ngài hùng mãnh là sao? Ngài có đánh giặc, đánh ai không?

Hùng mãnh đây là chỉ cho Ngài đã thắng được mọi thứ phiền não. Mình ở thế gian thắng được cái này, thắng được cái kia, nhưng mà thắng phiền não nổi không? Một vị tướng ra trận, trước trận giặc coi như không sợ gì hết, nhưng về nhà bị nói chạm thì sao? Thì cũng thắng không nổi. Cho nên thắng phiền não đó là mạnh mẽ nhất, vì vậy Phật nói là: "Thắng vạn quân không bằng thắng mình". Đó mới là sức mạnh lớn hơn hết. Ở đây:

Thứ nhất, Phật thắng mọi phiền não.

Thứ hai, Phật dám vào nhà lửa này để cứu các con. Như phẩm Thí dụ ở trước đã nói ông Trưởng giả vào nhà lửa cứu những người con đang vui chơi đó, thì đây mình đang ở trong nhà lửa tam giới này, Ngài dám vào trong này để cứu ra đó mới là hùng mãnh. Ngài là vị hùng mãnh nên mới vào được, chớ không ở ngoài hưởng giải thoát sướng quá rồi còn vào đây chi nữa.

                        Nếu rõ thâm tâm con
                        Được Phật thọ ký cho
                        Như dùng cam lồ rưới
                        Từ nóng đặng mát mẻ.


Đó là mong rằng đức Phật, Ngài xét cho thấu cái chỗ sâu xa ở trong lòng. Xét thấu chỗ sâu xa trong lòng này để chi? Để thọ ký cho thì mới thật an ổn, như dùng cam lồ rưới khiến được mát mẻ, thoả lòng mong đợi.

                        Như từ nước đói đến
                        Bỗng gặp cỗ tiệc vua
                        Còn ôm lòng nghi sợ
                        Chưa dám tự ăn liền
                        Nếu lại đặng vua bảo
                        Vậy sau mới dám ăn.

   
Quí vị thấy mình giống vậy không? Từ nước xa tới, đang đói bỗng gặp cỗ tiệc vua sẵn đó, nhưng còn nghi chưa dám ăn, đợi mời mới dám ăn. Cỗ tiệc bày sẵn đó rồi, chỉ cho cái gì? Là Phật chỉ cho mọi người biết ai ai cũng có Phật tánh sẵn đó rồi, nghe thì nghe như vậy nhưng chưa dám nhận, giống như tiệc bày sẵn mà chưa dám ăn. Phật chỉ sẵn hết rồi, mình chỉ ăn thôi mà chưa chịu ăn, còn đợi mời mới chịu ăn. Đó là nói lên tâm trạng tập khí còn kém, còn yếu, nó còn che mờ, cho nên chưa dám nhận. Nghe biết vậy nhưng chưa dám nhận, phải đợi mời, chỗ này kinh nghiệm những người tu hành được tỏ ngộ rồi, nhưng mà sao? Cũng còn chưa dám hoàn toàn tin chắc, còn nhờ người thầy là người đi trước, người đã trải qua việc đó, xác chứng trở lại rõ ràng rồi mới vững niềm tin. Đó là nói lên, tuy ngộ như vậy, nhưng tập khí dư thừa còn chưa sạch. Đâây Ngài nói đợi Vua bảo ăn thì mới dám ăn.

                        Chúng con cũng như vậy
                        Hằng nghĩ lỗi tiểu thừa
                        Chẳng biết làm thế nào
                        Đặng huệ vô thượng Phật

Nghĩ mình không biết bao giờ được thành Phật, được trí huệ Phật. Cho nên bây giờ nghe nói mình sẵn có đó rồi, nghe biết như vậy mà cũng còn nghi ngờ, lại nhờ Phật thọ ký, thọ ký mà gọi là đích danh thì mới chịu, thọ ký chung chung cũng không chịu nữa.

                           Còn ôm lòng lo sợ
                            Như chưa dám tự ăn
                            Nếu được Phật thọ ký
                            Mới là khoái an vui.
                            Thế Tôn rất hùng mãnh
                            Thường muốn an thế gian
                            Xin thọ ký chúng con
                            Như đói cần bảo ăn


Như đói cần bảo ăn, là sẵn sàng tiếp nhận. Bây giờ bảo ăn tức ăn liền vì đang đói rồi, chỉ cần ấn chứng cho vậy thôi, vì đây là sẵn rồi. Bây giờ có ai đang đói cần bảo ăn không? Đây Phật bắt đầu thọ ký cho.

CHÁNH VĂN:

Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn biết tâm niệm của các vị đệ tử lớn, bảo các thầy tỳ kheo rằng: "Ông Tu Bồ Đề đây đến đời vị lai phụng thờ ba trăm muôn ức na do tha Đức Phật, cúng dường cung kính tôn trọng ngợi khen, thường tu hạnh thanh tịnh, đủ đạo Bồ tát, ở thân rốt sau đặng thành Phật hiệu Danh Tướng Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật Thế Tôn.

Kiếp đó tên Hữu Bửu, nước đó tên là Bửu Sanh. Cõi đó bằng thẳng, đất bằng lưu ly, cây báu trang nghiêm, không có những gò, hầm, cát, sỏi, gai, chông cùng tiện lợi dơ dáy, hoa báu trải đất khắp nơi sạch sẽ, nhơn dân cõi đó đều ở đài báu và lầu gác quí đẹp. Hàng đệ tử Thanh văn đông vô lượng vô biên, tính kể cùng thí dụ đều không thể biết. Các chúng Bồ tát đông vô số ngàn muôn ức na do tha.
Đức Phật thọ mười hai tiểu kiếp, Chánh pháp trụ ở đời hai mươi tiểu kiếp, Tượng pháp cũng trụ đời hai mươi tiểu kiếp. Đức Phật đó thường ở trên hư không vì chúng nói pháp độ thoát đặng vô lượng Bồ tát cùng chúng Thanh văn.

GIẢNG:


Đây thọ ký cho ngài Tu Bồ Đề, sau này ngài sẽ phụng thờ ba trăm muôn ức na do tha Đức Phật, cúng dường cung kính, sau đó tu hạnh thanh tịnh, đủ đạo Bồ tát rồi sẽ thành Phật tên là Danh Tướng, kiếp tên là Hữu Bửu, nước tên Bửu Sanh.

Bởi vì Ngài Tu Bồ Đề là người giải không bậc nhất tức là rõ được lý không là bậc nhất ở trong hàng Thanh văn, cho nên khi thành Phật thì được tên là Danh Tướng. Danh Tướng là để chỉ cho cái gì? Tức là không mà cái không cũng không rời danh tướng. Ngay nơi mọi danh tướng mình suốt qua tất cả không ngại không ngăn. Cõi nước thanh tịnh trang nghiêm tốt đẹp, Phật đó thường nói pháp ở trên hư không, bởi vì Ngài là giải không bực nhứt. Nhân là giải không bực nhứt cho nên khi thành Phật thường nói pháp ở trên hư không. Nhưng cái đó cũng là ý khiến cho mọi người không có chỗ bám, không có chỗ bám thì sao? Là để sống trở về với chính mình mà thôi. Đó cũng là cái đánh thức mình sống trở về với ông Phật chính mình.

Kiếp tên là Hữu Bửu, nước tên là Bửu Sanh. Bửu là báu, như vậy cũng là để hiểu rõ ý ở trong cái không mà bất không, nên mới hiện ra là bửu, trong không mà lại có báu. Ở trong cái không đó mà thành tựu đầy đủ tất cả những diệu dụng, chớ không phải là không có gì hết.

Khi đó, Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng :

CHÁNH VĂN:

                            Các chúng tỳ kheo này
                            Nay ta bảo các ông
                            Đều nên phải một lòng
                            Lóng nghe lời ta nói
                            Đệ tử lớn của ta
                            Là ông Tu Bồ Đề
                            Rồi sẽ đặng làm Phật
                            Hiệu gọi là Danh Tướng
                            Sẽ phải cúng vô số
                            Muôn ức các Đức Phật
                            Theo hạnh của Phật làm
                            Lần lần đủ đạo lớn
                            Thân rốt sau sẽ đặng
                            Ba mươi hai tướng tốt
                            Xinh lịch đẹp đẽ lắm
                            Dường như núi báu lớn.
                            Cõi nước của Phật đó
                            Trang nghiêm sạch thứ nhứt
                            Chúng sanh nào được thấy
                            Không ai chẳng ưa mến
                            Phật ở trong cõi đó
                            Độ thoát vô lượng chúng
                            Trong pháp hội của Phật
                            Các Bồ tát đông nhiều
                            Thảy đều bậc lợi căn
                            Chuyển pháp luân bất thối.
                            Cõi nước đó thường dùng
                            Bồ tát để trang nghiêm
                            Các chúng Thanh văn lớn
                            Chẳng có thể đếm kể
                            Đều đặng ba món minh
                            Đủ sáu thứ thần thông
                            Trụ tám pháp giải thoát
                            Có oai đức rất lớn.
                            Đức Phật đó nói pháp
                            Hiện ra vô lượng món
                            Pháp thần thông biến hóa
                            Chẳng thể nghĩ bàn được
                            Các hàng trời, nhơn dân
                            Số đông như hằng sa
                            Đều cùng nhau chắp tay
                            Lóng nghe lãnh lời Phật.
                            Đức Phật đó sẽ thọ
                            Tuổi mười hai tiểu kiếp
                            Chánh pháp trụ lại đời
                            Đủ hai mươi tiểu kiếp
                            Tượng pháp trụ ở đời
                            Cũng hai mươi tiểu kiếp   
GIẢNG:


Đó là việc thọ ký cho ngài Tu Bồ Đềø. Như vậy để cho thấy là mỗi vị đều được thọ ký rồi cũng sẽ thành Phật, thì khi thành Phật đó cõi nước nào cũng đều trang nghiêm tốt đẹp hết, có điều là các Ngài khi thành Phật trong thời đó không phải là thời ngũ trược ác thế, tuổi thọ được rất là lâu, cũng như chánh pháp, tượng pháp cũng được lâu dài. Đó là phần ngài Tu Bồ Đề được thọ ký.

[ Quay lại ]