KINH PHÁP HOA - PHẨM HÓA THÀNH DỤ
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ ba, 07 Tháng sáu 2011 14:46
CHÁNH VĂN:
Đức Phật bảo các thầy Tỳ Kheo: "Thuở quá khứ vô lượng vô biên bất khả tư nghị a tăng kỳ kiếp đã qua, lúc bấy giờ có Đức Phật hiệu Đại Thông Trí Thắng Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật Thế Tôn. Nước đó tên Hảo Thành, kiếp tên Đại Tướng.
Các tỳ kheo! Từ khi Đức Phật đó diệt độ nhẫn đến nay rất là lâu xa thí như địa chủng trong cõi tam thiên đại thiên giả sử có người đem mài làm mực rồi đi khỏi một nghìn cõi nước ở phương đông bèn chấm một điểm chừng bằng bụi nhỏ, lại qua một nghìn cõi nước nữa cũng chấm một điểm, cứ như thế lần lựa chấm hết mực mài bằng địa chủng ở trên. Ý các ông nghĩ sao? Các cõi nước đó hoặc thầy toán hoặc đệ tử của thầy toán có thể biết đặng ngằn mé số đó chăng?"
- Thưa Thế Tôn! Không thể biết!
- Các Tỳ kheo! Những cõi nước của người đó đi qua hoặc có chấm mực hoặc không chấm mực đều nghiền nát cả ra làm bụi, một hột bụi là một kiếp, từ Đức Phật đó diệt độ đến nay lại lâu hơn số đó vô lượng vô biên trăm nghìn muôn ức a tăng kỳ kiếp. Ta dùng sức tri kiến của Như Lai xem thuở lâu xa đó dường như hiện ngày nay.
GIẢNG:
Đây là phẩm Hóa Thành Dụ, là dụ hóa Thành, tức là Thành biến hóa ra thôi. Có câu hóa thành bảo sở.
- Bảo Sở: là chỗ quý báu chân thật
- Hóa thành: là chỗ hóa ra chưa phải thật.
Tức là ở đây muốn nhắc chỗ này không phải chỗ dừng ở lâu, không phải chỗ ở vĩnh viễn mà còn phải bỏ nó để đi tới. Phẩm này vì sao gọi là hóa thành? Bởi vì nhân ở phẩm trước, năm vị đệ tử lớn của Phật đã được thọ ký như Ngài Xá Lợi Phất, Ngài Đại Ca Diếp, Ngài Tu Bồ Đề, Ngài Ca Chiên Diên, Ngài Đại Mục Kiền Liên, năm vị đó được thọ ký rồi, các Ngài đã nói lên thí dụ như là mưa chỉ một vị, còn cỏ thuốc thì có lớn có nhỏ, có thượng, trung, và hạ. Để chỉ cho pháp Phật chỉ có một vị thôi, chứ không có thứ lớp. Cuối phẩm thọ ký này thì Phật đã gồm thọ ký cho năm trăm đệ tử hết rồi, nhưng sợ có nhiều vị tập khí còn yếu kém, chưa dám tự tin vững, có thể là thoái tâm trên đường Bồ Đề. Bởi vì nghe nói thành Phật lâu xa, nghĩ là Phật đạo phải tu lâu ba vô số kiếp, phải thờ bao nhiêu đức Phật, trải qua bao nhiêu số kiếp như vậy, thì thôi ngay đây chứng Niết Bàn an ổn hơn. Tâm còn yếu kém sợ lâu xa, nên Phật mới nói nhân duyên xưa để nhắc lại cho mọi người có lòng tin mạnh hơn. Nghĩa là các vị ở đây đã từng được Phật giáo hóa rồi, hôm nay đã chín mùi, Ngài mới thọ ký cho. Như vậy để rõ cái Niết bàn tịch diệt đó mà các Ngài đã chứng, là chỗ tạm dừng chân thôi, còn phải phát tâm rộng lớn, lâu xa để vượt ngoài thời gian, vượt ngoài không gian. Tức phải có tâm rộng lớn, không còn kẹt trong thời gian, không còn kẹt trong không gian, không còn thấy có lâu có mau nữa, mà mình ngộ lại cái nhân xa xưa sẵn có của mình, cái đó mới là bảo sở, mới là vĩnh viễn lâu dài. Còn chỗ Niết Bàn mà tâm mình tạm yên đây, chỗ đó chưa phải là chỗ dừng lâu dài của mình, phải nhận cho rõ ông Phật chính mình, chỗ này mới là chỗ bảo sở, là chỗ để mình nương tựa vĩnh viễn. Cho nên hễ còn chỗ để dừng là chưa phải.
Đây Phật thuật lại việc của Đức Phật Đại Thông Trí Thắng Như Lai, Phật bảo:
- Các thầy tỳ kheo! Thưở quá khứ vô lượng vô biên bất khả tư nghì a tăng tỳ kiếp đã qua, bấy giờ có Đức Phật Đại Thông Trí Thắng Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật Thế Tôn.
Như vậy đức Phật đó cách đây bao lâu? Gọi là thưở quá khứ vô lượng vô biên bất khả tư nghì a tăng kỳ kiếp, bất khả tư nghì là không thể nghĩ bàn rồi; A tăng kỳ kiếp là vô số kiếp nữa, đã nói vô số, lại nói không thể nghĩ bàn nữa, thì quý vị tính ra chừng bao nhiêu kiếp? Vậy kể lại cho mình nghe chơi hay sao? Kể chuyện đâu xa xưa vậy? Đây phải hiểu được Đại Thông Trí Thắng rồi mới hiểu được ý nghĩa này. Đại Thông Trí Thắng này là chỉ cho cái gì? Ở đâu? Đó là chỉ cho quả thể của Phật hay là Phật tánh, tức Pháp thân sẵn có của mình, chứ không phải là ai khác, đó cũng gọi là trí thể chân thật của mỗi người, cho nên gọi là Đại Thông Trí Thắng, vì sao gọi là Đại Thông?
Đại là chỉ cho thể này nó vượt ngoài số lượng, nó bặt cả kia đây không còn có ranh giới. Thông tức là thông suốt hết, không chỗ nào ngăn ngại, nên gọi là Đại Thông.
Quý vị thấy ngay đây có cái thể này không? Nếu ngay đây không có cái thể này sao gọi là Đại Thông? Đại Thông là khắp hết không chỗ nào không có, không chỗ nào ngăn ngại mới gọi là Đại Thông được. Hiện giờ ngay chỗ mình ngồi đây có không? Nhưng sao không Đại Thông? Bởi vì không đại thông nên mới làm chúng sanh ngồi đây. Nếu ngay đây mà thấy được thì làm Đại Thông Trí Thắng liền! Còn Trí Thắng là sao? Là trí này nó vượt qua tất cả mọi thứ trí, nó thường sáng không mê, không có lúc tối lúc sáng, cũng không có đứt đoạn hay gián đoạn, cũng không có trí nào ở thế gian có thể so sánh được. Trí Thắng ở đây vượt hơn tất cả, là chỗ bặt hết chỗ hiểu biết, bặt mọi cái suy nghĩ của tâm thế gian, bởi vì còn có cái chỗ để so sánh thì đâu gọi là thắng được, còn có chỗ để so sánh thì chúng sanh nghĩ cũng đến được, có gì là thắng? Cho nên Trí Thắng này nó bặt hết mọi chỗ so sánh, vượt hơn trí của thế gian này, nó luôn sáng mà không có mê, không tối. Ngay đây mình khéo thấy trở lại ông Phật nơi mình, thì thấy Đại Thông Trí Thắng. Nghe nói Phật Đại Thông Trí Thắng nghĩ là Phật ở kiếp xa xưa thì kể chi chuyện đó, kể nghe chơi đâu dính dáng gì đến mình. Như vậy chỉ một cái tên thôi thì đủ cho mình tu chưa? Chỉ một tên này thôi nếu mình khéo hiểu được là đủ cho mình tu rồi.
Cái tên đó nhắc nhở mình ngay đây có tánh giác nó sẵn có và thông suốt trùm khắp tất cả, nó vượt ngoài sự so sánh của thế gian này. Thấy được cái thể này thì mình sẽ thấy được "Phật Đại Thông Trí Thắng ra đời". Vậy thì chỗ nào mà không có thông. Nhưng điểm quan trọng là điểm gì? Quan trọng là phải quên được niệm so sánh, niệm phân biệt kia đây, là Phật Đại Thông sẽ hiển lộ ngay. Chớ còn cái niệm so sánh phân biệt thì hết Trí thắng, đó gọi là trí phàm phu. Như vậy quý vị tin nổi ông Phật đó chưa? Thấy khó tin phải không? Bởi vì khó tin cho nên ở đây nói Phật này thì sao?
Phật này đã diệt độ lâu rồi, cách đây vô lượng vô biên bất khả tư nghì a tăng kỳ kiếp đã qua. Quý vị thấy tính chừng bao nhiêu năm? Không thể nghĩ nổi, ngoài sức tưởng tượng. Vậy để chỉ cho cái gì? Đó là để chỉ cho chúng sanh mình, mê muội ông Phật này quá lâu rồi, không biết bao nhiêu đời kiếp nữa. Cho nên bây giờ nói như vậy đó mà còn khó tin, khó hiểu, khó tưởng tượng nổi. Mà đã mê ông Phật này, thì đâu biết thời gian gì nữa, đã mê mờ rồi không biết đâu là đầu mối, chỉ một niệm mê thì liền quên, nhưng nếu mà giác lại thì sao? Giác thì nhớ lại thôi. Tức liền vượt qua bất khả tư nghì kiếp lâu xa kia.
Như vậy quý vị thấy ý nghĩa đốn giáo của kinh Pháp Hoa chưa? Thường mình tu phải trải qua vô số kiếp mới thành Phật. Nhưng nếu ngay đây mà mình giác ngộ trở lại, thấy rõ được tri kiến Phật của mình, là mình vượt qua vô số kiếp. Vô số kiếp mình mê mờ đã bỏ quên ông Phật này, bây giờ nhớ trở lại thì vượt qua vô số kiếp mê mờ đó. Tu rất nhanh, nhưng chỉ tại vì cái mê nó còn dày quá, cho nên nghe thì nghe mà cũng còn khó hiểu.
Bởi vậy ở đây Phật mới nói Phật Đại Thông Trí Thắng đó ở tại một nước, nước đó tên là Hảo Thành, kiếp tên Đại Tướng.
Hảo Thành tức là cái gì? Phật Đại Thông đó chỉ cho cái trí thể chân thật của mình. Trí thể đó nó ở đâu? Ở trong ánh sáng vĩnh cửu chớ không gì khác, trong ánh sáng mà nó hằng hữu nơi mình đó, cho nên tên nước là Hảo Thành. Hảo Thành là cái thành tốt đẹp, mà cái thành đó là ánh sáng chân thật này. Rồi cái trí đó vượt ngoài cả trước không kiếp nữa, không có số gì tính kể cho hết, nên kiếp này gọi là Đại Tướng. Đại Tướng là tướng to lớn. Như vậy để chỉ cho Đức Phật đó là ở ngay nơi mình, nhưng phải khéo vượt qua tâm phân biệt, có tính số, quên được tâm niệm đó mình sẽ thấy được Phật hiện ngay đây, còn không thì sẽ thấy Phật đó diệt độ đến nay bao lâu rồi? Ở đây Phật kể từ khi đức Phật đó diệt độ nhẫn đến nay rất là lâu xa, thí như địa chủng, địa chủng là chỉ cho cõi đất, đất là chỗ, là cái nhân hay phát sanh ra các thứ khác, cho nên gọi là chủng.
Cõi đất này giả sử có người đem mài làm mực rồi đi khỏi một nghìn cõi nước ở phương đông bèn chấm một điểm chừng bằng bụi nhỏ, rồi lại qua một nghìn cõi nước nữa cũng chấm một điểm, cứ như thế lần lượt chấm hết mực mài bằng địa chủng ở trên.
- Rồi những cõi nước của người đó đi qua hoặc có chấm mực hoặc không chấm mực đều nghiền nát cả ra làm bụi, một hột bụi là một kiếp, từ đức Phật đó diệt độ đến nay lại lâu hơn số đó vô lượng vô biên trăm nghìn muôn ức a tăng tỳ kiếp.
Hết tưởng tượng nổi! Đó là muốn nói lên cái gì? Phật Đại Thông Trí Thắng là chỉ cho Phật của chính mình mà nói đức Phật đó diệt độ tức là sao? Diệt độ tức là mê. Bắt đầu từ lúc mình mê, mình bỏ quên đức Phật đó đến nay, thì tính chừng bao lâu. Tính chừng bao nhiêu kiếp? Ở đây Phật ví dụ là mài mực như vậy để tính số kiếp. Ngầm chỉ nếu lấy tâm của chúng sanh, lấy trí có hạn lượng đây để mà hiểu thì không hiểu nổi cái mê này, cũng như không thể soi tới chỗ này được, do đó mà có ít người tin. Nhưng nói như vậy để muốn nhắc mình, phải quên cái tâm hẹp hòi có hạn lượng này, để cảm nhận được lẽ thật muôn đời đó. Do đó trong nhà thiền hay phá tâm đối đãi, bởi vì tâm đối đãi là tâm hẹp hòi có hạn lượng. Nếu mình phá được tâm đối đãi này, thì tâm nó mênh mông không còn hạn lượng, sẽ thấy được Phật này.
Ví dụ hỏi: "Thế nào là Phật?". Trả lời: "Que cứt khô". Thường thường mình nghĩ Phật là sao? Phật là thanh tịnh sáng suốt, đây Ngài nói que cứt khô, cứt là dơ, để cho mình quên niệm dơ - sạch đó thì thấy Phật. Còn nghe que cứt khô, mình nghĩ dơ thì hết thấy Phật.
Như vậy quý vị nhớ ông Phật mình diệt độ đến hôm nay là bao lâu chưa? Diệt độ từ vô số kiếp phải không? Nhưng nếu nhớ lại thì ngay đây thôi. Cho nên ở đây Ngài mới nói thêm:
- Ta dùng sức tri kiến của Như Lai xem thuở lâu xa đó dường như hiện ngày nay.
Nếu dùng tri kiến Phật mà nhìn, thì thấy cái thuở xa xưa như vậy, giống như hiện nay thôi, chớ không xa đâu hết. Nhưng mình dùng trí gì? Bằng tri kiến phàm phu mà nhìn, cho nên thấy nó xa quá, xa không thể tưởng tượng nổi. Vậy ngay đây quý vị chịu khó lấy tri kiến Như Lai mà nhìn thì thấy liền, thấy ngay đây thôi. Bởi vì lấy tri kiến Phật mà nhìn thì ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai, chỉ ngay một niệm đây, vi trần kiếp xa xưa cũng không rời ngay một niệm hiện tiền. Như vậy tuy nói xa xưa nhưng mình giác ngộ thì nó ngay đây liền, còn mình suy nghĩ thì thấy nó xa.
Trong nhà thiền có vị tăng hỏi Thiền Sư Tự Mãn:
- Khi chẳng rơi xưa nay, thỉnh thầy nói thẳng xem?
Không rơi vào xưa nay là không kẹt xưa, kẹt nay, thì nói thẳng xem nói sao đây?
Ngài Tự Mãn liền bảo:
- Đã biết ông lờ mờ rồi.
Nhưng ông Tăng này còn chưa hiểu, vừa muốn hỏi thêm, Ngài Tự Mãn bảo:
- Sẽ cho rằng Lão Tăng rơi vào xưa nay.
Ai thấy chỗ này là thấy đức Đại Thông Trí Thắng liền. Hỏi là: "Chẳng rơi vào xưa nay thỉnh thầy nói thẳng". Thì Ngài bảo liền: "Đã biết ông lờ mờ rồi". Vậy lờ mờ chỗ nào? Chẳng rơi vào xưa nay mà hỏi, tức là đợi nói để cho mình hiểu. Nhưng đợi nói tức rơi vào xưa nay rồi, nên ông vừa hỏi là biết ông lờ mờ rồi. Ông Tăng còn chưa hiểu, muốn hỏi thêm, mà nếu nói ra để cho hiểu thì càng rơi vào xưa nay nữa. Do đó Ngài bảo: "Sẽ cho rằng Lão Tăng rơi vào xưa nay. Cho thấy, ngay đây nếu mình khéo giác ngộ trở lại thì nó sẵn nơi đây liền, còn đợi nói ra cho mình hiểu, tức mắc kẹt xưa nay. Còn mình khéo để mà nhớ trở lại mình, thì đã là chính mình rồi còn hiểu gì nữa.
Quý vị nhớ khi muốn hiểu là hiểu gì? Tức là có cái gì đó để hiểu, mà có cái gì để hiểu tức là cái ngoài mình rồi. Nếu có ông Phật nào để hiểu, cái đó thuộc Phật bên ngoài, không phải là Phật chính mình, đã là Phật chính mình còn hiểu cái gì thêm nữa? Cho nên nhớ trở lại mình là xong, còn đợi hiểu là lờ mờ! Cũng vậy, học ở đây là để nhớ lại mình thôi, còn học mà để hiểu đó cũng lờ mờ luôn.
CHÁNHVĂN:
Bấy giờ đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:
Ta nhớ đời quá khứ
lượng vô biên kiếp
Có Phật Lưỡng Túc Tôn
Hiệu Đại Thông Trí Thắng
Như người dùng sức mài
Cõi tam thiên đại thiên
Hết tất cả địa chủng
Thảy đều làm thành mực
Quá hơn nghìn cõi nước
Bèn chấm mỗi điểm trần
Như thế lần lựa chấm
Hết các mực trần này.
Bao nhiêu cõi nước đó
Điểm cùng chẳng điểm thảy
Lại đều nghiền làm bụi
Một bụi làm một kiếp
Kiếp số lâu xa kia
Lại nhiều hơn số bụi.
Phật đó diệt đến nay
Vô lượng kiếp như vậy
Trí vô ngại của Phật
Biết Phật đó diệt độ
Và Thanh Văn Bồ Tát
Như hiện nay thấy diệt
Các Tỳ kheo nên biết
Trí Phật tịnh vi diệu
Vô lậu và vô ngại
Suốt thấu vô lượng kiếp.
GIẢNG:
Đây Ngài dùng kệ nhắc lại, là từ vô lượng kiếp đó, có đức Phật Lưỡng Túc Tôn, hiệu là Đại Thông Trí Thắng. Nếu người dùng sức mài cõi tam thiên này thành mực rồi qua cõi nước nhiều vô lượng đó, rồi nghiền hết cõi như vậy thành hạt bụi, cứ một hạt bụi là một kiếp, từ kiếp lâu xa như vậy, tính ra thì đức Phật đó diệt độ đến nay còn nhiều hơn số đó. Đây là chỉ cho cái mê của mình đã từ vô lượng kiếp rồi không có tính kể được. Vậy bắt đầu mê từ lúc nào? Thường thường với người thế gian luôn luôn là tìm nguồn mối bắt đầu có chúng sanh từ lúc nào, mà nếu có chỗ bắt đầu thì sao? Thì hết mê. Nó mê nên không thấy đâu là chỗ bắt đầu hết, nhưng chính cái đó mới là chỗ đặc biệt, bởi vì nó không thấy đâu là chỗ bắt đầu, cho nên khi mình giác thì liền thấy ngay đây. Nếu có chỗ bắt đầu mê mà tính đến bây giờ, mình phải phá dẹp cái mê đó thì không biết bao giờ mới dẹp cho xong. Nhưng ở đây nó không có chỗ gì gọi là bắt đầu hết, mê thì đâu có thật, khi mình giác là xong. Bởi vậy ngay đây mình giác thì vượt qua cái mê vô số kiếp liền, cho nên trong kinh hay luận thường thường có ví dụ: Trong nhà tối trải qua hằng trăm nghìn kiếp tối như vậy, nhưng nếu mình đem cái đèn vào thì sao? Nó sáng liền, hay đem đèn vào từ từ trải qua vô lượng kiếp đúng như vậy rồi nó mới sáng lên? Tuy là cái nhà tối đó nó tối từ trăm ngàn kiếp rồi, nhưng đem cây đèn vào nó sáng liền, vậy là nó vượt qua trăm ngàn kiếp. Đây cũng vậy, tuy là cái mê đó trải qua vô số kiếp không thể tính kể, mà ngay đây nếu mình giác lại thì vượt qua vô số kiếp liền sáng tỏ trở lại. Như vậy quý vị thấy đâu còn sợ lâu xa nữa, trong nhà Thiền có vị Tăng hỏi Thiền Sư Hy Phụng:
-Đạo Tràng của Phật xưa thì học nhân làm thế nào đến được?
Giống như mình bây giờ, đạo tràng của Ngài Đại Thông Trí Thắng như vậy làm sao đến?
Thiền Sư Hy Phụng bảo rằng:
- Hiện nay ông đang ở đâu?
Ngài không nói làm sao đến mà hỏi: "Hiện nay ông đang ở đâu?". Ngay đây nếu ông nhớ lại thì sao? Thì đang ở Đạo Tràng của Phật xưa rồi, bây giờ ngồi đây mà lo nhớ tới Phật xa xưa đó nên không đến được, quên mất là ngay đây mình nhớ lại, thì mình đang ở đạo tràng của Phật xưa rồi còn gì nữa. Do đó ở đây Phật nói là:
Vô lượng kiếp như thế
Trí vô ngại của Phật
Biết Phật đó diệt độ
Và Thanh Văn Bồ Tát
Như hiện nay thấy diệt
Thấy diệt như hiện nay vậy thôi, chớ không khác gì hết, đó là quên cái ý niệm lâu mau. Mình mở được trí Phật rồi thì mình vượt qua thời gian, không còn thấy chuyện lâu mau nữa, đó mới là thấy tánh. Như vậy cần nhất là mình thấy tánh, thì giải quyết cái nghi thời gian, nếu mình còn kẹt thời gian lâu mau, tức chưa hợp với tri kiến Như lai.
Ở đây thêm một ý nữa, ngay đây nếu mình tỏ ngộ rồi thì vượt qua vô số kiếp, thấy rõ hiện tiền tức là phá ý niệm xưa đã mất. Mình nghe nói rằng từ lâu rồi bỏ quên mất cái Tri kiến Phật hay mất chơn tâm, nhưng ở đây thấy rõ cũng không có mất đâu. Nếu dùng trí của Như Lai để thấy thì như hiện nay thôi đâu có mất, sở dĩ mất là do mình quên, nếu thấy được như vậy, thì quên cái niệm được - mất, ngay đây tin nhận được như vậy thì sao? Thì được thọ ký liền, đơn giản vậy thôi.
CHÁNH VĂN:
Đức Phật bảo các Tỳ kheo: "Đức Đại Thông Trí Thắng Phật thọ năm trăm bốn mươi vạn ức na do tha kiếp, đức Phật đó khi trước lúc ngồi đạo tràng phá quân ma rồi, sắp đặng đạo Vô thượng chánh đẳng chánh giác mà Phật pháp chẳng hiện ra trước, như thế một tiểu kiếp cho đến mười tiểu kiếp, ngồi xếp bằng thân và tâm đều không động mà các Phật pháp còn chẳng hiện ra trước.
Thuở đó, các vị Trời Đao Lợi ở dưới cội cây Bồ Đề đã trước vì đức Phật đó mà trải tòa sư tử cao một do tuần, Phật ngồi nơi tòa này sẽ đặng đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác. Khi Phật vừa ngồi trên tòa đó các trời Phạm Thiên Vương rưới những hoa trời khắp bốn mươi do tuần, gió thơm lâu lâu thổi đến, thổi dẹp hoa héo rồi rưới hoa mới mãi như thế không ngớt mãn mười tiểu kiếp để cúng dường đức Phật, nhẫn đến khi Phật diệt độ thường rưới hoa này. Các trời Tứ Thiên Vương vì cúng dường Phật nên thường đánh trống trời. Ngoài ra các vị trời khác trổi kỹ nhạc trời mãn mười tiểu kiếp đến khi Phật diệt độ cũng lại như thế.
Các Tỳ kheo! Đức Đại Thông Trí Thắng Phật quá mười tiểu kiếp, các Phật pháp hiện ra trước, thành đạo Vô Thượng Chánh đẳng Chánh giác.
GIẢNG:
Đây Đức Phật nói thêm, đức Phật Đại Thông Trí Thắng đó thọ năm trăm bốn mươi vạn ức na do tha kiếp, trước khi ngồi đạo tràng phá quân ma rồi, sắp đặng đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác, mà Phật pháp cũng chưa hiện ra trước, tức chưa được hiện tiền, trải qua từ một kiếp đến mười tiểu kiếp, ngồi xếp bằng thân tâm không động, mà Phật pháp cũng chẳng hiện ra trước.
Như mình đây ngồi bao lâu thân và tâm không động? Ngồi nửa tiếng thôi thì cũng cựa quậy rồi. Phật thọ năm trăm bốn mươi vạn ức na do kiếp là để chỉ cho Phật ứng duyên mà hiện, cho nên có tuổi thọ chứ sự thật đức Phật mà chân thật đó đâu có tuổi tác gì. Nếu nhận ra Phật thật, Phật đó không có tuổi tác, như vậy sống với ông Phật mà không tuổi tác này sướng hơn, hay sống với cái có tuổi tác này sướng hơn, mà bây giờ đây mình thích sống với cái nào hơn? Bây giờ bảo bỏ cái có tuổi tác này chịu không? Khó mà chịu nổi, bởi vậy khi sắp mất vội kiếm thân khác thế vào cho nên luôn luôn đi trong sanh tử. Chớ còn nhớ ông Phật không tuổi tác mà sống với ông Phật đó, thì cái này còn mất không thành vấn đề.
Phật này khi ngồi đạo tràng phá quân ma sắp được đạo Vô thượng, mà Phật pháp chẳng hiện ra trước, tức là nói lên cái gì? Phật sẵn rồi, còn đợi thành nữa thì sao? Bởi đợi thành nên không hiện tiền nổi. Quý vị ngồi thiền thân tâm mà nó yên lặng rồi, lúc đó đợi Phật hiện nữa thì sao? Thì không thấy Phật. Ngay khi ngồi yên thân tâm không động, ngay đó mà nhận trở lại thì Phật đó sẵn rồi, lại còn đợi hiện tiền nữa, chính cái đợi đó nên không thấy hiện tiền. Tâm chúng sanh chưa thanh tịnh nên chưa tương ứng, chưa hiện tiền, do đó mà còn đợi. Còn ở đây ngồi xếp bằng thân và tâm chẳng động tức là nó rõ ràng, nó sờ sờ đó rồi thì còn đợi gì nữa? Quên cái niệm đợi thì ngay đó hiện tiền rồi, nếu người bén nhạy ngay đây khéo nhận, thì Pháp thân bất động nó sẵn đó rồi, nó hiện ra đó rồi. Đây nói thêm.
Thuở đó, các vị Trời Đao Lợi ở dưới cội cây Bồ đề đã trước vì đức Phật đó mà trải tòa Sư tử cao một do tuần. Phật ngồi nơi tòa này sẽ đặng đạo Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Khi Phật vừa ngồi trên tòa đó các trời Phạm Thiên Vương rưới những hoa trời khắp bốn mươi do tuần, gió thơm lâu lâu thổi đến, thổi dẹp hoa héo rồi rưới hoa mới mãi như thế không ngớt mãn mười tiểu kiếp để cúng dường đức Phật, nhẫn đến khi Phật diệt độ thường rưới hoa này. Đây nói lên ý gì? Ngồi mười tiểu kiếp Phật pháp chẳng hiện tiền, vậy mười tiểu kiếp lúc đó nó ở đâu? Bởi vì nó sờ sờ đó mà mình cứ đợi hoài nên nó không hiện. Bây giờ đây đủ duyên tự khế hợp thì liền thấy nó hiện tiền gọi là được đạo. Vậy để cho thấy, nó sẵn đó, nhưng bởi vì chưa nhận ra cho nên còn đợi, mà chính khi đợi đó không thấy được. Còn khi khế hợp rồi thì hết tâm đợi, ngay đó nó hiện tiền thôi. Rồi Hoa trời rưới khắp, khắp nơi đều ứng hiện việc đó, không có giấu giếm gì hết. Lẽ thật nó chân thật sáng suốt như vậy, Phật cũng chỉ thẳng vậy đâu giấu giếm gì, chỉ còn mình nhớ hay không nhớ thôi. Rồi nói thêm: Các vị trời rưới hoa như vậy mãn mười tiểu kiếp, cho đến đức Phật diệt độ cũng thường rưới hoa này, là nói lên ý gì nữa? Là chỉ cho trước sau cũng chẳng rời một niệm hiện tiền này. Vậy chỉ cần nơi đây chúng ta giác ngộ thì ngay một niệm này là thấy Phật liền, là hoa trời rơi khắp. Rồi đây qua mười tiểu kiếp như vậy đó thì Phật pháp hiện tiền liền thành Phật. Bởi vì lâu nay tập khí mê mờ nó còn, cho nên có đó mà chưa hiện, bây giờ đây khi tập khí hết rồi, chỗ thấy được trọn vẹn rồi thì chánh giác hiện tiền, gọi là hiện ra thôi, chớ có gì đâu. Nếu ngay đây tâm và cảnh đều quên không còn có cái niệm là kia, là đây, là tâm, là cảnh nữa, thì ngay đó tự mình thầm khế hợp với Phật thật, gọi là hiện tiền, chớ không phải có cái gì khác ở đâu đó mà nó hiện đến. Chớ mình nghe nói Phật pháp hiện tiền rồi ngồi đó mà chờ cho nó hiện, thì không biết bao giờ mà nó hiện tới. Nếu ngồi chờ như vậy phải chờ qua mười tiểu kiếp nữa, phải không? Như vậy quý vị thấy Phật pháp đó là cái gì? Ở đâu hiểu chưa?
Cho nên ngày xưa có thị giả của Thiền Sư Điểu Khoà, tên là Hội Thông, ông đến nương Ngài thời gian khá lâu, nhưng chưa được chỉ dạy gì, chưa được sáng Phật pháp, một hôm ông xin từ giã đi, thì Thiền Sư Điểu Khoà hỏi:
- Nay ông định đi đâu?
Ông thị giả trả lời:
- Hội Thông con vì pháp mà xuất gia nhưng Hòa thượng chẳng từ bi chỉ dạy gì hết, nay con xin đi các nơi học Phật pháp.
Thiền sư Điểu Khoà bảo rằng:
- Nếu là Phật pháp, ta trong đây cũng có chút ít.
Thị giả hỏi:
- Thế nào là Phật pháp của Hòa thượng?
Sư liền bứt một sợi lông vải trên áo đang mặc, đưa lên miệng thổi cái "phù."
Ông thị giả liền đại ngộ, thấy được Phật pháp.
Vậy Phật pháp ở đâu? Ngay khi đưa lên thổi, cái gì thổi? Cái gì thấy rõ ràng? Thì ngay đó thôi. Còn mình cứ lo đi học Phật pháp học ở đâu đâu? Học ở trong mấy quyển sách, mấy quyển kinh in ra đó, thì cái đó cũng là Phật pháp nhưng là Phật pháp chết, chớ không phải Phật pháp sống. Phật pháp đó có sanh diệt, bởi vì cái đó để lâu ngày thì mục, mà nếu không kỹ thì bị mối ăn. Vậy Phật pháp đó phải Phật pháp thiệt chưa? Còn cái đang hiện tiền nơi mình đây, thì cái đó có bao giờ mất, có mối ăn được không? Có bao giờ mục không? Vậy không phải là Phật pháp thiệt sao? Cho nên đưa sợi lông lên, ngay đó ông thị giả ngộ liền. Thấy được như vậy thì Phật pháp hiện tiền.
CHÁNH VĂN:
Lúc Phật chưa xuất gia có mười sáu người con trai, người con cả tên Trí Tích, các người con đó đều có các món đồ chơi tốt đẹp báu lạ, nghe cha chứng đặng quả vô thượng chánh đẳng chánh giác đều bỏ đồ báu của mình đi đến chỗ Phật, các người mẹ khóc lóc theo đưa.
Ông nội là Vua Chuyển Luân Thánh Vương, cùng một trăm vị đại thần và trăm nghìn muôn ức nhơn dân khác đều vây quanh nhau đi theo đến đạo tràng mọi người đều đến gần gũi đức Đại Thông Trí Thắng Như Lai để cúng dường cung kính tôn trọng ngợi khen. Khi đã đến nơi tất cả đem đầu mặt mình lạy chơn Phật, đi vòng quanh đức Phật xong, đều chắp tay một lòng chiêm ngưỡng dung nhan của Phật, rồi nói kệ khen Phật.
GIẢNG:
Đây nói thêm khi Phật chưa xuất gia, có mười sáu người con, người con cả tên Trí Tích, những người con đó đều có các món đồ chơi tốt đẹp. Khi nghe cha xuất gia, chứng đặng đạo quả rồi, thì cũng đều bỏ đồ chơi của mình đi đến chỗ Phật, các người mẹ nghe như vậy khóc lóc theo đưa. Lại có thêm ông nội là vua Chuyển Luân Thánh Vương, cùng một trăm vị đại thần và trăm nghìn muôn ức nhân dân đó cũng đều đi theo đến đạo tràng, rồi cúng dường kính lễ tán thán Phật, trong đó các vị đồng chiêm ngưỡng dung nhan của Phật rồi nói kệ khen Phật. Đó là nói lên ý gì? Người thường tụng kinh Pháp Hoa nghe nói như chuyện của ai, nhưng đâu ngờ lại chính là chuyện của mình hết, mười sáu người con đó cũng của mình luôn. Đại Thông Trí Thắng là chỉ cho cái trí thể chân thật sẵn có nơi mình, mà cái trí thể đó khi chưa xuất gia chỉ cho cái gì? Chưa xuất gia là chỉ cho lúc còn ở trong mê, mình có trí chân thật đó, nhưng còn ở trong mê, nên mình ngồi đây là lúc còn đang chưa xuất gia, khi chưa xuất gia thì sao?
- Khi còn trong mê thì trí thể chân thật này gọi là thức, là thức A Lại Da.
- Khi thành Phật thì gọi là trí.
Thức A Lại Da giống như cái kho, nó chứa hết mọi chủng tử là tịnh, là nhơ, là sạch… chứa đủ trong đó hết, cho nên gọi là tàng thức. Bởi vậy quý vị nghĩ gì? Suy gì? Tính gì? Thì nó lọt vào trong đó hết, cho nên lâu lâu nó hiện ra. Chớ không có kho chứa đó thì nghĩ rồi quên, chớ đâu còn nhớ nữa. Như chuyện đó mình bỏ quên năm, mười năm, sau gặp duyên nó nhớ lại, vậy mười năm nó chứa ở đâu? Thì còn rớt trong cái kho này. Trong đây nó có tám dụng gọi là tám thức, cái tàng thức này là cái thức gốc.
Thức thứ bảy gọi là mạt na thức, là thức chấp ngã, cái thức này nó có công dụng ra sao? Nó đưa các chủng tử bên ngoài vào kho đó, rồi lại đem các chủng tử trong kho đó đưa ra. Ví dụ quý vị sáng đi chợ, thấy ai đánh lộn đó thì chiều ngồi nhớ lại cảnh đó, như vậy thấy là mắt thấy thôi, nhưng cái gì mà nó đem vào rồi chiều lại nhớ? Chính là mạt na này, thấy vậy nó đem vô bỏ trong kho này, rồi chiều ngồi yên nó tống ra cho nhớ, cho nên cái thức này gọi là truyền tống thức, nó truyền vào rồi nó tống ra. Nó cũng là thức chấp ngã, bởi vì nó truyền vào cái kho này, rồi nó chấp kho này là thể thật của nó, chấp làm cái ngã của nó. Bởi vậy bình thường giống như mình không thấy thức mạt na này, nhưng khi gặp chuyện nó mới hiện ra. Thí dụ như giờ êm xuôi thì thấy giống như mình vô ngã, nhưng chợt có ai nói đụng tới thì nó mới hiện ra hoặc là lúc bệnh hoạn thì nó mới hiện ra, nó mới sợ mất thân này, sợ chết. Như vậy nó ngầm ngầm ở trong nên khó thấy.
Ý thức là thức thứ sáu, nó là phân biệt, nhưng nó phân biệt bóng dáng thôi. Thí dụ như là buổi sáng mình đi thấy chuyện đánh lộn đó, chiều ngồi lại nhớ, nhớ đó là nhớ cái gì? Cái bóng dáng hồi sáng, chớ đâu phải chuyện hồi sáng, đâu có ngay trước mặt, nhưng cũng phân biệt, rồi buồn vui trong đó.
Còn năm thức trước ở mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, nó phân biệt năm cảnh trước.Như mắt thấy chuyện đối diện nó phân biệt liền. Vậy nó có tám cái, tám cái đó nó ở trong mê, nhưng khi giác thì sao? Thì nó chuyển thành trí. Thức thứ tám là kho tàng thức đó, nó thành ra đại viên cảnh trí, khi mình giác ngộ rồi thì thành ra giống như cái gương tròn sáng, lúc đó rất là bén nhạy, cái gì mà ứng qua thì nó hiện ra cái gương đó hết, nó không phân biệt như bây giờ phải suy nghĩ mới phân biệt được, lúc đó với trí này không cần khởi phân biệt gì hết, đó gọi là trí của Phật, cho nên Phật biết khắp tất cả là như vậy. Rồi mạt na này khi giác ngộ rồi chuyển thành bình đẳng tánh trí, trí này nó thấy khắp tất cả mình - người đều đồng một thể, nên không còn chấp ngã, phân biệt là ta, là người nữa. Mình còn có chấp ngã nên thấy ta và người khác, khi giác ngộ rồi phá niệm ta người thấy đều bình đẳng hết. Còn ý thức chuyển thành Diệu quan sát trí, tức là trí quan sát thấy rõ tất cả không còn có mê lầm nữa. Năm thức trước chuyển thành Thành sở tác trí, nó phân biệt tất cả cảnh trước trong sáng suốt giác ngộ chớ không mê lầm, nó có dụng ở năm căn thành có năm, cộng chung thành mười sáu nên gọi mười sáu người con là nói chung có chân có vọng trong đó, nhưng mười sáu người con đó đồng một ông cha, là Phật Đại Thông Trí Thắng. Như vậy mình chuyển các thức đó thành các trí, tuy nói tám hay mười sáu cái như vậy, nhưng nó đồng một thể giác thôi. Cho nên nếu mình khéo giác ngộ trở lại cái thể giác chân thật của mình rồi, mình phá được cái niệm phân biệt, chuyển tất cả đồng về một thể giác thôi.
Do đó Phật Đại Thông Trí Thắng thành Phật rồi thì các người con đó sao? Nghe cha thành Phật đều đi theo Phật hết. Đó là chuyển theo Phật. Nhưng ở đây có điểm nữa quý vị nhớ, mười sáu người con đó nhưng người con cả tên gì? Người con cả tên là Trí Tích, Trí Tích tức là cái gì? Tích là chứa nhóm, như vậy khi Phật chưa xuất gia thì có mười sáu người con trai, người con cả tên là Trí Tích, bởi vì cái trí mà nó còn chứa nhóm, còn gom góp, nên trí đó còn ở trong mê, đây là Phật chưa xuất gia. Nếu mà nó sạch hết không còn chứa nhóm, tức là nó chuyển thành trí giác mới theo Phật Đại Thông Trí Thắng thành Phật. Bởi vậy nơi mình đây, cái trí mà nó gom góp, còn chứa nhóm cái này chứa nhóm cái kia, thì trí đó là trí còn trong mê chưa phải trí giác. Như mình học hỏi tức là sao? Tức là cũng gom góp để mà hiểu biết, thì trí này gọi là trí hữu sư. Còn mình nhân cái này mình giác ngộ trở lại để phát hiện ra trí vô sư đó, thì trí này không gom góp vì là trí sẵn có, đó mới là trí chân thật của chính mình.
Bởi vì còn trong mê, cho nên các người con này đều có các món đồ chơi tốt đẹp, thì các người con này chỉ cho những cái thức của mình đang dùng đây, nó đang có các món đồ chơi tốt đẹp không? Nó còn trong mê, thì nó ưa đuổi theo các món dục lạc, tham muốn cái này, tham nhiễm cái kia đối với duyên bên ngoài để mà gom góp chứa nhóm, cho nên gọi là đồ chơi tốt đẹp. Thì mình đây cũng vậy, ai ai cũng đang có đủ các món đồ chơi tốt đẹp, rồi lo theo đuổi phân biệt cái này, đeo đuổi phân biệt cái kia không dừng. Còn nếu giác ngộ trở về Phật thì sao? Bỏ hết đồ chơi tốt đẹp này đi đến chỗ cha, nên các con nghe Phật thành Phật rồi, đều bỏ hết các món đồ chơi tốt đẹp này đi đến chỗ Phật. Rồi các người mẹ thì sao? Khóc lóc theo đưa, các người mẹ đó chỉ cho cái gì? Thường gọi vô minh là cha mà tham ái là mẹ, mà tham ái có nhiều thứ nên có những người mẹ. Bởi vì tham ái là cái khó bỏ, nên ở đây tuy các người con đó theo đến chỗ Phật rồi, nhưng các người mẹ này cũng đi theo tới luôn, là muốn nói tham ái này tuy mình biết, mình giác được, mà không phải là bỏ được liền, nó còn theo đó, song cái khéo ở chỗ là mình biết chuyển tham ái này thành đại từ bi. Bởi khi mê nó là tham ái, nhưng khi giác nó chuyển thành đại từ bi, nó theo giúp cho mình. Khi mê thì tham ái này nó nuôi lớn cái phiền não, cho nên khi mê các người mẹ này nuôi dưỡng mười sáu người con, nhưng khi giác thì tham ái này chuyển thành đại từ bi, chính đại từ bi này nuôi dưỡng Trí Bồ Đề cho mình, Trí Bồ Đề mà thiếu từ bi thì sao? Thì nó đâu có trọn vẹn được. Do đó không bỏ nó đi đâu mà chuyển nó thành đại từ bi, rồi nó sẽ nuôi lớn trí Bồ Đề cho mình, bởi vậy các bà mẹ khóc lóc theo đưa.
Rồi ông nội, một trăm vị đại thần và trăm ngàn muôn ức nhân dân cũng đi theo nữa, thì ông nội đó là ai? Ở đây là chỉ cho mình hết. Trong duy thức học, ngoài thức A Lại Da còn có lập thêm Bạch Tịnh Thức, tức là cái thức thứ chín, thức này nó trong sạch thanh tịnh chưa từng nhiễm ô gọi là chân như. Ở đây khi mà A Lại Da thức nó chuyển thành trí rồi tức chuyển giác rồi, thì một trăm vị đại thần này chỉ cho một trăm pháp ở trong duy thức, duy thức học lập ra một trăm pháp, một trăm pháp đó và các thứ phiền não vi tế nó cũng đều chuyển theo, cho nên ông nội là Chuyển Luân Thánh Vương, một trăm vị đại thần, trăm nghìn muôn ức nhân dân, trăm nghìn muôn ức nhân dân đây chỉ cho những phiền não vi tế, nó đủ thứ hết trong đó, thì nó đều chuyển theo hết trở về một thể nhất như. Như vậy tu thành Phật có buồn không? Cũng đầy đủ hết đâu có thiếu gì, khi mê những cái này là những thứ phiền não, nhưng khi giác rồi nó chuyển thành những cái diệu dụng của mình, cũng đều chuyển về theo thể giác, nên tất cả đều đi theo đến đạo tràng Phật để cúng dường kính lễ. Do đó chúng ta chỉ cần ngộ thể giác này và sống được thể giác này, thì tất cả sẽ chuyển theo hết. Còn nếu quên thể giác này, thì nó phân tán chỗ này, phân tán chỗ kia, nó sẽ chia chẻ có cha có con, có quan có dân, có kẻ gần có người xa, như vậy là sanh ra nhiều thứ rắc rối, tạo thành mọi thứ phiền não đau khổ, chớ có gì đâu. Quý vị thấy, ngay trong nội tâm này có cả một thế giới trong đó, đầy đủ tất cả không phải tìm đâu xa. Do đó học kinh rồi soi lại chính mình mới thấy ý nghĩa kinh rất sâu xa và rất là gần gũi với mình, còn không thì mình tụng kinh thấy như Phật nói chuyện với ai, chứ không nói với mình. Còn đây thấy như vậy là Phật đang nói với mình. Giờ đây tất cả mọi người đều đến gần gũi đức Đại Thông Trí Thắng Phật, rồi đồng nói kệ khen Phật.
CHÁNH VĂN:
Thế Tôn oai đức lớn
Vì muốn độ chúng sanh
Trong vô lượng ức năm
Bèn mới đặng thành Phật
Các nguyện đã đầy đủ
Hay thay lành vô thượng
Thế Tôn rất ít có
Một phen ngồi mười kiếp
Thân thể và tay chơn
Yên tịnh không hề động
Tâm Phật thường lặng lẽ
Chưa từng có tán loạn
Trọn rốt ráo vắng bặt
An trụ pháp vô lậu
GIẢNG:
Đây thuật lại Phật Đại Thông Trí Thắng:
Vì muốn độ chúng sanh
Trong vô lượng ức năm
Bèn mới đặng thành Phật.
Quý vị chú ý "vì muốn độ chúng sanh, bèn mới được thành Phật", Cái thể đó vốn sẵn là thể giác chân thật xưa nay rồi, Phật đó vốn thành Phật sẵn rồi, nhưng vì muốn độ chúng sanh nên mới hiện ra thành Phật. Tức là hiện ra mới thành Phật là nhắc nhở mọi người nhớ trở lại gốc xưa sẵn đó, là muốn nhắc mình và mọi người nhớ lại ông Phật Đại Thông Trí Thắng sẵn nơi mình từ lâu đó, chớ không phải nghe mới thành Phật rồi mình cứ lo chạy theo ra bên ngoài mà suy nghĩ khiến quên mất ý nghĩa chính.
Các nguyện đã đầy đủ
Hay thay lành vô thượng
Thế Tôn rất ít có.
Một phen ngồi mười kiếp
Thân thể và tay chơn
Yên tịnh không hề động
Tâm Phật thường lặng lẽ
Chưa từng có tán loạn.
Trọn rốt ráo vắng bặt,
An trụ pháp vô lậu.
Thân tâm Phật lặng lẽ bất động, xảy ra mười tiểu kiếp, cho thấy Phật vốn lặng lẽ ngồi đợi chúng ta từ bao giờ. Phật thân tâm bất động trải qua mười tiểu kiếp đợi mình đó, còn mình thì sao? Chỉ cần nhớ lại thì thấy Phật hiện tiền.
CHÁNH VĂN:
Ngày nay thấy Thế Tôn
An ổn thành Phật đạo
Chúng ta được lợi lành
Mừng rỡ rất vui đẹp.
Cho nên thấy Thế Tôn thành Phật rồi, mình liền mừng rỡ nhớ lại Phật của mình.
Chúng sanh thường đau khổ
Đui mù không Đạo Sư
Chẳng biết đạo dứt khổ
Chẳng biết cầu giải thoát
Lâu ngày thêm nẻo ác
Giảm tổn các chúng trời
Từ tối vào nơi tối
Trọn chẳng nghe danh Phật
Nay Phật đặng vô thượng
Đạo an ổn vô lậu
Chúng ta và trời người
Vì đặng lợi lớn tột
Cho nên đều cúi đầu
Quy mạng đấng Vô thượng
GIẢNG:
Nghĩa là vì ngay đây thấy Thế Tôn được an ổn thành Phật đạo, mình được cái lợi lành, mừng rỡ vui đẹp vì biết mình có việc đó. Thấy Phật thành đạo, vui mừng nhớ lại lúc xưa của mình, chính nhớ lại gốc xưa của mình đó, cho nên mới bỏ các nẻo khác, để trở về cái gốc chân thật đó. Chính đó là đạo dứt khổ.
Cho nên quý vị lo cầu cái này, lo cầu cái kia để dứt khổ, mà không nhớ lại cái này là không bao giờ hết khổ, chính cái này mới là cái gốc đạo dứt khổ chân thật. Như vậy quý vị thấy Phật Đại Thông Trí Thắng và mười sáu vị vương tử, ông nội, nhân dân trong đó hết chưa? Ngay đây là có đủ hết.
CHÁNH VĂN:
Bấy giờ mười sáu vị vương tử nói kệ khen đức Phật rồi liền khuyến thỉnh đức Thế Tôn chuyển pháp luân, đều thưa rằng: "Đức Thế Tôn nói pháp luân được an ổn thương xót làm lợi ích cho các trời và nhơn dân". Lại nói kệ rằng:
Đức Phật không ai bằng
Trăm phước tự trang nghiêm
Đặng trí huệ vô thượng
Nguyện vì đời nói pháp
Độ thoát cho chúng con
Và các loài chúng sanh
Xin phân biệt chỉ bày
Cho đặng trí huệ Phật
Nếu chúng con thành Phật
Chúng sanh cũng được thế.
Thế Tôn biết chúng sanh
Thâm tâm nghĩ tưởng gì
Cũng biết đạo chúng làm
Lại biết sức trí huệ
Muốn ưa và tu phước
Thế Tôn biết cả rồi
Nên chuyển pháp vô thượng.
GIẢNG:
Ở trước các vị Vương tử gồm mười sáu người, nghe Phật xuất gia cùng đi theo đến chỗ Phật, các người mẹ khóc lóc theo đưa, ông nội là Chuyển Luân Thánh Vương, cùng quan dân cũng đều đi đến chỗ Phật, đồng nói kệ tán thán Phật. Thì trong đây mỗi người, mỗi vị đều hướng về Phật để khen Phật, đó cũng nói lên được ý là, tất cả đồng hướng về thể giác đó, đồng khế hợp với chân như sáng ngời, tức bỏ mê trở về hợp với giác. Nhưng nói trở về đó, chỉ là một cách nói, chớ thật đây xoay đầu ngay đó là bờ mé. Bởi vì Phật đó là của ai? Phật đó là cha của mình từ thuở nào rồi thì xoay về đâu nữa? Chỉ nhớ lại ngay đó đầy đủ ông cha từ hồi nào.
Các vị Vương tử nói kệ khen Đức Phật rồi liền thỉnh đức Thế Tôn chuyển pháp luân.
- Ở trước mười sáu vị theo về với Phật, tức là chuyển mê trở về với giác.
- Còn ở đây mười sáu vị Vương tử thỉnh Phật chuyển pháp luân, tức là từ thể giác đó mà khởi dụng.
Ứng ra khắp hết tất cả để giáo hóa. Vậy cho thấy thành Phật rồi, cũng không bỏ một pháp gì hết, mà chuyển tất cả đều ở trong ánh sáng giác ngộ đó, nghĩa là khi thành Phật rồi thì mình chuyển tất cả những cái này đều ở trong ánh sáng giác ngộ, chớ không phải thành Phật rồi bỏ cái này thuộc về chúng sanh. Nên có câu:
Trước ba mươi năm, thấy núi sông là núi sông.
Khi học đạo tu hành thấy núi sông không phải là núi sông. Sau ba mươi năm thấy núi sông là núi sông.
Trước thấy núi sông là núi sông: là khi mình còn mê, chấp cái gì cũng là thật, nên thấy núi sông là thật, đó là thấy trong mê.
Kế thấy núi sông không phải là núi sông: là khi học đạo, mình hiểu đạo lý rồi, thì không còn lầm chấp nữa, nên thấy núi sông không phải là núi sông, không thật nữa.
Sau thấy núi sông là núi sông: đây là khi tới chỗ cuối cùng rồi, tức là trở về với cái thật rồi, nhìn ra núi sông vẫn là núi sông, vì tất cả đều ở trong ánh sáng giác ngộ, nên nhìn ra cái gì cũng sáng suốt giác ngộ hết, không còn lầm, không còn chấp nữa.
Đức Phật không ai bằng
Trăm phước tự trang nghiêm
Đặng trí huệ vô thượng
Nguyện vì đời nói pháp
GIẢNG:
Vì sao Phật không ai bằng, là không bằng ở chỗ nào? Tức là nói lên thể giác này không có cái gì sánh nổi nó, không có cái gì qua thể giác đó, Phật là chỉ cho thể giác đó. Bởi vì chính thể giác này là chỗ độ thoát tất cả, cho nên thế gian không có gì qua được, Phật không ai bằng là như vậy. Trăm phước tự trang nghiêm tức là trong đó đầy đủ công đức và trí tuệ.
Độ thoát cho chúng con
Và các loài chúng sanh
Xin phân biệt chỉ bày
Cho đặng trí huệ Phật
GIẢNG:
Đây là nguyện thỉnh Phật, chỉ bày cho tất cả mọi người được trí huệ Phật. Phân biệt chỉ bày tức là đánh thức cho mọi người thấy, nhớ lại tánh giác đó.
Nếu chúng con thành Phật
Chúng sanh cũng được thế.
Thế Tôn biết chúng sanh
Thâm tâm nghĩ tưởng gì
Cũng biết đạo chúng làm
Lại biết sức trí huệ
Muốn ưa và tu phước
Nghiệp gây tạo đời trước
Thế Tôn biết cả rồi
Nên chuyển pháp vô thượng.
GIẢNG:
Đức Phật biết hết chúng sanh, nó nghĩ gì? Nó tạo gì? nó gây tạo nghiệp lành, nghiệp dữ gì đều biết hết. Vậy giờ đây mình làm gì? Nghĩ gì? Phật có biết không? Quý vị dám nghĩ bậy nữa không? Đó là ý gì? Là bất cứ mình làm gì, nghĩ gì, cũng không ra ngoài thể giác đó hết. Đây là ngầm nói lên, trong mọi việc làm, mỗi hành vi của mình đều có mang thể giác trong đó, đang sống trong đó mà mình không hay không biết nên gọi là mê. Như vậy là muốn nhắc mình cái gì? Nếu ngay đây mà nhớ lại thì liền gặp Phật, bởi vì mình làm gì Phật cũng đều biết hết rồi, nên mình nhớ lại là gặp Phật liền, nhưng không chịu nhớ. Sau đây là đến phần Phật nhận lời thỉnh.
CHÁNH VĂN:
Phật bảo các Tỳ kheo: Lúc Đức Đại Thông Trí Thắng Phật đặng quả Vô thượng chánh đẳng chánh giác, trong mười phương mỗi phương đều năm trăm muôn ức các cõi nước Phật sáu điệu vang động. Trong các cõi nước đó chỗ tối tăm ánh sáng của nhựt nguyệt không soi tới đặng mà đều sáng rỡ, trong đó chúng sanh đều đặng thấy nhau, đồng nói rằng: "Trong đây tại sao bỗng sanh ra chúng sanh".
Lại trong các cõi đó cung điện của Chư Thiên cho đến Phạm Cung sáu điệu vang động, hào quang lớn soi cùng khắp đầy cõi nước, sáng hơn ánh sáng của trời.
GIẢNG:
Bây giờ đức Phật Thích Ca bảo các Tỳ kheo: khi đức Đại Thông Trí Thắng thành Phật, thì ở trong mười phương, mỗi phương đều năm trăm muôn ức các cõi Phật, sáu điệu vang động. Trong các cõi nước đó chỗ tối tăm ánh sáng mặt trời, mặt trăng không soi tới được, nhưng bây giờ đây đều sáng rỡ hết, rồi chúng sanh trong đó bỗng nhiên đều được thấy nhau, đồng ngạc nhiên đồng nói rằng: "Trong đây tại sao bỗng sanh ra chúng sanh?". Như vậy ai hiểu được cái gì? Phật thành Phật thì ở trong các cõi nước ở mười phương đó, đều sáu điệu vang động, sáu điệu là gì? Sáu điệu đây là sáu thứ tiếng chấn động, trong sáu thứ tiếng này có ba thứ thuộc về âm thanh, và ba thứ thuộc về hình sắc.
Ba thứ tiếng thuộc về âm thanh mà nó làm chấn động là:
Tiếng chấn: là chỉ cho tiếng rung động ngầm ngầm ở bên trong nó phát ra.
Tiếng hống: là tiếng gầm vang lên như tiếng đá nó chạm nhau vang dội vậy.
Tiếng kích: là tiếng đánh tiếng đập mạnh, khiến cho mọi vật nó giật mình.
Ba thứ tiếng thuộc về hình sắc mà nó làm chấn động là:
Tiếng động: là tiếng làm lay chuyển như động đất vậy.
Tiếng khởi: là nó dấy lên, như từ dưới nước dâng lên cao.
Tiếng dũng: là tiếng vọt lên.
Như vậy có ba thứ tiếng thuộc về âm thanh và ba thứ tiếng thuộc về hình sắc, cộng lại có sáu thứ chấn động theo nghĩa đen. Khi đức Đại Thông Trí Thắng thành Phật thì mười phương cõi nước có sáu thứ chấn động, để nói lên ý gì? Bởi vì Đại Thông Trí Thắng thành Phật để chỉ trí thể chân thật của mình nó hiện ra, khi trí thể đó hiện ra, tức nó phá tan hết những cái vô minh cố chấp ngăn ngại, những nghiệp thức mênh mang cũng bị chấn động hết. Đây gọi là rung động tất cả không phải rung động ở một chỗ này thôi, mà rung động cả mười phương nữa. Nghĩa là trí giác đó khi mà nó hiện ra, thì nó phá tan những cái ngăn ngại mê lầm, mà nó suốt hết cả. Vậy trong đây có ai nghe được tiếng vang động đó chút nào không? Vang động cả mười phương, mình đây không nghe tới nổi sao? Cho nên ở đây nếu ai nghe được tiếng động, tiếng vang đó thì thấy được Đại Thông Trí Thắng liền, khỏi cần lấy bộ kinh Pháp Hoa này ra tụng mà cũng gặp Phật được.
Kế là trong cõi nước đó những chỗ tối tăm mà ánh sáng mặt trời mặt trăng không soi tới được, nhưng bây giờ nó sáng lên, rồi chúng sanh trong đó bỗng thấy nhau, như vậy trước giờ ở trong đó mà không thấy nhau bây giờ bỗng thấy nhau, liền ngạc nhiên mới nói: "Bỗng nhiên trong đây sanh ra chúng sanh". Thì chỗ nào là chỗ ánh sáng mặt trời, mặt trăng soi không tới? Đó là chỗ vô minh lậu hoặc của mình phải không? Nghĩa là hằng ngày mình sống trong trí thể sáng suốt này, nhưng mà cứ lầm theo cái vô minh, cho nên không hay không biết gì hết, ánh sáng mặt trời mặt trăng làm sao soi tới chỗ này được. Do vậy hiện nay cho dù chúng ta đang ở giữa trưa đó, mặt trời chiếu sáng ngời, mà cũng là đang đi trong bóng tối. Còn mình mở mắt ngồi nhìn trân trân đó, mà Phật vẫn nói là mù, quý vị thấy đau không? Thật là đau! Bởi vậy Ngài Huyền Sa có lần dạy chúng:
- Những bậc Lão Túc ở các nơi nói là tiếp vật lợi sanh, nhưng bây giờ thí dụ chợt gặp người ba thứ bệnh đến làm sao mà tiếp họ? Thí dụ như người mù đến, thì giơ chùy dựng phất họ chẳng thấy, làm sao tiếp? Người bệnh điếc đến, nói năng tam muội thì họ chẳng nghe. Rồi người bệnh câm đến thì bảo họ nói, nói cũng không được, như vậy thì phải làm sao mà tiếp những người này đây? Mà nếu tiếp chẳng được những người này thì Phật pháp không linh nghiệm.
Có vị tăng nghe vậy đem chuyện này đến hỏi Ngài Vân Môn, thì Ngài Vân Môn không trả lời liền, Ngài bảo:
- Thôi ông lễ bái đi!
Vị tăng lễ bái xong đứng dậy, mới vừa đứng dậy Ngài Vân Môn liền lấy cây gậy chận ở trước, ông tăng lùi lại.
Ngài Vân Môn bảo:
- Như vậy ông không phải bệnh mù rồi.
Ngài Vân Môn mới gọi:
- Thôi ông hãy lại gần đây?
Ông tăng liền đến gần.
Sư bảo:
- Ông không phải bệnh điếc.
Rồi Ngài Vân Môn đưa cây gậy lên, Ngài hỏi:
- Ông có lãnh hội hay chăng?
Ông tăng thưa:
- Dạ thưa chẳng lãnh hội.
Sư bảo:
- Vậy ông không phải bệnh câm.
Nghĩa là:
Khi chận cây gậy ông biết lùi lại, thì không phải mù, kêu lại đây ông biết lại gần thì không phải điếc, hỏi có lãnh hội không? Ông thưa: chẳng lãnh hội, thì không phải câm. Như vậy tại sao ông còn chưa chịu hiểu. Ngay đó ông tăng liền tỉnh ngộ.
Có ai tỉnh ngộ chút nào chưa? Thành ra Ngài nói mù, điếc, câm đó là mù, điếc, câm cái gì? Mình nghe nói mù, điếc, câm tưởng là mù mắt, tai điếc, miệng câm, nhưng Ngài muốn nói lên ngay mình có mắt tai và miệng đầy đủ đây mà không thấy, không nhận được thì giống như mù, điếc, câm. Khi giơ gậy thì thấy tránh, rồi bảo lại gần thì biết nghe để đến gần, khi hỏi thì trả lời được, vậy còn gì nữa,thiếu chỗ nào tại sao không nhận, mà không nhận thì không phải là mù điếc câm hay sao? Rõ ràng như vậy thôi, còn nếu nhận thì sao? Thì ngay đó đâu có mù điếc câm gì! Rõ ràng như vậy thôi.
Khi ông tăng nghe như vậy thì tỉnh ngộ liền. Như vậy ở đây Phật Đại Thông Trí Thắng hiện ra thì soi suốt chỗ đó, thể giác hiện ra thì suốt tới những chỗ đó cho nên chúng sanh trong đó thấy nhau. Chỗ này có thêm điểm nữa, chúng sanh ở trong đó nhờ Đại Thông Trí Thắng thành Phật mà soi thấy nhau, còn trước giờ tại sao không thấy? Như vậy trước giờ là cũng sống bên nhau phải không? Sống bên nhau đó mà không thấy, nên bây giờ mới giật mình "ủa! sao mà bỗng sanh ra rõ ràng", vậy quý vị đây lâu lâu có giật mình nói vậy không? Bây giờ quý vị đang ngồi đây, có ai thấy nhau không? Sống ngồi sát bên nhau đó, nhưng mà vì cái vô minh nghiệp lực nó sai khác, mỗi người có những nghiệp riêng, những cái huân tập riêng, cho nên thành cách biệt không thấy được nhau. Ngồi sát bên nhau mà trong đầu không giống nhau nên không thấy được nhau. Thí dụ bây giờ đây tất cả quý vị đều nhìn lên cái bình hoa, mỗi người đều nhìn thì sao? Tất cả nhìn lên bình hoa cũng cùng tánh thấy đó thôi, cũng vậy quý vị đang ngồi nghe giảng cũng đồng tánh nghe đó thôi, mà có thấy nhau không? Không ai thấy được ai, và cũng không cảm thông được nhau, tuy là ngồi sát bên nhau. Còn ở đây, ánh sáng thể giác tức trí Phật hiện ra rồi thì bỗng thấy được nhau, mới rõ ai ai cũng đồng một thể giác đó, thấy được nhau là thấy qua thể giác đó.
Thấy được nhau rồi mới lấy làm lạ, tại sao trong đây bỗng sanh ra chúng sanh? Tức là sao? Chúng sanh nó sẵn đó rồi, lâu nay mình tưởng là không có, bấy giờ mới giật mình, tưởng là ở đâu sanh ra như vậy, nhưng sự thật không ở đâu đến hết, cho nên mới giật mình ngạc nhiên nói "bỗng sanh". Cũng để rõ thêm, chúng sanh vốn không thật có, chỉ do vọng tưởng mà sanh thôi. Nghĩa là trong thể giác chân thật của mình đó, thì nó không thật có chúng sanh, nhưng do vọng tưởng mà nó sanh. Nếu thấy được thể giác này mới rõ xưa nay cũng không có sanh gì? Mọi người cũng đều có chỗ giống như nhau hết rồi. Trong tiểu phẩm Bát Nhã có đoạn Phật dạy rằng:
- "Tất cả chúng sanh xưa nay vốn là thanh tịnh rồi, thì giả sử khiến cho chư Phật ở trong ngàn muôn kiếp mà xướng nói lên rằng: "Chúng sanh! Chúng sanh!" Mà cũng quyết định là không thật có chúng sanh có thể được". Dù cho chư Phật không phải là một vị, mà trăm ngàn vị, không phải là một đời, dù cho trăm ngàn đời, xướng nói lên: Chúng sanh! Chúng sanh! Xướng nói lên như vậy đó mà cũng không thật có chúng sanh nữa.
Vậy thì quý vị tin nổi không? Đó là chúng sanh không thật có, dù cho nói tên chúng sanh mà không phải do nói tên mà nó thành thực có, mình nghe nói chúng sanh mình tưởng đâu có thật chúng sanh, cho nên phải bỏ chúng sanh này mới thành Phật. Còn ở đây nói chúng sanh chẳng qua là cái tên, do mê cái thể giác này, rồi sống theo những cái duyên bên ngoài gọi là chúng sanh vậy thôi, còn nếu ngay đây nhớ trở lại cái thể giác này sống trở lại đó, còn gọi là chúng sanh không? Thì hết gọi chúng sanh. Rõ ràng chúng sanh là cái tên thôi chớ có gì đâu. Cho nên ở đây các vị thấy vậy rồi, giật mình ngạc nhiên nói: tại sao trong đây "bỗng sanh" ra chúng sanh? Bỗng sanh là không gốc gác gì, không có thật, để rõ là quên với nhớ vậy thôi, quên tức không thấy được nhau, không thấy được nhau rồi cứ tưởng riêng biệt, nhớ lại thì đầy đủ tự bao giờ, chớ không phải là mới có. Như vậy ai cũng đều có ánh sáng Phật Đại Thông Trí Thắng đó hết, nhưng mình không nhớ được, nên nó cách biệt nhau, bây giờ giác nhớ lại thì đầy đủ.
Trong nhà Thiền, có ngài Úc Sơn Chủ cảm ngộ, Ngài rất mừng và có làm bài kệ:
Ngã hữu minh châu nhứt loã
Cửu bị trần lao quan tỏa
Kim triêu trần tận quang sanh
Chiếu phá sơn hà vạn đóa.
Nghĩa là:
Ta có một viên minh châu, tức viên ngọc sáng, lâu bị bụi lấp vùi sâu, hôm nay bụi hết sáng hiện, chiếu suốt núi sông vạn hữu, tức chiếu suốt khắp cả núi sông.
Giống như mình có tánh giác sẵn, là hòn ngọc sáng nhưng lâu nay bị bụi trần lao vọng cảnh bên ngoài nó lấp, rồi năm ấm này nó che đậy, cho nên không thấy được nó, cũng như không thấy được nhau.
Khi ánh sáng Đại Thông Trí Thắng này hiện ra, nó suốt qua năm ấm, cho nên liền gặp được nhau,mới giật mình, không ngờ từ lâu mình vẫn gần gũi bên nhau thôi. Nếu ai thấy được cái không ngờ này thì thấy được Phật Đại Thông Trí Thắng liền.
Đây là lần thứ hai Phật đã hiển bày cái tri kiến Phật cho mình thấy rồi. Lần đầu Phật hiển bày tri kiến Phật cho mình thấy ở chỗ nào quý vị còn nhớ không? Lần đầu ở Phẩm Tựa đức Phật nơi tướng lông trắng giữa chặn mày phóng ra luồng hào quang chiếu khắp cả một muôn tám nghìn cõi ở phương Đông, dưới thời chiếu đến địa ngục A tỳ, trên suốt thấu trời sắc cứu cánh, chúng ở cõi này đều thấy cả sáu loài chúng sanh ở các cõi kia, có người không mắt mà được ánh sáng, thì đó là Phật hiển bày Tri Kiến Phật. Ở đây thêm lần nữa là lần thứ hai vậy mà có ai thấy được chưa? Đây nói thêm.
Lại trong các cõi đó cung điện của Chư Thiên cho đến Phạm Cung sáu điệu vang động, hào quang lớn soi cùng khắp đầy cõi nước, sáng hơn ánh sáng của trời.
GIẢNG:
Ánh sáng cõi trời cũng không sáng bằng ánh sáng này, cõi trời là họ tự có ánh sáng, nhưng ánh sáng đó không bằng được ánh sáng này. Vậy cho thấy rõ ánh sáng này là ánh sáng của trí thể giác ngộ của mình, thì không có cái nào sánh kịp, nó lại soi khắp hết tất cả, nên nó vượt lên mọi ánh sáng của thế gian. Những vị trời Phạm Thiên thì họ có ánh sáng, nhưng ánh sáng đó là do phước báu, hoặc do sức thiền định tu hành nó cảm nên. Do phước mà có được, do công phu tu hành mà nó cảm nên, thì cái đó thuộc về cái gì? Thuộc về cái tạo tác cái làm ra, chưa phải là cái thường quang tức là ánh sáng thường hằng. Còn ánh sáng này là ánh sáng chân thật ở nơi mình, nó có sẵn ở nơi mình, cho nên ánh sáng này không bao giờ mất, ánh sáng mà tạo tác thì có lúc phải mất. Mấy vị trời sống hết tuổi trời đọa xuống là mất tiêu, còn ánh sáng này không bao giờ mất, dù xuống địa ngục cũng không mất nữa, mình xuống địa ngục thì mê vậy thôi, mà ánh sáng này cũng không mất, cho nên khi mà giác trở lại thì nó hiện. Vậy cái đó là cái quý, cái quan trọng mà mình lại không ngó ngàng tới, mình lại thích ngó ngàng tới những ánh sáng kia.