headertvtc new


   Hôm nay Thứ bảy, 23/11/2024 - Ngày 23 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

KINH PHÁP HOA - Phẩm Thọ Học Vô Học Nhân Ký

CHÁNH VĂN:

Bấy giờ Ngài A Nan và Ngài La Hầu La nghĩ như vầy: " Chúng ta tự suy nghĩ, nếu được thọ ký thời sung sướng lắm". Liền từ nơi chỗ ngồi đứng dậy đến trước Phật, đầu mặt lạy chân Phật đồng bạch Phật rằng: " Thế Tôn! Chúng con trong đây cũng đáng có phần, chỉ có Đức Như Lai là chỗ về nương của chúng con. Lại chúng con là người quen biết của tất cả trời người A tu la trong đời.

A Nan thường làm vị thị giả hộ trì tạng pháp, La Hầu La là con của Phật, nếu Phật thọ ký đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác cho, thời lòng nguyện cầu của con đã mãn, mà lòng trông của chúng cũng được đầy đủ".

GIẢNG:

Phẩm này là thọ ký cho những vị hữu học và vô học. Hữu học là những vị chưa chứng A La Hán, như Ngài A Nan, Ngài chứng Tu đà hoàn, là còn hữu học, A La Hán mới là vô học. Bởi A La Hán việc làm đã xong. Chứng A La Hán sạch phiền não, dứt nghiệp sanh tử, không còn sanh trở lại nữa, không còn học tu thêm, các phần tự lợi xong rồi, nên gọi là vô học.
Ngài A Nan với Ngài La Hầu La thuộc về lớp trẻ trong chúng, thấy mấy vị kia được thọ ký hết rồi thì các Ngài suy nghĩ mình cũng có phần, nên bạch Phật: "Chúng con trong đây cũng đáng có phần, chỉ có Đức Như Lai là chỗ về nương của chúng con".

CHÁNH VĂN:

Lúc đó, hàng đệ tử thanh văn, bậc học cùng vô học, hai nghìn người đều từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai áo bên hữu đến trước Phật chắp tay một lòng chiêm ngưỡng dung nhan của Thế Tôn như chỗ nguyện cầu của A Nan và La Hầu La rồi đứng qua một phía.

Những bậc hữu học - vô học đây nghĩ mình cũng có phần đó, cũng mong Phật thọ ký.

CHÁNH VĂN:

Bấy giờ, Đức Phật bảo A Nan: "Ông ở đời sau sẽ đặng làm Phật hiệu là Sơn Hải Huệ Tự Tại Thông Vương Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật Thế Tôn, ông sẽ cúng dường sáu mươi hai ức đức Phật, hộ trì tạng pháp vậy sau chứng đặng đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, giáo hoá hai mươi nghìn muôn ức hằng ha sa các chúng Bồ Tát vv… làm cho thành đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Nước tên là Thường Lập Thắng Phan, cõi đó thanh tịnh, đất bằng chất lưu ly. Kiếp tên là Diệu Âm Biến Mãn. Đức Phật đó thọ mạng vô lượng nghìn muôn ức a tăng kỳ kiếp, nếu có người ở trong nghìn muôn ức vô lượng a tăng kỳ kiếp tính đếm số kể chẳng có thể biết được. Chánh pháp trụ ở đời gấp bội thọ mạng, tượng pháp lại gấp bội chánh pháp.

A Nan! Đức Phật Sơn Hải Huệ Tự Tại Thông Vương đó, được vô lượng nghìn muôn ức hằng hà sa các Đức Phật Như Lai ở mười phương đồng ngợi khen công đức của Ngài.

GIẢNG:

Đây Phật thọ ký cho Ngài A Nan, là đa văn bậc nhất trong hàng đệ tử Phật, mà các phần sau thì Phật còn nhắc Ngài cùng với Phật phát tâm cùng chỗ Phật Không Vương. Khi thành Phật hiệu là Sơn Hải Huệ Tự Tại Thông Vương. "Sơn Hải Huệ" tức là trí tuệ đó cao như núi, rộng như biển; "tự tại" là thông suốt, vua tất cả.

Còn nước tên Thường Lập Thắng Phan, Thắng Phan là lá cờ cao vót, dựng lên lá cờ pháp, đập tan những tà ma.

Kiếp tên là Diệu Âm Biến Mãn, là giọng tiếng vi diệu, trùm khắp đầy đủ hết, tương ứng với cái nhân của Ngài là đa văn.

Trong đây vị nào thành Phật nước cũng đều được tốt đẹp, để cho thấy tâm tịnh rồi thì cõi nước đều thanh tịnh hết.

CHÁNH VĂN:

Khi đó , đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:

                    Nay ta nói trong tăng:
                    A Nan người trì pháp
                    Sẽ cúng dường các Phật
                    Vậy sau thành chánh giác
                    Hiệu rằng: Sơn Hải Huệ
                    Tự Tại Thông Vương Phật
                    Cõi nước kia thanh tịnh
                    Tên Thường Lập Thắng Phan
                    Giáo hoá các Bồ Tát
                    Số đông như hằng sa
                    Phật có oai đức lớn
                    Tiếng đồn khắp mười phương
                    Vì bởi thương chúng sanh
                    Nên sống lâu vô lượng
                    Chánh pháp bội thọ mạng
                    Vô số hàng chúng sanh
                    Đông như cát sông Hằng
                    Ở trong pháp Phật đó
                    Gieo nhơn duyên Phật đạo.

Đó nói lên cõi nước Ngài A Nan cũng vi diệu, tuổi thọ dài lâu, đủ việc trang nghiêm.

CHÁNH VĂN:

Bấy giờ, trong hội hàng Bồ Tát mới phát tâm, tám nghìn người, đều nghĩ thế này: "Chúng ta còn chưa nghe các vị Bồ Tát lớn được thọ ký như thế, có nhơn duyên gì mà các Thanh Văn được thọ ký như thế".

GIẢNG:

Bấy giờ có các vị Bồ Tát mới phát tâm ở trong hội đó gồm tám ngàn người, những vị này có cái nghi: chưa nghe thọ ký cho các vị Bồ Tát lớn mà mấy vị Thanh Văn được thọ ký; bởi vì các vị Bồ tát này mới phát tâm, nên chưa thấy thấu hết được cội nguồn gốc gác, cho nên Phật mới nhắc:

CHÁNH VĂN:

Lúc ấy đức Thế Tôn biết tâm niệm của các vị Bồ Tát mà bảo rằng:" Các Thiện nam tử! Ta cùng bọn ông A Nan ở chỗ đức Phật Không Vương đồng thời phát tâm Vô thượng chánh đẳng Chánh giác. A Nan thường ưa học rộng, còn ta thường siêng năng tinh tấn, cho nên ta đã thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, mà A Nan hộ trì pháp của ta, ông cũng sẽ hộ trì pháp tạng của các đức Phật tương lai, giáo hoá thành tựu các chúng Bồ Tát. Bổn nguyện của ông như thế nên đặng thọ ký dường ấy".

GIẢNG:

Đây Phật nói rõ các ông không thấy được chỗ gốc gác, chớ A Nan đây cùng ta phát tâm từ thời Phật Không Vương xa xưa kia, nhưng A Nan ưa học rộng, ta thì ưa siêng năng tinh tấn. Cho nên ta thành chánh giác trước còn A Nan thì lo theo ta hộ trì Phật pháp.

Qua đó để nhắc cho thấy rõ, từ một gốc Phật Không Vương mà phát tâm - Phật Thích Ca cũng phát tâm từ đó, A Nan cũng từ chỗ đó phát tâm. Phật Không Vương đó là Phật ở đâu? Cũng từ chỗ Phật xa xôi của mình đã quên. Từ đó quí vị thấy chỗ kinh nghiệm, cứ lo chạy theo học rộng thì nó chậm, ở đây Phật Thích Ca lo siêng năng tinh tấn nên thành Phật trước, đó là chỗ để nhắc nhở chúng ta.

CHÁNH VĂN:

Ngài A Nan tận mặt ở trước Phật, tự nghe Phật thọ ký cùng cõi nước trang nghiêm, chỗ mong cầu đã đủ, lòng rất vui mừng đặng điều chưa từng có. Tức thời nghĩ nhớ tạng pháp của vô lượng nghìn muôn ức các đức Phật thuở quá khứ, suốt thấu không ngại như hiện nay nghe và cũng biết bổn nguyện.

GIẢNG:

Nghe nhắc lại Ngài A Nan nhớ liền, nhớ bản nguyện mình từ xưa, bao nhiêu tạng pháp vô lượng Phật thời quá khứ như là hiện nay nghe vậy thôi.

Tức là thấy rõ như hiện tiền đang ngay bây giờ đây, không còn cách biệt xưa nay.

Quí vị nhớ rõ như đang nghe đây, khỏi cần cầu thọ ký cũng được thọ ký rồi, tức là vượt qua thời gian, không còn kẹt quá khứ hiện tại gì hết. Còn mình đang kẹt trong thời gian quá khứ hiện tại nên thấy quá khứ thuộc về xa xôi, hiện tại là đang ở đây. Còn đây thấy xa xôi đó như hiện nay vậy, thì chỗ đó vượt ngoài cái tình thức suy nghĩ rồi. Cái tình thức làm sao suy nghĩ đến chỗ đó. Chính chỗ đó là chỗ thọ ký chớ gì! Nên Tín Tâm Minh của Tổ Tăng Xán, cuối cùng kết lại bốn câu:

                            Tin tâm chẳng hai
                            Chẳng hai tin tâm
                            Dứt đường nói năng
                            Chẳng phải xưa nay.

Tin tâm là chẳng hai, bặt niệm hai bên. Không còn hai đó mới là tin tâm. Tin tâm đó mới là biết tin tâm, là chỗ thọ ký. Chỗ đó là chỗ dứt đường nói năng, ngôn ngữ không thể diễn tả tới, nó vượt ngoài thời gian, không nói xưa nói nay gì hết, ngay hiện tiền đây thôi - Phật, Tổ cũng chỉ chỗ đó.

CHÁNH VĂN:

Khi đó, Ngài A Nan nói kệ rằng:

                        Thế Tôn rất ít có
                        Khiến con nhớ quá khứ
                        Vô lượng các Phật pháp
                        Như chỗ nghe ngày nay
                        Con nay không còn nghi
                        An trụ trong Phật đạo
                        Phương tiện làm thị giả
                        Hộ trì các Phật pháp.
GIẢNG:


Ngài A Nan nghe như vậy Ngài nhớ lại, thì ra mình hiện nay làm thị giả là phương tiện thôi, chớ còn mình có chỗ đó rồi, đã phát tâm với Phật rồi, có gốc đó như Phật không khác.

CHÁNH VĂN:

Bấy giờ, Phật bảo ông La Hầu La: "Ông ở đời sau sẽ đặng làm Phật hiệu: Đạo Thất Bửu Hoa Như Lai, Ứng Cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật Thế Tôn. Ông sẽ cúng dường các đức Phật Như Lai như số vi trần trong mười thế giới. Thường vì các Đức Phật mà làm trưởng tử, cũng như hiện nay.

Đức Phật Đạo Thất Bửu Hoa đó, cõi nước trang nghiêm, kiếp số thọ mạng giáo hoá đệ tử, chánh pháp và tượng pháp cũng đồng như đức Sơn Hải Huệ Tự Tại Thông Vương Như Lai không khác. Ông cũng làm trưởng tử cho Phật này, qua sau đây rồi sẽ đặng đạo Vô Thượng Chánh đẳng Chánh giác

GIẢNG:


La Hầu La cũng thành Phật hiệu là Đạo Thất Bửu Hoa, kiếp số thọ mạng như Ngài Sơn Hải Huệ Tự Tại Thông Vương Như Lai không khác. Ông cũng sẽ làm trưởng tử cho Phật này.

CHÁNH VĂN:

Lúc đó đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:

                        Lúc ta làm Thái tử
                        La Hầu làm trưởng tử
                        Ta nay thành Phật đạo
                        Thọ pháp làm pháp tử
                        Ở trong đời vị lai
                        Làm trưởng tử cho kia
                        Một lòng cầu Phật đạo
                        Hạnh kín của La Hầu
                        Chỉ ta biết được thôi
                        Hiện làm con của ta
                        Để chỉ các chúng sanh
                        Vô lượng ức nghìn muôn
                        Công đức không thể đếm
                        An trụ trong Phật pháp
                        Để cầu đạo vô thượng.
GIẢNG:


Đây Phật thổ lộ cho thấy rõ Ngài La Hầu La, Ngài hiện ra, là Trưởng tử của Phật, đó là mật hạnh của Ngài, chỉ Phật biết được thôi, người ngoài không thể biết được.

Như vậy, cho thấy rõ Ngài A Nan, Ngài La Hầu La đều là nhân vật bên ngoài hiện tướng Thanh Văn trong ẩn hạnh Bồ Tát. Các vị thị hiện đồng sự với các vị hữu học này rồi cùng cầu để được thọ ký tiến lên. Chẳng vậy thì họ không dám, bởi vì nghĩ rằng mình là hàng hữu học. Cho nên các Ngài đây được thọ ký, các vị hữu học kia đều thấy mình cũng có phần, rồi cũng cầu được thọ ký. Đó là phá niệm sai biệt, chướng ngăn Phật tánh của mình -liền thấy được chỗ bình đẳng như nhau.

Thêm điểm nữa: Hai Ngài A Nan và La Hầu La đó là lớp trẻ, Ngài La Hầu La xuất gia mới bảy tuổi, Ngài A Nan xuất gia còn trẻ nên làm thị giả Phật. Còn những vị trước kia đều là hàng trưởng lão hết, mà đây lớp trẻ vẫn được thọ ký, thì cho thấy rõ việc này không phân biệt tuổi tác, không phân biệt già trẻ. Bởi vì Tri kiến Phật đâu có già trẻ gì. Ai tin nhận được liền được thọ ký. Đó là chỗ bình đẳng với tất cả. Các người lớn tuổi tu lâu năm, không tin nhận được thì cũng không được thọ ký. Người mới tu tin nhận được cũng được thọ ký, chỉ khéo làm sao mình tin nhận được chỗ đó thôi.

CHÁNH VĂN:

Bấy giờ, đức Thế Tôn thấy bực hữu học cùng vô học hai nghìn người, chí ý hoà dịu vắng lặng trong sạch, một lòng nhìn Phật. Phật bảo A Nan "Ông thấy bực hữu học vô học hai nghìn người đây chăng?".

- Vâng! Con đã thấy!

- A Nan! Các người sẽ cúng dường các đức Như Lai như số vi trần trong năm mươi thế giới, cung kính tôn trọng hộ trì tạng pháp. Rốt sau đồng thời ở cõi nước trong mười phương đều đặng thành Phật, đều đồng một hiệu là Bửu Tướng Như Lai Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật Thế Tôn, sống lâu một kiếp, cõi nước trang nghiêm, Thanh văn, Bồ Tát, chánh pháp, tượng pháp đều đồng nhau.

GIẢNG:


Tức là bấy giờ những bậc hữu học - vô học hai ngàn người này nghe Ngài A Nan, La Hầu La được thọ ký rồi, tâm mình có niềm tin thanh tịnh, nên đây gọi là "Chí ý hoà diệu, vắng lặng trong sạch, một lòng nhìn Phật", cũng mong được thọ ký cho nên Phật liền thọ ký. Phật bảo A Nan "Ông có thấy bực học vô học hai nghìn người đây chăng?" Rồi Ngài thọ ký cho các Ngài đó sẽ thành Phật hiệu là Bửu Tướng Như Lai.

CHÁNH VĂN:

Lúc đó, đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:

                            Hai nghìn Thanh văn đây
                            Nay đứng ở trước ta
                            Thảy đều thọ ký cho
                            Đời sau sẽ thành Phật
                            Cúng dường các đức Phật
                            Như số trần nói trên
                            Hộ trì tạng pháp bảo
                            Sau sẽ thành chánh giác
                            Đều ở nơi mười phương
                            Thảy đồng một danh hiệu
                            Đồng thời ngồi đạo tràng
                            Để chứng huệ vô thượng
                            Đều hiệu là Bửu Tướng
                            Cõi nước cùng đệ tử
                            Chánh pháp và tượng pháp
                           Thảy đều không có khác
                            Đều dùng các thần thông
                            Độ mười phương chúng sanh
                            Tiếng đồn vang khắp cùng
                            Lần nhập vào Niết Bàn
GIẢNG:


Hai nghìn vị Thanh văn đó đều được thọ ký hết, đồng một hiệu, chánh pháp, tượng pháp cũng không khác nhau.

CHÁNH VĂN:

Lúc đó, bực hữu học cùng vô học hai nghìn người nghe đức Phật thọ ký vui mừng hớn hở mà nói kệ rằng:

                        Thế Tôn đèn huệ sáng
                        Con nghe tiếng thọ ký
                        Lòng vui mừng đầy đủ
                        Như được rưới cam lồ.
GIẢNG:


Các ngài nghe được Thế Tôn thọ ký lòng rất vui, tán thán Thế Tôn giống như ngọn đèn huệ sáng, soi sáng đến chỗ tối của tâm mình. Như vậy càng sáng tỏ thêm: Ai ai cũng đều có phần đó hết; nghĩa là những vị lớn, nhỏ, già, trẻ cũng đều có phần. Nếu trong hội này có vị vì niệm tăng thượng mạn bỏ đi như năm trăm vị kia thì thật là đáng tiếc!
Đó là ý nghĩa nhắc nhở cho tất cả mọi người tin nhận: ai ai cũng có phần Tri Kiến Phật, cũng đều có thể giác ngộ thành Phật, chỉ mình có tin nhận hay chưa?



 

[ Quay lại ]