headertvtc new


   Hôm nay Thứ bảy, 23/11/2024 - Ngày 23 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

KINH PHÁP HOA - PHẨM TRÌ

CHÁNH VĂN:

Lúc bấy giờ, Ngài Dược Vương đại Bồ Tát và Ngài Đại Nhạo Thuyết Bồ Tát Ma Ha Tát cùng chung với quyến thuộc hai muôn vị Bồ Tát đều ở trước Phật nói lời kệ rằng: "Cúi xin đức Thế Tôn chớ lo, sau khi Phật diệt độ chúng con sẽ phụng trì đọc tụng, nói kinh điển này, đời ác sau chúng sanh căn lành càng ít, nhiều kẻ tăng thượng mạn tham lợi dưỡng cúng dường, thêm lớn căn chẳng lành, xa lìa đạo giải thoát, dầu khó có thể giáo hóa chúng con sẽ khởi sức nhẫn lớn đọc tụng kinh này, thọ trì giải nói biên chép, dùng các món cúng dường cho đến chẳng tiếc thân mạng".

GIẢNG:

Trì: tức là vâng giữ, là truyền rộng kinh Pháp Hoa này để không đoạn dứt trên thế gian.

Phần trước hiển bày tri kiến Phật như Hiện Bảo Tháp, tức là hiển bày ra tri kiến Phật cho mọi người thấy, và sau đó mọi người tin nhận được tri kiến Phật. Nhưng bây giờ đây tin nhận rồi thì phải giữ gìn, phải luôn luôn giữ làm sao nó không mất, không gián đoạn, thì mới thật sự sống được ở trong tri kiến Phật đó. Như vậy Pháp Hoa mới sáng mãi không dứt ở thế gian này.

Đến đây là hai vị Bồ Tát lớn là Ngài Dược Vương và Ngài Đại Nhạo Thuyết, mới cùng quyến thuộc đứng lên trước Phật mà phát thệ, vì ở trước Phật kêu gọi “giờ đây là đúng lúc rồi, ai thọ trì kinh Pháp Hoa thì hãy phát nguyện”.

Các Ngài nói: “sau khi Phật diệt độ chúng con sẽ phụng trì, đọc tụng nói kinh điển này”.

Dù “đời ác chúng sanh căn lành ít, kẻ tăng thượng mạn nhiều”. Tăng thượng mạn là chưa được mà cho là được, hoặc được ít mà cho là nhiều, rồi “tham lợi dưỡng cúng dường, thêm lớn căn chẳng lành”, tức là các vị đó khó giáo hóa. Nhưng do trì kinh Pháp Hoa nên cũng nhẫn nhục, cả đến không tiếc thân mạng, cho thấy ở đây nghĩa “thọ trì” rất rõ.

Muốn trì kinh này không phải dễ, vì trì kinh Pháp Hoa là giữ gìn tri kiến Phật, mà ở đời ác là đời cách Phật rất xa này, thì chúng sanh nhiều tạp nghiệp, nên họ sẵn sàng lôi cuốn mình vào trong trần, nếu mình không có đạo tâm vững thì dễ bị lôi cuốn theo. Bởi vậy ở đời ác này thọ trì, giữ gìn kinh Pháp Hoa thật là ít có, phải có sức nhẫn lớn, là đối với tất cả các pháp không sanh tâm động niệm, do đó các vị nói:

- “Chúng con sẽ khởi sức nhẫn lớn đọc tụng kinh này”, đó là điểm thứ nhất. Và “không tiếc thân mạng”, đó là điểm thứ hai.

CHÁNH VĂN:

Lúc đó, trong chúng có năm trăm vị A La Hán đã đặng thọ ký đồng bạch Phật rằng: Thế Tôn! Chúng con cũng tự thệ nguyện ở nơi cõi khác rộng nói kinh này".

Lại có bậc học và vô học tám nghìn người đã đặng thọ ký đồng từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay hướng về phía Phật nó lời thệ rằng: "Thế Tôn! Chúng con cũng sẽ ở cõi khác rộng nói kinh này". Vì sao?

- Vì người trong nước Ta bà nhiều điều tệ ác ôm lòng tăng thượng mạn, công đức cạn mỏng giận hờn, do vậy tâm không chân thật".

GIẢNG:

Ở trên được hai vị đại Bồ Tát cùng với quyến thuộc đứng lên phát thệ nguyện, nhờ các Ngài đứng lên kích khởi mở màn trước, cho nên tiếp theo các vị A La Hán, các vị hữu học và vô học là những vị ở trước đã được Phật thọ ký rồi, thì ở đây cũng đồng hướng về Phật phát nguyện trì kinh. Nhưng Tự thệ nguyện ở cõi khác mà rộng nói kinh này, chớ không dám ở cõi Ta bà này nói, vì các Ngài nói người trong Ta bà nhiều tệ ác, ôm lòng tăng thượng mạn, tâm không chân thật. Các Ngài thấy sức mình không kham nói ở cõi này.

Cho thấy rõ, tuy các Ngài đã tin nhận Pháp Hoa rồi, nhưng tập khí yếu kém chưa sạch,vẫn phát nguyện mà phát nguyện qua cõi khác không dám ở cõi này.

Bởi hàng Thanh Văn chưa quên được niệm sai biệt, nên ở ngay đây không trì được mà phải qua cõi khác trì. Đó là chỉ rõ, khi mình tỏ ngộ rồi, nhưng còn phải sống cho được, cho đến khi quên những niệm sai biệt đó thì mới khế hợp thật thể Pháp Hoa, chớ không phải tỏ ngộ rồi là xong.

CHÁNH VĂN:

Khi đó, dì của Phật là Đại Ái Đạo Tỳ Kheo Ni cùng chung với bậc "học" và "vô học" Tỳ kheo ni sáu nghìn người, đồng từ chỗ ngồi đứng dậy chấp tay chiêm ngưỡng dung nhan của Phật, mắt chẳng tạm rời.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo Kiều Đàm Di: "Cớ chi có sắc buồn mà nhìn Như Lai, tâm ngươi toan cho rằng ta chẳng nói đến tên ngươi, để thọ ký thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác ư?.

Kiều Đàm Di! Ta trước tổng nói tất cả Thanh Văn đều đã được thọ ký, nay ngươi muốn biết thọ ký đó, đời tương lai sau ngươi sẽ ở trong pháp hội của sáu muôn tám nghìn ức đức Phật làm vị đại Pháp Sư và sáu nghìn vị "học" "vô học" Tỳ kheo ni đều làm Pháp sư. Người lần lần đủû đạo hạnh Bồ Tát như thế sẽ đặng thành Phật hiệu là Nhứt Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến Như Lai, Ứng Cúng, Chánh biến tri, Minh Hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật Thế Tôn.

Kiều Đàm Di! Đức Nhứt Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến Phật đó và sáu nghìn Bồ Tát tuần tự thọ ký đặng đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác".

GIẢNG:

Đến đây bà dì của Phật là Tỳ kheo ni Đại Ái Đạo cùng quyến thuộc đứng lên khát ngưỡng mong cầu Phật thọ ký. Từ trước đến giờ ở trong hội các vị này chưa ùdám xin Phật thọ ký, vì thấy các vị như Ngài Xá Lợi Phất, Ngài Mục Kiền Liên… là các đệ tử lớn lại là Tỳ kheo, còn mình là thân nữ, mà còn nghĩ đến tướng nữ nên chướng ngại không dám; nhưng khi thấy bà Long nữ mới tám tuổi mà được thành Phật mau chóng, thì bà cũng thấy mình có phần trong đó, tin mình chắc chắn có khả năng thành Phật, do đó mong Phật thọ ký, song không dám nói thẳng, mà chỉ đứng lên chiêm ngưỡng dung nhan của Phật, mắt chẳng tạm rời vậy thôi. Phật thấy vậy biết liền, nên mới bảo: "Cớ chi có sắc buồn mà nhìn Như Lai". Phật liền thọ ký, nghĩa là khi mình có sự cảm thông như vậy rồi, Phật liền biết, mình hợp với Phật và Phật liền thọ ký cho.

CHÁNH VĂN:

Bây giờ, mẹ của La Hầu La là bà Gia Thâu Đà La Tỳ kheo Ni nghĩ rằng: "Thế Tôn ở nơi trong hội thọ ký riêng chẳng nói đến tên tôi". Phật bảo bà Gia Thâu Đà La: "Ngươi ở đời sau trong pháp hội của trăm nghìn muôn ức đức Phật, tu hạnh Bồ Tát, làm vị đại Pháp Sư, lần lần đầy đủ Phật đạo, ở trong cõi Thiện Quốc sẽ đặng thành Phật hiệu là Cụ Túc Thiên Vạn Quang Tướng Như Lai, Ứng Cúng, Chánh biến tri, Minh Hạnh Túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn Sư, Phật Thế Tôn. Phật sống lâu vô lượng vô số kiếp.

Lúc đó bà Đại Ái Đạo Tỳ Kheo Ni và bà Gia Thâu Đà La, Tỳ kheo ni cùng cả quyến thuộc đều rất vui mừng đặng việc chưa từng có, liền ở trước Phật mà nói kệ rằng:

                    Đấng Thế Tôn đạo sư
                    Làm an ổn trời người
                    Chúng con nghe thọ ký
                    Lòng an vui đầy đủ.

Các Vị Tỳ kheo ni nói kệ đó rồi bạch Phật rằng: "Chúng con cũng có thể ở cõi nước phương khác rộng tuyên nói kinh này".

GIẢNG:

Bà Tỳ kheo ni Gia Thâu Đà La thấy các vị đều được thọ ký hết, bà cũng mong thọ ký, cho nên nghĩ rằng “sao mà Phật bỏ sót”, ngay đó Phật liền thọ ký. Như vậy đã tin nhận thì liền được thọ ký, nhưng quí vị cũng nên hiểu kỹ hơn, sự thật việc này không phải do Phật thọ ký mới có, mà trọng yếu ở chỗ tự tin nhận, mình tự tin nhận đó mới thành thọ ký. Nghĩa là khi mình tự tin nhận thì cái đó là cái sẵn nơi mình rồi, Phật liền thọ ký cũng như chứng nhận thôi, chớ không phải do thọ ký rồi mới có việc đó.

Khi các vị Tỳ kheo ni này được thọ ký hết, các vị mới nói kệ khen Phật, xong rồi các vị cũng phát nguyện trì kinh Pháp Hoa, nhưng cũng phải qua phương khác mà trì không dám ở cõi Ta bà trì.

CHÁNH VĂN:

Bấy giờ, đức Thế Tôn nhìn tám mươi muôn ức na do tha vị đại Bồ Tát, các vị Bồ Tát đó đều là bậc bất thối chuyển, chuyển pháp luân bất thối đặng các pháp tổng trì, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đến trước Phật một lòng chấp tay mà nghĩ rằng: "Nếu đức Thế Tôn dạy bảo chúng ta nói kinh này, thời chúng ta sẽ như lời Phật dạy , rộng tuyên nói pháp này". Các vị đó lại nghĩ: "Nay đức Phật yên lặng chẳng thấy dạy bảo, chúng ta phải làm thế nào?".

Lúc đó, các vị Bồ Tát kính thuận ý của Phật, và muốn tự thỏa mãn bổn nguyện bèn ở trước Phật nói lớn tiếng mà phát lời thệ rằng: "Thế Tôn! Sau khi Như Lai diệt độ, chúng con đi giáp vòng qua lại khắp mười phương thế giới, hay khiến chúng sanh biên chép kinh này thọ trì, đọc tụng, giải nói nghĩa đó, nghĩ nhớ chơn chánh đúng như pháp mà tu hành, như thế đều là sức oai thần của Phật. Cúi mong đức Thế Tôn ở phương khác xa giữ gìn cho".

GIẢNG:

Đây nói các vị đại Bồ Tát tự phát nguyện thọ trì, ở đây cần chú ý “Phật nhìn tám mươi muôn ức na do tha các vị Bồ Tát”, Phật chỉ nhìn thôi không nói gì hết! Chỉ nhìn thôi là khiến mình với Phật tự tâm thầm cảm thông chớ không có ngôn ngữ lời nói. Các vị Bồ Tát này cũng cảm được, thấy Phật nhìn liền biết, cho nên đứng dậy một lòng chấp tay tự nghĩ, đây mới nghĩ thôi: “nếu được đức Thế Tôn bảo chúng ta nói kinh này, thì chúng ta sẽ như lời Phật mà nhận nói pháp này”. Song đợi Phật bảo nhưng Phật yên lặng không nói gì khiến các vị phải tự phát nguyện, tự nói lên, không đợi bảo, đó mới là sức mạnh lớn, sức tự tin mới vững, lấy sức mạnh đó trì kinh Pháp Hoa này thì chắc chắn thành tựu. Do đó ở đây Phật nhìn mà không bảo để mỗi vị tự phát nguyện, nghĩa là khiến cho mỗi người đầy đủ lòng tự tin chắc chắn, khi mình có lòng tự tin chắc chắn như vậy rồi thì không ai làm gì mình được, vậy là bảo đảm trì kinh Pháp Hoa vững vàng.

CHÁNH VĂN:

Tức thời các vị Bồ Tát đều đồng tiếng mà nói kệ rằng:
                Cúi mong Phật chớ lo
                Sau khi Phật diệt độ
                Trong đời ác ghê sợ
                Chúng con sẽ rộng nói
                Có những người vô trí
                Lời ác mắng rủa thảy
                Và dao gậy đánh đập
                Chúng con đều phải nhẫn
                Tỳ kheo trong đời ác
                Trí tà lòng dua vạy
                Chưa được nói đã được
                Lòng ngã mạn dẫy đầy
                Hoặc người mặc áo nạp
                Lặng lẽ ở chỗ vắng
                Tự nói tu chơn đạo
                Khinh rẻ trong nhân gian
                Vì ham ưa danh lợi
                Nói pháp cho bạch y
                Được người đời cung kính
                Như lục thông La Hán
                Người đó ôm lòng ác
                Thường nghĩ việc thế tục
                Giả danh "A luyện nhã"
                Ưa nói lỗi chúng con

    Mà nói như thế này:
                Các bọn Tỳ kheo này
                Vì lòng ham lợi dưỡng
                Nói luận nghĩa ngoại đạo
                Tự làm kinh điển đó
                Dối lầm người trong đời
                Vì muốn cầu danh tiếng
                Mà giải nói kinh đó.
                Thường ở trong đại chúng
                Vì muốn phá chúng con
                Đến Quốc Vương, quan lớn
                Bà la môn, cư sĩ
                Và chúng Tỳ kheo khác
                Chê bai nói xấu con
                Đó là người tà kiến
                Nói luận nghĩa ngoại đạo
                Chúng con vì kính Phật
                Đều nhẫn các ác đó.

    Bị người đó khinh rằng:

                Các người đều là Phật
                Lời khinh mạn dường ấy
                Đều sẽ nhẫn thọ đó.
                Trong đời ác kiếp trược
                Nhiều các sự sợ sệt
                Quỷ dữ nhập thân kia
                Mắng rủa hủy nhục con
                Chúng con kính tin Phật
                Sẽ mặt giáp nhẫn nhục
                Vì để nói kinh này
                Nên nhẫn các việc khó,
                Con chẳng mến thân mạng
                Chỉ tiếc đạo Vô thượng.
                Chúng con ở đời sau
                Hộ trì lời Phật dặn
                Thế Tôn tự nên biết
                Tỳ kheo ác đời trược
                Chẳng biết Phật phương tiện
                Tùy cơ nghi nói pháp
                Châu mày nói lời ác
                Luôn luôn bị xua đuổi
                Các điều ác như thế
                Nhớ lời Phật dặn bảo
                Đều sẽ nhẫn việc đó.
                Các thành ấp xóm làng
                Kia có người cầu pháp
                Con đều đến chỗ đó
                Nói pháp của Phật dặn.
                Con là sứ của Phật
                Ở trong chúng không sợ
                Con sẽ khéo nói pháp
                Xin Phật an lòng ở
                Con ở trước Thế Tôn
                Mười phương Phật đến nhóm
                Phát lời thệ như thế
                Phật tự rõ lòng con.
GIẢNG:


Rồi có những vị sau này cũng tu hành mặc áo nạp, ở chỗ vắng nhưng không phải thật, còn ham danh lợi, ưa nói lỗi, những người đó chê bai trở lại các Ngài thì các Ngài cũng phải nhẫn đối với những người đó. Đây có chỗ sống chân thật rồi thì không có lo, còn nghe họ bảo mình giả, mình dao động thì không phải thứ thiệt, biết mình không giả họ nói giả cũng đâu thành giả mà lo! Cho đến quốc vương, quan lớn, Bà la môn, cư sĩ..Họ nói mình tà kiến mình cũng nhẫn hết. Họ bảo tà kiến mình không có tà kiến thì thôi, khỏi bận lòng. Rồi:

                “Bị người đó khinh rằng

                Các người đều là Phật”

Giống như là mỉa: “Các ông là Phật hết” thì mình cũng nhẫn luôn, nếu mình thật sự hiểu được việc này thì họ nói các ông đều là Phật, thì mình nói: "À các ông cũng là Phật thôi, tôi Phật, ông cũng Phật, ai cũng là có Phật tánh hết”, cười thôi không có sao.

                Lời khinh mạn dường ấy
                Đều sẽ nhẫn thọ đó
                Trong đời ác kiếp-trược
                Nhiều các sự sợ sệt
                Quỷ dữ nhập thân kia
                Mắng rủa huỷ nhục con
                Chúng con kính tin Phật
                Sẽ mặc giáp nhẫn nhục
                Vì để nói kinh này
                Nên nhẫn các việc khó,
                Con chẳng mến thân mạng
                Chỉ tiếc đạo Vô thượng.

Tức là có những lúc gặp những loài quỷ nhập vào thân người khác, nó chê bai mình, nhưng mình cũng phải nhẫn, còn nếu mình giận tức là rơi vào bẫy của họ, bởi họ mắng họ sỉ nhục mình, họ chọc cho mình tức, để giận, nhưng mình không tức không giận, thì đó là mình thắng, nghĩa là luôn luôn sống trong đạo vô thượng đó là trên hết, ngoài ra thì không đáng kể.

                Chúng con ở đời sau
                Hộ trì lời Phật dặn
                Thế Tôn tự nên biết
                Tỳ-kheo ác đời trược
                Chẳng biết Phật phương tiện
                Tùy cơ nghi nói Pháp
                Chau mày nói lời ác
                Luôn luôn bị xua đuổi
                Xa rời nơi chùa tháp
                Các điều ác như thế
                Nhớ lời Phật dặn bảo
                Đều sẽ nhẫn việc đó

   
Đâây là chỗ Thế Tôn tự cảm thông, tự biết, những điều này Thế Tôn biết với mình thôi, bởi vì nó khó nói, khó bày cho nên những Tỳ-kheo ác đời trược kia không biết được phương tiện của Phật, tùy cơ nghi nói pháp có khi họ chau mày, nói lời ác, họ chê bai, xua đuổi mình, thì mình cũng phải thông cảm với họ. Thí dụ như mình nói ai ai cũng đều có Phật tánh hết, mình tin nhận tri kiến Phật ngay đây mình đầy đủ. Cho nên trong nhà thiền gọi là kiến tánh thành Phật, thấy tánh thì thành Phật, có người không hiểu được, nói Phật tu hành, muốn thành Phật là trải qua ba vô số kiếp, tu các đạo Bồ Tát mới thành Phật, bây giờ nói kiến tánh thành Phật, tin nhận Phật tánh thì liền được thọ ký, nói như vậy là nói sai với lời Phật dạy, thì mình biết rằng họ chưa hiểu được hết ý của Phật, mình cũng phải nhẫn chớ không phải lo cãi với họ, bởi vì sao? Nói tu phải trải qua ba vô số kiếp mới thành Phật, phải biết đó là phương tiện của Phật. Muốn nói rằng sự tu hành thành Phật trải qua thời gian không nhất định, người tinh tấn thì nhanh, người không tinh tấn thì chậm không cố định thời gian. Kiến tánh thành Phật là ngay đây thấy tánh tức là đầy đủ cái nhân thành Phật, rồi sống được trọn vẹn với tự tánh thì thành Phật vậy thôi.

                Các thành ấp xóm làng
                Kia có người cầu Pháp
                Con đều đến chỗ đó
                Nói Pháp của Phật dặn
                Con là sứ của Phật
                Ở trong chúng không sợ
                Con sẽ khéo nói Pháp
                Xin Phật an lòng ở
                Con ở trước Thế Tôn
                Mười phương Phật đến nhóm
                Phát lời thệ như thế
                Phật tự rõ lòng con

   
Trong thành ấp xóm làng có người đến cầu Pháp, các Ngài sẵn sàng nói Pháp cho họ, nguyện Phật an lòng đừng có lo. Đây các Ngài một lòng tin chắc chắn không nghi ngờ nên phát ra lời nói mạnh mẽ, quyết định, không có do dự. Trí đó tự phát nguyện rồi thì ở trong cảnh nghịch duyên vẫn giữ vững tri kiến Phật , trì kinh Pháp Hoa không xen gì khác. Phần này,Thiền Sư Minh Chánh của Việt Nam có nói hai câu:

                Bồ Tát trì kinh nào có tướng
                Pháp nhẫn vô sanh trì khéo trì


Nghĩa là Bồ Tát trì kinh này không thấy có tướng nào khác, trì mà không thấy có tướng trì, luôn luôn sống trong pháp nhẫn vô sanh thôi. Pháp nhẫn vô sanh tức là sao? Nghĩa là đối với các pháp mình giữ vững vô tâm, không ở trên các Pháp mà sanh khởi tướng khác, không có động niệm, đó là chỗ Bồ Tát trì kinh. Được như vậy thì ở đâu, chỗ nào mình cũng giữ gìn kinh Pháp Hoa không sợ sệt.

 

[ Quay lại ]