headertvtc new


   Hôm nay Thứ bảy, 23/11/2024 - Ngày 23 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

KINH PHÁP HOA - PHẨM PHÁP SƯ

Phẩm này là phẩm cuối trong phần: Khai Phật Tri kiến. Sao gọi là Pháp sư? Chỗ này mình phải hiểu cho kỹ. Nhiều khi học theo chữ nghĩa: Pháp sư là ông thầy giảng pháp thôi.

Pháp sư đây, thứ nhất là lấy pháp làm thầy, chính đó là Pháp sư.

Thứ hai là: y nơi pháp mà tu hành, rồi mình mới truyền trì, rộng nói cho mọi người, để khiến cho chánh pháp không đoạn dứt - Pháp sư vậy mới đủ nghĩa. Tức là mình đem gieo hạt giống Phật khắp cho mọi người, để khiến cho Pháp Hoa này luôn luôn tồn tại ở thế gian.

Như ở trước đã qua mấy vòng thọ ký: thọ ký đầu cho Ngài Xá Lợi Phất, kế là bốn vị trưởng lão lớn, kế là Ngũ Bá thọ ký nhưng cũng thọ ký chưa hết, còn sót lại, nên đến đây một lần nữa thọ ký cho khắp hết, rộng thọ ký, khiến ai ai cũng tin nhận mình có phần Tri Kiến Phật đó. Đó là ý nghĩa của phẩm Pháp sư.

CHÁNH VĂN:

Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn nhơn nói với Dược Vương Bồ Tát để bảo tám muôn đại sĩ rằng: "Dược Vương! Trong đại chúng đây vô lượng hàng Chư Thiên, Long Vương, Dạ Xoa, Càn thát bà, A tu la, Ca lâu la, Khẩn na la, Ma hầu la dà, nhơn cùng phi nhơn và Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di, hạng cầu Thanh văn, hạng cầu Bích chi Phật, hạng cầu Phật đạo, các loại như thế đều ở trước Phật nghe Kinh Diệu Pháp Liên Hoa một bài kệ một câu, nhẫn đến một niệm tùy hỉ đó, ta đều thọ ký cho sẽ đặng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác".

GIẢNG:

Đến đây Phật nói với Bồ Tát Dược Vương mà cũng để bảo cho tám muôn đại sĩ luôn, tức là tám muôn vị Bồ Tát lớn, những vị này mới cảm thông với Phật được. Ngài thọ ký cho các hàng Chư Thiên, Long Vương, Dạ Xoa, Càn thát bà, A tu la, Ca lâu la, Khẩn na la, Ma hầu la già, Nhơn và phi nhơn gọi chung là Thiên long Bát Bộ. Rồi Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di tức trong hàng tứ chúng. Những vị này trước giờ nghe, nhưng chưa được thọ ký, còn bỏ sót, đến đây thọ ký hết. Trong đó Dạ Xoa cũng được thọ ký, Càn thát bà cũng được thọ ký. Cho đến thần Kim Xí điểu, thần Mãng xà cũng đều được thọ ký hết.

Vậy quí vị thấy mình trong đây có phần không? Cả A tu la, Dạ Xoa còn được thọ ký kia mà. Đây Phật bảo với Ngài Dược Vương - Dược Vương là chỉ cho vua của mọi thứ thuốc, nó trị lành hết tất cả các bệnh. Kinh Pháp Hoa này cũng như vậy, -là vua trong các kinh, người hay thọ trì, truyền bá rộng kinh này thì sẽ trị lành các bệnh.

Bởi vậy trong đây thọ ký ai nghe kinh này cho đến một bài kệ, một câu, mà tùy hỷ thì được thọ ký hết. Trong khi mình nghe tới đây là tới chín phẩm, vậy Phật có bỏ sót ai không? Chỉ có mình bỏ sót Phật thôi! Bởi vì Tri Kiến Phật là cái chánh nhân. Tức cái nhân chính sẵn có nơi mỗi người, bây giờ mình tùy hỷ tức là sao?

Tùy hỷ là duyên nhân để đánh thức chánh nhân đó. Cho nên liền được thọ ký.

CHÁNH VĂN:

Phật bảo Dược Vương: "Lại sau khi đức Như Lai diệt độ, nếu có người nghe kinh Diệu Pháp Liên Hoa, nhẫn đến một bài kệ, một câu, một niệm tuỳ hỷ đó, ta cũng thọ ký đạo Vô thượng chánh đẳng chámh giác cho."

Nếu lại có người thọ trì đọc tụng, giải nói, biên chép kinh Diệu Pháp Liên Hoa, nhẫn đến một bài kệ, đối với kinh điển này cung kính xem như Phật. Các thứ cúng dường, hoa, hương chuỗi ngọc, hương bột, hương xoa, hương đốt, lọng lụa, tràng phan, y phục kỹ nhạc, nhẫn đến chắp tay cung kính. Dược vương nên biết! Các người trên đó đã từng cúng dường mười muôn ức Phật, ở chỗ các đức Phật thành tựu chí nguyện lớn vì thương xót chúng sanh mà sanh vào nhân gian.

GIẢNG:

Ở trước Phật thọ ký cho Thiên Long Bát Bộ, hàng tứ chúng, là những vị hiện tại đang có mặt trong pháp hội.

Kế đây thọ ký cho về sau: "Sau khi đức Như Lai diệt độ, nếu có người nghe kinh Diệu Pháp Liên Hoa, nhẫn đến một bài kệ, một câu, một niệm tùy hỷ ta cũng thọ ký đạo Vô thượng Chánh đẳng chánh cho", là có mình trong đó rồi. Sau khi Phật diệt độ, nếu mình nghe chừng một câu thôi mà tùy hỷ thì cũng được thọ ký. Đó là Phật huyền ký xa về sau. Cho thấy Phật ra đời là Ngài gieo duyên đầy đủ hết rồi, hiện tại đã thọ ký, xa về sau và về sau luôn nữa Ngài cũng thọ ký, vậy đâu bỏ ai. Bởi vì mình đã có nhân sẵn đây rồi, thì bây giờ ai không có quyền giác. Đã có cái nhân giác rồi thì ai cũng có quyền giác, ai cũng có quyền thành Phật.

Bởi cái Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác gọi là Phật thành đó, cái Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác đó là gì? Mình thường nói Phật thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, trong đầu luôn nghĩ có cái Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác gì đó. Đây kiểm lại xem:

Phật thành nó là thành ở đâu? Ở trên Sao mai hay dưới gốc Bồ Đề? Hoặc là ở trong con mắt này? Chỉ là ngay "tâm giác ngộ" này thôi. Tâm giác trọn vẹn đó chính là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác chớ không đâu khác. Ngoài tâm này không thể tìm cái Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác nào khác. Khẳng định một cách rõ ràng như vậy.

Nếu có là có trong sách vở ghi lại đó thôi. Cái trong sách vở đó là cái Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác chết. Còn cái Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác sống là ngay nơi tự tâm giác của mình đó. Hồi đầu thị ngạn: xoay đầu lại ngay đó là bờ mé. Mình lâu nay nghe nói bờ này là bờ mê, bờ kia là bờ giác rồi cố tìm mà không thấy bờ giác đâu hết, không ngờ bờ giác ngay nơi mình. Xoay trở lại nơi mình, thấy ngay bờ giác.

Ngài Văn Thù Tư Nghiệp trước khi tỏ ngộ được đạo lý, là một người làm nghề đồ tể tức là giết heo. Một hôm đang làm heo Ngài chợt tỉnh ngộ, làm bài kệ:

                        Tạc nhật Dạ xoa tâm
                        Kim triêu Bồ Tát diện
                        Bồ Tát dữ Dạ xoa
                        Bất cách nhứt điều tuyến..

            Dịch:
                        Hôm qua tâm Dạ xoa
                        Sáng nay mặt Bồ Tát
                        Bồ tát với Dạ xoa
                        Không cách một đường tơ.

Mới hôm qua tâm Dạ xoa, sáng nay tỏ ngộ chuyển thành mặt Bồ tát, không cách biệt một đường tơ.

Khi còn mê sống với tâm tham lam, độc ác hung dữ là tâm Dạ xoa chớ gì. Bây giờ ngay đó sống trở lại tâm giác thì đó là Bồ tát, đâu cách biệt chỉ đổi tên thôi. Khi ngộ, đến gặp Thiền Sư Văn Thù Tâm Đạo, Thiền Sư Đạo hỏi:

- Nghe nói ông đang làm heo thì ông có tỉnh ngộ phải chăng? Vậy ngay lúc làm heo ông thấy cái gì?

Ngài làm thinh không nói gì hết, làm thế mài dao thôi. Ngay đó Thiền sư Văn Thù Đạo ấn khả. Như vậy Phật tánh đồ tể có, mình không có sao? Nhưng mình phủ phàng, không ngó ngàng đến nó một cách đáng tiếc! Chính chỗ đó, Ngài Trần Thái Tông gọi là:

                        Lang thang làm khách phong trần mãi
                        Ngày cách quê hương muôn dặm trình.

Có đó mà không ngó ngàng nên đành làm khách lang thang thôi. Lang thang chỗ này, chỗ kia, một bước đi là một bước cách quê hương, càng đi cách càng xa. Quí vị đang ngồi đây là ở quê nhà hay quê người? Đang ngồi quê nhà mà tưởng quê người thì thấy có đau không?

Vậy ngay đây có ai tùy hỉ chưa? Có thì được thọ ký rồi. Chính chỗ đó là chỗ thọ dụng của chư Phật. Trở về chỗ đó là chỗ sống vĩnh viễn của mình. Cho nên trong nhà thiền có câu chuyện: Thiền sư Thạch Ốc, một hôm có việc đi ra ngoài, trên đường đi Sư gặp người lạ. Cùng nhau nói chuyện, say sưa không ngờ trời tối không hay, bèn vào nghỉ trong một quán trọ. Nửa đêm Sư nghe có tiếng động trong phòng, mới lên tiếng hỏi:

- Phải là trời sáng rồi chăng?

Người đối phương đáp rằng:

- Không có, hiện giờ đang rất khuya.

Thiền sư Thạch Ốc liền nghĩ rằng: người này giữa đêm khuya tối như vậy mà dậy rời khỏi giường lo sờ mó thì nhất định một là người thấy đạo rất cao, hai là kẻ trộm thôi chớ không gì khác. Sư liền hỏi lại:

- Ông chính là ai?

Thì tên đó nói là ăn trộm. Thiền sư Thạch Ốc liền bảo:

- À! Thì ra ngươi là một tên trộm? Vậy từ trước tới giờ ngươi đã trộm bao nhiêu lần rồi, kể nghe xem!

Tên đó nói:

- Đếm cũng không rõ, không biết bao nhiêu lần.

Sư hỏi:

- Mỗi lần ngươi ăn trộm vui sướng được bao lâu?

Tên trộm nói:

- Cái đó còn cần phải xem lại, đồ ăn trộm được giá trị thế nào mới biết, lớn thì vui mới nhiều.

Sư hỏi thêm:

- Khi mà vui sướng nhất, thì thường thường ngươi duy trì cái vui được bao lâu?

Tên trộm đáp rằng:

- Cũng chỉ mấy ngày thôi!

Sư bảo:

- Vậy ngươi là tên ăn trộm vặt thôi. Sao ngươi không đánh một lần một mẻ cho thật to đi!

Tên trộm đó nghe vậy, mới ngạc nhiên, hỏi lại:

- Ủa, ông cũng có kinh nghiệm ư? Vậy ông đã trộm bao nhiêu lần rồi?

Thiền sư Thạch Ốc mới đáp:

- Một lần thôi.

Tên trộm đó hỏi:

- Chỉ một lần à! Mà như vậy có nhiều chăng?

- Tuy có một lần, nhưng cả đời dùng không hết.

Tên trộm nói:

- Vật ấy là trộm ở đâu vậy? Ông có thể dạy cho tôi được chăng?

Thiền sư Thạch Ốc nghe như vậy bất thần nắm ngay ngực tên trộm đó, bảo:

- Đây, cái này đây. Nó chính là kho báu không cùng tận, ngươi phải đem một đời chân chánh mà hiến cho sự nghiệp này, thì trọn đời dùng hoài không hết. Ngươi hiểu chưa?

Tên trộm nghe như vậy mới đáp:

- Cũng dường như rõ mà cũng dường như chẳng rõ. Chẳng qua cái thứ cảm thọ này nó khiến cho người cũng rất là thoải mái.

Khi tên trộm nghe như vậy y có tỉnh ngộ, rất ăn năn những hành động trộm cướp của mình từ lâu đến nay; tên trộm liền tiến đến qui y với Sư luôn, làm một vị thiền giả. Đây tên trộm nghe Sư khơi dậy y tỉnh - cảm được chỗ đó. Chính chỗ đó là chỗ dùng mãi không hết, là chỗ sống vĩnh viễn. Còn bây giờ cứ lo tìm cái này, cái kia hoài, mà cũng thấy đói. Cho nên nghe và tin chỗ đó là chỗ thọ ký.

Rồi người thọ trì đọc tụng, giải nói, biên chép cho đến một bài kệ đối với kinh này, xem cũng như là Phật. Kế dùng những thứ hoa, hương, kỹ nhạc để cúng dường thì Ngài nói vị đó đã từng cúng dường mười muôn ức Phật, ở chỗ các đức Phật thành tựu chí nguyện lớn, vì thương xót chúng sanh nên mới sanh vào nhân gian này. Chỉ nghe một câu mà tùy hỉ thì cũng được thọ ký, huống là còn thọ trì, đọc tụng thì duyên lành với Pháp Hoa này rất là sâu rồi khỏi phải nói. Thọ trì là sao? Là giữ gìn, là sống trong đó. Rồi đọc tụng tức là học thuộc lòng, học thuộc lòng đây là luôn luôn sống liên tục không gián đoạn.

Còn giải nói biên chép là đánh thức cho mọi người nhớ lại Pháp Hoa này, khiến cho ánh sáng Pháp Hoa luôn luôn sáng mãi không cùng tận. Thì quả là người này không phải mới gieo duyên đời này thôi. Thêm với kinh điển này còn cung kính xem như Phật nữa, bởi vì: chính Phật từ đây mà thành Phật, cho nên mình thấy đó tức là thấy Phật. Nhưng thấy đó là thấy qua chữ nghĩa này, thấy bộ kinh sống đó. Như vậy thì biết rằng: người này vì nguyện lớn mà sanh vào đây, chớ không phải thứ thường, nên phải cung kính.

Nguyện lớn đó là nguyện gì? Đó là nguyện làm sáng tỏ kinh Pháp Hoa này, bởi vậy mình phải nghe kinh này, rồi nhớ trở lại nguyện lớn đó thì mình cảm sâu được Pháp Hoa.

CHÁNH VĂN:

Dược Vương! Nếu có ngươì hỏi những chúng sanh nào ở đời vị lai sẽ đặng làm Phật? Nên chỉ các người trên đó ở đời vị lai ắt đặng làm Phật. Vì sao? Nếu có gã thiện nam, người thiện nữ nào ở nơi kinh Pháp Hoa nhẫn đến một câu, thọ trì, đọc tụng, giải nói, biên chép. Các thứ cúng dường kinh quyển, hoa, hương chuỗi ngọc, hương bột, hương xoa, hương đốt, lọng lụa, tràng phan, y phục, kỹ nhạc, chắp tay cung kính. Người đó tất cả trong đời đều nên chiêm ngưỡng sùng phụng. Nên đem đồ cúng dường Như Lai mà cúng dường đó. Phải biết người đó là Bồ tát lớn thành xong đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác vì thương xót chúng sanh mà nguyện sanh trong đời để rộng nói phân biệt Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, huống là người trọn hay thọ trì và các thứ cúng dường.

GIẢNG:

Đây Phật nói rõ: Về sau này ai hỏi chúng sanh nào ở đời vị lai sẽ thành Phật, thì chỉ người đó thôi khỏi chỉ ai khác. Tức là người thọ trì biên chép, đọc tụng kinh này - chỉ người đó sẽ thành Phật thôi.

Thọ trì, đọc tụng biên chép chỉ một câu thôi mà công đức như vậy huống nữa là người trọn hay thọ trì cả bộ luôn. Nghĩa là chỉ một câu cảm nhận trở về mà còn như vậy huống nữa là sống trọn vẹn trong đó. Vì thành Phật là thành ngay chỗ này chớ không gì khác. Rời ngoài Tri Kiến Phật này không có Phật nào khác nữa. Cho nên mọi người phải tôn kính là tôn kính ở chỗ đó.

Rồi tôn kính cúng dường người thọ trì, người biên chép này là muốn nhắc mình sống về chỗ đó - phải thấy đến chỗ người này thọ trì, chớ đừng kẹt trên chữ nghĩa, trên từng chữ, từng hàng đó. Trong nhà thiền có một giai thoại là Thiền sư Nhất Hưu ở trên núi Tỷ Duệ - Nhật Bản. Một hôm Sư thấy tín đồ ở dưới núi kéo lên núi lũ lượt lễ bái, tìm hiểu ra thì biết ngôi chùa trên núi đang thời kỳ phơi Tạng kinh.

Theo quan niệm lúc đó: khi phơi Tạng kinh nếu như gió từ kinh đó thổi qua, thổi trúng người nào thì người đó rất được phước, sẽ tiêu trừ được những tai ách, những bệnh hoạn, được tăng trưởng thêm trí tuệ nữa. Nên mọi người tranh thủ tới để đón làn gió đó, Thiền sư Nhất Hưu biết điều đó rồi, Sư nói:

- Ờ, ta cũng cần phơi kinh mới được.

Nói xong Sư bèn cởi áo ra để lộ bụng trần, rồi nằm phơi trên bãi cỏ dưới nắng, ngay giữa đường người ta đi lên. Nhiều tín đồ lên núi đi ngang qua thấy cảnh Sư nằm phơi bụng thì có người bất bình, họ chịu không nổi, mới lên kể với mấy vị pháp sư ở chùa trên núi. Vị pháp sư đó mới đến khuyên Sư:

- Thôi Ngài đừng nên làm chuyện thiếu oai nghi như vậy, hôm nay là ngày lễ lớn phơi kinh mà!

Thiền sư Nhất Hưu rất chân thật, giải thích:

- Các Ngài phơi Tạng kinh đó là tạng kinh chết, Tạng kinh đó nó biết sanh ra mối mọt - mà nó không biết hoạt động. Còn Tạng kinh mà tôi phơi đây là Tạng kinh sống, Tạng kinh này nó biết nói pháp, biết làm việc, biết ăn cơm. Người có trí tuệ phải biết rõ Tạng kinh này mới là một tạng kinh đáng trân quý!

Đó là Sư cảnh tỉnh cho ông pháp sư mà cũng là cảnh tỉnh cho mọi người: Lo đuổi theo Tạng kinh bằng giấy, bằng mực đó, quên mất Tạng kinh sống, tạng kinh này nó biết ăn cơm, biết mặc áo, nói pháp, đó mới là Tạng kinh trân quý. Vậy mình nghe kinh, tụng kinh phải biết thọ trì bộ kinh đó. Thọ trì, đọc tụng bộ kinh đó thì mới đúng nghĩa Như Lai tán thán, tán thán là tán thán cái chỗ đó.

Cho nên ở đây Phật nói rằng: "Người như vậy đó là bậc Bồ tát lớn, vì thương xót chúng sanh mới nguyện sanh ra trong đời này để rộng nói phân biệt kinh Pháp Hoa", khuyên mình cung kính cúng dường.

CHÁNH VĂN:

Dược Vương nên biết! Người đó tự bỏ nghiệp báo thanh tịnh, sau khi ta diệt độ vì thương chúng sanh mà sanh nơi đời ác, rộng nói kinh này. Nếu người thiện nam, người thiện nữ đó sau khi ta diệt độ có thể riêng vì một người nói kinh Pháp Hoa, nhẫn đến một câu, phải biết người đó là sứ giả của Như Lai, đức Như Lai sai làm việc của Như Lai, huống là ở trong đại chủng rộng vì người nói.

GIẢNG:

"Chỉ vì một người nói thôi" đó là sứ giả của Như Lai, huống là nói cho cả số đông đại chúng. Bởi vì nói cho một người tức là đem ánh sáng của Pháp Hoa này, hay ánh sáng của Như Lai này khơi dậy cho người khác nhớ lại, khiến cho có người tiếp nối ánh sáng này không dứt, nó sáng ngời luôn luôn ở trên cõi đời, vậy không phải là sứ giả Như Lai là gì? Hay nói cách khác là sứ giả đó ở đâu? Chính là chỗ thấy nghe hiện tại đây là sứ giả Như Lai, làm việc Như Lai mà mình không hay, mình cứ lo đi tìm chỗ nào khác. Chính chỗ thấy nghe này nó đang truyền bá sứ mạng Như Lai đó. Nếu mình tin nhận được chỗ này là trở về gặp Như Lai không nghi ngờ.

Hiểu như vậy, mới thấy chỗ Phật dạy rất gần gũi với mình. Còn mình học theo trên danh từ, trên chữ nghĩa thì thấy chuyện này Phật nói cho ai đâu, chớ mình không dính dáng gì hết, Phật nói thêm:

CHÁNH VĂN:

Dược Vương! Nếu có người ác dùng tâm không lành ở trong một kiếp hiện ở trước Phật thường chê mắng Phật, tội đó còn nhẹ. Nếu có người dùng một lời dữ chê mắng người tại gia hay xuất gia đọc tụng kinh Pháp Hoa, tội đấy rất nặng.

GIẢNG:

Chê bai người nói Pháp Hoa này là chê bai Tri Kiến Phật chứ gì. Tức là chận đứng con đường giác ngộ của mình rồi, là đưa mình đi sâu trong chỗ trầm luân sanh tử, tội nặng là như vậy, do đóng bít con đường giác ngộ của mình. Cho nên đây Ngài nhấn mạnh: mình có duyên lành nên mới được nghe kinh này, được nghe chỗ sâu xa này, mình phải biết trân quí chớ có hời hợt bỏ qua. Rồi Ngài còn nói:

CHÁNH VĂN:

Dược Vương! Có người đọc tụng kinh Pháp Hoa, phải biết người đó dùng đức trang nghiêm của Phật tự trang nghiêm mình, thời được Như Lai dùng vai mang vác. Người đó đến đâu, mọi người nên hướng theo làm lễ, một lòng chắp tay cung kính cúng dường, tôn trọng, ngợi khen: hoa, hương, chuỗi ngọc, hương bột, hương xoa, hương đốt, lọng nhiễu, tràng phan, y phục, đồ ngon, trỗi các thứ kỹ nhạc, đồ cúng bực thượng của trong loài người mà đem cúng dường cho người đó, nên cầm báu trời mà rải cúng đó, nên đem đống báu trên trời dưng cho đó.

Vì sao? Người đó hoan hỷ nói pháp, giây lát nghe pháp liền đặng rốt ráo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác vậy.

GIẢNG:

Đây Ngài nói người tụng Pháp Hoa là dùng đức trang nghiêm của Phật mà tự trang nghiêm mình. Rồi được Như Lai dùng vai mang vác nữa, khỏi phải tìm Như Lai ở đâu hết. Bởi vì người đó đang làm sáng tỏ ánh sáng của Như Lai thì được Như Lai mang vác rõ ràng, quả thật mình cũng được Như Lai mang vác tới lui qua lại mà không nhớ thôi, không nhận mà lại đi nhận đám ma quỷ để nó dẫn đi trong trần lao vọng tưởng, thành ra khổ sở, rồi tìm trở lại cầu Như Lai. Đây Phật muốn nhấn mạnh chỗ đó: nhắc mình nhớ lại đang sống trong ánh sáng Như Lai mà bỏ quên, phải nhớ lại chỗ đó, thì người đó đi đến đâu, mọi người nên hướng theo làm lễ; làm lễ là lễ cái chỗ đó!

Ngài mới giải thích: tại sao phải cung kính như vậy? Là bởi người đó hoan hỷ nói pháp "Giây lát nghe pháp liền được rốt ráo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác". Nghe pháp trong giây lát thôi liền được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác - Thành sao dễ dàng! Quí vị nghe tới đây là tới phẩm thứ mười rồi, đã rốt ráo thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác chưa? Còn đây chỉ nghe giây lát thôi. Đó là mình nghe mà tin nhận được chỗ đó, thấy rõ Tri Kiến Phật mình đã vốn sẵn có từ lâu rồi cho nên nghe trong giây lát thì thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Thành là thành như vậy đó, thành cái sẵn tự bao giờ rồi, không phải là cái mới tạo mới có đây, nên thoáng cái là thành. Nhưng thành đó là thành cái nhân, mà phải sống trọn vẹn đó mới thành tựu quả. Hiểu như vậy, mới hiểu ý Phật nhấn mạnh ở chỗ này.

CHÁNH VĂN:

Bấy giờ, đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:

                    Nếu muốn trụ Phật đạo
                    Thành tựu trí tự nhiên
                    Thường phải siêng cúng dường
                    Người thọ trì Pháp Hoa.
GIẢNG:

Nghĩa là "Người muốn trụ nơi Phật đạo, thành tựu trí tự nhiên" thì phải luôn luôn siêng năng cúng dường người thọ trì Pháp Hoa. Đây ý Phật rõ ràng rồi, trí tự nhiên là trí có sẵn nơi mình: tức là Vô Sư Trí. Mà muốn thành tựu cái Vô Sư Trí đó thì phải luôn luôn cúng dường người thọ trì Pháp Hoa này, tức là người sống trong Pháp Hoa đó. Đây Ngài muốn nhắc mình phải sống trở lại trí sẵn có đó, chớ không phải lo đi tìm trí bên ngoài là trí hữu sư: trí có thầy dạy, trí học hỏi được.

                    Có ai muốn mau đặng
                    Nhứt thiết chủng trí tuệ
                    Nên thọ trì kinh này
                    Và cúng dường người trì.

GIẢNG:

Tức phải tin nhận sống trở lại với cái chân thật này. Ai muốn mau đặng "Nhứt thiết chủng trí" thì sống lại chỗ đó thôi chớ không gì khác hết.

CHÁNH VĂN:

                    Nếu người hay thọ trì
                    Kinh Diệu Pháp Liên Hoa
                    Nên biết là sứ Phật
                    Thương nhớ các chúng sanh
                    Những người hay thọ trì
                    Kinh Diệu Pháp Liên Hoa
                    Xa bỏ cõi thanh tịnh
                    Thương chúng nên sanh đây.   
GIẢNG:

Phải biết người hay thọ trì kinh này là sứ giả của Phật, thương nhớ chúng sanh bỏ cõi nước thanh tịnh mà sanh nơi đây. Mình phải rõ được cái gì là Kinh Diệu Pháp Liên Hoa thì mới thấy được ý này. Không phải Diệu Pháp Liên Hoa là cái tên đó thôi, mà phải thấy Bộ kinh Pháp Hoa sống đó.

Người thọ trì kinh đó: "Xa bỏ cõi thanh tịnh, thương chúng nên sanh đây" - rõ ràng, đây là chỗ Tri Kiến Phật chân thật, là chỗ thanh tịnh vô nhiễm. Vì thương chúng sanh nên mới bỏ cõi thanh tịnh đó mà sanh ở nơi đây, ẩn trong thân năm ấm này; nếu mình khéo thì ngay đó thấy trở lại gốc gác chân thật.

CHÁNH VĂN:

                        Phải biết người như thế
                        Chỗ muốn sanh tự tại
                        Ở nơi đời ác này
                        Rộng nói pháp vô thượng,
                        Nên đem hoa, hương trời
                        Và y phục, báu trời
                        Đống báu tốt trên trời
                        Cúng dường người nói pháp.
                        Đời ác, sau ta diệt
                        Người hay trì kinh này
                        Phải chắp tay lễ kính
                        Như cúng dường Thế Tôn,
                        Đồ ngon ngọt bực thượng
                        Và các món y phục
                        Cúng dường Phật tử đó
                        Mong được giây lát nghe.
GIẢNG:


Đây nói rằng: người đó muốn sanh đâu thì tự tại, mình cúng dường là cúng dường "người đó". Dù ở trong đời ác cũng không có gì ngăn ngại được. Nó đang ở trong thân năm ấm này nhưng thân năm ấm này cũng đâu ngăn ngại được nó. Mình thường nói bị năm ấm che mờ, ngăn ngại nhưng sự thật có ngăn ngại không? Tại mình quên thôi chớ sự thật không ngăn ngại gì hết. Như chuyện ông Lục Hoàn Đại Phu hỏi ngài Nam Tuyền, ông hỏi rằng:

- Có người nuôi con ngỗng trong cái bình, thời gian lâu ngỗng lớn lên muốn ra mà ra không được. Bây giờ làm sao cứu con ngỗng này ra mà không động tới cái bình, không làm tổn thương con ngỗng?

Ngài Nam Tuyền liền gọi:

- Đại phu!

Ôâng: "Dạ"

Ngài Nam Tuyền bảo:

-Ra rồi.

Rõ ràng kêu thì biết dạ liền, năm ấm có che được không? Nghiệp chướng sâu dày có che được cái đó không?

Do đó đây nói rằng: dù trong đời ác đó nhưng sanh đâu cũng tự tại, không có gì che được hết, nên mình phải hết lòng cung kính.

"Mong nghe trong giây lát"-là phải hết lòng khao khát để nghe lại chỗ đó, đó mới là chỗ sống vĩnh viễn của mình.

CHÁNH VĂN:

                        Nếu người ở đời sau
                        Hay thọ trì kinh này
                        Ta khiến ở trong người
                        Làm việc của Như Lai
                        Nếu ở trong một kiếp
                        Đỏ mặt mà mắng Phật
                        Mắc vô lượng tội nặng
                        Có người đọc tụng trì
                        Kinh Diệu Pháp Hoa này
                        Giây lát dùng lời mắng
                        Tội đây lại hơn kia.
GIẢNG:


Đây muốn ngăn người phỉ báng kinh này cũng như người nói kinh này, là bởi vì sao? Vì đó là chướng ngăn con đường giác ngộ của mình, nên phải khéo cẩn thận chỗ đó.

CHÁNH VĂN:

                        Có người cầu Phật đạo
                        Mà ở trong một kiếp
                        Chắp tay ở trước ta
                        Dùng vô số kệ khen
                        Do vì khen Phật vậy
                        Đặng vô lượng công đức,
                        Khen ngợi người trì kinh
                        Phước đây lại hơn kia.
GIẢNG:


Đây muốn nói sống trở về với Phật chân thật này. Đó là cái nhân sẽ thành Phật, nên công đức vô lượng.

CHÁNH VĂN:

                        Trong tám mươi ức kiếp
                        Dùng sắc thinh tối diệu
                        Và cùng hương vị xúc
                        Cúng dường người trì kinh
                        Cúng dường như thế rồi
                        Mà được chốc lát nghe
                        Thời nên tự mừng vui
                        Nay ta được lợi lớn.
                        Dược Vương! Nay bảo ông
                        Các kinh của ta nói
                        Mà ở trong kinh đó
                        Pháp Hoa tột thứ nhất.
GIẢNG:


Phật xác định rõ: Kinh Pháp Hoa này là tột thứ nhất, chỉ nghe trong chốc lát thôi cũng nên tự mừng vui. "Nghe chốc lát tự mừng vui", là mừng vui thế nào? Nếu chốc lát chợt nhận ra được lẽ thật đó thì còn cái gì vui hơn. Rồi sống vững trong đó thì không có gì trên thế gian này sánh kịp, cho nên chỗ này là chỗ tột thứ nhất, kinh này tột trong các kinh là như vậy đó.

CHÁNH VĂN:

Lúc bấy giờ, Phật lại bảo Ngài Dược Vương Đại Bồ tát: "Kinh điển của ta nói nhiều vô lượng nghìn muôn ức, đã nói, hiện nói, sẽ nói, mà ở trong đó Kinh Pháp Hoa rất là khó tin, khó hiểu.

Dược Vương! Kinh này là tạng bí yếu của các đức Phật, chẳng có thể chia bủa vọng trao cho người. Kinh đây là của các đức Phật giữ gìn từ xưa đến nay chưa từng bày nói, mà chính kinh này khi Như Lai đương hiện tại còn nhiều kẻ oán ghét, huống là sau lúc Phật diệt độ.

GIẢNG:

Kinh Pháp Hoa là tạng bí yếu của các đức Phật, cho nên không thể trao cho một cách hời hợt. Bởi vì chỗ này là chỗ đức Phật từ xưa đến giờ gìn giữ. Chính đức Phật còn đang hiện tại đó, còn nhiều người oán ghét, huống nữa là về sau này. Vậy cho nên Phật xác định rõ kinh này trong vô lượng kinh nó rất khó hiểu, khó tin. Khó hiểu, khó tin là sao?

Ngài muốn nói: Đây là chỗ ngoài sự suy nghĩ hiểu biết thông thường, Tri Kiến Phật này chỗ hiểu biết thông thường khó suy nghĩ, khó hiểu tới. Mà mình muốn hiểu, muốn tin nhận chỗ đó thì phải thấu qua được ngôn ngữ, chữ nghĩa. Không thể đem tâm sinh diệt đối đãi này để phán đoán, nghĩ tính được. Đây là tạng bí yếu của chư Phật. Bí yếu là sao? Chính đây là nguồn sống chân thật của Phật, rời chỗ này là dứt huệ mạng của Phật. Phật thành Phật là thành chỗ này.

Bao nhiêu kinh điển cũng từ trong đây mà ra. Do Phật sống được chỗ này, giác ngộ được chỗ này, rồi từ đó nói ra. Cho nên có lần Ngài Vân Nham thượng đường dạy trong chúng, Ngài nói rằng:

- Có một đứa con nhà người, hỏi đến thì không có việc gì mà chẳng nói được.

Động Sơn mới ra hỏi:

"Vậy trong nhà của y chứa bao nhiêu sách vở?".

Ngài Vân Nham đáp:

"Một chữ cũng không".

Động Sơn nói:

- Sao biết nhiều như vậy.

- Ngày đêm chưa từng ngủ.

Chính chỗ ngày đêm chưa từng ngủ đó nên biết hết, không có gì chẳng biết. Còn mình ngủ nhiều quá, rồi lo tìm sách vở này sách vở kia; học đầy đầu, biết cũng không hết nổi. Bây giờ phải thấy lại chỗ đó, là chỗ biết khắp tất cả, là chỗ Phật giữ gìn, Phật hộ niệm. Như vậy mình tụng là tụng ngay chỗ đó mới khéo tụng. Phật nhấn mạnh: Trong thời Ngài mà còn có nhiều kẻ oán ghét, nghe không nổi chỗ đó. Nhưng nói như vậy là để xác định lại một điều: Bây giờ nghe mà tin được quả là hi hữu, quả là có chủng duyên với Pháp Hoa rất sâu - để mình có thêm niềm tin với Pháp Hoa.

CHÁNH VĂN:

Dược Vương nên biết! Sau khi Như Lai diệt độ người nào có thể biên chép, thọ trì, đọc tụng, cúng dường vì người khác mà nói, thời được Như Lai lấy y trùm đó, lại được các đức Phật hiện tại ở phương khác hộ niệm cho. Người đó có sức tin lớn và sức chí nguyện, các sức căn lành, phải biết người đó cùng Như Lai ở chung, được đức Như Lai lấy tay xoa đầu.

Dược Vương! Nơi nơi, chỗ chỗ hoặc nói, hoặc đọc, hoặc tụng, hoặc chép, hoặc chỗ có quyển kinh này, đều nên dựng tháp bằng bảy thứ báu cho tột cao rộng đẹp đẽ, chẳng cần để xá lợi.

Vì sao? Vì trong đó đã có toàn thân của đức Như Lai rồi, tháp đó nên dùng tất cả hoa, hương, chuỗi ngọc, lọng lụa, tràng phan, kỹ nhạc, ca tụng, để cúng dường cung kính tôn trọng ngợi khen. Nếu có người thấy được Tháp này mà lễ lạy cúng dường, phải biết những người đó đều gần đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

GIẢNG:

Đây Phật nói: "Sau khi Như Lai diệt độ rồi, người biên chép cúng dường, người vì người khác mà nói đó thì được Như Lai lấy y trùm cho, được các Phật phương khác hộ niệm, người đó cùng ở chung với Như Lai, được Như Lai lấy tay xoa đầu nữa". Quý vị thấy ở đây Phật tán thán hết lời; bởi vì tin nhận, sống được với Tri Kiến Phật này là mình trụ trong thể tịch diệt Như Lai rồi. Trụ trong đó thì đối với các pháp không sanh khởi. Được như vậy thì Phật lấy y trùm cho chớ gì! Y đây là y Như Lai.

Còn Phật hộ niệm là mình thọ trì như vậy, sống như vậy là thầm hợp với chỗ sống của Chư Phật, nên được Chư Phật hộ niệm, hai bên cảm thông nhau, chớ không phải hộ niệm cho khối 60kg, 70kg này - hộ niệm cái đó làm gì, ít bữa nó cũng hoại. Do đó mình thấy rõ: ngay đây thấy, nghe, hiểu biết mà mình thầm hợp được với Như Lai thì trong mọi cử động qua lại, tới lui đều có Như Lai trong đó. Tức Như Lai hộ niệm. Chính chỗ đó là chỗ thọ mạng lâu dài của Chư Phật, thọ mạng lâu dài của Như Lai. Hiểu như vậy mình mới thấy được chỗ sâu xa Phật muốn chỉ.

Rồi Phật còn nói: Người đó có sức tin lớn, căn lành lớn cùng ở chung với Như Lai, được Như Lai lấy tay xoa đầu. Tức tâm mình với tâm Như Lai khế hợp. Mình nhận được chỗ này, sống được chỗ này thì tâm mình với tâm Như Lai khế hợp, không còn ngăn cách, trái ngăn nữa, là ở chung với Phật chớ gì! Ở chung như vậy, nếu khi mình đi là cùng với Như Lai đồng đi, ngồi cùng Như Lai đồng ngồi, đứng, nằm cùng Như Lai đứng nằm. Cho đến nói năng cũng cùng Như Lai nói năng. Vậy ánh sáng Như Lai đó luôn luôn theo sát bên mình, khỏi cần cầu Như Lai ở cõi nào xa xôi. Ngay đây phản chiếu trở lại tin nhận Tri Kiến Phật nơi mình, sống với Tri Kiến Phật đó là luôn luôn đi chung với Như Lai. Hiểu như vậy, đâu còn ai gạt mình được nữa. Còn được Như Lai xoa đầu là an ủi đó, hết còn lo chạy bậy. Chính chỗ đó là chỗ an tâm, được như vậy thì vững vàng ở nơi đời ác sau này mà truyền trì Pháp Hoa không còn lo sợ. Còn có cái gì phá hoại được chỗ đó? Dù cho ma hay ngoại cảnh gì nó có phá hoại, phỉ báng là phá hoại phỉ báng bên ngoài thôi chứ ma làm sao thấy chỗ đó được mà phá hoại! Vậy chính chỗ đó là chỗ bảo chứng, lẽ thật là như vậy.

Rồi Ngài nói thêm: nơi nơi, chỗ chỗ, hoặc đọc, hoặc tụng kinh này thì phải xây dựng tháp bảy báu khỏi cần xá lợi gì; chính trong này có xá lợi rồi, trong đó có toàn thân của Như Lai rồi.

Bất cứ chỗ nào có kinh này là có toàn thân của Như Lai trong đó, tức là có ánh sáng Như Lai đó rồi, chính đó mới là chân xá lợi. Bởi vì bao nhiêu xá lợi Phật sở dĩ mà có là cũng từ đó mà có. Phật có giác ngộ chỗ đó, sống được chỗ đó, nên rồi khi tịch, thiêu mới có xá lợi. Cho nên Phật nói là ai thấy được chỗ đó nên xây tháp mà cúng dường, khỏi cần để xá lợi bởi vì có toàn thân của Phật trong đó rồi. Toàn thân đây là pháp thân vậy. Có người thấy được tháp này lễ lạy, cúng dường thì người đó gần đạo Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Có ai thấy tháp này chưa? Thấy được là gần Vô thượng chánh đẳng chánh giác không nghi. Tháp đó ở đâu? Đang sừng sững, đang rõ ràng đó thôi.

Bây giờ đặt câu hỏi lại thì mình thấy được ý đó: Phật nói bất cứ chỗ nào có kinh này phải xây tháp cúng dường. Vậy chỗ nào không có kinh này? Đang ngồi nghe đây có kinh này không? Không chỗ nào không có, tại mình không nhận thôi, Phật muốn nhắc mình chỗ đó. Bởi vậy phải thầm thấy được ý đó, thì ngay đây ngồi nghe là kinh đang phóng quang đó chớ gì. Vậy đáng xây tháp cúng dường nó rồi. Nên Pháp sư Từ Lô có bài kệ nhắc nhở nói rất là thân thiết với mình, Ngài nói rằng:

                        Đốt hương lễ bái nương sức nào?
                        Niệm Phật xem kinh cũng là y.
                        Nếu thiết tha về, về liền được
                        Chớ bảo lưu lạc nơi nhà người.

Đốt hương lễ bái nương sức nào nó làm được việc đó? Do sức nào khiến mình đốt hương mình lễ bái được? Cho đến niệm Phật xem kinh cũng là y thôi chớ ai xen vào làm việc đó. Ngay đây nếu thiết tha về, về liền được; nhưng tại còn thiết tha chơi thôi. "Chớ bảo lưu lạc nơi nhà người" mình nói lưu lạc quê người, sự thật ngay đó là nhà rồi chớ không lưu lạc đâu hết. Rồi:

                        Cầm muỗng buông đũa nương sức nào?
                        Quét đất nấu trà cũng là y.
                        Nếu thiết tha về, về liền được,
                        Chớ bảo lưu lạc nơi nhà người.

Hãy xét kỹ xem, cầm muỗng, buông đũa do sức gì khiến ra làm chuyện đó? Rồi quét đất, nấu trà ai làm đó? - cũng là "y" thôi. Chỉ quay về nhận là xong, nhưng chưa chịu, mà còn muốn thiết tha chơi bên ngoài, nên đành để lầm qua. Do đó nói lưu lạc nhà người chớ sự thật có lưu lạc đâu, đang ngồi tại nhà mình thôi. Đó là Ngài muốn nhắc mình đâu đâu cũng có bộ kinh này hết, chỉ cần mình thiết tha nhớ trở lại là thấy liền, chuyện này là chuyện mình dùng hàng ngày thôi chớ đâu có gì khác. Bài kệ Quán pháp Giới cũng nói rõ:

                            Ngũ uẩn sơn đầu cổ Phật đường
                            Tỳ Lô trú dạ phóng hào quang
                            Nhược năng như thử phi đồng dị
                            Tức thị Hoa Nghiêm biến thập phương.

        Nghĩa là:
                            Đầu non năm uẩn nhà Phật xưa
                            Pháp thân liên tục phóng hào quang
                            Nếu thật ngay đây không đồng - khác
                            Tức đó Hoa Nghiêm khắp mười phương.

Ngay trên đầu non năm uẩn, là ngôi nhà Phật xưa chớ không đâu khác. Rồi trong đó Pháp thân ngày đêm liên tục phóng hào quang mà mình cứ lo tìm ở đâu, nếu mình thật sự ngay chỗ này không khởi niệm đồng khác thì thấy rõ cảnh giới Hoa Nghiêm khắp hết, đâu đâu cũng bày cảnh giới Hoa Nghiêm đó, khỏi cần tìm chỗ nào khác. Tức la ngay đây quên cái tôi này đi thì đâu đâu cũng là cảnh giới Hoa Nghiêm sáng ngời, đâu đâu cũng là cảnh giới Phật hết.

Vậy quí vị thấy rõ ràng ở chỗ nào cũng có kinh này, có thể nói nó đang phóng quang suốt cả ngày đêm, nhưng mình cứ lo lạy bộ kinh để trên bàn; cho nên quên mất bộ kinh sống này.

Cho nên đây Phật nhấn mạnh lại: Nếu có người thấy được tháp này, lễ bái đó, cúng dường đó, phải biết là người đó gần đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác không nghi ngờ. Rồi Phật nói rõ thêm điều nữa:

CHÁNH VĂN:

Dược vương! Có rất nhiều người tại gia cùng xuất gia làm đạo Bồ Tát, nếu chẳng có thể thấy nghe, đọc tụng, biên chép, thọ trì, cúng dường được Kinh Pháp Hoa này, phải biết người đó chưa khéo tu đạo Bồ Tát. Nếu có người đặng nghe kinh điển này, mới là hay khéo tu đạo Bồ Tát. Có chúng sanh nào cầu Phật đạo hoặc thấy hoặc nghe kinh Pháp Hoa này, nghe xong tin hiểu thọ trì, nên biết người đó đặng gần đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

GIẢNG:

Nếu người làm đạo Bồ Tát thì phải biết, phải nghe, phải rõ Kinh Pháp Hoa này. Còn nói là tôi tu đạo Bồ Tát, nói thế này thế kia mà chưa nghe được Pháp Hoa này, chưa tin được Pháp Hoa này, thì Ngài nói là chưa khéo tu đạo Bồ Tát. Nghĩa là Bồ Tát làm việc Phật mà không biết Tri Kiến Phật này, thì sao gọi là Bồ Tát được. Nếu pháp sư giảng nói mà không hay biết gì kinh này, tức không hay biết cái Tri Kiến Phật này, không thấy được cái tháp này thì nói theo chữ nghĩa thôi. Đây Phật ví dụ:

CHÁNH VĂN:

Dược Vương! Thí như có người khát tìm nước ở nơi gò cao kia xoi đào tìm đó, vẫn thấy đất khô biết rằng nước còn xa, ra công đào không thôi, lần thấy đất ướt rồi lần thấy đến bùn, tâm người đó quyết chắc biết rằng nước ắt gần.

Bồ Tát cũng lại như thế, nếu chưa nghe chưa hiểu chưa có thể tu tập kinh Pháp Hoa này, phải biết người đó cách đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác còn xa.

Nếu được nghe hiểu suy gẫm tu tập kinh này, thời chắc biết đặng gần Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Vì sao? Vì đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác của Bồ Tát đều thuộc kinh này, kinh này mở môn phương tiện bày tướng chơn thiệt. Tạng kinh Pháp Hoa này, xa kín nhiệm sâu không có người đến được, nay Phật vì giáo hóa để thành tựu Bồ Tát mà chỉ bày cho.

Dược Vương? Nếu có Bồ Tát nghe kinh Pháp Hoa này mà kinh nghi sợ sệt, phải biết đó là Bồ Tát mới phát tâm. Nếu hàng Thanh Văn nghe kinh này mà kinh nghi sợ sệt, phải biết đó là hạng tăng thượng mạn.

Dược Vương! Nếu có người thiện nam, người thiện nữ nào, sau khi đức Như Lai diệt độ muốn vì hàng bốn chúng mà nói kinh Pháp Hoa này thời phải nói cách thế nào? - Người thiện nam, thiện nữ đó phải vào nhà Như Lai, mặc y Như Lai, ngồi tòa Như Lai, rồi mới nên vì bốn chúng mà rộng nói kinh này.

Nhà Như Lai chính là tâm từ bi lớn đối với trong tất cả chúng sanh, y Như Lai chính là lòng nhu hòa, nhẫn nhục, tòa Như Lai chính là nhất thiết pháp không. An trụ trong đây, sau rồi dùng tâm không biếng trễ vì các Bồ Tát và bốn chúng rộng nói kinh Pháp Hoa này.

GIẢNG:

Đây nói thí dụ: ở trên gò cao đào giếng, khi mới ban đầu đào thì thấy còn khô, ra công cứ đào, tới khi thấy được có chút đất ướt là biết rằng sắp tới nước, mà biết sắp tới thì sao? Thì chắc chắn là có nước. Như vậy là dụ cái gì? Người khát nước đào giếng để tìm nước đó là sao? Đó chính là mình. Phát tâm tu hành cầu Bồ Đề thì đang khát nước chớ gì? Khát nước thì mới tìm nước, nếu không khát thì giờ này chắc đâu ngồi đây.

Rồi ở nơi gò cao là chỉ phiền não sâu dày, nên cách nước xa lắm. Thay vì dưới đất thấp thì đào dễ hơn, trên gò cao thì phải đào sâu. Còn đào là quán chiếu, là soi xét, từ trên gò cao phải soi xét quán chiếu thấy chỗ có nước. Đào một hơi mà thấy đất vẫn còn khô, thì biết rằng cách nước còn xa, còn chưa thấy tin tức gì, mà chưa được tin tức thì phải còn đào hoài. Đây gọi là ra công đào không nghỉ. Rồi lần lần mới thấy được đất ướt, là bắt đầu thấy tin tức. Bắt được đầu mối đó rồi, đào không thôi: luôn luôn quán chiếu, luôn luôn soi xét chỗ đó. Nên công phu quán chiếu soi xét rất là quan trọng, nếu chỉ nghe qua rồi thôi thì chắc là không bao giờ thấy nước nổi. Còn đào hơi mệt rồi buông cuốc, nghỉ luôn, chắc cũng khó thấy nước. Phải soi xét quán chiếu không gián đoạn thì bảo đảm sẽ thấy đất ướt. Mà khi thấy đất ướt thì biết chắc rằng nước ắt gần đó không xa. Cho nên mình lo tìm từng chữ rồi đọc từng câu, đếm từng hàng, phân tích từng chương, có khi đọc tháo mồ hôi thì cũng thấy đất khô khan, chưa thấy chút nước gì. Còn bây giờ khéo ngay đây soi lại chính mình, quán chiếu trở lại chính mình, ngay thấy nghe mà rõ ràng đây thì liền gặp đất ướt. Bởi vậy, nói đào mà có đào gì đâu? Chỉ cần trở đầu cuốc là xong, chỉ soi trở lại thì thấy đất ướt này ngay thôi. Thấy đất ướt là quyết chắc rằng sẽ thành Phật không nghi ngờ.

Đây hợp pháp trở lại: Bồ Tát cũng như vậy, nếu chưa nghe, chưa tin hiểu được kinh này thì cách Phật đạo, cách Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác còn xa. Đó gọi là còn đất khô. Còn nếu nghe được kinh này, hiểu được, suy gẫm tu tập, biết chắc là gần với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Rồi tạng kinh Pháp Hoa này là: "tạng kinh xa kín nhiệm sâu không có người đến được, nay Phật vì giáo hóa để thành tựu Bồ Tát mà chỉ bày cho". Như vậy mình phải nghe sao đây? Phải nghe cho thật kỹ.

Bởi vì đó là chỗ xa kín nhiệm sâu, mà đã xa kín nhiệm sâu mình nghe hời hợt thì làm sao thấu được?

Chính chỗ này mà mới vào đầu Phật chưa chịu nói, Ngài Xá Lợi Phất thỉnh mấy phen Phật từ chối: "Thôi thôi chẳng nên nói, pháp ta diệu khó nghĩ". Để cho người thật khao khát, mới hết lòng mà nghe.

Rồi Bồ Tát mà nghe kinh Pháp Hoa này sanh nghi sợ sệt là không phải Bồ Tát lâu năm, đó là Bồ Tát mới mới phát tâm, thì rõ ràng nghe kinh này sinh nghi làm sao mà sâu được. Còn hàng Thanh Văn nghe kinh này mà kinh nghi sợ sệt thì đó là hàng tăng thượng mạn, dù mình bây giờ đây tu chứng cao tới đâu, mà không hay không biết đến việc này thì vẫn còn đứng bên ngoài nhà Phật pháp. Bởi vì Tri Kiến Phật này là gốc của Phật pháp, mà không hay biết gì.

Còn nếu mà người Thiện nam, Thiện nữ nghe kinh này, sau khi Như Lai diệt độ, muốn vì bốn chúng mà nói thì phải nói sao? Đây Phật chỉ cách cho người nói Pháp Hoa: "phải vào nhà Như Lai, mặc y Như Lai, ngồi tòa Như Lai" thì mới nên vì bốn chúng mà nói kinh này. Phật giải rõ nhà Như Lai là tâm từ bi lớn đối với tất cả chúng sanh, an trú trong đó dùng tâm không biếng trễ: vì Bồ Tát mà nói Pháp Hoa này. Hiểu chỗ này thì thấy mình cũng có phần. Kinh này không phải là chỗ môi lưỡi nói tới được. Muốn nói kinh này phải dùng tâm Phật, mới nói đúng nghĩa Kinh Pháp Hoa. Bởi vì Nhà Như Lai không phải là nhà gạch, nhà tường, nhà xi măng, mà là tâm từ bi rộng lớn, tức là mở rộng lòng không bờ mé. Mình thường sống với tâm có hạn lượng, tức tâm chúng sanh, tââm chấp ngã. Nên mới giới hạn trong cái ngã này. Còn kia mở tâm rộng lớn, không có ranh giới; tức là quên cái ngã này đi đem tâm không ranh giới đó, mới nói thấu được chỗ Pháp Hoa này.

Còn y Như Lai là nhu hòa nhẫn nhục chớ không phải y bằng vải này vải nọ. Phải có lòng nhu hòa nhẫn nhục, mà lòng nhu hòa nhẫn nhục cũng là quên cái niệm ta - người này. Từ tâm vô ngã đó mà nói, còn "có cái ta" này là hết nhu hòa. Còn thấy ta này, là nói lẩn quẩn cũng cái ta này nói, đâu nói tới Pháp Hoa kia, có khi đụng chút là nó phừng phừng lên, sao nói tới được.

Rồi Tòa Như Lai là tất cả pháp không, ngồi tòa đó mới nói được, không phải tòa bằng gỗ, bằng đá. Ngồi cái tòa đó là ngồi không chỗ ngồi, bởi đó là "tất cả pháp không", nên mình ngồi đó thì nói hoài mà không mệt mỏi. Tức là mình nói tất cả, nói hoài mà không trụ vào tướng, không trụ vào pháp gì hết bởi vì thấy tất cả đều pháp không. Cho nên nói hoài mà không có chỗ gì để nói chỉ có một chân thật đó thôi, nói như vậy đó mới nói trúng được Pháp Hoa. Vậy người nghe thì sao? Nghe mà cũng không có gì để nghe, không có gì để bám mới nghe thấu Pháp Hoa.

CHÁNH VĂN:

Dược Vương! Bấy giờ ta ở nước khác sai hàng hóa nhơn làm chúng nhóm nghe pháp của người đó, ta cũng sai hóa Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di, nghe người đó nói pháp. Các người biến hóa đó nghe pháp tin nhận thuận theo không hề trái. Nếu người nói pháp ở chỗ vắng vẻ, ta liền sai nhiều trời, rồng, quỉ, thần, Càn thát bà, A tu la… nghe người đó nói pháp. Ta dầu ở nước khác, nhưng luôn luôn khiến người nói pháp đó đặng thấy thân ta. Nếu ở trong kinh này quên mất câu lối, ta lại vì nói cho đó đặng đầy đủ.

GIẢNG:


Đây Phật nói rõ: có khi sai hóa Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di tức là cư sĩ nam, cư sĩ nữ đến ngồi nghe pháp tin nhận không hề trái, nếu người đó ở chỗ nào vắng vẻ, Ngài liền sai trời rồng quỷ thần, Càn thát bà, A tu la đến nghe. Cho thấy rõ không phải chỉ có người nghe thôi, còn có những người vô hình nghe nữa.

Rồi Ngài nói: Ta dầu ở nước khác, nhưng luôn luôn khiến người nói pháp đó đặng thấy thân ta, nếu trong kinh này có quên điều gì đó thì Ngài liền nhắc. Tức là luôn luôn được sự hộ niệm của Phật, luôn luôn được ánh sáng Như Lai đó thầm gia bị. Như vậy nói ở đây là cái gì nói, nếu không có ánh sáng Như Lai lấy gì để nói? Đó là chỗ Phật luôn luôn hộ trì, luôn luôn nhắc nhở. Tin như vậy, hiểu như vậy đó là khéo nghe, khéo tin hiểu Pháp Hoa.

CHÁNH VĂN:

Bây giờ, đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:

                        Muốn bỏ tánh biếng lười
                        Nên phải nghe kinh này
                        Kinh này khó đặng nghe
                        Người tin nhận cũng khó.   
GIẢNG:


Đây nói muốn bỏ tánh biếng lười thì phải nghe kinh này thôi, bởi vì chính nó là chỗ khó nghe, khó hiểu, bây giờ mình nghe được, tin nhận được, nhớ mãi không quên là hết làm biếng.

CHÁNH VĂN:

                        Như người khát cần nước
                        Xoi đào nơi gò cao
                        Vẫn thấy đất khô ráo
                        Biết cách nước còn xa
                        Lần thấy đất ướt bùn
                        Quyết chắc biết gần nước.
                        Dược Vương! Ông nên biết
                        Các người như thế đó
                        Chẳng nghe kinh Pháp Hoa
                        Cách trí Phật rất xa,
                        Nếu nghe kinh sâu này
                        Quyết rõ pháp Thanh Văn
                        Đây là vua các kinh
                        Nghe xong suy gẫm kỹ
                        Phải biết rằng người đó
                        Gần nơi trí huệ Phật.
GIẢNG:


Đây dụ về đào giếng, đào mà còn thấy đất khô chưa thấy ướt là biết rằng còn xa, đến thấy đất ướt có lòng tin chắc nhận rõ được Tri Kiến Phật này, thì mới biết đó là gần nước, tức là gần được đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Rồi kinh này là vua các kinh, phải thấy là vua chỗ nào? Câu chuyện Bổn Như đến tham với tôn giả Pháp Trí.

Ngài Bổn Như cũng học kinh Pháp Hoa này. Vì nghe nói kinh này là vua các kinh, cho nên Ngài mới hỏi tôn giả Pháp Trí:

- Thế nào là vua các kinh?

Tôn giả Pháp Trí không trả lời liền, mới bảo:

- Thôi, ông hãy làm tri khố cho ta ba năm đi, ta sẽ nói cho nghe.

Ngài Bổn Như chấp nhận, đến ba năm Ngài thưa:

- Con đã làm tri khố ba năm rồi, giờ xin Hòa thượng nói cho.

Thì Ngài Pháp Trí liền gọi:

- Bổn Như!

Sư liền:

- Dạ!

Ngay đó Sư liền ngộ, thấy vua các kinh. Đơn giản phải không? Vua các kinh là chỗ đó, nghe gọi thì "dạ", đơn giản vậy sao không nói đi mà phải bắt làm tri khố ba năm, nhọc nhằn? Chính chỗ đó là chỗ khéo léo của các Ngài, bắt làm ba năm cho tâm nó khao khát tột độ, tâm chuyên nhất; rồi gợi nhẹ thì liền thấy. Còn kiểu hỏi mà tâm chưa hết lòng, tâm chưa khao khát, thì nói, mà nghe hời hợt thôi. Đây làm tri khố ba năm, xong ba năm thì đến bạch Hòa thượng: "Con làm xong ba năm rồi", vậy biết rằng trong ba năm, Ngài ôm ấp việc đó không quên. Kiểu như mình làm một năm, mệt mỏi quá bỏ đi cho rồi. Thì làm sao mà ngộ được, làm sao mà thấy được? Cho nên Phật nhắc: "Đây là vua các kinh, nghe xong suy gẫm kỹ" Nghe xong phải suy gẫm kỹ. Không thể nghe hời hợt chơi chơi. Nếu nghe như vậy, phải biết rằng: người đó gần nơi trí tuệ Phật.

CHÁNH VĂN:

                            Nếu người nói kinh này
                            Nên vào nhà Như Lai
                            Mặc y của Như Lai
                            Mà ngồi tòa Như Lai
                            Ở trong chúng không sợ
                            Rộng vì người giải nói,
                            Từ bi lớn làm nhà
                            Y nhu hòa nhẫn nhục
                            Các pháp không làm tòa
                            Ở đó vì người nói.

Đây là cách nói Pháp Hoa, vào nhà Như Lai, mặc y Như Lai, ngồi tòa Như Lai.

CHÁNH VĂN:

                        Nếu lúc nói kinh này
                        Có người lời ác mắng
                        Dao, gậy, ngói, đá đánh
                        Nhớ Phật nên phải nhịn
                        Ta trong muôn ức cõi
                        Hiện thân sạch bền chắc
                        Trải vô lượng ức kiếp
                        Vì chúng sanh nói pháp.
                        Sau khi ta diệt độ
                        Nếu hay nói kinh này
                        Ta sai hóa tứ chúng
                        Tỳ kheo, Tỳ kheo ni
                        Và nam, nữ thanh tịnh
                        Cúng dường nơi Pháp sư
                        Dẫn dắt các chúng sanh
                        Nhóm đó khiến nghe pháp.
GIẢNG:

Đây lập lại đoạn Phật nói: Người nói kinh này, thọ trì như vậy, nếu tâm trong sạch, Ngài ở xa nhưng Ngài cũng sai những hóa nhân đến nghe pháp tin nhận, cúng dường.

CHÁNH VĂN:
                        Nếu người muốn làm hại
                        Dao gậy cùng ngói đá
                        Trời khiến người biến hóa
                        Giữ gìn cho người đó.
                        Nếu người nói Pháp Hoa
                        Ở riêng nơi vắng vẻ
                        Lặng lẽ không tiếng người
                        Đọc tụng kinh điển này
                        Bấy giờ ta vì hiện
                        Thân thanh tịnh sáng suốt
                        Nếu quên mất chương cú
                        Vì nói khiến thông thuộc.
                        Nếu người đủ đức này
                        Hoặc vì bốn chúng nói
                        Chỗ vắng đọc tụng kinh
                        Đều đặng thấy thân ta
                        Nếu người ở chỗ vắng
                        Ta sai trời, Long Vương
                        Dạ xoa, quỉ, thần thảy
                        Vì làm chúng nghe pháp.
GIẢNG:


Cho thấy rõ người nói Pháp Hoa này dù ở nơi vắng vẻ nhưng Phật cũng sai người đến nghe, nói không luống uổng, đâu đâu cũng có ánh sáng Pháp Hoa này hết.

CHÁNH VĂN:

                    Người đó ưa nói pháp
                    Phân giải không trở ngại
                    Nhờ các Phật hộ niệm
                    Hay khiến đại chúng mừng
                    Nếu ai gần pháp sư
                    Mau đặng đạo Bồ Tát
                    Thuận theo thầy đó học
                    Đặng thấy hằng sa Phật.   
GIẢNG:


Các vị mà nghe Pháp sư này nói pháp đó, thì sẽ mau đặng gần đạo Bồ Tát, theo thầy đó mà học thì sẽ đặng thấy hằng sa Phật. Vậy quí vị thấy, nghe Pháp Hoa rồi nói Pháp Hoa là phải như vậy; cho nên phẩm pháp sư này quan trọng là: Chính nhờ pháp sư này khiến cho ánh sáng Pháp Hoa được kéo dài không dứt, mình phải thấy chỗ pháp sư nói là như vậy. Phải thấy thấu qua những ngôn ngữ, chữ nghĩa mà thấy được bộ kinh chân thật đó, còn lo theo bộ kinh chết thì không thấy được ánh sáng Pháp Hoa liên tục.
 

[ Quay lại ]