KINH PHÁP HOA - PHẨM NGŨ BÁ ĐỆ TỬ THỌ KÝ
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ tư, 06 Tháng bẩy 2011 02:28
CHÁNH VĂN:
Lúc bấy giờ, ngài Mãn Từ Tử từ nơi Đức Phật nghe trí huệ phương tiện tùy cơ nghi nói pháp như thế, lại nghe thọ ký cho các vị đệ tử lớn sẽ thành Vô thượng Cánh đẳng Chánh giác, lại nghe việc nhơn duyên đời trước. Lại nghe các Đức Phật có sức tự tại thần thông lớn, đặng điều chưa từng có, lòng thanh tịnh hớn hở, liền từ chỗ ngồi đứng dậy đến trước Phật, đầu mặt lễ chân Phật, rồi đứng qua một bên chiêm ngưỡng dung nhan của Phật mắt không tạm rời mà nghĩ thế này:
Thế Tôn rất riêng lạ, việc làm ít có, thuận theo bao nhiêu chủng tánh ở trong đời, dùng sức phương tiện tri kiến mà vì đó nói pháp, vớt chúng sanh ra khỏi các chỗ tham trước, chúng con ở nơi công đức của Phật không thể dùng lời nói mà tuyên bày được, chỉ có Đức Phật Thế Tôn hay biết bổn nguyện trong thâm tâm của chúng con.
GIẢNG:
Qua những phẩm trước như phẩm Phương Tiện, Phật đã thọ ký cho ngài Xá Lợi Phất. Phẩm Thọ Ký, Phật thọ ký cho ngài Ca Diếp, ngài Tu Bồ Đề, ngài Ca Chiên Diên, ngài Mục Kiền Liên. Đến đây thọ ký cho một ngàn hai trăm vị A La Hán, trong đó lấy ngài Mãn Từ Tử là đứng đầu, năm trăm vị A La Hán là trực tiếp được nêu ra trong đây nên lấy tên phẩm là Ngũ Bá Đệ Tử Thọ Ký, nhưng bên trong là thọ ký luôn một ngàn hai trăm vị.
Ngài Mãn Từ Tử là một vị thuyết pháp đệ nhất ở trong hàng đệ tử lớn của Phật, nghe qua công đức trí huệ không thể nghĩ bàn như vậy đó, ngài mới tin nhận tự tâm mình là Phật, mình cũng có phần thành Phật không nghi ngờ. Đây nói lòng thanh tịnh hớn hở, tức là lòng thanh tịnh không nghi ngờ. Rồi chăm chăm nhìn Phật mắt không tạm rời, là nói lên một lòng thanh tịnh chớ không có nghĩ tạp loạn. Như vậy tức là thầm hợp với tâm Phật, cho nên liền được Phật thọ ký. Trong đây ngài thầm nghĩ:
"Chỉ có Đức Phật Thế Tôn hay biết bổn nguyện trong thâm tâm của chúng con". Tức là nói lên chỗ thầm biết nhau thôi. Và ngài cũng thấy được ý ngoài lời nên ngài khen ngợi Đức Phật những công đức đó, không thể dùng ngôn ngữ mà diễn tả cho hết được, mà phải thấy vượt qua ngôn ngữ, chính chỗ đó ngài thấy mình có phần hợp với tâm Phật rồi, cho nên thọ ký.
CHÁNH VĂN:
Bấy giờ Phật bảo các tỳ kheo: "Các ông thấy Mãn Từ Tử đây chăng? Ta thường khen ông là bậc nhứt trong hàng người nói pháp, cũng thường khen các món công đức của ông, ròng rặc siêng năng hộ trì giúp tuyên bày pháp của ta, có thể chỉ dạy lợi mừng cho hàng bốn chúng giải thích trọn vẹn chánh pháp của Phật mà làm nhiều lợi ích cho những người cùng đồng hạnh thanh tịnh. Ngoài Đức Như Lai không ai có thể cùng tận chỗ biện bác ngôn luận của ông. Các ông chớ tưởng Mãn Từ Tử chỉ hay hộ trì trợ tuyên pháp của ta thôi, ông cũng đã ở nơi chín mươi ức Đức Phật thuở quá khứ mà hộ trì trợ tuyên chánh pháp của Phật ở trong nhóm người nói pháp thuở đó cũng là bực nhứt.
Ông lại ở pháp không của chư Phật nói, thông suốt rành rẽ, đặng bốn món trí vô ngại, thường hay suy gẫm chắc chắn nói pháp thanh tịnh không có nghi lầm, đầy đủ sức thần thông của Bồ tát, tùy số thọ mạng mà thường tu hạnh thanh tịnh.
Người đời thuở ở Đức Phật kia đều gọi ông là Thanh văn. Nhưng ông Mãn Từ Tử dùng phương tiện đó làm lợi ích cho vô lượng trăm ngàn chúng sanh, lại giáo hóa vô lượng vô số người khiến đứng nơi đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Ông vì muốn tịnh cõi Phật mà thường làm Phật sự giáo hóa chúng sanh.
Các tỳ kheo! Ông Mãn Từ Tử cũng đặng bực nhứt trong hàng người nói pháp thuở bảy Đức Phật, nay ở nơi chỗ ta trong hàng người nói pháp cũng là bực nhứt. Trong hàng người nói pháp thuở các Đức Phật trong hiền kiếp về tương lai cũng lại là bực nhứt, mà đều hộ trì giúp tuyên bày pháp của Phật. Ông cũng sẽ ở trong đời vị lai hộ trì trợ tuyên chánh pháp của vô lượng vô biên các Đức Phật, giáo hóa làm lợi ích cho vô lượng chúng sanh khiến an lập nơi đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác, vì tịnh cõi Phật mà thường siêng năng tinh tấn giáo hóa chúng sanh, lần lần đầy đủ đạo Bồ tát.
Qua vô lượng vô số kiếp sau ông sẽ ở cõi này thành Vô thượng chánh đẳng chánh giác hiệu là Pháp Minh Như lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật Thế Tôn. Đức Phật đó lấy số thế giới tam thiên đại thiên nhiều như số cát sông Hằng mà làm thành một cõi Phật. Đất bằng bảy thứ báu, thẳng bằng như bàn tay không có núi gò, khe suối, rạch ngòi. Nhà đài bằng bảy thứ báu đầy dẫy trong đó, cung điện của các trời ở gần trên hư không, người cùng trời giao tiếp nhau, hai bên đều thấy được nhau, không có đường dữ cũng không có người nữ.
Tất cả chúng sanh đều do biến hóa sanh, không có dâm dục, đặng pháp thần thông lớn, thân chói ánh sáng, bay đi tự tại, chí niệm bền chắc, có đức tinh tấn trí huệ, tất cả đều thân sắc vàng đủ ba mươi hai tướng tốt để tự trang nghiêm.
Nhơn dân nước đó thường dùng hai thức ăn. Một là pháp hỷ thực, hai là thiền duyệt thực. Có vô lượng vô số ngàn muôn ức na do tha các chúng Bồ tát đặng sức thần thông lớn, bốn trí vô ngại, khéo hay giáo hóa loài chúng sanh. Chúng Thanh văn trong nước đó tính kể số đếm đều không thể biết được, đều đặng đầy đủ ba món minh, sáu pháp thần thông và tám món giải thoát.
Cõi nước của Đức Phật đó có vô lượng công đức trang nghiêm thành tựu như thế, kiếp tên Bửu Minh, nước tên Thiện Tịnh. Phật đó sống lâu vô lượng vô số kiếp, pháp trụ đời rất lâu. Sau khi Phật diệt độ dựng tháp bằng bảy thứ báu khắp cả nước đó.
GIẢNG:
Bấy giờ Phật bảo các tỳ kheo: "Các ông thấy Mãn Từ Tử đây chăng?" Câu này quí vị thấy sao? Ông ở trong hội đó ai mà không thấy còn hỏi chi nữa? Đó là muốn chắc mình thấy Mãn Từ Tử là thấy cái gì ở ông Mãn Từ Tử, chớ không phải là thấy cái thân đó thôi. Thấy được Mãn Từ Tử đó thì mới thấy chỗ khen ngợi ông, còn Mãn Từ Tử mang thân này là cái thân hàng Thanh văn, thân này có sanh có diệt, không phải là chỗ muốn chỉ. Phật nói:
"Ta thường khen ông là bậc nhất trong hàng người nói pháp…, dựng tháp bằng bảy thứ báu khắp cả nước đó."
Đây là Phật thọ ký cho ngài Mãn Từ Tử. Trước khi thọ ký, Đức Phật nhắc lại, khen ông là nói pháp bực nhất, ông thường hộ trì chánh pháp của chư Phật không những là của Phật Thích Ca mà cả chư Phật quá khứ cũng như vị lai. Khi ông tin nhận mình có phần thành Phật thì liền được Phật thọ ký, vì đã tin nhận thì thầm khế hợp với tâm Phật rồi. Điều đó muốn nhắc mình ngay đây mà chúng ta thầm cảm thông tâm Phật thì cũng được thọ ký. Và Phật thổ lộ:
Các ông đừng tưởng Mãn Từ Tử đây là hàng Thanh văn thôi mà ông chính là hàng Bồ tát, tuy hiện tướng Thanh văn mà bên trong đủ hạnh Bồ tát. Ngài hiện tướng Thanh văn để chi? Là để cho thấy ngài cũng còn tâm sai biệt, được chút ít cho là đủ, sau đó nhờ chuyển tâm mà được thọ ký, khiến người có tâm hạn hẹp, thấy ngài được thọ ký thì tin mình cũng vậy, mà vươn lên. Phật khen: "ông ròng rặc siêng năng hộ trì giúp tuyên bày giáo pháp của Phật, rồi giải thích trọn vẹn chánh pháp là ở pháp không của chư Phật đó thông suốt rành rõ, đặng bốn món trí vô ngại", tức đặng bốn món biện tài vô ngại, bốn món đó gồm:
1. Pháp vô ngại là hiểu rõ danh từ văn chương quyết đoán một cách rành rẽ không có ngăn ngại.
2. Nghĩa vô ngại là nghĩa lý tinh thông rõ ràng không ngăn ngại.
3. Từ vô ngại là tinh thông những tiếng nói, tiếng địa phương, lời lẽ đều vô ngại.
4. Nhạo thuyết vô ngại là tùy thuận đối phương khéo nói không ngăn ngại, nghĩa là tùy đối phương hạng nào nói theo hạng đó.
Ngài còn có đầy đủ sức thần thông của Bồ tát rõ ràng ngài không phải là hạng Thanh văn thường rồi. Vì để thanh tịnh cõi Phật cho nên mới dùng những phương tiện đó để đưa vào đạo vô thượng. Tức ngài hiện tướng Thanh văn bên trong là ẩn hạnh Bồ tát. Phật lại nói Ngài là bực nhứt trong hàng người nói pháp, không những thời này mà cả thời quá khứ như Phật Tỳ Bà Thi, Phật Thi Khí, Phật Tỳ Xá Phù, Phật Câu Lưu Tôn, Phật Câu Na Hàm, Phật Ca Diếp.
Phật thọ ký ngài hộ trì chánh pháp của Phật như vậy đó, làm lợi ích cho vô lượng chúng sanh, tịnh cõi Phật trải qua vô lượng vô số kiếp sau, rồi ngài ở ngay cõi ta bà này thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Hiệu là Pháp Minh, bởi vì ngài thuyết pháp bực nhứt cho nên thành Phật được quả là Pháp Minh, pháp nó được sáng tỏ. Trong cõi nước của ngài, không phải một cõi tam thiên đại thiên mà cả vô số tam thiên làm một cõi, không có ranh giới gì hết, sống không chia ranh giới. Cõi đó bằng thẳng, trời người giao tiếp, không cách biệt, mới thấy mình còn tâm sai biệt nên mới cách biệt nhiều, còn đây thì không có cách biệt. Trong đó không có người nữ, chúng sanh thì tâm sáng suốt, cõi nước đều tốt đẹp. Ăn thì ăn bằng pháp hỷ thực và thiền duyệt thực, chớ không ăn món ăn thường như mình. Lúc đó khỏi cần phải giành giựt, nghe pháp là mình đủ no rồi, ngồi thiền là vui là no rồi, mà cõi này ở đâu? Phật nói rõ ở ngay cõi Ta bà này chớ không đâu khác.
Vậy cho thấy, hàng Thanh văn khi phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì quên tâm niệm hẹp hòi, mà quên tâm niệm hẹp hòi tức là quên tâm niệm dơ sạch sai biệt, lấy bỏ kia đây, tức liền thấy ngay trước mắt, đâu đâu cũng là cõi Phật hiện tiền ngay cõi ta bà này tất cả đều trang nghiêm thanh tịnh, đâu cần bỏ đây mà đến chỗ nào khác. Bởi vì còn có tâm niệm hạn hẹp, có ranh giới, cho nên mình thấy cõi này dơ, cõi này khổ, xấu xí nên chán, muốn bỏ cõi này để cầu lên cõi tốt đẹp hơn, thì đó là có tâm lấy bỏ, bỏ đây để mà đến kia. Còn đây qua được tâm đó rồi thì thấy rõ đâu đâu cũng đều thấy cõi Phật trang nghiêm hết. Bởi vì tâm mình bình đẳng thanh tịnh rồi, thì nhìn ra chỗ nào cũng thanh tịnh, nơi nơi đều tỏ bày ánh sáng Như Lai không thiếu sót, chính đó mới là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Chính chỗ này muốn nhấn mạnh, muốn nhắc mình phải soi rõ về chính mình, tỏ suốt tâm Phật ngay nơi mình, chớ đừng mong cầu bên ngoài. Soi trở về chính mình, rõ tâm Phật chính mình đó là căn bản. Tùy tâm mình chuyển biến, tâm nhơ thì thấy cõi nước nhơ, tâm sạch thấy cõi nước sạch vậy thôi. Ngay đây tâm mình còn đầy phiền não nhơ nhớp, thì nhìn ra thấy đâu đâu cũng nhơ nhớp, cho nên người trong tâm phiền não thì nhìn ra thấy gì cũng phiền não, nếu người đang ôm ấp bực bội trong lòng, chỉ cần mình nói một câu nhẹ thôi thì cũng sanh chuyện. Còn người tâm được thanh tịnh rồi, nhiều khi mình nói nặng họ, họ bỏ qua. Tâm mình sáng thấy cái gì cũng sáng.
Như có một bà cư sĩ, bà đến nghe thiền sư Bạch Ẩn giảng, Bạch Ẩn là một thiền sư Nhật Bản, trong đó ngài nói rằng:
- Tâm tịnh là cõi nước thanh tịnh, còn Đức Phật thì trong mỗi chúng sanh thôi, một khi Đức Phật hiện ra đó, thì mọi vật ở trong thế gian này đều chiếu ánh sáng quang minh hết, nếu ai muốn nhận điều này thì phải phản quan tự kỷ đến chỗ nhất tâm bất loạn, vì tâm tịnh thì cõi nước liền thanh tịnh, thì làm sao để mà trang nghiêm tịnh độ. Vì Phật vốn sẵn trong mỗi chúng sanh, thì tướng tốt và vẻ đẹp của Phật là cái gì?
Nghe xong bà cảm, bà nghĩ điều đó không khó. Phật ngay tâm mình, tâm tịnh cõi Phật tịnh, vậy đâu có chuyện gì khó. Bà trở về nhà và bắt đầu quán chiếu suốt cả ngày đêm như vậy, tức là phản quan tự kỷ, đeo đuổi mãi ở trong tâm, dù cho lúc ngủ hay lúc thức cũng vậy, luôn luôn là quán chiếu như vậy. Rồi một hôm bà đang rửa nồi, liền bỗng nhiên tỏ ngộ thấy đâu đâu cũng là Phật hết. Khi tỏ ngộ bà mừng quá ném cái nồi qua một bên, bà vội vàng đến trình với ngài Bạch Ẩn rằng:
- Con bỗng gặp Đức Phật trong thân con rồi, mọi vật nó rạng ngời ánh sáng, kỳ diệu, kỳ diệu thay!
Bà sung sướng vui mừng hết sức.
Ngài Bạch Ẩn nghe nhưng còn nghi, ngài thử lại coi phải thứ thiệt hay không. Ngài bảo:
- Như vậy còn cái hầm phân thì sao?
Trong bếp trong nồi chiếu sáng còn dễ hiểu, còn trong hầm phân cầu tiêu thì sao đây? Chỗ này thật là khó chiếu nổi phải không? Như vậy cái hầm phân có chiếu sáng hay không?
Bà liền bước tới đấm ngài Bạch Ẩn một cái nói:
- Cái ông già này chưa ngộ!
Ngay đó ngài Bạch Ẩn cười to, ngài gật đầu, đó là thứ thiệt.
Rõ ràng vậy đó, nhiều khi mình nghe nói chỗ nào cũng chiếu sáng hết, rồi mình học lóm, thấy được chút chút. Nhưng tới chỗ hầm phân cầu tiêu, lúc đó hết chiếu sáng nổi. Nếu khi nghe hỏi vậy mình do dự thì sao? Thì biết không phải thứ thiệt rồi, nghe hầm phân thì nghĩ hầm phân sao chiếu nổi, đó là còn kẹt trong tâm niệm nhơ sạch, biết ngay không phải thứ thiệt. Còn ở đây bà tỏ ngộ rõ ràng, nói hầm phân thì hầm phân cũng chiếu sáng luôn. Cho nên bà mới đấm cho ngài Bạch Ẩn một cái rồi nói "ông chưa ngộ". Đó là để chứng nghiệm rõ ràng, khi tâm mình thanh tịnh thấy gì cũng thanh tịnh hết. Hầm phân cũng thanh tịnh luôn. Ngay thế giới Ta bà này mà tỏ ngộ thì cũng được thành cõi Phật, đều là trang nghiêm thanh tịnh, chớ không phải tìm chỗ nào khác.
CHÁNH VĂN:
Bấy giờ Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:
Các tỳ kheo lóng nghe
Đạo của Phật tử làm
Vì khéo học phương tiện
Chẳng thể nghĩ bàn được
Biết chúng ưa pháp nhỏ
Mà sợ nơi trí lớn
Cho nên các Bồ tát
Làm Thanh văn Duyên giác
Dùng vô số phương tiện
Độ các loài chúng sanh
Tự nói là Thanh văn
Cách Phật đạo rất xa
Độ thoát vô lượng chúng
Thảy đều được thành tựu
Dầu ưa nhỏ, biếng lười
Sẽ khiến lần thành Phật.
GIẢNG:
Đây Đức Phật thổ lộ rõ ràng cho chúng ta thấy, các vị Bồ tát, khi các ngài hiện tướng Thanh văn để dẫn dắt cho người, đây Ngài nhắc :
Các tỳ kheo lắng nghe
Đạo của Phật tử làm
Vì khéo học phương tiện
Chẳng thể nghĩ bàn được
Biết chúng ưa pháp nhỏ
Mà sợ nơi trí lớn
Cho nên các Bồ tát
Làm Thanh văn, Duyên giác
Đó là để dẫn dắt họ, để cho mọi người tin nhận ai ai cũng có phần thành Phật, vì vậy mà các ngài hiện tướng Thanh văn. Đây các ngài còn thị hiện:
Dầu ưa nhỏ biếng lười
Sẽ khiến lần thành Phật
Tức là ưa pháp nhỏ, có khi biếng lười, nhưng mà rồi khiến cho được thành Phật, để mọi người thấy rằng mình lâu lâu cũng làm biếng, cũng giIải đãi, nhưng cũng có phần thành Phật được. Chớ không thì cứ nghĩ rằng thành Phật đó là hàng thượng căn hết, còn mình là hàng hạ căn chắc không có phần.
Ở đây các ngài cũng thị hiện là ưa pháp nhỏ nên làm biếng chút, nhưng rốt cuộc rồi lần lần cũng được thọ ký.
CHÁNH VĂN:
Trong ẩn hạnh Bồ tát
Ngoài hiện là Thanh văn
Ít muốn, nhàm sanh tử
Thiệt tự tịnh cõi Phật
Bày ba độc cho người
Lại hiện tướng tà kiến
Đệ tử ta như vậy
Phương tiện độ chúng sanh
Nếu ta nói đủ cả
Các món việc hiện hóa
Chúng sanh nghe đó rồi
Thời lòng sanh nghi lầm.
GIẢNG:
Đây phải nhận kỹ các ngài ẩn đi hạnh Bồ tát bên ngoài hiện tướng Thanh văn để nhắc cho mọi người. Cho nên:
Ít muốn, nhàm sanh tử
Thiệt tự tịnh cõi Phật
Bày ba độc cho người
Lại hiện tướng tà kiến
Tức là hiện cho mọi người thấy rõ, có khi cũng có tham sân si, bày tướng ba độc, rồi có khi cũng có tà kiến, nhưng khi chuyển hóa thì cũng được giác ngộ, cũng đầy đủ tri kiến Như Lai.
Như vậy để cho mọi người thấy, mình cũng còn có tham sân si, cũng nhiều khi có tà kiến, mà chuyển tâm thì mình cũng được thọ ký. Vậy là ai ai cũng đều có phần hết. Như ở thời Đức Phật có vị Sa Nặc có nhiều tật xấu làm cho nhiều người thấy khó chịu, còn ông Ưu Đà Di thì hiện tướng tham dục nhiều, nhưng cũng thành A La Hán. Rồi trong đây cũng được thọ ký hết. Như vậy cũng ngầm nhắc mình chớ vội theo tướng bên ngoài mà phán đoán các ngài, mà phải thấyđược cái thanh tịnh ở bên trong.
CHÁNH VĂN:
Nay Phú Lâu Na đây
Ở xưa ngàn ức Phật
Siêng tu đạo mình làm
Tuyên hộ các Phật pháp
Vì cầu huệ vô thượng
Mà ở chỗ chư Phật
Hiện ở trong đệ tử
Học rộng có trí huệ
Nói pháp không sợ sệt
Hay khiến chúng vui mừng
Chưa từng có mệt mỏi
Để giúp nên việc Phật.
GIẢNG:
Đây nói thẳng Phú Lâu Na, ngài ở trong muôn ức Đức Phật, tu hạnh Bồ tát mà tuyên dương Phật pháp vì để cầu trí huệ Vô thượng đó. Tức là ngài ở chỗ các Đức Phật thường tuyên dương Phật pháp để cầu đạo Vô thượng không phải là người thường.
CHÁNH VĂN:
Đã được thần thông lớn
Đủ bốn trí vô ngại
Biết các căn lợi độn
Thường nói pháp thanh tịnh
Diễn xướng nghĩa như thế
Để dạy ngàn ức chúng
Khiến trụ pháp đại thừa
Mà tự tịnh cõi Phật.
GIẢNG:
Tức là ngài làm các việc đó, là đang hành hạnh Bồ tát để tự thanh tịnh cõi Phật của mình.
CHÁNH VĂN:
Đời sau cũng cúng dường
Vô lượng vô số Phật
Hộ trợ tuyên chánh pháp
Cũng tự tịnh cõi Phật
Thường dùng các phương tiện
Nói pháp không e sợ
Độ chúng không kể được
Đều thành nhứt thiết trí
Cúng dường các Như Lai
Hộ trì tạng pháp bảo.
GIẢNG:
Ngài luôn luôn ở vô lượng vô số Phật đó mà hộ trợ tuyên dương chánh pháp của Phật. Rồi sau nữa thường dùng các phương tiện nói pháp không sợ sệt, cúng dường các Như Lai, luôn luôn hộ trì giữ gìn tạng pháp bảo. Bởi vì cái nhân là hộ trì tạng pháp bảo, cho nên sau thành Phật hiệu là Pháp Minh.
CHÁNH VĂN:
Sau đó đặng thành Phật
Hiệu gọi là Pháp Minh
Nước đó tên Thiện Tịnh
Kiếp tên là Bửu Minh
Chúng Bồ tát rất đông
Số nhiều vô lượng ức
Đều đặng thần thông lớn
Sức oai đức đầy đủ
Khắp đầy cả nước đó
Thanh văn cũng vô số
Ba minh tám giải thoát
Đặng bốn trí vô ngại
Dùng hạng này làm tăng
Chúng sanh trong cõi đó
Dâm dục đều đã dứt
Thuần một biến hóa sanh
Thân trang nghiêm đủ tướng
Pháp hỷ, thiền duyệt thực
Không tưởng món ăn khác
Không có hàng nữ nhơn
Cũng không các đường dữ
Phú Lâu Na tỳ kheo
Khi công đức trọn đầy
Sẽ đặng tịnh độ này
Chúng hiền thánh rất đông
Vô lượng việc như thế
Nay ta chỉ nói lược.
GIẢNG:
Đó là nhắc lại cõi nước của ngài Phú Lâu Na đều trang nghiêm thanh tịnh hết, nhưng chuyện đó Phật nói:
Vô lượng việc như thế
Nay ta chỉ nói lược.
Nghĩa là Phật chỉ nói lược thôi chớ không thể nói hết được, đó cũng là điểm Phật muốn nhắc: nói gì nói cũng không hết được mà mình phải chứng nghiệm đến đó mới thấy thôi, dùng lời diễn tả không hết.
CHÁNH VĂN:
Bấy giờ một ngàn hai trăm vị A La Hán, bực tâm tự tại, nghĩ như vầy: "Chúng ta vui mừng đặng điều chưa từng có, nếu Đức Thế Tôn đều thọ ký cho như các đệ tử lớn khác thời sung sướng lắm"
GIẢNG:
Đến đây một ngàn hai trăm vị A La Hán thuộc về hạng bậc trung, những vị bậc thượng thuộc hàng trưởng lão như ngài Xá Lợi Phất, ngài Tu Bồ Đề, ngài Đại Ca Diếp, ngài Mục Kiền Liên đã được thọ ký rồi, bây giờ tới ngài Phú Lâu Na cũng được thọ ký nữa nên các ngài thấy mình cũng có phần mới hy vọng nếu được Phật thọ ký như mấy vị đệ tử lớn thì sung sướng vô cùng. Khi có tâm tin nhận như vậy thì sao? Thì được Phật thọ ký, cho nên:
Đức Phật biết tâm niệm của các vị đó nên nói với ngài Đại Ca Diếp: "Một ngàn hai trăm vị A La Hán đó, nay ta sẽ hiện tiền thứ tự mà thọ ký đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Trong chúng đó, đệ tử lớn của ta là Kiều Trần Như tỳ kheo, sẽ cúng dường sáu muôn hai ngàn ức Đức Phật, vậy sau đặng thành Phật hiệu là Phổ Minh Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô Thượng Sĩ Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật Thế Tôn.
Năm trăm vị A La Hán: ông Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp, ông Già Gia Ca diếp, ông Na Đề Ca Diếp, ông Ca Lưu Đà Di, ông Ưu Đà Di, ông A Nậu Lâu Đà, ông Ly Bà Đa, ông Kiếp Tân Na, ông Bạc Câu La, ông Châu Đà Tá, ông Dà Đà..v.v… đều sẽ đặng đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đều đồng một hiệu là Phổ Minh.
GIẢNG:
Đây là thọ ký cho một ngàn hai trăm vị A La Hán, mà ở đây thọ ký trực tiếp cho năm trăm vị A La Hán đang hiện tiền.
Phật bảo ta sẽ lần lượt thọ ký cho hết, nhưng đây thọ ký rõ cho năm trăm vị A La Hán hiện tiền. Cho nên phẩm này gọi là "Ngũ bá đệ tử thọ ký" là như vậy, các vị thành Phật đều đồng một hiệu là Phổ Minh.
Phổ Minh là gì? Phổ là khắp, Minh là sáng. Phổ Minh là sáng khắp hết. Tức là đã khai được tri kiến Phật, ánh sáng đó soi khắp hết, không còn si mê, không còn tối tăm nữa.
CHÁNH VĂN:
Bấy giờ Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:
Kiều Trần Như tỳ kheo
Sẽ gặp vô lượng Phật
Qua vô số kiếp sau
Mới đặng thành chánh giác
Thường phóng quang minh lớn
Đầy đủ các thần thông
Danh đồn khắp mười phương
Tất cả đều tôn kính
Thường nói pháp vô thượng
Nên hiệu là Phổ Minh.
Cõi nước đó thanh tịnh
Bồ tát đều dõng mãnh
Đều lên lầu gác đẹp
Dạo các nước mười phương
Đem đồ cúng vô thượng
Hiến dâng các Đức Phật
Làm việc cúng đó xong
Sanh lòng rất vui mừng
Giây lát về bổn quốc
Có sức thần như thế
Phật thọ sáu muôn kiếp
Chánh pháp trụ bội thọ
Tượng pháp lại hơn chánh
Pháp diệt trời người lo.
GIẢNG:
Ở đây nhắc lại ngài Kiều Trần Như sẽ thành Phật hiệu là Phổ Minh. Phật nói rõ Phổ Minh là gì? Là thường phóng quang minh lớn, ánh sáng soi khắp hết. Vậy ngay đây có không? Nếu quí vị thấy ngay đây có thì gặp Phật Phổ Minh liền, khỏi cần phải đợi gì xa. Thành ra ngay cành hoa này, ngay cái bàn này mà mình thấy được ánh sáng đó, nó cũng đều có đủ, vậy là chỗ nào cũng có Phổ Minh, thì thấy Phật Phổ Minh ngay đây thôi. Rồi Phật Phổ Minh này không phải một vị mà cả năm trăm vị Phật Phổ Minh hết. Vậy mình ngồi đây có mấy chục người thì có đủ Phổ Minh rồi, hiểu như vậy thì thấy rõ nghĩa sâu xa kinh Pháp Hoa, còn không thì mình cho chuyện này của các ngài, mình không dính dáng gì hết, thì mình học làm chi. Rồi điều này nữa; khi các ngài thành Phật, Bồ tát ở trong nước các ngài:
Dạo các nước mười phương
Đem đồ cúng vô thượng
Hiến dâng các đức Phật
Làm việc cúng đó xong
Sanh lòng rất vui mừng
Giây lát về bổn quốc
Quí vị đọc chỗ này làm sao mà hiểu nổi! Ở cõi nước này đem đồ cúng đó đi khắp hết mười phương chốc lát trở về bổn quốc. Mình đây qua Mỹ trở về mất thời gian chừng bao lâu, còn đây cúng dường cả mười phương chỉ trong giây lát trở về nhà, sao mà nhanh vậy? Đọc theo chữ nghĩa thì giống như đọc thần chú chớ không hiểu nổi. Nhưng hiểu rồi thì ngay đây mình thể nghiệm được một cách rõ ràng. Thường một niệm giác là gì?
Giác là thanh tịnh tức là Phật. Như vậy một niệm giác là một cõi Phật. Nếu mình niệm niệm đều giác là từ một cõi Phật này qua một cõi Phật khác chứ gì. Như vậy một ngày mình được một trăm niệm giác là đi qua được cả trăm cõi Phật rồi, còn niệm niệm đều giác thì niệm niệm đều đi qua cõi Phật. Ở đây các ngài đã thành Phật nên niệm niệm đều giác hết, vậy chỉ một chút thôi là đã đi qua hết các cõi Phật rồi. Cho nên qua hết mười phương chỉ trong chốc lát thôi, đâu có rời một niệm. Hiểu như vậy đó thì thấy ý nghĩa nó sâu, ngay trong cuộc sống của mình đây, mình cũng thể nghiệm được điều đó. Nó rõ ràng như vậy. Nếu học theo chữ nghĩa thì chuyện đó là chuyện của Phật mình không dính dáng gì hết, nhưng ở đây mình có phần trong đó.
CHÁNH VĂN:
Năm trăm tỳ kheo kia
Thứ tự sẽ là Phật
Đồng hiệu là Phổ Minh
Theo thứ thọ ký nhau
Sau khi ta diệt độ
Ông đó sẽ làm Phật
Thế gian của ông độ
Cũng như ta ngày nay
Cõi nước đó nghiêm sạch
Và các sức thần thông
Chúng Thanh văn, Bồ tát
Chánh pháp cùng tượng pháp
Thọ mạng kiếp nhiều ít
Đều như trên đã nói
Ca Diếp ! Ông đã biết
Năm trăm vị tự tại
Các chúng Thanh văn khác
Cũng sẽ làm như thế
Vị nào vắng mặt đây
Ông nên vì tuyên nói.
GIẢNG:
Ở đây Phật thọ ký chung hết cho năm trăm vị A La Hán.
Còn các chúng Thanh văn khác là sao? Tức gồm một ngàn hai trăm vị nhưng chỉ có năm trăm vị là trực tiếp, còn bao nhiêu là vắng mặt. Nhưng những vị vắng mặt Phật cũng thọ ký luôn, do đó Phật nói:
Vị nào vắng mặt đây
Ông nên vì tuyên nói.
Vậy là thọ ký trực tiếp cho năm trăm vị A La hán đồng hiệu là Phổ Minh, ánh sáng đó trùm khắp hết, ngay trước mắt đây đều đủ, nếu ngay đây tỏ sáng thì liền gặp chư Phật Phổ Minh ra đời.
CHÁNH VĂN:
Bấy giờ, năm trăm vị A La hán ở trước Phật đặng thọ ký xong, vui mừng hớn hở, liền từ chỗ ngồi đứng dậy đến trước Phật, đầu mặt lạy chơn Phật, ăn năn hối lỗi của mình mà tự trách: Thế Tôn, chúng con thường nghĩ như vầy, tự cho mình đã được rốt ráo diệt độ, nay mới biết đó là như người vô trí. Vì sao? Chúng con đáng được trí huệ của Như Lai mà bèn tự lấy trí nhỏ cho là đủ.
GIẢNG:
Ở đây các ngài được thọ ký rồi, bây giờ mới cảm nhận lỗi xưa, là mình được chút trí huệ đó thấy đủ rồi, còn trí huệ Phật thấy như xa xôi quá, mình chắc khó mà với tới được. Nhưng bây giờ đây mới thấy rõ mình cũng có phần đó. Cho nên đây nói lên tâm trạng xưa của các ngài tự lấy trí nhỏ cho là đủ. Chính chỗ này là chỗ người tu lâu lâu thường hay mắc kẹt, tu lâu lâu có hiểu một chút đạo lý cho vậy là đủ rồi, khỏi cần phải cầu thêm gì nữa, đó là tâm tự mãn. Đoạn kế các ngài nói thí dụ về hạt châu buộc trong chéo áo.
CHÁNH VĂN:
Thế Tôn! Thí như có người đến nhà bạn thân say rượu mà nằm, lúc đó người bạn thân có việc quan phải đi, lấy châu báu vô giá cột trong áo của gã say cho đó rồi đi. Gã đó say nằm đều không hay biết, sau khi dậy bèn dạo đi đến nước khác, vì việc ăn mặc mà phải gắng sức cầu rất là khổ nhọc, nếu có được chút ít bèn cho là đủ.
Lúc sau người bạn thân gặp gỡ thấy gã bèn bảo rằng : "Lạ thay! Anh này, sao lại vì ăn mặc mà đến nỗi này. Ta lúc trước muốn cho anh được an vui tha hồ thọ năm món dục, ở ngày tháng năm đó, đem châu báu vô giá cột vào trong áo anh, nay vẫn còn đó mà anh không biết, lại đi nhọc nhằn sầu khổ để cầu tự nuôi sống thật là khờ lắm, nay anh nên đem ngọc báu đó đổi chác lấy đồ cần dùng thời thường được vừa ý không chỗ thiếu thốn.
GIẢNG:
Vậy là để nói lên cái gì? Có giống mình không? Quí vị đây đang say rượu nằm hay đang tỉnh? Nhà bạn thân là ai? Nói theo kinh Pháp Hoa là mười sáu vị vương tử ở trong hội Đại Thông Trí Thắng Như Lai, mười sáu vị ở trong hội đó thường nói kinh Pháp Hoa, nhắc nhở cho vô số chúng sanh, thì các vị đó luôn luôn gần gũi với mình. Mười sáu vị vương tử là chỉ cho thức tâm của mình đó, nó luôn luôn thường phóng ánh sáng, nó có tánh giác, tức nó có biết, có biết nên thường phóng ánh sáng giác đó, gieo nơi tự tâm của mình đó, thì giống như cột hạt châu mà không hay, nên cũng nằm ngủ say trong đó thôi, đó là nói trên lý.
Còn nói ra sự như là Phật, các vị thiện tri thức nói pháp đánh thức cho mình, gieo hạt giống giác ngộ cho mình, thì đó cũng là bạn thân đem châu cột trong chéo áo của mình đó. Còn nhà đó là nhà gì? Nhà đó là chỉ cho pháp hội Đại Thông Trí Thắng hay cái kho Như Lai của mình. Như vậy, mười sáu vị vương tử đó là ở ngay tâm mình, thường gần gũi cho nên là bạn thân, mà bạn thân thường gần gũi mình nhưng có ai nhớ đến người bạn thân đó không? Lo nhớ trần này, trần kia thì thấy nó thân hơn, do đó thành mê. Hãy xét kỹ, mỗi người đang ngồi nghe pháp đây, hiểu biết mà sáng suốt không đồng với cây đá, thì đó là cái gì?
Đó là ánh sáng mà mười sáu vị vương tử đó đang phóng hạt châu cột cho mình đó, nhưng mình cũng còn say! Chính nhờ mười sáu vị vương tử này mà mình được dự trong hội Đại Thông Trí Thắng Như Lai, nhưng cũng không hay không biết. Quả là đang say. Cái say đó là say rượu vô minh, nên người bạn thân đó biết sao đây? Thôi thì cho châu vô giá cột trong chéo áo của gã say rồi bỏ đi, vì có việc quan gấp.
Lấy châu vô giá buộc, thì châu vô giá đó là cái gì? Châu báu vô giá đó là chỉ cho trí huệ Phật hay tri kiến Như Lai. Bởi vì chỗ đó là chỗ lìa tất cả niệm phân biệt, không phải là chỗ suy nghĩ, so tính đếm lường mà được, chỗ tri kiến Như Lai này không có trả giá. Bởi vậy nếu ai nghe cái này mà hỏi đi hỏi lại tức là trả giá, mà còn trả giá là không thấy.
Buộc đó rồi bỏ đi là gieo duyên đó đã xong rồi, hiện đi nơi khác. Quí vị thấy châu báu vô giá đó bây giờ ở đâu? Chỗ này trong nhà thiền có câu chuyện là:
Vua Đường Trang Tông khi đi Hà Bắc, ông trở về đến chỗ Ngụy Phủ, ông dừng nghỉ ở Hành Cung, và mời thiền sư Hưng Hoá tới hỏi:
- Trẩm vừa thâu Trung nguyên, nhận được một hạt châu quí, nhưng chưa có ai trả giá hết.
Ngài Hưng Hoá nói:
- Xin bệ hạ cho xem!
Lúc đó vua liền lấy tay vuốt từ đầu đến chân, đó là vua cho xem hạt ngọc.
Thiền sư Hưng Hoá liền bảo:
- Ngọc báu của đấng quân vương ai dám trả giá!
Ngọc vô giá là vậy đó. Thành ra có nhiều người đọc kinh Pháp Hoa, nghe nói hạt châu vô giá rồi tưởng tượng chắc hạt châu đó sáng ngời quí lắm, cuối cùng không biết châu là gì hết. Nhưng chính đó là chỉ cho chỗ này, vuốt từ đầu tới chân, vuốt tới đâu biết tới đó, có biết tức là có giác, mà cái thể giác đó nó tròn đầy khắp mình đây. Nhưng mà mình không hay không biết, còn ông vua đó mà ông biết.
Cái đó làm sao suy nghĩ, làm sao mà phân biệt tới? Cho nên đây là chỗ không ai trả giá được, chỉ là tự thầm nhận thôi.
Vậy để cho thấy châu đó ở ngay nơi mình, cột sẵn nơi mình từ lâu rồi. Bây giờ còn hơi rượu vô minh đó nên chưa tỉnh thôi, chưa thấy được. Hiện giờ mỗi người nghe nói, nghe gọi đây, có tỉnh rượu chút nào chưa?
Ở đây gã say rượu được cột hạt châu trong áo mà vẫn nằm ngủ say không hay biết gì hết. Khi tỉnh dậy thì đi sang nước khác, cũng vì ăn mặc nên cầu tìm rất là khổ nhọc, được chút ít cho là đủ, tức là nói lên cái gì? Tỉnh rượu rồi mà còn đi nước khác tìm ăn mặc. Tỉnh dậy là dụ cho có giác biết rồi đó, nhưng còn đi đến nước khác tức là chưa thật sạch vô minh, nên còn đi tìm kiếm bên ngoài. Cầu bên ngoài là cầu trí huệ có sở đắc, do đó phải tốn công khổ nhọc được chút ít cho là đủ, tức là còn kẹt nơi công phu của mình. Vì kẹt nơi công phu khổ nhọc đó mà quên mất trí này là trí sẵn nơi mình, là trí vô sư, không thầy. Lúc sau gặp được người bạn thân thì người bạn thân trách, lạ thay trước đã cho anh hạt châu rồi, buộc trong đó rồi, có sẵn đó tại sao anh không biết lấy dùng, còn đi lang thang tìm kiếm rất là khổ nhọc!
Tức là mọi hành động qua lại tới lui hằng ngày đó, đều có ánh sáng của hòn ngọc này, sẵn có đó mà không hay không biết, cứ lo đuổi theo duyên bên ngoài để tìm hiểu biết, giống như lo cầu bên ngoài để kiếm ăn.
Đi đến học đạo để chi? Học để biết, để hiểu. Bây giờ bảo học mà không chỗ học chịu không? Học phải có chỗ học, mà có chỗ học là kiếm ăn chớ gì. Rõ ràng vậy thôi. Còn chính lẽ thật là học trở về chính mình, đó mới là chân thật nhưng mà không chịu. Rõ ràng đây là đi kiếm ăn, đó là luôn luôn nghĩ theo duyên, luôn luôn kiếm duyên để hiểu, để biết. Nếu ngay đây mình quên duyên thì ngọc sẵn rồi, chỉ cần nhớ lại đem ra dùng là xong. Nhớ lại đem ra dùng thì cũng giàu có như ai.
Mình và các Tổ, các thiền sư cũng đều thấy nghe hiểu biết hiện tiền đây. Nhưng các ngài khi thấy nghe hiểu biết thanh tịnh sáng ngời, còn mình thì cũng thấy nghe hiểu biết này mà không thanh tịnh sáng ngời, vì lo kiếm ăn, lo chạy theo duyên. Bây giờ quên duyên bên ngoài đi, mà chỉ nhớ lại cái chân thật này đem ra ứng dụng thì cũng được thanh tịnh sáng ngời như nhau. Có sẵn hòn ngọc đó biết đem ra ứng dụng thì đầy đủ hết, còn không biết dùng thì nghèo khổ. Nhận ra đem dùng thì hết nghèo thành trưởng giả, đơn giản vậy thôi. Biết dùng như vậy thì hết say. Quí vị thấy học như vậy đó mới là học cho mình, chớ không học cho ai hết, nhiều khi học theo chữ nghĩa thì chuyện này là chuyện của năm trăm vị A La Hán thôi, không dính dáng gì đến mình. Thật đáng tiếc!
CHÁNH VĂN:
Đức Phật cũng lại như vậy, lúc làm Bồ tát giáo hóa chúng con khiến phát lòng cầu nhứt thiết trí, mà chúng con liền bỏ quên không hay không biết. Đã được đạo A La Hán tự nói là diệt độ, khổ nhọc nuôi sống đặng chút ít cho là đủ, tất cả trí nguyện vẫn còn chẳng mất. Ngày nay Đức Thế Tôn giác ngộ chúng con mà nói rằng: "Các tỳ kheo! Đạo của các ông không phải rốt ráo diệt. Ta từ lâu đã khiến các ông gieo căn lành của Phật, dùng sức phương tiện chỉ tướng Niết bàn, mà các ông cho là thiệt được diệt độ.
Thế Tôn! Chúng con nay mới biết mình thiệt là Bồ tát được thọ ký sẽ thành đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, vì nhơn duyên đó lòng rất vui mừng được điều chưa từng có.
GIẢNG:
Đây hợp pháp trở lại. Phật cũng như vậy đó, Ngài đã dạy đã từng gieo hạt giống Phật cho mình rồi, mà nay tự bỏ quên tức là lo nhận một chút ít trí huệ có được đó mà quên mất trí huệ vô biên, không ngằn mé. Trí huệ đó là trí huệ mình thọ dụng không có cùng tận, còn trí huệ có học được, là trí huệ có cùng tận, chưa phải là chỗ rốt ráo.
Như vậy Phật Thích Ca Ngài đã từng ở trong hội Đại Thông Trí Thắng, Ngài làm vị vương tử thứ mười sáu, đã từng nhắc nhở chúng ta cái chủng duyên giác ngộ đó rồi mà mình quên. Cho nên đây là nhắc lại cho mỗi người phải khéo tin nhận trở lại cái gốc xưa đó. Nhớ lại gốc xưa thì mình thấy tri kiến Phật là cái gốc sẵn, có cái duyên đó rồi thì chớ đi cầu tìm bên ngoài khó nhọc nữa. Tìm cầu bên ngoài khi được khi mất, lúc đói lúc no, Có duyên tức là có biết thì no, còn không duyên là đói, mà đói thì lại đi tìm duyên khác nữa. Bây giờ nhận lại của báu của nhà mình đây đem dùng thì sướng biết mấy, dùng không hết, khỏi lo đói lo no.
Cho nên, ngài Đạo Nhất tức Mã Tổ, khi ngài tỏ ngộ rồi, ngài đi ra giáo hóa ở vùng Giang Tây. Một thời gian sau Thiền sư Nam Nhạc Hoài Nhượng hỏi trong chúng:
- Đạo Nhất đã vì trong chúng thuyết pháp chăng?
Đại chúng thưa:
- Đã vì đại chúng thuyết pháp.
Nam Nhạc hỏi:
- Sao không thấy người đem tin về?
Thì trong chúng lặng thinh không trả lời.
Sư mới sai một vị tăng đến đó thăm dò, và dặn vị tăng, ông đến đó đợi khi y vừa thượng đường thì hỏi liền: "Ông làm cái gì?". Nếu y trả lời thế nào thì ông ghi nhớ trở về đây thuật lại cho ta nghe.
Nghe lời Nam Nhạc ông tăng đến đó làm đúng theo lời dặn, khi trở về ông tăng thưa:
- Con làm đúng như vậy đó, thì ngài Đạo Nhất liền nói: "Từ khi loạn Hồ, sau ba mươi năm chưa từng thiếu tương muối"
Nghe vậy Nam Nhạc gật đầu, biết đó đúng là thứ thiệt rồi. Tức là sao? Từ sau khi loạn Hồ tức là sau thời mà mình lang thang mê lầm đó, thì sau ba mươi năm chưa từng thiếu tương muối, là đầy đủ rồi không còn thiếu thốn gì nữa, không còn phải lo tìm gì khác. Đó là biết người có chỗ sống thật rồi, còn mình bây giờ vẫn lo tìm tương muối, nên chưa được thọ ký.
CHÁNH VĂN:
Bấy giờ, ông A Nhã Kiều Trần Như muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:
Chúng con nghe vô thượng
Tiếng thọ ký an ổn
Vui mừng chưa từng có
Lạy Phật trí vô lượng
Nay ở trước Thế Tôn
Tự hối các lỗi quấy
Trong Phật báu vô lượng
Được chút phần Niết bàn
Như người ngu vô trí
Bèn tự cho là đủ.
GIẢNG:
Đó là thuật lại tâm trạng của các ngài, hối cái lỗi trước kia được ít cho là đủ. Các ngài ví mình như người ngu vô trí vậy thôi, tự trách lỗi lầm xưa của mình, nhưng mà biết lầm là hết lầm rồi. Ở trong đây là:
Chúng con nghe vô thượng
Tiếng thọ ký an ổn
Vui mừng chưa từng có
Lạy Phật trí vô lượng
Nên:
Nay ở trước Thế Tôn
Tự hối các lỗi quấy
Nói lên được lòng của các ngài nay quá vui mừng, được cảm đến Phật trí vô lượng, nên bây giờ kính lạy là lạy ngay cái Phật trí vô lượng đó. Thì mình thấy chính chỗ này là chỗ mình phải học. Thường lâu nay quí vị lạy là lạy cái gì? Lên chánh điện lạy tượng Phật, lạy thế này thế kia, còn ở đây thì:
"Lạy Phật trí vô lượng."
Lạy chỗ đó mới chính là chỗ để lạy, người khéo lạy thì phải biết lạy chỗ này.
Thí như người nghèo cùng
Qua đến nhà thân hữu
Nhà đó rất giàu lớn
Bày đủ các tiệc ngon
Đem châu báu vô giá
Cột dính trong vạt áo
Thầm cho rồi bỏ đi
Gã say nằm không hay.
GIẢNG:
Đây là nói gã nghèo đó, đến nhà thân hữu tức là gặp được Phật hay gặp được thiện tri thức, có duyên được chỉ dạy. Từ đó nó ngầm ngầm huân tập bên trong mà không hay, cho nên nói:
Đem châu báu vô giá
Cột dính trong vạt áo
Thầm cho rồi bỏ đi
Nhưng gã vẫn say nằm không hay.
CHÁNH VĂN:
Sau khi gã đã dậy
Dạo đi đến nước khác
Cầu ăn mặc tự sống
Nuôi sống rất khốn khổ
Được ít cho là đủ
Chẳng lại muốn đồ tốt
Chẳng biết trong vạt áo
Có châu báu vô giá.
GIẢNG:
Đây là nói, mình cứ lo tạo những công phu bên ngoài mà quên mất vật báu đang mang sẵn bên mình. Châu báu đang cột trong chéo áo đó mà không hay, cứ đi lang thang để tìm ăn mặc. Bây giờ ngay khi đi lang thang đó chỉ cần ngó xuống vạt áo là xong. Cũng như mình bây giờ chỉ cần ngó xuống gót chân là xong, cái gì mà đang bước tới đó? Ngó xuống là có đủ, còn cứ lo lăng xăng ở bên ngoài thì khổ sở hoài.
CHÁNH VĂN:
Người thân hữu cho châu
Khổ thiết trách gã rồi
Chỉ cho châu trong áo.
GIẢNG:
Đó là thiện tri thức nhắc nhở chỉ cho hạt châu ở trong áo đó. Như mình bây giờ nghe kinh sáng tỏ được tri kiến Phật thì đó là hạt châu nằm sẵn ở nơi mình rồi.
CHÁNH VĂN:
Gã nghèo thấy châu đó
Lòng gã rất vui mừng
Giàu có các của cải
Tha hồ hưởng ngũ dục.
GIẢNG:
Tức là đem ra ứng dụng thì cũng giàu có như ai. Người có thấy có nghe hiểu biết sáng ngời đó, thì mình đây cũng có thấy nghe hiểu biết sáng ngời đó, chỉ cần biết đem ra dùng thôi.
CHÁNH VĂN:
Chúng con cũng như vậy
Thế Tôn từ lâu xưa
Thường thường giáo hoá cho
Khiến gieo nguyện vô thượng.
GIẢNG:
Đây là hợp pháp trở lại, Phật cũng như vậy thường thường giáo hoá, gieo nguyện vô thượng cho người mê.
CHÁNH VĂN:
Chúng con vì vô trí
Chẳng hay cũng chẳng biết
Được chút phần Niết bàn
Cho đủ chẳng cầu nữa
Nay Phật giác ngộ con
Nói chẳng phải thiệt diệt
Đặng Phật huệ vô thượng
Đó mới là thiệt diệt
Con nay từ Phật nghe
Thọ ký việc trang nghiêm
Cùng tuần tự thọ ký
Thân tâm khắp mừng vui.
GIẢNG:
Đây là phải đến chỗ Vô thượng mà quên chỗ Niết bàn trước kia được chút ít cho là đủ đó. Nghĩa là nhận được chỗ chân thật này thì không còn niệm là cha, là con sai biệt nữa, mình đồng với Phật không khác, đó mới là chỗ rốt ráo, nên ở đây nói:
Con nay từ Phật nghe
Thọ ký việc trang nghiêm
Cùng tuần tự thọ ký
Thân tâm khắp mừng vui.
Cùng tuần tự thọ ký nghĩa là Phật thọ ký rồi, nếu mình nhận được thì cũng tuần tự thọ ký. Tức là mình nhận được rồi, khơi dậy cho người khác thì tuần tự thọ ký nhau, vậy ai ai cũng có phần hết. Tuy mình không trực tiếp nghe ở trong hội Pháp Hoa đó, nhưng bây giờ mình đang ngồi đây nghe thì cũng như gián tiếp được thọ ký rồi, còn gì hơn nữa. Cho nên nhận được chỗ này thì vui mừng không kể hết, đúng là thân tâm khắp mừng vui. Đó là chứng nghiệm được lời Phật nói vốn không hư dối.