headertvtc new


   Hôm nay Thứ hai, 23/12/2024 - Ngày 23 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

KINH PHÁP HOA - PHẨM THỌ KÝ (tt)

CHÁNH VĂN:

Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn lại bảo các chúng tỳ kheo: "Ta nay nói với các ông, ông Đại Ca Chiên Diên này ở đời sẽ tới, dùng các đồ cúng mà cúng dường tám ngàn ức Phật cung kính tôn trọng.

Sau khi các Đức Phật diệt độ, ông đều dựng tháp miếu cao một ngàn do tuần, ngang rộng ngay bằng năm trăm do tuần. Tháp miếu đó dùng bảy món báu vàng, bạc, lưu ly, xa cừ, mã não, chơn châu và mai khôi hiệp lại thành, cúng dường tháp miếu bằng các thứ hoa, chuỗi ngọc, hương hoa, hương bột, hương đốt, lọng nhiễu, tràng phan…

Sau thời kỳ đó sẽ lại cúng dường hai mươi muôn ức Phật cũng như trước, cúng dường các Đức Phật đó rồi, đủ đạo Bồ tát sẽ đặng làm Phật hiệu Diêm Phù Na Đề Kim Quang Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật Thế Tôn.

Cõi đó bằng thẳng, đất bằng pha lê, cây báu trang nghiêm, vàng ròng làm dây để giăng bên đường, hoa đẹp trải đất khắp nơi sạch sẽ. Người được thấy đều vui mừng, không có bốn đường dữ: địa ngục, ngạ quỷ súc sanh và a tu la. Các trời cùng người rất đông, các chúng Thanh văn và Bồ tát vô lượng muôn ức trang nghiêm nước đó. Đức Phật đó thọ mười hai tiểu kiếp, chánh pháp trụ ở đời hai mươi tiểu kiếp, tượng pháp cũng trụ hai mươi tiểu kiếp.

GIẢNG:

Đây là Phật thọ ký tiếp cho ngài Đại Ca Chiên Diên, Ngài là vị luận nghị đệ nhứt trong mười vị đệ tử lớn của Phật ở trong hàng Thanh văn, thì cũng dùng các đồ cúng mà cúng dường phụng thờ tám ngàn ức Phật cung kính tôn trọng. Sau khi các Đức Phật diệt độ cũng dựng tháp miếu cúng dường, sau thời kỳ đó sẽ lại cúng dường hai mươi muôn ức Phật cũng như trước, đủ đạo Bồ tát rồi mới được thành Phật hiệu là Diêm Phù Na Đề Kim Quang. Như vậy là sống trọn vẹn đầy đủ trong đó rồi cũng sẽ được thành Phật, thành Phật rồi thì cõi nước thật là tốt đẹp, như đất bằng pha lê, cây báu trang nghiêm, vàng ròng làm dây giăng bên đường, coi như cõi này đều là bảy báu trang nghiêm khắp hết. Thành ra mình đọc thì đọc, nghe thì nghe chớ chưa từng thấy, nhưng mà muốn thấy cũng khó. Nếu mình hiểu theo chữ nghĩa thì thấy chuyện này là chuyện không bao giờ có, nhưng trên lý nếu tâm thanh tịnh rồi thì thấy cõi nào cũng thanh tịnh hết. Cho nên thành Phật tức tâm thanh tịnh giác ngộ, thì nhìn ra cái gì cũng thanh tịnh trang nghiêm, cũng sạch sẽ hết. Nếu tâm mình thanh tịnh rồi thì mình thấy cõi này đều trang nghiêm như vậy.

Bởi vậy đọc trong kinh Di Đà, nghe kinh nói cõi nước đất cũng bằng lưu ly, cũng cây báu trang nghiêm. Chẳng những như vậy mà gió thổi, chim kêu thì đều niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng nữa. Mình nghe chuyện đó thấy khó hiểu quá. Nhưng mà tu hành khi công phu đến được tâm thanh tịnh rồi, thì thấy ngay đây cũng có chuyện đó.

Bởi vậy, đọc sử thiền thấy các vị thiền sư có ngài nghe chim kêu liền ngộ đạo. Vậy chim kêu không phải là niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng hay sao? Còn mình nghe chim kêu chỉ có tiếng chim kêu thôi là vì nghe bằng tâm chúng sanh, còn nếu nghe với tâm Phật thì thấy cái gì cũng là Phật hết. Đây Đức Phật mới trùng tuyên lại nghĩa này.

CHÁNH VĂN:

                        Các chúng tỳ kheo này
                        Đều nên một lòng nghe
                        Như lời của ta nói
                        Chơn thiệt không khác lạ
                        Ông Ca Chiên Diên này
                        Sau sẽ dùng các món
                        Đồ cúng dường tốt đẹp
                        Mà cúng dường các Phật.
                        Các Đức Phật diệt rồi
                        Dựng tháp bằng bảy báu
                        Cũng dùng hoa và hương
                        Để cúng dường xá lợi
                        Thân rốt sau của ông
                        Đặng trí huệ của Phật
                        Thành bực Đẳng Chánh giác
                        Cõi nước rất thanh tịnh
                        Độ thoát đặng vô lượng
                        Muôn ức hàng chúng sanh
                        Đều được mười phương khác
                        Thường đến kính cúng dường.
                        Ánh sáng của Phật đó
                        Không ai có thể hơn
                        Đức Phật đó hiệu là
                        Diêm Phù Kim Quang Phật
                        Bồ tát và Thanh văn
                        Dứt tất cả hữu lậu
                        Đông vô lượng vô số
                       Trang nghiêm cõi nước đó

GIẢNG:

Ngài Ca Chiên Diên này được thọ ký sau sẽ thành Phật hiệu là Diêm Phù Na Đề Kim Quang Như Lai. Diêm Phù là cái tên dịch âm của tiếng Phạn, Trung Hoa gọi là Thiện Bộ. Thiện Bộ tức là tên của một thứ cây, mà cây này thuộc loại đặc biệt, nước của trái cây này khi nó rơi vào trong nước, lấy nước đó điểm vào trong đá thì liền thành vàng, ánh sáng của vàng đó rất chói sáng. Đây có khi mình nghe trong kinh nói vàng Diêm Phù thì đó là chỉ cho vàng này. Bởi vì nó tương ứng với cái nhân của Ngài. Ngài Ca Chiên Diên là người luận nghị bậc nhứt, luận nghị tức là sao? Tức là Ngài luận nghị soi sáng những nghĩa lý rất là tinh mật như vàng chói rực vậy, cho nên thành Phật tương ứng là Diêm Phù Na Đề. Nhưng người đọc nghe nói ánh sáng vàng chói rực như vậy đó mà không biết ánh sáng đó là ở đâu? Nếu hiểu theo lý nhà thiền thì ánh sáng đó ở ngay nơi đây cũng có, chớ không phải ở vô lượng kiếp về sau mới thấy được. Nếu theo đây mình khéo thấy, mình gặp Phật Diêm Phù Na Đề Kim Quang Như Lai liền, khỏi cần phải đợi xa. Quí vị thấy ánh sáng ở đâu mà chói rực như vậy? Ngay bình hoa này cũng thấy được ánh sáng đó, nếu mình nhìn bình hoa mà sáng được tự tâm của mình. Nhìn bình hoa này mình giác ngộ tự tâm, thì ngay bình hoa này có ánh sáng rực rỡ đó, và ngay đây mình gặp được Phật Diêm Phù Na Đề.

Đức Phật thọ ký về sau đến đời vị lai đó thì Đức Phật Diêm Phù Na Đề mới ra đời. Nhưng vị lai đó chỉ cho lúc nào? Tức ngầm chỉ cho bất cứ người nào cũng gặp được Phật vị lai đó hết. Hiểu như vậy mới thấy được ý sâu của Phật. Như vậy là Phật Diêm Phù Na Đề đó hiện khắp nơi, mình khỏi phải đợi về lâu về xa. Nên trong nhà thiền có một vị thiền sư khi ngộ đạo Ngài bèn nói lên:

"- Này các thầy, hãy xem kìa, ánh sáng rực rỡ nó đang tỏa khắp cả đại thiên thế giới, chẳng những như vậy mà nó còn cùng một lúc hiển hiện ra mọi xứ sở, hiển hiện ra mọi núi Tu di, rồi những mặt trời, những mặt trăng, những bầu trời quả đất v.v… nhiều đến hàng trăm ngàn ức số. Này các thầy! Các thầy có thấy ánh sáng đó chăng?"

Khi Ngài giác ngộ Ngài thấy ánh sáng đó đang tỏa khắp tất cả hết, không chỗ nào là không có ánh sáng đó. Còn mình tại sao lại không thấy? Cũng cõi này tại sao ngài thấy nó sáng rực hết, còn mình thì thấy sao? Mình thấy nó vừa tối tăm, vừa là cao thấp lung tung đủ hết. Có khi chỉ thấy phiền não, mà không thấy ánh sáng gì. Đó là bởi tâm mình còn nhiều phiền não, cho nên thấy theo phiền não của mình, còn nếu tâm mình thanh tịnh rồi thì thấy sáng rực hết. Đó là lẽ thật như vậy, chớ không phải đây chỉ là chuyện nói trên chữ nghĩa thôi. Cho nên ở đây nói ánh sáng của Phật đó không ai có thể hơn, nó vượt qua tất cả. Vì vậy ai thấy được ánh sáng đó gặp Phật liền. Đó là nói về Phật Diêm Phù Na Đề Kim Quang Như lai, kế đây Phật thọ ký cho Ngài Mục Kiền Liên.

CHÁNH VĂN:

Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn lại bảo trong đại chúng: "Ta nay nói với các ông, ông Đại Mục Kiền Liên đây sẽ dùng các món đồ cúng, cúng dường tán thán tám ngàn Đức Phật, cung kính tôn trọng. Sau khi Đức Phật diệt độ đều dựng tháp miếu cao một ngàn do tuần, ngang rộng thẳng bằng năm trăm do tuần, dùng bảy món báu: vàng, bạc, lưu ly, xà cừ, mã não, trân châu và mai khôi hiệp lại thành. Đem các thứ hoa, chuỗi ngọc, hương xoa, hương bột, hương đốt, lộng nhiễu và tràng phan để cúng dường tháp.

Sau lúc ấy lại sẽ cúng dường, hai trăm muôn ức các Đức Phật cũng như trước rồi sẽ đặng thành Phật hiệu Đa Ma La Bạt Chiên Đàn Hương Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật Thế Tôn.

Kiếp đó tên là Hỷ Mãn, nước tên là Ý Lạc. Cõi đó bằng thẳng, chất pha lê làm đất, cây báu trang nghiêm, rải hoa trân châu khắp nơi sạch sẽ, người được thấy đều vui mừng. Các hàng trời người rất đông. Bồ tát và Thanh văn số nhiều vô lượng, Đức Phật đó thọ hai mươi bốn tiểu kiếp, Chánh pháp trụ lại đời bốn mươi tiểu kiếp, Tượng pháp cũng trụ bốn mươi tiểu kiếp.

GIẢNG:

Đây là Ngài Mục Kiền Liên, một vị thần thông đệ nhứt trong hàng đệ tử Thanh văn của Phật cũng được thọ ký, sau này cúng dường tám ngàn các đức Phật, cung kính tôn trọng. Sau khi đức Phật diệt độ cũng dựng tháp miếu để cúng dường tháp. Sau đó lại sẽ cúng dường hai trăm muôn ức các đức Phật cũng như trước, rồi cuối cùng mới được thành Phật hiệu Đa Ma La Bạt Chiên Đàn Hương Như Lai. Như vậy tức là ngay đây tin nhận có tri kiến Phật này rồi, thì được thọ ký. Nhưng thọ ký về sau gặp nhiều các đức Phật nữa, tức luôn luôn sống trong ánh sáng của tri kiến Phật, là ánh sáng giác ngộù cho được viên mãn rồi mới thành Phật, thì Phật đây là gì? Là Đa Ma La Bạt Chiên Đàn Hương.

Đa Ma La Bạt là tên còn âm tiếng Phạn, Trung Hoa dịch là Tánh vô cấu. Tánh vô cấu là tánh không nhơ, đây là loại hương gọi là hương Chiên đàn là hương rất sạch, không nhơ không nhiễm, thể tánh của hương này dứt sạch hết nhiễm nhơ, đó là loại hương chiên đàn tối thắng, hương này bay xa khắp hết. Cho nên chúng sanh ai mà ngửi được hương này thì liền vui thích mãn ý, do đó mà kiếp tên là Hỷ Mãn. Hỷ Mãn là vui vẻ đầy đủ, Ý Lạc cũng là ý vui thích. Ai mà ngửi được hương này đều là vui thích đầy đủ hết. Ai ngửi được hương này thì liền thấy Phật Đa Ma La Bạt Chiên Đàn Hương, mà hương đó thì ở đâu? Ở nhà bếp có không? Cho nên người đọc thường thường tưởng tượng đâu thôi, tưởng cái hương đó ở đâu đâu, phải đợi trải qua nhiều kiếp về sau khi Phật này ra đời, thì mới ngửi được mùi hương đó, nhưng không ngờ cái mùi hương đó nó ở ngay bên mình, ở nhà bếp cũng có nữa. Nếu mỗi ngày quí vị ở trong nhà bếp ngửi được mùi hương trong nhà bếp nó tỏa ra đó, thì cái gì mà biết cảm nhận mùi hương đó? Ở trong đây nó có cái gì mà cảm nhận được? Tức trong đây có tánh giác sẵn ở trong đó nên mới cảm nhận được, chớ mùi hương đó cây đá làm gì cảm nhận được. Có tánh giác nhưng mình không nhớ được tánh giác đó, không có sáng được tánh giác đó, mà chỉ nhớ mùi hương, cho nên chỉ thấy hương thơm, hương không thơm, nghe cái mùi vừa mũi thì thích, cứ lo trông chờ dọn lên ăn, đó là theo mùi hương. Còn gặp mùi không hợp ý mình thì không thích, không thích mà ai dọn lên trước mặt thì sao? Thấy khó chịu, rồi thành phiền não. Cho nên nghe mùi hương mà sanh ra thích hoặc không thích đó là phiền não, nên bị mê mờ. Nếu nghe mùi hương đó mà nhớ lại mình có tánh giác sẵn có, nó cảm nhận hết những điều đó, ngay đó giác ngộ thì chính mùi hương đó là mùi hương của Phật, mùi hương đó là mùi hương giác ngộ, cho nên đánh thức lại ông Phật ngay chính mình. Do đó nếu khéo như vậy mỗi bữa vô bếp mình đều gặp Phật Đa Ma La Bạt Chiên Đàn Hương, khỏi cần phải đợi nhiều kiếp về sau.

Quí vị thấy Phật thọ ký cho Ngài Đại Mục Kiền Liên đó về sau sẽ thành Phật, và trong đây nói rằng cái mùi hương của Phật đó sẽ tỏa khắp hết. Cho nên chúng sanh ở thời đó, ai mà nghe được mùi hương này, cảm được Đức Phật đều vui vẻ hết. Như vậy nếu mình ở đây nghe được, cảm được như vậy đó, thì mình sẽ thấy Phật Đa Ma La Bạt Chiên Đàn Hương ra đời ngay lúc này khỏi phải đợi xa xôi. Đây Phật lập lại ý trên bằng bài kệ:

CHÁNH VĂN:

                    Đệ tử của ta đây
                    Là Đại Mục Kiền Liên
                    Bỏ thân người này rồi
                    Sẽ đặng gặp tám ngàn
                    Hai trăm muôn ức vị
                    Các Đức Phật Thế Tôn
                    Ông vì cầu Phật đạo
                    Nên cúng dường cung kính
                    Ở nơi các Đức Phật
                    Thường tu trì phạm hạnh
                    Ở trong vô lượng kiếp
                    Phụng trì pháp của Phật
                    Các Đức Phật diệt rồi
                    Xây tháp bằng bảy báu
                    Tháp vàng rất cao rộng
                    Dùng hoa hương kỹ nhạc
                    Để dùng dưng cúng dường
                    Tháp miếu các Đức Phật
                    Lần lần đặng đầy đủ
                    Đạo hạnh Bồ tát rồi
                    Ở nơi nước Ý Lạc
                    Mà đặng thành quả Phật
                    Hiệu là Đa Ma La
                    Bạt Chiên Đàn Hương Phật
                    Đức Phật đó thọ mạng
                    Hai mươi bốn tiểu kiếp
                    Thường vì hàng trời người
                    Mà diễn nói đạo Phật
                    Chúng Thanh văn vô lượng
                    Như số cát sông Hằng
                    Đủ ba minh sáu thông
                    Đều có oai đức lớn
                    Bồ tát đông vô số
                    Chí bền lòng tinh tấn
                    Ở nơi trí huệ Phật
                    Đều không hề thối chuyển
                    Sau khi Phật diệt độ
                    Chánh pháp sẽ trụ đời
                    Đủ bốn mươi tiểu kiếp
                    Tượng pháp cũng như thế   
GIẢNG:

Đây lập lại Ngài Đại Mục Kiền Liên sau này khi:

                    Bỏ thân người này rồi
                    Sẽ đặng gặp tám ngàn
                    Hai trăm muôn ức vị
                    Các Đức Phật Thế Tôn
                    Ông vì cầu Phật đạo
                    Nên cúng dường cung kính
                    Ở nơi các Đức Phật
                    Thường tu trì phạm hạnh
                    Ở trong vô lượng kiếp
                    Phụng trì pháp của Phật

Phụng trì tức là giữ gìn, sống trong ánh sáng Phật đó, ánh sáng giác ngộ đó, không để cho sót mất, cũng như không để cho đoạn diệt, thì sẽ thành chánh giác, chớ không phải nói phụng trì pháp Phật đây là mình mỗi ngày đem bộ kinh Pháp Hoa này ra tụng gọi là phụng trì. Tức là sống trong tri kiến Phật trong tánh giác đó, sống trong đó mà được viên mãn không để cho nó đoạn dứt, là mình hằng giác, mà hằng giác mới thành chánh giác được.

                    Lần lần đặng đầy đủ
                    Đạo hạnh Bồ tát rồi
                    Ở nơi nước Ý Lạc
                    Mà đặng thành quả Phật
                    Hiệu là Đa Ma La
                    Bạt Chiên Đàn Hương Phật

Như vậy nhận được tri kiến Phật rồi, trải qua thời gian sống với tri kiến Phật đó cho được đầy đủ trọn vẹn thì mới thành Phật, chớ không phải nói mình nhận được tri kiến Phật thì ngay đó thành Phật liền, hiểu như vậy đó thì thấy ý nghĩa thọ ký ở đây.

CHÁNH VĂN:

                    Các đệ tử của ta
                    Bực oai đức đầy đủ
                    Số đó năm trăm người
                    Ta đều sẽ thọ ký
                    Ở nơi đời vị lai
                    Đều đặng chứng thành Phật
                    Ta cùng với các ông
                    Đời trước kết nhơn duyên
                    Ta nay sẽ thuật nói
                    Các ông khéo lóng nghe.
GIẢNG:

Đây là Phật thọ ký chung cho năm trăm vị kế luôn, nghĩa là :

                Số đó năm trăm người
                Ta đều sẽ thọ ký

Phật thọ ký chung hết, nhưng sau này các vị này còn chưa chịu, cho nên mới có phẩm sau này, ở đây coi như Phật thọ ký hết.

                Ở nơi đời vị lai
                Đều đặng chứng thành Phật

Nhưng Phật còn ngại mọi người chưa tin nên Phật mới kể ra nói rõ:
                Ta cùng với các ông
                Đời trước kết nhơn duyên
                Ta nay sẽ thuật nói
                Các ông khéo lóng nghe

Để chỉ rõ, đây không phải là chuyện mới có ngày hôm nay, mà đời trước đã từng kết duyên với nhau rồi, là đã từng gặp nhau nhiều kiếp, không phải là chuyện mới đây. Như vậy, Phật bên ngoài là duyên nhân Phật tánh, cái duyên để gợi lên Phật tánh sẵn có đó là ông Phật bên trong, thì đó mới gọi là chánh nhân Phật tánh, là cái nhân sẵn có nơi mình, tuy nhân sẵn rồi nhưng mà không có Phật bên ngoài nhắc thì mình không biết. Cho nên có Phật bên ngoài để nhắc Phật bên trong. Phật bên ngoài là duyên nhân còn Phật bên trong là chánh nhân. Có chánh nhân thì các duyên nhân mới gợi lại được, còn nếu chỉ duyên nhân mà không có chánh nhân thì cũng không thành. Để cho mọi người tin rõ ai ai cũng đều có chánh nhân Phật tánh đó hết, chỉ cần mình khéo nhớ trở lại, sống trở lại thì sẽ được thọ ký, vậy không ai thiếu hết.

[ Quay lại ]