headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 29/03/2024 - Ngày 20 Tháng 2 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

KINH PHÁP HOA - PHẨM HÓA THÀNH DỤ ( TT )

CHÁNH VĂN:

Bấy giờ phương Đông năm trăm muôn ức các cõi nước, cung điện của trời Phạm thiên ánh sáng soi chói gấp bội hơn ánh sáng thường ngày, các Phạm Thiên Vương đều tự nghĩ rằng: "Hôm nay cung điện sáng suốt từ xưa chưa từng có, vì nhơn duyên gì mà hiện điềm tốt này?". Lúc đó các vị Phạm Thiên Vương liền đi đến nhau để chung bàn việc đó. Trong chúng có một vị Phạm Thiên Vương lớn tên Cứu Nhứt Thiết vì các Phạm chúng mà nói kệ rằng:

                        Các cung điện chúng ta
                        Sáng suốt xưa chưa có
                        Đây là nhơn duyên gì
                        Phải nên chung nhau tìm
                        Là trời đại đức sanh
                        Hay là Phật ra đời
                        Mà ánh sáng lớn này
                        Khắp soi cả mười phương

Bấy giờ, năm trăm muôn ức cõi nước, các vị Phạm Thiên Vương cùng chung với cung điện mỗi vị đều lấy đãy đựng các thứ hoa trời, đồng đi đến phương Tây suy tìm tướng sáng đó. Thấy đức Đại Thông Trí Thắng Như Lai ngồi tòa Sư tử ở nơi đạo tràng dưới cội Bồ Đề, hàng Chư Thiên Long Vương, Càn thát bà, Khẩn na la, Ma hầu la dà, nhơn và phi nhơn… Cung kính vây quanh đức Phật, và thấy mười sáu vị vương tử thỉnh Phật chuyển pháp luân, tức thời các vị Phạm thiên vương đầu mặt lạy chơn Phật đi quanh trăm nghìn vòng, liền lấy hoa trời mà rải trên đức Phật.

Hoa của mấy ông rải nhóm như núi Diệu Cao, cùng để cúng dường cây Bồ Đề của Phật, cây Bồ Đề đó cao mười do tuần. Cúng dường hoa xong, mỗi vị đem cung điện dâng lên đức Phật mà thưa rằng: "Xin đức Phật đoái thương lợi ích cho chúng con, cung điện dâng cúng đây xin nạp ở".

GIẢNG:

Bấy giờ khi Phật thành đạo rồi, ánh sáng rọi đến cung trời, những cung điện đó, bỗng thấy ánh sáng soi chói gấp bội hơn ánh sáng thường ngày. Cho nên các vị trời đều thấy lạ, mới tự nghĩ rằng: Cung điện của mình hôm nay tự nhiên bỗng sáng suốt mà xưa nay chưa từng có, như vậy tức là có nhân duyên gì? Lúc đó các vị phạm thiên vương liền đi đến nhau để chung bàn việc đó, là ý gì?

Ở đây chư Thiên cảm được ánh sáng này liền suy nghĩ, chắc có nhân duyên gì? Bởi vì suy nghĩ có nhân duyên gì, nên phải tìm và đi đến gặp Phật. Đó là ánh sáng Phật này nhắc nhở cho nhớ trở lại cái gốc, tức chỗ Phật phát ra ánh sáng đó, thì gặp được Phật. Cũng như mình hiện bây giờ ánh sáng này nó cũng đang soi đến cung điện mình đang ở, tức là chỗ mình đang sống hằng ngày đây, nhưng ít ai cảm được cái này, do đó có mà cũng như không. Nếu ai cảm được cái này thì tốt biết mấy.

Các vị cùng nhau đến chung bàn việc đó rồi để tìm ánh sáng đó, mỗi vị mới cùng đem cung điện của mình, lấy đãy đựng các thứ hoa trời để đi đến cúng dường. Quý vị thấy mỗi vị đi đến Phật, lấy đãy đựng hoa cúng dường thì dễ hiểu rồi, nhưng đem cả cung điện đi theo nữa thì hiểu nỗi không? Mình đi mà đem theo cung điện, nhà ở, quý vị có khi nào đi đâu mà đem theo nhà để ở không? Ở đây kinh nói vậy thì thấy có lạ chăng? Cho nên nếu tụng kinh theo chữ nghĩa thì chỉ tụng qua qua thôi, chớ đâu nghĩ tới chuyện này. Chư Thiên có phước báu, ở đâu cung điện theo tới đó, nhưng mỗi vị mang cung điện của mình đến đó thì để đâu cho hết? Mỗi vị một cái cung điện đem tới Phật thì để đâu. Hiểu được chỗ đó mới thấy được ý nghĩa sâu trong này.

Bởi vì ở trong ánh sáng của Phật, thì mọi thứ, mọi cảnh, mọi sắc, mọi vật này có gì ngại nhau không? Sở dĩ mình thấy cái nhà này nó lớn, còn nhà kia nó nhỏ, có ngăn, có ngại, cho nên đem hết nhà đó dồn một chỗ thì làm sao nó chứa hết. Đó là thấy theo con mắt phàm phu của mình. Còn trong ánh sáng giác ngộ của Phật, thì tất cả sắc đều là sắc tức không. Cho nên dù trăm ngàn muôn ức cung điện ở trong đó cũng không ngăn ngại, không có lớn nhỏ. Vì vậy các vị đem cung điện tới cũng không ngăn ngại là như vậy đó. Tới đức Phật Đại Thông Trí Thắng, tức là ở trong ánh sáng của giác ngộ, mà trong ánh sáng đó thì không có lớn nhỏ, bởi vì ánh sáng đó đâu có hình tướng gì. Ví dụ như bây giờ chưa nói tới ánh sáng của giác ngộ, mà chỉ nói đến ánh sáng tâm phàm phu của mình thôi, quý vị để mấy cung điện đó vô hết không? Cũng hết luôn, quý vị ngồi tưởng cung điện này, rồi đến cung điện khác, tưởng một lúc cả chục cung điện cũng tưởng được hết, ngồi đây mà tưởng đến sao Hỏa cũng tưởng được nữa, thì cũng chung vô cái tưởng đó hết. Vậy có ngăn ngại chỗ nào đâu. Ngay tâm chúng sanh còn chứa vậy, huống là ánh sáng Phật thì đâu có gì mà ngăn ngại trong đó, thấy được như vậy thì mới thấy được chỗ vi diệu của trí tuệ Phật. Bởi vậy khi kẹt trên tướng thì liền thấy có ngại, thấy trở về tánh thì không ngại, đó là một điểm.

Rồi một điểm nữa, là các vị từ phương Đông đi về phương Tây để tìm tướng của ánh sáng đó, thì gặp Phật Đại Thông Trí Thắng, đó là ý gì? Đó là muốn chỉ cho mình trở về nguồn, trong Tín Tâm Minh có câu:

                             Về nguồn thì được chỉ
                            Theo chiếu thì mất tông

Tức là trở về nguồn thì nhận được ý chỉ, còn nếu theo duyên bên ngoài (tức là chiếu) thì mất gốc (mất tông). Nghĩa là mình theo duyên thì quên chân thật, mình trở lại nguồn thì sẽ thấy được Phật, mình nếu đuổi theo ánh sáng đó thì sao? Nếu thấy ánh sáng đó mà chạy đuổi qua bên này, đuổi qua bên kia tìm thì không bao giờ thấy, mà phải phăng lại cái chỗ phát ra nó, cho nên ở phương đông thì thấy ở phương tây, tiến tới phương tây tìm là thấy. Ở đây các vị trời này về phương tây gặp được Phật, bèn đem cung điện của mình dâng cúng Phật, cung điện đem dâng Phật, thì để ở đâu? Cung điện là chỗ ở của mình, dâng cúng Phật là xả chỗ ở tức bỏ chỗ ở, không có chỗ bám, hết chỗ để duyên thì hợp với Phật, còn tiếc cung điện không dám dâng thì sao? Thì làm sao gặp Phật nổi. Nếu nghĩ theo tâm phàm phu của mình, thấy mấy vị đó dâng cung điện rồi làm sao? Ở đâu đây? Đó là nghĩ theo cái ngã của mình, là phải có chỗ ở, bây giờ bỏ nó lấy đâu ở? Dâng cung điện rồi còn ở chỗ nào? Là còn nhớ "cái ta" này, còn cái ta này thì làm sao thấy được Phật? Còn đây xả chỗ ở tức xả chỗ duyên đó, thì mới gần được Phật, quên chỗ tựa thì mới trở về trí thể giác ngộ chân thật, đó mới là chỗ mình nương tựa vững vàng, còn cung điện này tuy là nó tốt đẹp, nhưng do cái phước mà có, khi hết phước rồi nó cũng mất. Vậy quý vị ở đây có ai dám quên cung điện đó chưa? Nếu dám xả cung điện đó thì sẽ gặp Phật. Bởi vậy Thiền Sư Thạch Đầu, một hôm Ngài gạn hỏi Ngài Duy Nghiễm Dược Sơn:

- Gần đây chỗ thấy của ông như thế nào?

Ngài Dược Sơn thưa:

- Da dày, da mỏng đều rớt sạch hết, chỉ còn một chân thật thôi.

Ngài Thạch Đầu bảo:

- Vậy chỗ ông đã được hợp cùng tâm thể bủa khắp cả tứ chi, ông nên đi độ người đi, chớ có ở đây nữa.

Nghĩa là:

Da dày da mỏng đều rớt sạch: tức là không còn chỗ gì để bám hết, chỉ còn cái chân thật thôi, vậy ông ra độ đời được rồi. Tức là phải thấy rớt sạch hết, không còn gì để bám, thì mới khế hợp trọn vẹn với Phật, cho nên đây Ngài Thạch Đầu mới bảo: "Cái thấy của ông như vậy nó hợp cùng tâm thể, nó bủa khắp cả tứ chi", tức là nó bủa khắp hết,thấy như vậy mới thấy thấu triệt.

CHÁNH VĂN:

Lúc đó, các vị Phạm Thiên Vương liền ở trước Phật một lòng đồng tiếng dùng kệ khen rằng:

                        Thế Tôn rất ít có
                        Khó thể gặp gỡ đặng

Thế Tôn chỉ cho Phật, Phật là cái thể giác, thể giác này khó thấy khó nhận, nên nói ít có là như vậy.

                        Đủ vô lượng công đức
                        Hay cứu hộ tất cả
                        Thầy lớn của Trời người
                        Thương xót ở trong đời
                        Mười phương các chúng sanh
                        Khắp đều nhờ lợi ích

Lại là thầy lớn của Trời, người nữa, thế gian không có gì sánh kịp chỗ này hết. Bởi vậy mười phương các chúng sanh nhờ đó mà được lợi ích.

                        Chúng con từng theo đến
                        Năm trăm muôn ức nước
                        Bỏ vui thiền định sâu
                        Vì để cúng dường Phật
                        Chúng con phước đời trước
                        Cung điện rất tốt đẹp
                        Nay đem dâng Thế Tôn
                        Cúi xin thương nạp thọ.

Các Ngài nói rằng:

                        Năm trăm muôn ức nước
                        Bỏ vui thiền định sâu

Nghĩa là các vị Phạm Thiên Vương, các Ngài sống ở cõi trời sắc giới có tu thiền định, và do sức thiền định nên sanh được chỗ đó, các Ngài sống vui trong thiền định đó. Nhưng bây giờ cái vui thiền định đó cũng bỏ luôn, mà đi về chỗ Phật, thì quý vị thấy muốn nói lên điều gì để nhắc nhở mình?

Nghĩa là từ các cõi nước xa, năm trăm muôn ức cõi nước, bỏ vui thiền định sâu, các Ngài vượt qua muôn thứ cảnh duyên, không dừng lại ở nửa chừng mà đi thẳng đến chỗ Phật, cũng không đắm nhiễm ở trong thiền định, vì thiền định này là do công phu tu tập mà được, nên chưa phải là cái thật, cái định đó còn có chỗ bám, phải trở về với Phật này thì mới thật.

CHÁNH VĂN:

Bấy giờ, các vị Phạm Thiên Vương nói kệ khen đức Phật rồi đều thưa rằng: "Cúi xin Thế Tôn chuyển pháp luân, độ thoát chúng sanh mở đường Niết Bàn".
Khi ấy các vị Phạm Thiên Vương một lòng đồng tiếng mà nói kệ rằng:

                        Thế Hùng Lưỡng Túc Tôn
                        Cúi xin diễn nói pháp
                        Dùng sức từ bi lớn
                        Độ chúng sanh khổ não

Lúc đó Đức Đại Thông Trí Thắng Như Lai lắng yên nhận lời đó.

GIẢNG:

Các vị Phạm Thiên Vương nói kệ khen Phật xong, rồi xin Phật chuyển pháp luân để độ thoát chúng sanh mở đường Niết Bàn. Nhưng quý vị nghe như vậy thì có nghi cái gì không? Thỉnh Phật chuyển pháp luân độ thoát chúng sanh, mở đường Niết Bàn. Nhưng đường Niết Bàn ở đâu mà mở? Bởi vì học kinh mà học theo chữ nghĩa, nó dễ mắc kẹt. Nghe nói mở đường Niết Bàn thì suy nghĩ không biết đường đó ở đâu? Rồi lo kiếm đường để mở thì suốt kiếp cũng không thấy được. Mà chính là sao? Là ở ngay đây thôi, chính ngay thấy nghe hiểu biết này, mà mình quên chỗ duyên đi, cũng như quên cung điện, quên chỗ ở đi, thì đó là mở đường Niết Bàn ngay. Còn mình luôn luôn thấy nghe là có chỗ ở hết. Thấy cái hoa là ở nơi cái hoa nên không thấy niết bàn. Bởi vậy có một vị tăng hỏi Thiền Sư Càn Phong, dẫn trong kinh Lăng Nghiêm nói rằng:

- Mười phương Bạc già Phạm, tức mười phương Chư Phật Thế Tôn, đều đồng một con đường Niết Bàn, mà đầu đường ở đâu?

Vì trong kinh Lăng Nghiêm nói là mười phương chư Phật đều đồng đường Niết Bàn. Cho nên đây hỏi: Vậy đầu đường ở đâu?

Ngài Càn Phong cầm cây gậy vạch một đường trên hư không, nói:

- Đây này!

Thì quý vị thấy đầu đường Niết Bàn không? Nếu theo cây gậy đó để thấy thì mê đường, còn ngay cây gậy đó mà quên cây gậy thì thấy được đầu đường Niết Bàn. Bởi vì theo cây gậy là có chỗ ở, còn quên cây gậy là quên chỗ ở thì thấy được đường Niết Bàn liền, thấy là thấy như vậy, mở là mở như vậy, tìm chỗ mở thì đó là mê, đó là qua các vị ở phương Đông.

CHÁNH VĂN:

Lại nữa Các Tỳ kheo! Phương Đông nam năm trăm muôn ức cõi nước các vị Phạm Thiên Vương đều tự thấy cung điện mình ánh sáng chói lòa từ xưa chưa từng có, vui mừng hớn hở sanh lòng hi hữu liền cùng đến nhau chung bàn việc đó. Lúc ấy trong chúng đó có một vị Phạm thiên Vương tên là Đại Bi, vì các Phạm chúng mà nói kệ rằng:

                            Việc đó nhơn duyên gì
                            Mà hiện tướng như thế?
                            Các cung điện chúng ta
                            Sáng suốt xưa chưa có
                            Là trời đại đức sanh
                            Hay là Phật ra đời?
                            Chưa từng thấy tướng này
                            Nên chung một lòng cầu
                            Quá nghìn muôn ức cõi
                            Theo luồng sáng tìm đó
                            Phần nhiều Phật ra đời
                            Độ thoát khổ chúng sanh.

Bấy giờ, năm trăm muôn ức các vị Phạm Thiên Vương cùng chung với cung điện, lấy đãy đựng các thứ hoa trời, đồng đến phương Tây bắc suy tìm tướng đó. Thấy đức Đại Thông Trí Thắng Như Lai ngồi tòa Sư tử nơi đạo tràng dưới cội Bồ Đề, các hàng chư thiên, Long Vương, Càn thát bà, Khẩn na la, Ma hầu la dà, nhơn cùng phi nhơn… cung kính vây quanh và thấy mười sáu vị vương tử thỉnh Phật chuyển pháp luân.

Khi ấy các vị Phạm thiên Vương đầu mặt lạy chơn Phật, đi quanh trăm nghìn vòng, liền lấy hoa trời mà rải trên Phật. Hoa rải đó nhóm như núi Diệu Cao, cùng để cúng dường cây Bồ Đề của Phật. Cúng dường hoa xong, đều đem cung điện dưng lên đức Phật mà thưa rằng: "Xin Phật thương xót lợi ích cho chúng con, những cung điện dâng đây cúi xin nhận ở".

GIẢNG:

Đây các vị ở phương Đông Nam, cũng thấy ánh sáng như vậy cũng vui mừng, nhưng cũng không hiểu vì nhơn duyên gì, nên đến cùng bàn bạc. Đó là điểm chỉ cho mình phải nghiệm ra. Nghĩa là thấy thì thấy như vậy, cũng thắc mắc không biết nhân duyên gì, đến cùng nhau bàn bạc, nhưng bàn bạc cũng không đến nơi được, chỉ có thấy ánh sáng phải tìm trở lại gốc đó thì mới rõ thôi, còn bàn bạc cách mấy cũng không thể đến. Đó là muốn nói lên cái gì? Cái này là phải sống phải tu, không phải ngồi đó mà lý luận bàn bạc suông. Ở đây ngồi mà bàn về Phật suốt đời cũng không thấy được Phật, mà phải tìm đến. Cho nên ở đây phải theo ánh sáng đó tìm lại nguồn mà nó phát ra.

CHÁNH VĂN:

Lúc đó, các vị Phạm Thiên Vương liền ở trước Phật một lòng đồng tiếng nói kệ khen rằng:

                        Thánh Chúa vua trong trời
                        Tiếng Ca lăng tần già
                        Thương xót hàng chúng sanh
                        Chúng con nay kính lễ

GIẢNG:

Các Ngài tán thán Phật là bậc Thánh Chúa vua trong trời. Tức là trời mà Ngài còn là vua trong các trời nữa, để nói Phật tự tại trong ba cõi, trời cũng không sánh kịp.

CHÁNH VĂN:

                        Thế Tôn rất ít có
                        Lâu xa một lần hiện
                        Một trăm tám mươi kiếp
                        Luống qua không có Phật
                        Ba đường dữ dẫy đầy
                        Các chúng trời giảm ít
GIẢNG:

Các Ngài tán thán Phật ít có, lâu lâu có một lần hiện ra, một trăm tám mươi kiếp qua không có Phật, những người làm ác đọa đường dữ nhiều, trời giảm ít, quý vị đọc chỗ này có nghi không? Một trăm tám mươi kiếp luống qua không có Phật, thật sự không có Phật chăng? Cho nên học mấy chỗ này phải đọc cho thật kỹ, không có Phật đó là theo tình mê mà nói, vì mê cho nên không thấy, mới nói rằng không có Phật. Nếu nhìn chỗ ánh sáng giác ngộ thì sao? Có lúc nào là không Phật. Nếu giác ngộ mà thấy có lúc không có Phật thì lúc đó là mê, mê cho nên không thấy Phật, đó không phải là thường giác rồi. Nếu thường giác thì lúc nào cũng có Phật, vì Phật này không phải chỉ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, mà Phật đây là ánh sáng giác tức tánh giác, tánh giác có lúc nào không có. Dù trong lúc mê cũng đâu có thiếu. Cho nên nhìn theo ánh sáng giác ngộ thì không chỗ nào thiếu, vì vậy mà ở kinh Hoa Nghiêm có bài kệ:

                        Nhứt thiết pháp bất sanh
                        Nhất thiết pháp bất diệt
                        Nhược nhân như thị giải
                        Chư Phật thường hiện tiền

        Nghĩa là:

                        Tất cả pháp chẳng sanh
                        Tất cả pháp chẳng diệt
                        Nếu người hiểu như vậy
                        Chư Phật thường hiện tiền.


Nếu ai mà hiểu, thấy tất cả pháp chẳng sanh chẳng diệt đó, thì thấy Phật thường hiện tiền, còn mình thì sao? Thì thấy có sanh có diệt, tức là thấy theo sanh diệt là còn có thấy lúc có lúc không. Nếu mình quên cái thấy sanh diệt thì lúc nào Phật cũng hiện tiền hết. Hiểu như vậy thì quý vị thấy ở đây nói luống qua không có Phật là nói theo lúc mê, bây giờ thì:

CHÁNH VĂN:

                        Nay Phật hiện ra đời
                        Làm mắt cho chúng sanh
                        Chỗ quy thú của đời
                        Cứu hộ cho tất cả
                        Là cha của chúng sanh
                        Thương xót làm lợi ích
                        Nhờ phước lành đời trước
                        Nay đặng gặp Thế Tôn
GIẢNG:


Tức Phật hiện ra đời mở mắt sáng cho mình, làm mắt cho chúng sanh, đó là chỗ nương về của mọi người hay là chỗ quy thú của đời. Nghĩa là nhờ ánh sáng giác ngộ đó, nó mở đường cho mình phá được những lầm lẫn, những tối tăm vô minh, là chỗ để mình nương về sống vĩnh viễn, không còn đi lầm lạc nữa.

CHÁNH VĂN:

Khi đó, các vị Phạm thiên Vương nói kệ khen Phật xong đều thưa rằng: "Cúi xin đức Thế Tôn thương xót tất cả chuyển pháp luân cho, để độ thoát chúng sanh".

Lúc ấy, các vị Phạm thiên Vương một lòng đồng tiếng mà nói kệ khen rằng:

                        Đại Thánh chuyển pháp luân
                        Chỉ bày các pháp tướng
                        Độ chúng sanh đau khổ
                        Khiến đặng rất vui mừng
                        Chúng sanh nghe pháp này
                        Đặng đạo hoặc sanh thiên
                        Các đường dữ giảm ít
                        Bực nhẫn thiện thêm nhiều

Khi đó đức Đại Thông Trí Thắng Phật lặng yên nhận lời.

Lại nữa các Tỳ kheo! Năm trăm muôn ức cõi nước ở phương Nam các vị Đại Phạm Vương đều tự thấy cung điện mình ánh sáng chói lòa từ xưa chưa có, vui mừng hớn hở sanh lòng hy hữu liền đến cùng nhau chung bàn việc đó. Vì nhơn duyên gì cung điện của chúng ta có ánh sáng chói này?

Trong chúng đó có một vị Phạm Thiên Vương lớn tên là Diệu Pháp, vì hàng Phạm chúng mà nói kệ rằng:

                        Các cung điện chúng ta
                        Quang minh rất oai diệu
                        Đây không phải không nhơn
                        Tướng này phải tìm đó
                        Quá hơn trăm nghìn kiếp
                        Chưa từng thấy tướng này
                        Là trời đại đức sanh
                        Hay đức Phật ra đời ?
GIẢNG:

Ở phương Nam các vị cũng vậy, thấy tướng sáng đó cũng nghi, thắc mắc có nhân duyên gì? Cùng bàn đi tìm tướng đó, nghĩa là thấy có tướng sáng này, nghi có gốc gì đó nên mới phát ra ánh sáng này, cho nên gọi là: "Đây không phải không nhơn". Nhưng không biết ở đâu? Do từ lâu mê lầm, nhưng bây giờ đây khi thấy tướng này rồi, tức là có một điềm tốt, điềm lành, là điềm báo trước mình có cơ hội để thấy Phật.

CHÁNH VĂN:

Bấy giờ, năm trăm muôn ức Phạm thiên Vương cùng cung điện chung, mỗi vị dùng đãy đựng các thứ hoa trời đồng đến phương Bắc suy tìm tướng đó. Thấy đức Đại Thông Trí Thắng Như Lai ngồi tòa sư tử nơi đạo tràng dưới cội cây Bồ Đề, hàng Chư thiên, Long Vương, Càn thát bà, Khẩn na la, Ma hầu la già, nhơn và phi nhơn… cung kính vây quanh, cùng thấy mười sáu vị vương tử thỉnh Phật chuyển pháp luân.

Khi đó, các vị Phạm thiên Vương đầu mặt lễ Phật đi quanh trăm nghìn vòng, liền lấy hoa trời mà rải trên đức Phật. Hoa rải đó nhóm như núi Diệu Cao và để cúng dường cây Bồ Đề của Phật. Cúng dường hoa xong, mỗi vị đều đem cung điện dưng lên đức Phật mà thưa rằng: "Xin đức Phật đoái thương lợi ích chúng con, cung điện của chúng con dưng đây cúi xin nạp xử". Bấy giờ các vị Đại Phạm Thiên Vương liền ở trước Phật một lòng đồng tiếng nói kệ khen rằng:

                            Thế Tôn rất khó thấy
                            Bực phá các phiền não
                            Hơn trăm ba mươi kiếp
                            Nay mới thấy một lần
                            Hàng chúng sanh đói khát
                            Nhờ mưa pháp đầy đủ
                            Chỗ xưa chưa từng thấy
                            Đấng vô lượng trí huệ
                            Như hoa ưu đàm bát
                            Ngày nay mới gặp gỡ
                            Cung điện của chúng con
                            Nhờ hào quang được đẹp
                            Thế Tôn đại từ mẫn
                            Cúi xin thương nhận ở.
GIẢNG:

Đây khen đức Thế Tôn rất khó thấy, không thể nhìn bằng mắt phàm mà thấy được.

                            Hơn trăm ba mươi kiếp
                            Nay mới thấy một lần

Lâu rồi mới thấy một lần nhưng mà quý vị nghĩ coi có thấy lần thứ hai không? Chỗ này là chỗ mình tu hành đó. Thấy Phật rồi nếu mà thấy lần thứ hai thì sao? Nếu thấy lần thứ hai là có thêm cái nữa. Cái thể giác này thấy nó là thấy một lần thôi, nếu thấy lần thứ hai nữa là có hai thể giác, mà có hai thể giác tức là thể giác đó là cái của ai rồi. Cho nên đừng ngồi đó mà trông thêm lần nữa, chỉ có thấy rồi thì sống với cái thấy đó thôi, còn mong có thấy lần thứ hai nữa, thì không phải rồi, nhớ như vậy đó. Ở đây thấy như vậy đó là chỗ xưa nay chưa từng thấy, tức là mình chưa hề nghĩ tới, hay suy tưởng đến được. Bây giờ nhận ra là bất ngờ ngoài sức tưởng tượng. Ở đây cung điện cũng dâng luôn là buông cả chỗ ở.

CHÁNH VĂN:

Khi đó các vị Phạm thiên Vương nói kệ khen đức Phật rồi đều bạch rằng: "Cúi mong đức Thế Tôn chuyển pháp luân làm cho tất cả thế gian các hàng trời, ma phạm, sa môn, bà la môn đều được an ổn mà được độ thoát". Lúc ấy các vị Phạm Thiên Vương một lòng đồng tiếng nói kệ rằng:

                            Cúi mong Thiên nhơn Tôn
                            Chuyển pháp luân vô thượng
                            Đánh vang pháp cổ lớn
                            Mà thổi pháp loa lớn
                            Khắp rưới pháp vũ lớn
                            Độ vô lượng chúng sanh
                            Chúng con đều quy thỉnh
                            Nên nói tiếng sâu xa

Khi đó đức Đại Thông Trí Thắng lặng yên nhận lời đó.

GIẢNG:

Bài kệ này có mấy điểm cần nhấn mạnh là:

Thiên nhơn Tôn: bậc tôn quý trong trời và người.

- Đánh vang pháp cổ lớn: là trống pháp lớn đánh cho nó vang động xa gần, khích lệ mình vươn lên, để mình tỉnh giác trở về.

- Thổi pháp loa lớn: là kèn lớn, như kèn hiệu lệnh ngày xưa, đây kêu gọi tất cả hướng về chỗ giác đó.

- Rưới pháp vũ lớn: là mưa pháp lớn rưới khắp hết xa gần, để cho mọi người được thấm nhuần, chớ không bỏ xót ai, chỉ có người cảm nhận hay chưa cảm nhận mà thôi.

Đây là những lời tán thán Phật nhưng cũng là điều nhắc nhở mình tỉnh giác trở về cái chân thật sẵn có nơi mình.

CHÁNH VĂN:

Phương Tây Nam nhẫn đến phương dưới cũng lại như thế.

Bấy giờ, năm trăm muôn ức cõi nước ở thượng phương, các vị Đại Phạm Thiên Vương thảy đều tự thấy cung điện của mình ở ánh sáng chói rực từ xưa chưa từng có, vui mừng hớn hở sanh lòng hy hữu, liền đi đến nhau để chung bàn việc đó. Vì nhơn duyên gì cung điện của chúng ta có ánh sáng này? Lúc đó trong chúng có một vị Đại Phạm Thiên Vương tên là Thi Khí vì hàng Phạm chúng mà nói kệ rằng:

                        Nay vì nhơn duyên gì
                        Cung điện của chúng ta
                        Ánh sáng oai đức chói
                        Đẹp đẽ chưa từng có?
                        Tướng tốt như thế đó
                        Xưa chưa từng nghe thấy
                        Là trời đại đức sanh
                        Hay là Phật ra đời ?

Bấy giờ năm trăm muôn ức các vị Phạm Thiên Vương cùng cung điện chung, mỗi vị đều dùng đãy đựng các thứ hoa trời đồng đến phương dưới suy tìm tướng sáng đó. Thấy đức Đại Thông Trí Thắng Như Lai ngồi tòa sư tử nơi đạo tràng dưới cội Bồ Đề, hàng Chư Thiên, Long Vương, Càn thát bà, Khẩn na la, Ma hầu la già, nhơn và phi nhơn… cung kính vây quanh và thấy mười sáu vị vương tử thỉnh đức Phật chuyển pháp luân.

Lúc đó các vị Phạm Thiên Vương đầu mặt lạy Phật đi quanh trăm nghìn vòng, liền lấy hoa trời rải trên đức Phật. Hoa rải nhóm như núi Diệu Cao và để cúng dường cây Bồ Đề của Phật. Cúng dường hoa xong, đều đem cung điện dưng lên đức Phật mà bạch rằng: "Xin đoái thương lợi ích chúng con, cung điện dưng đây cúi mong Phật nạp ở".

Lúc đó các vị Phạm Thiên Vương liền ở trước Phật một lòng đồng tiếng dùng kệ khen rằng:

                        Hay thay! Thấy các Phật
                        Đấng Thánh Tôn cứu thế
                        Hay ở ngục tam giới
                        Cứu khỏi các chúng sanh
                        Thiên nhơn tôn trí khắp
                        Thương xót loài quần manh
                        Hay khai môn cam lộ
                        Rộng độ cho tất cả
GIẢNG:


Đây là khen đức Phật ở trong tam giới, mà cứu độ tất cả chúng sanh.

- Thiên nhơn Tôn trí khắp: Phật là bậc tôn quý trong trời người, trí của Phật soi khắp hết. Nghĩa là người khéo nhận thì đâu đâu cũng đều cảm nhận được.

- Thương xót loài quần manh: là chỉ cho mình còn ở trong mù tối, không đủ trí tuệ.

- Cam lộ: là chỉ cho chỗ này uống vào thì được trừ đói khát, đói khát này là chỉ cho lang thang trong tam giới đi tìm cầu không dứt, quên mất của báu chính mình.

CHÁNH VĂN:

                        Lúc xưa vô lượng kiếp
                        Luống qua không có Phật
                        Khi Phật chưa ra đời
                        Mười phương thường mờ tối
                        Ba đường dữ thêm đông
                        A tu la cũng thạnh
                        Các chúng trời giảm bớt
                        Chết nhiều đọa ác đạo
                        Chẳng theo Phật nghe pháp
                        Thường làm việc chẳng lành
                        Sắc, lực, cùng trí huệ
                        Các việc đều giảm bớt
                        Vì tội nghiệp nhơn duyên
                        Mất vui cùng tưởng vui
                        Trụ trong pháp tà kiến.

Tức là không có trí tuệ, nên lầm lạc tạo những nghiệp dữ sai lầm.

Mất vui mà tưởng vui: Mất vui là sao? Mất vui chân thật của mình, cái vui chân thật của mình mà mình quên mất nó đi, lại làm theo vọng tưởng là làm theo cái ngã giả dối này, nó vốn là gốc khổ mà mình tưởng vui.

CHÁNH VĂN:

                    Chẳng biết nghi tắc lành
                    Chẳng nhờ Phật hóa độ
                    Thường đọa trong ác đạo

Nghi tắc lành: là những pháp lành mình sống được an vui.

                    Phật là mắt của đời
                    Lâu xa mới hiện ra
                    Vì thương các chúng sanh
                    Nên hiện ở trong đời
                    Siêu việt thành chánh giác
                    Chúng con rất mừng vui
                    Và tất cả chúng khác
                    Mừng khen chưa từng có

Ở đây thấy Phật ra đời thì mừng, vì đó là bậc siêu việt thành chánh giác, tức là ở trong thế gian mà vượt khỏi thế gian, không bị trói buộc trong thế gian.

                    Cung điện của chúng con
                    Nhờ hào quang nên đẹp
                    Nay đem dâng Thế Tôn
                    Cúi mong thương nhận ở (Cũng xả cung điện luôn)
                    Nguyện đem công đức này
                    Khắp đến cho tất cả
                    Chúng con cùng chúng sanh
                    Đều đồng thành Phật đạo.

GIẢNG:

Bốn câu cuối là bài hồi hướng mình thường đọc.

                    Nguyện đem công đức này
                    Hướng về khắp tất cả
                    Đệ tử cùng chúng sanh
                    Đều trọn thành Phật đạo.

Khác mấy chữ do cách dịch, là xả cái tâm hẹp hòi của mình, nghĩa là bao nhiêu công đức này nguyện hướng về khắp tất cả, mình và chúng sanh, chớ không phải là một mình tôi hưởng thôi, quên bớt cái ta này mà hướng về tất cả, đó là mở rộng tấm lòng của mình.

CHÁNH VĂN:

Khi đó năm trăm muôn ức các vị Phạm Thiên Vương nói kệ khen đức Phật rồi, đều bạch Phật rằng: "Cúi mong đức Thế Tôn chuyển pháp luân, nhiều chỗ an ổn, nhiều chỗ độ thoát". Lúc ấy các vị Phạm Thiên Vương đồng nói kệ rằng:

                        Thế Tôn chuyển pháp luân
                        Đánh trống pháp cam lồ
                        Độ chúng sanh khổ não,
                        Mở bày đường Niết Bàn
                        Cúi mong nhận lời con
                        Dùng tiếng vi diệu lớn
                        Thương xót mà nói bày
                        Pháp tu vô lượng kiếp.
GIẢNG:


Các vị Phạm thiên Vương đồng nói kệ thỉnh Phật chuyển pháp luân, đánh trống pháp cam lồ cho vang dội hết khắp tất cả, khiến ai ai còn đang ngủ mê cũng đều được tỉnh dậy, và mở bày đường Niết Bàn, dùng tiếng vi diệu lớn mà thương xót đến mọi người, nhưng tiếng vi diệu lớn, là tiếng gì? Là chỉ cho tiếng mà không tiếng, tiếng mà nó bặt chỗ nơi, bặt nghĩ lường, ai nghe được tiếng này liền vượt lên bờ giác, nghe Phật thì phải nghe được tiếng đó. Nhiều khi mình nghe nói tiếng vi diệu, cứ tưởng là âm thanh của cõi trời nào đó, rồi ngồi để lóng nghe đó là lầm.

Vậy tất cả các vị Phạm Thiên, phương Đông, phương Tây, phương Nam, phương bắc, bốn phương cùng các phương trên dưới, tức là mười phương cảm được ánh sáng đó, suy nghĩ cùng bàn để tìm chỗ phát ra ánh sáng đó, thì gặp Phật Đại Thông Trí Thắng cùng mười sáu vị vương tử, đại chúng vây quanh cúng dường dâng cung điện. Ở đây có khác gì với phẩm Tựa không?

Ở phẩm Tựa, Phật chỉ phóng hào quang về phương Đông, chiếu suốt một số cõi nước, còn ở đây không có phóng, khi thành Phật rồi thì ánh sáng đó nó rọi khắp cả mười phương. Ở trước chỉ có phương Đông thôi, còn đây hết cả mười phương, vậy quý vị thấy được gì chưa? Ở trước mới vô nên chỉ phóng ánh sáng đó thôi, tức ánh sáng Phật phóng về phương Đông, người lanh lợi bén nhạy, thì ngay đó nhận ra rồi. Do đó Ngài Xá Lợi Phất được Ngài Văn Thù khơi dậy thì nhận ra, còn Ngài Văn Thù, Ngài thấy là nhận được liền. Cho nên phóng ánh sáng phương Đông thôi, khi biết được ánh sáng đó thì biết đó không phải là ánh sáng theo thế thường, mà đó là ánh sáng giác ngộ, ánh sáng chân thật nơi mình. Nhưng những người chậm lụt chưa nhận được, cho nên tới đây cả mười phương đều sáng hết, như vậy đâu đâu cũng đều lộ bày ánh sáng đó. Tức là Phật tận tình bày hết ruột gan rồi, vậy mình chưa nhận còn đợi gì nữa. Ở trên kia chỉ góc phương Đông thôi, còn ở đây cả mười phương đều lộ hết, thì chỗ mình đây có không? Vậy chưa chịu nhận, còn đợi đi đâu nữa. Chỉ cần mở mắt ra thôi, chớ khỏi tốn công đi đâu tìm nữa.

Trong đây các vị ở phương Đông thì sao? Phương Đông thì theo ánh sáng về phương Tây. Còn phương Tây thì ngược lại tìm về phương Đông, phương Bắc tìm về phương Nam, phương Nam ngược lại, tìm về phương Bắc, vậy tìm đi đâu? Cũng như phương Đông Nam thì phải tìm ngược lại Tây Bắc, phương dưới thì tìm lên trên, phương trên thì tìm về trở lại xuống dưới. Vậy cuối cùng tìm ở đâu? Đó là chỉ cái gì? Để chỉ nó không có chỗ nơi nào cố định hết. Tùy theo chỗ đứng, chớ nó không có trong một cái khuôn chết, mà nó là luôn luôn sống động sáng ngời, nhất là không rời chính mình. Chỉ cần ngay đây một niệm lặng lẽ thì thầm khế hợp, khỏi đi tìm đâu hết. Mà thầm hợp chỗ đó thì sẽ cảm đến chỗ gì? Sẽ cảm đến chỗ Phật im lặng nhận lời chuyển pháp luân. Có câu chuyện trong thời đức Phật, ở cửa Đông thành Thất La Phiệt có một bà già sanh ra cùng một ngày, một giờ với Phật, nhưng có điều là bà không muốn gặp Phật, Phật tới là bà tránh. Có lần Phật dùng sức thần, bà đi đâu cũng gặp Phật hết, bà tránh bên nào thì bên đó bà nhìn cũng thấy Phật, cuối cùng bà không biết sao, bà lấy hai tay bụm che mặt lại, nhưng cũng thấy Phật xuất hiện trong mấy ngón tay luôn nữa, như vậy là sao? Có giống như mình không? Nghĩa là lúc nào quay qua ngó lại mình cũng gặp Phật, nhưng mà luôn luôn tránh Phật, không dám nhìn Phật. Đó là nói lên mình có tánh giác đầy đủ và luôn sống trong tánh giác đó, nhưng không bao giờ nhận mà cứ quên luôn, rồi sống với những tâm chúng sanh, tâm vọng tưởng, nên trái với tánh giác đó. Ở đây coi như ánh sáng đó chiếu khắp mười phương, chỉ cần ai nhận được ánh sáng đó thì thấy đường về.

Các vị Phạm Thiên thì sao? Có vị thấy từ lâu vô lượng kiếp không có Phật, có vị thấy là một trăm tám mươi kiếp không có Phật. Mỗi vị thấy không đồng có chỗ là thấy nhiều kiếp, có chỗ thấy ít hơn, đó là nói lên tùy theo cái cơ cảm, trình độ của mỗi người, nên thấy có lâu, có mau, chứ Phật thì không có lâu mau. Nếu cái mê mình dày thì thấy lâu, còn mê cạn thì thấy mau, vậy lâu hay mau là tùy theo căn cơ, còn sự thật thì Phật không có lâu mau, vì lúc nào cũng ngay đây thôi. Vậy quý vị có sợ mình tu lâu thành Phật không? Ngay đây có ai chịu mở mắt ra chưa?

CHÁNH VĂN:

Lúc bấy giờ, Đức Đại Thông Trí Thắng Như Lai nhận lời thỉnh của các Phạm Thiên Vương và mười sáu vị vương tử tức thời ba phen chuyển pháp luân mười hai hành, hoặc là sa môn, bà la môn, hoặc là trời, ma, phạm và các thế gian khác đều không thể chuyển được, nói: đây là khổ, đây là khổ tập, đây là khổ diệt, đây là đạo diệt khổ.

Và rộng nói pháp mười hai nhân duyên: vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên lão, tử, ưu bi, khổ não. Vô minh diệt thời hành diệt, hành diệt thời thức diệt, thức diệt thời danh sắc diệt, danh sắc diệt thời lục nhập diệt, lục nhập diệt thời xúc diệt, xúc diệt thời thọ diệt, thọ diệt thời ái diệt, ái diệt thời thủ diệt, thủ diệt thời hữu diệt, hữu diệt thời sanh diệt, sanh diệt thời lão tử, ưu bi, khổ não diệt.

Đức Phật ở trong đại chúng trời, người, khi nói pháp đó có sáu trăm muôn ức na do tha người do vì không thọ tất cả pháp mà ở các lậu, tâm được giải thoát, đều đặng thiền định sâu mầu, ba món minh, sáu món thông, đủ tám giải thoát.

Lúc nói pháp lần thứ hai, lần thứ ba lần thứ tư, có nghìn muôn ức hằng hà sa na do tha chúng sanh cũng bởi không thọ tất cả pháp mà nơi các lậu, tâm được giải thoát. Từ đây nhẫn sau các chúng Thanh Văn nhiều vô lượng vô biên, không thể tính kể được.

GIẢNG:

Ở đây đức Đại Thông Trí Thắng nhận lời thỉnh các vị mà nói pháp, chuyển pháp luân ba phen chuyển thành mười hai hành. Đây cũng như Đức Phật Thích Ca chuyển pháp luân ở Lộc Uyển nói pháp Tứ Đế, ba phen chuyển thành mười hai hành: Thứ nhất là Thị chuyển, thứ hai là Khuyến chuyển, thứ ba là Chứng chuyển.

1. Thị chuyển: cũng gọi là thị tướng chuyển. Thị là chỉ bày, xác định rõ, nghĩa là Ngài chỉ rõ cái hành tướng của Tứ Đế để cho người nhận rõ đây là lẽ thật chắc chắn không có gì thay đổi được.Chữ đế là chắc thật, cũng gọi là chân lý. Ngài nói rõ:

- Đây là khổ: Tức là chỉ ra tướng khổ cho mọi người thấy rõ. Nói khổ là một điều chắc chắn thật sự nó là khổ, chớ không thể chối cãi được. Tức là sanh, già, bệnh, chết, thương yêu xa lìa, cầu không được toại ý, rồi oán ghét lại gặp gỡ, năm ấm nhóm họp. Có sanh ra thì phải có già, có bệnh, có chết, mà có sanh có chết tức là khổ. Thương yêu lại xa lìa cũng khổ, người oán ghét tức không ưa cứ gặp gỡ hoài cũng khổ, rồi cái điều mình muốn, mong cầu mà cầu không được thì cũng khổ, nói chung có mang thân năm ấm này là khổ, quý vị kiểm lại thấy có phải không? Dù cho là vua cũng không hết khổ, vua có cái khổ của vua, giàu có cái khổ theo giàu, chớ không phải nói giàu thì hết khổ. Vậy cho nên đã mang thân năm ấm này đều chịu cái luật vô thường, mà chính chịu vô thường đó nên đều chịu khổ, không ai tránh khỏi hết. Đó là Ngài chỉ cho mình thấy rõ cái khổ, rồi Phật nói tiếp.

- Đây là khổ tập: Tức là Phật chỉ ra cái nhân đưa đến khổ. Tại sao Phật không nói nhân trước mà nói quả trước? Thường người ta nói cái nhân rồi mới tới cái quả, nhưng đây Phật nói cái quả trước, vì cái quả là cái hiện thực mình đang mang nó đây, chỉ ra mình dễ nhận. Chỉ ra lẽ thật đó cho mình thấy rõ, rồi Phật mới chỉ ra cái nhân, nói quả này nhưng nó có nhân chớ không nói suông, hoặc quả này không tự nhiên nó có mà đó là có cái nhân. Tập tức là những thứ phiền não nhóm họp ở đây, nó đưa đến cái khổ đó, phiền não thì có nhiều tham, sân, si, mạn nghi, ác kiến…, nhưng cái gốc gần gũi nhất mà Phật hay nhắc là cái gì? Từ "tham ái chấp ngã", chính cái "tham ái chấp ngã" đó mà nó đưa đến tạo nghiệp rồi luân hồi chịu khổ, đó là Tập.

Quý vị thấy có phải vậy không? Chính vì mình tham chấp cái thân này, chấp cái ta này, cho nên từ đó tạo bao nhiêu thứ nghiệp rồi chịu khổ. Nếu không có tham ái cái ta này, thì đâu tạo nghiệp làm chi. Ví dụ trong chuyện làm ăn muốn có lợi nên mưu mô tính toán thế này, hoặc tính toán thế kia là vì cái gì? Là vì cái ta này thôi. Đó là cái Tập, Tập đó là cái nhân đưa đến quả khổ, gọi là nhân quả của thế gian, tức là nhân quả dẫn mình đi trong luân hồi sanh tử, rồi Ngài nói:

- Đây là khổ diệt: diệt là sao? Là bây giờ đã rõ cái nhân và cái quả rồi, mà muốn hết khổ thì phải sao? Thì phải dứt cái nhân đó thì hết khổ. Diệt nhân rồi, thì cái quả khổ làm sao sanh được, không có quả khổ nữa là Niết Bàn, là tịch diệt, là an lạc, đó là diệt đế. Vậy diệt tức là chỗ dứt khổ, an lạc. Nếu còn cái nhân này chưa dứt được, dù cho tu cách mấy đi nữa cũng lẩn quẩn trong luân hồi, cũng khổ, nghĩa là tu cái gì mà còn có "cái ngã" trong đó là không giải thoát nổi. Cho nên những vị ngoại đạo ngày xưa, cũng có vị tu thiền, gọi là thiền định của phàm phu, nhưng mà còn có ngã dù cho lên đến cõi trời sắc giới, cõi trời vô sắc giới, cũng còn trở lại, chưa giải thoát được.

Đây là một "lẽ thật muôn đời", dù cho mình lý luận cách mấy cũng không qua được cái đó, mình lý luận nó là không thật, hay nó là tánh không gì gì đi nữa, đó là lý luận thôi, còn thấy có ngã là còn khổ. Ngài nói tiếp.

- Đây là đạo diệt khổ: Tức là con đường dứt khổ, nghĩa là muốn dứt khổ thì phải thật sự tu hành, chớ không phải là chuyện nói suông. Cho nên Ngài nói rõ phải có con đường, phải có phương tiện để mình tiến tu đàng hoàng, nhưng phải phương tiện chân chánh đúng pháp, nó khế hợp với lẽ thật, chớ không phải mình muốn tu cái gì thì tu. Nên đó gọi là Đạo Đế, tức đây là con đường đúng với chân lý, thực hiện như vậy thì mới có được kết quả. Con đường đó là con đường gì? Tức là ba mươi bảy phẩm trợ đạo, đó là phương tiện tu hành dứt cái mầm sanh tử khổ, tức là cái nhân để đưa đến Diệt Đế. Cho nên Đạo Đế là cái nhân, còn Diệt Đế là cái quả, đây là nhân quả xuất thế gian, giải thoát ra khỏi sanh tử. Còn khổ đế và tập đế là nhân quả của thế gian còn đi trong sanh tử. Đó là một lần chuyển, gọi là thị chuyển, vậy Phật nói có khoa học không? Trước tiên chỉ cho mình thấy rõ cái khổ, rồi mới chỉ ra cái nhân đưa đến khổ, nếu chỉ nói vậy thôi thì đạo Phật chưa có gì gọi là cao quý hết, thế gian họ cũng nói được. Thường thường người nghiên cứu đạo Phật chưa sâu, cho đạo Phật là bi quan yếm thế, nói ra gì cũng khổ hết, khiến chán đời! Thì đó là thấy trên chữ nghĩa thôi, chớ chưa thấy được bản ý của Phật pháp, đó là nghiêng có một bên. Ở đây Phật chỉ để cho thấy rõ lẽ thật đó rồi, sau mới chỉ ra con đường để dứt khổ. Nói khổ là để dứt khổ, chớ không phải nói khổ để chán đời, và dứt khổ có phương pháp, có đường lối rõ ràng, chứ không phải nói lý suông.

2. Khuyến chuyển: cũng gọi là khuyến tu chuyển, tức là khuyên thực hành, chỉ rõ rồi chẳng lẽ chỉ biết vậy thôi sao? Cho nên đây phải là khuyến tu, đã chỉ rõ lẽ thật như thế rồi, mình đã thấy được hai con đường, một bên là sanh tử, một bên là giải thoát, hai đường rành rõ rồi, còn lại phần nữa là phần phải thực hành thôi, chớ không phải chỉ hiểu suông. Ngài nói rõ:

- Đây là khổ: Các ông phải biết rõ, chớ không có thể lờ mờ lầm lẫn được, phải nhận rành rõ như vậy không phải là chuyện hiểu suông.

- Đây là tập tức cái nhân khổ các ông cần phải đoạn, biết rõ nó là nhân của khổ các ông cần phải đoạn dứt nó, chớ không thể biết suông vậy thôi, nếu chỉ biết suông thì sẽ không hết khổ.

- Đây là diệt, là chỗ dứt khổ, được an vui giải thoát, các ông cần phải chứng nghiệm, đó là chỗ dứt khổ, chỗ an vui, nhưng các ông phải chứng nghiệm điều đó, chớ không phải nghe nói, rồi đứng bên ngoài mà suy luận hoài, thì cũng không thể dứt khổ được giải thoát.

- Đây là đạo, là con đường dứt khổ chân chánh các ông cần phải tu, cần phải thực hành, mới chứng nghiệm được, nếu nói suông thì sẽ không hết khổ, bởi vì không phải tự nhiên mà nó hết khổ được. Quý vị thấy rất là thực tế, chỉ rõ cho mình rồi,thúc đẩy mình phải tu, phải thực hành.

3. Chứng chuyển: Cũng gọi tác chứng chuyển, là chứng nghiệm xác định đó. Đức Phật Ngài xác minh rõ ràng những điều Ngài nói đó là những điều Ngài đã chứng nghiệm qua, Ngài đã trải qua rồi, Ngài mới nói lại. Cho nên đây là lẽ thật được xác chứng rõ ràng, chớ không phải điều Ngài nói suông, hay phỏng đoán hoặc giả thuyết thôi hoặc nó chỉ có trong văn tự, trong chữ nghĩa. Như vậy để cho mình có đầy đủ lòng tin, vì có người sẽ nghi, nhứt là lúc Phật Thích Ca đến vườn Lộc Uyển để độ năm anh em Kiều Trần Như, trước kia Ngài tu theo nhóm đó, nhưng Ngài thọ bát cháo của cô gái dâng, thì mấy ông này nghi cho Phật đã thối bồ đề tâm, nên bây giờ nghe Phật đến thì mấy ông bàn nhau: "Thôi ông Cù Đàm đã thối tâm, ông đến thì mình cũng mặc kệ đừng tiếp làm gì". Nhưng khi Phật đến thì do uy đức Phật, đã cảm đến các ông, khiến mấy ông lăng xăng người thì lo quét dọn, người mời Phật ngồi, người lo nước rửa chân cho Phật. Sau đó Phật nói pháp Tứ Đế xác định rõ, những điều Như Lai nói đây là những điều mà Như Lai đã chứng nghiệm qua, đã xác chứng rõ ràng, mới nói lại, vì vậy các vị đầy đủ lòng tin. Chớ không thì sẽ nghi là không biết Phật nói vậy mà Ngài có đi qua chưa? Đã chứng nghiệm qua chưa, Ở đây thì Ngài nói rõ:

- Khổ Như Lai đã biết rõ bằng chính trí tuệ của mình rồi, không phải nghe ai nói lại.

- Tập Như Lai đã đoạn sạch không còn thừa, nghĩa là cái nhân của khổ, Như Lai dứt sạch không còn thừa sót lại.

- Diệt Như Lai đã chứng nghiệm qua, đã sống trọn vẹn trong đó rồi.

- Đạo Như Lai đã tu đã thực hành xong, bây giờ mới nói lại, không phải đem qua thí nghiệm nơi các ông, nghĩa là không phải đây Ngài nói ra để các ông thí nghiệm, mà Như Lai đã tu hành xong rồi, đã sống trọn vẹn trong đó rồi, bây giờ mới nói lại cho các ông.

Như vậy thấy Phật quá là khoa học phải không? Chỉ rõ ra cho mình thấy lẽ thật đó, rồi mới khuyên tu, khuyên thực hành, đây là những điều Ngài đã chứng nghiệm qua rồi, không phải Ngài áp đặt mình, bắt mình phải nhắm mắt tin bừa, mà nói như vậy là Phật muốn nhắc mình cái gì? Nghĩa là Ngài đã thấy như vậy rồi, thì mình là đệ tử Phật, học theo Ngài, đi theo Ngài thì cũng phải như Ngài, đó là ý Ngài muốn ngầm nhắc cho mình. Ngài nói rằng những điều Ngài nói đó là Ngài đã đi qua, vậy mình là đệ tử Phật thì cũng phải giống như Ngài, cũng phải chứng nghiệm qua, cũng phải nếm lấy, phải đi vào trong đó, chớ không phải đứng bên ngoài mà bàn, mà lý luận thì không bao giờ tới, đó là ý sâu của Phật. Cho nên ở đây Ngài nói:

- "Hoặc là Sa môn, bà la môn, hoặc trời, ma, phạm và các thế gian khác, đều không thể chuyển được".

Chỉ mình Phật chuyển được thôi, tại sao vậy? Để nói lên Phật, Ngài đã chứng nghiệm qua, rồi từ trong đó Ngài chuyển thì mới là thật chuyển. Còn tất cả những người khác, và các thế gian khác, chưa đến được trong đó, thì làm sao chuyển, chỉ phải nương theo chỗ Ngài dạy đó mà tu đạt đến chỗ đó thôi, chớ còn chưa đi qua làm sao chuyển, đó là ý sâu xa mà Phật muốn nhắc. Như vậy lý Tứ Đế mình hiểu cho kỹ, thì nó có đơn giản không? Cho nên người học Phật thường thường nghe nói lý Tứ Đế là lý của hàng Thanh Văn, mình bây giờ tu đại thừa rồi, cái đó không cần học kỹ biết nhiều làm chi, nhưng đây thấy rõ ý rất là sâu xa, cũng lý Tứ Đế này, tùy theo trình độ nhận có cạn có sâu, có đại có tiểu, đại thừa cũng không ngoài Tứ Đế.

* Thí dụ mình chỉ nghe nói khổ, rồi mình nhận là khổ, chán quá rồi, tu cầu dứt khổ, chứng vô sanh Niết Bàn, đó là tiểu, nghĩa là nghe khổ chán khổ, dứt khổ để cầu vô sanh thôi.

Còn nếu nghe khổ, ngầm biết rõ ý của Phật, Ngài nói khổ mà ý Ngài muốn chỉ chỗ chân thật không khổ, khiến mình quên cái mê lầm này, sống về với cái chân thật đó, thì biết vậy đó là đại.

Nếu nghe khổ mình liền nhận rõ, ở trong đó nó còn có cái chưa từng khổ nữa, sống được ngay cái đó, thì mình liền chuyển ngay được cái khổ, chớ không cần bỏ đây mà đến kia gì hết, thì đó là tối thượng thừa.

Cho nên gọi là pháp thì không có cao thấp, mà cao thấp tùy theo người, người hiểu cao thì thấy cao, người hiểu thấp thì thấy thấp, rõ ràng như vậy thôi.

* Thí dụ như Tập Đế:

Nếu nghe nói Tập là nhân của khổ, thì quyết trừ để hết khổ thôi, đó là tiểu.

Nếu mình nghe đó là Tập Đế thì biết rõ, cái Tập này là do mình mê cái chân thật mà vọng chấp, cho nên mới thành khổ, nếu mình ngộ lại cái chân thật, mình quên sạch hết tình chấp là mình hết khổ, không có khổ gì để trừ hết, đó là đại.

Nếu nghe Tập, biết rõ cái gốc của Tập là từ tâm sanh chớ không gì khác, nếu mình giác được tự tâm, thì ngay đó dứt khổ, đó gọi là Thiền.

* Diệt Đế cũng vậy:

Nếu mình thấy còn cái cái để diệt, là có đây có kia nên đó là tiểu, nghĩa là mình nghe diệt là dứt tập nhân là hết khổ thôi, thì đó là tiểu.

Nếu mình nghe diệt đế, mình biết Tập nhân đưa đến khổ, nhưng tập nhân đó thật không cố định, nếu mình giác trở về nguồn chân thật rồi nó tự dứt, đó là đại.

Nếu mình nghe diệt, mình liền trực nhận, cái thể vốn là sẵn đủ chưa từng thiếu bao giờ hết, mình diệt tất cả nhưng thể này mình làm sao diệt nó, nên sống thẳng ngay đây thôi liền xong, không có gì để diệt hết, đó là Thiền.

Đó là tùy theo chỗ hiểu mà có sâu có cạn.

* Đạo Đế cũng vậy:

Nếu nghe đạo đế là con đường dứt khổ, đó là các pháp mình phải thực hành, để diệt cái tập nhân kia mà chứng được cái diệt, thì đó là tiểu.

Nếu mình nghe đạo đế, biết rõ đây là phương tiện để mình sống trở về, mượn cái đó để trở về, chớ không lầm chấp trên phương tiện đó, thì gọi là đại.

Nếu mình nghe Đạo đế, mình nhận rõ ràng, mọi công phu tu hành gốc là ở tự tâm thôi, nếu tự tâm mình sáng, ngay đó thấu được đường đi không lầm. Vậy không có đạo gì hết ngoài tâm, thì đó là Thiền.

Vậy là Tứ Đế nếu mình hiểu cạn thì nó là cạn, còn nếu mình hiểu thật sâu thì nó cũng rất là sâu, đó là tùy theo cái hiểu của mình, không nên khinh thường. Hoặc chớ hiểu lầm người tu đại thừa, tu thiền , giống như phá bỏ Tứ Đế của Phật, như trong Bát Nhã nói: vô khổ, tập, diệt, đạo. Nghe nói vô khổ tập diệt đạo đó, liền nói đại thừa đập phá Phật pháp luôn hết. Tứ Đế là pháp căn bản Phật thuyết ban đầu, bây giờ cũng phá bỏ luôn, nhưng hiểu như vậy đó là sao? Là hiểu trên chữ nghĩa thôi, nghe nói không khổ, tập, diệt đạo, rồi nói không có, đó là mắc kẹt trên chữ nghĩa, mà mình phải biết bản ý của Phật nói như vậy là sao? Khổ, tập, diệt, đạo mà mình nói theo chữ nghĩa, đó là khổ, tập, diệt, đạo trên danh từ, cho nên đây phá cái chấp trên danh từ đó, mà mình phải thấu rõ được cái thể thật, chớ không phải tu thiền rồi bỏ hết. Thí dụ như có Thiền Sư Đàm Chiếu, khi gần chết Ngài la: "khổ, khổ", có vị đệ tử nói rằng:

- Bạch Hòa thượng, Hòa thượng trong lúc còn sanh tiền, có lần Ngài bị quan Thái Thú ném xuống sông, mà thấy vẻ mặt Ngài bình thản không có gì hết, hôm nay sao Ngài la khổ khổ ?

Thì Ngài nói:

- Vậy ông nói ngày xưa phải, hay ngày nay phải ?

Đó là Ngài nhắc, ngay lúc sắp chết này là khổ đó, biết rõ được khổ đó mà không có mê, không có lầm, thì tới lúc đó mới chân thật, chớ còn không phải mình chỉ hiểu suông nói khổ là không thật, chỉ hiểu suông trên danh từ thôi, tới lúc đó là khổ chịu không nổi, phải không? Hiểu vậy thì mình mới thấy được ý của các Ngài, đó là nói qua về Tứ Đế.

Sau đây Phật nói rộng ra mười hai nhân duyên: vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên lão, tử, ưu bi, khổ não.

Tức là từ vô minh đó nó sanh ra khổ sanh tử luân hồi. Vô minh tức là mê mờ, lầm lẫn nó mới vọng động khởi niệm, khởi niệm nên mới tạo thành nghiệp, thì nghiệp đó là hành.

Vô minh duyên hành, do nghiệp đó dẫn thức, thức là cái vọng ngã của mình, nó dẫn chúng sanh đó đi thọ thai, nên hành nó mới duyên nơi thức, dẫn thức đi thọ sanh, mới gá vào thai mẹ nên có danh sắc, danh sắc gồm hai phần: danh là phần tinh thần, còn sắc là phần vật chất, là phần tinh cha huyết mẹ cộng lại cái biết trong đó mới thành thai. Do danh sắc tăng trưởng dần dần cho nên có đầy đủ sáu căn, sáu căn tức là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, là sáu chỗ để cho sáu trần đi vào, đó gọi là lục nhập. Khi ra khỏi thai sáu căn này đối với sáu trần cảnh bên ngoài khởi thành cái dụng, dụng là thấy, nghe, hiểu biết đó xúc chạm với sáu trần bên ngoài gọi là lục xúc. Rồi do nó xúc với cảnh đối trước đó, nên nó mới sanh cảm giác là nhận lấy khổ vui, có xúc cảnh nên có khổ vui đó là thọ. Vậy thọ là nhận lãnh, là tiếp thu cái bên ngoài cho nên có khổ vui, rồi do tiếp thu nhận lãnh các cảnh bên ngoài đó, sanh ra đắm mắc dính chặt đó là ái, đắm mắc dính chặt mãi, giữ lấy không chịu buông đó là thủ, rồi do bám giữ không buông mới tạo thành nghiệp, để có chỗ mà sanh ở đời sau, đó là hữu. Rồi từ đó nó dẫn đi thọ sanh thân sau đó là sanh. Có sanh ra rồi có già, chết, vô thường khổ não không tránh khỏi, đó là một vòng nhân duyên, là chiều sanh tử. Bây giờ muốn dứt sanh tử thì phải sao? Đây phần thứ hai là:

" Vô minh diệt thời hành diệt, hành diệt thời thức diệt, thức diệt thời danh sắc diệt, danh sắc diệt thời lục nhập diệt, lục nhập diệt thời xúc diệt, xúc diệt thời thọ diệt, thọ diệt thời ái diệt, ái diệt thời thủ diệt, thủ diệt thời hữu diệt, hữu diệt thời sanh diệt, sanh diệt thời lão, tử, ưu bi, khổ não diệt ".

Tức là muốn dứt sanh tử, thì phải phăng trở lại cái gốc, bây giờ sở dĩ có ưu bi, khổ não, chết chóc là vì có sanh, mà có sanh là vì sao? Là do có hữu tức là do có nghiệp mình đã tạo đời trước đó, phăng dần dần lên thì gốc là từ vô minh, vậy thì muốn hết sanh tử phải dứt vô minh. Nhưng vô minh và hành là thuộc về quá khứ rồi, vậy làm sao mà diệt? chỗ này học theo chữ nghĩa mười hai nhân duyên đọc thuộc lòng, nhưng muốn hiểu kỹ thì không phải đơn giản. Còn cái thức là cái gốc của sự sống. Nó cũng thuộc về quá khứ luôn, vì nó dẫn đi thọ sanh thì mới có danh sắc, đã thuộc về quá khứ luôn, thì làm sao diệt nó, nếu ngay đây quý vị diệt cái thức đó thì sao? Thì cũng chết luôn, phải không? Danh sắc là cái còn trong bụng mẹ thì làm sao diệt? Còn sáu căn là chỗ để cho sáu trần cảnh đi vào, đó là lục nhập, nếu diệt nó thì lấy gì để thấy nghe? Còn xúc và thọ, xúc là nó xúc chạm trần cảnh bên ngoài, thọ là cái tiếp thu nhận lấy, nếu diệt xúc và thọ thì nó thành trơ trơ như cây đá. Vậy quý vị thấy làm sao tu đây? Chính cái tu là ở chỗ nào? Là chính chỗ "ái". Bởi vì ái là chỗ dính mắc, đắm luyến, mà nếu không dính mắc không đắm luyến là giải thoát, phải không? Cho nên mình phải lấy từ chỗ căn bản đó để tu hành, chớ học theo chữ nghĩa đọc thuộc lòng là vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc… mà không rõ được chỗ ý sâu thì cũng không biết cách tu.

Nhưng mà xét cho kỹ, cái vô minh này không phải chỉ nằm ở quá khứ thôi, mình học theo chữ nghĩa là vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên sắc… Tức mình đẩy vô minh trở về quá khứ, đó là theo chiều chữ nghĩa, chớ còn trên lẽ thực trong "mỗi cái", "mỗi chi" đó nó đều có mang cái mầm vô minh trong đó hết, chớ không phải chỉ vô minh nó nằm trong quá khứ thôi, thấy như vậy thì hết chỗ tu. Trong mỗi chi thì hành cũng có vô minh trong đó, thức cũng có vô minh trong đó, danh sắc cũng có vô minh trong đó, rồi xúc, thọ, ái, thủ, hữu đều có vô minh trong đó hết. Vậy bất cứ ngay chỗ nào trong đó, mà mình soi sáng trở lại phá vô minh thì ngay đó đều là chỗ tu hết, đều giác được hết. Tức là:

Trong hành nó mê lầm, mê lầm cái chân thật này, nó mới chấp cái ngã không thật này thành vọng ngã, cho nên mới thành tạo nghiệp tức vô minh chớ gì? Vì vậy ngay hành đã có vô minh trong đó rồi.

Trong thức cũng vậy, là quên cái thể chân thật mới theo nghiệp đi thọ sanh, quên cái thật là vô minh chớ gì nữa, vậy ngay thức đã có vô minh trong đó rồi.

Trong danh sắc cũng vậy, mình quên cái thể chân thật sáng ngời này, cho nên mới lẫn lộn giữa danh và cái sắc, tức là cái biết và cái không biết, đó là vô minh chớ gì? Vậy ngay danh sắc đã có vô minh trong đó.

Trong lục nhập cũng vậy, là mình quên cái thể thật, cho nên mình bám vào các căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, nên tìm các duyên bên ngoài là sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp, để mà biết. Bởi vậy rời mấy cái này thì giống như không biết, thì đó là vô minh chớ gì? Vì quên "cái biết chân thật" của mình, nên mới bám vào các căn đó, chứ thật sự cái biết này là nó đã có sẵn nơi mình rồi, còn mắt, tai, mũi, lưỡi này là chỗ tạm mượn để nó phát ra thôi, chớ không phải do mắt, tai,… này thành có biết. Nhưng mình bây giờ mắc kẹt trên mắt tai này, cho nên không mắt là không thấy, không tai là không nghe. Nhưng sự thật cái biết luôn luôn có đủ, vậy thấy rõ ngay lục nhập đã có vô minh trong đó.

Trong xúc trong thọ cũng vậy, vì mình quên cái chân thật sáng suốt sẵn có đó, nên cứ lo tiếp nhận cảnh bên ngoài, thì đó là vô minh, vậy ngay trong xúc, trong thọ đã có vô minh trong đó.

Trong ái cũng vậy, vì quên thể giác của mình mới lo đắm mắc thứ bên ngoài, ái luyến nó lầm cái ta hư dối này, thì đó là vô minh chứ gì!.

Vậy thì ngay xúc, thọ, ái cũng đều có vô minh hết, nếu ngay cái xúc, thọ đó giác trở lại thì sao? Thì ngay đó thể giác sẵn trong đó rồi, ngay đó trở về sáng suốt chớ gì? Chỗ tu hành giác ngộ ngay đó thôi. Hiểu như vậy thì ngay chỗ ái, chỗ xúc, chỗ thọ đó đều là chỗ mình có thể giác ngộ trở về, là chỗ tu hành, thì đó là cái chiều giải thoát, còn theo chiều mà nó bám bên ngoài là sanh tử, cho nên gọi là hai chiều, chiều lưu chuyển là theo sanh tử, và chiều hoàn diệt là giải thoát.

Đó là ý nghĩa của mười hai nhân duyên, quý vị thấy chỗ này mà hiểu kỹ thì đủ tu chưa? Bởi vậy ý nghĩa của mười hai nhân duyên này rất là sâu xa chớ không phải đơn giản theo chữ nghĩa. Nhưng người học chữ nghĩa theo danh từ pháp số, thì mười hai nhân duyên dễ dàng có gì đâu. Vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc … Nếu muốn diệt nó thì vô minh diệt, hành diệt, thức diệt… đọc một hơi, thấy dễ dàng không có gì hết. Nhưng sự thật hiểu cho thật kỹ đểø tu, không phải đơn giản.

Bởi vậy mà có một lần Ngài A Nan bạch Phật: "Pháp mười hai nhân duyên rất là đơn giản, dễ dàng có gì đâu Thế Tôn".

Phật nói:

- Khoan! Khoan! Ông chớ có nói dễ dàng.

Sau đó Phật giải thích rõ, lúc đó Ngài A Nan mới bạch Thế Tôn rằng:

- Bạch Thế Tôn quả thật không phải dễ dàng.

Cho nên dễ dàng là mình theo chữ nghĩa, hiểu cho thật kỹ, thật sâu để ứng dụng tu thì không phải đơn giản, bởi vì chính chỗ này là chỗ Đức Phật Ngài giác ngộ, để dứt cái mầm sanh tử nên đâu phải đơn giản. Ở đây nếu mình thấu suốt được tánh mười hai nhân duyên thì sao? Thì mười hai nhân duyên là do nhân cái này mà có cái kia, tức nó không có cái thật thể, nhân vô minh có hành, có hành rồi có thức… Vậy nếu không có hành thì sao? Thì thức cũng không có chỗ bám, có hai cái gọi là nhân duyên, mà nhân duyên thì không có thực thể trong đó, chỉ là do nương cái này mới có cái kia, không có cái này tức cái kia không có, nếu thật thì không phải nương. Xét kỹ mười hai nhân duyên này cho mình thấy rõ, trong sanh tử đây vốn không có cái ngã thật để mà sanh tửû, nhưng do vô minh lầm chấp thôi. Thí dụ bây giờ đây quý vị nói là tôi sanh, tôi tử gì đó, chết là tôi chết, nhưng cái gì là tôi chỉ ra xem. Chỉ thân này là tôi, vậy thân vô tri lại là tôi sao? Còn tâm sanh diệt này cũng là tôi hay sao? Chỉ không ra, vậy là không có thật thể, không có cái ngã để sanh tử. Hiểu vậy thì thấu rõ tánh của mười hai nhân duyên là sanh vốn không thật sanh, diệt vốn không thật diệt, mà sở dĩ có sanh có diệt là do mê, do vô minh mê lầm mình tưởng có ta, có ngã thực sanh.

Nhưng có người không hiểu kỹ mười hai nhân duyên này, rồi cũng lầm chấp thêm nữa, cho rằng Phật nói sỡ dĩ mình có mặt ở đây là do mười hai nhân duyên mà sanh, vậy là thật có sanh, phải không? Mà thật có sanh thì thật có tử. Đó là hiểu lầm ý Phật, mà chỗ này nhiều người mắc kẹt. Bởi vậy trong Trung Quán Luận mới phá mười hai nhân duyên là như vậy. Rồi có người nói Luận phá mười hai nhân duyên là pháp mười hai nhân duyên cũng phá luôn,lại hiểu lầm nữa, phá là phá cái "Lầm chấp" trên tướng của mười hai nhân duyên thôi, còn pháp mười hai nhân duyên làm sao phá. Bản ý của Phật nói mười hai nhân duyên, đã là duyên sanh thì đâu có thật sanh, mà do cái này có nên mới có cái kia, cái này không thì cái kia cũng không, tức là không có thật sanh, mà không thật sanh thì cũng không thật tử, thấu rõ như vậy, thì ngay đó giải thoát, vô sanh.

Vậy quý vị thấy Tứ Đế, mười hai nhân duyên hiểu cho thật kỹ đủ tu rồi.

Kế đó đức Phật ở trong đại chúng Trời người khi nói pháp đó có sáu trăm muôn ức na do tha người do vì không thọ tất cả pháp mà ở các lậu tâm được giải thoát, đều đặng thiền định sâu mầu, ba món minh, sáu món thông, đủ tám giải thoát. Ở đây chú ý "không thọ" tất cả pháp thì liền được giải thoát. Hiểu được chỗ này là chỗ để mình sống giải thoát, nếu không thọ tất cả pháp thì ngay đây liền giải thoát. Sự thật thì tự tâm mình vốn giải thoát rồi, nó tự là sáng ngời rồi, nhưng do mình "quên cái tự tâm sáng ngời" đó, nên mới duyên theo các pháp mà tiếp nhận cái bên ngoài là "thọ" đó, nên thành ra mê lầm, rồi trôi lăn trong sanh tử chứ không gì khác. Vậy "thọ" tức là mình chỉ nhớ các pháp mà tiếp nhận cái bên ngoài thôi, tâm đó nó luôn luôn tiếp với các duyên bên ngoài, nói cho nó dễ hiểu hơn là nó luôn luôn thu lấy bạn bè, cho nên mãi trói buộc. Còn ngay đây từ giã bạn bè hết thì giải thoát, thật đơn giản! không thọ các pháp là không bạn bè, là quên duyên thôi, quên duyên là tự giải thoát, đó là nói pháp lần đầu.

Khi được giải thoát thì sao? Thì đầy đủ ba minh, sáu thông, tám giải thoát.

Ba minh là cái gì? Tức là thiên nhãn minh, túc mạng minh và lậu tận minh.

Sáu thông là gì? Là thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, tha tâm thông, túc mạng thông, thần túc thông, lậu tận thông.

Tám giải thoát là gì ?

1. Bên trong có sắc tưởng, mình quán các sắc để mà giải thoát. Vì muốn trừ sắc tưởng nội tâm của mình đây đối với các sắc bên ngoài mình phải quán bất tịnh, thì quán bất tịnh này là trước tiên phải quán bất tịnh nơi thân mình trước.

2. Bên trong không sắc tưởng mà quán ngoại sắc, ngoại sắc là quán bên ngoài. Trước tiên là quán bất tịnh nơi thân mình, sau đó là quán nơi thân người, cho nên mình phải hiểu kỹ điều đó, khi người học tu mà không hiểu được kỹ, nghe nói tu quán bất tịnh thì lo quán người ta, không quán mình, quán ra ngoài một lúc mê không hay, cái đó là không hiểu được thứ tự, quán mình trước, khi quán thành rồi, quán ra ngoài thì mới chán được. Còn mình yêu mình quá mà quán người ta hoài rồi mê luôn, đó là không hiểu đúng pháp.

3. Tịnh giải thoát thân chứng, là xả bỏ cái tướng bất tịnh rồi quán tịnh trở lại, mới đầu quán bất tịnh, nhưng sau đó quán tịnh trở lại, chớ quán bất tịnh một lúc rồi thấy cái gì cũng chán hết, nên mới có các vị tự tử, do đó ở đây quán bất tịnh rồi phải quán tịnh trở lại.

4. Không vô biên xứ: là mình vượt qua các sắc tưởng đối trước đó, để mình tu hành cái tướng gọi là không vô biên xứ, tức là mình vượt qua hết mọi cái tướng để mà quán về cái không, vậy không vô biên xứ là qua hết mọi sắc đối tượng.

5. Tu tướng thức vô biên xứ: là mình quán thức tràn đầy hết.

6. Tu tướng vô sở hữu xứ: mình xả bỏ tâm gọi là cái thức vô biên đó, tu tướng vô sở hữu xứ, tu quán thấy không có gì, không có gì thật trong đó.

7. Phi phi tưởng: mình bỏ tâm vô sở hữu nữa, rồi mình trụ vào tướng gọi là phi phi tưởng.

Như vậy cho thấy mới đầu quán bất tịnh, thứ hai là quán tịnh, bỏ quán tịnh rồi quán không, bỏ quán không, vô sở hữu, những cái đó là những phương tiện, gọi là tu có thứ lớp, tạm mượn đi qua rồi bỏ, không được bám trụ.

8. Diệt tận định: vượt qua hết cả phi phi tưởng đó, tức là mình chán bỏ hết thứ thọ, thứ tưởng để mình vào diệt tận định. Diệt tận định là diệt tất cả tâm và tâm sở pháp.

Đó là phần của bên nguyên thủy tu, cuối cùng là chứng A La Hán.

Đó là Phật nói pháp lần đầu, có sáu trăm muôn ức na do tha người không thọ pháp mà được giải thoát, lần thứ hai, thứ ba, thứ tư thì có nghìn muôn ức hằng hà sa na do tha chúng sanh cũng bởi không thọ tất cả pháp mà nơi các lậu, tâm được giải thoát.

Như vậy lần đầu sáu trăm muôn ức na do tha người nghe pháp được giải thoát liền, đó là chỉ cho người thuộc hạng lợi căn bén nhạy. Còn lần thứ hai, thứ ba là chỉ cho hạng trung và hạ kế tiếp, phải nghe nhiều lần, người chậm chậm phải nghe lần nữa, lần nữa lần nữa mới tỏ ngộ, mới giải thoát, nên đây nói lần thứ hai, thứ ba, thứ tư. Nghĩa là từ đó về sau còn có nhiều cơ hội nữa, cho nên có vô số hàng Thanh văn khác nữa. Đây coi như phần tự độ đã xong rồi, căn cơ đã sắp chín mùi, có thể kham nhận được pháp thật, bây giờ mới thỉnh nói Pháp Hoa. Phần kế mấy vị vương tử mới thỉnh Phật nói Pháp Hoa.

[ Quay lại ]