headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 24/12/2024 - Ngày 24 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

KINH PHÁP HOA - PHẨM HIỆN BỬU THÁP

Đến đây là tháp báu hiện ra, hiển bày rõ pháp thân - Tri kiến Phật, phẩm này cũng rất nhiều ý nghĩa.

Qua phần trước là phần Khai Tri kiến Phật, tới đây là Thị Tri Kiến Phật. "Thị" tức là hiển bày, lộ ra. Trước là mới mở thôi, đến đây thì Tháp báu Phật Đa Bảo hiện ra rõ ràng ngay trước Phật, tức là hiển bày rõ Pháp thân thường trụ của Như Lai vốn không có mất. Bởi vì Phật Đa Bảo nói: Ngài nhập diệt đã lâu từ vô lượng kiếp mà toàn ­thân Ngài không tan rã, ở đâu nói Pháp Hoa thì Ngài hiện ở đó.

Để chỉ cho Pháp thân ngay đây, khiến mọi người quên niệm sanh diệt đi. Trong đây đức Phật sẽ biến cõi Ta Bà này thành Tịnh Độ luôn, khỏi cầu Tịnh Độ đâu khác. Không thấy đây nhơ, kia sạch gì nữa, như vậy mới thấu suốt được thật tướng hiện tiền, cũng như cảnh giới Phật là ngay trước mắt thôi, mình mở mắt ra là gặp.

Bởi vậy, phẩm này ý nghĩa rất sâu xa, phải nghe cho kỹ, lắng lòng thì mới cảm nhận hết.

CHÁNH VĂN:

Lúc bấy giờ, trước Phật có Tháp bằng bảy báu, cao năm trăm do tuần, ngang rộng hai trăm năm mươi do tuần, từ dưới đất nổi lên trụ ở giữa hư không; các món vật báu trau dồi, năm nghìn bao lơn, nghìn muôn phòng nhà, vô số tràng phan để nghiêm sức đó, chuỗi ngọc báu rủ xuống, muôn nghìn linh báu treo trên tháp. Bốn mặt đều thoảng đưa ra mùi hương gỗ ly cấu chiên đàn khắp cùng cả cõi nước.

Các phan lọng đều dùng bảy thứ báu, vàng, bạc, lưu ly, xà cừ, mã não, trân châu và mai khôi hiệp lại thành, cao đến ngang cung trời Tứ Thiên Vương, Trời Đao Lợi rưới hoa Mạn đà la cúng dường tháp báu.

Các trời khác và rồng, Dạ xoa, Càn thát bà, A tu la, Khẩn` na la, Ma hầu dà, Nhơn, Phi nhơn....nghìn muôn ức chúng đều đem tất cả hoa, hương, chuỗi ngọc, phan, lọng, kỹ nhạc mà cúng dường tháp báu, đồng cung kính tôn trọng ngợi khen.

GIẢNG:

Bây giờ đây, bỗng dưng ở "Trước Phật có tháp bằng bảy báu, tháp này cao năm trăm do tuần rồi ngang rộng cũng hai trăm do tuần", năm trăm do tuần cũng là mấy trăm cây số, bỗng dưng từ dưới đất nổi lên trụ giữa hư không, trong tháp đó trau giồi những thứ tràng phan, ngọc báu rất là đẹp; những phan lọng cao ngang trời Tứ Thiên Vương. Các vị trời khác đều cung kính cúng dường. Nghĩa là Phật đang nói Pháp Hoa như vậy bỗng dưng có tháp báu hiện ra trước, mà từ dưới đất vọt lên trụ giữa hư không, vậy là sao? Đó là để hiển bày Tri Kiến Phật hay gọi là Thánh Trí Tự Giác, là chỗ mình tự giác, chứ không phải cái bên ngoài.

Ở trước Phật hiện ra để chỉ thật trí hiện tiền. Còn tháp bằng bảy báu là kim ngân, lưu ly, pha lê, xà cừ, mã não, san hô, hổ phách. Nhưng bảy báu đó cũng chỉ cho thân thất đại này. Thất đại là: đất, nước, gió, lửa, không tức là trong đó có khoảng hư không, thức là cái phân biệt, kiến là cái hiểu biết.

Đang thuyết pháp vậy thì từ đất nổi lên. Đất đây chỉ cho đất tâm. Ngay nơi đất tâm này hiển lộ. Nghĩa là lâu nay mình sống trong phiền não vô minh dày đặc, cho nên tháp này ẩn trong đó, không thấy được. Ẩn nơi đất tâm, giờ đây đã mở Tri Kiến Phật rồi tức phiền não, vô minh nó tan, tâm sáng tỏ thì thân bảy đại này sẽ chuyển thành bảy báu, nên hiện ra sáng rỡ.

Trong đó hiện ra rồi, nó trụ giữa hư không chỉ cho không chỗ bám, không chỗ trụ. Bởi tâm sáng rồi, tháp này hiện ra thì nó không còn chỗ bám, không có chỗ trụ. Còn nếu có chỗ bám, có chỗ trụ thì nó bị chôn vùi trong lòng đất rồi. Đây hết chỗ bám mới hiện ra được, mà hết chỗ bám tức là hết chỗ để duyên. Tâm mình hết chỗ để duyên thì thấy tháp báu hiện ra liền, nếu hiện ra thì bảy báu sáng ngời.

Còn có chỗ để duyên thì nó chôn vùi dưới lòng đất, thấy đất nước nhơ nhớp. Mình ngay đây "khéo", tâm mà không có chỗ trụ, thì tháp báu sẽ sáng ngời hiện ra thôi.

Quý vị đọc kinh Pháp Bảo Đàn thấy Lục Tổ nghe kinh Kim Cang đến câu: "Bất ưng trụ sắc sanh tâm, bất ưng trụ thanh, hương, vị, xúc pháp sanh tâm, ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm". Không nên trụ nơi sắc mà sanh tâm, không nên trụ nơi thanh, hương, vị, xúc pháp mà sanh tâm, nên không có chỗ nào trụ thì tâm Bồ Đề hiện ra, Ngài liền đại ngộ. Ngài la lên: "Đâu ngờ tự tánh vốn thanh tịnh, đâu ngờ tự tánh vốn không sanh diệt", đó là tháp báu hiện ra chớ gì? Không trụ một chỗ nào hết thì tháp báu hiện ra liền. Hiện ra một cách bất ngờ.

Trong tháp đó chứa đầy đủ những thứ trang nghiêm tốt đẹp, chỉ cho trong đây đủ hằng sa diệu dụng, không thể nghĩ bàn, nghĩa là, trong Tri Kiến Phật đó, trong pháp thân đó nó đầy đủ diệu dụng trong đó.

Mình nghĩ rằng: buông hết mọi duyên rồi, không còn gì hết. Nhiều người nghĩ rằng buông hết mọi duyên chắc không còn biết gì! Có duyên thì có biết, hết duyên biết cái gì? Đây không phải vậy, buông hết, rồi còn biết diệu dụng nhiệm mầu nữa.

Chính chỗ này ngày xưa Nhị Tổ Huệ Khả thưa với Tổ Bồ Đề Đạt Ma: "Con bây giờ dứt bặt hết các duyên rồi". Tổ Đạt Ma gạn lại: "coi chừng rơi vào đoạn diệt" Huệ Khả thưa:

- Không.

Tổ hỏi:

- Sao biết "không"?

- Rõ ràng thường biết, nói không thể đến!

Rõ ràng thường biết thì làm sao "rơi vào đoạn diệt được". Đây cũng vậy, buông hết các duyên rồi thì nó sẽ biết khắp tất cả hết, nó sáng ngời hết. Diệu dụng đó không thể lường, chớ không phải là không còn gì hết. Nhưng chỉ có điều là "nói không thể đến" chỗ đó không phải là chỗ nói mà phải thể nghiệm chân thật.

Rồi phan lọng ở nơi tháp đó cao tới ngang trời Tứ Thiên Vương, tức là sao? Tức chỉ cho tháp này hiện ra, mở sáng chỗ này rồi thì thấy rõ bốn đại này không còn ngăn ngại nữa. Nghĩa là đất, nước, gió, lửa này không còn ngăn ngại được; trời, rồng đều tôn trọng hướng về chỗ đó. Mình bây giờ thấy bốn đại này nó ngăn, nó che nên tìm cách giải thoát. Nhưng đây thấy rõ bốn đại không ngăn được nó, chỉ mình mê lầm thôi. Thí dụ: bây giờ đây giơ tay lên thì ai không thấy? Hoặc là gọi, ai không biết "dạ"?

Vậy, giơ tay liền thấy, gọi liền biết "dạ" thì có gì che ngại được nó? Mặc dù bốn đại còn đây, mà đâu ngăn che được cái đó. Vậy thì ngay khi mình mê mà nó còn không ngăn che được nữa, huống là khi đã giác rồi!

Cho nên, khi giác rồi thì diệu dụng ứng ra không lường được. Nên ở đây diễn tả là nó " trang nghiêm tốt đẹp, cao vợi, các Trời, Rồng, Dạ xoa, Thiên, nhơn đem kỹ nhạc, chuỗi ngọc đến cúng dường tháp báu".

CHÁNH VĂN:

Bây giờ trong tháp báu vang tiếng lớn ra khen rằng: "Hay thay! Hay thay! Đức Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn! Có thể dùng huệ lớn bình đẳng vì đại chúng mà nói kinh Giáo Bồ Tát Pháp Phật Sở Hộ Niệm Diệu Pháp Liên Hoa. Đúng thế! Đúng thế! Đức Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn! Như lời Phật nói đó, đều là chơn thật".

GIẢNG:

“Tháp báu hiện ra giữa hư không, trong đó vang ra tiếng", đọc kinh này nếu đọc thường không đọc sâu trong ý nghĩa, thì thấy giống như là truyện tiểu thuyết. Nhưng đây ý nghĩa rất là sâu: trong tháp đó vang ra tiếng để chỉ cho trong Tịch mà có Chiếu. Từ chỗ không lời mà vang dội ra, khiến cho người thầm nhận có cái gì sâu xa đặc biệt trong đó chớ không phải là nó lặng lẽ không lời, là trơ trơ như gỗ đá.

Vì thường nói pháp thân là không tướng, lặng lẽ, không lời. Có người nghĩ vậy thành ra nó trơ trơ như cây, đá sao? Cho nên đây trong lặng lẽ đó, trong tịch đó mà có chiếu soi, có vang ra tiếng, không phải hoàn toàn lặng như chết. Đây "trong tháp vang ra tiếng", thì mình biết sao? Trong đó là có người phải không? Mình đây cũng vậy, trong tháp này vang ra tiếng, thì biết có người, có chủ trong đó chớ có mất đi đâu. Rồi khen ngợi Đức Thích Ca dùng "huệ lớn bình đẳng" mà nói Pháp Hoa. Huệ mà huệ lớn, bình đẳng thì huệ đó là huệ gì?

Thường ở thế gian, người thông minh cũng nói là trí tuệ, nhưng trí tuệ thế gian cũng là trí tuệ sanh diệt, vay mượn thôi. Đó chưa phải là trí tuệ lớn. Trí tuệ lớn đây chỉ cho trí tuệ Phật, là trí tuệ chân thật đó. Huệ đó là huệ bình đẳng, ai ai cũng có hết, không ai thiếu đó mới là lớn, là bình đẳng; còn cái người này có, người kia không thì chưa phải là lớn, tức là còn giới hạn.

Nhưng bây giờ có ai nghe tiếng khen từ trong tháp vang ra chăng? Thì đó mới là khéo, mình chỉ cần nghe được tiếng khen từ trong tháp vang ra đó thì mở được mắt Pháp Hoa. Tụng kinh Pháp Hoa cho đến một ngàn bộ, chưa nghe chỗ này thì chưa thấy Pháp Hoa được. Nghe thế nào thì mới nghe được tiếng này? Nghe mà mình quên chỗ nghe đi, tức là quên chỗ duyên đi thì nghe được tiếng này. Còn nghe mà nhớ chỗ nghe đó thì không nghe được tiếng này, vì nhớ chỗ nghe là nhớ bên ngoài. Vậy ngay chỗ này bắt đầu thấy rõ nó lộ ra một hiện tượng là có cái chân thật đó, nên vang ra tiếng đó.

CHÁNH VĂN:

Bây giờ, bốn chúng thấy tháp báu lớn trụ trong hư không, lại nghe trong tháp có tiếng nói ra, đều đặng pháp hỷ, lấy làm lạ chưa từng có, liền từ chỗ ngồi đứng dậy cung kính chắp tay rồi đứng một bên.

Lúc đó, có vị Đại Bồ Tát tên Đại Nhạo Thuyết biết lòng nghi tất cả trời, người, A tu la... trong thế gian mà bạch Phật rằng: "Bạch Thế Tôn! Do nhơn duyên gì mà tháp này từ đất nổi lên, lại ở trong tháp vang ra tiếng như thế?"

Lúc đó, Phật bảo Ngài Đại Nhạo Thuyết Bồ Tát: "Trong tháp báu này có toàn thân Như Lai, thời quá khứ về trước, cách đây vô lượng nghìn muôn ức vô số cõi nước ở phương Đông có nước tên Bảo Tịnh, trong nước đó có Phật hiệu là Đa Bảo, đức Phật đó tu hành đạo Bồ Tát phát lời thệ nguyện lớn rằng: "nếu ta được thành Phật sau khi diệt độ trong cõi nước ở mười phương có chỗ nào nói kinh Pháp Hoa, thời tháp miếu của ta vì nghe kinh đó mà nổi ra nơi trước để làm chứng minh khen rằng: "Hay thay!" Đức Phật đó thành Phật rồi lúc sắp diệt độ ở trong đại chúng trời, người bảo các tỳ kheo rằng: "Sau khi ta diệt độ muốn cúng dường toàn thân của ta thời nên dựng một tháp lớn".

Đức Phật đó dùng sức nguyện thần thông nơi nơi chỗ chỗ trong mười phương cõi nước, nếu có nói kinh Pháp Hoa thời tháp báu đó đều nổi ra nơi trước, toàn thân Phật ở trong tháp khen rằng: "Hay thay! Hay thay!".

GIẢNG:

Chỗ này ý nghĩa rất là sâu xa, trước là chúng thấy tháp báu, nghe được tiếng đó đều được pháp hỷ "đứng dậy", quý vị nghe mà đứng dậy thì chắc hay lắm, hay là còn ngồi im lìm tại chỗ. Có nghe được pháp hỷ tức là có chỗ cảm rồi. Nhưng có chỗ cảm mà chưa nhận, còn phải đợi Phật nói, nên đứng dậy chắp tay, đứng một bên chăm chăm nhìn đợi. Nghe âm thanh đó, biết có việc đó, biết có cái gì trong đó cho nên mới phát ra tiếng như vậy; nhưng chưa giáp mặt nên còn đợi Phật nói.

Tới đây vị Bồ Tát tên Đại Nhạo Thuyết hỏi Phật. Đại Nhạo Thuyết là nói hoài không hết, nói mãi mà không có chỗ gì để nói, chớ không phải là một bề không nói. Cho thấy pháp thân là chỗ vô tướng, không chỗ nói nhưng mà nói mãi. Thì Bồ Tát này đứng lên thưa hỏi là khế hợp với ý pháp thân đó. Phật bảo: "trong tháp đó có toàn thân của Như Lai thời quá khứ về trước, cách đây vô lượng nghìn muôn cõi nước. Trong đó có nước tên Bảo Tịnh, Phật tên là Đa Bảo, tu hành đủ hạnh Bồ Tát, phát nguyện lớn: nếu khi thành Phật rồi, sau khi diệt độ, cõi nước mười phương nói Pháp Hoa thì tháp miếu này vì nghe kinh Pháp Hoa mà hiện ngay nơi trước, chứng minh khen rằng; "Hay thay! Hay thay!". Tức là chứng minh việc đó chân thật. Vậy ở trong tháp này có toàn thân của Như Lai Đa Bảo. Như Lai Đa Bảo đó ở đâu vậy? Đó là ngầm chỉ trong cái thất đại này có pháp thân chân thật, pháp thân đó có đầy đủ diệu dụng, không thể nghĩ bàn hết. "Đa Bảo" tức là nhiều thứ báu, không thể kể hết được.

Phật đó diệt độ từ lâu rồi mà bây giờ "ở chỗ nào nói kinh Pháp Hoa thì tháp đó hiện ra, nghe kinh, còn phát ra tiếng khen nữa". Diệt độ rồi còn nói gì được mà phát ra tiếng? Quí vị mới thấy ý nghĩa sâu ở chỗ đó "diệt mà chẳng diệt". Tuy nói diệt đó mà chưa từng diệt gì hết! Bởi vì, người mê không thấy rõ nên thấy như là diệt, nhưng pháp thân đâu có diệt. Cho nên với người giác là người có nói Pháp Hoa, là người mở được Tri Kiến Phật thì liền thấy nó vốn chưa từng diệt. Cho nên chỗ nào nói Pháp Hoa thì chỗ đó hiện ra khen ngợi. Rõ ràng chưa từng diệt! Nghĩa là nó hằng chiếu soi, sáng ngời đó thôi, không mất đi đâu, không diệt đi đâu hết.

Cho nên đây, chứng minh bằng cách là phát ra tiếng nói: "Hay thay! Hay thay!" ở trong đó. Tháp thờ cái thân đã diệt rồi, nhưng còn phát ra tiếng thì đâu có diệt. Vậy nó không có mất đi đâu hết, chỉ tại mình mê thôi, nếu nhớ lại thì rõ ràng.

Nghe tới chỗ này, có ai nghe được Phật Đa Bảo nói chưa? Như ông Bùi Hưu vào chùa thấy vẽ hình cao tăng trên vách tường, ông hỏi trong chùa:

- Hình ở đây mà cao tăng ở đâu?

Thì cũng giống như đây - cái tháp ở đó còn người ở đâu? Trong chùa không có ai đáp được, ông hỏi:

- Trong chùa có thiền giả nào không?

- Có vị tăng mới đến, giống như thiền giả.

- Đâu, mời lại xem!

Tức Hoàng Bá được mời tới, ông nói:

- Hưu này mới có câu hỏi, nhưng chư tăng trong chùa tiếc lời, không ai trả lời. Xin ngài đáp cho!

Ngài Hoàng Bá nói:

- Đâu, ông hỏi lại coi!

Ông hỏi:

- Hình cao tăng ở đây, còn cao tăng ở đâu?

Hoàng Bá liền gọi tên ông:

-Bùi Hưu!

Ông liền:

- Dạ!

Ngài hỏi:

- Ở đâu?

Ngay đó ông liền thấy cao tăng.

"Dạ" đó giống như tiếng "Hay thay", phải không? Thì đâu có mất. Nghe tiếng "Dạ" đó thì thấy Phật Đa Bảo liền.

Vậy, rõ ràng cao tăng đó ở đâu? Ngay cái thân này thôi. Chính chỗ đó, trong Chứng Đạo Ca có câu: "huyễn hoá không thân tức pháp thân", cái pháp thân đó ngay trong thân huyễn hoá này. Qua đây, mình thấu suốt được cái thân huyễn hoá, thì thấu suốt được pháp thân hiện tiền đó thôi, không đâu khác hết.

Đây cũng vậy, ngay trong tháp bảy báu đó, tức cái thân thất đại này có toàn thân Phật Đa Bảo trong đó. Chỗ này không phải chỉ mấy vị xuất gia thấy được mà tại gia cũng thấy được. Chính vua Trần Thái Tông của Việt Nam, từng có bài kệ nói về ý nghĩa này:

Vô vị chân nhân thịt đỏ au
Hồng hồng, trắng trắng chớ lầm nhau.
Ai hay mây cuộn, trời trong vắt
Ven trời sương biếc núi một màu.

***
(Vô vị chân nhân xích nhục đoàn,
Hồng hồng, bạch bạch mạc tương man.
Thuỳ tri vân quyện trường không tịnh.
Thuý lộ thiên biên nhất dạng san.)

Ngài nói là có một vị chân nhân vô vị: chân nhân là con người chân thật mà không có ngôi vị gì hết, con người đó ở ngay trong cục thịt đỏ au này. Thịt đỏ au chỉ thân này nhưng mình chớ có lầm tưởng "hồng hồng, trắng trắng"đó. Nó ở ngay trong cục thịt đỏ au này, nhưng chớ có lầm với cục thịt "đỏ đỏ, trắng trắng" đó. Cục thịt "đỏ đỏ, trắng trắng" này là cục thịt vô tri thôi. Trong đó có cái chân thật sáng ngời, nó giác biết; chỉ có khi nào "mây cuộn trời trong vắt", tức là mây vô minh tan, trời trong vắt, thì sẽ thấy ngay nơi "ven trời sương biếc núi một màu", núi, sương, bầu trời một màu xanh vậy thôi.

Nghĩa là mây tan rồi, trước mắt tâm cảnh như như, pháp thân hiện bày trước mắt!

Vậy ngay cục thịt đỏ au này, rõ ràng có vị chân nhân không ngôi vị đang ngồi chễm chệ ngay đó, ngồi sờ sờ đó, chỉ có một điều là nhìn cho khéo: thấy được người đó mà đừng lầm với tướng "trắng trắng, hồng hồng" này, nhận cái tướng "hồng hồng, trắng trắng"đó cho là người chân thật là đi theo sanh diệt. Bởi vì tướng này ít lâu cũng ra nghĩa địa. Còn con người chân thật này thì vẫn là chân thật, chỉ có mình khéo vén được đám mây vô minh, thì thấy được con người chân thật đó, ngay trong cục thịt đỏ au này thôi.

Vì vậy, ngay trong thân này có "đức Phật Đa Bảo đã tịch diệt lâu rồi" nhưng vẫn không mất. Chỗ nào có nói Pháp Hoa thì tháp đó hiện ra thôi. Như ngay bây giờ đây, có nói Pháp Hoa thì có nó hiện. Tức là, mình tan được vô minh rồi thì nhìn đâu đâu cũng là pháp thân hiện này hết, không chỗ nào thiếu. Nhưng ở đây tháp đó hiện ra rồi, nó phát ra tiếng " Hay thay" là nó "nổi lên trên khỏi mặt đất ở giữa hư không", mình đây cũng vậy nếu được "nổi lên trên khỏi mặt đất" thì nó phát ra tiếng đó. Còn bây giờ bám chặt mặt đất, không dám rời chút nào hết, thành ra nó đâu có phát nổi "không rời mặt đất" tức là cứ bám vào cái thân sanh diệt này, làm sao phát ra tiếng kia được? Đơn giản vậy thôi. Đó là nhắc mình, ngay đây phải quên cái thân sanh diệt, buông cái ngã này đừng có bám chặt vào nó thì sẽ thấy Pháp Thân hiện ra.

CHÁNH VĂN:

Đại Nhạo Thuyết! Nay tháp của Đa Bảo Như Lai vì nghe nói kinh Pháp Hoa nên từ dưới đất nổi lên khen rằng: "Bạch Thế Tôn! Chúng con nguyện muốn thấy thân của đức Phật đó". Phật bảo ngài Đại Nhạo Thuyết Bồ Tát Ma Ha Tát: Phật Đa Bảo đó có nguyện sâu nặng: "nếu lúc tháp báu của ta vì nghe kinh Pháp Hoa mà hiện ra nơi trước các đức Phật, có Phật nào muốn đem thân ta chỉ bày cho bốn chúng, thời các vị Phật của Phật đó phân thân ra nói pháp ở các cõi nước trong mười phương đều phải nhóm cả một chỗ, vậy sau thân của ta mới hiện ra".

Đại Nhạo Thuyết! Các vị Phật của ta phân thân nói pháp ở các cõi nước trong mười phương nay nên sẽ nhóm lại. Ngài Đại Nhạo Thuyết bạch Phật rằng: thưa Thế Tôn! Chúng con cũng nguyện muốn thấy các vị Phật của Thế Tôn phân thân để lễ lạy cúng dường".

GIẢNG:

Ngài Đại Nhạo Thuyết do sức thần của Như Lai mà bạch Phật: "chúng con cũng muốn thấy được thân đức Phật đó". Nhưng Phật bảo: bây giờ muốn thấy không phải thấy suông vậy được, mà Phật đó có nguyện là khi Phật nào muốn chỉ thân ta cho bốn chúng, thì phải "gom hết các hoá thân" về một chỗ, rồi thì "thân Phật Đa Bảo" mới hiện ra. Chính chỗ này là chỗ mình phải nghe cho kỹ. Đại Nhạo Thuyết Bồ Tát nguyện được thấy, nhưng do sức thần của Như Lai, mới bạch Phật, tức là sao? Tức là phải dùng trí của Phật thì mới thầm hợp được việc đó. Còn dùng trí sai biệt của mình thì khó khế hợp được.

Rồi "Phật đó có nguyện, Phật nào muốn chỉ” thì "gom hết hoá thân về một chỗ" mới hiện ra được. Đây là một ý nghĩa tuyệt diệu!

Muốn thấy toàn thân Phật Đa Bảo, hay gọi là thấy tột được pháp thân đó, thì phải nhóm các vị Phật đang phân thân về một chỗ. Vậy thì hoá thân ở đâu mà gom về?

Tức là, mỗi tâm niệm đang phân tán chỗ này, chỗ kia đó. Bây giờ phải thâu về hết một chỗ đây thì nhìn thấy Pháp thân liền, Pháp thân hiện ra liền. Một niệm là một phân thân Phật chớ gì? Có niệm là có biết, biết tức là giác. Giác là hoá thân Phật chớ gì nữa? Bây giờ đây gom về một chỗ đi! Gom về một chỗ là sao? Tức là nhất tâm. Phải nhất tâm bặt những niệm kia, đây đừng cho đi đâu hết thì đảm bảo pháp thân hiện ra, không nghi ngờ!

Ngài Đại Nhạo Thuyết muốn thấy phân thân Phật; rồi đại chúng muốn thấy, tức là nhân Phật Đa Bảo đó, đại chúng cũng muốn thấy phân thân của Phật Thích Ca. Mà Phật Đa Bảo chỉ cho pháp thân Phật. Hay mình nói ngược lại, muốn thấy phân thân Phật Thích Ca, cũng phải nhân pháp thân Phật Đa Bảo mà thấy. Nghĩa là, phải tâm lặng lẽ thì mới thấy hết được các hoá thân đó. Còn tâm lăng xăng, lộn xộn thì làm sao thấy hết?

Thêm một điều nữa, lâu nay mình nghe nói Phật Thích Ca thì chỉ biết Phật Thích Ca sanh ra ở Ấn Độä, rồi nhập diệt ở rừng Sa La. Ở đây, Ngài nói Ngài còn vô số các hoá thân đi thuyết pháp mười phương nữa. Vậy Phật nào là Phật Thích Ca thật.

Bởi vậy, có người đặt câu hỏi: “nói Phật Thích Ca tu hành thành đạo chứng niết bàn rồi đến tám mươi tuổi cũng chết tại rừng Sa La như ai, không tu cũng chết, tu cũng chết", vậy thành đạo ở chỗ nào? Mình không thấy thấu được chỗ này, cũng lúng túng, cũng nghi ngờ! Đây thấy rõ, nếu chỉ thấy Phật Thích Ca nhập diệt ở rừng Sa La đó, thì chưa thấy Phật Thích Ca, Ngài còn phân thân mười phương nữa, Phật này gọi là Phật ứng thân thôi! Chưa phải là Phật thật. Ưùng thân, "thì có ứng ra, rồi ẩn đi”, nên có nhập diệt. Còn Phật thật đâu có hiện ra, đâu có ẩn đi. Hiểu như vậy mới thấy được ý nghĩa Phật thành đạo đó đâu phải thành cái thân này? Cái thân này rồi cũng phải diệt. Nhưng thành đó là thành chính cái “Tâm Bất Sanh, Bất diệt”, hay "Tâm giác ngộ" đó, chớ không phải thành thân tướng này. Thấy như vậy thì mới thấy được Phật Thích Ca thật.

CHÁNH VĂN:

Bấy giờ, Phật phóng một lằn sáng nơi lông trắng giữa chặng mày, liền thấy năm trăm muôn ức na do tha hằng hà sa cõi nước ở phương Đôâng. Các cõi nước đó thường dùng pha lê làm đất, cây báu, y báu để làm đồ trang nghiêm, vô số nghìn muôn ức Bồ Tát đầy dẫy trong nước đó. Khắp nơi giăng màn báu, lưới báu phủ trên đức Phật trong nước đó đều dùng tiếng lớn tốt mà nói các pháp, và thấy vô lượng nghìn muôn ức Bồ Tát khắp đầy trong nước đó vì chúng sanh mà nói pháp: Phương Nam, Tây, Bắc, bốn phía, trên dưới chỗ tướng sáng lông trắng chiếu đến cũng lại như thế.

Lúc đó, các Phật ở mười phương đều bảo chúng Bồ Tát rằng: "Thiện nam tử! Ta nay phải qua thế giới Ta Bà, chỗ của đức Thích Ca Mâu Ni Phật, cùng để cúng dường tháp báu của Đa Bảo Như Lai".

Lúc bấy giờ, cõi Ta Bà liền biến thành thanh tịnh, đất bằng lưu ly, cây báu trang nghiêm, vàng ròng làm dây để giăng ngăn tám đường, không có các tụ lạc, làng xóm, thành ấp, biển cả, sông ngòi, núi sông cùng rừng bụi. Đốt hương báu lớn, hoa mạn đà la trải khắp cõi đất, dùng lưới màn báu giăng trùm ở trên, treo những linh báu, chỉ lưu lại chúng trong hội này, dời các trời người để ở cõi khác.

Lúc đó, các đức Phật đều đem theo một vị Bồ Tát lớn để làm thị giả qua cõi Ta bà đều đến dưới cây báu, mỗi mỗi cây báu cao năm trăm do tuần, nhánh lá bông trái thứ lớp rất trang nghiêm, dưới các cây báu đều có toà sư tử cao năm do tuần cũng dùng đồ báu tốt mà trau dồi đó.

Khi ấy, các đức Phật đều ngồi xếp bằng trên toà này, như thế lần lựa đến khắp đầy cả cõi tam thiên đại thiên mà ở nơi thân của đức Thích Ca Mâu Ni Phật phân ra trong một phương vẫn còn chưa hết.

Bấy giờ, đức Thích Ca Mâu Ni vì muốn dung thọ các vị Phật của mình phân thân, nên ở tám phương lại biến thành hai trăm muôn ức na do tha cõi nước, đều làm cho thanh tịnh, không có địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh cùng a tu la, lại cũng dời các hàng trời người để ở cõi khác.

Những nước của Phật biến hoá ra đó cũng dùng lưu ly làm đất, cây báu trang nghiêm cao năm trăm do tuần nhánh lá bông trái đều có thứ lớp tốt đẹp, dưới cây đều có toà báu sư tử cao năm do tuần, dùng các thứ báu để trau dồi, những nước đó cũng không có biển cả sông ngòi và các núi lớn: núi Mục chơn lân đà, núi Thiết Vi, núi Đại Thiết vi, núi Tu di... thông làm một cõi nước Phật, đất báu bằng thẳng, các báu xen lẫn nhau làm màn trùm khắp ở trên, treo các phan lọng, đốt hương báu lớn, các hoa trời báu trải khắp trên đất.

Đức Thích Ca Mâu Ni Phật vì các Phật sẽ đến ngồi, nên ở nơi tám phương lại đều biến thành hai trăm muôn ức na do tha cõi nước, đều làm cho thanh tịnh, không có địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh và a tu la, lại dời các hàng trời người để ở cõi khác. Những nước biến hoá ra đó cũng dùng lưu ly làm đất, cây báu trang nghiêm, cao năm trăm do tuần nhánh lá bông trái thứ tự tốt đẹp, dưới cây đều có toà sư tử bằng báu cao năm do tuần, cũng dùng chất báu tốt mà trau dồi đó.

Những nước này cũng không có biển cả sông ngòi và các núi lớn: núi Mục chơn lân đà, núi Đại Mục chơn lân đà, núi Thiết vi, núi Đại Thiết vi, núi Tu di... thông lại làm một cõi nước Phật, đất báu bằng thẳng, ở trên treo các phan lọng, đốt hương báu tốt, các thứ hoa trời báu trải khắp trên đất.

Bấy giờ ở phương Đôâng, các đức Phật trong trăm nghìn muôn ức na do tha hằng hà sa cõi nước của đức Thích Ca Mâu Ni Phật phân thân ra, thảy đều nói pháp đến nhóm ở cõi này. Tuần tự như thế, các đức Phật trong cõi nước ở mười phương thảy đều đến nhóm ngồi ở tám phương. Bấy giờ, mỗi mỗi phương các đức Như lai ngồi khắp đầy trong bốn trăm muôn ức na do cõi nước.

GIẢNG:

Đây các Phật nhóm về một chỗ, nghĩa là "Phật Thích Ca phóng một lằn ánh sáng giữa chặng mày, thấy năm trăm muôn ức hằng hà sa cõi nước ở phương Đôâng, những cõi nước này đều là trang nghiêm tốt đẹp", các đức Phật ở trong đó đang nói pháp, thì đều cảm được ánh sáng này, mới bảo với các chúng Bồ Tát: "Bây giờ ta phải qua thế giới Ta bà chỗ Phật Thích Ca Mâu Ni, cúng dường Phật Đa Bảo Như Lai", thì "Bấy giờ, cõi Ta bà biến thành cõi trang nghiêm tốt đẹp", như là "đất bằng lưu ly, cây báu trang nghiêm, không có những tụ lạc, thành ấp". Trong đó " chỉ lưu lại chúng trong hội này thôi, các trời người dời để các cõi khác hết", mình không biết có bị dời đi không? "Lúc đó, các đức Phật đem theo vị Bồ Tát làm thị giả, qua đến cõi này", đó là một lần biến: biến cõi này thanh tịnh. Tiếp theo, "các đức Phật ngồi khắp cả tam thiên đại thiên ở nơi thân Phật Thích Ca phân ra trong một phương vẫn chưa hết", mới có một phương mà chưa hết, còn tám phương về nữa, thì ngồi đâu đây?

"Bây giờ, Phật Thích Ca muốn dung các đức Phật của mình ở tám phương, liền biến thành những cõi nước trang nghiêm thanh tịnh tốt đẹp nữa", đó là lần biến thứ hai. Rồi Phật Thích Ca vì các Phật "sẽ" đến ngồi đây, biết đâu có mình trong đó? Và đều biến thành các cõi nước trang nghiêm, Phật phóng hào quang chiếu đến các phương, trong hào quang đó thì thấy rõ hết các Phật ở mười phương. Đó là ý nghĩa: "Tất cả không rời ngay một niệm hiện tiền đây thôi". "phóng hào quang lông trắng giữa chặng mày này", tức là một niệm hiện tiền chớ không gì khác, ngay một niệm hiện tiền này nó chiếu hết, thấy hết tất cả những cõi nước ở mười phương nếu như mình khéo quên được niệm sanh diệt. Quên niệm sanh diệt kia, đây, thì mười phương ngay trước mắt không gì ngăn cách. Mình còn niệm sanh diệt kia, đây, cho nên thấy có đây, có kia, có ngăn cách. Chính chỗ này trong nhà thiền, có Thiền sư Nghĩa Tồn hỏi vị tăng:

- Ông ở đâu đến?

Vị tăng thưa:

-Từ Giang Tây đến!

Sư hỏi:

- Cách đây bao xa?

Vị tăng thưa:

- Chẳng xa!

Sư đưa cây phất tử lên bảo:

- Vậy thì có cách cái này hay không?

Vị tăng thưa:

- Nếu cách cái này thì liền xa vậy.

Sư liền đánh ông tăng. Mình nghe nói "đây cách kia" thì giống như thành phố Hồ Chí Minh cách đây bao xa? Theo ông tăng đây thì "chẳng xa". Bởi vì mình sống với tâm niệm mắc kẹt trong không gian, nên thấy có đây, có kia, thì đây cách thành phố Hồ Chí Minh xa. Còn nếu sống ngay niệm hiện tiền đây thôi, thì thành phố Hồ Chí Minh với đây có gì xa? Sở dĩ cách xa là nhìn trên cái thân này "nó có cách, có ở đây", thì không ở thành phố Hồ Chí Minh. Còn niệm chân thật hiện tiền đây thì nó có tướng mạo gì mà cách.

Do đó Thiền sư Nghĩa Tồn giơ cây phất tử lên hỏi: "có cách cái này không?" thì ông tăng nói: "nếu cách thì liền xa rồi!".

Đưa cây phất tử lên, hay đưa tay lên, nếu mình thấy cây phất tử hay thấy ngón tay, thì cách xa liền. Còn nếu ngay cây phất tử hay ngón tay đây mình thấy trở lại "cái chân thật ngay nơi mình", cái sáng ngời đó", thì có cách ở đâu? "thấy ngón tay", bị mgón tay cách thì liền xa. Thấy thấu qua ngón tay, thấy trở lại ngay cái gì đang sáng ngời nơi con mắt mình đó, thì có cách gì. Nghĩa là, ngay đây mình không khởi tâm động niệm, thì có cách gì đâu? Còn vừa khởi tâm động niệm thì "cách liền".

Vậy mười phương ngay một niệm thôi! Cho nên ở đây phóng luồng ánh sáng thì thấy tất cả mười phương. Rồi cõi Ta bà này biến thành Tịnh độ trang nghiêm. Mình quên được niệm dơ sạch thì ngay đây Tịnh độ liền. Còn mình sống với niệm có dơ, có sạch, rồi thấy đây là nhơ, kia là sạch, mà bỏ cõi này lên tịnh độ sạch hơn. Như câu chuyện bà già ngộ đó. Bà đến, trình ngài Bạch Ẩn, là bà thấy chỗ nào cũng sáng ngời hết! Ngài mới gạn: "cái hầm phân có sáng không". Khi “tâm sáng rồi" thì chỗ nào cũng sáng hết; còn tâm chưa sáng: còn thấy có chỗ sáng, có chỗ tối, có chỗ nhơ, có chỗ sạch. Đây cũng vậy, "thấy Phật Đa Bảo hiện ra" rồi tức là tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh, thì thấy cái gì cũng thanh tịnh hết! Vậy thì ngay đây Ta bà đã biến thành Tịnh độ rồi, còn bỏ đi đâu nữa? Nhưng có điều, muốn thấy như vậy thì phải gom hết tâm niệm lang thang đầu này đầu kia đi! Gom hết tâm niệm đó về đây thì thấy Ta bà thành Tịnh độ.

Kế là trong đó chỉ giữ chúng trong hội này thôi, còn những trời người đều dời đi chỗ khác, nhưng quý vị nghĩ "dời chỗ khác, thì dời chỗ nào đây"? Ởâ đây, chỉ có người trong cảnh mới thấy được như vậy thôi! Nghĩa là tâm mình thanh tịnh, mình chứng nghiệm được, thì mới thấy được chỗ thanh tịnh như vậy; thấy được Ta bà Tịnh độ như vậy. Còn mình đứng bên ngoài lý luận thì không bao giờ lý luận tới. Nói hay, nói giỏi mà tâm lang thang đầu này đầu kia thì cũng bị "dời đi chỗ khác". Vậy các vị đang ngồi đây có bị dời đi chỗ khác không? Đang ngồi nghe kinh trong hội Pháp Hoa, ở trong hội Pháp Hoa mà không thấy được Pháp Hoa, không thấy được cõi thanh tịnh đó mà để tâm lang thang là bị dời đi nơi khác chớ gì. Nghĩa là, cảnh đó ngay bên mình thôi, chứ không đâu xa hết, mà mình không thấy tức bị "dời đi" rồi. Còn ngay đó thu hết tâm lang thang về đây, thì ở trong hội Pháp Hoa vậy thôi.

Rồi "Chư Phật về đây, ngồi khắp cả tam thiên đại thiên mà chỉ mới thâu về ở phương Đông" thôi. Cho thấy tâm niệm lang thang của mình đó tính không biết bao nhiêu mà kể. Mới một phương thâu về, ngồi không hết rồi, tám phương thâu về không biết ngồi đâu nữa? Bấy giờ tám phương khác Phật biến thành Tịnh độ hết để ngồi cho đủ. Thế là Phật ngồi đầy kín hết trong cõi Ta bà, đó là ý nghĩa gì? Coi như Phật ngồi đầy khắp hết để chỉ cho tâm mình mà nó chuyên nhất rồi, nhất tâm rồi thì chỗ chỗ đều thanh tịnh sáng ngời, không có niệm tạp xen vào được. Chỗ nào cũng có Phật thì chỗ nào chen vào được. Có chúng sanh nào lang thang thì "dời chỗ khác" hết rồi thì ngay đó "Phật Đa Bảo hiện ra liền". Ý nghĩa chân thật là như vậy.

Rồi mỗi toà báu “cao năm trăm do tuần, Phật Phật nhóm đến vô số”, thì ở đâu cho hết đây?

Là phá thêm một ý niệm nữa. Phá cái tâm niệm hạn hẹp của mình, khiến quên cái niệm về không gian. Mình còn thấy có lớn, có nhỏ; cho nên còn thấy có rộng, có hẹp, vậy Phật về không biết ngồi ở đâu? Còn nếu tâm mình thanh tịnh rồi thì không gian biến mất, không thành vấn đề, không còn thấy có ranh giới nhỏ lớn. Mình còn mắc kẹt trong không gian, còn nghĩ có nhỏ, có lớn tức bị dời đi nơi khác liền. Do đó trong nhà thiền có câu là "núi Tu Di mà nhét trong hạt cải" cả quả núi mà nhét trong hạt cải, khiến cho mình quên cái niệm lớn nhỏ đi. Mình sống với đầu óc quen lý luận rồi, hiểu theo cái khuôn định sẵn từ xưa tới giờ, nghe như vậy là không thể nào hiểu nổi.

Song bây giờ theo tiến bộ khoa học trong đĩa nhỏ thôi người ta chứa cả Đại Tạng Kinh trong đó rồi! Thế gian còn như vậy, khi tâm mình thanh tịnh thì chuyện này là chuyện dễ dàng thôi. Hay quý vị chiêm nghiệm ngay chính mình, hôm nào nằm chiêm bao, thấy cảnh này, cảnh kia vô số. Khi tỉnh lại thì không rời khỏi cái gối. Vậy có lớn nhỏ gì đâu? Ý nghĩa rất là rõ ràng.

Cho nên đây, Phật hiện về đầy cả mà ngồi đủ hết, không chật gì. Rồi các vị Phật sẽ đến ngồi, cho nên "ở tám phương đó chuyển thành Tịnh độ", Phật sẽ đến là sao? Tức là, khi mình đã mở được Tri Kiến Phật thì mỗi niệm vọng tưởng cũng theo đó mà dứt. Tiến tới luôn hằng giác, niệm niệm Chư Phật hiện tiền, là Phật sẽ đến ngồi toà báu đó thôi! Nhưng đây không chuyển một lần, mà chuyển tới hai ba lần là cho thấy chúng sanh vọng tưởng điên đảo vô số, không phải chuyển một lần mà xong. Lý thì vốn sẵn có đó rồi, nhưng tu cũng phải trải qua thời gian, không phải một lúc mà sạch hết.

Ở trên nói Trí tuệ Phật là "không thể nghĩ bàn, Phật có vô lượng sức thần thông diệu dụng", nghĩa là người có ngộ có sáng tới đâu, nhưng nếu chẳng sống được trong đó thì không thể rõ được hết. Cho nên không thể đem một chút hiểu biết rồi tự hào ăn to nói lớn. Đó là chỗ để cho mình kiểm nghiệm lại. Do đó, học ở đây mới thấy ý nghĩa tu hành của mình rất rõ ràng. Như vậy "Phật Đa Bảo hiện ra, Phật Thích Ca phóng hào quang" mình thấy chuyện đó cũng là chuyện ở ngay nơi mình, chớ không phải đâu xa. Còn người học theo chữ nghĩa, như là chuyện của Phật thôi, không dính dáng gì đến mình.

CHÁNH VĂN:

Lúc đó, các đức Phật đều ngồi toà sư tử dưới cây báu, đều sai vị thị giả qua thăm viếng đức Thích Ca Mâu Ni Phật, đều đưa cho đầy bụm hoa báu mà bảo thị giả rằng: Thiện nam tử! Người qua đến núi Kỳ Xà Quật, chỗ của đức Thích Ca Mâu Ni Phật, theo như lời của Ta mà thưa cùng Phật thế này: "Như Lai có được ít bệnh, ít khổ, sức khoẻ an vui, và chúng Bồ Tát cùng Thanh Văn đều an ổn chăng?".

Rồi đem hoa báu này rải trên Phật để cúng dường mà thưa rằng:

"Đức Phật kia cũng muốn mở tháp báu này". Các đức Phật sai người đến cũng như vậy.

Bấy giờ, đức Thích Ca Mâu Ni Phật thấy các vị Phật của mình phân thân đều ngồi trên toà sư tử, đều nghe các Phật cùng muốn đồng mở tháp báu, Phật liền từ chỗ ngồi đứng dậy trụ trên hư không, tất cả hàng bốn chúng đều đứng dậy chắp tay một lòng nhìn Phật.

Khi ấy, đức Thích Ca Mâu Ni Phật dùng ngón tay hữu mở cửa tháp bảy báu vang ra tiếng lớn, như tháo khoá chốt mở cửa thành lớn.

GIẢNG:

Đến đây,“Phật mở cửa tháp báu", những đức Phật phân thân đó khi đến tụ hội đây rồi, thì "mỗi vị Phật đều sai thị giả đến thăm Phật Thích Ca và đồng muốn mở tháp báu". Tức là mỗi Phật, mỗi Phật đều tựu hội về đây cùng với Phật Thích Ca, đồng muốn mở tháp báu đó! Chỉ cho tâm tâm niệm niệm đều không khác, không còn ngăn cách nữa thì mới mở tháp báu được. Khi Phật Phật đồng muốn mở thì Phật Thích Ca liền từ chỗ ngồi "đứng dậy trụ trên hư không, tất cả bốn chúng cũng đồng đứng dậy chắp tay một lòng nhìn". Bây giờ bắt đầu hồi hộp! Muốn mở tháp báu, Phật Thích Ca cũng phải đứng dậy. Rồi Sao? Lên đứng trên hư không mở, chứ không đứng dưới đất mở được.

Đó, quý vị thấy mình cũng như vậy, muốn mở tháp báu thì cũng phải rời mặt đất này, chớ đạp mặt đất này hoài thì mở không được. Nhưng có ai chịu rời mặt đất chưa? Chắc còn tiếc chớ không rời nổi! Nghĩa là, rời mặt đất này sợ hỏng chân không chỗ đứng. Mà bám mặt đất này là bám cái thân sanh diệt thì không mở tháp báu được. Phải dám rời mặt đất này! Buông cái thân sanh diệt này! Bởi vì tháp báu ở trong hư không rồi! Không có chỗ trụ. Muốn mở tháp báu cũng phải không có chỗ trụ, tức là vô trụ thì mới mở được. Tâm mình buông hết chỗ bám, chỗ duyên đi thì mở tháp báu thôi. Chính chỗ này ông Bàng Uẩn đến hỏi Mã Tổ:

-Thế nào là người chẳng cùng muôn pháp làm bạn?

Mã Tổ bảo ông:

-Ông hớp một hớp mà cạn nước Tây Giang, thì ta nói cho!

Ngay đó ông tỏ ngộ liền.

Quý vị thấy, "người mà chẳng cùng muôn pháp làm bạn" tức là sao? Một mình thôi, buông hết mọi duyên. Còn mình bây giờ thích làm bạn. Không bạn với cái này thì bạn với cái kia. Tức luôn luôn có chỗ duyên. Còn "người này" là người không có chỗ duyên nào, thì người đó làm sao nói? Cho nên nói "Ôâng hớp một hớp cạn nước Tây Giang ta nói cho". Làm sao hớp một hớp mà cạn nước Tây Giang? Đã là "không cùng muôn pháp làm bạn", bặt hết chỗ duyên thì ông phải bặt hết chỗ suy nghĩ, ngay đó tôi nói cho ông liền. Ông còn có chỗ suy nghĩ, còn có chỗ duyên, tức là còn có bạn. Ông còn có bạn thì làm sao hiểu chỗ không bạn kia"? Cho nên khi ông nghe như vậy thì ông tỏ ngộ liền.

Chỗ này cũng vậy, "Muốn mở cửa tháp báu" đó, mà "tháp báu đó đang trụ ở hư không", thì Phật Thích Ca cũng phải "rời mặt đất, trụ trên hư không" mà mở tháp báu. Khi "Phật Thích Ca trụ trên hư không để mở" thì bốn chúng cùng đồng đứng dậy chắp tay một lòng nhìn Phật”, tức tất cả đều đồng nhất tâm không để cho xen niệm khác, lúc đó coi như một lòng chăm chăm vào chỗ đó thôi, thì tháp báu đó mới mở được, cũng như mới thấy được Phật Đa Bảo. Khi ấy Phật Thích Ca "Ngài dùng ngón tay hữu mở cửa tháp báu vang ra tiếng lớn", cũng như là "tháo cái khoá chốt", mở cửa thành lớn vậy. Chỗ này quý vị nghe có nghi gì không? Tháp báu đó là tháp lâu đời lâu kiếp rồi, từ Phật Đa Bảo nhập diệt đến đây không biết là bao nhiêu mà tính kể. Ổ khoá đó quý vị thấy nó có sét chưa? Phật Thích Ca sao Ngài mở được dễ dàng vậy? Đưa ngón tay mở là xong. Quý vị đọc qua chữ nghĩa, không thấy được ý sâu này.

Cửa tháp đó đã khoá kín từ muôn kiếp, muôn đời rồi, mà chỉ dùng một ngón tay mở là xong dễ dàng, mà đây mình không nghe Ngài mở cách sao nữa? Nghe nói lấy ngón tay mở mà không biết mở thế nào? Đáng lẽ phải lấy chìa khoá mở, mà đây chỉ cần lấy ngón tay khều nhẹ là xong! Mình nghe nói mở, cố suy nghĩ mở bằng cách nào? Nhưng sự thật "mở mà không mở" gì hết. Nhân duyên khế hợp "một cái khều nhẹ" thì nó mở. Còn mình lo suy nghĩ để mở, thì kín mít, không mở được. Chính chỗ này trong nhà thiền thí dụ như Ngài Câu Chi chỉ thấy Hoà thượng Thiên Long đưa ngón tay lên thì tỏ ngộ liền. Ngộ tức là mở cửa tháp báu chứ gì. Hoặc là như ngài Điểu Khoà ngài chỉ cần đưa sợi lông lên thổi thì Hội Thông tỏ sáng liền, vậy cũng là mở tháp báu rồi. Nghĩa là vô minh vọng tưởng của mình sâu dày từ vô lượng kiếp giống như là tháp báu đóng kín nhiều đời; giờ đây chợt xé tan mây vô minh đó thì pháp thân hiển lộ ngay, cửa tháp mở liền, chứ có gì đâu! Chỗ này không phải là chỗ công phu tạo tác hữu vi mà làm được. Vì công phu tạo tác là sinh diệt, mình cố mở này kia đó là sanh diệt, mà dùng công phu sanh diệt thì không mở được. Đây mở là khế hợp, mình thầm cảm thì nó mở liền.

Cho nên, chỗ này không có nói thời gian. Thoáng cái là mở liền. Cửa tháp mở thì sao? Đều vang ra tiếng, một tiếng vang lớn! Nghĩa là pháp thân hiển lộ thì chấn động cả nội tâm! Gọi là nó bừng mở không ngờ.

Cần nhớ là, muốn "mở cửa tháp báu" thì phải "rời khỏi mặt đất", tức là bao nhiêu những tình chấp của mình nó cố kết từ lâu đời mình phải buông đi. Chớ còn mình bám vào những cái thấy biết dính chặt nơi mặt đất này hoài, thì khó mở được. Đó là điểm mình phải chú ý! Vậy trong đây có ai nghe được tiếng vang từ tháp báu vang ra chưa? Nghe được tiếng vang đó chắc chắn cuộc đời mình chuyển hoá liền! Mà nghe được tiếng vang đó thì suốt đời không quên. Tiếng này vang lớn chấn động cả nội tâm!

Nghe được tiếng vang đó "chốt khoá nó bật mở liền". Chốt này là chốt gì? Chỉ là cái biết này thôi, chớ không gì khác. Chính cái biết này nó khoá chặt mình từ vô lượng kiếp đến nay. Nó khoá mình trong vô lượng kiếp luân hồi sanh tử. Biết mà biết vô minh, biết theo vọng tưởng, biết theo điên đảo thì chính cái biết đó nó dẫn mình đi trong sanh tử từ kiếp này qua kiếp khác, nếu không có cái biết này, như cây đá làm sao dẫn đi được. Rồi bây giờ đây cũng ngay cái biết này bật ra khỏi vô minh liền sáng tỏ. Nếu không có biết này lấy gì sáng tỏ? Nó bật ra khỏi vô minh, thì toàn thân Như Lai Đa Bảo liền lồ lộ đó thôi! Hết chạy trốn đâu, cũng hết còn che giấu được. Thì đó, chốt là ngay chỗ đó, "cái chốt biết". Ngay cái chốt biết này, bật ra được thì thấy toàn thân Phật Đa Bảo liền.

CHÁNH VĂN:

Tức thời, tất cả chúng trong hội đều thấy đức Đa Bảo Như Lai ở trong tháp báu ngồi toà sư tử, toàn thân không rã như vào cảnh thiền định, lại nghe Phật đó nói: "Hay thay!hay thay! Thích Ca Mâu Ni Phật xướng thích nói kinh Pháp Hoa đó, ta vì nghe kinh đó mà đến cõi này".

GIẢNG:

Giây phút này là giây phút tuyệt vời! Ai có giây phút này là nhớ đời, phải không? Tức là, ngay đây thấy Phật Đa Bảo y nguyên không rã rời, dù cho diệt cả vô lượng kiếp mà còn nguyên đó. Vậy là rõ ràng "diệt mà bất diệt". Chỉ cần một điều: mình nghe đây sao dám cam đảm và sẵn sàng buông chỗ đứng này đi: là hiến dâng cả thân mạng mình đây để cho việc đó là xong, còn tiếc cái này quá thì làm sao thấy được? Vậy là không mất đi đâu hết, thì bây giờ còn tìm ở đâu nữa?

Bây giờ còn thấy mất, còn đi kiếm là bởi vì sao? Bởi vì tâm còn lang thang vậy thôi. Còn lang thang còn đi dạo đầu này đầu kia thì mất thôi. Trái lại gom về đây thì thấy toàn thân Như Lai Đa Bảo hiện tiền chưa từng mất. Cho nên Phật nói là học Pháp Hoa để mở Tri Kiến Phật. Thị Tri Kiến Phật là như vậy đó. Mở cho mình thấy, hiển bày cho mình rõ chân thật nơi mình. Tin nhận được như vậy là được thọ ký rồi!

Vậy người nghe được chỗ này, nghe được tiếng vang đó, nghe được tiếng khen: "Hay thay!Hay thay!" đó là phải nghe sao? Tức, phải nghe sâu tận nơi nguồn tâm, mới nghe được. Còn mình nghe hời hợt trên hai tai này là khó nghe được. Tai nghe qua rồi ra khỏi đây quên mất. Khi nghe được như vậy, thấy được Phật Đa Bảo như vậy, là đầy đủ cái chân nhân: Là cái nhân chân thật để thành Phật, không còn chút gì để nghi ngờ nữa. Trên thế gian này không có gì sánh kịp.

Phật Đa Bảo có phát nguyện: "ở chỗ nào nói kinh này đều hiện đến để nghe", rồi “hiện đến để chứng minh" cho việc nói này nữa. Bây giờ đây, chỗ này cũng đang nói Pháp Hoa thì tại sao Ngài không hiện? Quí vị thấy sao? Ngài phát nguyện rõ ràng mà! Chỉ còn việc là chịu khó "gom hết các hoá thân Phật về" đi thôi, chỉ việc đó là xong.

Lúc đó "Phật Đa Bảo chia nửa toà cho Phật Thích Ca Mâu Ni" mà nói rằng: "Phật Thích Ca Mâu Ni có thể đến ngồi trên toà này". "Tức thời Phật Thích Ca Mâu Ni vào trong tháp báu ngồi xếp bằng trên nửa toà đó".

Giờ đây thì Phật Đa Bảo chia nửa pháp tòa cho Phật Thích Ca, kêu đến để hai vị cùng ngồi trên tháp báu. Quý vị thấy tới đây là sung sướng nhất, ngồi chung toà với Phật Đa Bảo, còn gì nói nữa?

Bởi vì Phật Thích Ca chỉ cho ứng thân. Thường thường, người chưa thấu tột thì thấy ứng thân, pháp thân, báo thân có khác, có sai biệt gọi là ba thân. Đến đây ứng thân, pháp thân vốn không hai, không tách rời nhau. Muốn thấy pháp thân cũng phải ngay nơi ứng thân này mà thấy thôi, không phải rời thân này mà thấy pháp thân được. Bởi vậy kinh Kim Cang nói rõ:

"Nhược kiến Chư tướng, phi tướng tức kiến Như Lai"

Tức là, thấy các tướng chẳng phải tướng thì liền thấy Như Lai. Vậy thấy Như Lai là thấy ở đâu? Ngay nơi các tướng mà liền thấy chẳng phải tướng. Thì cũng vậy, "ngay nơi tướng này mình liền thấy không phải tướng thì liền thấy Phật Đa Bảo". Phật Đa Bảo cũng ngay nơi thân tướng này, thì hai Phật ngồi chung. Mình còn có niệm đây kia, bỏ cái này để thấy Phật Đa Bảo thì không thấy được.

Có vị tăng hỏi Triệu Châu:

-Theo lời thầy dạy "khi thế giới này hoại thì tánh này chẳng hoại", vậy thế nào là tánh này?

Ngài Triệu Châu đáp:

-Bốn đại năm uẩn.

Ông tăng liền thưa:

-Cái đó vốn là hoại. Thế nào là tánh này?

-Ngài Triệu Châu xác định lại:

- Bốn đại năm uẩn.

Người thường nghe không thể hiểu nổi. "Tánh này tánh bất hoại", dù cho thế giới này hoại, nhưng nó không hoại. Mọi người nghe như vậy, thì liền nghĩ ngoài thân này có tánh gì không hoại. Nhưng hiểu kiểu đó thì bao giờ thấy được tánh này? Cho nên ngài Triệu Châu nói là: "Bốn đại năm uẩn". Ngay nơi thân năm uẩn này mà thấy được tánh đó thôi, không thể rời thân này mà thấy, chỉ có điều mình phải khéo ngay nơi thân này, thấy thấu qua thân này, chứ không phải bám chấp vào thân này. Như vua Trần Thái Tông nói: "đừng lầm" với tướng "hồng hồng trắng trắng" này, thì thấy được tánh bất hoại đó. Mà thấy được tánh bất hoại đó thì thấy được Phật Thích Ca, Phật Đa Bảo ngồi chung một toà. Vậy thì thấy rõ cái bất diệt nó nằm sẵn ngay cái sanh diệt, chớ không thể bỏ cái sanh diệt này mà tìm chỗ khác.

CHÁNH VĂN:

Bấy giờ, hàng tứ chúng thấy đức Phật đã diệt độ vô lượng nghìn muôn ức kiếp về trước nói lời như thế đều khen là việc chưa từng có, đều đem hoa trời báu rải trên đức Phật Đa Bảo và Phật Thích Ca Mâu Ni,

Lúc đó, đức Đa Bảo Phật ở trong tháp báu chia nửa toà cho Thích Ca Mâu Ni Phật mà nói rằng: "Thích Ca Mâu Ni Phật có thể ngồi trên toà này". Tức thời đức Thích Ca Mâu Ni Phật vào trong tháp báu ngồi xếp bằng trên nửa toà đó.

Bấy giờ, hàng đại chúng thấy hai đức Như Lai ngồi xếp bằng trên toà sư tử trong tháp bảy báu thời đều nghĩ rằng: "Đức Phật ngồi trên cao xa, cúi mong đức Như Lai dùng sức thần thông làm cho bọn chúng con đều được ở trên hư không.

Tức thời đức Thích Ca Mâu Ni Phật dùng sức thần thông tiếp hàng đại chúng đều ở hư không, rồi dùng tiếng lớn mà khắp bảo đó rằng: "Ai có thể ở trong cõi Ta bà này rộng nói kinh Diệu Pháp Liên Hoa nay chính phải lúc, Như Lai không bao lâu sẽ vào Niết Bàn, Phật muốn đem kinh Pháp Hoa này phó chúc cho các người".

GIẢNG:

Tức là đại chúng thấy hai đức Phật ngồi xếp bằng trên toà sư tử bảy báu đó, nhưng ngồi trên hư không. Cho nên đại chúng nghĩ rằng: Đức Phật ngồi trên cao, còn đại chúng đang ở dưới đất, mong chờ đức Như Lai dùng sức thần để làm cho mọi người lên hư không. Ngay đó, "Phật Thích Ca mới dùng sức thần thông tiếp hàng đại chúng đều lên hư không" luôn, và ngay đó Phật mới tuyên bố lớn tiếng để bảo hết: "Ai có thể ở trong cõi Ta bà này rộng nói kinh Diệu Pháp Liên Hoa", thì ngay lúc này là đúng lúc rồi, hãy phát tâm, Như Lai sẵn sàng phó chúc cho người đó. Đây là những giây phút rất đặt biệt. Đại chúng thấy như vậy rồi, nhưng tâm niệm thì chưa rời mặt đất, còn thấy có cách biệt: cách biệt mình với Phật, nên mong Phật tiếp mình lên hư không.

Đó là chỗ rất là vi tế, ở mặt đất là vẫn còn sống với thân tâm sanh diệt này. Biết có Phật đó, hay là thấy có Phật đó, nhưng tập khí lâu đời vẫn còn bám vào thân tâm sanh diệt này chưa quên, cho nên còn ở dưới đất, chưa rời khỏi mặt đất. Nếu lên khỏi mặt đất, là buông khỏi chỗ thân tâm sanh diệt này, để sống trở về với cái gốc xưa đó, cái gốc bất diệt đó mà danh từ chuyên môn của kinh Pháp Hoa gọi là Bản môn. Chính chỗ đó là chỗ quê nhà muôn thưở.

Rồi Phật "tiếp đại chúng lên hư không" phó chúc cho cả, nay là đúng lúc nên nói Pháp Hoa. Tức là buông được chỗ bám này rồi, thì chính lúc đó là lúc đáng nói Pháp Hoa. Mình buông được chỗ bám này đi thì ngay lúc đó là lúc "Phật phó chúc". Như vậy Phật sãn sàng phó chúc cho các người, nhưng không biết ai chịu nhận hay không? Rõ ràng Phật tuyên bố: "Ai có thể trong cõi Ta bà này rộng nói kinh Pháp Hoa, nay chính phải lúc", vậy không phải là bảo riêng cho trong chúng hội, mà bảo chung cho tất cả. Phật sẵn sàng hết rồi, còn đợi một phần nữa là của mình thôi, mình có chịu hay không. Vậy có ai nhận lên khỏi mặt đất chưa?

Đây Phật trùng tuyên lại ý trên.

CHÁNH VĂN:

Khi ấy, đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:

Đấng thánh chúa Thế Tôn
Dẫu diệt độ đã lâu
Ở trong tháp báu này
Còn vì pháp mà đến
Các ông lại thế nào
Há chẳng siêng gì pháp?
GIẢNG:

Phật Đa Bảo đã diệt độ từ lâu như vậy, còn vì pháp mà hiện đến. Bây giờ mọi người hiện đang sống đây, đang sáng suốt rõ ràng đây, tại sao lại bỏ qua? Vậy có đáng tiếc, đáng trách không? Cho nên Phật nói: "Há chẳng siêng vì pháp sao?". Hãy mau đến!

CHÁNH VĂN:

Phật Đa Bảo diệt độ
Đã vô lượng số kiếp
Nơi nơi đến nghe pháp
Vì khó gặp đặng vậy
Phật kia bổn nguyện rằng
Sau khi ta diệt độ
Nơi nơi tháp ta qua
Thường vì nghe Pháp Hoa
GIẢNG:

Đây nói Phật đã diệt từ lâu, nhưng bổn nguyện vẫn luôn luôn là: Ở nơi nào có nói Pháp Hoa thì hiện đến nghe. Nghĩa là, thân tuy diệt mà pháp vẫn không diệt hay là trong cái diệt mà bất diệt. Đó muốn nhắc mình phải biết quý trọng kinh Pháp Hoa này, tức Tri Kiến Phật này là chỗ sống của chư Phật.

CHÁNH VĂN:

Lại vô lượng các Phật,
Số nhiều như hằng sa
Của ta phân thân ra
Vì muốn đến nghe pháp
Và cùng để ra mắt
Phật diệt độ Đa Bảo
Nên đều bỏ cõi đẹp
Cùng với chúng đệ tử
Trời, người, rồng, thần thảy
Và các việc cúng dường
Muốn pháp lâu ở đời
Cho nên đến cõi này.
GIẢNG:

Đây nói các vị hoá Phật cùng hiện đến để cùng chứng thật cho diệu pháp này. Diệu pháp này chính là Tri Kiến Phật đó. Gom hết các Hoá Phật về diệu pháp này thôi, thì gặp Phật Đa Bảo, chính chỗ đó là chỗ pháp được ở lâu dài nơi đời.

CHÁNH VĂN:

Ta vì các Phật ngồi
Dùng sức thần thông lớn
Dời vô lượng trời người
Làm cho nước thanh tịnh
Các đức Phật mỗi mỗi
Đều đến dưới cây báu
Như hoa sen trang nghiêm
Nơi ao báu trong sạch
Dưới mỗi cây báu đó
Có toà báu sư tử
Phật xếp bằng ngồi trên
Sáng suốt rất đẹp đẽ
Như giữa đêm tối tăm
Đốt đuốc lớn lửa sáng
Thân Phật thoảng hương thơm
Bay khắp mười phương cõi
Chúng sanh được hương xông
Vui mừng không kể xiết
Thí như luồng gío lớn
Thổi lay nhánh cây nhỏ
Dùng các phương tiện đó
Làm cho pháp ở lâu.
GIẢNG:


Đây nói rằng Phật Thích Ca vì các Hoá Phật đó mà dời hết trời người" ở đây, làm cho cõi Ta bà thành thanh tịnh. "Các vị Phật đó đều đến cây báu ngồi trên hoa sen, thân tâm đều sáng ngời trang nghiêm thanh tịnh". Tức biến Ta Bà thành tịnh độ,

Vậy, mình gom được các Hoá Phật về một chỗ đó thì sẽ thấy Ta bà này sẽ biến thành tịnh độ. Trong khi ở đây, cõi tịnh độ Phật đã biến như vậy, mà tâm mình mê thành ra ở trong đó cũng không thấy được, cho nên "bị dời đi cõi khác". Tâm mê nên ở cõi Ta bà mà nói dời đi cõi khác, chớ không phải dời đi đâu.

Mỗi mỗi Hoá Phật ngồi dưới cây báu, đều trang nghiêm tốt đẹp như là đuốc lớn sáng, thoảng hương thơm. Đóù là niệm niệm đều giác hết. Rồi sao nữa? Rồi "thân Phật toả hương thơm, Thánh vui mừng không kể xiết, giống như luồng gió lớn thổi lay nhánh cây nhỏ," nghĩa là khiến cho tất cả đều phải thuận theo, vui mừng không thể tự kiềm chế được. Nhánh cây nhỏ cũng được thổi lay, cũng được đánh thức, đó là cách làm cho pháp ở lâu nơi đời.

CHÁNH VĂN:

Nói cùng hàng đại chúng
Sau khi ta diệt độ
Ai có thể hộ trì
Đọc nói kinh pháp này
Thời nay ở trước Phật
Nên tự phát lời thệ.
GIẢNG:


Đó là Phật phó chúc. Sau khi Phật Thích Ca diệt độ, "Ai có thể hộ trì, nay nên tự phát nguyện", ở phần trước đã khai thị, tức là mở bày Tri Kiến Phật rõ rồi, bây giờ thì phải Trì. Hộ trì là phải gìn giữ, sống cho được luôn luôn ở trong đó. Mà muốn gìn giữ thì phải phát tâm kiên cố, giữ vững trước mọi khó khăn. Nên đây nói là: "Nên tự phát lời thệ", tức là có tâm bền bỉ, kiên cố, không thì lâu lâu thấy khó liền nản rồi lui sụt là không trì được Pháp Hoa.

CHÁNH VĂN:

Coi Phật Đa Bảo kia
Dầu đã diệt từ lâu
Do bổn thệ nguyện rộng
Mà còn rền tiếng lớn
Đức Đa Bảo Như Lai
Và cùng với thân ta
Nhóm họp các hoá Phật
Phải nên biết ý này.
GIẢNG:


“Phật Đa Bảo diệt từ lâu rồi, do bổn thệ đó mà rền tiếng lớn", tức là, Phật diệt từ lâu, nhưng chỗ nào nói Pháp Hoa liền hiện đến, lớn tiếng tán thán: "Hay thay!" ý nói thân diệt nhưng không để cho Tri Kiến Phật này nó diệt, nó gián đoạn.

"Đức Đa Bảo Như Lai, và cùng với thân ta nhóm họp các hoá Phật, phải nên biết ý này", Đây là Phật thổ lộ ý sâu kín đó. Cho thấy rõ, không phải là mình hiểu trên hình ảnh thông thường thôi, nó có ý sâu trong đó. Tức là ý này không thể hiểu hời hợt trên chữ nghĩa.

Muốn mở cửa tháp này để thấy được pháp thân, thì phải gom hết tâm niệm đang lang thang trở về một chỗ, mà đây nói rằng "những hoá Phật". Ngài muốn nhắc lại là phải thấu được ý đó.

Hiểu đây rồi, quý vị hiểu qua kinh Di Đà cũng nói lên ý đó, nghĩa là người niệm Phật: "từ một ngày đến bảy ngày, nhất tâm bất loạn", thì "Phật và thánh chúng hiện ra trước". Niệm Phật đến nhất tâm bất loạn là không còn có tâm niệm lang thang nữa thì Phật Di Đà và thánh chúng sẽ hiện ngay trước mặt, khỏi phải tìm qua tới Tây Phương. Cũng hợp với đây thôi, nhất tâm bất loạn là gom về một chỗ chứ gì? Thì thấy Phật Di Đà ngay trước mặt, ở đây thì mở cửa tháp báu thì thấy Phật Đa Bảo.

CHÁNH VĂN:

Các hàng Phật tử thảy
Ai có thể hộ pháp
Nay nên phát nguyện lớn
Khiến pháp ở đời lâu
Có ai hay hộ đặng
Kinh Diệu Pháp Hoa này
Thời đã là cúng dường
Thích Ca cùng Đa Bảo.
GIẢNG:


Hộ trì được kinh Pháp Hoa này là cúng dường Phật Thích Ca và Phật Đa Bảo. Vậy cúng dường Phật là sống giữ gìn kinh này. Sống giữ gìn Tri Kiến Phật đó, là cúng dường trên hết trong các thứ cúng dường. Đó gọi là pháp cúng dường.

CHÁNH VĂN:

Đức Đa Bảo Phật đây
Ơû trong pháp báu lớn
Thường dạo qua mười phương
Vì để nghe kinh này,
Cũng là để cúng dường
Các hoá Phật đến nhóm
Trang nghiêm rất sáng đẹp
Các thế giới vô lượng
Nếu người nói kinh này
Thời là đã thấy ta
Cùng Đa Bảo Như Lai
Và các vị hoá Phật.
GIẢNG:

Đây thuật lại tháp Phật Đa Bảo sẵn sàng hiện lên khắp mười phương, để cúng dường các hoá Phật, cũng như nghe kinh Pháp Hoa này.

Và "Ở trong các thế giới vô lượng đó, nếu người nói kinh này là đã thấy ta", tức là thấy Phật Thích Ca, "Phật Đa Bảo Như Lai cùng các vị hoá Phật". Như vậy hiện nay nhiều chỗ cũng nói kinh này, thì có thấy hay không? Nếu không thấy thì kinh nói dối sao? Cần rõ kinh này là kinh gì, phải là bộ kinh để trên bàn đó không? Hiểu chỗ này thì thông được ý trên.

CHÁNH VĂN:

Các thiện nam tử này
Đều nên suy nghĩ kỹ
Đây là việc rất khó
Phải phát nguyện rộng lớn
Bao nhiêu kinh điển khác
Số nhiều như hằng sa
Dẫu nói hết kinh đó
Cũng chưa đủ làm khó
Hoặc đem núi Diệu Cao
Ném để ở phương khác
Cách vô số cõi Phật
Cũng chưa lấy làm khó,
Nếu người dùng ngón chân
Động cõi nước Đại Thiên
Ném xa qua cõi khác
Cũng chưa lấy làm khó
Hoặc đứng trên hữu đảnh
Nói vô lượng kinh khác
Vì để dạy bảo người
Cũng chưa lấy làm khó
Nếu sau lúc Phật diệt
Người ở trong đời ác
Có thể nói kinh này
Đây thời rất là khó.
GIẢNG:


Đây cho thấy chỗ tôn kính của kinh Pháp Hoa này. Người mà đem núi Diệu Cao, tức núi Tu Di mà ném qua cõi khác; rồi dùng ngón chân hất cõi Đại Thiên đó, chuyện đó còn dễ. Còn sau khi Phật diệt độ rồi, nói được kinh này đó là khó. Bởi vì đây kinh này là chỗ sống của Chư Phật, chỗ đó vượt ngoài sức hiểu biết của tình phàm. Cho nên đó là chỗ khó tin mà bây giờ mình nói được, tin được chỗ đó, quả là chuyện lớn chớ không phải thường.

CHÁNH VĂN:

Giả sử lại có người
Dùng tay nắm hư không
Để mà khắp dạo đi
Cũng chưa lấy làm khó
Sau khi ta diệt độ
Nếu người tự thọ trì
Hoặc bảo người thọ trì
Đây thời là rất khó
GIẢNG:


Thọ trì là gìn giữ, là mình luôn nhớ không có quên, còn đánh thức thêm cho những người khác nữa. Sống được chỗ này là chỗ rất khó.

CHÁNH VĂN:

Hoặc đem cả cõi đất
Để trên móng ngón chân
Bay lên đến Phạm Thiên
Cũng chưa lấy làm khó
Sau khi Phật diệt độ
Người ở trong đời ác
Tạm đọc kinh pháp này
Đây thời mới là khó.
GIẢNG:


Vậy cho thấy rằng thần thông cũng không qua khỏi kinh này; cốt là sống được tri Kiến Phật này là cái gốc thù thắng nhất.

CHÁNH VĂN:

Giả sử gặp kiếp thiêu
Gánh mang những cỏ khô
Vào lửa không bị cháy
Cũng chưa lấy làm khó,
Sau khi Phật diệt độ
Nếu người trì kinh này
Vì một người mà nói
Đây thời mới là khó.
Hoặc người trì tám muôn
Bốn nghìn các tạng pháp
Đủ mười hai bộ kinh
Vì người mà diễn nói
Khiến các người nghe pháp
Đều đặng sáu thần thông
Dẫu được như thế đó
Cũng chưa lấy làm khó
Sau khi ta diệt độ
Nghe lãnh kinh điển này
Hỏi nghĩa thú trong kinh
Đây thời mới là khó.
GIẢNG:


Kiếp thiêu, tức là kiếp hoả tai, lửa cháy tan cả quả đất này nữa. Lúc đó mình mang cỏ khô đi trong đó mà không cháy là hi hữu. Phật nói như vậy cũng chưa khó mà "trì kinh này, vì một người mà nói, đây mới là khó hơn", vì đây là sống trở về Tri Kiến Phật, là chỗ hằng hữu sáng ngời không bao giờ hoại. Cái này dù kiếp thiêu cũng không hoại nó được, đó mới là chỗ đặc biệt.

CHÁNH VĂN:

Hoặc có người nói pháp
Làm cho nghìn muôn ức
Đến vô lượng vô số
Hằng hà sa chúng sanh
Chứng đặng A La Hán
Đủ sáu phép thần thông
Dẫu có lợi ích đó
ũng chưa phải là khó.
Sau khi ta diệt độ
Nếu người hay phụng trì
Những kinh điển như đây
Đây thời là rất khó.
Ta vì hộ Phật đạo
Ở trong vô lượng cõi
Từ thuở trước đến nay
Rộng nói nhiều các kinh
Mà ở trong kinh đó
Kinh này là bậc nhất
Nếu có người trì được
Thời là trì thân Phật.
GIẢNG:


Đây Phật nói rõ: nói bao nhiêu kinh khác, cũng không khó, mà phụng trì kinh điển này mới là khó. Ngài nói rằng từ thuở trước đến nay, Ngài rộng nói nhiều các kinh, trong các kinh đó kinh này là bậc nhất, nên đây gọi là vua các kinh, trì được đây là trì thân Phật.

Chỗ này là chỗ phải thấy ngoài ngôn ngữ văn tự, ngôn ngữ văn tự không thể nói hết được. Cho nên mình đọc ở đây là học cái sống, chớ không phải học cái chết. Những điều này Phật nhấn mạnh là phải trì, trì là giữ gìn sống được trong đó. Còn học chữ nghĩa, dù cho nói được nhiều kinh điển cũng chưa lấy làm khó, bởi vì sao? Trong kinh A Hàm có bài kinh Phật cùng các vị tỳ kheo đến nhà Phước Đức ở trong rừng Trúc tại thành Vương Xá, đêm đó Phật ngủ lại rồi Phật dẫn các vị tỳ kheo đến khu rừng gọi là rừng Thân Thứ, đến đó Phật ngồi dưới gốc cây, Phật nắm lá cây trong tay nói rằng: "lá cây trong tay ta là nhiều hay lá trong rừng nhiều?", các vị tỳ kheo nói: "lá trong tay ít chỉ có một nắm, còn lá trong rừng không thể tính kể hết". Phật nói: "những điều ta nói cho các ông cũng như nắm lá trong tay vậy thôi! Còn những điều ta chứng, ta chưa nói cho các ông cũng như lá trong rừng".

Như vậy, ngài muốn nhắc mình cái gì? Dù cho mình học hết tam tạng kinh điển đi chăng nữa thì cũng chỉ là nắm lá trong tay. Còn lá trong rừng làm sao học đây? Tức là mình phải sống được, thấy được cái gì ngoài chữ nghĩa, ngoài sách vở kia! Bởi những điều đó Phật không nói hết được, phải người chứng mới cảm nhận được thôi.

Cho nên đây Phật nói: có bao nhiêu kinh điển Phật nói đó không khó, bởi bao nhiêu kinh điển đó cũng như nắm lá trong tay thôi. Còn nắm lá trong rừng mới khó. Thấy được lá trong rừng, nhận được lá trong rừng là khó! Lá trong rừng chỉ cho chỗ chứng này.

CHÁNH VĂN:

Các thiện nam tử này
Sau khi ta diệt độ
Ai có thể thọ trì
Và đọc tụng kinh này
Thời nay ở trước Phật
Nên tự nói lời thệ
Kinh pháp đây khó trì
Nếu người tạm trì đó
Thời ta rất vui mừng
Các đức Phật cũng thế
Người nào được như vậy
Các đức Phật thường khen
Đó là rất dõng mãnh
Đó là rất tinh tấn
Gọi là người trì giới
Bực tu hạnh Đầu Đà
Thời chắc sẽ mau đặng
Quả vô thượng Phật đạo.
GIẢNG:


Đây là Phật tán thán, người sống được kinh này, sống được Tri Kiến Phật này, đó là Phật pháp vẫn còn ở thế gian không mất, đó là chánh pháp thường vẫn sáng. Cho nên Phật vui mừng, thấy ai trì được kinh này, sống được kinh này.

CHÁNH VĂN:

Có thể ở đời sau
Đọc trì kinh pháp này
Là chân thật Phật tử
Trụ ở bậc thuần thiện
Sau khi Phật diệt độ
Có thể hiểu nghĩa này
Thời là mắt sáng suốt
Của trời người trong đời
Ở trong đời kinh sợ
Hay nói trong chốc lát
Tất cả hàng trời người
Đều nên cúng dường đó.
GIẢNG:


Như vậy, người trì được kinh này Phật nói đó "mới chân thật Phật tử", gọi là mắt sáng trong đời nữa!

Tóm lại, đây gọi là "tháp Phật Đa Bảo hiện ra, rồi Phật Thích Ca mở cửa tháp vào ngồi trong đó". Vậy là Phật Đa Bảo hiện trước rõ ràng rồi, đó là pháp thân đã hiển bày. Nhưng còn điều quan trọng nữa là luôn luôn giữ gìn hiện tiền mãi không có mất. Đó là sức sống chân thật, mà Pháp Hoa chân thật ngay chỗ đó, chứ không phải bộ kinh bằng giấy bằng mực này.

Cho nên, Phật ân cần dặn dò mình: phải phát thệ trì kinh. Trì kinh là giữ gìn không để cho nó mất, không để cho gián đoạn. Ở đây nói “Phật Đa Bảo diệt độ từ lâu", là "có mà không hay không biết" giống như diệt độ. Hôm nay nhận ra được, đó là chuyện hy hữu rồi, còn điều thiết yếu nữa là rất trân trọng giữ gìn, đây ý muốn nhắc đến điều đó.

 

[ Quay lại ]