headertvtc new


   Hôm nay Thứ hai, 23/12/2024 - Ngày 23 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

KINH PHÁP HOA - PHẨM TỰA

CHÁNH VĂN:

1. Tôi nghe như thế này: Một thuở nọ đức Phật ở trong núi Kỳ Xà Quật, nơi thành Vương Xá, cùng chúng đại Tỳ kheo một muôn hai nghìn người câu hội. Các vị đó đều là bậc A-la-hán, các lậu đã hết, không còn phiền não, việc lợi mình đã xong, dứt sự ràng rịt trong các cõi, tâm được tự tại. Tên của các vị đó là: A Nhã Kiều Trần Như, Ma Ha Ca Diếp, Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp, Dà Gia Ca Diếp, Nan Đề Ca Diếp, Xá Lợi Phất, Đại Mục Kiền Liên, Ma Ha Ca Chiên Diên, A Nậu Lâu Đà, Kiếp Tân Na, Kiều Phạm Ba Đề, Ly Bà Đa, Tất Lăng Già Bà Ta, Bạc Câu La, Ma Ha Câu Si La, Nan Đà, Tôn Đà La Nan Đà, Phú Lầu Na Di Đa La Ni Tử, Tu Bồ Đề, A Nan, La Hầu La v.v… Đó là những vị đại A la hán, hàng tri thức của chúng.

Lại có bậc hữu học và vô học hai nghìn người. Bà Tỳ kheo ni Ma Ha Ba Xà Ba Đề, cùng với quyến thuộc sáu nghìn người câu hội, mẹ của La Hầu La là bà Tỳ kheo ni Gia Thâu Đà La cũng cùng với quyến thuộc câu hội.

GIẢNG:

Đây là phần lục chủng chứng tín, hay lục chủng thành tựu, phần này còn dài. Ở đây giải trước phần đầu này.

*Tôi nghe: gọi là Văn thành tựu. Tức là chỉ cho Ngài A Nan, Ngài nghe.

A Nan là một vị đa văn đệ nhất, dịch là Khánh Hỷ, Ngài là em chú bác với Phật. Sử chép Ngài A nan có dung mạo rất là đẹp đẽ, mặt như trăng tròn, mắt như sen xanh, thân như gương sáng. Ở trong hàng đệ tử lớn của Phật Ngài A Nan đặc biệt từ trước tới sau đều được mọi người kính mến. Theo kinh luận xưa nói có ba vị A Nan là:

1. A Nan Đà: dịch là Khánh Hỷ, Hoan Hỷ.

2. A Nan Bạt Đà: dịch là Hoan Hỷ Hiền.

3. A Nan Bà Già: gọi là Hoan Hỷ Hải.

Theo bộ luận xưa và theo Kinh Niết Bàn, Ngài A Nan có đủ tám pháp:

Tín căn kiên cố: Nghe qua 12 bộ kinh, Ngài liền tin nhận vững chắc và hay sanh được tất cả pháp lành.

Tâm chất trực ngay thẳng: tâm Ngài ngay thẳng chân thật. Nghe rồi thì y chánh pháp mà tin thôi, luôn luôn lìa tà kiến hư vọng.

Thân không bệnh khổ: Ngài được phước thân không bệnh khổ.

Siêng năng tinh tấn: Ngài thường siêng năng tinh tấn.

Đầy đủ niệm tâm: Nghe rồi tâm nhớ nghĩ không quên.

Tâm không kiêu mạn: Ngài tuy được đa văn nhưng không kiêu mạn.

Thành tựu định ý: tất nhiên nghe rồi y pháp tu nhiếp tâm, thành tựu được thiền định.

Từ nghe mà sanh trí: tức là Ngài nghe những nghĩa thú vô lượng, khiến sanh được những trí tuệ sáng thêm, đều rõ thấu được tất cả.

Phần này gọi là phần Văn thành tựu.

*Như thế này: là Tín thành tựu, chỉ cho pháp được nói ra.

*Một thuở nọ: Là thời thành tựu. Nghe nói, nói cái gì? - Tức nói Pháp Hoa này. Nói ở đâu? Lúc nào? Ở đây nói một thưở thôi, không nói lúc đó là lúc nào. Bởi vì thời gian xưa tới nay là cách xa, thứ hai từ Ấn Độ qua Trung Hoa lịch số xưa có sai biệt. Do đó trên đây nói một thuở vậy thôi.

*Đức Phật: là chủ thành tựu.

*Ở trong núi Kỳ Xà Quật, nơi thành Vương Xá: là xứ thành tựu, tức là chỗ nơi nói ở đâu.

Núi Kỳ Xà Quật: Dịch là Linh Thứu, nói gọn là Linh Sơn. Núi này nằm ở Đông Bắc thành Vương Xá, nước Ma Kiệt Đề hoặc Ma Kiệt Đà. Bởi vì núi này phần đỉnh giống như đầu con chim thứu, cho nên gọi là Linh Thứu. Ở đây còn có ý nghĩa là núi này phía nam có rừng gọi là rừng Thi Đà, nơi đây dùng để bỏ thây người chết. Bởi vậy các vị Tỳ kheo khi quán bất tịnh thường vào đây quán. Vườn này bỏ thây chết nên chim thứu thường đến đây ăn xong rồi bay đậu trên núi này, nên cũng gọi là Linh Thứu. Ngài Trí Giả nói núi này có năm ngôi tinh xá là:

                    Tinh xá Thiên Chủ Huyệt

                    Tinh xá Thất Diệp Huyệt

                    Tinh xá Xà Thần Sơn

                    Tinh xá Thiếu Độc Lực Sơn

                    Tinh xá Kỳ Xà Quật Sơn

Thành Vương Xá: tên tiếng Phạn gọi là La Duyệt Kỳ. Đây là thủ đô của nước Ma Kiệt Đà. Thành này lúc đương thời do Vua Bình Sa Vương trị vì, sau đó là Vua A Xà Thế, hiện nay vẫn còn nền cũ ở bên phía nam của thành phố vùng Trung du sông Hằng. Đó là một trong những trung tâm truyền giáo của đức Phật ngày xưa. Là chỗ thịnh hành nhất của Phật giáo trong thời đức Phật.

Theo bộ Đại Đường Tây Vức Ký, trong vùng phụ cận này có hai suối nước nóng, có tháp hàng phục voi say. Khi Vua A Xà Thế thả voi say đến đạp Phật, được Phật hàng phục, cho nên có tháp đó. Có thất đá Tất- bát-la, thất đá của Đề Bà Đạt Đa nhập định. Có tháp của Tỳ kheo tự sát chết, có tháp xá lợi Phật, tháp xá lợi nửa thân của Ngài A Nan, có trụ đá của Vua A Dục. Đây là nói qua về xứ thành tựu.

*Chúng thành tựu: rất dài, trước là các vị đại Tỳ kheo một muôn hai nghìn người câu hội, tên các vị đó là: A Nhã Kiều Trần Như, Ma Ha Ca Diếp… La Hầu La. Đó là những vị đại A la hán hàng tri thức của chúng. Lại các bậc hữu học và vô học, các Tỳ kheo, các bậc đại Bồ Tát như Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Đạo Sư Bồ Tát. Sau đó đến Thiên Long Bát Bộ, Thích Đề Hoàn Nhơn cùng quyến thuộc, Minh Nguyệt Thiên Tử… Bửu Quang Thiên Tử, Tự Tại Thiên Tử, Đại Tự Tại Thiên Tử, chủ cõi Ta bà như Phạm Thiên Vương v.v… Có tám vị Long Vương, bốn vị A Tu La Vương, bốn vị Ca Lâu La Vương, cuối cùng là vua A Xà Thế cùng trăm nghìn quyến thuộc khác cùng câu hội.

A Nhã Kiều Trần Như: đây là một trong năm vị Tỳ kheo Phật độ đầu tiên ở vườn Lộc Dã. Kiều Trần Như là họ, dịch là Hỏa khí, thuộc dòng Bà la môn. A Nhã là tên, dịch là Liễu Giải hoặc Dĩ Tri hay Sơ Tri, còn gọi là Vô Trí. Là vị khi Phật giảng về Tứ Đế, Phật hỏi: "Ai hiểu chưa?" thì Ngài là người hiểu đầu tiên. Ở trong hàng đệ tử Phật, Ngài là một Trưởng lão có tuổi hạ cao nhất.

Năm vị Tỳ kheo đầu tiên là:

- Ngài A Nhã Kiều Trần Như.

- Ngài Bạt Đà La, có khi gọi là Ba Đề.

- Ngài Thập Lực Ca Diếp.

- Ngài Bà Sáp Ba.

- Ngài A Thấp Ba Thệ.

Ma Ha Ca Diếp: tức là Ngài Đại Ca Diếp, vì Ca Diếp có nhiều vị. Trung Hoa dịch là Quy Thị hay Ẩm Quang, vì Ngài có thân sáng chói. Tên của Ngài là Tất Bát La, do khi xưa mẹ ngài cầu nơi thọ thần Tất Bát La mà sinh ra nên lấy đó đặt tên. Ngài là vị tu hạnh đầu đà bậc nhất.

Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp, Già Da Ca Diếp, Na Đề Ca Diếp: là ba anh em Ca Diếp, gọi là tam Ca Diếp.

Ưu Lâu Tần Loa: dịch là Mộc Qua Lâm, là anh của hai vị Ca Diếp kia và cũng là thầy của Vua Bình Sa Vương. Ngài ban đầu tu theo ngoại đạo có 500 đệ tử, tự cho mình đã đắc A La Hán rồi, cho nên khi Phật muốn hóa độ Ngài thì Phật dùng thần thông để độ, nhưng Ngài cứ bảo rằng:

- Tuy là Phật có thần thông như vậy nhưng cũng chẳng bằng ta, vì ta đã đắc A La Hán rồi.

Cuối cùng Phật mới bảo:

- Ông chẳng phải A La Hán, chẳng có được Đạo.

Khi đó ông mới giật mình, sau đó Phật khai thị và Ngài được khai ngộ theo Phật, dẫn thêm 500 đệ tử của Ngài theo luôn. Kế đó hai người em là Già Da Ca Diếp và Na Đề Ca Diếp nghe anh đã theo Phật, trở về cũng theo Phật luôn. Ngài hay cung cấp tứ sự cho tứ chúng, là bậc nhất.

Na Đề: là Hà hay Giang. Ngài tâm ý lặng lẽ, hàng phục hết những kiết sử, tu hành rất là tinh tiến bậc nhất.

Già Da: là Tượng thành. Ngài quán rõ các pháp tất cả đều không. Không có chấp trước và cũng khéo hay giáo hóa bậc nhất.

Xá Lợi Phất: nói đủ là Xá Lợi Phất Ca, dịch là Thân Tử hay Thu Lộ Tử. Đó là vị có trí tuệ bậc nhất, có khi gọi là Xá Lợi Tử như trong Tâm kinh. Mẹ Ngài là con gái vị Luận sư Bà la môn ở thành Vương Xá. Khi còn ở trong bụng mẹ, Ngài đã giúp mẹ biện luận hơn hẳn tất cả mọi người.

Đại Mục Kiền Liên: Mục Kiền Liên là họ, dịch là Tán Tụng. Tên riêng là Câu Luật Đà dịch là Thiên Bão, cũng thuộc dòng Bà la môn, ở thôn Câu Luật Đà. Ngài với Ngài Xá Lợi Phất là hai người bạn thân từ nhỏ. Trước khi theo Phật thì Ngài theo ông San Xàø Dạ, sau khi Ngài Xá Lợi Phất quy y Phật thì Ngài cũng theo Phật và Ngài đắc được thần thông bậc nhất. Đó là hai vị đại đệ tử của Phật.

Ma Ha Ca Chiên Diên: dịch là Đại Tiễn, cũng dịch là Chủng Nam, ở xứ A Bàn Đề miền Tây Ấn Độ. Trước Ngài theo tu học với Tiên A Tư Đà (ông Tư Đà coi cho Thái tử Tất Đạt Đa khi mới sinh ra). Sau khi Tiên A Tư Đà mất có dặn lại Ngài hãy đến lễ Thế Tôn để thờ làm thầy. Cho nên sau đó Ngài đến và theo Phật. Ngài là vị Luận nghị bậc nhất.

A Nậu Lâu Đà: có chỗ gọi là A Na Luật, dịch là Vô Bần hay Như Ý, là vị Thiên nhãn bậc nhất, con của vị Cam Lộ Phạn Vương, là anh em chú bác với đức Thế Tôn. Ngài xuất gia cùng một lúc với các Ngài A Nan, Ngài Nan Đà, ngài Ưu Ba Ly v.v…

Kiếp Tân Na: dịch là Phòng Túc, do cha mẹ của Ngài cầu ngôi sao Phòng rồi cảm sanh ra. Lúc đầu Ngài xuất gia nhưng chưa có gặp Phật. Nghe nói Phật thì Ngài hướng về Phật, trong đêm đó gặp trời mưa, cho nên Ngài nghỉ tạm trong phòng của một người thợ gốm, lấy cỏ làm tòa. Sau đó cũng có một vị Tỳ kheo vào đó để nghỉ tạm. Ngài mới lấy tòa cỏ của mình nhường cho vị Tỳ kheo đến sau. Chính Ngài thì ngồi dưới đất, trong đêm đó Ngài hỏi han. Vị Tỳ kheo sau mới hỏi Ngài:

- Vậy chứ ông muốn đi đâu?

Ngài thưa:

- Muốn đi tìm Phật.

Vị Tỳ kheo sau mới vì Ngài mà thuyết pháp. Thuyết pháp xong thì Ngài hoát nhiên đắc đạo. Lúc đó vị Tỳ kheo sau mới hiện hình ra chính là đức Phật hiện đến độ Ngài, ở chung một phòng với đức Phật mà không hay.

Kiều Phạm Ba Đề: dịch là Ngưu Tích hay Ngưu Tư. Do quả báo của kiếp trước, thường sau khi ăn xong thì cái miệng của Ngài hay nhơi nhơi như trâu nhơi Ngài được Tôn giả Xá Lợi Phất dẫn dắt tu chứng được A La Hán. Phật sợ Ngài ở thế gian mọi người thấy vậy chê bai sẽ bị đọa, cho nên Phật bảo Ngài hãy lên cung trời mà ở. Do đó Ngài thường lên cung trời ở. Khi Phật nhập diệt, các vị kết tập kinh điển thì Tôn giả Ca Diếp cho người lên cung trời thỉnh Ngài, lúc đó Ngài mới hay Phật nhập diệt rồi. Nhưng sau đó Ngài cũng không có xuống mà ở trên đó Ngài nhập diệt luôn.

Ly Bà Đa: dịch là Ly Việt hoặc Thường Tác Thanh, Giả Hòa Hợp. Ngài là em của Tôn giả Xá Lợi Phất. Cha mẹ của Ngài cầu sao Ly Bà Đa mà sanh ra. Ngài có lúc gặp mưa vào nghỉ ở một đền thờ Thần, gặp một con quỷ vác thây chết vô trước, còn một con đi sau. Hai con giành nhau thây chết, con nào cũng nói thây chết là của nó, hai con nhờ Ngài phân xử xem của ai. Ngài nghĩ rằng, bây giờ mà nói dối thì cũng chết, vì con nào cũng là quỷ, thôi chi bằng nói thật. Ngài mới chỉ con quỷ vô trước nói là của con quỷ này. Con quỷ sau tức giận nó bèn bứt tay, bứt chân của Ngài. Con quỷ trước thấy vậy cảm thương, nó bèn lấy tay, chân của thây chết ráp vào cho Ngài. Cuối cùng, hai con lấy những phần bứt ra ngoài cùng chia nhau ăn. Lúc này Ngài mới suy nghĩ: "vậy thì thân này là của ai đây?" Vì tay chân của Ngài bị chúng bứt đi, rồi lấy tay chân của thây chết ráp vô, vậy thân này là của ai? Lúc này Ngài mới cảm nhận được thân người là hư huyễn không thật, nó không phải là của ta gì hết. Vì vậy khi đến chỗ đức Phật nghe nói lý bốn đại hòa hợp, thì Ngài cảm nhận được và xin xuất gia tu chứng A La Hán.

Tất Lăng Già Bà Ta: dịch là Dư Tập. Ngài có dư tập kiêu mạn 500 đời làm Bà la môn. Có lần Ngài đi ngang qua sông Hằng, nước lúc đó chảy xiết Ngài không qua được, Ngài mới kêu Thần sông Hằng và bảo:

- Này con tiểu tỳ, hãy dừng dòng chảy để cho ta đi qua.

Sau đó Thần sông Hằng đi đến thưa với Phật:

- Đệ tử của Ngài mắng tôi.

Phật kêu Ngài xin lỗi. Nghe lời Phật, Ngài đến chấp tay lại xin lỗi và nói:

- Con tiểu tỳ, thôi chớ giận.

Các vị Tỳ kheo nghe Ngài nói vậy đều cười, vì nói xin lỗi mà như mắng người ta. Phật mới dạy: Đây là do tập khí kiêu mạn nhiều đời của Ngài khi làm Bà la môn đó thôi, chứ sự thật thì Ngài không có tâm kiêu mạn.

Bạc Câu La: dịch là Thiện Dung hoặc là Vĩ Hình. Lúc nhỏ bà mẹ kế ghét Ngài, tìm cách giết hại Ngài đến năm lần nhưng không giết được, bởi vì đây là kiếp chót của Ngài sẽ chứng quả A-La-Hán. Sau cùng Ngài gặp Phật và tu đắc đạo. Đặc biệt Ngài sống đến 160 tuổi, được phước là thân không có bệnh. Ngài được gọi là trường thọ bậc nhất.

Ma Ha Câu Si La: dịch là Đại-Tất, có chỗ gọi là Trường Trảo Phạm Chí, là cậu của Ngài Xá Lợi Phất.

Nan Đà: dịch là Hoan Hỷ, là em khác mẹ với đức Thế Tôn, nhưng để phân biệt với Ngài Mục Ngưu Nan Đà cho nên gọi là Tôn Đà La Nan Đà. Tôn Đà La là tên của người vợ sắp cưới. Theo trong sử cũng có một vị tên là Tôn Đà La Nan Đà là con của một vị đại thương chủ. Nan Đà có nhiều vị, ở đây có hai vị là Nan Đà và Tôn Đà La Nan Đà.

Phú Lầu Na Di Đa La Ni Tử: dịch là Mãn Từ Tử, đây là con một vị Quốc Sư của Vua Tịnh Phạn, cũng thuộc dòng Bà la môn. Trước Ngài cùng 30 người bạn vào trong núi Tuyết tu đắc được tứ thiền và đắc được cả ngũ thông, nhưng chưa đắc được lậu tận thông, chưa được giải thoát. Sau theo Phật chứng được A La Hán, là vị thuyết pháp bậc nhất.

Tu Bồ Đề: gọi là Không Sanh. Ngài là vị Giải Không bậc nhất (học trong Kinh Kim Cang).

A Nan: là vị thị giả của Phật, Ngài là vị đa văn bậc nhất.

La Hầu La: còn gọi là La Vân, dịch là Phú Chướng vì Ngài ở trong bụng mẹ sáu năm. Ngài là một vị Sa di đầu tiên trong Phật Pháp, là một vị Mật hạnh bậc nhất.

Đó là những vị đại A La Hán. Còn những bậc hữu học và vô học là những vị nào?

Hữu học: chỉ cho những bậc Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm và A Na Hàm, bởi vì chưa hoàn toàn sạch hết lậu.

Vô học: phải chứng A La Hán, đã sạch hết phiền não lậu tận, được giải thoát, cho nên gọi là Vô học.

Hàng Tỳ kheo Ni, đó là:

Bà Tỳ kheo Ni Ma Ha Ba Xà Ba Đề: dịch là Đại Ái Đạo, có chỗ gọi là Kiều Đàm Di, chúng chủ Ni, bà là di mẫu của đức Thế Tôn.

Bà Tỳ kheo Ni Gia Thâu Đà La: là mẹ của La Hầu La, dịch là Hoa Sắc hay Danh Văn, cùng với quyến thuộc đồng câu hội trong đây. Đó là nói chung tất cả chúng Thanh Văn. Ở đây đặt hàng Thanh Văn trước, bởi vì hàng Thanh Văn là hàng đương cơ, dẫn hàng Thanh Văn tức hàng Nhị thừa để trở về nơi Nhất Phật Thừa. Kế đến mới nói hàng Bồ Tát.

CHÁNH VĂN:

2. Bậc đại Bồ tát tám muôn người đều không thối chuyển ở nơi đạo Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, đều chứng đặng pháp Đà La Ni, nhạo thuyết biện tài, chuyển nói pháp luân bất thối chuyển, từng cúng dường vô lượng trăm nghìn chư Phật, ở nơi các đức Phật trồng các cội công đức. Thường được các Phật ngợi khen, dùng đức từ để tu thân, khéo chứng trí tuệ của Phật, thông đạt đại trí đến nơi bờ kia, danh đồn khắp vô lượng thế giới, có thể độ vô số trăm nghìn chúng sanh.

Tên của các vị đó là: Văn Thù Sư Lợi Bồ tát, Quán Thế Âm Bồ tát, Đắc Đại Thế Bồ tát, Thường Tinh Tấn Bồ tát, Bất Hưu Tức Bồ tát, Bửu Chưởng Bồ tát, Dược Vương Bồ tát, Dõng Thí Bồ tát, Bửu Nguyệt Bồ tát, Nguyệt Quang Bồ tát, Mãn Nguyệt Bồ tát, Đại Lực Bồ tát, Vô Lượng Lực Bồ tát, Việt Tam Giới Bồ tát, Bạt Đà Bà La Bồ tát, Di Lặc, Bồ tát, Bửu Tích Bồ tát, Đạo Sư Bồ tát v.v… Các vị đại Bồ tát như thế tám muôn người câu hội.


GIẢNG:

Đây nói về các vị Bồ tát thuộc hàng đại Bồ tát chớ không phải thường, trong đó tám muôn người đều là bất thối chuyển ở nơi đạo Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Bồ tát bất thối có ba hạng:

1. Vị bất thối: chỉ Bồ tát hàng thất trụ. Thất trụ trong thập trụ, không còn thối chuyển trở lại Nhị thừa nữa, nên gọi bất thối, là vị bất thôi.

2. Hạnh bất thối: là Bồ tát thuộc hàng thất địa thì tu hành không còn thối chuyển nữa.

3. Niệm bất thối: là Bồ tát thuộc hàng bát địa. Đến hạng này không cần khắc ý tinh tấn gì nhưng tự nhiên cũng có thể tiến đạo hết, luôn luôn là được vô công dụng đạo. Đó là những hàng Bồ tát bất thối.

Đà La Ni: dịch là tổng trì, là gom giữ không để sót mất. Những vị này được sức niệm huệ, nghe rồi ghi nhớ không quên.

Nhạo thuyết biện tài: là một trong bốn pháp biện tài vô ngại:

1. Pháp vô ngại: đối với những văn cú văn chương, pháp mà mình đã lãnh ngộ đó, quyết đoán không có ngại. Tức là những pháp về văn cú, về văn chương đều tinh thông.

2. Nghĩa vô ngại: là tinh thông những nghĩa lý của pháp đã nêu bày, quyết đoán rõ ràng không ngăn ngại.

3. Từ vô ngại: là tinh thông mọi thứ ngôn ngữ, ngôn từ của địa phương.

4. Biện tài vô ngại: hay gọi là nhạo thuyết biện tài. Đây là tùy thuận chánh lý tỏ bày được vô ngại. Tùy theo chỗ mong muốn của mọi người, của đối phương mà nói ra đều được tự tại.

Đó là bốn pháp biện tài vô ngại. Những vị này là những vị Bồ tát lớn nên được những công đức khác thường, từng cúng dường vô lượng chư Phật, ở nơi các đức Phật trồng các cội công đức. Những vị này cũng thường được các Phật ngợi khen dùng đức từ để tu thân, khéo chứng trí tuệ Phật, thông đạt đại trí đến nơi bờ kia, danh đồn khắp vô lượng thế giới, độ vô số trăm nghìn chúng sanh.... Hàng Thanh Văn dẫn trước tiên, kế hàng Bồ tát, thuộc điểm chính của Kinh nhắm nên ở giữa, sau đây mới tới các vị Trời rồng Bát bộ.

CHÁNH VĂN:

3. Lúc bấy giờ, Thích Đề Hoàn Nhân cùng quyến thuộc hai muôn vị thiên tử câu hội.

Lại có Minh Nguyệt thiên tử, Phổ Hương thiên tử, Bửu Quang thiên tử, bốn vị Đại Thiên Vương cùng với quyến thuộc một muôn thiên tử câu hội. Tự Tại thiên tử, Đại Tự tại thiên tử cùng với quyến thuộc ba vạn thiên tử câu hội.

Chủ cõi Ta bà: Phạm Thiên Vương, Thi Khí Đại Phạm, Quang Minh Đại Phạm v.v… cùng với quyến thuộc một muôn hai nghìn vị thiên tử câu hội.

Có tám vị Long Vương: Nan Đà Long Vương, Bạt Nan Đà Long Vương, Ta Dà La Long Vương, Hoà Tu Kiết Long Vương, Đức Xoa Ca Long Vương, A Na Bà Đạt Đa Long Vương, Ma Na Tư Long Vương, Ưu Bát La Long Vương v.v… đều cùng bao nhiêu trăm nghìn quyến thuộc câu hội.

Có bốn vị Khẩn Na La Vương: Pháp Khẩn Na La Vương, Diệu Pháp Khẩn Na La Vương, Đại Pháp Khẩn Na La Vương, Trìø Pháp Khẩn Na La Vương, đều cùng bao nhiêu trăm nghìn quyến thuộc câu hội.

Có bốn vị Càn Thát Bà Vương: Nhạc Càn Thát Bà Vương, Nhạc Âm Càn Thát Bà Vương, Mỹ Càn Thát Bà Vương, Mỹ Âm Càn Thát Bà Vương đều cùng bao nhiêu trăm nghìn quyến thuộc câu hội.

Có bốn vị A Tu La Vương: Bà Trỉ A Tu La Vương, Khư La Khiên Đà A Tu La Vương, Tỳ Ma Chất Đa La A Tu La Vương, La Hầu A Tu La Vương, đều cùng bao nhiêu trăm nghìn quyến thuộc câu hội.

Có bốn vị Ca Lầu La Vương: Đại Oai Đức Ca Lầu La Vương, Đại Thân Ca Lầu La Vương, Đại Mãn Ca Lầu La Vương, Như Ý Ca Lầu La Vương đều cùng bao nhiêu trăm nghìn quyến thuộc câu hội.

Vua A Xà Thế, con bà Vi Đề Hy cùng bao nhiêu trăm nghìn quyến thuộc câu hội.

Cả chúng đều lễ chân Phật, lui ngồi một phía.


GIẢNG:

Thích Đề Hoàn Nhơn: là Đế Thích, Vua cõi trời Đao Lợi thuộc Dục giới.

Minh Nguyệt thiên tử, Phổ Hương thiên tử, Bửu Quang thiên tử: là những vị thuộc nội thần của trời Đế Thích.

Bốn vị Đại Thiên Vương: thuộc ngoại tướng bên ngoài của trời Đế Thích.

Tự Tại thiên tử: là vị thiên tử của cõi trời Hoá lạc.

Đại Tự Tại thiên tử: là vị Thiên chủ của cõi trời Tha Hoá Tự Tại.

Đây là những vị Trời thuộc về Dục giới.

Chủ cõi Ta bà: Phạm Thiên Vương, Thi Khí Đại Phạm, Quang Minh Đại Phạm: là những vị thuộc cõi trời Sắc giới.

- Thi Khí Đại Phạm là vị Thiên chủ của cõi Sơ thiền.

- Quang Minh Đại Phạm là vị Thiên chủ của cõi Nhị thiền.

Tám vị Long Vương: Nan Đà Long Vương... là rồng, thuộc Long thần bát bộ.

Bốn vị Khẩn Na La Vương, Pháp Khẩn Na La Vương... là thần ca hát của trời Đế Thích, hình dáng giống như người mà không phải người vì trên đầu có sừng, còn gọi là phi nhân. Đây là thần ca hát.

Bốn vị Càn Thát Bà Vương: Nhạc Càn Thát Bà Vương... dịch là Hương âm, trên người phát ra mùi thơm. Đây là các vị thần đánh nhạc cho trời.

Bốn vị A Tu La Vương: Bà Trỉ A Tu La Vương... dịch là Phi thiên, có phước như trời nhưng đức không bằng cõi trời. Đây là tâm hay đấu tranh nên sanh vào loài A Tu La, loài này thường hay đấu tranh dữ lắm. Cho nên Phật tử tu phước nhưng phải bớt tâm đấu tranh, nóng nảy, chứ không khéo tuy tu có phước nhưng sanh vào mấy loài này thì cũng không tốt.

Bốn vị Ca Lầu La Vương: Đại Oai Đức Ca Lầu La Vương... đây là thần Kim xí điểu. Còn Ma Hầu La Già là thần đại mãng xà. Đó là Thiên long bát bộ hộ pháp.

Vua A Xà Thế, con bà Vi Đề Hy cùng bao nhiêu trăm nghìn quyến thuộc câu hội.

Cả chúng đều lễ chân Phật, lui ngồi một phía.

Đó gọi là Chúng thành tựu. Vậy trong hội Pháp Hoa này có mặt đầy đủ Thiên long bát bộ, Bồ tát, Thanh văn. Cuối cùng Vua A Xà Thế cũng có mặt. Đó là điều đánh thức cho mọi người có đủ niềm tin, Vua A Xà Thế là người có tội giết cha, thuộc tội ngũ nghịch mà cũng được dự trong hội Pháp Hoa. Giống như ông cha sắp phó chúc bàn giao sự nghiệp, cũng vậy ở kinh Pháp Hoa này Phật muốn nói rõ cái bản hoài ra đời của các đức Phật, cho nên nhóm họp hết. Bổn hoài đó là gì?

Đó là Ngài muốn mở bày Tri Kiến Phật cho mọi người ngộ nhập, khiến tất cả tin nhận ai ai cũng có khả năng thành Phật, hoặc duyên gần hoặc duyên xa. Cho nên ở đây các vị Thanh văn là chúng đương cơ được Phật thọ ký trong hội này, còn chúng Bồ tát là người chính để tiến thành Phật, và các vị như Trời, Rồng, người là chúng kết duyên, cũng đều được kết duyên với Pháp Hoa hết, không bỏ sót ai.
Phần này gọi là phần Thông Tự, là phần tựa chung của các Kinh. Kế đây mới nói tựa riêng của Kinh Pháp Hoa.

[ Quay lại ]