KINH PHÁP HOA - GIẢI QUA PHẦN ĐỀ KINH
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ ba, 30 Tháng mười một 2010 14:52
Kinh này gọi là Diệu Pháp Liên Hoa. Vậy Diệu Pháp là gì ?
- Diệu: Là mầu nhiệm. Sao gọi là mầu nhiệm ? - Bởi vì, chỗ này nói không thể hết, nghĩ không thể đến, gọi là dứt đường ngôn ngữ, bặt dấu tâm hành. Bất khả thuyết, bất khả tư nghi, tạm gọi là Diệu. Nếu nói được, nghĩ được thì đâu còn Diệu nữa.
Như Ngài Đạt Quán Dĩnh nói về sự lý với ngàu Cốc Ẩn, Sư nói:
- Như Thạch Đầu nói: “ Chấp sự nguyên là mê, khế lý cũng chẳng phải ngộ”.
Đó là ý nghĩa Diệu Pháp.
- Liên Hoa: tức là hoa sen, là dụ, còn Diệu Pháp là chỉ cho Pháp. Bởi vì Pháp đó quá mầu nhiệm, không nghĩ bàn được, bây giờ làm sao cho người hiểu đây, nên tạm thí dụ hoa sen. Người khéo nhân đây thấy kia, nhân dụ này thấy lý kia, chớ không nên mắc kẹt mà phải thấy được ngoài cái dụ này. Đó cũng nhắc mình thấy được ý ngoài lời.
Bởi vì hoa sen có nhiều ý nghĩa, nhưng đây nhấn mạnh hai điểm:
*Hoa sen: nó từ bùn nhơ mà nhô lên, rồi nó tỏa hương mà không dính bùn, không bị bùn nhơ làm ô nhiễm. Cũng vậy, cái Tri Kiến Phật đó, ở trong phiền não chúng sanh đều có. Rõ Tri Kiến Phật này thì nó vốn xưa nay chưa từng nhiễm ô. Tuy ở trong phiền não mà vốn tự thanh tịnh. Nói như vậy có ai dám tin không? Nếu nghiệm kỹ thì thấy rõ, tất cả chúng ta luân hồi trong sanh tử này chừng bao lâu rồi? Mình vào trong vòng luân hồi này, Phật nói từ vô thủy, vô lượng kiếp không biết thời gian là bao lâu nữa. Trong suốt thời gian luân hồi đó cũng làm đủ thứ. Làm trời cũng có, làm quỷ cũng có, có khi xuống địa ngục, súc sanh..., tại sao bây giờ còn ngồi đây?
Cho thấy rõ, trong vòng luân hồi, trong vô thường sanh diệt đó, nó có cái không mất. Cho nên hôm nay vẫn còn ngồi đây! Để tin rằng: trong đó có cái chân thật, gọi là Tri Kiến Phật, nó ở trong phiền não, sanh tử mà không bị ô nhiễm. Do đó, ai được đủ duyên tỏ ngộ thì liền nhận rõ, quả thực lâu nay mình bỏ rơi một cái thật là tự đáng thương vô cùng! Ngay khi đức Phật mới thành đạo, trong Kinh Hoa Nghiêm kể, Ngài liền la lên:
- Lạ thay! Lạ thay! Tất cả chúng sanh đều có đầy đủ đức tướng trí tuệ của Như Lai. Vì vọng tưởng chấp trước mà không thể chứng được. Nếu lìa vọng tưởng thì trí thanh tịnh, trí tự nhiên, trí vô sư tự hiện tiền.
Còn như Ngài Lục Tổ khi đại ngộ thì Ngài la lên:
Đâu ngờ tự tánh xưa nay vốn thanh tịnh,
Đâu ngờ tự tánh xưa nay vốn không sanh diệt,
Đâu ngờ tự tánh xưa nay vốn tự đầy đủ.
Rõ ràng xưa nay nó không thiếu, nó cũng chưa từng sanh diệt, vốn tự thanh tịnh, nó ở trong phiền não của chúng sanh đây mà không bị nhiễm ô. Đó là ý nghĩa hoa sen từ bùn nhơ nhô lên tỏa hưông thơm ngát, tức một ý nghĩa nhấn mạnh về Tri Kiến Phật, vốn tự thanh tịnh lìa nhiễm ô.
*Thứ hai: hoa sen nhân quả đồng thời. Có hoa sen là có gương, có gương là có sẵn quả trong đó. Hoa là nhân, gương là quả thì nhân quả đồng thời. Cũng như mình, có tâm tức có Phật, nhưng mê Tri Kiến Phật ẩn, ngộ thì hiện ra sáng tỏ tự bao giờ, chớ không phải mình ngộ nó mới có. Cho nên trong nhà Thiền có câu "Kiến tánh thành Phật". Kiến tánh là mình ngộ tự tánh mình hay đây là ngộ Tri Kiến Phật, thì liền rõ nó là sẵn đó rồi, vốn sẵn thành Phật rồi. Nhưng nó cũng còn có những vô minh, những tập khí điên đảo chưa sạch hết, mình phải gạn lọc cho hết đi thì tròn sáng thành Phật, là thành cái sẵn có này thôi, không có gì khác. Gọi là nhân quả đồng thời, chớ không phải là do mình tạo ra mới có, từ nhân mà sanh ra quả không phải như vậy. Xưa, vua Tống Hiếu Tông hỏi Ngài Phật Chiếu nhân ngày Phật thành Đạo. Ông hỏi:
- Đức Thích Ca, sáu năm ở trong núi Tuyết tu hành khổ hạnh, rốt cuộc đó là thành cái gì?
Thiền sư Phật Chiếu đáp:
- Sẽ bảo bệ hạ đã quên.
Thành cái bệ hạ đã quên chứ không có gì khác. Tưởng đâu Phật khổ hạnh vậy đó, là thành được cái gì phi phàm ngoài sức tưởng tượng, nhưng không ngờ thành là thành cái “sẵn có tự bao giờ mình bỏ quên”. Cái đó là cái gì? - Tức là Tri Kiến Phật.
Cũng như Tuyết Phong đến chỗ Hoà thượng Đức Sơn thưa:
- Việc ở trong tông thừa từ trước con có phần chăng?
Hòa thượng Đức Sơn đánh cho một gậy, bảo:
- Nói cái gì?
Ngay đó Tuyết Phong bảo rằng Sư giống như cái thùng sơn lũng đáy, rổng rang.
Hỏi cái việc trong tông thừa từ trước đến giờ con có phần chăng? Tức là nghi mình không có phần, nhưng mà cái đó có sẵn nơi mọi người, cho nên Ngài Đức Sơn chỉ đập cho một gậy và bảo: "Nói cái gì?". Ngay đó Tuyết Phong liền rỗng rang hết, không còn có cái gì để bám, để tìm cầu nữa, như thùng sơn lủng đáy.
Sau khi Sư ra giáo hoá, có vị Tăng hỏi:
- Hòa thượng ở chỗ Đức Sơn được cái gì mà trở về?
Ngài nói:
- Ta đi tay không, về tay không.
Cũng ngầm ý nhận rõ cái Tri Kiến Phật này hay cái Diệu Pháp đó sẵn có đầy đủ nơi tự tâm của mỗi người, của chính mình. Bởi vì có tâm tức là có giác, do chúng sinh mê lầm không hay biết, cho nên Đức Phật mới ra đời thưông xót, dùng đủ mọi phưông tiện để đánh thức mình. Cũng như các Tổ ra đời, có khi dùng tiếng hét để đánh thức mình nhớ lại, tỉnh lại. Tóm lại, hoa sen là dụ cho cái Tri Kiến Phật sẵn có nơi chúng ta, dù ở nơi phiền não nhưng cũng không bị nhiễm ô. Ngay nơi đây tỏ sáng trở lại, là nó sẵn có đã thanh tịnh tự bao giờ, không phải do ai làm ra, cũng không phải do mình mới tu mà được.
Như vậy, ý nghĩa Diệu Pháp Liên Hoa đã giải rõ. Nhắc lại, đề kinh này dùng pháp và dụ lập đề. Diệu Pháp là pháp, còn Liên Hoa là dụ. Chính ngay đề đó đã ngầm ý nghĩa sâu xa, nhắc chúng ta phải nhân cái này mà thấy được cái kia, không nên chấp bám vào cái phưông tiện đó.
Vậy đề Kinh có thể dịch cho rõ ra là: Kinh Hoa Sen Diệu Pháp hay Kinh Hoa Sen Bổn Pháp Nhiệm Mầu. Ngay đề Kinh này thôi, nếu người lanh lợi một chút thì cũng mở cửa vào được rồi, khỏi phải đợi nói nhiều. Đây nhấn mạnh lại: Cái Hoa Sen Diệu Pháp này, hiện giờ nó ở đâu? Làm sao thấy? Tiếp vào phần chánh văn.
- Trước
- Tiếp tục >>