headertvtc new


   Hôm nay Thứ hai, 27/01/2025 - Ngày 28 Tháng 12 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
Phatthanhdao  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

TÔN KÍNH NHƯ LAI

Hạnh Đoan 

Nhiều lúc tôi ngồi trước hình tượng Phật chiêm ngưỡng Ngài và ước thầm phải chi thời Ngài có Camera ghi lại hình ảnh hay biết mấy. Tôi sẽ tha hồ ngắm chân thân Ngài cho thỏa, chứ mỗi nước vẽ hình Ngài đều không giống nhau. Phật giáo có tính uyển chuyễn, dễ dàng thích nghi ứng hợp với mọi nước nên hình tượng Ngài ở Trung Hoa thì mũi tẹt da vàng, tại Ấn thì mũi cao mắt sâu…

Nhưng cho dù nhà danh họa nào đó có vẽ giỏi như thần, có họa được hình Ngài giống y, thì giới hạn của giấy bút không làm sao lột tả được hết nét thuần khiết, sống động, rạng rỡ, quang minh, từ, trí của Phật. Thiệt vậy đó, bởi vì có lúc tôi nằm mơ thấy các vị Thánh (Thánh thôi nhé), là đã mục kích nét đẹp thuần thiện, siêu nhiên đến nổi không ngôn từ nào có thể tả hết, và tôi cảm nhận rằng không bức họa nào ở nhân gian có thể sánh được với hình ảnh cực kỳ tuyệt mỹ tôi vừa nhìn thấy trong mơ. Phật là đấng tối tôn, vì vậy tôi nghĩ Ngài ắt vĩ đại hơn nhiều (có tới 32 tướng tốt tám mươi vẻ đẹp), cho nên chắc chắn chẳng nhà danh họa nào có thể dùng năng lực và ngòi bút hữu hạn của cõi nhân gian mà diễn tả đủ hết về Ngài được… Thôi thì mỗi khi ngắm hình tượng Ngài, tôi sẽ nhìn xuyên qua lớp giấy, gỗ, thach cao đó… để nhớ đến Ngài đã từng sống và dạy môn đồ như thế nào, để thấy mình có diễm phúc vô vàn khi được làm đệ tử Phật.

Đức Phật là tượng trưng cho phẩm chất hoàn hảo, cho dù là Phật hay Bồ tát thì việc giáo hóa độ sinh bao giờ cũng gay go, bởi chúng sinh “cang cường khó độ”. Có lẽ vì vậy mà (trong các kinh điển Đại thừa) khi gặp nhau chư Phật thường hỏi thăm: “Chúng sinh có dễ độ không?”  ...

Albert Schweizer, một nhà lãnh đạo triết học Tây Phương đã tán thán: “Đức Phật là một nhà đạo đức vĩ đại kỳ tài chưa từng thấy có trên hoàn vũ, Ngài đã truyền đạt những chân lý cực kỳ ý nghĩa, có giá trị trường cữu cho toàn cầu, thúc đẩy nền đạo đức nhân loại thăng hoa”.

Tuy rao giảng lý tưởng siêu xuất tam giới nhưng trong cuộc sống hằng ngày Đức Phật dạy đồ đệ rất ôn nhu, ngài luôn quan tâm đến đồ đệ tục gia lẫn xuất gia và dạy tỉ mỉ từng cách ứng xử, duy trì tương giao nồng ấm, giữ mối cư xử tốt đẹp giữa người với người. Khuyên vợ chăm lo chu đáo cho chồng, nhắc chồng thỉnh thoảng nhớ mua nữ trang hay quà tặng vợ. Còn bảo các môn đồ khi muốn chỉ lỗi ai nên kéo họ ra chỗ vắng, quạt mát trước rồi hãy chỉ lỗi…

Qua đây ta có thể thấy, Phật rất tế nhị, lịch sự, luôn tránh làm tổn thương người. Một học giả Hồi Giáo khi nghiên cứu về Ngài đã cảm động phát biểu: Đức Phật không phải là của riêng người Phật tử, Ngài là của toàn thể nhân loại. Giáo lý của Ngài thông dụng cho tất cả mọi người. Tất cả các tôn giáo khai sáng sau Ngài, đều đã mượn rất nhiều tư tưởng ưu mỹ của Ngài”.

Điểm hay của Phật là rao giảng pháp nhưng không hề bắt buộc mọi người phải tin theo. Về phương diện này, Tiến sĩ G. P. Malasekara đã nhận xét: Phật giáo chưa bao giờ ép buộc ai theo đạo dưới bất cứ hình thức nào - Phật giáo chưa hề gò ép tư tưởng, bắt buộc phải tin, luôn tôn trọng tự do khi người không muốn... Những nhà truyền giáo của đạo Phật không bao giờ tranh giành lôi kéo người vào đạo như chốn chợ búa.

Trong cuốn "Tinh Hoa của Phật giáo" Giáo Sư Lakshmi Nasaru đã nhận xét: Chỉ nói về Phật giáo thôi, ta có thể xác nhận là tôn giáo này thoát khỏi tất cả cuồng tín. Phật giáo chủ trương mỗi cá nhân tự chuyển hóa nội tâm bằng cách tự chiến thắng lấy mình. Không hề dùng sức mạnh và tiền bạc để chinh phục hay lôi kéo người vào đạo. Đức Phật chỉ rõ con đường giải thoát duy nhất và để cho mỗi cá nhân tự quyết định xem có nên theo đạo hay không”.

Thật hiếm thấy tôn giáo nào có được sự tự do khoáng đạt như vậy. Theo đức Phật, sự giải thoát của con người tùy thuộc vào sự trực nhận chân lý, chứ không do sự thưởng phạt,  an phước . Ðức Phật còn cho phép môn đệ được quyền ngờ vực ngay cả ngài nếu thấy đáng nghi. Ngài bảo các Tỳ kheo rằng: “Người đệ tử cần dùng trí xét đoán (ngay cả đức Như Lai), để có thể có được niềm tin vững chắc về vị thầy mình đang theo. (Có nghĩa là: Tuy lời Phật nói là  chân lý bất di dịch, nhưng môn đồ phải luôn luôn suy gẫm, không nên nhắm mắt tin càn).

Ngày nọ, dân xứ Kesaputta ,  thưa với Đức Phật là có nhiều tu sĩ và Bà La Môn ến  giảng đạo. Ai  cũng bảo dân chúng chỉ nên tin giáo lý của họ, không nên tin lời dạy của kẻ khác, khiến người dân không biết tin ai.

Phật bảo: - “Các con ngờ vực là đúng. Gặp trường hợp đáng nghi thì phải nghi  thôi".

Và Ngài dạy: " Không nên chấp nhận điều gì do nghe kể lại, hay bởi vì nó đã có từ lâu. Không nên vội vàng chấp nhận điều gì dù nó được tập quán, phong tục cổ xưa lưu truyền lại qua bao thế hệ. Không nên vội vàng tin khi chỉ nghe lời đồn mà không suy xét. Không nên chấp nhận vội vàng chỉ vì điều ấy từng đã được ghi trong kinh điển sử sách.  Không nên chấp nhận bằng ức đoán, suy diễn hoặc qua hình thức bề ngoài. Không nên chấp nhận bởi vì điều ấy hợp với thành kiến của mình hoặc vì mình cảm thấy hình như có thể chấp nhận được. Không nên chấp nhận vì nghĩ rằng vị tu sĩ thốt ra điều nầy đã được ta kính trọng từ trước, nên lời họ nói ra bắt buộc phải nghe theo”. "Chỉ khi nào, các con hiểu rõ, biết những điều nầy không hợp luân lý, đáng chê, ngay chính các bậc thiện tri thức cũng ngăn cấm, nếu thực hiện sẽ bị phá sản, phiền muộn - thì hãy từ bỏ, không nên làm .

 Chỉ Khi nào tự các con hiểu rõ, thấy rằng những điều này hợp luân lý, không đáng chê, luôn được các bậc thiện tri thức tán dương, nếu thực hiện ta và người đều được an lạc,  thì nên thực hành và thực hành cho nhiều vào.

Phật ngôn nầy được dạy trên 2500 năm trước đây, nhưng vẫn còn mãnh lực và hiệu năng cho đến thời đại văn minh của thế kỷ hai mươi. Đức Phật dạy các đệ tử nên tìm chân lý, chớ không nên chỉ nghe qua là tin liền, dù người nói có nhiều uy tín đi nữa. Phật luôn nhắc nhở: “Các con chỉ nên chấp nhận những lời của Như Lai sau khi đã thận trọng xét đoán, chứ không phải chỉ vì tôn kính Như Lai". Cho phép hoài nghi. Nhưng Phật không muốn đồ đệ ôm mãi những mối nghi không giải trong lòng. Ngay cả khi sắp mất, vài phút trước khi lìa trần, Ngài đã nhiều lần bảo các môn đệ phải hỏi kỹ nếu còn có chút nghi ngờ nào về Giáo lý của Ngài, để sau này không phải hối tiếc vì chưa được giải đáp hết. Thấy các môn đệ đều im lặng, Ngài đã nói những lời rất cảm động:  "Nếu vì kính nể Như Lai mà các con không dám hỏi, thì mỗi người hãy nói cho bạn mình biết, (hàm ý rằng là mỗi người hãy nhờ bạn hỏi giùm cho mình điều thắc mắc).

Đọc sử, luật Phật giáo, tôi thấy thương Tăng, Ni thời Phật làm sao, thương ở chỗ họ cũng lầm lỗi, hồ đồ, lẫn lộn giống hệt người thời nay, chỉ khác một điểm là họ rất thành thật. Chẳng hạn như khi Phật hỏi: -“Con có làm lỗi đó không?” Họ luôn đáp “Có”, sẵn sàng xác nhận những điều sai điều xấu mình đã làm, không hề chối bay chối biến hoặc phủ nhận, cố nói xạo hòng giữ thanh danh tốt cho mình…

Đó là sự thành thật đáng yêu, là bản chất thiên chơn trân quý. Có lẽ vì vậy mà người thời xưa gần đạo, dễ chứng đắc. Kim cương dễ tìm, đức thành thật vô vàn khó kiếm, nhất là vào thời buổi bây giờ. Người xưa và nay đều giống nhau: cũng mũi dọc mày ngang, cũng bao nhiêu đó tâm vương tâm sở, nhưng lại khác xa nhau về đức tính này. Đức Phật được ca ngợi là bậc trăm ngàn đời không nói dối. Ta xưng là Phật tử, đi chùa nhiều, nhưng ta ít giống Ngài.

Người ta dễ nói dối vì nghĩ rằng không ai biết, có thể thu được lợi trước mắt. Còn nói thật (hình như) dễ bị tổn hại, bị thiệt thòi nhiều, nên tội chi phải nói thật (?) Nhưng mỗi lần nói dối phẩm cách đức hạnh ta bị lu mờ thêm một chút và càng xa đạo thêm một chút. Bé Trinh (con gái út của ông anh con bác tôi) sinh trong gia đình nửa Phật nửa Chúa, ba mẹ nó chẳng tha thiết gì với đạo, vậy mà lớn lên nó tự làm một chuyến viễn du sang tuốt Tây Tạng, bái Đức Lạt-ma làm thầy, quy y thọ ngũ giới, nhận pháp môn tu đem về thực hành rất siêng năng, công phu sớm tối tinh tấn, không chút bê trễ. Ba mẹ nó thương con nên phải tập tu theo, cũng lúc thúc lễ Phật. Thế là trong nhà họ, điện Phật được thiết lập trang nghiêm, lúc nào cũng vang tiếng mõ chuông, nghi ngút hương trầm. Mỗi lần nhìn Trinh tôi luôn cho là bản nguyện đời trước đã dẫn dắt cô bé,  khiến cháu tự đi tìm thầy của mình, pháp môn của mình, cho dù ba mẹ không dẫn dắt hay chỉ dạy.

Có lần Trinh bảo tôi: - Cô đừng làm “mẻ”… giới nha cô?

- Gì? Là sao?...

- Là đừng nói dối đó, đừng làm gì khiến mẻ giới pháp mình đã thọ, uổng lắm!

Câu khuyên nhắc của Trinh làm tôi thích thú, như vừa tìm được tri âm, như vừa có đồng minh. Tuy nó là cháu, nhưng tôi cảm giác mình có bạn đạo song hành.

- Ừ! Yên tâm đi - Tôi vui vẻ đáp.

Là giai nhân, thuộc diện “gác ngọc nhà vàng”, Trinh được nhiều công tử mến mộ. Buồn cười là khi tôi vừa gật đầu với Trinh xong thì ba Trinh từ dưới lầu đi lên, báo tin có bạn trai nó mang hoa đến tặng. Trinh cau mày phụng phịu: - Ba! Con không muốn tiếp đâu! Ba nói với họ là con đi vắng, không có nhà nhé!

Tôi bật cười, bảo: - Vừa nhắc cô đừng làm mẻ giới, vậy mà không những bản thân Trinh đang nói dối, lại còn bắt ba phải nói dối theo luôn, vậy có tội nghiệp ba không?

Trinh cười to: -Úy trời! Quên!… Thôi ba ơi! Đừng nói… để con xuống tiếp.

Trinh cũng cảm hóa các bạn gái đồng trang lứa, khiến họ “tâm phục khẩu phục” tập tu theo mình. Khi Trinh sang Mỹ định cư, Bích (một cô bé trong nhóm bạn của Trinh) đã khóc bảo tôi:

- Mai này sang Mỹ, người con mong gặp nhất là Trinh. Chị Trinh đã dạy con rất nhiều bằng nhân cách của chị ấy. Cô biết không, mỗi lần đèo nhau từ Biên Hòa đến Sài Gòn, tụi con đi luôn bị chậm, chị Trinh cầm lái, nhưng mỗi lần chị thắng cái két dừng lại - là con hiểu ý, nhảy xuống dẹp các chướng ngại vật nằm ngáng trên đường - cứ thế, đi dâu gặp chướng ngại vật nằm trên đường là tụi con dẹp sạch tất. Con theo chị đi làm phúc thiện, tập tu, tập giữ gìn từng lời ăn tiếng nói, con biết lập bàn thờ Phật, biết tôn kính Phật, nghiên cứu giáo pháp, tụng kinh… tất cả là nhờ chị…

Đó là chuyện cháu tôi, còn Nga (cô bạn gái đạo Chúa của tôi), sau khi nghiên cứu pháp Phật, quy y Phật, đã tâm sự:

- Cô biết không, em thích câu chuyện anh chàng Vô Não trước khi theo Phật tạo tội ác tày trời, gặp Phật rồi anh tu hành chăm chỉ chân chính. Ngày nọ trên đường đi khất thực anh gặp một bà sinh khó, anh rất tội nghiệp nhưng không biết làm sao giúp bà, bèn về thưa với Phật, Phật bảo anh hãy phát nguyện: “Xin hồi hướng những thiện nghiệp phước đức của con đến cho sản phụ, cầu bà sinh nở dễ dàng, mẹ tròn con vuông”.

 Anh băn khoăn thưa: -Trước đây con toàn làm chuyện ác, nên e là lời chú nguyện của mình sẽ không thành…

 Phật liền bảo: - Vậy thì hãy nguyện: “Kể từ phút giây tôi hồi tâm hướng thiện, tu tập chân chánh, nếu có được phúc lành nào xin hồi hướng cho sản phụ sinh nở dễ dàng, mẹ tròn con vuông”.

 Anh làm theo, kết quả thật tốt đẹp.

Kể xong Nga xúc động phát biểu:

- Cô ơi, em nghe trong kinh nói một người nhiều đời không nói dối, chúc ai điều gì cũng được thành tựu. Em thèm lắm. Em rất muốn giữ gìn lời, nguyện không phạm lỗi nói dối để sau này có thể chúc lành cho người.

Tôi nghe mà cảm động. Đúng là pháp Phật nếu được áp dụng chân thành có thể mang lại hạnh phúc và niềm vui rất tuyệt vời.

Trước giờ nhập Niết Bàn của Đức Phật, nhiều vị đệ tử đến đảnh lễ Ngài. Nhưng có một vị không đến, ở luôn trong tư thất, chuyên chú hành thiền, muốn bày tỏ  sự tôn sùng Ngài tốt đẹp nhất là: đắc Quả A La Hán trước ngày ấy".

Đức Phật ngợi khen: "Lành thay! Lành thay! Ai thương Như Lai, hãy cố gắng noi gương vị tỳ khưu nầy. Người tôn kính Như Lai nhất là người thực hành đúng Giáo Huấn của Như Lai "

Mong sao chúng ta đều có thể tôn kính Ngài giống như vậy.

[ Quay lại ]