Ngày này năm xưa
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ hai, 17 Tháng năm 2010 13:54
Hạnh Đoan
Thật ngẫu nhiên và tình cờ, tôi lên thành phố ngàn hoa đúng vào ngày mừng đại lễ Phật đản Vesak Liên Hiệp Quốc 2008. Mấy mươi năm rồi tôi chưa lên Đà Lạt, nên khi thấy đường xá sạch bóng, cảnh quang nơi nơi tươm tất, tôi thích lắm, không hề biết là Đà Lạt đang rộn rịp đón chào đại lễ bằng gương mặt mới thanh khiết, tôn nghiêm.
Thấy tôi có vẻ ngẩn ngơ lóng ngóng, một vài người dân ngoại giáo mách tôi:
Mấy ngày này thật là tuyệt, các quảng trường chính đãi cơm chay miễn phí rất ngon, tụi con đều vào đó ăn.
Lòng tôi rộn rã niềm vui. Chắc lúc Phật đản sinh không khí trần gian cũng tưng bừng hân hoan như thế này. Đêm đến, trời lất phất mưa, tôi bách bộ gần hồ Xuân Hương chờ chiêm ngưỡng xe hoa diễn hành. Mưa mỗi lúc một nặng hạt, tôi thuộc diện nắng không ưa, mưa không chịu, nhưng không khí tưng bừng ngày khánh đản đã cuốn hút, làm tôi mê mẩn. Tôi vừa che dù, vừa tháp tùng vào đoàn người đông đảo chờ đón xe hoa. Mặt ai cũng rạng rỡ. Bầu không khí hân hoan tuyệt vời đến nỗi tôi có cảm giác như mình đang sinh vào thời Phật trụ thế, tôi lẩm bẩm: “Không cần sống đến trăm năm, chỉ cần được chứng kiến đại Lễ Phật Đản tổ chức hoành tráng như thế này ở VN cũng đủ hả lòng, đủ để hạnh phúc rồi.
Giờ này riêng gì VN, mà cả thế giới đều đang đón mừng Phật đản, VN được chọn làm trọng điểm tổ chức, không hãnh diện sao được, không sung sướng sao được?
Tôi và mấy người bạn cứ hết đi lên đi xuống ngắm đoàn xe hoa đậu san sát nhau chờ diễn hành, chiếc nào cũng đẹp và trang nghiêm, thể hiện hằng vạn tấm lòng tôn vinh khánh đản.
Đi mãi thấm mệt, tôi dừng lại bên lề nhìn ngắm đoàn xe hoa và dòng người hộ tống theo sau cho đến khi mất hút, mấy tiếng đồng hồ nghinh đón xe hoa làm áo tôi ướt đẩm, mưa vẫn rơi nhẹ. Tôi và hai người bạn ghé vào xe bán sữa đậu nành ven đường, giờ này kêu một ly sữa đậu nành nóng ấm uống vào thì thật tuyệt. Bộ ba chúng tôi ngồi xuống bên chiếc bàn nhỏ ven đường. Cô hàng mang sữa đến, tôi ắp bàn tay vào ly sữa, vừa hơ nóng vừa hớp nhẹ một ngụm. Sữa bán thật chất lượng, vị béo và ngon. Cô hàng cũng vui lây với Lễ khánh đản. Tôi cảm thấy lạnh, ai nấy đều kéo cao cổ áo, giương dù lên và cùng bật cười khi phát hiện ra một điều: bởi vì vui quá, hạnh phúc quá, chúng tôi ngớ ngẩn đến độ chọn ngồi ngay cái bàn ngoài trời, hứng trọn cơn mưa bụi lất phất, trong khi mấy cái bàn kế cạnh cái nào cũng có che dù lớn. Chỉ khi uống sữa nóng vào và tỉnh táo thần hồn rồi, chúng tôi mới nhận ra điều đó, mới nhớ là mình đã lội bộ quá nhiều, quá lâu trong đêm, đã bị đại lễ làm say sưa đến quên hết mọi chuyện chung quanh...
Hình ảnh về một Đà Lạt thơ mộng, hiếu khách, sạch sẽ trang nghiêm trước và trong đêm đại lễ đã gây ấn tượng sâu sắc, khiến tôi lưu luyến. Sau đại lễ, do có công tác đột xuất nên tôi đã quay lại thành phố ngàn hoa này một lần nữa.
Bây giờ tôi mới phát hiện ra, Đà Lạt hôm trước giống như cô dâu khoác bộ cánh lộng lẫy trong ngày vu quy, bây giờ áo mới đã được cởi ra, cảnh quang không còn nét mượt mà, tươi tắn, tinh khiết. Hàng sữa đậu nành cũng không còn vị béo ngậy đậm đà mà nhạt thếch vì pha quá nhiều nước lã. Ban đêm, dạo một dòng quanh phố chợ Đà Lạt, tôi tiu nghĩu vì các hàng thịt khô, thịt nướng bày đầy, chợ tự phát nhóm dày mịt trên các bậc thang lối đi, người đông nghịt; mùi thịt, mùi khô nướng xông lên nhức óc, khiến mũi tôi chảy nước ràn rụa và tôi ắt-xì liên tục. Tôi cố bước nhanh để thoát khỏi những hàng quán đồ mặn nằm chen chúc... thì vấp phải mấy đống rác nhỏ gần đấy... Không còn nét thanh bai nào nữa, cõi Tịnh độ đã hoàn lại uế độ, ngày Phật đản sinh đã trôi qua, Ngài đã đi và mang theo phúc báu tịnh thanh hoàn mỹ. Tôi chợt hiểu: không ai có thể tắm hai lần trên một dòng nước cũ, muốn tìm lại cảm giác hi hữu hôm nào, chỉ là hoài niệm. Dù sao tôi cũng có được phút giây nghênh đón khánh đản tuyệt vời, tôi đã có được phút giây hi hữu, đẹp nhất một đời người. Như vậy là đủ rồi.
Vậy đó, Phật giáng sinh nơi nào, nơi đó biến thành mỹ lệ trang nghiêm, chỗ nào trang trọng đón mừng, chỗ đó bỗng hóa thành Tịnh độ. Nếu cảnh đản sinh được tái hiện một tuần, nửa tháng (?)... thì suốt thời gian đó cõi trần là ngày hội, tưng bừng sắc hoa, rực rỡ ánh đèn... bao nhiêu nét tươi tắn của trần gian, đều hiển hiện cả ở đây. Có lẽ vì vậy mà trong giây phút cung nghinh đại lễ, tôi cảm thấy mình như say, lâng lâng vì hạnh phúc.
Phật ở đâu, nơi đó được hưởng bầu không khí hỉ lạc, cảnh được trang nghiêm. Nhưng cảnh luôn bị giới hạn bởi thời gian không gian (?) còn tâm thì không bị giới hạn nên Phật có thể hiện và ngự rất thường - Nếu không có Ngài, cõi nhân gian đầy rác rưởi xú uế (?) thì tâm ta cũng vậy! - Không có Ngài, tâm ta cũng đầy rác rưởi, xú uế của tật xấu và tam độc. Có nghĩa là Phật hiện nơi cảnh, cảnh thanh tịnh, phật hiện nơi tâm, tâm sạch trong.
Tôi tự an ủi mình: tôi chỉ có một ngày đại lễ để cung nghinh Phật đản sinh, nhưng tôi có cả một đời, cả một tâm tư để Phật hằng hiện hữu.