headertvtc new


   Hôm nay Thứ hai, 23/12/2024 - Ngày 23 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

CHỈ MONG CHÚNG SANH NHẬN LẠI

 Thích nữ Hạnh Chiếu

Hơn 25 thế kỷ trước, đức Phật Thích Ca thị hiện ra đời ở xứ Ca Tỳ La Vệ với 32 tướng tốt, 80 đẹp. Tiếc quá, tôi đi đâu không có ở đó. Nhưng bây giờ chỉ cần chiêm ngưỡng tôn tượng của Ngài, tôi cũng cảm thấy Như Lai rất gần gũi với mình, vì Ngài mang nét Phật Việt Nam.

 

Phật ở đâu thì hòa cùng dân tộc ở đó, chung chịu thăng trầm, nhưng chưa bao giờ Như Lai đổi sắc. Mắt Việt Nam, môi Việt Nam, tâm Việt Nam, Thế Tôn đã đọng lại trong trái tim Phật tử Việt Nam một lòng kính thương vô bờ bến. Là thiền sinh mà tán thán Như Lai kiểu này, tôi cũng ngán bị ăn đòn lắm chứ. Nhưng chịu, tôi không thể nói khác hơn lòng mình. Nhiều người thích đạo Phật vì tính vô phân biệt ấy, vì sự hiểu biết và tình thương yêu của Ngài đối với nhân loại. Con người đã đau khổ quá nhiều rồi, Phật phải thị hiện thôi. Đó là tâm nguyện của các đức Như Lai.


Phật ra đời vô ngã, vị tha, lật đổ toàn bộ hệ thống giai cấp Bà la môn đương thời, đem con người trở về đúng vị trí của mình: Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Tất cả chúng sanh đều là Phật sẽ thành. Hùng hồn quá! Tuyệt vời quá! Nhà thiền gọi đó là tiếng rống sư tử vương. Ai dám đương đầu? Đức Phật xứng danh là một nhà cách mạng vĩ đại của muôn loài, chứ chẳng phải chỉ riêng loài người.

Một lần nọ, trên đường khất thực, ngài A Nan đã nói với nữ thí chủ Ma Đăng Già thế này “Không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ và nước mắt cùng mặn”. Câu nói được ghi vào lịch sử không chỉ vì tính chân lý mà còn vì … đã làm lụy đến Tôn giả không ít. Tuy nhiên phải công bằng mà xét, giáo lý và đời sống Phật đà đã làm rung động biết bao con tim.

Một nô bộc ti tiện suốt đời không dám ngẩn mặt nhìn đồng loại, thì mong gì nghe được một câu nói ấm áp, đầy tình người như vậy. Ta cũng không vội trách người con gái gánh nước năm xưa đa tình đa cảm. Bởi đó là lần đầu tiên cô được biết mình là con người với máu cùng đỏ, nước mắt cùng mặn, cùng vui cùng buồn như bao người. Vì thế đó cũng là lần đầu tiên cô cảm nhận mình đích thực là con người. Cho nên Tôn giả A Nan trở thành thần tượng số một của cô là phải rồi. Nhân duyên vào đạo của Ma Đăng Già có hơi kỳ thật, nhưng Thánh quả mà nàng đạt được, quả thực đã xóa tan mặc cảm cho biết bao người cùng khổ. Đó chính là chân tinh thần bình đẳng, giác ngộ, giải thoát của đạo Phật.

Phật bảo tất cả chúng sanh bình đẳng trên khổ đau và hạnh phúc. Nhìn thấy nỗi buồn của bạn tôi không vui, vì chính nỗi buồn ấy phảng phất ít nhiều tâm trạng của tôi, nên ta mới dễ đồng cảm với nhau đến thế. Giận, hờn, thương, ghét của bạn cũng chính là nhân ảnh của tôi, nên vừa nhìn thấy sắc diện nhau là ta nhập vai liền. Đó là chúng sanh bình đẳng trên khổ đau.

Còn hạnh phúc thì sao? Phật đã nói rồi. Ta chỉ việc cúi đầu đảnh lễ từng phàm phu tục tử, vì mỗi hàm linh là một đấng Như Lai. Trong kinh Pháp Hoa, phẩm Thường Bất Khinh Bồ-tát diễn dịch ý này như vậy đó. Song, hạnh phúc của Phật mà nói bằng lời thì tội chết, nên tôi không dám lạm bàn đâu. Ở đây, tôi chỉ chợt nghĩ nếu chúng ta đã bình đẳng như thế mà không thể thương yêu và tha thứ cho nhau, để vui sống tu hành thì thật là nhạt tình!

Cho nên nhớ đến Phật, gần Phật ta có cảm giác yên ổn, không hay giật mình. Hồi nhỏ, mỗi lần nằm mơ gặp ông kẹ là tôi niệm Phật, xưng danh Ngài như gọi tên người thân, gọi cha gọi mẹ. Thế Tôn đến liền, không khi nào phiền hà. Lớn lên, đức Phật gắn liền với tôi trong những nỗi vui buồn, thành công hay thất bại của cuộc đời. Nhưng đến bây giờ, tôi như hơi hiểu ra rằng Ngài rất vô tư, chẳng chịu dự phần với ai cả, tại vì như vậy là dư.

Chúng ta có quyền khổ, cũng có quyền không khổ. Chuyện trong tâm của mình, ai mà xen vô được. Một hôm ngài Đạo Tín đến đảnh lễ, cầu Tổ Tăng Xán chỉ dạy :
- Xin Hòa thượng từ bi ban cho con pháp môn giải thoát?
Tổ hỏi:
- Ai trói buộc ngươi ?
- Không ai trói buộc con.
- Đã không ai trói buộc, đâu cần cầu giải thoát.

Ngay câu nói này ngài Đạo Tín liền đại ngộ.
Quên đi những rạn nứt trong lòng, chính là làm lành vết đau dĩ vãng. Một chúng phàm phu chuyển mình, ngàn Thánh đồng tụ hội. Đâu có ai là tục tử để ghét để thương để làm khổ mình nữa. Yên tâm quá chừng rồi! “Vô thượng thậm thâm vi diệu pháp” của chư Phật là như vậy. Đơn giản, dễ hiểu. Lặng lẽ như chưa từng đến. Hiển hiện như chưa từng đi. Biết thì Phật ở trong tâm. Không biết thì đem tâm rong ruổi tìm Phật.

Có bao giờ bạn thấy càng nhớ đến Phật ta càng kính thương Ngài? Càng kính thương Ngài ta như càng hiểu Phật. Càng hiểu Phật ta lại càng hiểu mình. Và càng hiểu mình ta luôn nhớ đến Phật. Suốt một đời tận tụy, Như Lai cũng chỉ mong có bấy nhiêu. Mãi mãi và mãi mãi chỉ thế thôi.
 

[ Quay lại ]