headertvtc new


   Hôm nay Thứ hai, 27/01/2025 - Ngày 28 Tháng 12 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
Phatthanhdao  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

LẼ THỰC

 Đạt Ma Chánh Tâm

Tinh yếu của đạo Phật là ở sự giác ngộ. Đạo Phật không phải chỉ khế lý mà còn phải khế cơ. Với trào lưu tiến hóa, không cho phép ta nghe đại tin quàng mà cần phải rõ ràng hợp lý. Thế nên, kiến thức Phật pháp rất cần thiết. Hầu có thể giải tỏa những thắc mắc, nghi ngờ. Đạo lý cần phải sáng tỏ, khoa học, hợp lý và hợp thời.

Chủ trương đường lối hướng dẫn của Hòa thượng viện trưởng là thiền giáo đồng hành. Không những tạo phương tiện lợi tha mà còn giúp nhiều lợi ích cho công phu tu hành.

Ngoại cảnh hiện nay rất sung túc nên ta dễ bị chi phối, khiến lệch xa con đường thực hiện đạt đến chân lý. Ta rất dễ quên và bất giác. Sự thông hiểu giáo lý sẽ nhắc chúng ta tỉnh giác, nhận rõ hướng đi, không lạc lối. Tuy nhiên, không nên quên nhiệm vụ, cần giới hạn tri thức, vì không khéo lại dính mắc vào đó mà sinh chướng ngại.

Thiền không bác bỏø trí năng hoặc tri thức khái niệm mà chính là sự dính mắc vào trí năng hoặc đầu óc khái niệm trong khuôn khổ chấp trước.

Phật Tổ ra đời, sử dụng ngôn từ kinh luận và lập nhiều phương pháp dạy đạo hoặc giáo hoặc thiền, chẳng gì khác hơn là những dụng cụ đập tan sự chấp trước quen thâm nhiễm của chúng sanh. Ta không nên chất đầy đầu óc chữ nghĩa hay những khái niệm qua suy tưởng, cho đó là cứu cánh. Thật là vô ích! Người xưa nói “Thâu đạt kiến thức dưới tay kẻ khác là đóng cửa sự giác ngộ”.

Điều cần yếu là khéo áp dụng sự nhận hiểu của mình hòa nhập vào cuộc sống, để giải tỏa những phiền não gút mắc hay ưu tư chướng ngại, hầu có thể trực nghiệm cái an lạc thanh tịnh của sự giải thoát.

Ta có thể sử dụng ý niệm và tri thức phân biệt khi cần. Nhưng luôn phải nhớ, chúng chỉ là ngón tay, không phải là chân lý tuyệt đối.

Pháp Biết vọng của Hòa thượng, không phải để ta chăm chăm canh giữ vọng tưởng, mà chính là để phát triển sự tỉnh giác trong ta. Mỗi khi nhận định vọng khởi, là mỗi lần cái biết được hiện tiền. Khi cái biết được ứng dụng thường xuyên, những dấy niệm sẽ lui dần, không đủ sức kéo ta quay cuồng trong quĩ đạo của chúng. Nếu công phu thuần thục thì trí dụng hiện tiền, sáng tỏ, rõ ràng, thường biết. Đó là ý nghĩa câu “Chẳng sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm”.

Vướng mắc hay giải thoát là ở người hành đạo. Thiền không chối bỏ cũng không nắm giữ phương tiện. Chỉ biết phương tiện là phương tiện.

Nếu phát huy được trí tuệ tỉnh giác, ứng dụng thích hợp cho từng căn cơ, trình độ, thời điểm, thì mọi phân biệt đều là phương tiện thiện xảo.

Sự tự tại trong nhà thiền không phải vì không muốn bận tâm hay buông xuôi đến đâu hay đến đó, mà có khi là những nổ lực, tinh tấn, kiên trì … làm những gì cần làm, nhưng không bận tâm, ưu tư, lo toan về kết quả.

Tùy duyên, trên chẳng chống đối, dưới chẳng buông lung. Do đó được xem là hàng đầu trên bước đường tu tập.
 

[ Quay lại ]