TẮM PHẬT KHÔNG ĐỦ
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ tư, 07 Tháng năm 2008 21:39
- Viết bởi nguyen
Chân Hiền Tâm
Phật đản ngày xưa - cái thuở chân cẳng có thể bụi bờ rong chơi, nhưng chưa đủ cao với tới đức Phật xối một gáo nước - rất là háo hức. Giả như ông Phật đặt thấp, chị em chúng tôi có thể thỏa mãn cầm gáo dội tới dội lui, chưa chắc hao hức nôn nóng đã còn. Nhưng ông đặt cao, không có ông Bô thì chịu. Chùa đông, ông Bô còn phải đi làm. Năm tắm được, năm lại không. Sự háo hức càng lớn. Sự thỏa mãn càng nhiều khi được ngắm nhìn dòng nước từ từ chảy trên mình Phật. Một đứa dội, năm đứa nhìn. Một lần dội, sáu lần vui.
Ông Bô mất đi, con gái còn chưa kịp lớn. Mẹ không đủ thời gian đi chùa. Tắm Phật trở vào quên lãng. Mong muốn sao cho chân mình đủ dài chen qua đám đông tự mình tắm Phật. Nhưng rồi mọi thứ thay đổi. Một thời con gái qua nhanh. Cái thời phụ nữ trở dài. Chùa chiền vắng bóng. Tắm Phật không thiết, chỉ biết tắm con. Mặn, ngọt, chua, cay ở đời nếm đủ. Như để thật hiểu chữ khổ Phật nói trong đời.
Phật đản bây giờ, háo hức đã qua. Có lẽ, ngắm nhìn đức Phật hoan hỉ không đủ tẩy sạch cặn bả trong lòng. Dòng nước tắm Phật chỉ đủ vui cùng tâm trạng thơ ngây chưa lấm bụi trần. Mặn, ngọt, chua, cay trong đời cần một thứ khác : Kho tàng giáo lý mà Phật đã nói. Kho tàng đã khiến chúng ta nhớ đến ngày sinh của Phật, không như người đời tưởng nhớ ngày giỗ. Phật đản không lìa Pháp đản. Pháp nếu không có, Phật không khác người bình thường. Phật đản không còn ai nhớ. Đời khổ không biết nương đâu.
KHỔ - TẬP - DIỆT - ĐẠO, là bốn chân đế ở cuộc đời này. Phật nói như thế. Ta đã học nhiều. Nói lui nói tới cũ mèm. Nhưng chưa một lần thật biết thế nào là KHỔ, bạn không thể thấy giá trị thật sự của ĐẠO. Không như thật biết thế nào là ĐẠO, bạn cũng không thể chiêm nghiệm cái gọi là DIỆT, để dừng đi TẬP và KHỔ.
VÔ MINH duyên HÀNH, HÀNH duyên THỨC ... một vòng duyên khởi lê thê, nêu lên một mặt cái gọi là TẬP. Vòng đó, chỉ thẳng cội nguồn làm ta đau khổ. Nói rõ cái gì ràng buộc khiến ta không an. Chính là vô minh. Vô minh, nên khi gặp cảnh, ít ai không động. Đối cảnh không vui thì buồn. Vui thì ưa thích chấp thủ. Không vui, tìm cách đẩy đi. Có ÁI sinh lo. Có ÁI sinh sợ. Bỏ mất lực dụng từ bi. Bỏ mất trí tuệ trùm khắp. Cái vòng XÚC - THỌ - ÁI - THỦ cứ thế mà ràng buộc mình. Một vòng tích tập khiến ta gây nghiệp. Hiện ra cái quả lo âu, sợ hãi, sanh tử triền miên, thay hình đổi dạng vô chừng.
Niệm trước mê là chúng sanh. Niệm sau giác là Phật. Nhưng thường đối duyên, mình ít tự chủ. Vui cho tới bến. Buồn chơi tới cùng. Niệm niệm chúng sinh dọc dài nối đuôi. Mọi thứ cứ thế tiếp diễn. Phật chính ngay đó mà chê, chỉ nhận chúng sinh làm mình. Suy nghĩ chưa đủ còn ra hành động. Trôi theo thói đời một cách tự nhiên. Không hề một lần tự tỉnh quay về, ngưng dứt suy nghĩ ham muốn cho tâm thanh thản, cho đời an vui. Cứ niệm trước mê, bồi thêm một niệm mê nữa. Mê một niệm đầu, thêm niệm thứ hai, rồi niệm thứ ba … Niệm niệm nối đuôi, cứ thế tích tập. TẬP là nhân. Quả đương nhiên KHỔ. Không phải chỉ có cái khổ sanh tử quá khứ vị lai. Ngay đây đã khổ. Niệm niệm suy nghĩ làm tâm không yên. Cái không yên đó chính là một phần của KHỔ.
Giờ cần đến ĐẠO. Tắm Phật không đủ, cần phải tắm mình. Cho trôi mọi thứ tập tục đời thường. ĐẠO mà Phật nói, một bộ A Hàm, Thắng Man, Pháp Hoa v.v… Biết bao kinh điển chỉ bảo phương tiện, giải thích ngọn nguồn để ta trở về cội nguồn bình an. Tổ Tổ nối truyền chỉ thẳng mọi người đều có đức tướng trí tuệ Như Lai. Niệm trước mê là chúng sanh. Niệm sau giác là Phật. Niệm niệm tỉnh giác, Phật Phật đản sinh. Ngay tâm mình mà tu. Ngay tâm mình mà ngộ. Quản Ngạch buông đao đồ tể, thì liền thành Phật.
Bồ tát xuất hiện truyền thừa không biết bao nhiêu luận ngữ. Mỗi mỗi chỉ dạy cho hợp căn cơ chúng sanh. Để LÝ vẫn còn, mà SỰ thì vẫn thực hành không khó. Khuyên đừng tích tụ, thương người như thể thương thân. Ta người không khác. Tay đau, chân đau, thân cũng ảnh hưởng. Bầu ơi! Thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn. Người đau thì ta sẽ đau. Người vui ta rồi sẽ vui. Xan xẻ chứ đừng tích góp. Đừng bán cái đức mà mua cái phước. Cái vui trí tuệ mới là cái vui lâu dài ...
Thật nhiều phương cách, chung qui cũng chỉ phá đi cái sự tích TẬP. Cái nhân của mọi KHỔ đau. Nhưng mình chỉ đọc vớt vát vài thứ lều bều trên mặt, lấy đó làm ruột làm rà cho qua nỗi buồn chúng sinh. Hết buồn tìm vui thứ khác. Lại theo dòng đời trôi dạt. Càng dạt càng xa. Trở về càng cực. Bởi sự tích tụ càng nhiều, lực nghiệp càng lớn, thói quen càng mạnh, từ bỏ càng khó. Như con nghiện thuốc lâu năm, bỏ nghiện vật vả khó khăn. Ý chí không vững, đành phải đâm đầu nghiện tiếp dù biết sự sống không còn. Kiếp tằm cứ thế mà vương. Càng trói càng khổ. Tuổi thọ càng ít. Hoạn nạn càng nhiều. Chỉ vì hay thích tích tụ. Cái gì cũng muốn tích tụ cho nhiều. Công danh, sự nghiệp, lương thực, châu báu … thứ gì cũng muốn tích tụ. Một gáo tắm Phật không đủ trừ hết tham sân. Si ái còn hoài. Vô minh duyên hành, hành duyên thức … cứ thế luân hồi, Ta bà mãi mãi đông vui. Giờ phải tắm mình, không chỉ tắm Phật.
Thiện nghiệp làm nhiều, tính ra cũng là tích tập? Tích tập là nhân của KHỔ ?
Thiện nghiệp làm nhiều, không khéo cũng sinh tích tụ. Tích tụ là nhân của khổ. Có điều, ác nghiệp nhiều quá, cần có thiện nghiệp giải trừ. Không có thiện nghiệp, ác nghiệp khó trừ, lấy gì để được LÝ SỰ VIÊN DUNG mà có cái quả SỰ SỰ VIÊN DUNG? Thành LÝ không đủ, phải có cái SỰ đi kèm. Chứng tỏ LÝ ta học đó, không chỉ có ở bờ môi. Ra thành hành động hẳn hòi. Không phải nói thương, nói yêu, nói Phật, nói thiện chỉ trên đầu môi chót lưỡi, còn SỰ thì mặc, để dành người làm cho có công đức. Cái nớ không được. Cái gì mình chưa làm được, mình nguyện từ từ sẽ làm. Lý sự từ từ viên dung. Viên rồi mới nhập cảnh giới Hoa Nghiêm SỰ SỰ VÔ NGẠI. KHỔ thật sự hết. DIỆT mới tròn đầy.
Cho nên, phải cần tích tập thiện nghiệp. Cho tiêu cái tham cái sân. Có điều, TÍCH TẬP MÀ VÔ TÂM. Kinh Đại Bửu Tích – phẩm Hằng Hà Thượng – Phật nói “Tín nữ! Khi tích tập mà vô tâm. Khi không tích tập cũng như vậy”. Tích tập hay không, quan trọng vẫn là vô tâm. VÔ TÂM không phải là tâm si si ngu ngu, không phải là không quan tâm đến ai. Vô tâm là không tâm phân biệt, không tâm thủ xả. Nó là khái niệm dùng rất phổ biến trong chốn thiền môn. Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền! Chính là nó đó. Không thiền không định không có vô tâm. Nhưng không vì vậy mà mình không vô tâm được. Không vô tâm được đúng nghĩa, thì mình gầy tạo cái nhân vô tâm. Làm rồi đừng nhớ, đừng có kể công, đừng có nghĩ tưởng, hồi hướng tất cả cho đường Phật đạo của mình và người.
Một gáo tắm Phật, xin nguyện thế giới chúng sanh không chỉ tắm Phật mà phải tắm mình. Tham cứu pháp mầu, ứng dụng gột rửa tham sân, cho cõi Ta bà bớt đi tai ương hoạn nạn.
Nhân mùa Phật đản, xin nguyện không chỉ Phật đản một ngày, ngày ngày Phật đản, nơi nơi tâm TỪ niệm niệm đản sinh.