headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 28/01/2025 - Ngày 29 Tháng 12 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
Phatthanhdao  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

THIỀN SƯ NGHĨA THANH

Đầu Tử - (? - 1083)

Sư họ Lý quê ở Thanh Đổ, lúc bảy tuổi có nhiều điềm lạ, đến chùa Diệu Tướng xin xuất gia. Học luận Bách Pháp chưa bao lâu, Sư than: Con đường ba a-tăng-kỳ xa xôi, tự giam hãm nào có ích gì! Sư bèn vào thành Lạc nghe kinh Hoa Nghiêm. Đọc bài kệ của Chư Lâm Bồ-tát đến câu ?tức tâm tự tánh?, Sư liền phát tỉnh, nói: Pháp lìa văn tự đâu có thể giảng ư? Sư bèn cất bước du phương qua các thiền hội.

*

Thiền sư Viên Giám ở hội Thánh Nham một đêm nằm mộng thấy có nuôi con chim ưng sắc xanh, tỉnh giấc ông cho là một điềm lành. Đến sáng ngày ấy, Sư liền đi đến. Sư lễ ra mắt, Giám nhận cho ở và dạy khán câu ?ngoại đạo hỏi Phật: chẳng hỏi có lời, chẳng hỏi không lời?. Sư khán câu này trải qua ba năm, một hôm Giám hỏi: Ngươi ghi được thoại đầu chăng, thử nêu ra xem? Sư nghĩ đáp lại, bị Giám bụm miệng. Bỗng nhiên Sư khai ngộ, bèn đảnh lễ. Giám bảo: Ngươi diệu ngộ huyền cơ chăng? Sư thưa: Nếu có cũng phải mửa bỏ. Lúc đó, thị giả ở bên cạnh nói: Hoa Nghiêm Thanh ngày nay như bệnh được ra mồ hôi. Sư ngó lại, bảo: Ngậm lấy miệng chó, nếu nói lăng xăng, ta buồn nôn.

Sau đó ba năm, Giám đem tông chỉ của tông Tào Động chỉ dạy Sư đều diệu khế. Giám trao giày, y của Đại Dương Huyền và dặn dò: Ngươi thay ta nối dòng tông Tào Động, không nên ở đây lâu phải khéo hộ trì. Lại nói kệ:

            Tu-di lập thái hư

            Nhật nguyệt phụ nhi chuyển

            Quần phong tiệm ỷ tha

            Bạch vân phương cải biến.

            Thiếu Lâm phong khởi tùng

            Tào Khê động liêm quyện

            Kim phụng túc long sào

            Thần đài khởi xa tiển.

            Tu-di đứng trong không

            Nhật nguyệt cạnh mà chuyển

            Nhiều đảnh đều nương y

            Mây trắng mới biến đổi.

            Thiếu Lâm gió tòng lay

            Động Tào Khê cuốn sáo

            Phụng vàng đậu ổ rồng

            Nhà rêu đâu xe nghiền.

Giám lại bảo Sư đến nương nơi Thiền sư Viên Thông Tú.

*

Sư đến Viên Thông không thưa hỏi gì, chỉ ăn cơm xong rồi ngủ. Tri sự thấy thế, bạch với Viên Thông: Trong Tăng đường có vị Tăng cả ngày lo ngủ, xin thực hành theo qui chế. Viên Thông hỏi: Người nào? Tri sự thưa: Thượng tọa Thanh. Viên Thông bảo: Khoan! đợi ta xét qua. Viên Thông cầm gậy đi vào Tăng đường, thấy Sư đang nằm ngủ. Viên Thông gõ vào giường, quở: Trong đây tôi không có cơm dư cho Thượng tọa ăn xong rồi ngủ. Sư thưa: Hòa thượng dạy tôi làm gì? Viên Thông bảo: Sao chẳng tham thiền? Sư thưa: Món ăn ngon không cần đối với người bụng no. Viên Thông bảo: Tại sao có nhiều người không chấp nhận Thượng tọa? Sư thưa: Đợi họ chấp nhận để làm gì? Viên Thông hỏi: Thượng tọa đã gặp ai rồi đến đây? Sư thưa: Phù Sơn. Viên Thông bảo: Lạ! được cái gì mà lười biếng. Viên Thông bèn nắm tay, hai người cười rồi trở về phương trượng.

*

Ban đầu Sư trụ tại Bạch Vân. Sau Sư dời đến Đầu Tử.

Sư thượng đường gọi đại chúng bảo:

- Nếu luận việc này như loan phụng bay giữa hư không chẳng để dấu vết, như con linh dương mọc sừng ai tìm được dấu chân, rồng vàng chẳng giữ đầm lạnh, thỏ ngọc đâu gá bóng cóc. Nếu lập chủ khách thì phải ngoài cõi Oai Âm lay đầu, hỏi đáp nói bày vẫn là bên lề huyền lộ đề xướng. Nếu hay như thế vẫn còn ở giữa đường. Nếu đứng tròng (nhìn sững) chẳng nhọc thấy nhau.

*

Sư thượng đường:

- Nếu đề xướng tông thừa thì phàm thánh bặt dấu. Lầu gác mở cửa nơi khác thấy nhau. Giả sử cuốn rèm được ngộ đâu khỏi bên cạnh, mùa xuân gặp hoa đào lại thêm bệnh mắt. Do đó, cổ nhân nói: một đường hướng thượng ngàn thánh chẳng truyền.

Chư nhân giả! đã là chẳng truyền, tại sao con trâu sắt chạy qua nước Tân La (Triều Tiên)? Sư bèn hét! nói: đạt giả phải biết trong tiếng sợ.

*

Có vị Tăng hỏi:

- Thầy xướng gia khúc tông phong ai? và nối pháp vị nào?

Sư đáp:- Một mũi tên trước Oai Âm, bắn thấu hai lớp núi.

- Thế nào là việc truyền nhau?

- Toàn nhân trăng đất Hoài, chiếu soi xuân xứ Dĩnh.

- Thế ấy là vào nước thấy người dài?

- Chỉ biết kinh ngọc lạ, đâu biện tâm Sở vương.

Tăng lễ bái.

*

Niên hiệu Nguyên Phong năm thứ sáu (1083) nhà Tống, ngày mùng bốn tháng năm, Sư tắm rửa thượng đường từ biệt chúng, viết kệ:

            Lưỡng xứ trụ trì

            Vô khả trợ đạo

            Trân trọng chư nhân

            Bất tu tầm thảo.

            Trụ trì hai nơi

            Không thể giúp đạo

            Trân trọng các người

            Chẳng cần tìm thảo.

            Sư ném bút liền tịch.

[ Quay lại ]