headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 27/12/2024 - Ngày 27 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
Phatdan2024  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

TRẦN THÁI TÔNG ÔNG VUA THIỀN SƯ

 (1218 - 1277)

Trần Thái Tông tên Trần Cảnh, con thứ của Trần Thừa, sinh năm Mậu Dần niên hiệu Kiến Gia thứ tám (1218) triều Lý. Gia thế ở hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường (nay là xã Tức Mặc huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định); ông cha làm nghề đánh cá. Nhờ có công dẹp loạn, họ Trần dần dần có thế lực từ đời Lý Cao Tông. Trần Cảnh mới có tám tuổi được Lý Chiêu Hoàng nhận làm chồng và truyền ngôi cho, lấy hiệu là Thái Tông.

Năm Thái Tông lên 20 tuổi, Lý Chiêu Hoàng 19 tuổi đang là Hoàng hậu, bị Trần Thủ Độ ép Thái Tông giáng Chiêu Hoàng làm Công chúa, lấy Thuận Thiên là vợ Trần Liễu (anh ruột Thái Tông) làm Hoàng hậu. Lý do, vì Thủ Độ nôn nóng Thái Tông có con để kế thừa, mà Chiêu Hoàng chậm con, Thuận Thiên đang mang thai. Trần Liễu phẫn uất nổi loạn tháng giêng năm Bính Thân (1236).       

Do nhiều nỗi khổ và lòng ray rứt bất an, lúc 10 giờ đêm ngày mồng ba tháng tư năm 1236, vua Thái Tông bỏ ngai vàng, trốn lên núi Yên Tử đi tu. Vua đem theo một số tùy tùng, nói đi để nghe dư luận dân gian, biết rõ sự thực cho dễ bề trị nước. Sang sông, đoàn người đi về phía đông. Bây giờ vua mới nói rõ ý định đi tu với các người tùy tùng và bảo họ trở về. Mọi người đều ngạc nhiên và khóc lóc. Vào khoảng sáu giờ sáng hôm sau vua đến bến đò Đại Than ở núi Phả Lại. Trời sáng, sợ người nhận ra, vua lấy vạt áo che mặt mà qua đò, rồi theo đường tắt lên núi. Đến tối, vua vào nghỉ trong chùa Giác Hạnh, đợi sáng lại đi. Khó khăn trèo núi hiểm, lội suối sâu, con ngựa đã yếu không thể lên núi được nữa, vua phải bỏ ngựa vịn vào các tảng đá mà đi. Khoảng hai giờ trưa mới đến chân núi Yên Tử. Sáng hôm sau, vua lên thẳng đỉnh núi và vào tham kiến Thiền sư Trúc Lâm (có lẽ Thiền sư Đạo Viên).

“Thấy Trẫm, Quốc sư mừng rỡ. Người ung dung bảo Trẫm: Lão tăng ở chốn sơn dã đã lâu, xương cứng mặt gầy, ăn rau răm, nhai hạt dẻ, uống nước suối, vui cảnh núi rừng đã quen, lòng nhẹ như đám mây nổi, cho nên mới theo gió mà đến đây. Nay bệ hạ bỏ địa vị nhân chủ mà nghĩ đến cảnh quê mùa rừng núi, hẳn là muốn tìm cầu gì ở đây cho nên mới đến, phải không? Trẫm nghe lời thầy hỏi, hai hàng nước mắt ứa ra, liền thưa với thầy rằng: Trẫm còn thơ ấu, đã sớm mất mẹ cha, trơ vơ đứng trên sĩ dân, không có nơi nào để nương tựa. Lại nghĩ rằng sự nghiệp đế vương đời trước hưng phế bất thường, cho nên mới vào đây, chỉ muốn cầu thành Phật, chứ chẳng muốn tìm gì khác. Thầy đáp: Trong núi vốn không có Phật, Phật ở trong tâm ta. Nếu tâm lắng lặng trí tuệ xuất hiện, đó chính là Phật. Nếu bệ hạ giác ngộ được tâm ấy thì tức khắc thành Phật ngay tại chỗ, không cần đi tìm cực khổ ở bên ngoài.” (Bài tựa sách Thiền Tông Chỉ Nam)

Hôm sau, Trần Thủ Độ đem các quan lên núi Yên Tử đón vua về kinh. Bài tựa Thiền Tông Chỉ Nam, Thái Tông viết: “Thấy Trẫm, Trần Công thống thiết nói: Tôi chịu lời ủy thác của Tiên quân, phụng sự nhà vua trong việc làm chủ thần dân. Nhân dân đang mong đợi bệ hạ như con đỏ trông đợi cha mẹ. Huống chi ngày nay các vị cố lão trong triều đều là họ hàng thân thích, sĩ thứ trong nước ai nấy đều vui vẻ phục tùng, đến đứa trẻ lên bảy cũng biết nhà vua là cha mẹ dân. Vả lại Thái Tổ vừa mới bỏ tôi mà đi, hòn đất trên nấm mồ chưa ráo, lời dặn dò bên tai còn văng vẳng, thế mà bệ hạ đã lánh vào chốn núi rừng ẩn cư để cầu thỏa lấy ý chí riêng của mình. Tôi dám nói rằng bệ hạ vì sự tự tu cho riêng mình mà làm vậy thì được, nhưng còn quốc gia xã tắc thì sao? Nếu để lời khen suông cho đời sau thì sao bằng lấy ngay thân mình làm người dẫn đạo cho thiên hạ? Bệ hạ nếu không nghĩ lại, quần thần chúng tôi cùng thiên hạ sẽ xin cùng chết cả trong ngày hôm nay, quyết không trở về.

Trẫm nghe Thái sư và các quần thần bô lão đều không chịu bỏ Trẫm, cho nên mới đem lời Thái sư mà bạch lại với Quốc sư, Quốc sư cầm tay Trẫm mà nói: Phàm làm đấng nhân quân, thì phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, và tâm thiên hạ làm tâm của mình. Nay thiên hạ muốn đón bệ hạ về, bệ hạ không về sao được? Tuy nhiên sự nghiên cứu nội điển xin bệ hạ đừng phút nào quên.

Bởi vậy Trẫm với mọi người trong triều mới trở về kinh, miễn cưỡng mà lên lại ngôi báu. Ròng rã trong mười năm trời, mỗi khi có cơ hội việc nước nhàn rỗi, Trẫm lại tụ họp các bậc kỳ đức để học hỏi đạo thiền. Các kinh điển của các hệ thống giáo lý chính, không kinh nào là Trẫm không nghiên cứu. Trẫm thường đọc kinh Kim Cương, một hôm đọc đến câu ‘Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm’, buông kinh xuống chiêm nghiệm, bỗng hoát nhiên tự ngộ...”

Thái Tông là ông vua chăm học, trong bài tựa kinh Kim Cương Tam-muội ông viết:

“Trẫm lo việc chăn dân, mỗi lúc gian nan thường lăn lóc trong công việc, quên cả sớm chiều. Công việc thì có hàng vạn thứ mà thì giờ nhàn rỗi không có được bao lăm. Siêng công việc, tiếc ngày giờ, Trẫm cố học hành thêm. Chữ nghĩa thì chưa biết được bao lăm, cho nên ban đêm đến giờ khuya vẫn còn phải thức để đọc sách; học sách Nho rồi còn học kinh Phật.”

Thái Tông quả là ông vua cần mẫn hiếu học, không buông mình theo dục lạc.

Chẳng những thế, Thái Tông lại là ông vua anh hùng. Năm 1257 giặc Mông Cổ xâm lăng đất nước, Thái Tông đích thân tham gia chỉ huy nhiều trận, có mặt ở cả mọi nơi nguy hiểm, khiến quân sĩ đều nức lòng chiến đấu. Kết quả quân ta đã đánh tan quân xâm lược, giặc Mông Cổ tháo thân chạy về Vân Nam vào đầu năm 1258. Đây là ông vua vừa đạo đức vừa anh hùng, làm sáng rỡ những trang sử oai hùng của dân tộc Việt Nam.

Sau cuộc chiến, đất nước thái bình, Trần Thái Tông nhường ngôi cho con năm 1258 lên làm Thái thượng hoàng. Từ đây Thái Tông vừa làm cố vấn cho con, vừa lo nghiên cứu tu thiền. Đến lúc vua Trần Thánh Tông đủ sức đảm đang việc nước, ông lui về lập am Thái Vi ở vùng rừng núi Vĩ  Lâm cố đô Hoa Lư để an dân lập ấp và tu hành.

Thái Tông cũng là nhà văn, đời Ngài viết khá nhiều tác phẩm, hiện nay còn thấy trong tập Khóa Hư Lục. Thử trích một vài đoạn để chứng thực điều này:

Trong bài Phổ Thuyết Sắc Thân có đoạn:

“Khi xưa tóc mượt má hồng, ngày nay tro xanh xương trắng; khi mưa lệ tưới mây ảm đạm, lúc gió sầu lay nguyệt mơ màng; canh tàn thì quỉ khóc thần sầu, năm muộn thì trâu giày ngựa đạp. Đom đóm lập lòe trong cỏ biếc, côn trùng rên rỉ ngọn dương trơ. Bia đá một nửa phủ rêu xanh, tiều mục đạp ngang thành lối tắt...”

Hoặc đoạn khác trong bài Phổ Khuyến Phát Bồ-đề Tâm:

“Công danh cái thế, chẳng qua một giấc mộng dài, phú quí kinh người, khó tránh ‘vô thường’ hai chữ. Tranh nhân chấp ngã, rốt cuộc là không; khoe giỏi khoe hay rốt cùng chẳng thực. Tứ đại rã rời thôi già trẻ, núi khe mòn mỏi hết anh hùng. Tóc xanh chưa mấy mà mầu bạc đã pha, kẻ mừng mới đi mà người điếu đã tới. Một bao máu mủ, bao năm khổ luyến ân tình; bảy thước xương khô, mặc sức xan tham tiền của. Thở ra không hẹn thở vào, ngày nay không tin ngày kế; trôi nổi sông yêu giờ nào nghỉ, nấu nung nhà cháy biết bao thôi ?”

Thái Tông là một Thiền sư có tầm cỡ. Đầu tiên Ngài đã ngộ câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” trong kinh Kim Cương. Sau Ngài còn tập họp các bậc kỳ đức để tham vấn thiền. Những năm làm Thái thượng hoàng, Ngài có thì giờ nghiên tầm thấu suốt, cho nên có người tham vấn, liền đáp một cách tự tại. Nghe danh Ngài, vị tăng Đức Thành người Tống đến hỏi:  

- Đức Thế Tôn chưa rời Đâu-suất đã giáng vương cung, chưa ra khỏi thai mẹ độ hết chúng sanh là thế nào?

 Ngài đáp:

          - Ngàn sông có nước, ngàn sông nguyệt,

            Muôn dặm không mây muôn dặm trời.

          (Thiên giang hữu thủy thiên giang nguyệt,

          Vạn lý vô vân vạn lý thiên.)

 Tăng khác hỏi:- Được trên phần của học nhân có tu chứng chăng?

Ngài đáp:

          - Nước chảy xuống non nào có ý,

             Mây ra khỏi núi vốn không tâm.

            (Lưu thủy hạ sơn phi hữu ý,

             Bạch vân xuất tụ bản vô tâm.)

Đến niên hiệu Bảo Phù thứ năm (1277), Ngài tịch, thọ 60 tuổi. Ngài viết những tác phẩm:

          1) Thiền Tông Chỉ Nam

          2)  Kim Cương Tam-muội Kinh chú giải

          3)  Lục Thời Sám Hối Khoa Nghi

          4)  Bình Đẳng Lễ Sám Văn

          5)  Khóa Hư Lục

          6)  Thi Tập

[ Quay lại ]