SƠ TỔ PHÁI TRÚC LÂM TRẦN NHÂN TÔNG
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ tư, 30 Tháng bẩy 2008 09:08
- Viết bởi nguyen
(1258 - 1308)
Ngài tên húy là Khâm con trưởng vua Trần Thánh Tông và Nguyên Thánh hoàng thái hậu. Ngài tuy ở vị sang cả mà tâm hâm mộ Thiền tông từ thuở nhỏ. Năm 16 tuổi được lập làm Hoàng thái tử, Ngài cố từ để nhường lại cho em, mà vua cha không chịu. Vua cưới trưởng nữ của Nguyên Từ quốc mẫu cho Ngài tức là Khâm Từ thái hậu sau này. Sống trong cảnh vui hòa hạnh phúc ấy mà tâm Ngài vẫn thích đi tu.
Một hôm vào lúc giữa đêm, Ngài trèo thành trốn đi, định vào núi Yên Tử. Đến chùa Tháp ở núi Đông Cứu thì trời vừa sáng, trong người mệt nhọc quá, Ngài bèn vào nằm nghỉ trong tháp. Vị Sư trụ trì ở đây thấy Ngài tướng mạo khác thường, liền làm cơm thết đãi. Vua cha hay tin, sai các quan đi tìm thấy, Ngài bất đắc dĩ phải trở về.
Năm 21 tuổi, Ngài lên ngôi Hoàng đế (1279). Tuy ở địa vị cửu trùng, mà Ngài vẫn giữ mình thanh tịnh để tu tập. Thường ngày, Ngài đến chùa Tư Phước trong đại nội tu tập. Một hôm nghỉ trưa, Ngài thấy trong rốn mọc lên một hoa sen vàng lớn bằng bánh xe, trên hoa sen có đức Phật vàng. Có người đứng bên cạnh chỉ Ngài nói: “Biết ông Phật này chăng? Là đức Phật Biến Chiếu.” Tỉnh giấc, Ngài đem việc đó tâu lên vua cha. Vua Thánh Tông khen là việc kỳ đặc.
Ngài thường ăn chay lạt thân thể gầy ốm. Thánh Tông thấy thế lấy làm lạ, nên hỏi nguyên do. Ngài trình thật với cha. Thánh Tông khóc bảo : “Nay ta đã già, chỉ trông cậy một mình con, con lại làm như thế, làm sao gánh vác được sự nghiệp của Tổ tiên?” Ngài nghe dạy cũng rơi nước mắt.
Con người Ngài rất thông minh hiếu học, đọc hết các sách vở, suốt thông nội điển (kinh) và ngoại điển (sách đời). Những khi nhàn rỗi, Ngài mời các thiền khách bàn giải về tâm tông (thiền) tham học thiền với Thượng Sĩ Tuệ Trung, thâm đắc đến chỗ Thiền tủy. Đối với Thượng Sĩ, Ngài kính lễ làm thầy.
Những khi giặc Nguyên sang quấy rối, Ngài phải xếp việc kinh kệ để lo giữ gìn xã tắc. Nhờ tình đoàn kết quân dân, Ngài đã hai lần đuổi được quân Nguyên giữ gìn trọn vẹn đất nước.
Năm Quí Tỵ (1293), Ngài nhường ngôi lại cho con là Trần Anh Tông, lên làm Thái thượng hoàng. Ở ngôi Thái thượng hoàng để chỉ dạy cho con được sáu năm, Ngài sắp đặt việc xuất gia.
Đến tháng mười, năm Kỷ Hợi (1299) Ngài xuất gia vào tu ở núi Yên Tử. Ở đây, Ngài chuyên cần tu tập theo hạnh đầu-đà (khổ hạnh) lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu-đà. Sau đó Ngài lập chùa, cất tịnh xá, khai giảng để tiếp độ chúng tăng. Học chúng đua nhau đến rất đông. Sau, Ngài đến chùa Phổ Minh ở phủ Thiên Trường lập giảng đường, giảng dạy mấy năm. Ngài lại vân du đến trại Bố Chánh lập am Tri Kiến rồi ở đó.
Đến năm Giáp Thìn (1304), Ngài dạo đi khắp nơi khuyên dân dẹp bỏ những dâm từ (miếu thờ thần không chánh đáng), và dạy họ tu hành Thập thiện. Vào mùa đông năm ấy, vua Anh Tông dâng biểu thỉnh Ngài về đại nội để truyền giới Bồ-tát tại gia.
Sau đó, Ngài chống gậy đến chùa Sùng Nghiêm ở núi Linh Sơn để truyền bá Thiền tông.
Mở đầu pháp hội, Ngài niêm hương báo ân xong bước lên tòa. Vị Thượng thủ bạch chùy v.v... rồi Ngài nói:
- Thích-ca Văn Phật vì một đại sự mà xuất hiện giữa cõi đời này, suốt bốn mươi chín năm chuyển động đôi môi mà chưa từng nói một lời. Nay ta vì các ngươi lên ngồi tòa này, biết nói chuyện gì đây ?
Ngồi giây lâu, Ngài ngâm:
Thân như hơi thở ra vào mũi
Đời giống mây trôi đỉnh núi xa,
Tiếng quyên từng chập vầng trăng sáng,
Đâu phải tầm thường qua một xuân.
(Thân như hô hấp tỹ trung khí,
Thế tợ phong hành lãnh ngoại vân.
Đỗ quyên đề đoạn nguyệt như trú,
Bất thị tầm thường không quá xuân.)
Ngài vỗ bàn một cái, nói:- Không có gì sao ? Ra đây ! Ra đây !
*
* *
Có vị tăng hỏi:- Thế nào là Phật ?
Ngài đáp:
- Nhận đến như xưa vẫn chẳng phải.
- Thế nào là Pháp ?
- Nhận đến như xưa vẫn chẳng phải.
- Thế nào là Tăng ?
- Nhận đến như xưa vẫn chẳng phải.
- Cứu cánh thế nào?
- Chữ bát đã bày trao hết sạch
Đâu còn có việc nói cùng ngươi.
(Bát tự đả khai phân phó liễu
Cánh vô dư sự khả trình quân.)
Lại hỏi:- Thế nào là một việc hướng thượng ?
Ngài đáp:
- Đầu gậy khêu nhật nguyệt.
- Dùng công án cũ làm gì ?
- Một lần nhắc lại một lần mới.
- Thế nào là giáo ngoại biệt truyền ?
- Ễnh ương nhảy không khỏi đấu.
- Sau khi ra khỏi đấu thì thế nào ?
- Lại theo con ếch nhảy xuống bùn.
- Vẫn là nhảy chẳng khỏi.
Ngài bèn lớn tiếng nạt:
- Kẻ mù! Thấy cái gì ?
- Đại tôn đức lừa người làm gì ?
Ngài liền “hừ, hừ”.
Vị tăng suy nghĩ.
Ngài liền đánh. Vị tăng lại suy nghĩ để hỏi.
Ngài liền hét. Vị tăng cũng hét.
Ngài hỏi:
- Lão tăng bị một cái hét, hai cái hét của ngươi, rốt cuộc thế nào ? Nói mau ! Nói mau !
Vị tăng suy nghĩ.
Ngài lại hét một tiếng, nói:
- Con chồn hoang quỉ quái! Vừa rồi tinh lanh giờ ở chỗ nào ?
Vị tăng lễ bái lui ra.
Tăng hỏi:
- Đại tôn đức khổ nhọc tu hành, đã trải qua nhiều năm, đối với sáu thông của Phật, Ngài đã được mấy thông ?
Ngài đáp:
- Cũng được sáu thông.
- Năm thông kia gác qua, thế nào là tha tâm thông ?
- Đầy cả quốc độ, có bao nhiêu thứ tâm, Như Lai đều biết, Như Lai đều thấy.
Vị tăng liền đưa nắm tay lên nói:
- Đã biết hết thấy hết, vậy biết cái này có vật gì ?
Ngài đáp:
- Như có như không, chẳng phải không chẳng phải sắc.
- Xưa tăng hỏi Hòa thượng Lang Gia: “Thanh tịnh bản nhiên, vì sao chợt sanh sơn hà đại địa?” ý chỉ thế nào?
- Thật giống thuyền chài ra biển.
- Ý này thế nào ?
- Ai biết nơi chốn khói sóng xa khơi kia, riêng có chỗ nên suy nghĩ.
*
* *
Hỏi:- Thế nào là gia phong Phật quá khứ ?
Đáp:
- Vườn rừng vắng vẻ ai chăm sóc
Lý trắng đào hồng hoa tự nhiên.
- Thế nào là gia phong Phật hiện tại ?
- Gia phong sóng bạc mê yến sớm
Tiên uyển đào hồng say gió xuân.
- Thế nào là gia phong Phật vị lai?
- Bãi biển chờ triều trời đợi nguyệt,
Xóm chài nghe sáo khách nhớ nhà.
- Gia phong Hòa thượng thế nào ?
- Áo rách che mây, sáng ăn cháo
Bình xưa tưới nguyệt, tối uống trà.
Lại hỏi:- Ngài Linh Vân khi xem hoa đào ngộ thì thế nào ?
Đáp:
- Tự nở tự tàn theo thời tiết
Đông quân bị hỏi cũng khôn lời.
- Khi giết người không nhìn lại thì sao ?
- Gan dạ cùng mình.
- Người đại tu hành lại rơi vào nhân quả hay không?
- Miệng dường chậu máu chê Phật Tổ
Răng như kiếm bén gặm rừng thiền.
Một mai chết đọa A-tỳ ngục
Cười ngất, Nam-mô Quán Thế Âm.
Hỏi:
- “Dưới ruộng bầy cò ngàn điểm tuyết
Trên cây oanh đậu một cành hoa”, thì thế nào ?
Đáp:- Lầm!
- Theo Đại tôn đức thì thế nào ?
- Dưới ruộng bầy cò ngàn điểm tuyết
Trên cây oanh đậu một cành hoa.
- Đó là câu nói của tôi.
- Muốn biết thần tiên lò luyệïn thuốc
Linh đơn vốn thiệt tử châu sa.
Hỏi:- Thế nào là Thanh tịnh pháp thân ?
Đáp:
- Đục vàng rơi trong phân sư tử
Người đen đúa vác bó hương thơm.
- Học nhân không hiểu ?
- Chớ học thói hồ đồ trả giá
Cười người chân thật dối lầm nhau.
- Thế nào là Viên mãn báo thân ?
- Cánh bằng bay bổng dừng cơn gió
Ly châu lắng lạnh biển trong ngần.
Vị tăng lễ bái.
Ngài bảo:
- Nguyên lai đầy đủ nhiều công dụng
Bởi chú quàng xiên chẳng được thành.
Hỏi:- Thế nào là Thiên bách ức hóa thân ?
Đáp:
- Mây dồn sương phủ trời mù mịt
Tấc nước như xưa trước đỉnh đầu.
Tăng nói:- Đúng thế.
Ngài bảo:
- Cười ngất kẻ gom mây dưới đảnh
Bốn bề nuốt lấy hòn sắt tròn.
Vị tăng lễ bái lui ra.
*
* *
Pháp Loa hỏi:
- Nói huyền nói diệu, luận cổ bàn kim, đều thuộc thứ nói đùa, một câu không kẹt trong ngôn ngữ làm sao nói được ?
Ngài đáp:
- Gió đông dìu dịu ngàn hoa nở
Lách cách vành xe một tiếng vang.
Pháp Loa toan mở miệng nói, Ngài liền bảo:
- Chim hót máu tuôn vẫn vô dụng
Non tây như trước phủ mây chiều.
- Khi muôn dặm mây tạnh thì thế nào ?
- Mưa tầm tã.
- Khi muôn dặm mây che kín thì thế nào ?
- Trăng vằng vặc.
- Cứu cánh thế nào ?
- Chớ động đến, động đến ăn ba mươi gậy.
- Thế nào là bản lai diện mục ?
Ngài im lặng giây lâu hỏi: - Hiểu chăng ?
- Chẳng hiểu.
Ngài liền đánh.
Pháp Loa hỏi: - Thế nào là ba mươi hai tướng tốt tám mươi vẻ đẹp ?
Ngài đáp:
- Nếu dùng sắc thấy ta,
Dùng âm thanh cầu ta,
Người ấy hành đạo tà,
Không thể thấy Như Lai.
- Thế nào là Phật ?
- Tấm cám ở dưới cối.
- Thế nào là ý Tổ sư từ Ấn sang ?
- Bánh vẽ.
- Thế nào là đại ý Phật pháp ?
- Cùng hầm, đất không khác.
- Xưa có vị tăng hỏi Triệu Châu “con chó có Phật tánh không” Triệu Châu nói “không” ý chỉ thế nào ?
- Chất muối ở trong nước,
Keo xanh ở trong sắc.
- Hữu cú vô cú như bìm leo cây, khi ấy thế nào ?
Ngài bèn nói kệ:
Hữu cú vô cú
Bìm khô cây ngã
Mấy kẻ nạp tăng
U đầu sứt trán.
Hữu cú vô cú
Thể lộ gió thu
Hằng hà sa số
Va dao chạm bén.
Hữu cú vô cú
Lập tông lập chỉ
Đập ngói dùi rùa
Trèo non lội nước.
Hữu cú vô cú
Chẳng có chẳng không
Khắc thuyền tìm kiếm
Tìm ngựa cứ hình (bản đồ).
Hữu cú vô cú
Hồi hỗ, hay không
Nón tuyết giày hoa
Ôm cây đợi thỏ.
Hữu cú vô cú
Tự xưa tự nay
Chấp tay quên trăng
Đất bằng chết chìm.
Hữu cú vô cú
Như thế như thế
Chữ bát mở ra
Sao không nắm mũi ?
Hữu cú vô cú
Ngó tả ngó hữu
Lau chau mồm mép
Ồn ào náo động.
Hữu cú vô cú
Đau đáu lo sợ
Cắt đứt sắn bìm
Đó đây vui thích.
(Hữu cú vô cú
Đằng khô thọ đảo
Cơ cá nạp tăng
Hàng đầu khái não.
Hữu cú vô cú
Thể lộ kim phong
Hằng hà sa số
Phạm nhẫn thương phong.
Hữu cú vô cú
Lập tông lập chỉ
Đả ngỏa toản qui
Đăng sơn thiệp thủy.
Hữu cú vô cú
Phi hữu phi vô
Khắc chu cầu kiếm
Sách kị án đồ.
Hữu cú vô cú
Hỗ bất hồi hỗ
Lạp tuyết hài hoa
Thủ chu đãi thố.
Hữu cú vô cú
Tự cổ tự kim
Chấp chỉ vong nguyệt
Bình địa lục trầm.
Hữu cú vô cú
Như thị như thị
Bát tự đả khai
Toàn vô ba tỹ.
Hữu cú vô cú
Cố tả cố hữu
A thích thích địa
Náo quát quát địa.
Hữu cú vô cú
Đao đao phạ phạ
Tiệt đoạn cát đằng
Bỉ thử khoái hoạt.)
Ngài bèn bước xuống tòa.
*
* *
Ngày mùng một tháng giêng năm Mậu Thân (1308) Ngài sai Pháp Loa đến huyện Siêu Loại tại Báo Ân thiền tự khai giảng trụ trì. Tháng tư năm ấy, Ngài đến chùa Vĩnh Nghiêm ở Lượng Giang kiết hạ và sai Pháp Loa khai giảng trụ trì. Chính Ngài giảng Truyền Đăng Lục, bảo Quốc sư Đạo Nhất vì chúng giảng kinh Pháp Hoa. Bãi hạ, Ngài vào núi Yên Tử, đuổi hết những người cư sĩ theo hầu hạ và những kẻ nô dịch trong chùa, không được chực hầu như trước. Chỉ để lại mười vị thị giả thường theo Ngài. Ngài lên ở am Tử Tiêu, vì Pháp Loa giảng Truyền Đăng Lục. Thị giả xuống núi gần hết, duy có đệ tử thượng túc là Pháp Loa còn ở thôi.
Từ đây, Ngài leo khắp các núi, tìm kiếm các hang động, ở tại thạch thất. Pháp Loa thấy thế bạch:
- Tôn đức tuổi đã già yếu, mà xông pha trong sương tuyết, lỡ có bề gì thì mạng mạch Phật pháp trông cậy vào ai ?
Ngài bảo:
- Ta thời tiết đã đến, muốn tạo cái kế lâu dài vậy.
Ngày mùng năm tháng mười năm ấy, người nhà của công chúa Thiên Thụy lên núi bạch Ngài: “Công chúa Thiên Thụy bệnh nặng mong được thấy Tôn đức rồi chết.” Ngài bùi ngùi bảo: “Thời tiết đã đến vậy.” Ngài bèn chống gậy xuống núi, chỉ cho theo một người thị giả. Ngày mùng mười Ngài về đến kinh, dặn dò xong, ngày rằm Ngài trở về núi. Ngài dừng nghỉ ở chùa Siêu Loại. Hôm sau vừa rạng đông, Ngài đi bộ đến chùa làng Cổ Châu, tự đề bài kệ rằng:
Số đời một hơi thở
Lòng người hai biển vàng
Cung ma dồn quá lắm
Cõi Phật vui nào hơn.
(Thế số nhất tức mặc
Thời tình lưỡng hải ngân
Ma cung hồn quản thậm
Phật quốc bất thắng xuân.)
Đến ngày 17, Ngài dừng nghỉ ở chùa Sùng Nghiêm tại Linh Sơn, Tuyên Từ hoàng thái hậu thỉnh Ngài vào am Bình Dương cúng trai. Ngài vui vẻ nói: “Đây là bữa cúng dường rốt sau.”
Ngày 18, Ngài lại đi bộ đến chùa Tú Lâm ở ngọn An Kỳ Sanh. Nghe nhức đầu, Ngài gọi hai vị Tỳ-kheo trong chùa bảo:
- Ta muốn lên ngọn Ngọa Vân mà chân không thể leo nổi, phải làm sao ?
Hai vị Tỳ-kheo bạch:- Hai đệ tử có thể giúp được.
Đến am Ngọa Vân, Ngài tạ hai vị Tỳ-kheo rằng:
- Xuống núi tu hành đi, chớ xem thường việc sanh tử.
Ngày 19, Ngài sai thị giả Pháp Không lên am Tử Tiêu ở núi Yên Tử gọi Bảo Sát đến đây gấp.
Ngày 20, Bảo Sát quảy gói sang, đi đến Doanh Tuyền thấy một vầng mây đen từ ngọn Ngọa Vân bay qua Lỗi Sơn và hạ xuống Doanh Tuyền, nước đầây tràn lên cao mấy trượng, giây lát lại bình xuống. Lại thấy hai con rồng đầu bằng đầu ngựa ngóc cao hơn trượng, hai con mắt như sao, chốc lát lại lặn xuống. Đêm ấy Bảo Sát nghỉ trong quán trọ dưới núi, mộng thấy điềm chẳng lành.
Ngày 21, Bảo Sát đến am Ngọa Vân. Ngài trông thấy mỉm cười bảo:
- Ta sắp đi đây, nhà ngươi đến sao trễ vậy ? Đối với Phật pháp, ngươi có chỗ nào chưa rõ hãy hỏi mau.
Bảo Sát hỏi:
- Như khi Mã Tổ bệnh, Viện chủ hỏi: “Những ngày gần đây Tôn đức thế nào?” Mã Tổ bảo: “Nhật diện Phật, Nguyệt diện Phật.” Nói thế ý chỉ làm sao ?
Ngài lớn tiếng đáp: - Ngũ đế Tam hoàng là vật gì ?
Bảo Sát lại hỏi:
- Chỉ như “Hoa sum sê chừ gấm sum sê, tre đất nam chừ cây đất bắc”, lại là sao ?
Ngài đáp:- Làm mù mắt ngươi.
Bảo Sát bèn thôi.
Suốt mấy hôm trời đất u ám, chim vượn kêu hót rất bi thảm.
Đến ngày mùng 1 tháng 11, đêm nay trời trong sao sáng, Ngài hỏi Bảo Sát: - Hiện giờ là giờ gì ?
Bảo Sát bạch: - Giờ Tý.
Ngài lấy tay vén màn cửa sổ nhìn xem, nói: - Đến giờ ta đi.
Bảo Sát hỏi:- Tôn đức đi đến chỗ nào?
Ngài nói kệ đáp:
Tất cả pháp chẳng sanh
Tất cả pháp chẳng diệt
Nếu hay hiểu như thế
Chư Phật thường hiện tiền.
(Nhất thiết pháp bất sanh
Nhất thiết pháp bất diệt
Nhược năng như thị giải
Chư Phật thường hiện tiền .)
Nào có đến đi ấy vậy.
Bảo Sát hỏi:- Chỉ như khi chẳng sanh chẳng diệt là thế nào ?
Ngài liền nhằm miệng Bảo Sát tát cho một cái, nói:- Chớ nói mớ.
Nói xong, Ngài bèn nằm như sư tử lặng lẽ mà tịch. Vào niên hiệu Hưng Long thứ mười sáu (1308), thọ 51 tuổi.
Pháp Loa theo lời di chúc của Ngài làm lễ hỏa táng, lượm ngọc cốt có năm màu để vào bình. Vua Anh Tông cùng đình thần đem long giá rước ngọc cốt về tôn thờ nơi Đức Lăng và xây tháp ở chùa Vân Yên trên núi Yên Tử, để hiệu là Huệ Quang Kim Tháp và dâng tôn hiệu là Đại Thánh Trần Triều Trúc Lâm Đầu-đà Tĩnh Tuệ Giác Hoàng Điều Ngự Tổ Phật.
Ngài còn lưu lại những tác phẩm:
1) Thiền Lâm Thiết Chủy Ngữ Lục
2) Đại Hương Hải Ấn thi tập
3) Tăng-già Toái Sự
4) Thạch Thất Mị Ngữ do Pháp Loa soạn lại lời của Ngài.