headertvtc new


   Hôm nay Thứ hai, 18/11/2024 - Ngày 18 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

TUỆ TRUNG THƯỢNG SĨ TRẦN TUNG

 (1230 - 1291)

Thượng Sĩ là con đầu của Khâm Minh Từ Thiện Thái Vương Trần Liễu, là anh cả của Hoàng thái hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm. Khi Đại vương mất, Hoàng đế Trần Thái Tôn cảm nghĩa phong cho Thượng Sĩ tước Hưng Ninh Vương.

Lúc nhỏ, Thượng Sĩ đã tỏ ra bẩm chất cao sáng, thuần hậu có tiếng. Được cử  trấn giữ quân dân đất Hồng Lộ, Ngài đã hai lần ngăn giặc Bắc xâm lăng, có công với nước, lần hồi được thăng chuyển giữ chức Tiết Độ Sứ trấn cửa biển Thái Bình.

Về con người, Thượng Sĩ vốn khí lượng thâm trầm, phong thần nhàn nhã. Lúc còn để chỏm, Ngài đã chuộng cửa không. Đến tham vấn Thiền sư Tiêu Dao ở tinh xá Phước Đường, Ngài lãnh hội được yếu chỉ, bèn dốc lòng thờ làm thầy, lấy thiền duyệt làm cái vui hằøng ngày, không lấy công danh làm chỗ sở thích, Ngài lui về ấp Tịnh Bang do vua phong cấp cho, đổi tên lại là làng Vạn Niên.

Trộn lẫn thế tục, hòa cùng ánh sáng, trong việc đối xử Ngài chưa hề phụ lòng ai, nhân đó tiếp mạnh hạt giống pháp, dìu dắt được người sơ cơ. Người nào đến hỏi han cũng được Ngài chỉ cho chỗ cương yếu khiến tâm tánh họ ứng dụng được nhẹ nhàng, khi hành cũng như lúc tàng, không gì nhất định cả.

Từ lâu, nhà vua nghe đồn đãi về Ngài bèn cho sứ thỉnh vào cửa khuyết. Ngài hầu chuyện lời lời đều tỏ ra siêu tục, nhân đó vua tôn Ngài là Sư huynh, tặng cho hiệu Thượng Sĩ.

*

*   *

Một hôm, có vị tăng đến hỏi:

- Bạch Thượng Sĩ, tôi vì sanh tử là việc lớn, vô thường nhanh chóng, song chưa biết thân này từ đâu sanh ra ? Chết sẽ đi về đâu ?

Ngài đáp:

         - Giữa trời dù có đôi vành chuyển,

            Biển cả ngại gì hòn bọt sanh.

           (Trường không túng sử song phi cốc,

           Cự hải hà phòng nhất điểm âu.)

Lại hỏi:- Thế nào là đạo ?

Ngài đáp:

          - Đạo không có trong câu hỏi

             Câu hỏi không có trong đạo.

- Cổ nhân nói: “Không tâm tức là đạo.” Đúng chăng ?

          - Không tâm chẳng phải đạo,

            Không đạo cũng không tâm.

Nếu họ nói “Không tâm là đạo” thì tất cả cây cỏ đều là đạo cả sao ? Bằng ngược lại nói “Không tâm chẳng phải đạo” thì cần gì nói có không? Lắng nghe ta nói kệ đây:

          Vốn không tâm không đạo,

          Có đạo chẳng không tâm.

          Tâm đạo vốn rỗng lặng,

          Chỗ nào đâu đuổi tầm ?

          (Bản vô tâm vô đạo

          Hữu đạo bất vô tâm

          Tâm đạo nguyên hư tịch

          Hà xứ cánh truy tầm ?)

Vị Tăng chợt nhận ra ý chỉ, xá lạy lui ra.

*

*   *

Có vị tăng hỏi:- Bạch Thượng Sĩ, thế nào là đại ý Phật pháp ?

Ngài đáp:- Đầu trạnh vỗ sóng mắt sâu bọ

                Cánh bằng nhốt gió ruột kiến trùng.

               (Ngao đầu đả lãng tiêu minh nhãn

                Bằng dực đoàn phong lũ nghị trường.)

Lại hỏi:- Như vậy, người học nhân đâu vào được chỗ đầu ?

Ngài đáp:

          - Gãi ngứa phải đâu người khác ngứa

             Đói ăn chính thật nhà ngươi ăn.

- Thế nào là Thanh tịnh pháp thân ?

          - Ra vào trong vũng nước trâu

            Nghiền ngẫm trong đống cứt ngựa.

- Thế ấy thì không thể chứng nhập ?

- Không có niệm nhơ bợn tức Pháp thân thanh tịnh.

Hãy nghe ta kệ đây:

          Xưa nay không dơ sạch

          Dơ sạch toàn tên suông

          Pháp thân chẳng ngăn ngại

          Gì đục lại gì trong ?

          (Bản lai vô cấu tịnh                              

          Cấu tịnh tổng hư danh                 

          Pháp thân vô quái ngại                

          Hà trược phục hà thanh ?)

*

*    *

Lại hỏi:

- Tổ Qui Sơn nói: “Trăm năm sau, lão tăng sẽ xuống núi làm con trâu nước”, ý muốn nói gì ?

          - Lúa nếp đỏ kêu thừa anh võ hột

           Cây ngô biếc đậu phượng hoàng cành.

           (Hồng đạo vịnh tàn anh võ lạp

             Bích ngô thê lão phụng hoàng chi)

 (Hai câu thơ trong khúc Thu hứng của thi hào Đỗ Phủ, dùng theo phép đảo ngữ.)

- Xưa Thái tử Tất-đạt-đa vào miếu thần, tượng thần sụp xuống lạy dưới chân, việc ấy thế nào?

          - Nắm xòe vẫn một bàn tay

            Ấn mắt hóa ngàn sai khác.

- Ngài Nam Tuyền bán mình (Nam Tuyền ngày kia bảo tăng chúng: “Vương lão sư bán mình, có ai mua chăng?” Một vị tăng đáp: “Con mua.” Sư nói: “Giá bán ông ta không quí cũng không mạt, Thầy làm sao mua được?” Vị tăng không đáp được.) ý  ấy là sao ?

- Còn lúc Ngài chưa bán mạng thì ý ấy là sao ?

Vị tăng không  đáp được.

Sư hét, đuổi ra.

*

*  *

Một vị tăng hỏi:

- Hòa thượng Thủy Lạo lần đầu tiên đến tham bái Mã Tổ hỏi về ý nghĩa việc Tổ sư Đạt-ma từ Ấn  sang, Mã Tổ đạp cho một đạp té nhào. Thủy Lạo lồm cồm ngồi dậy, chợt tỏ ngộ ngay, vỗ tay cười hả hả. Ấy là nghĩa gì ?

Ngài đáp:- Cái đạp của rồng voi chẳng phải sức lừa chịu nổi.

Lại hỏi:

- Sau đó Thủy Lạo còn nói với học trò rằng từ lúc ăn cái đạp của Mã Tổ đến nay, ông ta cười mãi không thôi. Thế lại là nghĩa gì ?

Ngài đáp:

          - Thực là tiếng gầm hống của loài sư tử

             Phải đâu giọng kêu the thé của chó rừng.

- Tôi không hiểu.

Ngài bèn đọc bài kệ chỉ cho:

          - Một đạp ngã nhào,

            Ai hay tìm xét.

            Đứng dậy cười to,

            Lại sanh buồn thảm.

            Cần hiểu Tây sang,

             Ngựa tơ ăn cỏ.

          (Nhất đạp đạp đáo

          Thùy giải tầm thảo

          Đại tiếu khởi lai

          Tăng sanh áo não

          Yếu thức Tây lai

          Mã câu khế thảo.)

Vị tăng xá lui ra.

*

*   *

Vị tăng khác hỏi:

- Bạch Thượng Sĩ, lời xưa nói: “Xanh xanh trúc biếc thảy là pháp thân”, có đúng chăng ?

Ngài đáp: - Sa-di ăn măng rừng bữa trước

                Đâu phải như pháp thân ngươi hôm nay.

Lại hỏi:- Còn câu nói “Rậm rậm hoa vàng đều là Bát-nhã” là ý nói gì ?

             - Hoa đào đâu phải cây bồ-đề

               Sao lại Linh Vân nhập được đạo.

 [Thiền sư Linh Vân ở chỗ Tổ Qui Sơn lâu năm không ngộ, một hôm nhơn nhìn xem hoa đào nở chợt ngộ làm bài kệ:

        Tam thập niên lai tầm kiếm khách

        Kỉ hồi lạc diệp hựu sưu chi

        Tự tòng nhất kiến đào hoa hậu

        Trực chí như kim cánh bất nghi. ]

*

*   *

Lại hỏi:- Có ba vị tăng đi hành khước giữa đường gặp cọp, người nào cũng né qua một bên mà đi. Bấy giờ như thế nào ?

Ngài đáp:- Gió thổi ngại gì đám hoa rậm

                Trăng tà đâu quản đáy khe sâu.

               (Phong xuy bất ngại hoa gian mật

                Nguyệt lạc vô phòng giản để thâm.)

Lại hỏi:

- Lúc ấy Qui Tông nói “Giống tợï con mèo”. Đó là  ý gì ?

- Miệng nói không phải tự mình gặp.

- Còn ngài Trí Kiên nói “Giống tợ con chó”. Đó là ý gì ?

- Lão ấy nắm được thời cơ gom quét sạch hết, nhưng có điều đáng tiếc.

- Còn Ngài ý thế nào ?

- Con chó.

- Đến Sư Nam Tuyền nói “đó là một con cọp”. Ý chỉ thế nào ?

- Gót chân chẳng chấm đất.

*

*   *

Tăng hỏi:- Thế nào là Pháp thân ?

Ngài đáp:- Bên ao thấy hai cái,

                Dưới trăng vui ba người.

- Pháp thân với Sắc thân giống nhau ? Khác nhau ?

          - Gươm mang hiệu long tuyền

            Ngọc xưng tên  hổ phách.

*

*  *

Tăng hỏi:

- Phật Thế Tôn nói: “Suốt bốn mươi chín năm, ta chưa từng nói một chữ.” Vậy mười hai phần giáo từ đâu mà được ?

Ngài đáp:- Hơi xông khỏi hộp mong khôi phục,

               Thuốc thánh mở bình muốn bệnh tiêu.

- Thế nào là Phật của chính mình ?

          - Chẳng đến rượu bồ đào,

             Khó gặp người đập hũ.

- Phải hiểu thế nào ?

          - Nhà lớn một đêm ngủ,

            Sông dài chung đò qua.

- Thế nào là tâm của cổ Phật ?

          - Trọn nói khắp thành không quốc sắc,

            Đâu hay cửa tía có thuyền quyên.

- Cổ nhân nói “Tức tâm tức Phật”, mà sao không hiện trước mắt ?

          - Phanh trai tìm ngọc dù khó gặp,

             Mổ cá cầu châu uổng công thôi.

*
*   *

Dám hỏi:- Thế nào là gia phong của Thượng Sĩ ?

Ngài đáp:- Rảnh, ném trái rừng kêu vượn tiếp,

                Lười, câu cá suối khiến hạc tranh.

              (Nhàn phao nham quả hô viên tiếp,

               Lãn điếu khê ngư dẫn hạc tranh.)

Lại hỏi:- Tổ ý và giáo ý là đồng hay khác ?

Ngài đáp:- Sóng, nước tên tuy khác,

                 Búp, nở một đóa hoa.

- Bồ-đề với phiền não, khác nhau, giống nhau thế nào ?

          - Trong nước có vị muối,

            Giữa sắc có màu keo.

- Thế nào là nghiệp sanh tử ?

          - Sương thu lác đác bờ lau

          Trời đêm tuyết xuống nhuộm màu trăng thanh.

          (Sương thu trích trích lô hoa ngạn

           Dạ tuyết phân phân nguyệt sắc thiên.)

Lại hỏi:- Ngài Dật-đa (Di-lặc) không tu định tuệ thì làm sao thành Phật được ?

Ngài đáp:- Đào đỏ trên cây thời tiết đúng

               Cúc vàng bên giậu chắc gì xuân.

              (Hồng đào thọ thượng chân thời tiết

               Hoàng cúc li biên bất thị xuân.)

- Khi ngồi thiền tập định thì thế nào ?

- Vua chúa xuống xe chọi ếch nhái.

- Khi không ngồi thiền tập định thì thế nào ?

- Thuyền Phạm Lãi sông hồ vui thú.

*

*  *

Có vị tăng hỏi:

- Kinh nói: “Muốn đạt đến con đường vô sanh, cần biết rõ cội nguồn.” Thế nào là cội nguồn ?

Ngài đáp:

          - Tìm nguồn chẳng có cội,

            Nắm cội cũng không nguồn.

Lại hỏi:

- Trong kinh nói: “Không tức là sắc, sắc tức là không”, ý ấy thế nào ?

Ngài im lặng giây lâu, rồi hỏi lại:

- Ông hiểu chưa?

- Chưa hiểu.

- Ông có sắc thân chứ ?

- Có.

- Sao nói sắc tức là không ? Ông thấy “cái không” có tướng mạo gì không ?

- Không.

- Sao nói không tức là sắc ?

- Rốt cuộc là thế nào ?

- Sắc vốn không không, không vốn không sắc.

Vị tăng lễ tạ.

Ngài nói:- Nghe kệ ta đây:

              Sắc tức không không tức sắc,

              Ba đời Như Lai phương tiện đặt.

              Không vốn không sắc, sắc không không,

              Thể tánh sáng ngời không được mất.

              (Sắc tức thị không không thị sắc,

              Tam thế Như Lai phương tiện lực.

              Không bổn vô sắc sắc vô không,

              Thể tánh minh minh phi thất đắc.)

*
*   *

Ngày kia, Thái Hậu mở tiệc thịnh soạn. Ngài dự tiệc gặp cá thịt cứ ăn. Thái Hậu thấy lạ hỏi:

- Anh tu thiền mà ăn cá thịt thì thành Phật sao được?

 Thượng Sĩ cười đáp:

- Phật là Phật, anh là anh. Anh chả cần làm Phật, Phật chả cần làm anh. Thái Hậu chẳng nghe cổ đức nói: “Văn-thù là Văn-thù, Giải Thoát là Giải Thoát” đó sao ?

Khi Thái Hậu qua đời, nhà vua cúng chay ở cung cấm. Nhân lễ khai đường, vua thỉnh các vị tôn túc bốn phương mỗi vị làm một bài kệ ngắn trình bày chỗ kiến giải của mình. Kết quả bài nào cũng quến sình ủng nước, chưa tỏ ngộ.

Nhà vua bèn trao giấy mực cho Thượng Sĩ. Thượng Sĩ viết một hơi bài tụng tự thuật:

          Kiến giải trình kiến giải,

          Tợ dụi mắt thấy quái.

          Dụi mắt thấy quái rồi,

          Rỡ ràng luôn tự tại.

          (Kiến giải trình kiến giải,

          Tợ niết mục tác quái.

          Niết mục tác quái liễu,

          Minh minh thường tự tại.)

Nhà vua vừa đọc xong bèn phê tiếp theo sau:

          Rõ ràng thường tự tại,

          Cũng ấn mắt làm quái.

          Thấy quái chẳng thấy quái,

          Quái ấy ắt tự hoại.

          (Minh minh thường tự tại,

          Diệc niết mục sanh quái.

          Kiến quái bất kiến quái,

          Kỳ quái tất tự hoại.)

          Thượng Sĩ đọc, thầm nhận đó.

*
*   *

Sau vua kém vui, Thượng Sĩ viết thơ hỏi thăm bệnh tình. Vua đọc thơ, trả lời bằng bài kệ như sau:

          Hừng hực hơi nóng mồ hôi toát,

          Chưa hề thấm ướt khố mẹ sanh. (bản lai diện mục.)

          (Viêm viêm thử khí hãn thông thân

          Vị tằng uyển ngã nương sanh khố.)

Thượng Sĩ đọc kệ than thở giây lâu. Đến khi nhà vua nhuốm bệnh nặng. Thượng Sĩ khấp khểnh về kinh trước để chịu tang, nhưng vua đã qui tiên mất rồi.

*

*   *

Thượng Sĩ với tư cách một cư sĩ thọ Bồ-tát giới, sống đúng theo tinh thần Thiền nên tâm tư rất phiêu dật phóng khoáng. Những điều luận bàn huyền diệu của Ngài, cũng như câu chuyện gió mát trăng thanh, hàng thạc đức đương thời đều kính trọng.

Sau, bệnh sơ sài, Ngài không nằm ở phòng riêng, mà nằm ở Dưỡng Chân Trang. Tại đây, giữa nhà trống, Ngài kê một giường gỗ, nằm theo phép kiết tường, mắt nhắm xuôi. Các người hầu hạ và thê thiếp khóc rống lên. Thượng Sĩ mở mắt ngồi dậy, sai lấy nước rửa tay súc miệng, đoạn quở nhẹ rằng:

- Sống chết là lẽ thường, sao buồn thảm luyến tiếc chi mà làm não chân tánh ta.

Dứt lời, Ngài êm thấm mà tịch. Bấy giờ nhằm niên hiệu Trùng Hưng thứ bảy (1291), đời Trần Nhân Tông, năm Tân Mão, ngày mùng một tháng tư, Ngài thọ 62 tuổi.

Vua Nhân Tông nhớ ơn Ngài dạy dỗ, sai thợ vẽ chân dung để thờ và lấy đạo của Ngài truyền cho mà tuyên dương, lập nên phái Trúc Lâm.

*

*  *

Những tác phẩm của Ngài còn lưu lại khá nhiều, ở đây lược chép một ít tác phẩm quan trọng.

[ Quay lại ]