headertvtc new


   Hôm nay Thứ tư, 25/12/2024 - Ngày 25 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Truyền thống Lễ Vu Lan

mungthosuongHT Thích Nhật Quang


Tôi còn nhớ vào buổi sáng ngày Rằm tháng Bảy, một số Phật tử ở Thị xã Vũng Tàu và các nơi về thăm Hòa thượng, đặt vấn đề sao Ngài không tổ chức lễ Vu Lan Báo Hiếu. Hòa thượng vẫn ngồi yên lắng nghe, sau đó Ngài dạy:

- Lễ Vu Lan Báo Hiếu là ngày lễ do Phật tử tổ chức, chứ không phải do Tăng Ni. Vu Lan Báo Hiếu có từ tích truyện Tôn giả Mục-kiền-liên tìm thấy mẹ đang sống trong kiếp ngạ quỷ mà không sao cứu độ được, Ngài bèn đến cầu Phật chỉ dạy.

 Đức Phật hoan hỷ chỉ cách thiết lễ cúng dường Trai tăng, nương công đức tu hành và sức gia trì của chư Tăng giúp thân mẫu chuyển đổi nghiệp xấu thoát kiếp ngạ quỷ. Với lòng thành kính hiếu thảo đó, Ngài đã thực hành tốt lời Phật chỉ dạy và cứu độ được mẹ. Ngày nay, Phật tử học theo hạnh hiếu của Ngài và qua sự chỉ giáo của đức Phật mà tổ chức lễ Vu Lan Báo Hiếu, thỉnh cầu chư Tăng dự chứng chú nguyện, hồi hướng công đức tu hành đến hương linh người thân của quí vị.

Phật tử nghe Hòa thượng nói vậy lấy làm lạ:

- Lâu nay chúng con chưa được nghe quí thầy nào dạy như thế.

Hòa thượng dạy tiếp:

- Truyền thống ngày Rằm tháng Bảy trong nhà Phật là vậy, nhưng vì lâu nay các chùa có tổ chức nên quí Phật tử cứ nghĩ rằng trách nhiệm đó là của quí thầy cô.

Đây là điều Hòa thượng đã chỉ dạy từ rất lâu. Nếu hiểu được ý nghĩa như thế, chúng ta cố gắng làm sao cho ba tháng an cư được hoàn toàn thanh tịnh, nhất niệm trong tỉnh giác tu học để được tròn đầy một tuổi đạo. Từ rằm tháng Tư cho đến rằm tháng Bảy thường được gọi là Cửu tuần cấm túc, tức chín tuần lễ ở yên một chỗ lo tu hành. Đây là thời gian chư Tăng Ni kiết giới, thúc liễm thân tâm, trau dồi Giới Định Tuệ, làm sao xứng đáng để được nhận một tuổi hạ. Một tuổi đạo cũng là một tuổi công đức hay một tuổi Phật.

Chúng ta tự xét xem mình có xứng đáng nhận một tuổi Phật, một tuổi công đức không? Nếu chưa xứng đáng hoàn toàn thì được chừng bao nhiêu phần trăm? Cao lắm cũng chừng năm, sáu mươi phần trăm thôi, phải không? Nhất là chư huynh đệ ở đây còn rất mới. Việc tu học, chương trình tập sự và công phu đối với ni chúng còn nhiều bỡ ngỡ. Cho nên chín tuần lễ và hơn nữa đối với những vị đã dự khóa tu học của mùa An cư năm trước kéo dài tới bây giờ mà những pháp học, hạnh nghi hành trì chưa được vững, chưa nằm lòng, vì thế công phu chưa ổn định.

Nhìn chung thiền viện của chúng ta có phúc duyên rất lớn, trên hết là sự hộ trì của Tam bảo, kế đến nương nhờ phúc trí Hòa thượng Sư Ông, nên khi bắt đầu khởi công xây dựng thì đời sống sinh hoạt tu học cũng không gián đoạn. Tôi hy vọng sẽ còn những điều đặc biệt khác mà nhiều mùa An cư sau, huynh đệ trưởng thành sẽ cảm nhận sâu sắc hơn.

Bản thân tôi khi vào Chân Không tu học, trải qua rất nhiều mùa an cư, Hòa thượng đều dạy ngày Rằm tháng Bảy là ngày lễ Vu Lan Báo Hiếu do Phật tử tổ chức, chư Tăng Ni chỉ là người chứng dự, đem công đức tu hành chú nguyện hộ trì cho người thân của họ thoát cõi khổ đau, tăng trưởng thiện căn hoặc cha mẹ hiện tiền cũng nương đó mà phát tâm Bồ-đề, tuổi thọ tăng trưởng. Điểm này quí vị nên ghi nhận bởi vì mai sau khi nhân duyên hội đủ, mỗi huynh đệ sẽ chủ hóa một phương trời riêng. Quí vị phải đem tinh thần tu học, đạo đức, trí tuệ này để phụng sự Tam bảo. Do vậy tôi nhắc nhở trước để quí vị có sự chuẩn bị vững vàng. Chúng ta nên giảm thiểu những ngoại duyên không cần thiết để dành thời gian nhiều hơn cho công phu tu hành.

Hồi nhỏ tôi sống cù bơ cù bất, hay bệnh lắm. Không biết nhân duyên gì mà cứ trải qua khoảng chừng chục năm, hơn chục năm lại gặp một cơn bệnh, lần nào cũng thập tử nhất sanh. Cũng có thể từ những dấy niệm sợ bệnh tật làm cho tôi trở nên yếu đuối không cương quyết, thành thử làm việc gì cũng lừ đừ. Vì thế, bạn hữu thường gọi tôi cù lần. Nhiều khi tôi cứ để mặc nó mà lây lất qua ngày cho tới bây giờ. Những năm gần đây khi đi khám bệnh, bác sĩ đều nói xương sống của tôi hư rồi khó mà phục hồi, cần phải giải phẫu. Mình cứ nghĩ một điều đơn giản rằng chết còn không sợ, sá gì chút bệnh tật nên cứ phó mặc, tới bây giờ thực sự nó đã trở thành bệnh nan y. Tôi nhận ra một điều rằng khi thân có bệnh thì tu thật khó tiến.

Trong chúng ta không ai muốn mình mau già hay bệnh tật, phải không? Ai cũng muốn mình có sức khỏe dù cho ăn dở, ăn ngon thì cũng ăn uống bình thường. Dù cho thời gian nghỉ ngơi nhiều hay ít thì cũng nghỉ được những giấc an ổn. Rồi thì đi đứng ngay ngắn, sáng suốt tỉnh táo trong tất cả các thời: lễ Phật, tụng kinh, tọa thiền, làm việc trong chúng… Đó là hạnh phúc bình thường mà không thiền sinh nào không mơ ước được như vậy. Nhưng thực sự đã bao người hưởng được hạnh phúc đó, chắc là hiếm. Thiền sư dạy: “Bình thường tâm thị đạo” tức tâm bình thường là đạo. Chúng ta chỉ mong mỏi thân bình thường, tâm bình thường, tất cả các việc xung quanh bình thường, đi đứng, nói năng, ngủ nghỉ, tu học… điều gì cũng bình thường.

Tôi rất hiểu tâm trạng của chư huynh đệ, chúng ta không muốn bệnh tật nhưng nó vẫn cứ đến. Cho nên tu hành thì phải làm chủ được mình, đừng để vướng lụy những đau đớn, phiền muộn khiến tâm không thanh thản. Nhớ lời dạy của các bậc thầy, các vị thiện hữu tri thức, những gì không cần thiết phải bỏ đi, cố gắng làm chủ nội tâm. Dù biết tất cả những sự kiện xung quanh không thiệt, nhưng cái không thiệt này có thể nhận chìm chúng ta bất cứ lúc nào. Vì thế chúng ta phải đề cao cảnh giác, bảo vệ, cảnh tỉnh mình đừng để bị lụy trong đó. Đây là một pháp học rất cần thiết trong đời sống sinh hoạt của người tu.

Trong mùa an cư năm nay, có nhiều vị được tham dự ngay từ đầu và cũng có nhiều vị tham dự nửa chừng. Nhưng nhìn chung đại chúng của Trí Đức Ni ai nấy đều được tu học trong một đạo tràng trang nghiêm thanh tịnh có khuôn khổ, nề nếp. Điều quan trọng quí vị phải luôn nhớ cảnh giác, bảo vệ tâm nguyện của mình, không để trong tay nải thiếu sót những điều này. Trong sinh hoạt hàng ngày, huynh đệ sống với nhau đã thể hiện được tấm lòng của mình chưa?

Tôi còn nhớ khi anh em chúng tôi khoảng 15 - 16 tuổi, trong ngày lễ vía Đức Quán Thế Âm, đêm đó đạo tràng tổ chức tụng kinh luân phiên. Một số vị chịu trách nhiệm lo phần thức ăn giải lao, như châm chút trà Huế, cho tí đường… Huynh đệ đều rất vui. Chúng tôi gặp nhau đôi khi không cần nói chi, nhưng thiếu một người cũng ảnh hưởng đến sức sống của tập thể. Đây không phải bi lụy về tình cảm mà là đạo tình. Đạo tình này được triển khai và bảo vệ nhất là khi một huynh đệ nào đó có sự ương yếu. Giả tỉ quí Thầy lớn, quí Ni sư do vì bận lo những công việc khác nên không thể quan tâm hết đại chúng. Nếu trong huynh đệ có buồn vui, cuộc sống thiếu sự đồng cảm, gặp khó khăn riêng… thì tu thật khó tiến. Nếu không được sự chia sẻ của huynh đệ, khối sầu đó mỗi ngày mỗi lớn dần thành u nhọt, buông không được, phá không xong, thành ra trở ngại trên bước đường tu. Cho nên đạo tình huynh đệ không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta.

Như tôi đã từng nói, chúng ta sống ở đây hãy xem những vị có trách nhiệm là cha mẹ, huynh đệ là chị em ruột thịt của mình. Chúng ta phải biết cách bảo vệ, bồi dưỡng nó thực sự trở thành một thuận duyên, một điều kiện hỗ trợ trên bước đường học đạo giải thoát. Nên nhớ phúc duyên của mỗi người mỗi khác, không ai hoàn toàn tốt, cũng không ai hoàn toàn xấu. Đừng mặc cảm mình khô cằn, yếu đuối mà sanh tâm lui sụt. Ít ra huynh đệ cũng có phước được bảy, tám mươi phần trăm mới xuất gia học đạo như thế này. Nếu chúng ta biết bồi dưỡng phát huy thì có thể vận dụng nhân duyên phước báu một cách thiết thực và được nhiều lợi ích.

Ni chúng nên nhớ điều đáng trân trọng nhất là tất cả quí vị đã gặp được Phật pháp, đã cởi bỏ quá khứ dù tốt hay xấu để đến với đạo, được xuất gia thọ giới cao quí của Phật, tu hành trong điều kiện trang nghiêm thanh tịnh như thế này, thật quí hóa vô cùng. Đây là điều quí vị phải gìn giữ, nuôi dưỡng phát huy cho thật tốt. Tu hành phải có trí tuệ, phải thật quyết tâm mới xả được bản ngã của mình.
Hòa thượng Ân Sư dạy chết không sợ, quí vị nghe bình thường nhưng chắc không hiểu nổi ý của Ngài đâu. Đã chết không sợ thì sợ cái gì, quí vị có thiếu ăn thiếu mặc thiếu tình thương chi đâu. Hà huống lại ở trong điều kiện đầy đủ phúc duyên như thế này. Do đó Ni chúng nên sấn bước tiến tới. Con đường chúng ta đang đi là con đường hành Bồ-tát đạo, con đường Phật đạo. Con đường này dài vô lượng vô biên không tính kể. Nếu đi đến tột cùng, nói theo tinh thần kinh Lăng Nghiêm, chúng ta sẽ nhận được Tâm tông, theo kinh Niết-bàn nhận được Phật tánh, theo kinh Pháp Hoa nhận được Tri Kiến Phật, tức hạt châu vô giá. Nhận được, làm chủ được thì mặc tình thong dong trong ba cõi.

Mong rằng quí vị mãnh tỉnh, phải thực sự sống và phát huy trí tuệ, nhận ra hạt châu vô giá của mình thì dù cho con đường ngược xuôi sanh tử dài lâu như thế nào cũng không ngán sợ, bởi chúng ta luôn hằng sống với chân tâm vô niệm. Cần yếu phát tâm nuôi dưỡng con đường học đạo dài lâu.

Mùa an cư đã qua, quí vị sẽ nhận được một tuổi công đức. Nhưng tuổi công đức này tròn đầy hay không là từ trong thân tâm của mỗi vị. Nếu tâm thành kiên quyết, chư huynh đệ muốn thì nhất định sẽ làm được. Xin chúc nguyện toàn thể đại chúng ngày thêm an lạc. Nên nhớ tu và sống bình thường là chân hạnh phúc, đừng nghĩ mãn hạ rồi mình sẽ hiện thần thông phi thường bay qua bay lại lòe thiên hạ là tu giỏi nghe không. Chỉ bình thường thôi. Tâm đạo sáng suốt vững vàng chính là biểu hiện đầy đủ trí tuệ, ý chí đưa đến thành công.

Với tâm thành kính biết ân Hòa thượng Ân Sư trong lúc Ngài thị hiện bệnh duyên, chúng ta cố gắng tu tập, nguyện dâng tất cả công đức lên Ngài, mong sao Hòa thượng sống lâu, là nơi nương tựa, là cồn đảo bình an của Tăng Ni tứ chúng.
 

[ Quay lại ]