headertvtc new


   Hôm nay Chủ nhật, 10/11/2024 - Ngày 10 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

HAI NGƯỜI MẸ

meconLiên Loan

 

Có người không bằng lòng với cha mẹ mình nên họ nói: “Tôi không có quyền lựa chọn cha mẹ để sinh ra”. Nhưng tôi thì khác, cho dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, bất cứ trong trường hợp nào tôi không bao giờ nghĩ như thế và luôn luôn biết ơn hai đấng sinh thành của mình.

Tôi sinh ra trong một gia đình giàu có, nhưng tâm tính rất là tự nhiên và bình dị. Không biết cái gì gọi là buồn, cái gì gọi là khổ cũng chẳng biết tranh hơn tranh thua hay phách lối cho mình là con nhà giàu. Từ nhỏ đến lớn tôi rất nhát đòn và biết nghe lời ba má. Mỗi khi bị rầy oan ấm ức tôi cũng không bao giờ trả lời đi trả lời lại. Nhưng không may mắn cho tôi là ba thì chỉ cần vợ không cần con, má thì thương con trai hơn con gái. Khi sinh đứa con gái đầu lòng má tôi lại nản và nghĩ: “Sao không là con trai!”. Má thích con trai quá nên sau khi con gái ra đời mấy năm tiếp theo là một loạt bốn đứa con trai.

Hồi nhỏ tôi hay đeo theo má lắm. Má đi đâu cũng chạy đòi theo, tôi cảm thấy không có má bên cạnh hình như mình thiếu một cái gì vậy, không ổn. Má tôi không dữ như ba nhưng cũng nóng tính và má không bao giờ ngọt ngào âu yếm với con và cũng không chìu chuộng để con muốn gì được nấy. Tôi nhớ có một lần má nói đi chợ, biết là không cho theo mà cũng lén đi phía sau, má đoán biết nên quay lại bảo tôi về, tôi không chịu về, má tức quá quay sang nhà hàng xóm lấy cây chổi chà để trước sân dọa. Tôi sợ quá chạy về nhà một mạch.

 

Ba thì khỏi phải nói, bản thân ba từ nhỏ được ở trong giáo xứ nhà dòng nên rất có kỷ luật. Hơn nữa tính khí của ba rất nóng nảy. Đứa trẻ ba tuổi thì làm sao biết được gì nếu không được cha mẹ chỉ dạy từng chút từng chút một. Nhưng những gì ba dạy mà tôi không biết là ba nghiến răng trợn mắt và lớn tiếng mắng: “Sao mày ngu quá vậy!”. Mắng lần đầu, lần thứ hai là bị ăn bộp tai liền. Mỗi lần ba đánh nếu tôi không bất tỉnh thì lại lỗ đầu chảy máu. Một tiếng ba nói lên là hồn vía tôi bay mất hết, cho nên tôi thấy ba như thấy cọp vậy, chuyện gì muốn hỏi cũng không dám nói và không bao giờ dám đến gần.

 

Hồi nhỏ tôi rất ít nói đã ốm yếu mà lại kén ăn lắm, nhưng bữa cơm nào mà không có món gì mình ăn được tôi vẫn thản nhiên chiên trứng ăn với nước mắm chứ không dám đèo bồng này nọ, thậm chí chỉ có rau muống xào thôi cũng qua bữa. Họ hàng ai cũng nói: “Sao nó hiền mà dễ thế không biết”. Sau này tôi nghe chị họ kể lại: “Hồi nhỏ ba chị em tôi ăn trong mâm cơm. Hai đứa em trai giành lấy thức ăn ngon để ăn trước, còn miếng cuối cùng đứa nào cũng vội vã nuốt cho lẹ để gắp tiếp. Tôi bưng chén cơm chậm rãi ăn và nói: “Tụi bây tham ăn như vậy tao về mách má cho mà xem”. Chị kể xong lại nói: “Hồi nhỏ mày hiền lắm”. Biết mình là con nhà giàu nhưng tôi thấy rất là bình thường, không yêu sách đủ thứ như trẻ con bây giờ. Ba má dạy dỗ tôi như thế nhưng tôi không bao giờ để tâm và quên rất mau, tuy rất sợ ba má nhưng không buồn cũng không oán”.

 

Khi lên tám tuổi gia đình ly tán. Ba má mỗi người một nơi, chị em tôi năm đứa sống ba nơi khác nhau. Tôi vẫn không thấy gì là lạ như là thuận theo tự nhiên vậy, chỉ có một điều rõ ràng nhất là tôi rất nhớ má và thương em. Thời gian đó cuộc sống của tôi rất khổ. Ba gởi tôi với đứa em kế út về sống ở quê người bà con mà nhà lại rất nghèo. Đến mùa lúa vì nhà không có ruộng nên phải đi mót lúa, bắt cá, bắt ốc mò cua, hái bông điên điển để nấu canh..., cực lắm. Ăn cơm phải được cái trứng hay rau muống xào ăn với nước mắm cũng là ngon, đằng này ăn cơm với nước mắm chan nước mưa làm canh. Thức ăn rất ít nhưng toàn là cá sông tôi không ăn được. Như vậy mà cũng chẳng biết buồn mới là lạ chứ. Nếu như con nhà giàu mà chỉ biết vòi vĩnh, yêu sách thì khi gặp hoàn cảnh thất thế làm sao thích nghi với cuộc sống lạ này được.

 

Có một hôm, sau khi đi ruộng về tôi xuống bến sông thì bị hụt chân lọt ùm xuống nước. Chới với quơ tay đạp chân để ngoi lên nhưng không biết bao lâu thì lại quơ trúng được một tấm ván mục, tôi vịn vào đó và ngoi lên mặt nước ngay đầu cầu tay vịn ván cầu bước lên. Cũng bị uống nước một ít, đi lên nhà, hơi sợ một chút nhưng rồi bình tỉnh lại rất nhanh, xem như không có chuyện gì xảy ra, cũng không mách lại với ba hay bà nội.

 

Một thời gian cũng lâu chị em tôi được đưa về Sài Gòn. Má vì đêm ngày nhớ con không làm ăn gì được hết, nên lén lút bắt từng đứa, từng đứa về nuôi. Hình ảnh đó tôi nhớ rất rõ, một tay dắt tôi một tay ẳm em tôi vừa kéo vừa khóc vì lúc đó tôi sợ ba nên không chịu đi.Má nói: “Đi đi con về với má ở với ba con sẽ khổ lắm”. Tuổi thơ như thế nhưng tôi thấy rất bình thường. Mấy chị em tôi không còn gặp ba kể từ đó.

 

Má là người phụ nữ nông thôn nhưng sống ở thành phố với cậu, thời gian cũng lâu, nên má rất giỏi việc mua bán. Gia đình sụp đổ không còn gì hết mà má gầy dựng lại rất mau. Cuộc sống chị em tôi đầy đủ, không thua kém một ai. Rồi má cũng đi bước nữa tôi lại có thêm em. Sống trong một gia đình giàu sang, ba tôi tương đối cũng có chức quyền thời đó, bây giờ gia đình ly tán như thế này mà tôi vẫn thấy cuộc sống bình thường, ai tôi cũng xem là người một nhà. Sống bằng một cái tâm tự nhiên vốn có nên tôi chẳng thấy cái gì là khổ cái gì là sướng. Bà con cậu dì ai cũng nói là tôi đã khờ mà còn ngu nữa, nhận giặc làm cha. Dù ai nói ngã nói nghiêng cũng không bao giờ lay chuyển được tình thương của tôi dành cho má và các em. Mỗi khi má đi buôn bán đường dài, ở nhà tôi rất sợ một ngày nào đó sẽ không thấy được má. Đã không có ba mà nếu bây giờ mình không còn má thì phải ra sao đây? Trong lòng tôi luôn luôn thấp thỏm như thế. Ở bên má được ngày nào là tôi thấy ấm áp ngày đó không dám mơ ước gì thêm. Ngoài việc tôi cần má bên cạnh thì mọi thứ không đáng để tôi quan tâm.

 

Mãi cho đến năm mười lăm tuổi, vì bốn đứa em tôi chúng hoang quá không dạy được, nên má dự tính đem năm đứa chúng tôi trả về cho ba. Khi lên gặp ba thì ông không nhận nuôi đứa nào ngoài tôi, bởi lúc đó tôi là con gái mà đã lớn rồi.

 

Má nói với ba: “Nếu nuôi được bốn đứa chẳng lẽ chỉ một mình nó mà tôi không nuôi nổi sao?” Nói rồi má dắt năm đứa về luôn. Chuyện xảy ra như vậy, đồng thời ba đứa em sau này lớn dần lên, tôi lại phát hiện ra rằng người nhà mình không ai nghĩ như mình cả. Chúng tôi vẫn là những đứa trẻ không cha. Tình thương của má đối với chúng tôi cũng dần mất đi khi có sự xuất hiện của mấy đứa em sau này. Ba thì bỏ mặc ngay từ đó, sống với má lại không đầy tình thương. Lúc này tâm tính tôi bắt đầu khởi phân biệt, so sánh và biết đau thương buồn tủi.

 

Mười tám tuổi lập gia đình. Cuộc sống lúc này còn cay đắng hơn thời con gái. Rõ ràng là tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa ,khổ đau càng nặng. Ba chìm bảy nổi chín lênh đênh. Trải nghiệm hôn nhân của mình và lúc bắt đầu làm mẹ, tôi mới hiểu được những gì má vấp phải, thắm thía được tình mẫu tử. Và cũng nhờ tấm gương của ba má đã để lại đậm nét trong ký ức nên tôi không dẫm theo bước chân của người. Tôi bắt buộc chấp nhận cuộc sống hiện tại một cách không miễn cưỡng và lèo lái vững chải con thuyền mình đã chọn, dù có lúc cũng muốn buông tay chèo.

 

Người mẹ thứ hai là má chồng tôi. Má chồng tôi khác hẳn với má ruột từ tánh tình đến cách ăn nói và cách sinh hoạt. Má xuất thân nông thôn và gia cảnh không khá mấy. Má rất hiền lành, nhỏ nhẹ trong lời ăn tiếng nói. Má chỉ giỏi việc nhà không giỏi buôn bán như má ruột tôi. Nếu có buôn bán cũng là vì hoàn cảnh bắt buộc chứ má không lanh lợi.

 

Márất đẹp người và là người phụ nữ góa bụa. Ba chồng tôi đi tập kết đã hy sinh. Khi còn trẻ biết bao người đàn ông đeo đuổi, nhưng má vẫn ở vậy thờ chồng nuôi con đến trưởng thành. Má vừa làm cha vừa làm mẹ nuôi con khôn lớn. Cái gì má cũng làm được hết. Nhà cửa trong ngoài một tay má chăm lo. Dựng nhà lợp mái, làm ruộng làm vườn má đều biết. Mỗi khi nhà dột má cũng tự mình leo lên nóc nhà để sửa nóc lại không phải phiền đến ai. Má quen nếp sống một mình không có đàn ông đỡ đần gánh vác nên má cũng hơi khó tính.Đối với tôi má là một người phụ nữ đảm đang, công ngôn dung hạnh vẹn toàn. Vốn dĩ tánh tình tôi bình dị ai tôi cũng xem là người thân, nên khi gặp má lần đầu tiên là tôi đã thấy thương bà ngay.

 

Ngày về làm dâu, tôi còn khờ lắm ăn nói thật thà, vụng về trong lời ăn tiếng nói nên không vừa ý với má chồng. Thời gian đầu giữa mẹ chồng và nàng dâu có khoảng cách rất xa vì hai lối sống khác biệt. Nhưng vì tánh tình bà hiền hậu và tánh tình tôi cũng bình dị nên không bao lâu hai người xóa được khoảng cách đó. Sống với má càng lâu tôi mới hiểu rõ vì sao thời gian đầu má khó với tôi như vậy.

 

Ngoài việc giỏi giang trong ngoài má còn có tánh kham nhẫn, rất tiết kiệm, không bao giờ dám xài gì cho riêng mình. Đi làm về có miếng gì ngon cũng đều để phần cho con trai mình. Má tiết kiệm cho mình nhưng con trai muốn gì là có nấy. Nên bà con thường nói với chồng tôi:Má mày “Ăn cá mút xương, ăn mắm mút dòi”. Họ hàng đều nói câu này là ý muốn anh phải biết công ơn khó nhọc hy sinh của má để biết hiếu thuận với má nhiều hơn. Không tiết kiệm sao được vì nuôi con một mình mà bản thân không giỏi như người ta chỉ là một công nhân bình thường trong viện bào chế thuốc, đồng lương ít ỏi đâu cho phép má lãng phí. Cho nên tiền làm được má đều dành dụm để hết cho con. Bà không ngại khổ cực, không thích thú vui riêng mình, má sợ rằng con trai mình khổ nên luôn tích góp.

 

Khi nhận ra điều đó tôi rất hối hận vì có lần đã không hiểu được má. Tôi thầm nghĩ: “Tôi sẽ thay anh báo hiếu cho má”. Từ đó gia đình chúng tôi rất vui vẻ, má đối với tôi như con gái. Chuyện gì biết làm tôi đều làm rước cho má, không biết thì tôi tập làm. Má đi đâu về cũng đều đem chút quà về cho tôi. Cháu nội đi học má chèo ghe qua lại đưa đón, trời mưa đi ngang qua sình lầy, bà cõng nó trên lưng. Ở dưới quê ngoài việc làm thợ may tôi cũng bán thêm tạp hóa. Trong nông thôn bán tạp hóa cực lắm vì phải đi chợ lấy hàng xa đến hơn ba cây số, tôi không biết chèo ghe nên muốn đi lấy hàng phải đi bộ. Má thường hay để ý hàng nào hết thì bà tranh thủ đi chợ lấy hàng giúp tôi. Mỗi khi má có việc đi đến nhà họ hàng chơi năm ba bữa. Ngày má gần về tôi lo làm mọi thứ, tất cả đều gọn gàng để khi về mệt bà không thấy khó chịu.

 

Sống với má tôi học ở má rất nhiều điều hay mà má ruột mình không có. Đầm ấm được tám năm thì bà bắt đầu phát bệnh. Chồng tôi đưa má đi Sài Gòn trị bệnh. Khi biết mình mắc phải căn bệnh ung thư, xạ trị một thời gian má tôi thấy không thuyên giảm nên bà về lại quê nhà. Ngày má bệnh mọi việc trong ngoài đều một tay tôi. Tôi không biết bơi nhưng cũng bắt đầu phải tập chèo ghe để đi chợ. Lúc này tôi càng thắm thía công ơn của má. Mang trong mình căn bệnh ung thư,cơn bệnh hành hạ như vậy mà những gì má dành dụm tích góp má không cho bán để lo thang thuốc. Ở quê chồng tôi rất mê tín. Sau khi về quê nghe ai chỉ thầy này thầy nọ trị hết bệnh ung thư má đều đi tới. Nghe cái gì uống trị được bệnh ưng thư má tôi cũng làm, thậm chí người ta chỉ làm cóc cho sạch xong bỏ vào bụng cóc năm thứ ngũ vị, rồi bọc đất sét bên ngoài đem nướng ăn sẽ hết bệnh, má cũng làm thử. Cái gì người ta bày miễn không tốn tiến thì má nghe theo hết. Má nói:

 

“Bệnh má không hết đâu, đã đến thời kỳ cuối rồi tụi bây đừng có lãng phí tiền bạc, để dành lại sau này có cái mà cưới vợ cho hai đứa nhỏ. Má nghe theo người ta chỉ là cầu may thôi, biết đâu phước chủ may thầy sẽ hết bệnh, chứ má biết bệnh của má mà”.

 

Có một lần má thì thào hỏi tôi:

 

“Má chết rồi con có sợ không?”

 

Tôi hiểu sai ý má nên trả lời:

 

“Dạ không. Con không sợ ma đâu, con chỉ sợ má chết rồi tụi con sẽ khổ thôi”.

 

Má lặng thinh hồi lâu rồi nói nhẹ nhàng:

 

“Con không có khổ đâu, con ở phải thì sẽ gặp phải. Ngựa chạy đường dài mới biết ngựa nào hay ngựa nào dở. Khi má chết những gì má để lại con đừng bán xài để sau này nếu như tụi con làm ăn không được thì lấy cái đó cưới vợ cho tụi nó. Không có má, vợ chồng con đừng có lục đục, hãy nhường nhịn nhau mà sống chín bỏ làm mười.Chồng con có làm gì sai con cũng nghĩ tình má đối với con mà bỏ qua cho nó để mà lo cho hai đứa nhỏ. Nếu con giận lẫy bỏ mặc thì người khổ trước tiên là hai đứa nó.

 

Tôi hỏi:

 

“Mấy năm nay má không hiểu tánh con sao mà má sợ”.

 

Má nói:

 

“Má hiểu chứ. Nhưng con cũng hứa với má sau này má chết tụi con đừng về Sài Gòn nha”.

 

Những lời má nói như là trăn trối vậy. Nước mắt tôi lăn dài trên đôi má. Tôi im lặng một hồi lâu rồi nói:

 

“Nếu như con ở dưới này tụi nhỏ không có tương lai thì con về Sài Gòn nha. Ở đâu cũng được nếu chúng có tương lai là con sẽ ở”.

 

Má nói:

 

“Con đừng về. Nếu con về Sài Gòn, má sẽ theo lên bắt”.

 

Lúc đó nghe má nói tôi không sợ và nghĩ không bao giờ má làm như thế vì tôi biết bà rất thương con cháu. Căn bệnh quái ác hoành hành má tôi gần một năm. Đau nhức khôn xiết, nhưng không khi nào tôi thấy má rên la. Khi bắt đầu, má bị liệt nữa phần thân dưới. Má ăn uống được không bao lâu thì thức ăn không nuốt xuống được. Đổ cháo hoặc súp lỏng được chín ngày thì ngay cả thức ăn lỏng đó cũng đổ không xuống. Má uống nước đá lạnh hơn hai mươi ngày thì qua đời.

 

Thật sự khi má qua đời rồi, tôi rất hụt hẩng không biết cuộc sống sắp tới sẽ như thế nào. Từ nhỏ đến lớn chưa bao giờ tôi mất ngủ, mà bây giờ trằn trọc suốt đêm. Vào lúc này tôi mới thấm thía được ý nghĩa của hai chữ mồ côi hơn hồi còn nhỏ. Không biết gì là ruộng nương vườn tượt, không biết phải làm thế nào kiếm củi để có củi chụm, chèo ghe cũng chỉ mới chập chững mà thôi, làm sao đây?.Bây giờ mới biết rằng mình đã dựa dẫm vào má rất nhiều, quá nhiều thiếu sót. Sau khi má chồng tôi qua đời, buôn bán cũng dẹp luôn. Bà mất được một năm, trả ơn nghĩa họ hàng xong thì gia đình chúng tôi lên Sài Gòn sống đến ngày nay.

 

Trong đời tôi có hai người mẹ. Má ruột tuy không dạy dỗ nhiều nhưng tôi lại học được những sự trải nghiệm của má. Nếu không có má chắc chắn một điều rằng tôi sẽ khổ lắm. Không phải má không muốn thương chúng tôi. Má đã vướng một hoàn cảnh bắt buộc phải như thế. Má có nỗi khổ riêng của má, nếu như đặt mình ở vào vị trí của bà mình sẽ thấy. Mỗi bước chân của má đi là mỗi một bài học quý giá cho tôi, là một ngọn đèn soi sáng giúp tôi vượt qua sóng gió trong cuộc đời.

 

Hình ảnh người mẹ thứ hai cho tôi quá nhiều kinh nghiệm sống. Tôi học được cách sống ở đời, có được nghị lực để vượt qua nghịch cảnh, có được một gia đình nề nếp, biết được cách sắp xếp cho gia đình, có được những đứa con ngoan đều có bàn tay của má vun đắp. Nhìn kỹ lại má đã hy sinh quá nhiều nhưng cuối cùng má không được gì cả. Ngay cả ước muốn sống thêm một chút nữa để nhìn được cháu nội trưởng thành cũng không toại nguyện. Tất cả những gì tôi có được ngày hôm nay đều do hai người mẹ đã lót đường sẵn cho mình.Nếu không nhờ có những cái khuôn để uốn nắn ấy thì cuộc sống của tôi sẽ không biết ra sao. Tôi cảm thấy đau xót và ngậm ngùi.

 

Con trẻ thường hay nói:“Cha mẹ luôn xem mình là một đứa trẻ, nhưng họ quên rằng họ cũng đã từng là một đứa trẻ. Bởi vì quên nên họ không đứng ở lập trường mình mà suy nghĩ”. Họ không quên mà là bạn quên. Bạn quên một điều là con đường cha mẹ đã đi qua thì bạn chưa đi tới. Vì quên nên bạn không đứng ở lập trường của cha mẹ mà thông cảm. Cha mẹ nào trên đời cũng thế, dù thương hay không thương, mình cũng không phủ nhận được rằng nhờ cha mẹ mà mình được sinh ra. Mẹ chồng cũng vậy, nếu không có bà làm sao chồng mình khôn lớn. Bạn chỉ cần nghĩ đến một điều này thôi thì cho dù trong hoàn cảnh nào hay bất kỳ trường hợp nào bạn luôn biết ơn hai đấng sinh thành của mình.

 

Có lần tôi nghĩ:“Tâm tính tôi khi còn nhỏ có lẽ cuộc sống ngoài đời không thích hợp với tôi, nhưng tôi lại chọn cho mình con đường đó. Trên đường đời tôi gặp rất nhiều nghịch duyên hơn là thuận duyên. Tôi không còn đường nào để lựa chọn mà phải chấp nhận nó như là một chuyện tất yếu. Cái bắt buộc chấp nhận của tôi cũng là một may mắn. Bởi nhờ những nghịch duyên đó đã giúp cho bước chân tôi thêm vững chắc trong cuộc sống. Thuận duyên đến với mình có đôi khi cũng không đáng mừng vì nó dễ làm cho mình ngủ quên trên chiến thắng lắm, nghịch duyên như vậy mà có lẽ tốt hơn, nó sẽ tôi luyện cho mình thêm sức mạnh.

 

Khi còn thơ cha mẹ là tất cả đối với mình. Được dạy dỗ những điều hay lẽ phải, được ăn một miếng ngon, được mặc một cái áo đẹp, được ôm ấp trong vòng tay để có một giấc ngủ bình an, được cắp sách đến trường...,tất cả đều là sự xuôi ngược dòng đời, sự tất bật gánh gồng khó nhọc nuôi con của cha mẹ. Nếu ai có đầy đủ như thế nên thầm cảm ơn hai đấng sinh thành của mình đã cho mình tất cả. Hãy nói lời thân yêu trìu mến đối với cha mẹ mình đi, hãy làm một cái gì đó để tỏ lòng thương yêu họ bằng cả tấm lòng hiếu thảo, nếu không sẽ muộn đấy.

 

Nếu mồ côi mình sẽ ra sao đây? Ngày xưa chúng tôi không có ba bên cạnh, bà con ai cũng nói rằng: “Mồ côi cha ăn cơm với cá, mồ côi mẹ lót lá mà nằm”. Nhưngtôi nghĩ cha mẹ mất đi một người nào mình cũng khổ cả. Có đầy đủ cha mẹ là hạnh phúc nhất trên đời. Tôi không dám nói mình có hiếu vì chưa bao giờ tôi nói lời trìu mến đối với ba má, nói đúng hơn là không có cơ hội để nói. Tôi chỉ dám nói rằng tuy có nhiều sai sót nhưng chí ít tôi cũng giữ trọn đạo làm con của mình.

 

Tuổi thơ của tôi không may mắn, nhưng tôi luôn biết ơn hai đấng sinh thành và má chồng của mình. Nếu má chồng tôi có thiêng chắc chắn bà sẽ không trách tôi đã bỏ quê nhà lên Sài Gòn sinh sống. Con trai của má dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, con cũng lo cho anh đến ngày cuối của cuộc đời. Hai đứa cháu của má cũng nên người và rất hiếu thuận.

 

Cuối đời còn lại tôi may mắn gặp được Phật pháp. Tôi luôn khuyên ba má mình tinh tấn niệm Phật và thỉnh thoảng nói với má những gì tôi biết. Mỗi ngày công phu tu hành tôi đều hồi hướng công đức này. Trước là cầu nguyện cho ba má còn sanh tiền sớm quay về đời sống tâm linh, nương vào Tam Bảo phát tâm ăn chay niệm Phật, sau là đến ba má chồng tôi đã khuất, cầu nguyện cho người tái sinh nơi cảnh giới an vui. Nếu giữ trọn đạo làm con chúng ta sẽ không thấy hối tiếc về sau khi ba má mình đã qua đời.

 

 

[ Quay lại ]