headertvtc new


   Hôm nay Thứ bảy, 23/11/2024 - Ngày 23 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Hành Hương Hoa Hạ - Phần 1

Bài viết của Thượng Tọa Thích Thông Phương

CHÙA NAM HOA

Chùa Nam Hoa tức đạo tràng Bảo Lâm của Lục Tổ ngày xưa. Nơi đây một thời vang dội pháp môn đốn giáo Thượng thừa. Vua Đường Trung Tông và Võ Hậu từ kinh đô cũng một lòng ngưỡng mộ cao phong. Yếu chỉ Tào Khê truyền rộng mãi về sau, từ đây phát xuất. Tuy nhiên không phải chỉ là ở dòng suối, ở rừng cây, ở đất linh nước lạ, mà chính là ở Tâm Tổ sáng ngời vượt ngoài văn tự, ngữ ngôn. Người thấu được chỗ này mới thật sự vào được cửa Tổ, mới thật nếm được giọt nước Tào Khê mà Thiền sư thường khai thị.

 

Nhưng thôi, chuyện công phu không phải một sớm một chiều, nay đây chân đã đạp đến đạo tràng của Lục Tổ, tận mắt nhìn thấy dấu tích của Tổ, là một niềm vui quá rồi. Phải nói, suốt chuyến đi, chỉ nơi này mới được tham quan kỹ hơn hết. Có cảm tưởng như về nhà, vào cả nơi ăn, chốn ở, tận trong phòng ngủ của Hòa thượng trưởng lão trong chùa. Sao mà tự nhiên thế! Một trái chuối của chùa được mời, quả thật mười mấy ngày qua, đến nay mới được chứng quả!
Giờ này là giờ chư tăng Thọ trai nhưng không biết mình có duyên cớ gì với Thiền đường chốn Tổ nên lại được vào đây. Quy củ nghiêm túc, vào bên trái, chân trái bước vào trước; ra bên phải, chân phải bước ra trước, phải thật tỉnh giác! Có bốn vị tăng đang công phu quên cả giờ cơm. Một chút sinh khí Tào Khê.
Lại một duyên lành với chốn Tổ Tào Khê này, đoàn đã ra ngoài dùng cơm, trong đây, vị thầy Đạt Thành vẫn còn nhiệt tình hướng dẫn số người sót lại này vào thăm Tàng Kinh Các, nơi chứa giữ những cổ vật của chùa. Thật không ngờ, mình đâu biết được, không hỏi, không cầu mà đủ duyên liền đến. Đây là cây tích trượng của Lục Tổ dùng qua, còn kia là chiếc vớ, tương truyền do Võ Tắc Thiên ban tặng cho Lục Tổ, Ngài chỉ mang dùng khi thăng tòa thuyết pháp. Kia nữa là viên đá, Ngài đeo khi giã gạo – nhưng theo tư liệu khảo cứu, viên đá này đã được phục chế vào thời nhà Minh; còn đây là tờ chiếu chỉ của bà Võ Tắc Thiên, vị Nữ Hoàng đế độc nhất của Trung Hoa sắc ban tặng cho Lục Tổ bình bát thủy tinh, cà sa, lụa, trà, tiền; tờ chiếu của vua Nguyên bằng tiếng Bát-tư-ba, bộ kinh Pháp Bảo Đàn viết bằng máu. Tượng Quán Âm bằng sắt đời Đường, chuông đồng thời Nam Hán, bộ tượng gỗ năm trăm La-hán thời Bắc Tống, không còn đủ, những viên xá-lợi trời mưa xuống khi pháp sư Viên Quýnh ở Hương Cảng sang đây giảng kinh Duy-ma-cật… và nhiều, nhiều cổ vật quý báu mà người chưa tận mắt vào đây, nghe nói cũng thấy tiếc. Tuy nhiên còn có một thứ báu vượt xa cả những vật báu này mà chư Tổ sẵn sàng trao lại cho tất cả, nhưng tiếc thay ít người chịu nhận. Xâu chuỗi bằng ngọc kia tuy nó quý báu thật, song tự nó đâu biết báu! Còn cái báu sáng ngời đang soi sáng tất cả các thứ đó thì sao? Báu này đâu có ai thiếu! Yếu chỉ Tào Khê vốn nằm trọn trong đây. Đến Tào Khê thật sự, phải đến trong ấy. Lục Tổ nghe thấu lời này, hẳn Ngài cũng mỉm cười. Việc này nào có xưa nay. Tổ tịch đã hơn nghìn năm qua, nhưng sức sống của Tổ đâu từng ngăn cách!

        Thời gian nước chảy đá mòn
        Tào Khê một mạch vẫn còn cho ai!
 

ĐẾN THIẾU LÂM  

Thiếu Lâm đây rồi! Từ lâu học qua trong sách vở, lòng ao ước một lần đặt chân đến chốn này để giáp mặt sự thật thế nào. Tâm tưởng tượng nhiều lúc vượt xa sự thật. Giờ đây đã đứng tại chỗ này, cổng TUNG SƠN THIẾU LÂM chạm ngay trước mắt, nhưng còn phải lên xe điện đi một đoạn khá xa mới vào điện chính. Đâu phải như người tưởng, thấy đó là đãø đến rồi! Vào bên trong đứng trước tàng cây cổ thụ đầy cảm hứng, tuy nó không nói nên lời nhưng nó là chứng tích trải qua nhiều cuộc thăng trầm của chốn Tổ đầy huyền diệu này. Một phút lặng lòng để tự thầm cảm đến một cái gì đó vượt ngoài ngôn ngữ. Tâm Tổ nay ở đâu? Tâm ấy nào có nam nữ, tăng tục gì, nhưng giờ đây muốn vào sâu bên trong, cũng phải bỏ lại tướng nữ bên ngoài. Thiền đường trang nghiêm, vào đây phải nhẹ bước, im hơi để cảm thông chín năm im lặng nhìn vách. Còn ham nhảy nhót thô động, nói chuyện lăng xăng thì thôi vào chốn này.
Song tâm phàm đâu thể một lúc chịu dừng lại ngay, nó cũng còn muốn đi nơi này, nơi nọ để biết thêm. Động Đạt-ma từ xa nhìn thấy dáng nhưng làm sao có đủ thời gian đến đó! Đành phải hẹn lại vậy.
Cũng còn có duyên lành chưa hết, tột dấu tích xưa kia chưa lên tới, nhưng Tháp Lâm, dấu tích của chư Tổ sau này để lại kia rồi. Cả một rừng tháp đầy ấn tượng, ghi dấu ấn chiều dài lịch sử của chốn Tổ Thiền Tông.
Thắp nén hương, bày tỏ lòng thành để thầm cảm thông trong chỗ không thể nói kia.
Kính mong chư Tổ thầm chứng lòng này.

                         Đây Thiếu Lâm

                        Đây bài pháp an tâm.
                        Khai pháp ấn Thiền tông Đông độ
                        Lối biệt truyền đưa người vào thẳng
                        Đường giáo ngoại thức tỉnh liền đây.
                        Chín năm ngồi đợi chờ ai đó?
                        Một thoáng Thần Quang tỏ lý mầu.
                        Thôi chớ theo chia xương chia tủy
                        Chỗ tâm truyền vượt hẳn ý cạn sâu.

 

CÂY BỒ-ĐỀ CHÙA QUANG HIẾU

 Theo Thiên Thai Chí ghi: Ha Lâm có cây Bồ-đề thời Tiêu Lương ngài Tam Tạng Trí Dược từ Tây Trúc đem đến trồng. Nay trải qua hơn ngàn năm, to cả trăm vòng, thành ba bốn thân cây, từ trên buông xuống, có trăm ngàn cái, cái to hợp thành vòng, cái nhỏ thì cuốn quanh, trải qua lâu năm, rễ bao cả gốc cây, chỉ thấy rễ mà chẳng thấy gốc, gốc đã ở trong không, không có gốc, rễ tức là gốc; cành cũng ở trong không, không có cành, rễ tức là cành…
 Và theo Việt Đông Bút Ký ghi: Năm Gia Khánh thứ hai, vào đêm 15 tháng 2 gió bão thổi ngã, Trung thừa Trần Đại Văn sai người vun bón bảo dưỡng hơn năm bị khô héo. Tăng trong chùa là Kiều Am, Ly Tướng đồng đến chùa Nam Hoa tiếp lấy một nhánh nhỏ đem về trồng trên đất cũ, nay cành lá vẫn sum suê như xưa.

 

TRUYỆN TƯỢNG LỤC TỔ BẰNG ĐỒNG Ở CHÙA LỤC DUNG

 Vào cuối thời Thanh, Tuần phủ Quảng Đông là Du Trí Khai phái ủy viên đến chùa lấy tượng để đúc tiền đồng. Ủy viên này bèn thắp hương thầm khấn nguyện: “Đây vốn là việc bất đắc dĩ, chẳng phải bổn ý của con.” Mới vừa lễ bái thì tượng này vô cớ bỗng nghiêng đổ, tiếng chấn động như sấm, rung rinh cả ngói nhà. Vị ủy viên này rất kinh hãi gục xuống đất luôn chẳng thể đứng dậy. Những người tùy tùng bèn đỡ ông dậy đi ra, liền báo cáo về cho Tuần phủ họ Du. Du cũng kinh hãi mới thôi, do đó tượng còn bảo tồn đến nay.
 
 Địch Bảo Hiền ở Phiêu Dương

[ Mục Lục ]

[ Quay lại ]