headertvtc new


   Hôm nay Thứ bảy, 23/11/2024 - Ngày 23 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Hành Hương Hoa Hạ - Phần 2 (Quảng Đông)

CHÙA QUANG HIẾU

 Ngày 09-5-2007
 Sân bay Bạch Vân hiện ra đúng như tầm cỡ của xứ sở Trung Quốc, đất rộng người đông, sân bay lớn. Máy bay đáp xuống Quảng Châu vào lúc 2h50 phút chiều Trung Quốc, sau Việt  Nam 1 giờ. Đây được xem là phi trường lớn của Trung Quốc hiện nay

 Toàn khu vực sân bay rộng đến hai ba cây số. Quảng Châu là thủ phủ của tỉnh Quảng Đông, nó cũng chính là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả tỉnh với diện tích 7.047 km2, khoảng 12 triệu dân. Nhiệt độ lúc đó là 24oC, rất giống Việt Nam nên đoàn nghe quen thuộc, dễ chịu.
Chúng tôi gồm 73 vị, trong đó có 14 Tăng, 32 Ni và 27 Phật tử. Hòa thượng Nhật Quang, Trụ trì thiền viện Thường Chiếu làm Trưởng đoàn. Hướng dẫn đoàn là ba vị hướng dẫn viên trẻ, 1 người Việt Nam, 2 người Trung Quốc, vui vẻ, hiền lành, nhiệt tình
và nói tiếng Việt khá sõi.
Trung Quốc từ lâu đã được biết đến như một đất nước kỳ vĩ với nhiều non nước mỹ tú diễm lệ. Bắc Kinh, Thượng Hải ngày nay hào nhoáng giàu sang với những tòa nhà chọc trời thấu đất. Đường phố, cầu vượt tầng tầng lớp lớp, uốn lượn quanh co, đâu đó giữa phố thị rực rỡ tân kỳ là thành xưa miếu cổ, sắc nước lưng trời… Song những điều ấy không phải là nguồn cảm hứng, là lời mời gọi chúng tôi đến với Trung Quốc, mà trên tất cả vì nơi đây từ thuở xa xưa đã từng là đạo tràng của chư vị Bồ-tát thị hiện tu hành, các tùng lâm thiền phong vang dội của lịch đại Tổ sư, mà đã một thời cái nhướng mày chớp mắt của quý ngài, uy vũ lệch nghiêng trời đất. Cho đến bây giờ sức mạnh vô biên ấy vẫn đủ để kích dương hạt giống Phật trong lòng hậu thế. Rất đơn giản, chúng tôi thực hiện chuyến hành hương về phương Nam Trung Quốc lần này chỉ vì muốn chiêm bái chốn Tổ năm xưa, noi theo gương hạnh của cổ nhân, để tìm lại nơi mình cái mình muốn tìm hôm nay. Thế thôi.
Thật ra, đôi khi ta cũng chợt nhận ra gia bảo nhà mình ai cũng có, không phải đi tìm đâu xa. Nó ở trước mắt, nó hiển hiện trong lòng. Nhưng vì mắt vướng bụi nên ta không thấy, tâm rối loạn nên ta không tỉnh, do vậy ta chưa nhận ra đó thôi. Là những người con Phật, dĩ nhiên ta hiểu rõ điều này rồi. Song mà, kho báu vô tận ấy cũng không phải bỗng dưng sờ sờ ra đó để cho thiên hạ mặc tình tiêu pha. Muốn nhận ra nó, tùy ý thọ dụng, phải lặn lội qua những chặng đường, dài ngắn tùy mỗi lữ khách chọn lựa cho mình lộ trình thẳng tắt hay quanh co. Nhớ là đi một mình và tự tay mở cánh cửa Không. Để rồi đến một lúc nào đó thời tiết nhân duyên đã đủ, công phu chín muồi, ta ngồi thật yên trong chốn thâm mật, nhẹ nhàng buông xuống, buông xuống… Buông xuống cả chính mình thì toàn thể pháp giới hiện bày.
Chuyến đi này phải chăng mở đầu cho cuộc hành hương tâm linh của chúng tôi, những tu sĩ khát khao được giác ngộ giải thoát như đức Phật và hết lòng ngưỡng mộ ánh thiền quang sắc lạnh của Tổ sư? Bằng con đường thiền định, các ngài đã ra đi và đã đến. Viễn ly, viễn ly, xa lìa mộng tưởng điên đảo, cứu cánh Niết-bàn. Trung Quốc là nước có lịch sử Thiền tông phát triển mạnh mẽ và có tầm ảnh hưởng lan rộng, lâu dài đến Phật giáo các nước thuộc khu vực Đông Nam Á, trong đó có nước ta. Có thể nói chư Tổ thiền tông Việt Nam lĩnh hội được trọn vẹn tinh tuý của dòng thiền Ấn Hoa, dung hội tài tình đường lối tu hành của người xưa với bản sắc văn hóa nước Việt, tạo thành một dòng thiền Việt Nam “trực chỉ, thi vị và tùy duyên” (nhận xét của Hòa thượng Trúc Lâm), rất kỳ tuyệt để chúng ta hãnh diện và lấy đây làm kim chỉ nam cho hành giả tu thiền Việt Nam.
Rời phi trường, xe đưa đoàn đến thành phố Quảng Châu. Đây là một trong những thành phố cổ của Trung Quốc. Chúng tôi như lọt thỏm vào những tòa chung cư cao ngất ngưởng và cũ kỹ. Bỗng dưng ta có cảm tưởng như bị chết ngộp vì những mảng bê-tông cốt thép chồng lên nhau. Nhà là nhà. Toàn bộ các cánh cửa sổ được bọc khuôn sắt để phòng chống kẻ gian. Cứ tưởng tượng mình bị nhồi nhét vào trong những tòa nhà đó thì thiệt là khó thở. Rồi ra mới quý mảnh vườn cây xanh trái ngọt quê nhà. Việt Nam chúng ta rất may ít có nhà cao tầng kiểu này (nhưng hình như bây giờ người ta cũng bắt đầu xây nhà cao tầng rồi), nên dân mình vẫn còn thấy trời xanh mây trắng. Ở thủ đô hay thành phố thì có nhà cao tầng nhưng không cao và khít rịt như vầy, vẫn còn chừa chỗ cho người và cây xanh thở. Ở miệt vườn thì tha hồ. Ngẩng lên là trời cao lồng lộng, ngó xuống là ruộng vườn mênh mông, lòng người cũng theo đó rộng mở, độ lượng, bao dung. Ai bảo nghèo không sướng, nghèo mà biết đủ không phải sướng lắm sao? Cuộc sống quê mùa, yên tĩnh, đơn sơ, bước một bước là vào đến nhà, không phải leo lầu hay chui vào cái thang máy bít bùng, sợ cúp điện muốn chết!
Quảng Châu sầm uất, nhộn nhịp vì là trung tâm buôn bán thuộc miền Nam Trung Quốc. Đoàn chọn chỗ này làm điểm tham quan đầu tiên vì nơi đây có chùa Quang Hiếu tức chùa Pháp Tánh ngày xưa, là nơi đức Lục Tổ được pháp sư Ấn Tông thế phát xuất gia. Cuộc đời tu hành của Lục Tổ khác lạ hơn ai hết, thăng trầm lắm nỗi. Sau mười lăm năm đã ngộ đạo và được truyền y bát của Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn, Lục Tổ vẫn giữ hình thức cư sĩ, sống lẫn trong đám thợ săn, tùy duyên giáo hóa, tùy duyên độ nhật. Vậy mà vẫn không yên vì một số bạn đồng môn săn lùng, rượt đuổi giành lại y bát. Cuộc sống thật khó khăn, kham khổ. Thế nhưng Tổ vẫn là Tổ, cuộc thế này có nghĩa lý gì đâu với một bản tâm “vô nhất vật”.
Khi thấy đã đủ duyên, Tổ đến chùa Pháp Tánh ở Quảng Châu, gặp pháp sư Ấn Tông đang giảng kinh Niết-bàn. Bên ngoài gió thổi, có hai vị tăng cãi nhau, một vị nói gió động, một vị nói phướn động, Tổ nghe thế liền bảo “không phải gió động, cũng không phải phướn động mà là tâm nhân giả động”. Câu nói này đã làm lộ hành tung của Ngài sau mười lăm năm ẩn dật. Pháp sư Ấn Tông khi nhận ra và được xem y bát của Tổ, đã cung kính thế phát cho Ngài, nhưng lại thờ Ngài như bậc Thầy. Từ đây, dưới cội Bồ-đề chùa Pháp Tánh, Lục Tổ chính thức khai pháp môn Đông Sơn, khơi mạch nguồn cho dòng thiền Tào Khê tuôn chảy mãi về sau. Thiền đốn ngộ phương Nam lấp lánh tỏa sáng dưới những ngọn truyền đăng tục diệm của đời đời Tổ sư. Một cõi thiền quang quét sạch vô lượng đảo điên ngu muội của bao chúng hữu tình, đưa họ trở về chốn yên bình. Trong đó không biết có chúng ta chăng?
Chùa Quang Hiếu ở phía tây bắc Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông Trung Quốc. Xứ sở này quả thật không biết nhỏ là gì nên chùa chiền cũng lớn. Tuy nhiên, những ngôi cổ tự nằm trong lòng phố chỉ có đền điện, chứ cảnh quan không thiên nhiên và u nhã như chùa núi hoặc ngoại ô. Theo Quang Hiếu Tự Chí, ban đầu chùa vốn là nhà cũ của Nam Việt vương Kiến Đức (cháu Triệu Đà, thuộc đời Tây Hán). Nước Ngô thời đại Tam Quốc, Ngu Phiên bị giáng chức ra ở đất đó, gọi là Ngu Uyển. Đến năm 362, Tam Tạng nước Kế-tân đến đây mới lập thành chùa Phật, gọi là chùa Chế Chỉ, còn gọi là chùa Vương Viên. Đời Lưu Tống, vị cao tăng Ấn Độ là ngài Cầu-na-bạt-đà-la đến chùa này khai lập giới đàn, gọi là Đạo tràng Chế Chỉ.
Năm 502, ngài Tam Tạng Trí Dược đem cây Bồ-đề từ Tây Ấn Độ đến trồng tại đây và huyền ký rằng: “Sau 170 năm, có nhục thân Bồ-tát dưới cội cây này khai diễn pháp Đại thừa, độ vô lượng người”. Đến năm 527, Sơ Tổ Đạt-ma đến ở đây. Đến đời Đường chùa đổi tên Chế Chỉ thành chùa Càn Minh Pháp Tánh. Đời vua Cao Tông, năm 676 Lục Tổ Huệ Năng đến chùa này và gặp pháp sư Ấn Tông như đã nói ở trên. Năm 705, vị Tam Tạng người Tây Vức là ngài Bát-thích-mật-đế ở đây phiên dịch kinh Thủ-lăng-nghiêm (10 quyển), Tể tướng Phòng Dung bút thụ. Đến năm 845, chùa Càn Minh Pháp Tánh đổi tên thành Tây Vân Đạo Cung. Trong khoảng năm 825-826, chùa dựng Đại Bi Tràng. Đầu thời Bắc Tống đổi tên là Càn Minh Thiền viện. Đời vua Cao Tông lại đổi tên là chùa Báo Ân Quảng Hiếu. Đến năm 1466 đời Minh Hiến Tông, mới bắt đầu gọi là chùa Quang Hiếu. Khoảng năm 1646 đời Minh, chùa bị quân Thanh phá hủy. Đến năm 1662, thiền sư Nguyên Chí trùng hưng trở lại thành Nam Hải Đệ Nhất Thiền Lâm. Tuy nhiên cũng có nhiều thuyết khác nhau nói về sự thay đổi của chùa này.
Chùa hiện còn những kiến trúc quý báu với phong cách kiến trúc đặc thù vùng Hoa Nam như điện Lục Tổ, Đại Hùng Bảo Điện… được xây cất khoảng năm 1241-1252 thời Nam Tống. Có một Thiết Tháp (tháp sắt) đã rất cũ tạo thêm nét cổ kính lâu xưa cho chùa. Cây Bồ-đề vẫn còn đó nhưng lá đã vàng, cội cũng khô. Chắn chắn là vào thời Tổ nó xanh và có hồn hơn, bởi vì ngày ấy nơi đây cô tịch lan-nhã, là vườn thiền rừng vắng, chớ không thị tứ ồn náo giữa trung tâm phố thị như bây giờ. Chúng tôi đến vào buổi chiều, chiêm bái cảnh hoàng hôn của Quang Hiếu Tự ngày nay mà ngậm ngùi nhớ về Tổ sư. Hiện tại cũng có bóng dáng chư tăng, nhưng hình như quý thầy tu Tịnh độ, không theo pháp tu thiền của Tổ ngày xưa. Chùa chỉ dành cho khách hành hương vãng lai nhiều hơn là du tăng hành khước một thuở. Thiền môn nghiêm tịnh, hải chúng an hòa của hơn nghìn năm trước, nay đã thiên di mấy độ. Cũng là lẽ thường thôi. Quý ở chỗ tâm Tổ vẫn còn nguyên.
Là hậu sanh, được học lại cuộc đời Tổ sư, chúng ta cung kính chấp tay đảnh lễ một hiện thân Bồ-tát thôi thì chưa đủ, mà phải làm sao tu tập như Ngài. Toàn bộ cuộc đời của Tổ là tấm gương sáng dạy chúng ta vượt qua mọi thử thách cam go, và nhất là vượt qua chính mình, xả bỏ tâm kiêu mạn ngông cuồng mới có thể học đạo và tu đạo. Đến cửa này thì phải biết cúi xuống, cúi xuống thật gần với chính mình để nhận ra đâu là chốn trở về. Cái gì ngăn cản chúng ta sống một đời sống rộng mở, tỉnh giác, chan hòa và an vui? Chướng ngại là “cái tôi”, từ đó mà có “cái của tôi” để ta bám chặt, để ta tự siết lấy đời mình, đời người cho tới khi nhắm mắt vẫn khôn nguôi. Nếu biết tung ra khỏi cái vỏ kén đầy ích kỷ, nhỏ nhen và cô đơn này, thoát khỏi cái bản ngã co cụm của mình, chúng ta sẽ dễ sống chan hòa cùng tha nhân, biết yêu thương và chia sẻ thật lòng. Cho đi mà không bao giờ đòi lại là nguồn hạnh phúc vô biên của một người biết sống đạo.
Rời khỏi chùa đoàn đã ghi hình kỷ niệm. Kính mong Tổ nhận cho lòng thành của chúng con, những tu sĩ đến muộn nhưng thật là rất tha thiết tu thiền như chính Tổ năm xưa.
Cơn mưa phùn rỉ rả làm hỏng đi chương trình du thuyền bến nước Châu Giang của đoàn. Xe chạy một vòng cho chúng tôi tham quan. Thế cũng đủ, vì thật ra trời cũng đã tối. Con nước Châu giang bắt nguồn từ Vân Nam chảy qua bao bến bãi thăng trầm, để rồi âm thầm đi vào lòng phố, uốn lượn quanh quẩn theo chân người, làm mát lại chốn thị thành và thêm rực rỡ sắc đêm dưới muôn ngàn ánh đèn. Ồ, mà ta cũng không biết rõ dòng sông len lỏi vào lòng phố hay lòng phố mọc lên theo dòng sông. Thôi, cũng không cần biết tới chuyện ấy làm gì. Chỉ có điều Châu giang làm cho trong chúng tôi, ít nhiều người nhớ tới sông Hương bên nhà. Cũng len lỏi trong lòng phố, cũng uốn lượn đôi bờ bến nước con đò, cũng bóng dáng phố thị in trên dòng, nhưng sông Hương nguyên sơ và trầm lặng hơn Châu giang nhiều. Sông Hương lại càng lãng đãng sương khói hữu tình, e ấp dịu dàng ẩn mình bên núi Ngự khi bóng hoàng hôn thả xuống đất Thần kinh. Nét đẹp của sông Hương không thể đem so sánh với Châu giang hay bất cứ một dòng sông nào. Bởi vì nó là nét đẹp của dòng sông quê nhà. Dòng sông đã từ lâu mang tiếng chuông chùa Linh Mụ đi vào dòng đời, cảnh tỉnh nhân sinh. Cho nên thôi, mình cứ giữ kín trong lòng.
Đêm nay đoàn nghỉ lại khách sạn Quảng Châu. Nhìn xuống dòng Châu giang, ánh nước lung linh trong ánh đèn. Nơi đây bao người đã nhảy xuống, bao người lại ngoi lên? Cái trò chơi xem ra rất cũ, nhưng người ta dường như chưa biết chán. Cả thế gian này cũng chỉ thế thôi, hết sinh lại tử, hết tử lại sinh. Vậy mà chúng sanh lặn hụp trong đó từ vô thủy kiếp đến nay. Ngán thì có ngán, nhưng chán thì chưa chán. Thiền sư thì không như thế. Hoa Đình Thuyền Tử ung dung bước trên đôi bờ sanh tử, làm người lái đò đưa khách sang sông. Một con thuyền không đáy. Một giọt nước chẳng dính chân. Đêm về ngẫu hứng thả câu:

 

Thiên xích ty luân trực hạ thùy,
Nhất ba tài động vạn ba tùy.
Dạ tĩnh thủy hàn ngư bất thực,
Mãn thuyền không tải nguyệt minh quy.

Dịch:

Nhợ câu ngàn thước đà buông xuống,
Một sóng vừa gợn muôn sóng sanh.
Nước trong, đêm lặng, câu chẳng dính,
Đầy thuyền chỉ chở ánh trăng thanh.

 
Còn tiếp...
[ Quay lại ]