Hành Hương Hoa Hạ - Phần 2 (Tứ Xuyên-TT)
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ ba, 11 Tháng chín 2007 10:00
- Viết bởi nguyen
CHÙA BÁO QUỐC
Không còn đủ thời gian để lần lựa nữa, xe theo con đường nhựa tiến thẳng về hướng Nga My sơn, cách Lạc Sơn khoảng 40km. Vào đến huyện Nga My ta cảm nhận ngay cái không khí đất Phật. Một dãy đèn đuốc sáng choang trên những tầng ngói uốn cong, thoạt nhìn cứ tưởng là ngôi đại già-lam, nhưng không phải, đó là khách sạn. Tổng thể khu du lịch dưới chân núi Nga My đều có kiến trúc như vậy. Thật hay. Rõ ràng vào đến Thánh địa, lòng Phàm cũng lắng dịu bụi trần.
Nghe danh chùa Báo Quốc là Nga My Đệ Nhất Tự, chúng tôi hăm hở nối gót nhau đi thật nhanh, trước khi trời sụp tối. Quả thật danh bất hư truyền. Có thể nói bốn ngôi Đại cổ tự để lại ấn tượng sâu đậm nhất trong đoàn là chùa Báo Quốc tại đây, chùa Hiển Thông tại Ngũ Đài sơn, chùa Thiếu Lâm tại Tung sơn và Nam Hoa Thiền Tự tại Tào Khê. Đón khách là một thác nước trắng xóa ở giữa. Bên phải là bút tích của vua Khang Hy với ba chữ “Nga My Sơn” khắc trên đá thật mạnh mẽ, sắc nét. Bên trái, một khối thạch bảng dựng đứng hùng dũng với năm chữ “Chấn Đán Đệ Nhất Sơn” do Mao Chủ Tịch đề tặng, đủ biết danh tiếng của ngọn núi này. Chùa Báo Quốc án ngữ ngay dưới chân núi, xứng đáng là cánh cửa của tòa Nga My sơn. Khách đến Nga My mà không ghé chùa Báo Quốc thì chưa thể biết thế nào là:
Nhập thâm sơn, trú lan-nhã,
Sầm ngâm u thúy trường tùng hạ.
(Vào rừng sâu, trú lan-nhã,
Núi dựng, tùng già ôm bóng cả.)
Chứng Đạo Ca
Phiến đá, con đường, rặng cây, ngọn cỏ… mỗi mỗi đều lan-nhã. Đường dẫn lên chùa đẹp như tranh và dĩ nhiên sống động hơn tranh. Chúng tôi cúi xuống để lách qua một vòm cây là bước sang một khúc quanh mới với những mảng đá lạ. Cảnh trí biến đổi theo những đoạn đường quanh co với thiên nhiên hòa điệu cùng tâm hồn và bàn tay của con người gầy dựng, làm cho cảnh trí chùa Báo Quốc thật là có một không hai. Rất tiếc trời mờ tối nên chúng tôi không đọc được bút tích trên các bia đá dọc đoạn đường lên chùa. Chữ viết đủ kiểu, chân phương, thảo, biến thể… khi thì truyền thần mạnh mẽ, lúc lại uyển chuyển thanh tao, sắc sảo vô cùng. Lầu chuông u tịch nằm chêch chếch với Đại Hùng Bảo Điện, càng về chiều càng trầm mặc đến lặng người. Đứng nơi đây nhìn sang cổng Tam quan của chùa mà nhớ tới một thời hưng thịnh của thiền tông tại ngôi già-lam này.
Chùa được xây dựng vào khoảng năm 1573-1619 đời vua Thần Tông nhà Minh, thuộc tự viện thiền tông. Chùa có tên cũ là Hội Tông Đường cũng gọi là Hội Tông Phường. Đời Thanh (khoảng năm 1662-1722), chùa được trùng tu và đổi tên như ngày nay. Phía trước cổng Tam quan có biển đề Báo Quốc Tự do tự tay vua Khang Hy viết. Điện vũ chính có Di-lặc Điện, Đại Hùng Bảo Điện, Thất Phật Điện, Tàng Kinh Lâu, từ trước đến sau theo thế núi và cấp bậc lên cao. Kiến trúc hoành tráng, tượng Phật uy nghi, mỗi mỗi đều được thếp vàng sáng chói. Tháp Phật ở trước điện Thất Phật đúc bằng đồng cao 7m, nguyên là tháp Phật của chùa Thánh Tích, ngôi chùa cũ đã hư vào đời Minh. Trên tháp khắc hơn 4.700 tượng Phật và toàn bộ kinh Hoa Nghiêm. Đây là một kiệt tác tinh xảo về nghề đúc tượng của Trung Hoa.
Cảnh chùa làm cho chúng tôi nhớ đến hai câu thơ tiếp theo của thiền sư Huyền Giác:
Ưu du tĩnh tọa dã tăng gia,
Khuếch tịch an cư thật tiêu sái!
Dịch:
Thong dong tĩnh tọa gã tăng quê,
Vắng lặng an nhiên cõi tiêu sái.
Bóng thiền tăng bây giờ ở đâu? Thiền sư Huyền Giác xin được làm một gã tăng quê thì chắc có lẽ Ngài ở một mái chùa tranh, chớ không ở một ngôi chùa tráng lệ như vầy. Song chiếc bóng tĩnh tọa thong dong, một cõi tiêu sái hiện bày thì quảng đại uy nghiêm và vĩnh cửu hơn muôn ngàn lâu đài điện các. Đây mới đích
thực là linh hồn muôn thuở của già-lam, và cũng chính là chốn tìm về của mỗi chúng tôi.
Đêm nay nghỉ dưới chân núi Nga My, mà không được tĩnh tọa trong ngôi thiền tự năm xưa. Thấy cũng buồn!
NGA MY SƠN
Ngày 11-5-2007
Thiên nhiên dường như ban tặng cho Trung Quốc những đường nét hùng vĩ nhất của mình. Dãy Hy-mã-lạp sơn chất ngất chọc trời xanh quanh năm tuyết phủ, những cao nguyên ngút ngàn lộng gió, những đồng bằng mênh mông bất tận, những sa mạc thử chân người cứng mềm, những dòng sông đôi bờ ngút mắt. Nhưng có thể nói tuyệt tác nhất là sơn kỳ thủy tú.
Trung Quốc có những ngọn núi đã trở thành Thánh địa thiêng liêng, là đạo tràng của các vị Bồ-tát như Ngũ Đài sơn của ngài Văn-thù, Nga My sơn của ngài Phổ Hiền, Cửu Hoa sơn của ngài Địa Tạng, Phổ Đà sơn của ngài Quan Âm. “Tứ đại danh sơn” không chỉ là trú xứ tâm linh của người dân Trung Quốc mà còn là nguồn tìm về của những ai bén duyên với Phật pháp trong khắp năm châu bốn bể.
Nga My sơn nằm ở phía nam tỉnh Tứ Xuyên, cách Thành Đô 160km về phía tây nam. Mạch núi xuất phát từ Mân sơn, chập chùng uốn lượn như chiếc cầu vòng, dài hơn 180km, chu vi từ 5km đến 6km. Đỉnh cao nhất là Vạn Phật Đỉnh 3.099m. Toàn dãy núi có ba ngọn chính là: Đại Nga, Trung Nga, Tiểu Nga. Quần thể chùa viện đền đài hơn 200 ngôi, trên 40 sơn động và 100 thạch khám. Từ chân núi lên đến chỗ cáp treo trước khi đi cáp và leo bộ lên Kim Đỉnh là 53km, ngồi xe ô tô mất khoảng 2 tiếng. Nhưng thật không tiếc chút nào vì cảnh non Bồng nước Nhược của Nga My. Xe len lỏi giữa những tầng núi chập chùng ghềnh thác. Mỗi một vách núi là một cảnh tượng khác lạ, biến ảo không lường. Kỳ hoa dị thảo phủ lên non cái diễm lệ tự nhiên, không tô điểm ngượng ngùng. Nước trên non chảy xuống, mây lưng đèo bay lên. Núi và mây. Thinh và sắc… réo rắt xao xuyến lòng người. Thật chưa từng thấy!
Là nhà tu, đến chỗ này thì phải tu lắm mới được, không thôi cái lỗ tai, đôi con mắt bị Ngộ Không dẫn đi chơi quên mất đường về. Nhà thiền bảo thấy chỉ thấy, nghe chỉ nghe, xem ra không đơn giản chút nào. Thiền sư Đạo Giai dạy chúng:
Ngộ thinh ngộ sắc như thạch thượng tài hoa,
Kiến lợi kiến danh như nhãn trung trước tiết.
Dịch:
Gặp thinh gặp sắc như trồng hoa trên đá,
Thấy lợi thấy danh như bụi rơi trong mắt.
Thiền sư không dính, Bồ-tát không dính nên các ngài ở núi dễ. Còn chúng ta lợi danh mờ mắt nên ở núi khó. Muốn ở núi cao thì chí phải cao, tâm phải lớn, hạnh phải rộng. Với người đời nét đẹp sơn thủy là sương khói hữu tình, nhưng với người tu non cao rừng thẳm là nơi trưởng dưỡng công phu. Khí càng thanh tâm càng thoát, cảnh càng vắng lòng càng yên, mới có chút phần tương ưng. Cho nên Bồ-tát Phổ Hiền đã chọn nơi này làm trú xứ tu hành.
Lên đến Kim Đỉnh nhiệt độ chỉ khoảng 30C – 50C, không khí đã loãng, tất cả đều chìm ngập trong biển mây bao la. Không biết có phải “mây ma-ni vương” do Bồ-tát rưới khắp mười phương như trong kinh Hoa Nghiêm đã tả chăng, mà sao diệu kỳ đến thế! Đoàn còn được hạnh ngộ với mưa Nga My, mới biết thế nào là cái buốt giá nơi đây. Lạnh từ trong xương lạnh ra. Thở bằng mũi không đủ dưỡng khí, phải há hốc mồm thở phụ. Toàn thân run cầm cập mặc dù ai cũng mặc ba bốn lớp áo.
Có tới nơi mới kinh ngạc về sự kỳ vĩ không phải chỉ núi non mà là con người. Một đất nước quá lớn cho nên đã sinh ra những con người có đầu óc cũng quá lớn. Dám nghĩ dám làm. Chỉ đi hai tay không với một đoạn núi ngắn có bậc cấp đàng hoàng mà ta còn thở dốc. Chẳng hiểu ngày xưa không có ô tô, không có cáp treo, làm sao người ta lên đây mà xây dựng đền đài, điện các trang nghiêm uy vũ như vầy, chưa kể đến phải chịu đựng một khí hậu quanh năm giá rét và mây mưa phủ ngập đêm ngày.
Trong sử ghi từ thời Đông Hán (25-220), ở đây đã có Kim Đỉnh Phổ Quang Điện. Đến khoảng đời nhà Đường, nhà Tống, Nga My sơn được dựng lên rất nhiều điện các. Cho đến đời Minh, đời Thanh thì huy hoàng rực rỡ. Ngày nay ngoài Kim Đỉnh ra, có khoảng 20 ngôi tự viện đang được bảo quản và trùng tu, trong đó Kim Điện, Ngân Điện được xem là hoành tráng và lộng lẫy nhất. Vừa nghĩ đến thôi là đã phát run, đừng nói tới làm. Phải chăng mỗi một con người nơi đây là hiện thân của ngài Phổ Hiền, mang đại hạnh của Ngài đi vào đời. Bởi vì chỉ có hạnh nguyện đại hải như Bồ-tát mới làm nổi những chuyện khó làm nhất trên đời.
Kiến trúc của Kim Đỉnh Phổ Quang Điện thật là kỳ vĩ. Đây là một ngôi điện hình tròn, nằm trên đỉnh núi Nga My. Nóc điện là tượng Bồ-tát Phổ Hiền Thập Diện, chia làm ba tầng. Diện mục xoay tròn tượng trưng cho sự có mặt của Ngài biến khắp mười phương cõi. Bồ-tát ngự trên con voi sáu ngà, bốn mặt xây về bốn hướng đông, tây, nam, bắc. Toàn bộ Kim Đỉnh được thếp vàng óng ánh, chiếu tỏa trên tòa Nga My. Chúng tôi bước vào Kim Đỉnh, biển đề “Thế giới Hoa Tạng” hiện bày, đức Tỳ-lô-giá-na ngự chính giữa. Mây mưa bên ngoài dứt bặt, ánh sáng bên trong tỏa chiếu, Bồ-tát Phổ Hiền như ảnh hiện trong mỗi kẻ cùng tử lang thang.
Phổ Hiền thân tướng như hư không
Nương chân tánh ở chẳng phải cõi
Tùy lòng chúng sanh chỗ thích ưa
Thị hiện thân hình đồng tất cả.
Kinh Hoa Nghiêm
Nếu Bồ-tát Văn-thù cưỡi sư tử xanh tượng trưng cho đại trí thì Bồ-tát Phổ Hiền ngồi trên voi trắng tượng trưng cho đại hạnh. Voi trắng sáu ngà để biểu thị hạnh nguyện rộng lớn.
Trong các loài thú, về sức mạnh chuyên chở, voi là mạnh hơn cả. Nó hay chuyên chở người và vật từ chỗ này đến chỗ khác. Bồ-tát Phổ Hiền cũng thế, dùng đại hạnh hóa độ chúng sanh, đưa họ từ bờ mê đến bến giác. Sáu ngà tượng trưng cho Lục độ. Hai vị Bồ-tát Văn-thù và Phổ Hiền luôn luôn được tán dương song song với nhau để nói lên thâm ý “tri hành hợp nhất” trong giáo điển Đại thừa.
Toàn bộ tông chỉ của kinh Hoa Nghiêm là “Nhất tâm chân như, pháp giới duyên khởi”, được diễn đạt xung quanh ba hình ảnh chính: Đức Phật Tỳ-lô-giá-na, Bồ-tát Văn-thù, Bồ-tát Phổ Hiền. Không rời Pháp thân thanh tịnh (Phật Tỳ-lô-giá-na), từ Căn bản trí (Bồ-tát Văn-thù), khởi Sai biệt trí làm lợi ích vô lượng chúng sanh (Bồ-tát Phổ Hiền). Đức Phật và hai vị Đại Bồ-tát này thật ra không phải ở đâu xa, mà đã ngự sẵn trong lòng mỗi chúng sanh.
Dưới con mắt của Hoa Nghiêm thì vũ trụ vạn hữu trùng trùng do nhân duyên hòa hợp mà thành. Từ một vật nhỏ như hạt bụi cho đến một vật lớn như trăng sao đều nương vào nhau, làm nhân làm quả, dung thông nhau, ảnh hưởng nhau mà có. Mỗi pháp mỗi pháp trong vũ trụ không thể tồn tại riêng lẻ, biệt lập mà tự có được. Cái này có là nhờ cái kia có, tương quan tương duyên, lớp lớp không cùng cho nên gọi là “trùng trùng duyên khởi”. Vì là trùng trùng duyên nhau nên một là tất cả, tất cả là một. Mọi sự vật trong vũ trụ đều dung thông nhau, do đó kinh Hoa Nghiêm gọi là “Sự sự vô ngại pháp giới”.
Thiện Tài đồng tử khi gặp được Bồ-tát Văn-thù, lãnh thọ và nhiếp trì chỉ giáo của Ngài xong, thân tâm vô cùng hoan hỷ, thành tựu vô số pháp môn, đầy đủ vô lượng đại trí quang minh. Bồ-tát Văn-thù dùng thần lực quảng đại khiến Thiện Tài vào được đạo tràng của Bồ-tát Phổ Hiền. Vào được cảnh giới Phổ Hiền là vào được “Sự sự vô ngại pháp giới” của Hoa Nghiêm. Mỗi sự mỗi vật đều từ pháp tánh hiển hiện. Lý pháp tánh viên dung vô ngại nên hiện ra sự vật cũng viên dung vô ngại.
Bồ-tát làm tất cả việc mà chẳng thấy có việc gì để làm, nên chẳng có chi ngăn ngại. Do chẳng có chi ngăn ngại cho nên trùm khắp pháp giới. Bồ-tát Phổ Hiền do nhiều kiếp lập hạnh nguyện rộng lớn, công đức không thể tính kể, đã thể nhập Hoa tạng thế giới hải, cho nên mới có diệu lực như thế. Chúng ta lập hạnh tu hành quyết phải có hai vị Bồ-tát này dẫn dắt mới không rơi vào ma đạo. Làm nhiều mà không có trí thì dễ làm điều sai quấy, mê chấp thân tâm,
lầm sanh nhân ngã, dẫn tới phiền não khổ đau, trọn không có công đức.
Kim Đỉnh biểu trưng cho giai đoạn chư Đại Bồ-tát đã lên vị Pháp Vân Địa trong Thập địa. Tại đây sẽ được Bồ-tát Phổ Hiền dẫn đạo thể nhập Thập nguyện vương, tiếp tục tu tập để tiến lên Đẳng giác, Diệu giác thành Phật. Mười đại nguyện của Bồ-tát Phổ Hiền là:
1. Kính lễ chư Phật.
2. Xưng tán Như Lai.
3. Rộng tu cúng dường.
4. Sám hối nghiệp chướng.
5. Tùy hỷ công đức.
6. Thỉnh chuyển pháp luân.
7. Thỉnh Phật trụ thế.
8. Thường theo Phật học.
9. Luôn tùy thuận chúng sanh.
10. Hồi hướng khắp tất cả.
Ngài bảo dù “cõi hư không cùng tận, cõi chúng sanh cùng tận, nghiệp chúng sanh cùng tận, phiền não chúng sanh cùng tận” thì hạnh nguyện của Ngài “vẫn không cùng tận, niệm niệm nối luôn không hở, ba nghiệp thân khẩu ý không hề nhàm mỏi” (kinh Hoa Nghiêm). Trên con đường Bồ-tát đạo để tiến lên Phật đạo, hành giả đừng nghĩ đến thời gian, cứ tu hoài tu hoài, không bao giờ chán, đó là tập theo hạnh của Bồ-tát Phổ Hiền. Khó là ở chỗ này. Chúng ta thường chỉ siêng tu giai đoạn đầu hoặc gặp thuận duyên mới tu, đụng phải chướng duyên dễ thối chí nản lòng, nên đạo nghiệp không xong.
Cũng trong kinh Hoa Nghiêm, nói về hạnh “Tùy thuận chúng sanh”, Ngài kể lại:
- Trong tất cả các loài, nếu kẻ có bệnh tôi vì họ mà làm lương y, nếu ai bị lạc đường tôi vì họ mà chỉ cho con đường chánh, nơi đêm tối tôi vì họ mà làm ngọn đuốc sáng, người nghèo thiếu tôi làm cho được của báu. Bồ-tát lợi ích cho chúng sanh bình đẳng như vậy. Vì sao thế? Vì Bồ-tát nếu có thể tùy thuận chúng sanh là tùy thuận cúng dường chư Phật… Nếu làm cho chúng sanh vui mừng chính là làm cho tất cả Như Lai vui mừng. Vì sao thế? Vì các đức Như Lai dùng tâm đại bi làm thể. Nhân nơi chúng sanh mà sanh lòng đại bi, nhân lòng đại bi mà phát tâm Bồ-đề. Nhân nơi tâm Bồ-đề mà thành bậc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Như lời Bồ-tát thì chúng ta không thể thành Phật khi không có chúng sanh, không gặp thử thách. Cho nên ta hãy an lòng vui tu nơi cõi này, vì chỉ nơi đây mới có nhiều thắng duyên để cho ta giật mình nhìn lại chính mình.
Sau Kim Đỉnh là Hoa Tạng Tự, ngôi chùa xưa nhất tại đây, được trùng tu vào đời nhà Thanh (1866). Gần đó là Kim Điện và Ngân Điện. Đứng trên Kim Đỉnh, ngẩng lên là hư không vô biên, cúi xuống là biển mây vô tận, như chính đại hạnh đại nguyện của ngài Phổ Hiền. Tại Hoa Tạng Tự, Hòa thượng Thường Chiếu đã thuyết một thời pháp ngắn, nói về công đức và đại nguyện của Bồ-tát. Lời sau cùng, Ngài bảo hãy đảnh lễ và nương vào chính đại hạnh Phổ Hiền nơi mỗi chúng ta mà lập hạnh tu hành, để thành tựu viên mãn Phật đạo dài lâu.
Đoàn xuống núi. Mười nguyện lớn của Bồ-tát vẫn còn vang mãi trong lòng.
Hư không hữu tận,
Ngã nguyện vô cùng…
Còn tiếp...
[ Mục Lục ]