headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 29/03/2024 - Ngày 20 Tháng 2 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Hành Hương Hoa Hạ - Phần 2 (Về lại Quảng Đông TT)


CHÙA LỤC DUNG

Ngày 22-5-2007
Chùa Lục Dung ngày xưa, lúc Tổ đến đây ở một thời gian là ngôi chùa quê vắng vẻ, chớ không màu sắc thị tứ như thế này. Thời gian thay đổi, cảnh vật cũng đổi thay. Nếu như bây giờ chắc là Tổ không chịu ở đâu. Vì Ngài thích yên ở nơi núi rừng thanh vắng.

Sở dĩ gọi Lục Dung vì đại thi hào Tô Đông Pha khi đến thăm, thấy chùa có 6 cây đa. Trung Quốc gọi cây đa là cây dung, nên đặt tên là chùa Lục Dung. Chùa cũng đã được vinh dự đón bước chân của Sơ Tổ Bồ-đề Đạt-ma đến trụ trì và truyền đạo một thời gian. Chùa giữa lòng thành phố thì nhất định là không như chùa núi rồi. Ồn và chật hẹp hơn. Các điện cũng giống như tất cả các chùa: Thiên Vương Điện, Đại Hùng Bảo Điện, Tổ Điện, Trai đường, Pháp đường… Ngoại trừ các cây đa có tuổi thọ trên ngàn năm tỏa râm bóng mát cho sân chùa, còn lại là những cây kiểng nhỏ nằm xinh xắn trong khoảng sân cũng nhỏ, đủ để khách hành hương vãng lai thắp hương cúng Phật. Tham quan một vòng và lễ Phật, lễ Tổ xong, đoàn ghé vào gian hàng pháp khí bên ngoài chùa. Lại nghiệp cũ… mua sắm.
Rồi cũng đã đến lúc kết thúc chuyến đi. Mười bốn ngày qua nhanh, chưa kịp thở sau những khúc chạy bộ. Tới phút cuối, lưu luyến, quý mến thì đã hết giờ. Phi trường là nơi gặp gỡ và cũng là nơi chia tay. Có khác chi đâu cõi phù trầm, cũng là nơi hết chia tay lại gặp gỡ của chúng sanh từ vô thủy kiếp đến nay. Không biết nên vui hay nên buồn? Nhưng đã là thiền sinh thì không được lôi thôi, nhiều lời. Cứ lên đường. Vui vẻ. Mai này sẽ gặp lại.
  - Ở đâu?
  - Xứ Phật.

TỔNG  KẾT

Trung Quốc với một phần châu lục, núi non hùng vĩ và biển hồ mênh mông, cộng thêm lịch sử một Hán tộc lâu đời, hiển nhiên trở thành một đất nước cổ xưa và rất lớn trên thế giới. Về sơn xuyên hồ hải thì tự nó là một tác phẩm trời cho, không cần phải bắt thang lên thiên đường tìm kiếm non Bồng tiên cảnh làm chi. Đây là một đất nước với những con người có những giấc mơ kỳ lạ, họ phải để lại cho đời những công trình vĩnh cửu, những tuyệt tác thiên thu, đồng một lúc có thể xây dựng chất ngất và phá hủy tận gốc như Tần Thủy Hoàng với Vạn Lý Trường Thành và việc đốt sách, chôn sống học trò. “Ngu Công dời núi” không hề là chuyện đùa với họ, xưa cũng như nay. Bây giờ tới công trình xây dựng đập thủy điện Tam Hiệp cũng làm cho nhân loại bàng hoàng không kém. Hiện tại Trung Quốc bao gồm một lục địa khổng lồ vươn dài từ Đông Hải đến phía tây tận các nước cộng hòa của Liên Xô cũ, từ miền bình nguyên Hoàng Hà đến cao nguyên Tây Tạng.
Trung Quốc có một nền văn hoá trải qua năm sáu ngàn năm, người nay không sao dò tới đáy. Hai nền tảng gốc sâu rễ chắc của nền văn hóa Trung Quốc lại là Khổng giáo và Lão giáo. Khổng giáo lấy nhân, nghĩa, lễ, trí, tín làm đạo đức để phụng sự xã hội, xây dựng cuộc sống nhân bản. Lão giáo tìm hiểu cái gốc của vũ trụ và muôn vật, rồi thuận theo đó mà ứng xử. Hai nền tảng giáo lý ấy những tưởng đủ để bổ sung cho nhau một thế giới quan, nhân sinh quan hoàn thiện và hầu như họ không còn gì để nghĩ đến nữa. Thế nhưng không ngờ Phật giáo lại đến với Trung Quốc.
Từ đầu công nguyên đến nay những 2.000 năm, Phật giáo Trung Quốc với những trú xứ Bồ-tát trên những đỉnh mây quanh năm tuyết phủ, những hang động trở thành kho báu không chỉ của quốc gia mà của cả thế giới. Trong đó chỉ toàn Phật và Bồ-tát. Từ bắc đến nam du khách đều có thể hành hương được cả, vì chùa chiền Phật giáo không vắng thiếu bất kỳ chỗ nào. Nhiều tới mức kinh lạ! Sự xuất hiện của các bậc Thánh tăng nước ngoài đã làm cho Phật giáo Trung Quốc rực rỡ hơn bao giờ hết. Đó là các ngài Ma-đằng, Trúc Pháp Lan, An Thế-cao, Phật-đồ-trừng, Cưu-ma-la-thập, Bồ-đề Đạt-ma… đã bắt đầu mở lối cho các bậc Thánh tăng trong nước về sau, thắp sáng ngọn đuốc tuệ, truyền đăng tục diệm đến muôn đời. Đó là các ngài Pháp Hiển, Huyền Trang, Nghĩa Tịnh, Huệ Năng… Và những cuộc hành hương bất tận của hàng triệu, hàng tỷ con người trên thế giới cũng bắt nguồn từ suối nguồn vi diệu ấy.
Đạo Phật tuy đến sau đạo Khổng và đạo Lão, nhưng đã nhanh chóng khơi mạch nguồn tâm và hòa nhập vào đời sống tinh thần của dân tộc này, để cuối cùng đạo Phật chiếm một địa vị rất cao trong lòng nhân dân có tín ngưỡng Trung Quốc. Vì thế xứ sở này trở thành non nước của Bồ-tát và Tổ sư, với một nền văn hóa Phật giáo cũng sâu xa không kém. Được như vậy là vì giáo lý Phật-đà hội đủ ba yếu tố khế lý, khế thời và khế cơ. Điều này đức Phật đã dạy như thế.
Giáo lý nhà Phật còn thích hợp với con người bất luận là xứ sở nào, vì hình ảnh lý tưởng của Bồ-tát. Đó là những con người giác ngộ nhập thế, đi vào cuộc đời, đau nỗi đau nhân sinh, sống cái sống nhân sinh, thấu hiểu tâm tình của nhân sinh… mới có thể đến gần họ mà vỗ về, chia sẻ và đưa họ ra khỏi nơi tăm tối, trở về với ánh sáng. Hình ảnh Bồ-tát thõng tay vào chợ cứu độ mọi người, không từ bỏ một ai, rất thích hợp với đầu óc thực tiễn của người Trung Quốc.
Thú vị hơn, thiền tông còn mạnh mẽ đập tan mọi hình thức câu nệ, cố chấp, cứu con người thoát khỏi vòng xiềng xích vô lý do họ tự đặt ra, rồi lệ thuộc ngược trở lại nó, mà chịu khổ triền miên từ đời này sang đời khác. Chấm dứt hướng ngoại, xoay lại chính mình để tự nhận và sử dụng nguồn năng lực nội tại vốn có, là sức mạnh vĩ đại nhất, mà Lục Tổ và rất nhiều thiền sư Trung Quốc đã thành tựu viên mãn. Tuy nhiên, ngày nay bóng dáng thiền tăng với chân tinh thần hành thiền của Tổ sư thuở xưa thì hiếm thấy, cũng là một điều đáng tiếc. Song linh hồn của thiền tông thì khó mà nói được. Hang sâu núi thẳm của Trung Quốc vẫn còn trùng trùng vạn vạn. Muôn pháp thiên di, tùy duyên mà bất biến.
Do đó có thể nói, đến với Trung Quốc là trở về với thế giới tâm linh nằm sẵn nơi chính mình. Hun hút, sâu thẳm và không có điểm cùng.

Còn tiếp...

[ Mục Lục ]

[ Quay lại ]