headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 22/11/2024 - Ngày 22 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Hành Hương Hoa Hạ - Phần 2 (Hà Nam TT)


LONG MÔN THẠCH QUẬT

Chiều Lạc Dương đẹp lắm. Bởi vì đây là xứ sở của hoa mẫu đơn, mà còn là cố đô của 13 triều đại Trung Quốc, bắt đầu từ triều đại nhà Hạ, sau này là các triều Thương, Đông Chu, Đông Hán, Tào Ngụy, Tây Tấn, Bắc Ngụy, Tùy, Đường, Hậu Lương, Hậu Tấn… Như vậy Lạc Dương là cố đô được xây dựng sớm nhất, của nhiều triều đại nhất trong lịch sử Trung Quốc cổ đại.

Hân hạnh hơn nữa, Lạc Dương còn là điểm xuất phát phía đông của con đường tơ lụa. Từ đây, Trung Quốc mở rộng sự giao lưu với các nước Trung Á, Bắc Phi và Châu Âu, thúc đẩy và nâng cao sự phát triển nền kinh tế, văn hóa, chính trị của Trung Quốc. Đặc biệt con đường huyết mạch này đã đưa dòng chảy Phật giáo từ Ấn Độ vào xứ sở có trên 2.500 năm lịch sử Khổng - Lão, làm thay đổi rất nhiều đến nền tảng triết học và thăng hoa đời sống tâm linh cũng như nền văn minh của người dân bản xứ. Ngày nay tổng diện tích là 15.208km2, trong đó nội thành chiếm 544km2, dân số 16.400.000 người, nội thành chỉ có 1.460.000 người. Lạc Dương bây giờ được đoạt giải thành phố ưu tú của Trung Quốc, thành phố vườn hoa cấp quốc gia, thành phố có sức thu hút nhất của Trung Quốc. Con đường Lạc Dương là con đường đáng nhớ nhất trong suốt chuyến hành hương Trung Quốc. Xe chạy trên một đại lộ thênh thang, đầy hoa, đầy không gian, không cần chạy nhanh, không phải chen lấn với ai. Nét đẹp một thuở cố đô của Lạc Dương vẫn không phai nhòa, có thể chỉ thay đổi đôi chút đường nét giữa xưa và nay thôi. Gió nhẹ, trời mát, thời tiết ấm áp.
Xe đưa chúng tôi đến Long Môn Thạch Quật, đây là kho báu nghệ thuật điêu khắc đá của hoàng gia, một trong ba hang động nổi tiếng nhất của Trung Quốc. Hai hang động còn lại là động Đôn Hoàng ở Mạc Cao Cam Túc và động Vân Cương ở Đại Đồng Sơn Tây.
Quần thể hang động ở núi Long Môn phía tây, núi Hương sơn phía đông, nằm sóng đôi giữa đôi bờ Y hà, cách huyện Lạc Dương tỉnh Hà Nam 14km về phía nam. Có tận mắt xem qua mới thấy quả thật đây là một thạch quật kỳ vĩ, tuyệt vời. Chỉ mới đối diện trước cổng vào Long Môn động thôi mà đã choáng ngợp rồi. Đoàn đến Long Môn vào buổi tối cho nên không thể nào tả hết được cái sắc nước hương trời của Long động. Hai ngọn Long Môn sơn và Hương sơn lấp lánh soi mình dưới muôn ngàn ánh đèn ảnh hiện trên dòng Y hà. Chiếc cầu nối đôi bờ đông tây trở thành chiếc cầu vẽ, rực rỡ ảo diệu bởi nét cọ hoa đăng. Đèn trên núi chiếu xuống sáng choang. Gió dưới sông thổi lên mát rượi. Đoàn xoay qua rồi lại xoay lại, chụp hình không cần nhắm.
Bên đây Long Môn sơn đứng nhìn qua bên kia Hương sơn chỉ còn thấy núi và non, nước và đêm. Tất cả đều chùn xuống, nhường lại cho ánh sáng Hương Sơn Tự, tỏa chiếu lấp lánh từ những dãy đèn chạy suốt toàn bộ quần thể điện đài của già-lam, tạo thành một kiệt tác cổ tự về đêm, độc nhất vô nhị giữa nền trời đầy sao và ánh đèn. Đố ai vẽ được bức tranh này? Biết dùng từ gì ở đây bây giờ? Đẹp, chưa đủ. Lạ, chưa hết. Tuyệt, chưa xứng. Thôi không tả cho rồi, để dành khách trùng phùng tự hân thưởng.
Năm 493, Ngụy Hiếu Văn Đế nhà Bắc Ngụy dời đô từ Đại Đồng Sơn Tây về Lạc Dương và bắt đầu công trình Long Môn Thạch Quật nhân tạo này. Công trình trải qua các triều Đông Ngụy, Tây Ngụy, Bắc Chu, Bắc Tề, Tùy, Đường, Ngũ Đại, Bắc Tống, Kim cho đến cuối đời Thanh. Trong đó số tượng tạc vào thời Bắc Ngụy chiếm khoảng 30%, đời Đường 60%, các đời khác khoảng 10%. Riêng đời Đường, hoàng đế Võ Tắc Thiên rất tôn sùng đạo Phật nên Long Môn Thạch Quật đã được thổi vào một luồng sinh khí nghệ thuật hang đá lên đến đỉnh cao. Các tác phẩm xuất sắc gồm chùa Phụng Tiên, chùa Tiềm Khê, động Vân Phật… nhất là quần thể tượng Phật Tỳ-lô-giá-na trong chùa Phụng Tiên, điêu khắc tinh xảo, đường nét uyển chuyển, mạnh mẽ như thật, là một trong những tác phẩm tiêu biểu cho nền nghệ thuật điêu khắc đời Đường. Nhưng đáng tiếc, trải qua những cuộc pháp nạn của Phật giáo Trung Quốc, không ít pho tượng Phật bị mất tay, mất chân, mất đầu, tệ hơn nữa là mất cả toàn thân.
Có thể nói các hang động vĩ đại, nổi tiếng của Trung Quốc nếu không phải là giới hoàng gia hay thượng lưu chủ trì kiến tạo thì không ai có thể làm nổi. “Nhất tướng công thành vạn cốt khô” (một vị tướng thành công, muôn ngàn người chết khô). Điều này xưa nay vẫn vậy. Ngắm nhìn thạch quật mà nhớ thương hàng ngàn người thợ mỏ và vô số nghệ nhân. Qua những tấm bia và sử sách lưu lại, thì đối tượng tham gia công trình này bao gồm cả triều đình, quý tộc, thương hội dân gian và luôn cả các thường dân.
Hai giới lao động trí óc lẫn lao động tay chân đều vắt hết sức lực, cống hiến toàn bộ khả năng của mình cho di sản hang động này. Họ đã ngủ núi, ăn núi, sống núi và chết núi. Không phải một ngày mà một đời. Không phải một đời mà nhiều đời. Chịu bao nhiêu gian khổ từ đời cha đến đời con: thiết kế, phác thảo, khắc họa, đập đá, đục đá, tạc đá, gánh đá… Đem mồ hôi và cả xương máu để làm nên sự nghiệp cho đất nước, cho đạo pháp, cho nền văn hóa của dân tộc. Công đức thật vô lượng. Trăm năm sau, nghìn năm sau, hậu thế đứng trước những tác phẩm được nhồi nặn bằng cả trái tim và khối óc của muôn ngàn con người, xin cúi đầu khâm phục và vô cùng trân trọng. Là hậu bối, xin tạc dạ tri ân.
Núi non Long Môn thuộc loại đá hoa Đại Lý, cửa hang có hình dáng như cái cổng nên gọi là Y Khuyết Thạch Quật. Trong hang động này, người xưa điêu khắc những bệ thờ và tượng Phật nên còn gọi là “Long Môn Khám” hay “Y Khuyết Phật Khám”. Cả công trình Long Môn Thạch Quật với hai dãy núi, kéo dài từ đông sang tây có trên 2.345 hang đá, ngót 40 tòa tháp Phật, hơn 2.800 tấm bia đá, cả 100.000 pho tượng Phật. Trong đó, tượng lớn nhất cao 17,14m; tượng nhỏ nhất chỉ cao 2cm. Các động được chú ý nhiều nhất như động Cổ Dương, động Tân Dương, động Y Khuyết còn gọi là động Liên Hoa, Thạch Quật Tự… trong đó động Cổ Dương được đào khoét xây dựng sớm nhất, có nhiều tượng Phật nhất.
Chùa Phụng Tiên là hang đá lộ thiên, quy mô tráng lệ, chia làm hai lớp trong và ngoài. Lớp trong rộng 38m, sâu 23m. Lớp ngoài rộng 36m, sâu 14m, là hang động nổi tiếng nhất về nghệ thuật hang động đời Đường. Ở giữa vách sau có khắc tượng Phật Lô-xá-na ngồi, cao khoảng 16m, hình dáng trang nghiêm, từ dung tỏa sáng, nụ cười thấm đượm từ bi, nhưng ngày nay hai tay và hai chân đã bị hư hoại, tòa sen cũng xém tàn. Hai bên đức Phật có hai vị Bồ-tát và hai vị Thánh tăng đứng hầu cao hơn 11m, đường nét rất sống động tinh xảo. Chung quanh còn rất nhiều tượng long thần, hộ pháp, kim cương lực sĩ… với sắc khí mạnh bạo. Ngoài ra còn rất nhiều động trên khắp Long Môn sơn cũng như Hương sơn.
Bước lên tới đỉnh chùa Phụng Tiên đảnh lễ đức Phật và chư vị Bồ-tát mới thấy con người mình quá bé bỏng, chẳng là gì cả. Long động trải qua trên 400 năm điêu khắc, đã ưu mỹ với tất cả sự hoành tráng kỳ vĩ nhất. Vậy mà vẫn bị phá hủy. Trên cao nhìn xuống dòng Y hà, đức Phật và dòng sông đều tĩnh mịch, trầm lặng. Tất cả như tỏa sáng. Đóa sen hoa đăng dưới mặt nước Y hà, đong đưa theo thủy triều, dâng lên cúng dường chư Như Lai, mà cũng là hiến tặng cho đời.
Núi đá đã được xẻ, Phật đá đã được tạc, nhưng bản tâm biết khắc vào tảng đá nào? Chỉ có ở trong lòng. Lặng lẽ mà thường biết. Yên ổn thường trụ, như vậy mới không buồn, không đau lòng khi thấy tôn nhan Như Lai trang nghiêm thù diệu dường ấy mà chúng sanh đã chặt mất tay, mất chân. Có tượng bị chặt luôn cả đầu! Như Lai cũng không nói gì. Khi tượng được kiến tạo sùng bái, đức Phật không vì thế mà vui. Khi tượng bị phá hủy, đức Phật không vì thế mà buồn. Mặc cho mưa dầm nắng dội, mặc cho lòng người đổi thay. Chư Như Lai muôn đời, nghìn đời, muôn nghìn đời chỉ thế thôi.
Tại đây, trong lúc mọi người đang xuýt xoa trầm trồ thạch động, hướng dẫn viên Lưu Chí Huy pha trò bằng một câu đùa khá duyên:
- Kính thưa quý Thầy cô, quý Thầy cô thấy di sản Long Môn Thạch Quật của Trung Quốc đáng khâm phục quá, phải không ạ? Vâng. Thật ra, trong đời này “không có việc gì khó, chỉ sợ túi không tiền, đào núi và lấp biển, không làm nổi thì thôi”. - Cười.
Cảm ơn anh hướng dẫn viên trẻ đã cho chúng tôi một trận cười sảng khoái. Suốt chuyến đi, ngoài phần thuyết minh tường tận về nhiều lĩnh vực nơi đoàn đi qua, anh đã tặng chúng tôi những câu dí dỏm như vậy.
Ngày nay Long Môn Thạch Quật đã lừng danh là một Viện Bảo Tàng nghệ thuật điêu khắc đá. Đây không chỉ là sự thể hiện của văn hóa Phật giáo, đồng thời còn phản ảnh nét thời thượng về chính trị, kinh tế, văn hóa thời bấy giờ. Hang động này đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào tháng 11 năm 2.000.
Hòa thượng Thường Chiếu nói: - Chúng ta đủ duyên lành, về đến nơi đây đảnh lễ Thế Tôn, chiêm bái vô số tượng Phật và chư vị Bồ-tát trên vách đá như vầy. Thật là một điều hy hữu. Tuy nhiên, các pháp có tướng do duyên hợp, dù to lớn bền chắc tới đâu cũng phải tan hoại. Có người gầy dựng nên cũng có người phá hủy đi. Có người phá hủy đi, cũng có người gầy dựng lại. Đó là lẽ thường thôi. Song quý nhất là cái tâm. Tâm chân thật này không ai phá hủy được, cho nên ngày nay chúng ta mới từ Việt Nam xa xôi cách trở, về đến Long Môn Thạch Quật đảnh lễ tham bái chư Phật. Vì vậy, mong tất cả chư huynh đệ hãy nhận và sống với tâm chân thật của mình, để chúng ta trở thành như những đóa sen lấp lánh dưới kia, tươi tắn vươn lên giữa dòng sông mê, cúng dường mười phương đấng Điều Ngự. Đó cũng là lời kết cho buổi tối chiêm bái Long Môn Thạch Quật của đoàn.
                        Vui biết mấy!
                        Ở ngoài vòng luân chuyển.
                        Vọng nhìn đêm,
                        Từng giờ phút đi qua.
                        Niết-bàn ư?
                        Mau xem nước trôi xa,
                        Và trên kia,
                        Đôi mắt Phật-đà,
                        Đôi mắt mi ngưu vương,
                        Đang ngắm hoa.
                        Vĩnh cửu,
                        Biết bao là!

BẠCH MÃ TỰ

Ngày 18-5-2007
 Chùa Bạch Mã là chiếc nôi đầu tiên của Phật giáo Trung Quốc. Tương truyền vào năm 67 trước công nguyên, Hán Minh Đế nằm mộng thấy “người vàng” phát ra ánh sáng rực rỡ, từ phương tây tới. Nhà vua cho đoán mộng mới hay có Thánh nhân xuất hiện ở phương tây. Vua sai sứ giả là Thái Âm và Thái Cảnh dẫn theo 18 tùy tùng sang Tây Vực để cung thỉnh tượng Phật. Đoàn sứ giả đi mới nửa đường, không ngờ gặp được hai Phạm tăng dùng ngựa trắng chở cả tượng lẫn kinh, men theo con đường tơ lụa đến Trung Quốc. Sứ giả đón tiếp hai Ngài rất trọng hậu.
Vua Hán Minh Đế liền cho xây chùa lấy hiệu là Bạch Mã để tưởng nhớ đến công lao của các con ngựa trắng. Hai ngài Ma-đằng và Trúc Pháp Lan được thỉnh ở tại đây để dịch kinh và thuyết pháp. Vì thế chùa Bạch Mã là ngôi chùa xưa nhất tại Trung Quốc, được kiến lập vào năm 68, cách Lạc Dương 12km về hướng tây. Ngày nay trên bức hoành đá ngoài cổng chùa, còn ghi rõ “Bạch Mã Đệ Nhất Cổ Sát”. Tại đây bộ kinh “Tứ Thập Nhị Chương” được dịch ra trước nhất, mở đầu cho kho tàng giáo điển đồ sộ của Trung Quốc về sau.
Ngày nay đến chùa, hai con ngựa trắng bằng đá cao 1,8m; thân dài 2,2m vẫn còn đứng hầu ngoài sảnh đường, gần tháp mộ hai thầy. Cổng tam quan khiêm tốn, trầm lặng, cất giữ bên trong một quá khứ thiền môn có nhiều Thánh tăng đã lưu dấu tại đây, thắp lên ngọn chánh pháp vi diệu. Chùa xưa in dấu cũ, in cả bóng dáng thần tăng trên từng trang kinh gỗ. Rương đựng kinh được cất giữ trong chùa đến nay vẫn còn, khách thập phương vẫn thường đến đây đốt hương cúng dường. Nghe nói rương kinh thường phóng ra ánh sáng làm rực rỡ cả điện Phật, cho nên kẻ tăng người tục đến kính lễ giống như lễ chân dung Phật.
Chùa Bạch Mã lưng hướng bắc, mặt hướng nam, đúng theo quy cách truyền thống của tự viện cổ đại Trung Quốc. Chùa được xây theo kiểu hình chữ nhật, tổng diện tích 60.000m2. Trước chùa là một đại sảnh rất rộng. Các cơ sở của chùa đi theo trục chính nam bắc, tổng cộng có các điện lớn: Thiên Vương Điện, Đại Phật Điện, Đại Hùng Bảo Điện, Bi Lư Các… hai bên có lầu chuông, lầu trống, Trai đường, Khách đường, Thiền đường, Pháp Bảo đường, Tàng Kinh Các… tất cả kiến trúc trên được xây theo thế tả hữu đối xứng, bố cục hoàn chỉnh ngăn nắp.
Hai ngài Ca-diếp Ma-đằng và Trúc Pháp Lan từng ở đây dịch kinh. Hai bên cổng chùa là tháp mộ của hai ngài. Chúng tôi quỳ xuống trước tháp, ngậm ngùi khi thấy cỏ xanh chen lấn mọc kín trên đỉnh tháp. Màu thời gian làm phai màu cổ tháp, khiến cho tất cả đều trở thành cổ điệu thiên thu, trường cửu mà thiên di.
Phía đông nam chùa có một ngôi chùa hình tháp tên Đông Bạch Mã, còn gọi là chùa Tề Vân do vua Trang Tông thời Hậu Đường (923-925) kiến tạo. Ngôi chùa hình tháp này có 9 tầng bằng gỗ. Vào đời Tống năm 1126, tháp bị chiến tranh thiêu hủy. Đến năm 1175, thời Kim có vị tăng là Ngạn Công xây dựng lại. Năm 1798, đời Thanh có vị tăng là Niên Lăng lại trùng tu thêm. Hiện còn một ngôi tháp bằng gạch cao 13 tầng.
Chùa Bạch Mã ra đời quá lâu, chịu nhiều binh lửa hủy hoại, nên đã qua bao lần trùng tu. Đời Đường, đời Tống, đời Nguyên, đời Minh đều có sự trùng tu và phục chế. Trong đó phải kể đến đạo tâm của nữ hoàng đế Võ Tắc Thiên đối với chùa. Vì rất tôn sùng Tam bảo, nên bà đã đưa chùa Bạch Mã đi vào thời kỳ hoàng kim nhất vào đời Đường. Thời Ngũ Đại, các vị tăng Thiền tông đã tới đây hoằng hóa. Cuối thời Kim, chùa này là nơi hoằng giáo của các vị sư tông Hoa Nghiêm, thính chúng rất đông, pháp sự nhiều đời thịnh hành. Thời Tào Ngụy có các vị cao tăng là Khương Tăng Khải, Đàm Đế, Bạch Diên; thời Tây Tấn có ngài Trúc Pháp Hộ; thời Bắc Ngụy có ngài Đàm-ma-lưu-chi, Phật-đà-phiến-đa; đời Đường có Phật-đà-la-đa v.v… đều từng ở chùa này dịch kinh. Có thể nói từ thời Bắc Ngụy trở xuống, chùa Bạch Mã là trung tâm Phật giáo thời Bắc Triều. Năm 1928, chùa bị bọn quân phiệt Phùng Ngọc Tường phá hủy. Năm 1931, chùa được các vị hộ pháp là Đới Quý Đào và các vị văn nhân Đỗ Nguyệt Sinh v.v… trùng tu kiến tạo. Đến năm 1972, Thủ tướng Chu Ân Lai cho trùng tu lại lần cuối cùng, được xem là quy mô nhất.
Dù trải qua một lịch sử nhiều thăng trầm như vậy, nhưng chùa Bạch Mã ngày nay vẫn trang nghiêm thanh tịnh. Hàng cổ thụ già cỗi vẫn nghiêng mình che chở từng nếp ngói cũ xưa. Lan-nhã thiền viên, cảnh yên, lòng lặng. Trước tôn tượng hai bậc đại Phạm tăng, chúng tôi quỳ xuống thắp lên nén tâm hương, tưởng niệm công đức của hai Ngài và ôn lại vài đoạn trong kinh “Tứ Thập Nhị Chương”:
Phật hỏi vị Sa-môn:
- Mạng người sống chừng bao lâu?
- Thưa, trong vài ngày.
- Ông chưa hiểu đạo.
Phật lại hỏi một vị khác:
- Mạng người sống chừng bao lâu?
- Thưa, trong một bữa ăn.
- Ông cũng chưa hiểu đạo.
Lại một vị Sa-môn khác nữa:
- Mạng người sống chừng bao lâu?
- Thưa, trong một hơi thở.
Phật khen:
- Ông mới là người hiểu đạo.
Đoạn kinh tuy ngắn nhưng quá siêu tuyệt, quá hàm dung, quá khẩn thiết để thức tỉnh nhân sinh. Ta còn chần chừ gì nữa, sao không lên đường! Trong tinh thần? Thượng sĩ.

            Buông bốn đại chừ đừng nắm bắt,
            Tỉnh một đời chừ thôi chạy quàng.

 Nên nhớ phải thuận dòng chánh pháp mà đi, giữ ở trung đạo, đừng tấp qua tấp lại hai bên bờ mà vướng lụy vào thân. Mang giày nhẫn nhục, mặc giáp tinh tấn chính là dùng tinh thần đại vô úy mà thành tựu sự nghiệp đại giải thoát. Tu tập các hạnh không phải để trốn tránh phiền não, mà chính là xông thẳng vào chỗ ma quân để công phá chúng. Nhanh lên. Thời gian không cho hẹn. Đây là những điều Phật dạy trong kinh Tứ Thập Nhị Chương. Bộ kinh này tuy ngắn gọn, nhưng súc tích, chứa đựng giáo lý uyên thâm, khẩn thiết đối với hành giả tu Phật. Đôi khi chỉ một hai câu Phật dạy mà cả đời chúng ta tu vẫn chưa xong.
Thêm một nén hương tưởng nhớ thâm ân của hai bậc Thánh tăng, đã vì chúng mê tình mà vượt muôn dặm đường xa đến đây, đem ánh sáng Phật pháp đến Trung Hoa, lưu truyền pháp bảo lại nơi đời. Chúng tôi thành tâm đảnh lễ trước cổ tháp hai Ngài lần cuối trước khi lên xe ra về.
Bạch Mã Tự! Chùa xưa còn dấu cũ.

Còn tiếp... 

[ Mục Lục ]

[ Quay lại ]