headertvtc new


   Hôm nay Thứ bảy, 27/04/2024 - Ngày 19 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Hành Hương Hoa Hạ - Phần 2 (Thiểm Tây)

LÊN TÀU ĐI TÂY AN

Chuyến tàu K6 đi Tây An lăn bánh vào lúc 20h52 phút. Đây là chuyến tàu đầu tiên của đoàn, để từ đó những tuyến tàu kế tiếp nhau lưu lại trong chúng tôi nhiều ấn tượng hỏa xa… xuất hạn mồ hôi. Vì là lên và xuống tàu ở một sân ga  giữa chừng, nên thời gian dành cho hành khách rất ít, khoảng 5 phút – 8 phút, có chỗ chỉ 3 phút.

 Đoàn lại đông, đa số là người lớn tuổi, hành lý nhiều, cho nên việc đi tàu lửa trở thành kỷ niệm nhất. Có người về đến nhà, nhắc lại chuyến đi không nhớ gì cả ngoài chuyện đi tàu lửa. Nhưng lần này vẫn còn thong thả, chưa có gì đáng nói lắm. Lần gần cuối cùng kia, mới biết thế nào là chạy đua với tàu lửa.
Từ Thành Đô đến Tây An nhìn trong bản đồ chỉ chừng một đốt tay, mà tàu chạy suốt đêm không thấy tới, Trung Quốc quả thật là một đất nước bao la. Đêm nay nghỉ lại trên tàu. Nằm lắc lư trong toa, nhìn ra những cánh đồng mênh mông, những đồi, những núi, những làng mạc ẩn khuất gần xa… chập chờn mờ tỏ trong đêm, chúng tôi chợt nhớ lại bài pháp của Hòa thượng Ân sư.
- Có một con tàu kỳ lạ gồm nhiều toa, nhiều hạng nhưng không có người lái. Nó tự chạy đều đều tiếp nối liên tục từ phố thị ra biển khơi với một vận tốc thật chậm. Trên đó vô số người bị lính áp tải lên những toa khác nhau, từ hạng tốt đến hạng xấu. Hành khách đều có mang theo hành lý riêng. Tuy chung một con tàu nhưng họ rất khác nhau. Có người ngủ vùi, có người mê say ăn uống, có người vui đùa thâu đêm, có kẻ ẩu đả vì những canh bạc đỏ đen… Bao nhiêu cảnh tượng chen lấn giành giâït miếng ăn giấc ngủ liên tục xảy ra, mặc cho con tàu lăn bánh đưa họ ra trùng dương.
Trải qua quãng đường dài vạn dặm, hương thơm cỏ lạ, kỳ hoa dị thảo dàn trải trước mắt. Nhưng cũng có lúc con tàu chạy ngang qua những cánh rừng thâm u, cảnh tượng ma quái ghê rợn, hoặc chui vào lòng núi băng giá, âm khí ngột ngạt… Nơi nào vừa lòng thích ý, hành khách mong cho con tàu chạy chậm lại để thỏa lòng thưởng thức. Nơi nào nghịch lòng trái ý, họ muốn con tàu lướt nhanh. Song ác nghiệt thay, con tàu lạ kỳ ấy vẫn không thể nào lùi chậm hay tiến nhanh theo lòng người.
Đường xa đắm cảnh khiến cho đa số hành khách trên tàu quên rằng đoạn đường cuối cùng sẽ là biển khơi. Vui thú, đam mê theo những hình ảnh đẹp, có người nhảy bổ ra ngoài và chết mất. Đau lòng hơn, nhiều cảnh tranh giành lấn hiếp, xô đẩy nhau đã khiến họ quăng đồng loại mình xuống vực thẳm ven đường. Trong số đó, rất ít người còn lại trên tàu, biết rằng số phận mình sẽ rơi xuống biển sâu, họ không chạy theo ngoại cảnh, mà âm thầm lặng lẽ ngồi kết từng mảnh cao su lại với nhau thành chiếc phao, mặc tình những kẻ chung quanh cười chê.
Rồi cũng đến lúc đại dương hiện ra trước mặt. Những ai quên đi số phận của mình, bấy giờ hốt hoảng kêu la cầu cứu, van nài con tàu dừng lại. Nhưng quy luật ấy không thể thay đổi được. Nó đâm nhào xuống biển, kết thúc cuộc hành trình dài vô vị, vô lý kia. Chỉ những người không chạy theo huyễn duyên, không màng chuyện hơn thua phù phiếm, họ đã có sẵn chiếc phao, để khi con tàu lao xuống biển, họ trầm tĩnh nương chiếc phao lên bờ bình an vô sự.
Câu chuyện được hợp pháp như sau: Bọn lính áp tải người lên tàu ví cho nghiệp lực dẫn chúng ta thọ sanh vào các cõi. Các toa tốt xấu dụ cho tùy phước hay tội mà chúng ta sanh ra trong gia đình, xã hội, hoàn cảnh thuận nghịch, sang hèn khác nhau. Cảnh vật bên ngoài là ngũ trần. Hiện tượng diễn ra bên trong là tam độc, bát phong… Sự vận chuyển liên tục không dừng là dòng thời gian. Điểm khởi và điểm đến dụ cho sanh tử, chúng ta ai cũng sinh ra và cuối cùng lại chết đi. Nếu người tỉnh giác thì không chìm đắm trong biển vô minh, được lên bờ giải thoát. Ngược lại, kẻ si mê quên đi việc sống chết vô thường đang theo đuổi mình từng phút từng giờ thì hẳn phải trầm luân nơi biển khổ.
Bài pháp ấy là một bài pháp sống đã đi theo chúng tôi trong suốt cuộc hành trình, như một hồi chuông cảnh tỉnh, như một ánh đuốc soi đường, hướng đạo kẻ lữ hành không lạc vào mê lộ tử sinh.

CHÙA TỪ ÂN - THÁP ĐẠI NHẠN 

Ngày 13-5-2007
Khoảng 12h30 phút, đoàn đến Tây An. Nhiệt độ khoảng từ 16oC – 29oC, rất quen. Nghỉ trưa xong, chúng tôi đến chùa Từ Ân và tháp Đại Nhạn bằng xe ô tô. Tây An là thủ phủ của tỉnh Thiểm Tây và cũng chính là cố đô Trường An của các triều Chu, Tần, Hán, Tùy, Đường, Minh… trước sau có đến 10 triều đại chọn nơi đây là trung tâm kiến thiết kinh đô, trải dài hơn 1.100 năm. Xe chạy qua cổng thành cổ xưa tạo cho ta cảm giác kính cẩn rụt rè như kẻ thứ dân bước vào cổng nhà quan lớn. Chung lâu và Cổ lâu sừng sững trong thành càng làm tăng thêm vẻ uy nghi đường bệ của một thời cố đô cổ đại. Bóng mát của hai hàng cây ngô đồng được rắc lên chút sắc chiều hoàng hôn, làm cho lối dẫn vào Tây An như một đường ngầm xanh thẳm, lấm tấm điểm nắng hồng. Cổ kim giao hưởng tạo nên một dáng dấp Tây An hôm nay. Đẹp và cổ kính.
Chu vi thành 11km, chung quanh có 4 cửa, người ta đào hào sâu bên ngoài để giữ thành. Đồng thời làm thêm một con đường bao quanh thành rộng đến 150m, hai bên đường trồng cây ngô đồng và cây du. Ngày nay Tây An có khoảng 3 triệu dân. Thành Trường An đời nhà Đường to lớn kỳ vĩ hơn thành Trường An đời nhà Hán gấp bội. Từ sau đời Đường, kinh đô các triều đại khác chuyển về phía đông. Đời Minh đổi Trường An thành Tây An. Ngày nay chúng ta thấy tường thành và lâu thành hoàn chỉnh như vầy đều là kiến trúc của đời nhà Minh.
Nhà khảo cổ Hạ Tân Thành cho biết thành Trường An đời Đường là thiết kế tinh tế nhất của Trung Quốc, là một kinh đô cổ đại có bố cục cân đối. Nam – Bắc 8,4km; Đông – Tây 7,9km; với tổng diện tích 81,48km2. Vào thế kỷ thứ VIII, IX Trường An được xem là kinh đô lớn nhất thế giới. Đông tây nam bắc thành Trường An được thiết kế thẳng góc giống như một bàn cờ. Thành Lạc Dương, thành Bắc Kinh sau này đều mô phỏng theo quy cách ấy.
Thành Trường An đời Đường có tới 12 cổng thành, chớ không phải chỉ 4 cổng như bây giờ. Trong đó, nổi tiếng nhất là cổng Khai Viễn nằm ở phía tây. Chính nơi đây Đường Huyền Trang đã xuất phát, thực hiện một cuộc Tây du dài 5.000 dặm, để sau này Phật giáo Trung Quốc có được một kho tàng kinh điển đồ sộ chưa từng thấy. Có thể nói cổng Khai Viễn chính là khởi điểm ở phía đông của con đường tơ lụa. Con đường mà không biết truyền nhân nào đã tìm ra từ đầu công nguyên, để từ đó mở lối cho các cao tăng Ca-diếp Ma-đằng, Trúc Pháp Lan, An Thế-cao, Cưu-ma-la-thập, Pháp Hiển, Bồ-đề Đạt-ma, Huyền Trang và vô số những tăng sĩ khác đưa Phật giáo vào Trung Quốc.
Trường An vì thế đã trở thành cuốn sử vẫn chưa khép của một dân tộc có 6.000 năm văn hiến, trải qua nhiều thăng trầm biến đổi. Thành Trường An vào đời Đường có dân số khoảng 1 triệu người, diện tích bao bọc thành khoảng 85km2. Các đời sau do chiến tranh phá hoại, Trường An dần dần bị suy thoái. Đến đời Minh, khu vực thành trì thu hẹp lại chỉ còn 30,2km2. Nhưng đến thế kỷ XX, Trường An đã thành Tây An và hoàn toàn đổi mới, với tổng diện tích lên đến gần 100km2, vượt rất xa thành Trường An huy hoàng nhất trong lịch sử của thời Thịnh Đường. Và có lẽ sống nơi một thành phố từng là cố đô của nhiều đời vua chúa, nên người dân thành Tây An ngày nay vẫn còn phưởng phất đôi nét phong lưu nhàn nhã, giữa một dòng sống cuộn chảy theo nền văn minh thời đại tiến nhanh như thác lũ.
Chúng tôi đến Tây An là vì nơi đây có Đường Huyền Trang, một Tam Tạng Đại pháp sư, danh xưng và công đức bất hư truyền. Cùng với ngài Cưu-ma-la-thập, Đường Huyền Trang đã đi vào lịch sử Phật giáo Trung Quốc như một ngôi sao Bắc đẩu, sáng chói và vĩ đại nhất trong sự nghiệp dịch thuật kinh điển, với một trình độ văn chương trác tuyệt và nội dung chuẩn xác. Vì thế điểm thăm viếng đầu tiên của đoàn là chùa Từ Ân nằm phía tây thành phố Tây An, ngôi chùa Đường Tăng trụ trì đầu tiên và phiên dịch kinh điển, từ chữ Phạn ra chữ Hán và ngược lại.
Chùa Từ Ân được vua Đường Cao Tông lập ra để báo ân cho mẹ. Đây là một ngôi chùa hoàng gia, thời đó cực kỳ tráng lệ và rộng lớn, thường dân không được vào. Ngày nay diện tích chùa đã thu hẹp lại nhiều mà vẫn còn thấy rộng. Người ta bảo đến Tây An mà không thưởng ngoạn các kiến trúc đời Đường thì đành lòng sao được! Chùa Từ Ân và tháp Đại Nhạn là những di sản quý báu còn lại mang kiến trúc thời ấy, đến bây giờ vẫn không hề thuyên giảm giá trị mỹ thuật lẫn kỹ thuật của một thời Thịnh Đường.
Tại Quang Minh Đường, nổi bật những bức tranh đồng, tranh gỗ miêu tả lại cuộc đời và thuyết minh con đường thỉnh kinh của ngài Huyền Trang thật sinh động, với những nét vẽ và điêu khắc cực kỳ sắc sảo, đã làm cho khách chiêm ngưỡng hết lòng khâm phục Đường Tăng. Riêng bức chân dung Ngài mang giày cỏ, lưng đeo giá kinh bằng gỗ, phía trên giá hơi nghiêng về phía trước và có treo một cây đèn dầu lạc là thường thấy nhất ở những tự viện thờ Ngài. Bức tranh này khiến cho nhiều người xúc động. Cây đèn trước giá kinh có công dụng tỏa ra ánh sáng dù chỉ leo lét thôi, cũng đủ thắp lên ngọn tâm đăng và niềm tin cho Đường Tăng tiến lên trên hoang lộ dày đặc hiểm họa và tối tăm.
 Ngài Huyền Trang thế danh là Trần Huy, sinh năm 602 tại Hà Nam. Năm thứ ba đời Đường Thái Tông (629), Ngài chỉ mới 27 tuổi, hãy còn rất trẻ mà đã quyết chí vượt mọi khó khăn nguy hiểm rời Trường An sang Tây Vực thỉnh kinh. Một mình qua sa mạc Gobi dài non 500km, tới nước Cao Xương. Rồi leo núi Thông Lãnh cao 7.200m trong dãy Thiên sơn, tiến theo con đường tơ lụa tới Thiết Môn sơn, một nơi rất ư hiểm trở. Từ đây Ngài theo hướng đông nam qua nhiều nước nhỏ, rồi vòng qua Đại Tuyết sơn vào Tây Trúc. Trải qua hơn 5.000 dặm đường đầy gian nan nguy khốn, ngày đêm chịu đói khát trên những vùng cát cháy, tay vin núi tuyết, chân đạp trên đỉnh cô phong, chỉ vì một tâm nguyện muốn Phật pháp được lưu bố rộng khắp dài lâu trên đất nước Trung Hoa, làm lợi lạc quần sanh.
Chiến thắng mọi nguy khốn gian nan đối với người tu vẫn chưa là điều đáng quý, chiến thắng chính mình mới là chiến công oanh liệt nhất. Và ngài Huyền Trang đã hoàn toàn chiến thắng trên cả hai trận tuyến ấy. Sau 16 năm xa quê, năm 645 Ngài trở về Trường An và đã thành một cao tăng 45 tuổi, đi gần 30.000km, qua 128 nước, đem về cho Trung Quốc 657 bộ kinh, chưa kể nhiều vật quý khác và niềm kính phục vô biên của thời nhân cũng như hậu thế.
Về tới Trường An, một tháng sau, ngài Huyền Trang bắt tay ngay vào việc phiên dịch toàn bộ kinh điển đã mang về từ Thiên Trúc. Công việc này được thực hiện đại quy mô và liên tục trong suốt thời gian dài 19 năm, dưới sự tài trợ của triều đình. Ngài tổ chức một ban dịch thuật chuyên môn, có trình độ giáo điển uyên thâm và vốn liếng ngoại ngữ dày dặn. Ngài mời các vị cao tăng thông cả Hoa ngữ lẫn Phạn ngữ hợp tác. Phương pháp dịch thuật của Pháp sư Huyền Trang rất khoa học và chu đáo, được chia làm 10 khâu: phiên dịch chính, chứng nghĩa, chứng văn, sao chép, ghi nhận, xuyết văn, tham dịch, san định, nhuận văn, Phạn suy([1]). Nhờ thế, các dịch phẩm được soát đi soát lại nhiều lần nên khá chính xác.  ([1]) Phạn suy: Đối chiếu bản dịch với chữ Phạn.

Những bộ kinh khó nhất, ý nghĩa thâm sâu nhất, ngài Huyền Trang trực tiếp phiên dịch. Ngài làm việc siêng năng miệt mài vô cùng. Hằng ngày dịch kinh cho đến khuya, canh ba mới ngủ, canh năm lại dậy. Thái độ làm việc rất nghiêm túc cẩn thận, không hề lơi lỏng chút nào. Thật là tấm gương sáng cho chúng ta noi theo. Tại Ấn Độ, môn học sở trường của Ngài là Duy Thức. Vì vậy về đến Trung Quốc, Ngài thu lượm tinh hoa của các bộ Đại luận thuộc tông Duy Thức, chuyển sang Hán ngữ để tên là “Thành Duy Thức Luận”, tổng cộng 10 quyển. Do đó Pháp sư Huyền Trang cũng chính là Tông chủ Pháp tướng tông tại Trung Quốc.
Tới năm 663, Ngài dịch được 600 quyển. Ngoài ra, Ngài còn để lại cho hậu thế bản dịch Đạo Đức Kinh từ tiếng Hoa ra tiếng Phạn, giới thiệu triết học Trung Quốc với Ấn Độ. Bản Đại Thừa Khởi Tín Luận cũng từ Hoa ngữ ngược về Phạn ngữ, vì nguyên bản chữ Phạn ở Ấn Độ đã thất lạc từ lâu, trong khi Trung Quốc còn giữ được bản chữ Hán. Soạn một quyển ngữ pháp Phạn, giản lược mà sáng sủa và chính xác. Viết bộ Đại Đường Tây Vực Ký gồm 12 quyển, chép những điều mắt thấy tai nghe trong suốt hành trình thỉnh kinh. Bộ sách này là tài liệu rất quý cho các nhà khảo cổ Ấn Độ và Trung Á về sau, đã được dịch ra nhiều thứ tiếng: Anh, Pháp, Nga, Nhật, Đức, Việt Nam… đã giúp cho các học giả Ấn sửa lại nhiều điểm sai lầm trong lịch sử của họ khoảng thế kỷ thứ VII.
Năm 664, giữa hương trầm quyện tỏa, bản kinh Bát-nhã vừa được dịch xong, tâm nguyện đã viên mãn, thấy sắp đến giờ từ biệt, Ngài lên chùa lễ Phật lần cuối rồi ngồi kiết-già an nhiên thị tịch. Chúng nhân đầm đìa rơi lệ, thương tiếc quý kính một bậc Tam Tạng Pháp sư vô tiền khoáng hậu của Trung Quốc, đã vì lưu truyền Thánh giáo nơi đời mà quên cả thân mạng. Thánh cữu của Ngài có cả triệu người ở Trường An và dân tứ xứ đến cung tiễn. Báo thân Ngài tuy theo dòng duyên sinh tạm đến tạm đi, nhưng công đức và chân thân Bồ-tát thì mãi mãi không hư hoại và cửu trụ nơi đời, hiện ra muôn ngàn ứng hóa thân giáo hóa chúng sanh cho đến ngày thành tựu Phật quả.
Tháp Đại Nhạn nằm trong khuôn viên chùa Từ Ân do Ngài dựng lên để chứa kinh. Hình dáng ngôi tháp này không giống phần lớn các tòa tháp cổ của Trung Quốc mà phỏng theo hình dáng các tháp Phật ở Ấn Độ. Điều này thầm nói lên tấm lòng luôn tưởng nhớ và tri ân của Pháp sư đối với các bậc thầy đã hết lòng chỉ dạy Ngài trên đất Phật. Tháp Đại Nhạn cao 64m, gồm 7 tầng, toàn bộ làm bằng gạch nung chắp ghép lại mà thành. Tháp đã trải qua hơn ngàn năm sương gió, từng bị rung chuyển qua bao nhiêu lần động đất, đến nay vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt. Không biết có phải do tâm kiên cố sắt đá, không gì lay chuyển nổi của Đường Tam Tạng chiêu cảm nên chăng?
Bên ngoài khách ngẩng đầu lên nhìn những phiến đá xanh trên các bậu cửa đều thấy có khắc tượng Bồ-tát. Đường nét thật ưu mỹ ấy ắt phải từ tay của các nhà điêu khắc diệu thủ. Đường lên tháp là một cầu thang gỗ hình trôn ốc. Qua mỗi tầng chúng ta đều có thể nhìn ra xa tứ phía qua các khung cửa sổ, cảnh sắc thật tuyệt. Toàn bộ thành phố Tây An nằm ngoan hiền bên dưới Nhạn tháp. Có cả một quảng trường thủy canh với hàng nghìn vòi nước nhảy múa nhịp nhàng, điệu nghệ như một vũ khúc nghê thường. Lên đến tầng cao nhất, tầm mắt ta có thể nhìn rõ dãy Chung Nam sơn uốn lượn quanh co, nơi đây viên lăng của hoàng tộc các đời Hán, Đường yên nghỉ và dãy Bắc sơn cũng thấp thoáng ẩn hiện xa xa. Bất chợt lòng khách nghe da diết cái điệu cổ hoài hương của một cánh nhạn lưng trời.
Cúi đầu niệm ân và đảnh lễ Thánh tượng Tam Tạng Pháp sư trước khi ra về, chúng tôi không quên ngoảnh lại một lần cuối để nhìn thật kỹ, nhớ thật sâu ánh mắt của Ngài, trong đó gửi gắm biết bao nhiêu điều chưa nói mà người sau phải tự nhận hiểu và tiếp nối cho tròn ân đức vô biên của cổ nhân.

        Ai ngàn xưa du hóa,
        Ai ngàn sau hành hương,
        Thấy chăng trong nhịp hoằng dương,
        Bóng người hộ pháp lồng khuôn Phật-đà.
        Trúc Thiên

Nói về Pháp sư Huyền Trang thì không thể không nhắc đến Phật giáo thời Đường. Có thể khẳng định rằng triều Đường là thời đại hoàng kim của Phật giáo nói chung và Thiền tông nói riêng. Phật giáo cực thịnh như vậy một phần nhờ các hoàng đế tôn sùng, ngưỡng mộ và hết lòng ủng hộ Phật pháp, một phần nhờ có sự xuất hiện của các bậc cao tăng, thiền sư đương thời, trong đó có Lục Tổ Huệ Năng, mặt trời thiền phương Nam.
Ngài Huyền Giác (665-713) là một trí thức Phật giáo đời Đường, sau này trở thành một thiền sư xuất cách, với tác phẩm Chứng Đạo Ca như là viên ngọc quý trong rừng thiền Nam Năng, văn tài cũng như Đường Tăng. Pháp sư và Thiền sư đều tỏa ra những vầng quang sáng ngời, cứu kính tuy không khác, nhưng phương tiện chẳng đồng đường. Ngài Huyền Giác đã đến với Lục Tổ Huệ Năng, như là tuyệt lộ của cuộc hành trình dò dẫm tìm bến đỗ, sau bao năm tháng hoang mang giữa mê và ngộ, mơ hồ giữa tri thức và trực giác. Thiền sư đã kể lại khúc nôi ấy trong Khúc ca

Chứng Đạo:
            Ta sớm bao năm chuyên học vấn,
            Từng viết sớ sao tìm kinh luận,
            Phân biệt danh tướng mãi không thôi,
            Vào biển đếm cát tự chuốc hận.
            Quả đáng bị Như Lai quở trách,
            Châu báu của người có ích gì?
            Lâu nay đắng đót rõ công suông,
            Uổng bấy làm thân phong trần khách.

Thật vậy, ngài Huyền Giác vào chùa tu từ tấm bé, học tập kinh luận Phương đẳng và chuyên ròng thực tập phép Chỉ Quán của tông Thiên Thai đến mức nhuần nhuyễn. Một tông phái nổi tiếng lừng lẫy không chỉ ở thời Đường mà kéo dài mãi về sau. Nhưng cuối cùng Ngài ngộ ở kinh Duy-ma. Với vốn kiến thức Phật pháp uyên bác, dày dặn như vậy mà đi tìm Lục Tổ Huệ Năng, vốn không biết một chữ ấn chứng cho thì thật là làm đảo lộn mọi chuyện. Thế nhưng, cuộc trắc nghiệm không khoan nhượng giữa Lục Tổ Huệ Năng với ngài Huyền Giác, trơn dường băng, bén dường gươm đã cho ta thấy nhà thiền chỉ quý vô tâm, chỉ nhận trực giác, trực ngộ, chớ không luận bàn việc sắn bìm:
Huyền Giác đi quanh Tổ ba vòng, xong chống tích trượng đứng. Tổ nói:
- Phàm là Sa-môn phải đủ ba ngàn oai nghi, tám muôn tế hạnh. Đại đức từ đâu đến mà lớn lối ngạo mạn vậy?
- Sanh tử là việc lớn, vô thường mau chóng lắm.
- Sao chẳng thể nhận cái lý “vô sanh”, cái nghĩa “không chóng”?
- Thể tức “vô sanh”, thấu vốn “không chóng”.
- Đúng vậy! Đúng vậy!
Huyền Giác bèn đầy đủ oai nghi bái tạ, giây lát xin cáo về.
Tổ hỏi:
- Về chóng thế sao?
- Vốn chẳng phải động, há có mau chóng?
- Ai biết chẳng phải động?
- Đúng là tại nhân giả sanh phân biệt.
- Ông thật đã thấu cái ý vô sanh.
- Vô sanh há có ý sao?
- Không ý thì ai phân biệt?
- Phân biệt cũng chẳng phải ý.
Tổ bảo:
- Tốt lắm! Hãy nán lại một đêm.
Một đằng chẳng biết một chữ, một đằng chữ nghĩa vun đầy. Cởi bỏ hết hai bên, không còn mau chậm, thẳng đó tiến vào đất thật, thấy thẳng biết thẳng thì tổ tổ tương phùng, tâm tâm tương ưng, chẳng phải do ý thức vọng sanh phân biệt. Đã thế thì Lục Tổ mời thiền sư Huyền Giác nghỉ lại một đêm. Cho vui. Thiền tông thời Đường, từ Lục Tổ nối tiếp về sau chia thành Năm tông Bảy phái, phát triển rực rỡ ở Trung Hoa, khai ngộ không biết bao nhiêu kẻ mê mờ, thức tỉnh muôn vạn người trên hoang lộ tử sinh.
Không chỉ Trung Hoa mà dòng thiền Việt Nam cũng trực chỉ như vậy, nhưng cách tiếp người của các thiền sư Việt Nam nhẹ nhàng tế nhị hơn so với thiền sư Trung Hoa. Hòa thượng Trúc Lâm nói “thiền dạy người tu một cách thực tế, tìm lại “bản lai diện mục” của mình. Bởi quá thực tế nên người ta không hiểu nổi. Con người là hướng ngoại, con người là cầu xin, con người là ỷ lại. Ở đây thiền đập tan ba tánh ươn hèn ấy. Ba tánh ấy đã chôn vùi chúng ta từ vô lượng kiếp. Chúng ta phải cương quyết quả cảm đập nát chúng, để rồi chúng ta tìm lại bộ mặt thật của chúng ta. Chúng ta là chủ nhân của chúng ta từ vô lượng kiếp. Chúng ta phải khôi phục lại quyền năng của ông chủ bản hữu nơi chính mình. Đó là chúng ta tu thiền”.
Mang theo lời dạy của Ân sư, chúng tôi lại tiếp tục lên đường.
Xe đưa đoàn tham quan một vòng thành phố Tây An vào buổi tối trước khi về khách sạn nghỉ ngơi. Khung thành Tây An đến ban đêm mới tự khẳng định về cái sắc màu hoàng triều một thuở của mình. Đèn và đèn, bao bọc toàn bộ khung thành, nhưng không biết có bảo vệ nổi cho con người mãi mãi bình yên, thoát khỏi vòng tay của tử thần hay không? Ánh sáng phát ra từ những lỗ châu mai trên khung thành làm cho ta như còn nghe đâu đây tiếng vọng canh đổi phiên gác của người lính già năm xưa. Ôi! Sương gió và thời gian, bể hóa cồn dâu. Rồi ra nghìn năm thiên tử đi về đâu? Để cho Đường Tăng vẫn còn đứng đây dõi mắt trông chờ các đấng quân vương hồi đầu thị ngạn… Trong lặng lẽ thiên thu!

Còn tiếp...

[ Mục Lục ]

[ Quay lại ]