headertvtc new


   Hôm nay Chủ nhật, 08/09/2024 - Ngày 6 Tháng 8 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Hành Hương Hoa Hạ - Phần 2 (Tứ Xuyên-TT3)

VIỆN VĂN THÙ

Viện Văn-thù cách thiền viện Bảo Quang không xa. Chùa còn có tên là Cổ Đại Thánh Từ Tự, mặt xây về hướng nam lưng quay về hướng bắc, đúng theo truyền thống các tự viện lớn của Trung Quốc. Biển đề trước cổng chùa ngày nay là bút tích của vua Quang Tự đời nhà Thanh kính lưu. Đây là một ngôi Phạm vũ của hoàng gia, thuộc phái Thiền tông, đã có 1.600 năm lịch sử, được xây dựng vào đời nhà Đường.

Tương truyền Đường Huyền Tông lúc trốn loạn đến Thành Đô, dân tình lúc ấy thật đói khổ. Ông thấy một nhà sư trong chùa bố thí cháo cho dân nghèo không sót một ai, nhà vua rất cảm kích. Sau này khi đã yên vị, vua ra lệnh trích ngân quỹ quốc gia xây dựng chùa. Ngày xưa đất chùa cả 1.000 mẫu, có tới 96 viện lớn nhỏ. Cuối đời nhà Minh, chùa bị hủy hoại vì chiến tranh, sang đầu nhà Thanh mới được tái thiết. Do đó kiến trúc chùa ngày nay mang phong cách kiến trúc đời Thanh và diện tích chỉ còn vài sào mà thôi. Khi được xây dựng lại, người ta đào nền móng lên và thấy những viên gạch màu xanh lưu ly với đường nét hoa văn cực kỳ tinh xảo, đáng gọi là giai phẩm của công nghệ mỹ thuật đời Đường. Một số còn được giữ lại và trưng bày trong phòng Trưng bày của chùa.
Đặc biệt tại đây Tam Tạng Pháp sư Đường Huyền Trang đã lưu lại dịch kinh trong vòng 6 năm. Do đó chùa có cả một phòng trưng bày triển lãm và bảo lưu số kinh điển do Ngài phiên dịch. Ngoài ra các tranh ảnh thuyết minh con đường thỉnh kinh có một không hai và các pháp sự vô lượng công đức của Ngài thật sinh động. Trong đó có bức tranh pháp sư Huyền Trang một hình một bóng giữa sa mạc mênh mông cát chảy, bên cạnh là những chiếc đầu lâu một đi không trở lại, dưới bức tranh có dòng chữ “Bất cầu đắc đại pháp, thệ bất Đông quy nhất độ”, nghĩa là nếu không cầu được đại pháp, thề không trở về Đông độ, đã khiến cho ta phải rùng mình khiếp phục mà đảnh lễ Đường Tăng bằng cả thân tâm.
Điện Quan Âm ở giữa có tôn thờ tượng Bồ-tát Quan Âm cao 7m, được điêu khắc từ một khúc gỗ cực quý dày hơn 2m, có 4.200 năm tuổi. Hỏi vì sao có được khúc gỗ quý này, người ta kể lại khi nạo vét sông lấy cát, dân làng phát hiện ra nó nằm sâu trong lòng cát, nên không hề bị mục nát và màu sắc thật đặc biệt. Họ báo về chùa, chư sư mới tìm đến xin mua lại và điêu khắc thành tượng. Vân và gỗ ngày càng lóng lánh, khiến cho Bồ-tát mỗi lúc mỗi chói tỏa hơn.
Thật ra, không phải Bồ-tát chói tỏa vì sắc tượng bên ngoài mà vì diệu lực của Ngài. Thương và không từ bỏ một loài nào, hễ chúng sanh niệm tưởng đến là Ngài liền ứng hiện. Trong kinh Pháp Hoa, khi Bồ-tát Vô Tận Ý hỏi Phật rằng Bồ-tát Quan Âm làm thế nào dạo khắp Ta-bà và phương tiện của Ngài là gì? Đức Phật trả lời nếu có chúng sanh nào cần dùng thân Phật được độ thoát, Bồ-tát Quan Âm liền hiện thân Phật mà nói pháp. Cần hiện thân Trưởng giả, Cư sĩ, Tể quan, Bà-la-môn được độ thoát… Ngài liền hiện các thân ấy mà nói pháp. Quan Âm xuất hiện với 32 ứng hóa thân tương ứng với 32 hoàn cảnh, là tiêu biểu cho mọi tình huống kêu cứu của chúng sanh. Nhẫn đến Bồ-tát có thể vì chúng sanh mà làm người phu quét đường hay những thân phận thấp kém nhất trong xã hội này, để cứu thoát tất cả.
Bồ-tát Quan Âm luôn có mặt bên cạnh chúng ta. Ngài ở lại Ta-bà mãi mãi mà chúng sanh không chán, vì tai Ngài lắng nghe tiếng nói của chúng sanh, tâm Ngài lắng nhận và thấu cảm nỗi khổ của chúng sanh, để đến và chia sẻ, không từ chối một ai. Vì lắng lòng nơi trần gian nên giữa Ngài và trần gian không thể rời nhau được. Đó chính là nguyên nhân Bồ-tát thường hiện hữu nơi cõi Ta-bà và luôn được chúng sanh ngưỡng mộ thương kính.
Chẳng những Bồ-tát nghe được mọi âm thanh của chúng ta, mà tánh nghe này thấu suốt khắp mười phương Phật. Cho đến những niệm nhỏ nhiệm nhất của chúng sanh, Ngài đều nghe được. Phật bảo tánh nghe này không chỉ Bồ-tát Quan Âm mới có mà tất cả chúng sanh cũng có. Nhưng Bồ-tát khác chúng sanh vì Ngài quên trần cảnh nhớ tánh nghe, còn chúng sanh quên tánh nghe nhớ trần cảnh. Cho nên nhĩ căn của Ngài viên thông, còn nhĩ căn của chúng sanh không thông. Trong kinh Lăng-nghiêm, Phật đã chọn pháp tu Nhĩ căn viên thông của Bồ-tát Quan Âm làm pháp tu căn bản cho hành giả trên đường trở về bản tâm.
Bồ-tát Quan Âm sử dụng đại bi và đại trí như hai cánh tay không rời Pháp thân Phật. Do đó từ tâm của Ngài hiển hiện thành diệu dụng dưới mọi dạng thức để hóa độ chúng sanh. Tình thương của Bồ-tát được nâng lên đến đỉnh điểm của bi trí tròn đầy, vượt qua mọi ngăn ngại, không còn thấy mình và người, cũng không còn tình thương để cho và nhận. Đó mới chính là tình thương chân thật. Giống như ánh sáng mặt trời tỏa chiếu khắp nhân gian, không cần biết nơi chốn cao thấp. Dù chúng ta quý kính Bồ-tát hay không, Ngài vẫn thương chúng ta. Thành tựu trí lực này, Bồ-tát Quan Âm đi vào cuộc đời không chướng ngại, thân nơi cõi tục mà tâm an trụ cảnh giới Phật.
Có người hỏi nếu niệm danh hiệu Quan Âm, nhảy vào lửa có cháy không? Cháy chứ. Nhào xuống biển có chìm không? Chìm chứ. Niệm bằng cái tâm loạn động và cái miệng suông thì chết chắc! Hành giả phải niệm bằng tâm thuần tịnh. Tâm tâm tương ưng với Bồ-tát. Chánh niệm, chánh định, niệm ngoài sóng thức, niệm đến vô niệm. Quên hết. Quên cả chính mình thì không còn bị khủng bố, sợ hãi. Được thế, dù cho xác thân có cháy cũng chỉ cháy phần huyễn tướng, có chìm cũng chỉ chìm năm uẩn bốn đại, bấy giờ hành giả nhập được Pháp thân bất diệt, vĩnh viễn vượt ngoài sự sống chết. Như vậy không phải Bồ-tát đã cứu thoát mình đó sao? Quan Âm diệu trí lực, hay cứu khổ thế gian, chính là đây vậy.
Đảnh lễ Bồ-tát Quan Âm trước khi rời Viện Văn-thù, chúng tôi cảm thấy một chút an lòng khi chợt nhớ đến hai vị Đại Bồ-tát luôn ở bên mình, trong từng niệm từng niệm bi trí tròn đầy.

  

THƯỞNG TRÀ

Tứ Xuyên là xứ của danh trà. Cho nên ngành du lịch Trung Quốc nhất định phải đãi khách cho bằng được những chung trà đặc sản. Ghé vào một quán trà Thành Đô, đoàn được mời vào căn phòng ấm áp. Ở đây, chủ chỉ rót và khách chỉ uống, chớ không đối ẩm, càng không phải trà thiền hay trà đạo như ở Nhật Bản.
Uống trà như uống… rượu. Đây, Trúc Diệp Thanh một chung, mời. Thanh Sơn Lục Thủy một chung, mời. Lan Quý Nhân một chung, mời. Thế là Vương trà, Hồng trà, hoa nhài, Ô Long, Long Tỉnh… nối nhau xếp hàng chào khách. Uống một hơi mười mấy chung thì… hết biết. Vô phân biệt. Chẳng còn nhớ nổi vị nào là đậm, nhạt, thơm, ngon, đắng, chát… Thật hay. Nhưng tiếc là không có chung trà Triệu Châu năm xưa, để cho khách uống phải tỉnh mộng, nhớ lại việc bổn phận của mình.
Nhà tu thì không được say bất cứ thứ gì trên đời, kể cả say trà. Cho nên chúng tôi uống xong quên tuốt hết. Lối tiếp thị của Trung Quốc quả là rất có phong cách, nhưng Tăng Ni Việt Nam dường như chỉ quen uống trà xanh, trà Phật, cây nhà lá vườn bình thường thôi. Song để đáp lại tấm thịnh tình nơi đất khách, Phật tử trong đoàn đã mua khá nhiều trà cúng dường quý Thầy cô hoặc đem về tặng thân hữu gọi là chút quà Trung Hoa.
Riêng chúng tôi xin gửi đến Thành Đô – Tứ Xuyên chung trà của thiền sư Huyền Quang – Việt Nam như là chút đạo tình cho một lần hội ngộ.

            Phú quý phù vân trì vị đáo,
            Quang âm lưu thủy cấp tương thôi.
            Hà như tiểu ẩn lâm tuyền hạ,
            Nhất tháp tùng phong, trà nhất bôi.
Dịch:
           
Giàu sang mây nổi đến dần dà,
            Ngày tháng trôi nhanh chẳng đợi mà.
            Chi bằng tiểu ẩn([1]) nơi rừng suối,
            Một giường gió mát, một chung trà.

                        Hòa thượng Thanh Từ dịch

([1]) Tiểu ẩn là ở nơi rừng núi, trung ẩn là làm quan nhỏ, đại ẩn là ở triều đình.

             Một chung trà này, chẳng thích lắm sao!

Giã từ Thành Đô, chúng tôi lên tàu. Chắc chắn đêm nay sẽ rất tỉnh vì một hỗn hợp trà còn ấm trong bụng.  

Còn tiếp...

[ Mục Lục ]

[ Quay lại ]