headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 22/11/2024 - Ngày 22 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Hành Hương Hoa Hạ - Phần 2 (Thiểm Tây-TT)

BINH MÃ DŨNG

Ngày 14-5-2007
 Sáng nay đoàn được hướng dẫn đến thăm lăng mộ Tần Thủy Hoàng, nằm ở phía đông thành phố Tây An. Huyệt mộ khổng lồ này được phát hiện vào năm 1974. Đến nay Trung Quốc tu sửa thành một khu triển lãm rộng lớn với tổng diện tích hơn 16.000m2. Trong mộ có đến 6.000 tượng binh mã tùy táng bằng đất nung, bày thành thế trận hào hùng dũng mãnh trấn giữ lăng mộ. Tướng sĩ, binh lính, chiến mã đều to lớn bằng người thật, ngựa thật.

Viện bảo tàng Binh Mã Dũng được chia ra làm ba phần:
1. Địa Cung: Đây là cung điện của nhà vua dưới lòng đất. Chúng tôi đứng trên lầu quan sát và nghe thuyết minh về ngôi mộ chính của Tần Thủy Hoàng. Trên bản đồ có một ngọn đồi, đó chính là nơi chôn thi thể nhà vua. Cho tới ngày nay, người ta vẫn không dám khai quật chỗ này, vì nghe đồn trong mộ có cả một hồ thủy ngân với những máy móc hại người. Ngoài ra truyền thuyết còn nói nếu đào ngôi mộ ấy lên thì Trung Quốc sẽ chia năm xẻ bảy và có nội chiến. Có lẽ đây là chút ân huệ còn lại cho một ông vua mạnh nhất, hung hãn nhất, xa xỉ nhất và cũng có công nhất trong việc thống nhất Trung Quốc thời cổ đại. Ông cầm quyền chưa tới 15 năm mà làm cho đất nước thay đổi hẳn, thống nhất về mọi mặt, mở mang thêm bờ cõi, thiết lập chế độ trung ương tập quyền và trở thành đế quốc lớn thời thượng cổ.
2. Binh Mã Dũng: Đây là quần mộ quân lính của vua Tần. Tất cả những tướng lãnh và binh lính bằng đất nung được đào lên từ một nơi gần mộ Tần Thủy Hoàng, người ta đem đến đây trưng bày triển lãm trong một căn nhà như một sân vận động lớn của quốc gia.
3. Phần này đang được khai quật. Trong đó, ta thấy có các nhà khảo cổ và nhân công còn đang đào xới.
Sử ghi lại trong một cuộc kinh lý, Tần Thủy Hoàng đã bị Trương Lương thuê võ sĩ đón đường ám sát hụt ở Bác Lãng Sa. Đến cuộc kinh lý sau, năm 210 ông bị bệnh chết ở dọc đường. Người ta phải ngầm đưa thi thể ông về Hàm Dương, sau đó mới công bố cho dân biết và an táng trong một ngôi mộ do chính ông ra lệnh xây sẵn ở Ly Sơn. Trong mộ chứa rất nhiều châu báu, có bản đồ 100 con sông, trên đó sông Hoàng Hà, sông Dương Tử và Biển Đông đều bằng thủy ngân. Hầm mộ ngày đêm được thắp đèn đốt bằng dầu cá, một loại cá đặc biệt giống hình người. Quan tài hạ rồi, người ta nấu đồng để gắn phần mộ và đặt một cái máy, hễ có kẻ nào lén vào đào mả thì sẽ bị những mũi tên từ tứ phía bắn ra, tự động giết hết những ai dám cả gan động đến mộ phần của Thủy Hoàng. Tương truyền lăng này do 700.000 người xây cất trong nhiều năm. Đủ biết vua Tần đã chu đáo cho việc sống chết của mình như thế nào.
Khi sống ông tự xưng là Hoàng đế, vì vậy lúc chết cũng muốn làm Thiên tử âm phủ. Ông đâu hay rằng cả ngàn năm sau, cái triều đình dưới lòng đất ấy với cung tên, khí giới và thế trận dữ dội đã bị khai quật và trở thành Viện Bảo tàng Binh Mã Dũng, phơi bày ra ánh sáng những gì ông muốn vĩnh viễn chôn kín trong lòng đất. Tần Thủy Hoàng quả là một ông vua đã muốn thì làm, đã làm thì phải được, chỉ có điều không biết quân vương có nắm rõ hai chữ “vô thường” là một định luật mà cho dù thiên tử cũng không thể nào thay đổi được! Nếu ông sớm hiểu điều đó, có lẽ dân đen không phải chịu cảnh lầm than, khổ sở đến tận cùng như vậy.
Chỉ ngôi mộ thôi mà đã vận dụng sức người sức của đến như thế, nói gì những công trình khác. Người ta kể lại, gần kinh đô ông cho xây cung A Phòng là một cung điện mùa hè trên bờ sông Vị. Phải dùng 700.000 tù nhân để cất, chở đá từ các núi phương Bắc xuống, chở gỗ từ các rừng phương Nam lên. Chưa hết, trong một khoảng mà bán kính dài trên trăm cây số chung quanh kinh đô, còn xây thêm 270 cung điện nữa. Bao nhiêu châu báu, nhạc công và vũ nữ của lục quốc, ông gom về đó để làm vui tai mắt cho mình. Cuối đời Tần, khi kinh đô bị chiếm và đốt, ba tháng sau ngọn lửa mới tắt.
Đáng kể nhất là Vạn Lý Trường Thành. Ba trăm ngàn chiến sĩ với không biết bao nhiêu tội nhân, quan lại phạm lỗi, nho sĩ không tuân lệnh đốt sách… phải chịu khổ sai trong một miền rừng núi trùng điệp, mù mịt cát bụi, mùa đông lạnh buốt xương, mùa hè nóng bỏng da. Trong dân gian còn truyền lại nỗi khổ của nàng Mạnh Khương thương nhớ chồng bị bắt đi xây thành. Nàng đi bộ mười ngàn dặm để thăm chồng. Đến nơi thì chồng nàng đã chết rồi, chung quanh chỉ có rừng núi và đá. Không biết tìm xác chồng ở đâu, nàng tuyệt vọng khóc mấy ngày mấy đêm, khóc tới nỗi chính cái thành cũng phải mủi lòng. Tại thành ấy không biết bao nhiêu người bỏ mạng, không biết bao nhiêu lời thán oán, bao nhiêu nước mắt của phu dân khổ sai. Họ hận ông. Núi oan cừu kia sẽ trút xuống thần thức trong giờ phút ông lâm chung, thật đáng lo sợ lắm thay!
Trước khi rời lăng mộ Tần Thủy Hoàng, chúng tôi muốn gởi lại ông một bài thơ sám hối của Đại vương A-dục (vua Ấn Độ) trong trận chiến Kalinga thuở nào:
            Kalinga ngày nào máu lửa hóa sen tòa!
            Kalinga lau đi dòng nước mắt.
            Hỏi làm chi ai còn ai mất?
            Bạo chúa giờ đâu?
            Đây chỉ có Chuyển Luân Vương.
            Bạo chúa là ai?
            Đây chỉ có đau thương.
            Đây chỉ có một tâm hồn ray rứt,
            Quằn quại giữa muôn niềm đau ấm ức.
            Vương gục đầu cắn lệ nuốt trong sương.
            Vương,
            Suốt một đời ngang dọc ngọn trường thương,
            Uy vũ lệch nghiêng trời đất,
            Đầu lâu rắc nẻo biên cương.
            Mà hôm nay,
            Khi chiến thắng hồi loa vừa ngây ngất,
            Núi xương máu vút trời lên chất ngất.
            Vương gục đầu cắn lệ nuốt trong sương.
            Và chùa xa chuông vẳng tiếng du dương…
            Mà tiếng vọng cứ triền miên trong gió rít,
            Như giục giã, như chan hòa, như quấn quýt,
            Như nức lên từ giữa khối hư không,
            Hồn ai kêu ơi ới giữa mông lung,
            Như chuỗi máu nhiễu dài trong bóng tối.
            Vương nắm đôi tay, tay đầm những máu.
            Vương ôm hồn gục xuống giữa hoang vu,
            Và chùa xa chuông vẳng tiếng vi vu…
            Đầu gục trên niềm hối tiếc,
            Tay buông nhẹ hết triều nghi.
            Chắp lại một lời tha thiết:
            “Con nguyền sám hối quy y.
            Gươm giáo đó sẽ là chuông là tượng,
            Thân tâm này sẽ là bát là y.
            Con thành kính dâng lên niềm tin tưởng,
            Trên khung trời tạc lại nét từ bi”.
            Nam Mô Phật Bổn sư Thích-ca-mâu-ni.
                                                      Trúc Thiên.

Không biết Tần Thủy Hoàng có vui nhận chăng?

HOA THANH CUNG 

 Buổi chiều theo chương trình của công ty Du lịch, đoàn được đưa đến tham quan Hoa Thanh Cung. Đây là nơi Dương Quý Phi chung sống với vua Đường, nên không phải là điểm tham quan chính của Tăng Ni. Chúng tôi dạo qua một vài nơi rồi ngồi nghỉ mát trong những nhà thủy tạ quanh khu vực, chờ Phật tử tham quan xong thì đi. Còn về vua Đường và Quý Phi, sách sử bên ngoài nói đến rất nhiều. Ở đây xin lược qua.
Tối nay đoàn lên tàu đi Thái Nguyên và dĩ nhiên là nghỉ đêm trên tàu. Chúng tôi chỉ nhắm mắt thôi chứ không ngủ.

Còn tiếp...

[ Mục Lục ]

[ Quay lại ]