Hành Hương Hoa Hạ - Phần 2 (Hà Nam)
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ tư, 19 Tháng chín 2007 10:10
- Viết bởi nguyen
CHÙA THIẾU LÂM
Ngày 17-5-2007
Chúng tôi đến sân ga Trịnh Châu vào lúc 6h30 phút sáng. Trịnh Châu là thủ phủ của tỉnh Hà Nam. Nhiệt độ ở đây giống như Việt Nam, 17oC – 30oC. Sau khi ăn sáng và tạm nghỉ ngơi một chút, đoàn tham quan một vòng thành phố Trịnh Châu trước khi viếng chùa Thiếu Lâm. Thành phố Trịnh Châu khá sầm uất, xe cộ qua lại tấp nập. Đây là trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị của tỉnh Hà Nam, diện tích 74.462km2, dân số khoảng 6 triệu người. Trịnh Châu được mệnh danh là “Lục Thành Trung Nguyên”, tức thành phố cây xanh của Trung Nguyên và là một thành phố cổ. Sạch và mát là nét tiêu biểu của Trịnh Châu, rất dễ gây thiện cảm ban đầu cho du khách.
Hơn 3.500 năm trước, thành phố này đã là cố đô của vương triều nhà Thương, sớm nổi tiếng về kỹ thuật luyện đồng xanh và gốm sứ. Thế kỷ XI trước công nguyên thuộc Tây Chu, Vua nhà Chu phong đất này cho người em tên Quản Thúc, gọi là Quản Quốc. Thời Xuân Thu, nơi đây là đất của Đại phu Tử Sản, thuộc Trịnh Quốc. Đến năm 583, Tùy Văn Đế đổi lại là Trịnh Châu và tên này được dùng luôn cho tới ngày nay.
Lướt qua một vòng thành phố Trịnh Châu xong, xe hướng thẳng về chùa Thiếu Lâm thuộc Tung sơn. Đây là tổ đình của thiền tông Trung Hoa, là linh hồn của “giáo ngoại biệt truyền”, là đỉnh cao của Tổ sư thiền với Thiếu Lâm diệu quyết “chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật”. Và sau cùng là quê hương của Võ lâm Bắc đẩu.
Song song với “Tứ đại danh sơn”, Trung Quốc còn có năm rặng núi thiêng khác được gọi là Ngũ Nhạc. Đó là Thái sơn ở phía đông thuộc tỉnh Sơn Đông, Hoa sơn ở phía tây thuộc tỉnh Sơn Tây, Hành sơn ở phía nam thuộc tỉnh Hồ Nam, Hằng sơn ở phía bắc thuộc tỉnh Sơn Tây và Tung sơn ở trung tâm thuộc tỉnh Hà Nam.
Trung Nhạc Tung sơn cách Lạc Dương khoảng 50km về phía đông nam, đỉnh cao nhất 1.440m. Chùa Thiếu Lâm nằm dưới chân ngọn Ngũ Nhũ, núi Thiếu Thất cách Bắc thành 15km thuộc huyện Đăng Phong tỉnh Hà Nam. Núi Thiếu Thất là ngọn phía tây của Tung sơn. Để tỏ lòng chí thành ngưỡng mộ Phật pháp và rất mực tôn quý bậc cao tăng của Thiên Trúc, vua Hiếu Văn Đế đã cho xẻ núi cất chùa Thiếu Lâm cúng dường cho thiền sư Phật-đà, vị tăng người Thiên Trúc đến Trung Quốc vào năm 495 đời Bắc Ngụy.
Lúc thiền sư Phật-đà còn tại thế, ở phía Tây của chùa có xây tháp xá-lợi, phía sau tháp có xây Phiên Kinh Đài. Không bao lâu có ngài Lặc-na-ma-đề đến chùa phiên dịch kinh luận. Niên hiệu Kiến Xương thứ 3 (527), Tổ Bồ-đề Đạt-ma đến chùa này ngồi xoay mặt vào vách chín năm, sau đó gặp và truyền pháp cho ngài Huệ Khả, sáng lập Thiền tông. Sử gọi ngài Đạt-ma là Sơ Tổ của Trung Thổ, Thiếu Lâm được gọi là Tổ đình. Từ đó kẻ tăng người tục đến học đạo rất đông, thiền pháp thịnh hành.
Về sau, đệ tử của ngài Phật-đà là ngài Tăng Trù trụ trì. Sau do pháp nạn hủy Phật của Võ Đế thời Bắc Chu khoảng năm 572-577 nên già-lam bị phá hủy. Vào thời vua Tĩnh Đế khoảng năm 579-580, chùa được phục hưng lại, đặt tên là chùa Trắc Hộ với 120 vị tăng tu học tại đây. Thời vua Văn Đế đời Tùy, vua ban sắc phục hồi tên cũ của chùa (có thuyết nói vua Văn Đế đổi tên chùa là Trắc Hộ, đời Đường phục hồi tên chùa là Thiếu Lâm). Đến những năm 614-616, ngoài linh tháp, còn lại toàn bộ chùa đều bị sơn tặc phá hủy.
Đầu đời Đường, tăng chúng chùa Thiếu Lâm có công giúp vua Đường Thái Tông khai quốc, từ đó nơi đây mở rộng thêm môn quyền thuật. Vì vậy thiền tông và võ thuật Thiếu Lâm rất nổi tiếng, được lưu truyền rộng rãi chẳng những ở Trung Quốc mà còn lan sang các quốc gia khác trên thế giới. Vua Cao Tông, Võ hậu Tắc Thiên đều rất sùng kính đạo Phật, nên ra lệnh chỉnh đốn tu sửa các già-lam. Về sau trải qua các cuộc chiến loạn thời Ngũ Đại cuối đời Đường, chùa dần dần suy vi.
Năm 1245 đời Nam Tống, ngài Tuyết Đình Phước Hữu vâng lệnh vua Thế Tổ đời Nguyên coi sóc chùa, xây dựng lại tự môn, đệ tử của Sư là ngài Linh Ẩn Văn Thái cùng các vị Cổ Nham Phổ Tựu, Tức Am Nghĩa Nhượng, Thuần Chuyết Văn Tài nối nhau trụ trì, đều làm hưng thịnh Thiền tông. Đến năm 1735 đời Thanh, chùa được trùng tu.
Chùa Thiếu Lâm vào thời Ngũ Đại cuối đời Đường thuộc về tông Lâm Tế. Từ đời Kim, đời Nguyên về sau chùa trở thành đạo tràng của tông Tào Động cho đến nay. Năm 1929, bọn quân phiệt Phùng Ngọc Tường, Phàn Chung Tú xua quân cướp sạch, chùa gần như bị phá hủy toàn bộ. Năm 1932, các vị Lâm Sâm, Đới Truyền Hiền, Đỗ Nguyệt Sinh trùng tu lại. Diện tích bây giờ trên 30.000m2. Trong chùa hiện còn các kiến trúc: Sơn môn, nhà khách, đình Đạt-ma, điện Bạch Y, điện Địa Tạng, điện Thiên Phật. Điện Thiên Phật còn gọi là Tỳ-lô Các, bên trong có bích họa 500 vị La-hán lễ Phật Tỳ-lô-giá-na đời Minh, rộng khoảng hơn 300m2. Trong điện Bạch Y có quyền phả chùa Thiếu Lâm đời Thanh và bích họa 13 vị tăng cứu vua Đường. Am Sơ Tổ, am Nhị Tổ đều ở gần đó. Trong chùa còn bảo tồn nhiều thạch khắc, nổi tiếng có “Tần Vương Cáo Thiếu Lâm Tự Chủ Giáo Bi”, “Võ Hậu Thị Thư Bi”, “Linh Vận thiền sư Công Đức Tháp Minh”, “Tức Am thiền sư Bi”.
Xem ra lịch sử già-lam cũng lắm nỗi thăng trầm, cũng chung dòng biến đổi theo vạn pháp duyên sinh. Song mà tánh thể của nó vốn không tăng không giảm, không được không mất. Tánh Không vô cùng nên duyên khởi của các pháp cũng vô cùng. Linh hồn Thiếu Lâm Tự không nằm trên những mái ngói hết cũ lại mới, mà nằm trong tâm của thiền tăng. Tâm thiền tăng thì không bờ mé, tùy cơ ẩn hiện, tùy duyên lưu hóa, chớ có bao giờ mất đâu. Cho nên hôm nay Tăng Ni, Phật tử Việt Nam mới hữu duyên về thăm chốn Tổ, thăm lại chiếc nôi thiền tông thuở nào.
Chúng tôi không ngờ đường vào chùa Thiếu Lâm lại rộng lớn thênh thang như vậy, nói gì đến toàn khu vực! Thật là giang san một cõi! Người ta bảo xưa kia tổng diện tích của chùa lên đến 55km2, do nhà vua ban cho. Cả một tòa Tung sơn sừng sững xanh biếc, cũng sắc lạnh như mắt biếc Hồ Tăng! Núi ở đây thật ra không cao, nhưng uy thế rất mạnh. Mạnh và hùng. Cứng cỏi, uy nghi. Đón khách là tượng đá một đại sư đang trong thế thượng võ “Chào!”. Ai yếu bóng vía chắc sẽ hết hồn, riêng chúng tôi cũng cảm thấy sợ sợ, lo mà dọn dẹp thân tâm. Nếu không, lộn xộn sư cho một đạp xuống núi thì hết mong quay về Tổ vực đạo tràng.
Đoàn đến chùa Thiếu Lâm không gặp tuyết như Nhị Tổ Huệ Khả mà gặp nắng. Nắng và gió. Nắng chan chát. Gió rát da. Thì ra chuyện nóng lạnh ở đâu cũng có. Xuống xe đi bộ một đỗi, chúng tôi thấy hiện ra cổng tam quan bằng đá đồ sộ, trên khắc bốn chữ “Tung Sơn Thiếu Lâm”, dọc hai bên cột đá có đôi câu đối:
Nhất vi độ Trường giang tu trì cửu tải,
Lưỡng sơn tuế cổ tự tham bái thập phương.
Dịch:
Một cành lau vượt Trường giang, chín năm ngồi tu trì,
Hai đỉnh núi tòa cổ tự, mười phương đến tham bái.
Nét chữ mạnh như thế núi, chi tiết hoa văn mang phong cách rất Thiếu Lâm Tự, không giống bất kỳ ngôi chùa nào đoàn đã đi qua. Hai bên là hai dãy nhà dài rộng, mái ngói này liên tiếp mái ngói kia, uốn cong lớp lớp, kiến trúc hoành tráng, tuyệt mỹ. Tiếng võ sinh luyện tập vang dội, xem ra Thiếu Lâm ngày nay rất khí thế trong võ thuật.
Bất kể mặt trời đang đổ hào quang, cả đoàn vui vẻ đứng tại đây ghi hình lưu niệm và mừng đã tới chùa rồi. Nhưng không, chưa tới đâu cả. Đường vào chùa Thiếu Lâm vẫn còn thăm thẳm. Đoàn lại lên xe điện đặc biệt của khu vực, chạy một mạch thật sướng trên đường nhựa mênh mông, giữa một phong cảnh Thiếu Lâm chỉ có ở Trung Quốc. Thế nhưng, vẫn chưa xong, mặc dù xe đã đi dùm một đoạn đường khá xa, nhưng sau đó chúng tôi lại phải tiếp tục đi bộ một đỗi nữa mới tới cổng sơn môn.
“Thiếu Lâm Tự”, bút tích của vua Khang Hy trên cổng sơn môn, lặng lẽ an nhiên dưới một rừng thiền mát rượi. Cái nắng hồi nãy làm như cũng biết ngán uy vũ thiền môn. Nó trốn đâu mất tiêu, còn lại là một không gian rợp bóng đại thọ trên 1.500 năm tuổi. Quả là một sự tương phản khó lường. Trong và ngoài sơn môn, đâu là ranh giới rõ ràng mà nóng bức và mát dịu thay đổi đến không ngờ! Chuyển một đường gươm, xoay ngàn thế trận, không biết có dính dáng gì đến tâm và cảnh của thiền tăng chăng?
Đây rồi chốn Tổ năm xưa. Nơi mà hơn 1.000 năm trước nguồn pháp an tâm từ Tây sang đã rót vào tâm tủy Nhị Tổ Huệ Khả và chảy mãi tới hôm nay. Vào điện Phật đảnh lễ Thế Tôn xong, chúng tôi tìm đến đình Đạt-ma ngay. Chính tại nơi này, ngài Huệ Khả đứng ngoài tuyết chặt tay dâng lên cầu Sơ Tổ truyền pháp an tâm, nên còn gọi là đình Lập Tuyết. Thiền tông từ Trung Hoa truyền vào Việt Nam theo hai nhánh, Tổ Tỳ-ni-đa-lưu-chi và Tổ Vô Ngôn Thông. Cả hai nhánh này đều bắt nguồn từ đây. Cho nên chùa Thiếu Lâm với Sơ Tổ Đạt-ma không chỉ là cội nguồn của thiền tông Trung Hoa mà còn là cội nguồn thiền tông của các nước được chư Tổ nơi này truyền sang như Cao Ly, Nhật Bổn, Việt Nam… Vì vậy Tăng Ni tu thiền về đây cũng là về chốn Tổ thiền tông.
Thiền tông Việt Nam được chư Tổ Trung Hoa truyền sang, chư Tổ nước ta đã đón nhận, lãnh hội và ứng dụng hòa điệu với bản sắc của dân tộc Việt Nam. Không đánh hét như Lâm Tế, không ngũ vị quân thần như Tào Động, mà đơn giản, nhẹ nhàng, thi vị nhưng vẫn giữ cốt lõi là trực chỉ đúng theo bản môn của Tổ Bồ-đề Đạt-ma chỉ dạy. Thử xem một đoạn thơ rất cũ nhưng lại luôn luôn mới của Sơ Tổ Trần Nhân Tông:
Ở đời vui đạo hãy tùy duyên,
Đói đến thì ăn mệt ngủ liền,
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm,
Đối cảnh không tâm, chớ hỏi thiền.
Đó chính là đặc điểm của thiền tông Việt Nam.
Thật xúc động trước tôn tượng Sơ Tổ, chư Tăng Ni đồng quỳ xuống, đảnh lễ và tưởng niệm đến ân đức Tổ sư:
Tổ Bồ-đề Đạt-ma là vị Tổ thứ 28 của Ấn Độ, nhưng giữ địa vị Khai Tổ trong lịch sử thiền tông Trung Quốc. Ngài vốn tên là Bồ-đề Đa-la, vị hoàng tử thứ ba của vua Hương Chí nước Nam Thiên Trúc. Sau khi vua cha băng hà, Ngài quyết chí xuất trần, cầu xin Tổ Bát-nhã Đa-la độ làm đệ tử xuất gia và truyền giới cụ túc cho. Tổ Bát-nhã Đa-la hoan hỷ, sau đó đổi tên Ngài lại là Bồ-đề Đạt-ma. Dưới cơ phong cao vót của Tổ sư, Ngài phát minh được đại sự, trở thành vị Tổ thứ 28 của Ấn Độ. Một hôm, Tổ Bát-nhã Đa-la gọi Ngài đến dạy: “Ngươi tạm giáo hóa ở nước này, sau sang Trung Hoa mới là nhân duyên lớn”.
Vâng lời tổ Bát-nhã Đa-la, ngày 21 tháng 9 năm Canh Tý Ngài đến bến Quảng Châu, sau khi đã lênh đênh trên thuyền ngót ba năm. Trước tiên Ngài gặp vua Lương Võ Đế, nhưng không hợp duyên. Sau sang nước Ngụy, lên ngọn Tung sơn, ở chùa Thiếu Lâm, chín năm ngồi nhìn vách, không nói một câu. Đợi đến khi ngài Huệ Khả lên núi, đứng tuyết, chặt tay, cầu pháp an tâm. Tổ chấp nhận và từ đó ra sức nhồi nặn Huệ Khả thành một khối, để sau trở thành Nhị Tổ thiền tông Trung Hoa.
Ngày 05 tháng 10 năm Bính Thìn (536), triều vua Hiếu Minh Đế đời Hậu Ngụy, Ngài bị ngộ độc lần thứ sáu mà không tự trị, vì thấy hóa duyên đã hết. Năm lần trước cũng bị ngộ độc nhưng Tổ không chết vì Ngài có khả năng tự hóa giải. Trước khi tịch Ngài trao bốn quyển kinh Lăng-già lại cho Nhị Tổ, dặn dò thi thiết:
- Ta có bộ kinh Lăng-già gồm bốn quyển, trong đó Phật nói chỗ tột pháp yếu, giúp cho chúng sanh khai, thị, ngộ, nhập tri kiến Phật, nay ta trao cho ngươi. Ta từ Nam Ấn sang đây đã năm phen bị thuốc độc mà không chết, vì thấy xứ này tuy có khí đại thừa mà chưa ứng hợp, nên ta lặng lẽ ngồi lâu đợi chờ. Nay đã truyền trao xong, có thủy ắt phải có chung vậy. Nói xong, Ngài trao kệ:
Ngô bổn lai tư độ,
Truyền pháp cứu mê tình.
Nhất hoa khai ngũ diệp,
Kết quả tự nhiên thành.
Dịch:
Ta sang đến cõi này,
Truyền pháp cứu mê tình.
Một hoa nở năm cánh,
Nụ trái tự nhiên thành.
Xong rồi, Ngài từ biệt tăng chúng đi đến chùa Thiên Thánh ở Võ Môn. Ở đây đúng ba hôm, Ngài ngồi an nhiên thị tịch, nhằm ngày mồng 9 tháng 10 năm Bính Thìn, niên hiệu Đại Thông năm thứ 2 nhà Lương (529 TL). Nhục thân Tổ được nhập tháp tại chùa Định Lâm núi Hùng Nhĩ. Vua phong Ngài hiệu Viên Giác thiền sư, tháp hiệu Không Quán.
Sau, vua Hậu Ngụy sai Tống Vân đi sứ Ấn Độ về, gặp Ngài tại núi Thông Lãnh, tay xách một chiếc dép, đi nhanh như bay. Tống Vân hỏi:
- Thầy đi đâu?
Ngài đáp:
- Về Ấn Độ.
Ngài lại nói thêm:
- Chủ ông đã chán đời rồi.
Tống Vân ngẩn ngơ, từ giã về triều. Đến nơi thì vua Minh Đế đã băng. Hiếu Trang Đế lên ngôi. Vân đem việc ấy tâu lại, vua ra lệnh mở cửa tháp giở quan tài ra, quả nhiên là quan tài không, chỉ còn một chiếc dép. Vua sắc đưa chiếc dép về thờ tại chùa Thiếu Lâm. Đến đời Đường, niên hiệu Khai Nguyên năm thứ 15 (728), môn đồ lại dời chiếc dép về thờ ở chùa Hoa Nghiêm.
Tổ Bồ-đề Đạt-ma có bài kệ:
Bất lập văn tự,
Giáo ngoại biệt truyền,
Trực chỉ nhân tâm,
Kiến tánh thành Phật.
Dịch:
Chẳng lập văn tự,
Lìa ngoài giáo lý,
Chỉ thẳng tâm người,
Thấy tánh thành Phật.
Bài kệ này được xem là chìa khóa đột nhập vào cửa Không, thẳng đến đất thật, không qua địa vị thứ lớp.
Một điều trọng yếu mà hành giả tu thiền phải nắm được, đó là dưới cửa Tổ sư không chứa một vật. Các ngài luôn đánh phá, dẹp sạch, nhổ đinh tháo chốt. Mục đích của Tổ không phải là đưa ra những kiến giải sắn bìm, những tư tưởng uyên áo để chúng ta dùi mài rồi chết cứng trong ấy. Giáo lý và phương tiện thi thiết của người xưa nhằm tháo gỡ chứ không phải chôn sống hành giả. Cho nên chư Tổ rất ngại chúng ta bị giam hãm trong cái bẫy rập của cổ nhân. Do vậy Tổ Bồ-đề Đạt-ma chẳng lập văn tự mà chỉ thẳng vào tâm.
Tâm ở đâu? Tâm chân thật không có chỗ nơi, mà hiển hiện qua sáu căn. Thân thì vô thường, tâm lại chân thường, tuy trái ngược nhưng khéo nương nhau để nhận ra con người chân thật, là bổn phận của thiền tăng. Con người ấy không gì khác ngoài chân tâm sáng suốt, có năng lực biến sự sống này trở thành diệu dụng. Người nào có khả năng vận dụng được tâm chân thật, biến sáu căn thành sáu đạo thần quang thì có thể lập tức nhận ra đức Phật ngay nơi mình, có thể diện kiến Bồ-đề Đạt-ma mà không cần đến Thiếu Lâm Tự.
Cho nên người tu thiền phải chấm dứt ngay mọi sự tìm cầu bên ngoài. Bởi vì nơi chúng ta đã tự đầy đủ hết rồi. Nói như thế không có nghĩa là ta từ bỏ sự tìm kiếm bên ngoài để bắt đầu một sự tìm kiếm bên trong. Bên trong có gì, ngoài một tổ hợp sắc chất nhơ nhiễm! Lìa trong và ngoài để chỉ là một người chân thật, không cần khoác lên lớp áo nào, dù là lớp áo của thiền tăng. Đỉnh cao của thiền tăng chính là vô sự tăng, vô tướng tăng. Con người vô sự thì không còn dính mắc vào một lý thuyết, một giáo pháp, một đường lối nào… Chánh pháp còn không thể được, huống là phi pháp! Đã vô tướng tăng thì xá chi chiếc thân năm uẩn bèo bọt, mà ta phải lận đận cả đời chăm chút, để cuối cùng cũng chỉ là nắm đất bên mồ xanh. Xin được đối xử với thân tứ đại như là một sự biết ơn, chớ không phải là tất cả. Chỉ cần nhớ lại như thế, lòng cũng thấy nhẹ nhiều. Tâm theo đó an vui.
Chư tăng tiếp tục vào tham quan thiền đường, trai đường bên trong. Chư Ni và Phật tử không được vào, vì đây là môn quy của chùa Thiếu Lâm. Rất hay. Mong sao trong ngoài đều nhất như, thì Thiếu Lâm thật xứng đáng là Tổ đình thiền tông muôn thuở. Chư Ni và Phật tử ở bên ngoài xoay lại quán sát ngôi nhà của mình.
Rất quý khi chúng tôi được biết tại chùa Thiếu Lâm hiện có trên 280 vị tăng đang tu học và hành thiền. Công phu thiền định của chư sư vẫn tốt. Không gì vui và hạnh phúc hơn khi Tăng già hòa hợp dưới ánh sáng trí tuệ. Chùa Thiếu Lâm quả thật xứng đáng là chiếc nôi của thiền tông Đông độ. Là con cháu trở về chốn Tổ, chúng tôi cảm nhận như trở về nhà, thiền phong một thuở dâng tràn. Cảnh núi chùa non, bóng thiền tăng in dấu trải sơn ngàn.
Mặc thế sự đảo điên,
Làm tăng chỉ có nhàn.
Cách chùa Thiếu Lâm 500m về phía tây còn có Tháp Lâm là một quần thể tháp lớn nhất Trung Quốc. Vườn và tháp đều rất cổ, đánh dấu chư Tổ đã có mặt tại đây rất lâu và thiền tông được xiển dương thịnh hành. Tổng cộng gồm 250 ngôi mộ tháp lớn nhỏ. Kiến trúc mộ tháp nơi đây mang phong cách đủ các thời đại, xa nhất là niên hiệu Trinh Nguyên thứ 7 (791) đời Đường, gần nhất là niên hiệu Gia Khánh thứ 8 (1803) đời Thanh. Trong đó phần lớn là tháp gạch, chỉ một ít tháp đá, từ một tầng đến bảy tầng, cao từ 15m trở xuống. Mỗi tháp đều có niên đại chuẩn xác, được ghi chép tỉ mỉ, tạo hình cũng phong phú đa dạng. Có thể nói đây là nơi tham quan thưởng thức về nghệ thuật thư pháp, điêu khắc cổ tháp nổi tiếng qua các thời đại của Trung Quốc hiện nay.
Tháp Lâm là di tích chứng tỏ chùa Thiếu Lâm đúng là tổ đình của thiền tông xưa cũng như nay. Cuộc hành hương về Thiếu Lâm Tự được khép lại tại Tháp Lâm. Và hình ảnh người tráng sĩ chặt tay thuở nào trên Tung sơn, với một đao kiên quyết đứt đoạn sợi dây sống chết, rũ áo phong trần, bước lên một cõi thênh thang, đã tiễn chân chúng tôi đi. Người xưa bảo:
Muốn giăng bắt phượng hoàng lưới diệu,
Chớ noi theo chim chóc chí hèn.
Đà buông câu kình ngạc lưỡi thần,
Đừng sợ lụy ễnh ương phận nhỏ.
Thượng sĩ Tuệ Trung
Còn tiếp...
[ Mục Lục ]
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Hành Hương Hoa Hạ - Phần 2 (Về lại Quảng Đông TT) - 28/09/2007 08:56
- Hành Hương Hoa Hạ - Phần 2 (Về lại Quảng Đông) - 24/09/2007 10:11
- Hành Hương Hoa Hạ - Phần 2 (Thượng Hải) - 22/09/2007 08:56
- Hành Hương Hoa Hạ - Phần 2 (Hà Nam TT2) - 21/09/2007 09:36
- Hành Hương Hoa Hạ - Phần 2 (Hà Nam TT) - 20/09/2007 09:41