Hành Hương Hoa Hạ - Phần 2 (Về lại Quảng Đông)
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ hai, 24 Tháng chín 2007 10:03
- Viết bởi nguyen
NAM HOA THIỀN TỰ
Ngày 21-5-2007
Tàu lửa đến Thiều Quan vào lúc 5 giờ sáng. Vừa nhìn thấy hai chữ Tào Khê trên tấm biển to tại sân ga, trong lòng chúng tôi đã rộn lên. Đây là điểm chiêm bái cuối cùng nhưng lại là điểm chánh yếu nhất trong chuyến hành hương lần này của đoàn. – Nam Hoa Thiền Tự – tức chùa Bảo Lâm ngày trước, nơi có thờ nhục thân Lục Tổ Huệ Năng và cũng là ngôi già-lam Ngài lưu trú lâu nhất, 36 năm. Từ đây, suối nguồn Tào Khê bắt đầu tuôn chảy.
Nghĩ cũng hay, đầu tiên từ chùa Quang Hiếu - Quảng Châu tỉnh Quảng Đông - nơi Lục Tổ xuất gia, chúng tôi đi một vòng qua 5 tỉnh: Tứ Xuyên, Thiểm Tây, Sơn Tây, Hà Nam, Thượng Hải, cuối cùng lại trở về Nam Hoa Thiền Tự ở Thiều Châu, chùa Lục Dung ở Quảng Châu, là những nơi Lục Tổ đã từng lưu dấu. Chung nhi phục thủy. Một vòng tròn thủy chung với Lục Tổ.
Chùa ở núi Nam Hoa, còn gọi núi Lục Tổ, núi Bảo Lâm, núi Nghi Phụng, cách huyện Phước Giang tỉnh Quảng Đông Trung Quốc khoảng 35km về phía Nam, do ngài Tam Tạng Trí Dược, một vị tăng Thiên Trúc, xây dựng vào đời Lương Võ Đế năm 502, với tên gọi là Bảo Lâm. Vào khoảng năm 713-741, chùa được xây dựng rộng thêm, vua ban sắc đặt tên chùa là Trung Hưng, Pháp Tuyền. Đến đời vua Tống Thái Tổ mới đổi tên là Nam Hoa. Vì Lục Tổ Huệ Năng trụ trì chùa này, phát triển thiền Nam tông, nên tín đồ gọi chùa là Tổ đình.
Hiện nay, trong chùa vẫn bảo tồn được nhục thân của Lục Tổ và các di vật như ca-sa Thiên Phật đời Đường, bình bát, vớ, đá đeo lưng, tích trượng sắt… tất cả đã trở thành vật báu của Thiền tông. Trong chùa có vô số thạch bản (bản khắc bằng đá). Ở phía Bắc chùa có tảng đá để lễ lạy gọi là Bái Thạch, trên bái thạch này còn in rõ dấu đầu gối. Tương truyền đây là phiến đá mà Lục Tổ thường quỳ lễ Phật. Đại Hùng Bảo Điện rất huy hoàng, kim thân Phật trong điện cao đến 6,4m. Ngoài 500 pho tượng A-la-hán, vật báu chùa này còn có bộ kinh Hoa Nghiêm viết bằng bột vàng do vua Anh Tông nhà Minh ban tặng.
Về tới đây như về tới quê cha đất tổ. Mừng ra nước mắt. Trong lòng nao nao khó tả. Lúc ở tại quê nhà, chúng tôi không dám nghĩ có ngày mình sẽ được đến chùa Nam Hoa đảnh lễ nhục thân Lục Tổ, nhưng hình ảnh, cuộc đời và công đức của Tổ chúng tôi đã tôn quý rất lâu trong lòng rồi. Và bản kinh Pháp Bảo Đàn cứ như là toàn thân xá-lợi của Ngài luôn hiện diện trong tâm, nhắc nhở chỉ dẫn những đứa con xa xôi ráng nương theo đây mà tu.
Bây giờ đến tận nơi rồi càng tin sâu, tin chắc hơn nữa một Lục Tổ Huệ Năng có thật, đã tu chứng và từng bước dìu dắt chúng nhân cùng tu. Nam Hoa Thiền tự không phải là một cái chùa mà là cả một tòa núi cổ. Càng vào sâu càng thấy thiền vị siêu thoát. Huyền sử kể rằng: - Năm xưa, Tổ bắt đầu giáo hóa ở chùa Pháp Tánh, sau về chùa Bảo Lâm ở Tào Khê. Thấy chùa nhỏ hẹp không đủ để dung nạp đồ chúng, Tổ đã gặp cư sĩ Trần Á Tiên và nói: “Lão tăng đến đàn việt để xin một miếng đất bằng cái tọa cụ được chăng?” Khi thấy tấm tọa cụ của Tổ, Á Tiên vui vẻ gật đầu không cần suy nghĩ. Bấy giờ Tổ tung tấm tọa cụ ra bao trùm hết bốn cảnh Tào Khê, lại có bốn vị thiên vương hiện thân ngồi trấn bốn hướng, nên có ngọn núi được đặt tên núi Thiên Vương. Trần Á Tiên kinh hãi liền thưa với Tổ: - “Nay con mới biết pháp lực vô biên của Đại sư, vậy xin được hỷ cúng hết số đất này”. Mỗi lần đi dạo, nơi nào cảnh trí xinh đẹp, Tổ đều dừng nghỉ, tất cả 13 chỗ, sau này trở thành 13 lan-nhã. Kể từ đó chùa Bảo Lâm trở thành tổ đình của thiền tông phương Nam, với cả tòa núi Nam Hoa, còn gọi là núi Lục Tổ, núi Tào Khê. Chúng tôi thật không ngờ! Huyền sử chẳng hề ngoa.
Thiếu Lâm Tự và Nam Hoa Thiền Tự, cả hai đều là tổ đình của thiền tông với bạt ngàn rừng núi, nhưng hai thiền cảnh hoàn toàn khác nhau. Nếu như Thiếu Lâm Tự hùng và mạnh, thiền phong lẫm liệt và uy thế thượng võ toát hẳn ra ngoài thì Nam Hoa Thiền Tự trầm lắng, sâu kín, ẩn dật hun hút bên trong. Hai ngôi đại già-lam mang tính cách của hai bậc Tổ sư, với thân thế, hạnh nguyện và phương tiện độ sanh dị biệt nhưng cứu cánh không khác.
Thật là thú vị khi biết ra Tổ Bồ-đề Đạt-ma vốn là một hoàng tử, còn Lục Tổ Huệ Năng chỉ là người tiều phu đốn củi. Vậy mà hai Ngài đã đi chung đường, ngồi chung tòa, sống chung nhà, ấn chung tâm và nối thạnh dòng thiền chung một cõi. Vậy thì ai dám bảo nghèo không ngộ đạo, dốt không sáng đạo, thân thế bất hạnh không chứng đạo? Tất cả những điều ấy chẳng dính dáng gì đến cái điền địa này cả. Mà không chừng thân thế như Lục Tổ lại càng dễ gần gũi chúng sanh hơn. Tại vì quần chúng bình dân đa số cũng nghèo, cũng ít chữ, cũng ở vùng sâu vùng xa, không ai đoái hoài tới, không ai khai thị dùm cho biết là họ cũng có thể thành Phật.
Chưa bước vào chùa, chỉ mới ở ngoài cổng thôi đã thấy tầm cỡ của Nam Hoa Thiền Tự không thể xem thường. Sảnh đường rộng lớn bao la với những tháp đá xung quanh thanh lịch đến lạ. Trong suốt cuộc hành hương vừa qua, chúng tôi chưa thấy tháp đá nơi nào đẹp như tháp đá ở đây. Cổng tam quan cũng bằng đá trắng uy nghi vòi vọi với bốn chữ “Nam Hoa Thiền Tự”, mở ra bên trong một “Đạo Tràng Bảo Lâm”, không biết bây giờ có giống như những gì lịch sử đã ghi!
Đoàn bước qua Tào Khê Môn liền thấy y bát nhũ vàng do người sau tạo ra với kích thước lớn, được trưng bày giữa sân trong một khuôn kiếng khoảng 3m2. Đây chính là hình ảnh vật biểu tín cho sự truyền thừa của 33 vị Tổ sư Ấn Hoa, mà cũng là đầu mối tranh giành, đã đưa đẩy Lục Tổ trôi giạt khổ sở trong suốt 16 năm trường, có khi mạng sống nguy hiểm như chỉ mành treo chuông. Cho nên Tổ Bồ-đề Đạt-ma đã dặn dò Nhị Tổ kỹ lưỡng:
- Ngươi gìn giữ pháp y này, nếu gặp tai nạn đem ra làm vật biểu tín thì sự giáo hóa không bị trở ngại. Hai trăm năm sau khi ta diệt độ, y bát này dừng lại không truyền nữa, vì lúc đó Phật pháp đã thịnh hành.
“Một hoa nở năm cánh” của Sơ Tổ Bồ-đề Đạt-ma tới Lục Tổ Huệ Năng, thời gian đã đủ 200 năm. Y bát không được truyền nữa đúng như lời Sơ Tổ đã huyền ký, nên bảo vật biểu tín này đã nằm yên tại Nam Hoa, không còn là mối tranh giành và gây hiểm họa cho thiền gia nữa. Lục Tổ là vị sau cùng đã hứng chịu tất cả sóng gió để giữ gìn mạng mạch thiền tông cho tới ngày hôm nay. Một hoa năm cánh đến Lục Tổ đã phát triển thành năm tông bảy phái: Lâm Tế, Tào Động, Quy Ngưỡng, Vân Môn, Pháp Nhãn. Đến cuối đời Tống, tông Lâm Tế lại chia ra hai phái: Hoàng Long và Dương Kỳ, đã từng giữ lấy địa vị đứng đầu trong các tông, trở thành dòng thiền chánh của Phật giáo Trung Quốc. Cho nên Lục Tổ là vầng dương sáng chói trên bầu trời thiền tông. Dòng Tào Khê chẳng những truyền rộng ở Trung Quốc mà còn lan sang các nước lân cận, phía đông truyền đến Triều Tiên, Nhật Bản. Thời cận đại phát triển và ảnh hưởng tới Âu Mỹ. Nói đến Lục Tổ thì nói hoài cũng được, nói hoài không thấy chán. Nhưng khoan, để tham quan tiếp cái đã.
Kế đến là ao phóng sanh, tới Thiên Vương Điện, Đại Hùng Bảo Điện, lầu chuông, lầu trống… Trong lầu chuông có quả Nam Hoa Vãn Chung rất nổi tiếng, đúc bằng đồng đỏ vào đời Tống, nặng 6.000 cân, tiếng chuông đóng sớm chiều vang xa đến mười mấy dặm. Trước điện chùa có tháp sắt, tương truyền ngày xưa chứa xương rồng, nhưng đến nay xương đã thất lạc trong nạn binh hỏa.
Chuyện là vầy: Thời Tổ còn sinh tiền, trước chánh điện có một cái ao, có con rồng thường xuất hiện làm kinh động cả rừng núi. Ngày nọ, rồng hiện ra vô cùng to lớn, sóng gió dữ dội, mây đen mù mịt, môn nhân thảy đều kinh hãi. Thấy vậy, Tổ cầm cái bát đến bảo: - Ngươi giỏi hiện to, mà có thể thu nhỏ được chăng? Nếu thu nhỏ được mới đáng khen ngợi! Rồng kia nghe thế liền thu nhỏ lại, rồi lại hiện to lên, lượn lên lượn xuống, lượn qua lượn lại trên ao. Tổ bèn bảo: - Ngươi nếu giỏi nữa thì chui vào bình bát của lão tăng xem sao? Rồng cậy tài thần thông quảng đại, ngại gì không chui vào. Thế là xong, Lục Tổ lấy nắp đậy bình bát lại, thu phục rồng vào đó, thuyết pháp cho nghe. Rồng liền bỏ xác, lưu lại bộ xương dài 7 tấc. Lục Tổ bảo chúng lấy đá lấp luôn ao ấy.
Đoàn tiếp tục tiến vào bên trong. Và đây rồi điện Tổ hiện ra trước mắt với bốn chữ “Tổ Ấn Trùng Quang” mạ vàng sáng chói. Bên trong Nhục thân Lục Tổ ngự giữa điện. Hai bên là nhục thân của hai thiền sư, ngài Hám Sơn (1546-1623) và ngài Đan Điền (1535-1614). Tất cả Tăng Ni chúng tôi đều trang nghiêm pháp phục, y hậu chỉnh tề, đồng một lúc quỳ xuống, cảm xúc dâng trào, đảnh lễ Tổ sư và có vị đã… khóc.
Cung kính ngưỡng bạch Tổ,
Chúng con đã về… Tất cả đều nghẹn ngào, mừng được tận mắt chiêm ngưỡng toàn thân xá-lợi của Tổ, nhưng lại tủi phận cho mình lắm nỗi. Ngài đã vĩnh viễn bất hoại, đã vĩnh viễn dừng lại, đã vĩnh viễn thoát ly, trong khi chúng con vẫn còn bèo dạt mây trôi, cô thân viễn xứ, chẳng biết đâu là bến bờ?
Và tiếng chuông. Và khói hương. Và nghi ngút trầm tư lan tỏa…
Tổ họ Lư (638-713), phụ thân tên Hành Thao, mẫu thân họ Lý, quê quán ở Phạm Dương. Về sau bị đổi đến Tân Châu (nay là huyện Tân Hưng tỉnh Quảng Đông). Thuở bé Ngài đã mồ côi cha, theo mẹ dời đến Nam Hải, bán củi độ nhật. Tương truyền Ngài chẳng biết chữ, nhưng khi gánh củi ngang qua một cái quán, nghe chủ quán tụng kinh Kim Cang, tâm liền chấn động. Sau đó Ngài được sự ủng hộ của các thiện hữu, học trò Tổ Hoàng Mai, tạo duyên giúp cho tuổi già của mẹ Ngài được yên ổn. Nhờ thế Ngài mới có thể thu xếp lên đường tìm đến pháp hội Đông Sơn, cầu pháp với Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn.
Nhân duyên vào đạo nhanh như vậy, mặc dù chưa từng được thọ học kinh luận, đủ biết căn khí và trực giác của Ngài không phải tầm thường. Cho nên cuộc khảo hạch ban đầu giữa hai thầy trò cũng là cuộc gặp gỡ tri âm tri kỷ:
- Ngươi từ phương nào đến, muốn cầu vật gì?
- Đệ tử là dân Tân Châu thuộc Lãnh Nam, từ xa đến lễ Thầy, chỉ cầu làm Phật, chớ không cầu gì khác!
- Ông là người Lãnh Nam, lại là kẻ quê mùa, làm sao kham làm Phật?
- Người tuy có nam bắc, nhưng Phật tánh vốn không có nam bắc. Thân quê mùa này cùng với Hòa thượng chẳng đồng, nhưng Phật tánh đâu có sai khác.
Câu trả lời ấy đã ngầm đem đến cho Ngũ Tổ cái tin vui lớn nhất trong đời. Người mà Ngài trông đợi lâu nay đã đến rồi. Rõ ràng cái trực giác kỳ diệu nhất của Lục Tổ đã đánh bật mọi kiến giải tầm thường, phủi sạch hết những lớp vay mượn bên ngoài, trả Ngài lại vị trí nguyên bản của mình. Không còn Ngũ Tổ ngồi trước một gã nhà quê, cũng không còn người tiều phu đốn củi đứng trước một Ngũ Tổ với thiền trượng chuông bảng vây quanh. Chỉ có Phật và Phật thôi. Ngũ Tổ thầm nhận nhưng giả vờ không quan tâm lắm, bảo Ngài xuống nhà trù giã gạo. Chỗ trơn trợt này, kẻ hành khước trong nhà thiền ít ai vượt qua được. Nhưng một khi đã qua được thì không còn ngăn ngại, không còn sợ hãi. Có thể bước vào nhà mình rồi.
Tám tháng im lặng giã gạo ở nhà bếp, không có một lời với Thầy, vậy mà con người ấy trở thành Đệ lục Tổ sư, nối nắm mạng mạch thiền tông Trung Hoa, qua bài kệ “vô nhất vật”:
Bồ-đề bổn vô thọ,
Minh cảnh diệc phi đài.
Bản lai vô nhất vật,
Hà xứ nhạ trần ai.
Dịch:
Bồ-đề vốn không cây,
Gương sáng cũng chẳng đài.
Xưa nay không một vật,
Chỗ nào dính bụi nhơ.
Đêm hôm đó, Ngũ Tổ đã khéo léo gọi Lục Tổ vào phương trượng, riêng dạy bản kinh Kim Cang, tới đúng câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, Lục Tổ hoát nhiên triệt ngộ. Y bát đã có người truyền trao, Ngũ Tổ không giữ lại làm gì nữa. Giữa lúc canh khuya vắng lặng, mọi người không hay biết, Ngũ Tổ truyền pháp đốn giáo và y bát cho Lục Tổ, nói: - “Ngươi là vị Tổ đời thứ sáu, khéo tự hộ niệm, rộng độ chúng hữu tình, truyền khắp đời sau, không khiến cho đoạn tuyệt”. Ngay trong đêm đó, hình ảnh hai thầy trò đưa nhau qua sông, đã trở thành giai thoại cảm động nhất trong nhà thiền. Ân Phật Tổ, nghĩa sư đệ, thắm thiết vượt thường tình. Ánh sao lung linh giọi xuống bến đò Cửu Giang, Ngũ Tổ bảo Lục Tổ lên thuyền, rồi tự cầm tay chèo. Ngài Huệ Năng thưa:
- Thỉnh thầy ngồi, để con chèo.
- Để thầy đưa con đi.
- Khi mê thì Thầy độ, ngộ rồi con tự độ.
- Đúng thế! Đúng thế! Về sau Phật pháp do con mà được thạnh hành. Con đi an vui, nỗ lực hướng về phương Nam, không nên nói pháp sớm, sẽ gặp tai nạn. Con đi ba năm, thầy sẽ qua đời.
Tưởng nhớ tới đây, chúng đệ tử nào mà chẳng rơm rớm lệ. Thiền sư Hoàng Bá nói “Sở dĩ Ngũ Tổ trao pháp cho Lục Tổ là vì Lục Tổ lặng lẽ mà hợp đạo, thầm kín mà hội được diệu nghĩa Như Lai” (Truyền Tâm Pháp Yếu).
Sau đó để tránh sự bức hại do được truyền thừa y bát, Tổ đã ẩn náu trong làng thợ săn ở Tứ Hội, trải qua một thời gian dài mới đến chùa Pháp Tánh xuất gia, rồi về Tào Khê khơi dòng mạch nguồn thiền đốn giáo.
Vào niên hiệu Tiên Thiên thứ hai, đời Đường Huyền Tông, ngày mồng 1 tháng 7 năm Quý Sửu (713), Tổ họp đồ chúng bảo rằng: “Tôi đến tháng 8 muốn lìa thế gian, các ông có nghi nên hỏi sớm, tôi vì các ông phá nghi cho, khiến dứt hết mê tình. Nếu tôi đi rồi, sau không có người dạy các ông”. Ngài Pháp Hải… nghe Tổ nói thảy đều rơi lệ, chỉ có ngài Thần Hội thần tình bất động. Tổ rất khen vậy. Ngài Pháp Hải đảnh lễ hỏi:
- Sau khi Hòa thượng nhập diệt, y pháp sẽ trao cho người nào?
Tổ bảo:
- Tôi ở chùa Đại Phạm nói pháp cho đến nay, sao chép để lưu hành, gọi là kinh Pháp Bảo Đàn. Các ông gìn giữ, truyền trao cho nhau, độ các quần sanh. Chỉ y nơi lời nói này gọi là chánh pháp, chớ chẳng trao y. Bởi vì các ông tín căn đã thuần thục, quyết định không còn nghi ngờ, kham nhận được đại sự.
Đến ngày mồng 8 tháng 7, Tổ bảo:
- Tôi muốn trở về Tân Châu, các ông hãy chóng sửa sang thuyền chèo.
Đại chúng đều buồn bã, cố cầm Tổ ở lại. Tổ bảo:
- Chư Phật xuất hiện còn phải thị tịch Niết-bàn, có đến ắt có đi, lý vẫn thường nhiên. Hình hài của tôi đây đã có chỗ trở về.
Chúng nhân thưa:
- Thầy đi bao giờ trở về?
- Lá rụng về cội, trở lại không hẹn ngày.
- Chánh pháp nhãn tạng truyền trao cho người nào?
- Người có đạo đức thì được, người không tâm thì thông.
Đến ngày mồng 3 tháng 8 niên hiệu Tiên Thiên (713 DL), Tổ bảo đồ chúng:
- Các ông ở lại an vui. Sau khi tôi diệt độ, chớ làm theo thế gian khóc lóc như mưa, nhận lễ vật điếu tang, thân mặc hiếu phục, chẳng phải là đệ tử của tôi, cũng không phải là chánh pháp. Chỉ biết tự bản tâm, thấy tự bản tánh….(lược). E các ông trong tâm mê, không hiểu ý tôi nên dặn dò như vậy, khiến các ông thấy tánh. Sau khi tôi diệt độ, y theo đây tu hành như ngày tôi còn sống. Nếu trái lời tôi dạy, giả sử tôi còn ở đời, cũng không có lợi ích gì!
Đến canh ba Tổ ngồi ngay thẳng, bảo đệ tử rằng: “Tôi đi nhé!”, rồi im lặng mà hóa. Khi ấy mùi hương lạ đầy cả thất. Có một mống trắng vòng giáp đất. Trong rừng cây cối đều biến thành màu tang, cầm thú kêu vang bi thương. Đến tháng 11, đồ chúng ba quận Quảng, Thiều, Tân đua nhau tới đón nhục thân Tổ, không giải quyết được mới thắp hương khẩn nguyện “Khói hương bay về chỗ nào là Tổ về chỗ ấy”. Khi ấy khói hương bay thẳng về Tào Khê. Thế là thần khám được thỉnh về thờ phụng ở Tào Khê.
Quan huyện Thiều Châu dâng sớ tâu về triều, vua sắc chỉ dựng bia, ghi lại đạo hạnh của Tổ sư lưu lại nơi đời: “Tổ sư trải qua 76 xuân thu, 24 tuổi được truyền y, 39 tuổi mới thế phát, thuyết pháp độ sanh 37 năm, đệ tử nối pháp 43 vị, người ngộ đạo chẳng kể xiết. Tín y của Tổ Bồ-đề Đạt-ma truyền, áo Ma-nạp cùng bát báu vua Trung Tông ban, tượng của Phương Biện đắp và tất cả đạo cụ thảy đều lưu giữ vĩnh viễn tại Đạo tràng Bảo Lâm, để lưu truyền cùng với quyển kinh Pháp Bảo Đàn, tỏ bày tông chỉ của Tổ sư, hưng long Tam bảo, lợi ích quần sanh.”
Đến đời Hiến Tông, vua truy tặng Tổ sư danh hiệu Đại Giám Thiền sư, nơi tháp tặng bốn chữ “Nguơn Hòa Linh Chiếu”.[1]
Đức Lục Tổ Huệ Năng hơn 40 năm thuyết pháp hành hóa, thành tựu giác ngộ giải thoát, để lại nhục thân cho đời, là hòn ngọc vô giá về thân giáo, đưa ánh sáng thiền tông lên đến tuyệt đỉnh, soi chiếu vào tâm thức vô lượng chúng sanh, đánh thức nguồn trí lực sẵn có của muôn loài. Chùa Nam Hoa trở thành Thánh địa Phật giáo phương Nam. Tào Khê trở thành dòng thiền đốn giáo tiêu biểu cho mặt trời Phật phương Nam. Vương Duy làm bài minh ghi chép về công đức của Lục Tổ như sau:
- Đạo đức trùm khắp, tiếng tăm vang dội. Những kẻ quê mùa cả đời không biết Phật, các nước biên địa xa xăm đều mong mỏi thấy dung mạo của thiền sư. Kẻ đứng ngoài cửa, kẻ ngồi bên giường, đều quên thân mình trước lời dạy của cao tăng.
(Toàn Đường Văn – Vương Hữu Thừa Tập)
Khói trầm đã lan xa mà mùi hương vẫn còn phưởng phất không phai. Nhìn thấy bốn tượng đại đệ tử đứng hầu nhục thân Tổ: thiền sư Pháp Hải, thiền sư Hoài Nhượng, thiền sư Hành Tư, thiền sư Thần Hội, mà thương mà kính, mà cảm trọng ân đức một bậc Thầy đã truyền trao giới thân huệ mạng cho chúng nhân, bằng cả cuộc đời tu hành, để lại thân tâm trân bảo, trong suốt tựa lưu ly.
Dòng thiền Việt Nam được lãnh hội từ các đại đệ tử của Lục Tổ mà làm sống lại bao nhiêu con người tưởng chừng như đã chết đi. Trôi theo duyên cảnh, hướng ngoại tìm cầu, là lối cũ muôn đời của chúng sanh. Từ pháp an tâm của Sơ Tổ đến bản tâm không một vật của Lục Tổ, đã giúp cho hành giả Việt Nam xoay trở lại mình và biến nó thành việc bổn phận duy nhất trong đời. Tu thiền không phải chỉ có ngồi. Chỗ mật dụng công phu thật ra Tổ đã chỉ rõ “Ngoài lìa tướng tức là thiền, trong chẳng loạn tức là định. Ngoài thiền trong định, ấy gọi là thiền định” (kinh Pháp Bảo Đàn). Nếu như diệu quyết của Tổ Bồ-đề Đạt-ma là trực chỉ nhân tâm và Lục Tổ dạy lấy vô niệm làm tông thì ngày nay Hòa thượng Ân sư của chúng tôi cũng không ra ngoài tông chỉ ấy, luôn nhắc nhở Tăng Ni buông hết các duyên, biết có chân tâm. Biết đến bao giờ tự nhiên chân tâm hiện tiền thì viên mãn công phu. Dĩ nhiên đường còn dài, nhưng niềm tin thì không thiếu. Theo lời Phật dạy “Tất cả chúng sanh đều sẽ thành Phật” thì thật là tràn đầy hy vọng… Với tấm lòng thiết tha.
Tại điện Lục Tổ, thầy Tri khách đã vui vẻ chào đón chư Tăng Ni Việt Nam. Chúng tôi lễ Tổ và cúng dường xong, Thầy đố đoàn một câu: “Trên đời này cái gì cần nhất và cái gì không cần nhất?” Rồi tự đáp thay chúng tôi: - “Trên đời này trí tuệ cần nhất và phiền não không cần nhất”. – Cười. Càng ngẫm nghĩ câu nói càng hay. Chúng tôi đã đem ngữ thoại này về Việt Nam và xin được tặng đến tất cả bạn lữ hữu duyên, như một món quà chốn Tổ.
Đoàn tiếp tục tiến ra sau núi. Đây rồi Cửu Long Tuyền còn gọi là Trác Tích Tuyền. Dòng nước trong mát nổi tiếng từ lâu, đến bây giờ mới vốc được một ngụm rửa mặt. Mát lịm, thật là khỏe. Mới biết pháp lực nan tư nghì của Tổ. Chuyện kể, một hôm Tổ muốn giặt lá y đã được truyền trao nhưng chung quanh không có suối tốt. Tổ ra sau chùa khoảng năm dặm, thấy trên núi cây cối xanh tươi, khí tốt xoay quanh, Ngài cắm cây tích trượng sâu xuống đất, nước liền phún lên theo tay Ngài, chứa lại thành cái ao, Ngài liền quỳ gối giặt y trên đá.
Suối Trác Tích bây giờ chắc không thiên nhiên như hồi đó rồi, tại vì được tô điểm nhiều quá. Chúng tôi không thấy dòng suối, mà thấy ba vòi nước phun thẳng ra ngoài. Vòi chính giữa lớn nhất, hai vòi hai bên nhỏ hơn. Nước trong vắt, mát lạnh. Cái ao chắc cũng không phải cái ao năm xưa Tổ đã quỳ trên đá giặt y, ao bây giờ thành ao hoa văn với nhiều họa tiết liên hệ tới Lục Tổ và đạo tràng Bảo Lâm. Thật lạ, trên núi mà có dòng suối chảy bất tận suốt cả bốn mùa. Thật là chánh báo y báo theo nhau, Phật pháp nhiệm mầu.
Đoàn tiếp tục tham bái Tam Bảo Phật, ngũ bá La-hán, điện ngài Tam Tạng Trí Dược, trên đề chữ Bảo Lâm Đạo tràng Khai sơn Tổ sư. Tương truyền vào đời nhà Lương, Đại sư Trí Dược từ Tây Thiên Trúc đến Tào Khê. Sư uống nước ở đây cảm thấy ngọt thơm, không khác Tây Thiên. Sư bảo dân làng Tào Hầu: “Nên lập ở đây một cảnh chùa. Sau 170 năm, có vị Vô thượng Pháp Bảo diễn pháp tại đây, người được đạo nhiều như cây rừng, nên đặt tên là chùa Bảo Lâm”. Vị quan địa phương Thiều Châu thuở ấy là Hầu Kỉnh Trung dâng biểu kể tự sự như trên. Vua liền ban tên chùa Bảo Lâm, là ngôi già-lam đầu tiên vào đời nhà Lương.
Lẩn quất giữa một rừng cổ thụ Nam Hoa là những miếu cổ, điện đường vắng lặng, càng đi càng thấy hun hút, nghìn năm in dấu rêu phong cô tịch. Chúng tôi vào đảnh lễ pháp tượng Hư Vân Lão Hòa thượng (1840-1959) và chiêm bái tháp Xá-lợi của Ngài, thấy có ghi dòng chữ Đương Đại Thiền Tông Thái Đẩu (Thái sơn – Bắc đẩu) Hư Vân Lão Hòa thượng. Nam Hoa Thiền Tự thật là Thánh địa, hội tụ những bậc cao đức kỳ tích, cốt cách siêu phàm, danh vang bốn biển.
Sau đó, đoàn được hướng dẫn tới Tự Tạng Pháp Bảo, nơi lưu giữ bảo vật 1.500 năm qua. Đoàn tận mắt chiêm bái hình tượng Phật, Bồ-tát, La-hán, pháp khí qua các thời Bắc Tề, Tống, Đường, Minh, Thanh… trong đó có hai pháp khí là làm rung động chúng tôi nhất:
Một, là viên đá Lục Tổ mang vào lưng khi giã gạo dài khoảng 3 tấc, nặng 4 kg, hơi cong, một đầu bằng, một đầu dẹp. Lục Tổ mang cục đá này là mang cả một ý chí, nghị lực và lòng quả cảm cương quyết cầu làm Phật, chớ không phải mang một gánh nặng, cho nên mang tới lở lưng mà Tổ vẫn không thấy đau. Vì vậy Ngài mới được Ngũ Tổ ngợi khen “người cầu đạo quên mình đến thế ư?”. Ngũ Tổ càng hài lòng, càng đẹp dạ, càng tin cậy vào một ngày mai của dòng thiền Tây sang.
Hai, cây tích trượng bằng sắt nặng 35 cân (tàu), cao khoảng 2m. Chứng tích một thời hóa duyên với năng lực diệu dụng phi thường của Lục Tổ. Chúng tôi chỉ nhấc thử lên một chút xíu thôi còn không nổi, nói chi cầm dọng xuống đất thành dòng suối! Lục Tổ do có công phu và công đức nên Ngài sử dụng dễ dàng. Diệu dụng là năng lực phi thường của một bản tâm đã thuần tịnh. Điều này không thể biết được khi chỉ nói suông.
Thầy Tri khách tiếp đoàn tại Nam Hoa Thiền Tự rất nhiệt tình, sẵn lòng đưa chúng tôi đi mọi nơi, lại còn biếu đoàn 30 bộ kinh Kim Cang, 30 bộ kinh Pháp Bảo Đàn, chữ Hán. Tào Khê Phật Học Viện, Thiền đường, Trai đường… Nơi đâu cũng rộng lớn với kiến trúc vừa hiện đại vừa cổ kính mang phong cách đặc sắc của Trung Quốc. Cảnh trí thì khỏi phải nói rồi. Nam Hoa Thiền Tự là ngôi chùa thứ tư ghi đậm ấn tượng đối với chúng tôi trong chuyến hành hương này, xứng đáng là Tổ đình Tào Khê. Nghe nói hiện tại ở đây có 300 vị tăng đang tu học, nhưng theo pháp môn nào thì chúng tôi không biết chính xác? Kể cũng lạ!
Trước khi ra về, Thượng tọa Thông Phương đại lao Hòa thượng Trưởng đoàn đến vấn an sức khỏe Phương trượng chùa Nam Hoa đã 86 tuổi và quyến luyến từ giã thầy Tri khách, không quên gởi lời cảm niệm tri ân, vì thời gian không cho phép nữa rồi. Chúng tôi xá chào, mong ngày gặp lại.
Đạo tràng Bảo Lâm - Nam Hoa Thiền Tự, linh hồn của suối nguồn Tào Khê mãi mãi sẽ là nơi hướng về của muôn người, vạn người từng ngưỡng vọng Tổ sư. Và bát. Và y. Và nhục thân Bồ-tát vĩnh viễn an nhiên hằng tại trên cõi đời, trong tâm mỗi chúng nhân.
Chúng tôi định vẫy tay một lần sau cuối với chùa Nam Hoa trước khi xe lăn bánh, nhưng bỗng nhớ lại câu nói thật nhẹ của Lục Tổ vào cái giây phút sau chót “Tôi đi nhé!”, chợt rùng mình. Nên thôi.
Nào có đến đi gì…
Đoàn quay về Quảng Châu. Đêm nay là đêm cuối nghỉ tại Trung Quốc. Ngày mai sẽ thăm chùa Lục Dung trước khi trở về Việt Nam.
[1] Đoạn nói về tiểu sử Tổ ở đây, lược trích trong kinh Pháp Bảo Đàn.
Còn tiếp...
[ Mục Lục ]