headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 22/11/2024 - Ngày 22 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

NHỮNG LỜI DẠY CỦA THIỀN SƯ ĐẠO GIAI PHÙ DUNG

Người tu thì phải khắc tỉnh, khắc tiến. Không chần chờ ỷ lại bên ngoài, không cho căn trần dính nhau. Một công phu này giải quyết tích cực đến cùng, nếu như ta chưa sáng được việc sinh tử thì ta chưa yên lòng nằm nghỉ.

Mỗi lần nghiệm lại lời dạy của chư Tổ ngày xưa chúng tôi càng thêm cảm khái, như lời dạy của thiền sư Đạo Giai Phù Dung đừng để các căn dính với trần cảnh thì được giải thoát. Lời dạy ấy rất giản dị, nhưng cả một đời tu hành chưa chắc mình đã làm xong. Chúng ta công phu, hành đạo như thế nào, mà các căn không dính với trần cảnh bên ngoài, đó là giải thoát. Tinh thần giải thoát trong đạo Phật được xác định rõ ràng như thế.


Thiền sư Phù Dung là ai? Ngài là một thiền sư có công đức tu hành rất lớn, được nhà vua quí trọng. Hồi xưa các vị tu hành đạo cao đức trọng được vua chúa quí kính ban cho tử y, áo mão, bình bát hoặc các pháp cụ, pháp khí. Ngài Phù Dung cũng được như thế, nhưng khi phẩm vật vua ban tới, Ngài dứt khoát không nhận và nói: Mong bệ hạ nghĩ đến hạnh nghiệp thô sơ, đạo đức kém mỏng của thần, thường phát nguyện chẳng thọ danh lợi, cố giữ ý này đã được nhiều năm, như thế ngõ hầu truyền đạo cho đời sau.

Chúng ta cũng biết, phàm làm việc gì mà trái ý vua là mất mạng. Khi hay tin thiền sư không chịu nhận phẩm vật, nhà vua nổi giận, ra lệnh gia hình. Khi lệnh hành hình đến, các quan địa phương chịu trách nhiệm thi hành lệnh này vốn quý trọng ngài, nên nói nhỏ thế này: Trưởng lão ốm yếu, nếu như khai có bệnh sẽ được giảm thọ hình. Ngài trả lời: Bình thường lão tăng cũng có chút bệnh, nhưng hiện giờ thì không. Thiền sư không muốn nói dối để được yên thân. Vị quan chịu trách nhiệm đành phải thi hành lệnh vua.

Sau khi thọ án rồi ngài Phù Dung bị lấy y, phải mặc đồ thế tục và bị đày xuống ở Tri Châu. Tăng ni Phật tử kính trọng đạo đức của ngài, nghe sự việc như vậy ai cũng thương xót khóc than. Trên đường ngài đi, mọi người tìm cách đưa đón rất chu đáo. Ngài về tới vùng bị đày, cũng tạo được một am tranh, hàng đệ tử thương mến đến xin tu học ngày một đông. Dần dần chỗ ngài ở trở thành đạo tràng, hội chúng lên đến năm bảy trăm vị.

Triều đình biết việc này càng thêm kính trọng. Ai cũng biết rõ do thiền sư giữ vững tiết tháo của một bậc xuất gia tu hành chân chánh, khư khư không nhận y báu của vua ban, chứ không tội gì khác. Đó là một bậc chân tu đạo cao đức trọng, đáng để mọi người quy ngưỡng và noi gương. Do vậy trải qua một thời gian ở Tri Châu, ngài được phục chức trở lại. Triều đình xuống chiếu mời ngài về Trụ trì những ngôi tổ đình lớn ở gần kinh đô, giáo hóa đồ chúng số đến hàng vạn.

Trong cuộc đời giáo hóa, những lời dạy của ngài rất là bình dị: Trong đường luân hồi sinh tử nhiều kiếp trôi lăn, các ông đã từng làm người, từng làm trời, từng bị đọa vào loài súc sanh, các ông từng hưởng cái này cái kia, không thiếu thứ chi. Giờ này các ông chưa chịu tu, các ông còn đợi chừng nào nữa? Đời này không tự mình dứt khoát, cương quyết độ mình thì còn đợi đời nào mới độ. Các ông chưa ngán họa trình luân hồi sinh tử hay sao v.v... Do những lời dạy chí thiết ấy, nên trong pháp hội của ngài đa số tăng ni, học sĩ, các Phật tử đến nghe chỉ giáo đều áp dụng hành trì tốt. Vì vậy ngài rất nổi tiếng, là một vị thầy, một vị thiền sư có đạo đức thâm hậu và có bản sắc đặc biệt, không hề lay động trước danh lợi.

Ngài dạy: Chỉ chuyên tâm tu hành, giữ phận nghèo mà hành đạo, không để mất thời gian hành đạo, không bị danh văn lợi dưỡng mê hoặc, là gương sáng cho đạo, xứng đáng một người tu. Đây là những lời ngài dạy cho người xuất gia, nhắm thẳng người xuất gia. Phàm là tu sĩ phải chuyên tâm tu hành, không để các việc bên ngoài xen vô. Luôn nhớ giữ phận nghèo mà hành đạo. Đời xưa có những vị tu hành vì giữ khí tiết của mình, muốn có thời gian hành đạo, nên cả đời ở trong rừng núi, ăn cây, mặc cỏ, không dính dáng danh văn lợi dưỡng ngoài đời. Như vậy mới đầy đủ đạo đức để làm gương, dạy dỗ người đời sau tu hành.

Kiểm nghiệm lại ngày nay chúng ta được sự hỗ trợ của thiện hữu tri thức rất nhiều. Chư huynh đệ có thời khóa tu tập miên mật, hành trì công phu theo đúng thời khoá sẽ không có phút giây nào sơ hở. Nếu chúng ta để ngày tháng qua suông, không ý thức về giá trị đích thực của việc tu hành thì sẽ không bao giờ tu tiến. Người có ý thức, biết thương mình một chút nên xét lại sinh hoạt, sự tu tập hằng ngày, xem mỗi giờ hay mỗi thời công phu có kết quả, có sự an lạc trong lòng không. Quí vị quyết tâm tu tập thật xứng đáng thì có nguồn vui trong đạo bù đắp lại. Từ đó chúng ta phấn chấn tăng tiến hơn nữa trong từng phút giây, trong từng thời khóa. Mỗi ngày trước khi về liêu nghỉ ngơi, chúng ta kiểm nghiệm lại thấy lòng mình trong sáng vui vẻ là công phu tốt, ngược lại thấy trong lòng buồn bã không vui là công phu không tốt. Người biết thương mình, chín chắn lo việc của mình, phải tự cáng đáng, không ai khác thay thế việc mình. Làm sao qua ba tháng an cư quí vị thấy có niềm vui ngay trong công phu, trong lúc đang hành pháp, học pháp. Đó là bước tiến trên con đường đạo.

Phật tử cũng vậy, từ những niềm vui, sự phấn khởi, quí vị vừa tự tu vừa hỗ trợ được cho mọi người chung quanh. Mỗi khi thấy sự việc thương tâm, tự nhiên lòng trắc ẩn của quí vị dấy động, không giúp được cho người, quí vị thấy xót xa, không yên. Từ đó quí vị cố gắng tự hứa sẵn lòng giúp đỡ cho người với tất cả khả năng hiện có của mình. Làm được một việc mình cảm thấy phấn khởi, vui vẻ. Càng làm lợi ích cho người mình càng vui thêm. Từ việc đi chùa, học đạo cho tới việc tìm hiểu, thực hành, ủng hộ Phật pháp, mong mỏi cho Tam bảo còn mãi trên đời v.v... Tất cả những tâm nguyện, ý hướng tốt đẹp đó dần dần quí vị có thể thực hiện được trọn vẹn. Thế là công đức phát sanh và nương nhờ công đức ấy mà tâm Bồ-đề ngày một tăng trưởng.

Trở lại lời dạy của thiền sư Đạo Giai, làm sao cho các căn đừng dính với các trần. Đây là chỗ chúng ta cần tu. Người tu phải tập cho các căn hay các giác quan luôn sáng suốt bén nhạy, không có căn nào bệnh hết. Con mắt thấy rõ, lỗ tai nghe rõ, tất cả cái biết của các giác quan đều đầy đủ. Khi giác quan tiếp xúc với trần cảnh, như hoa trồng trên đá vậy. Chúng ta biết các loại hoa trồng nơi có phân bón, có điều kiện tốt mới phát triển được. Còn trồng trên đá, trên sắt, trên lò lửa v.v... không khi nào nó phát triển được. Đây là một pháp tu.

Nhà thiền không bắt chúng ta làm việc gì khác ngoài việc đừng bị dính mắc. Không bị dính mắc trong cái nghe, cái thấy, tất cả những cảm giác, suy nghiệm, phân biệt… đều bình thản an nhiên. Bây giờ chưa bình thản thì cố gắng bình thản cho được, nhất định làm việc đó, không ai có thể thay thế ta được hết. Mỗi người phải tự đảm đương thôi. Tu đến bao giờ mình không hề bị động bởi bất cứ sự nghe thấy nào thì được bình yên. Cái bình yên ấy là bước gần tới định tĩnh và trí tuệ chân thật tròn đầy.

Trí tuệ chân thật đó có sẵn nơi mỗi chúng ta, không phải tìm kiếm ở đâu xa. Nhưng nó chỉ hiện hữu khi chúng ta đừng chạy theo, đừng dính mắc trần cảnh bên ngoài. Sống được với trí tuệ chân thật hết khổ, được vui. Chỗ này nói nghe giản dị, nhưng khi gặp cảnh điêu đứng, khổ sở, mình làm sao bình tĩnh, không bị mất mình bởi cảnh duyên, điều này quả thật rất khó. Nếu bình nhật chúng ta không tu tập, khi gặp nghịch cảnh nhất định không thể làm chủ nổi. Cho nên ngay bây giờ phải tu dần, nhớ luôn tỉnh táo, sáng suốt, đừng lăng xăng chạy theo cảnh, lầm nhận, lầm nghe, lầm thấy mọi sự duyên chung quanh. Càng tu càng tỉnh, càng sống bình thường trước mọi thuận nghịch. Người có công phu rất hiền hòa, không náo động, không lăng xăng, bộp chộp, sống an nhiên tự tại.

(Còn tiếp....)
 

[ Quay lại ]