GIÁ TRỊ TU TẬP TRONG MÙA AN CƯ
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ năm, 19 Tháng sáu 2008 09:09
- Viết bởi nguyen
... Đứng trước sự tiến bộ lớn lao của loài người, chúng tôi thật vô cùng trân trọng. Nhưng nghĩ lại nhiệm vụ của người tu, sự phát minh của chúng ta còn to lớn hơn nhiều. Đó là khám phá và sử dụng được kho báu vô tận ngay nơi chính mình ... |
Mùa an cư là thời gian đức Phật chế định chư Tăng Ni tập trung một chỗ cố gắng tu hành. Ngày xưa sau ba tháng an cư, các vị đệ tử của đức Thế Tôn thường chứng Thánh quả và lấy đó làm pháp cúng dường cho đức Từ Phụ. Ngày nay chúng ta cũng theo dấu vết xưa, chư Ni tập trung về một chỗ tu tập nghiêm túc hơn những lúc khác.
Thật ra hồi xưa chúng tôi được đi nhập hạ hay đi trường hương là cả một vinh dự. Trong chùa các huynh đệ lớn được thầy chỉ dạy, sắp đặt đi an cư kiết hạ là một vinh dự. Về phía Phật tử, những vị ủng hộ đạo tràng, biết sư huynh nào được thầy cử đi trường hạ rất vui mừng, họ cúng dường tứ sự, lo từng phẩm vật cần thiết. Nghe nói đời sống trong trường hạ cần thứ gì họ cúng thứ đó, quí thầy không thiếu một món chi. Phật tử nghe nói kiết hạ an cư, tu đến cả trăm ngày nghiêm cẩn, họ rất kính trọng. Họ lo lắng chu đáo từ cái khăn cái áo, cho tới cái ca uống nước cũng mới luôn. Vinh dự là như vậy. Chư vị ở đây cũng hưởng được những vinh dự ấy.
Hôm nay sắp mãn mùa an cư, chư huynh đệ kiểm nghiệm lại xem qua một trăm ngày, mình tu tập, học hành, gặt hái được những gì? Chắc chắn là trước nhất ta có niềm vui, hoặc ít hoặc nhiều, không ai không có niềm vui. Niềm vui gì? Không phải niềm vui sắp mãn hạ mình được về, mà vui vì ba tháng qua chúng ta sống trong điều kiện thuận lợi nhất để tu hành nghiêm túc, tiến triển. Chư Ni được tu học, được bảo vệ và luôn được sự chỉ dạy của các vị lãnh đạo trong giáo hội, sự hỗ trợ giúp đỡ của các Phật tử. Mình được yên ổn, được bảo vệ trong một khung cảnh tu hành trang nghiêm thanh tịnh thì thật vui thích biết bao nhiêu. Chưa nói quí vị tu chứng đến đâu, chỉ cần qua ba tháng tu học nghiêm túc khỏe mạnh, không có việc gì xảy ra, không gặp trở ngại nào cho việc nhập hạ của mình là vui rồi. Nếu sống riêng rẽ một mình, có khi cả đời mình chưa gầy dựng nổi nhân duyên tốt đẹp như thế. Cho nên mùa hạ rất đáng trân trọng đối với hàng đệ tử xuất gia của Phật.
Tổ dạy: Kiến lợi kiến danh như nhãn trung trước tiết. Nghĩa là thấy lợi thấy danh như bụi rơi trong mắt. Bây giờ chúng ta có điều kiện thuận lợi nhất để mình nghiệm lại xem, đối với lời dạy của người xưa, mình thực hiện được chừng bao nhiêu phần trăm? Gặp danh gặp lợi như bụi rơi trong mắt. Người tu nếu không khéo, chạy trốn cái vòng danh lợi thế gian lại rơi vào cái vòng danh lợi trong đạo. Cho nên Tổ bảo phải tránh xa nó, thấy nó là bụi làm xốn xang con mắt, làm hư con mắt. Những cảnh duyên bên ngoài, những sự kiện trước mắt, những vấn đề chung quanh đời sống của chúng ta, tất cả những gì chúng ta chứng kiến, tiếp cận, suy nghĩ, va chạm hằng ngày, mình có tự tại, có không dính dáng chưa hay lầm nhận, chạy theo, mắc mứu, đắm nhiễm với nó. Nếu kiểm lại thấy mình còn yếu, còn bị đắm trước thì phải chỉnh đốn. Đó là tu. Pháp tu này không chỉ áp dụng trong mùa an cư mà mãi mãi trong đời sống tu hành, chúng ta đều áp dụng như vậy.
Kiểm nghiệm lại thấy mình còn dở, thì phải sửa đổi và tiến thủ. Cách thức tu hành theo tổ dạy là học trực diện ngay trong đời thường, trong mọi sinh hoạt, chớ không phải học trên chữ nghĩa. Hành giả lấy sự tỉnh giác làm chuẩn, chúng ta luôn luôn chủ động đối diện với chính mình, cũng như tiếp cận các duyên bên ngoài, không để bị vong thân. Những tiêu chuẩn mà chúng ta phải có khi tiếp cận với tất cả sự duyên là gì? Là không bị động, không tăm tối, không mắc mứu. Điều này không phải dễ dàng. Cho nên chúng ta phải siêng năng hành trì không chỉ ba tháng an cư mà cả đời. Người nào còn yếu thì ráng mạnh lên, phát huy trí tuệ thêm lên. Ai còn chạy theo ngoại cảnh thì hãy dừng bước, còn mắc mứu thì tháo gỡ. Tu là như vậy.
Khi tiếp duyên xúc cảnh, hoặc thuận hoặc nghịch chúng ta thường khởi phiền não. Cho nên đối trị phiền não là việc bổn phận của người tu. Phiền não thường não hại thân tâm, là lửa phiền nhiệt thiêu đốt thân tâm. Chữ “phiền” là lửa đốt trên đầu, chữ “não” là tâm bị bức xúc. Cả hai, phiền cũng không được mà não cũng không yên. Vì vậy những gì tồn đọng bên trong, gặp duyên phát khởi thì thành phiền não. Phiền não thì bất an, bất an thì định tĩnh không còn nữa. Không có định làm sao có tuệ. Do định mới có tuệ, không định thì không thể có trí tuệ. Điều đó tất yếu như vậy.
Cho nên những khóa lễ, giờ công phu, tụng niệm, đi kinh hành, tọa thiền… pháp nào cũng đều giúp cho chúng ta tỉnh giác, thấy thật tường tận, tinh tế bên trong của mình, xem còn cái gì trong đó? Lục lạo xem trong bụng, trong ngực, trong đầu còn cái gì? Nó có lợi hay nó quậy mình. Nếu nó quậy mình thì xin quí vị vui lòng thải nó ra. Dù nó là gì cũng phải thải ra, thảy ra cho hết, cho sạch để mình được yên định. Cách nhìn lại mình để chỉnh đốn tháo gỡ là cách tu giản dị mà có kết quả nhất. Nói giản dị nhưng thực sự không phải dễ điều phục. Bởi vì con trâu của mình không phải lúc nào cũng là con trâu đất, có khi nó hung hăng, vùng vằng, tới giờ ngủ nó đòi đi ra ngoài quán? Độc địa thiệt. Hoặc tháng này được xuất ngoại hai kỳ, mình đã đi hai kỳ rưỡi rồi, bây giờ muốn kiếm chuyện đi nữa. Quả là con trâu điên, do vậy rất khó chăn.
Các thiền sư dạy cách thức chăn trâu thế này: Trong tay phải có dây giàm, có roi, mục đồng không được ngủ gục. Mình muốn con trâu đi theo đường nào thì dẫn nó đi đường đó. Trâu ngó bên này liếc bên kia hoặc ăn lúa mạ của người, cái roi phải biết xử lý. Việc giản dị như thế, nhưng lòng mình không đơn giản như thế. Bởi vậy có khi động lòng trắc ẩn, mình thấy khổ tâm, thấy bực bội quá trời. Đó là gì? Là vọng tưởng. Những vọng tưởng điên đảo, những dấy niệm lăng xăng của mình, chứ chẳng phải của ai khác. Nếu có của ai khác mà dồn cho mình thì chắc bể bụng chết, chịu không nổi. Nội của mình không là đủ thấy mệt rồi. Cho nên dứt khoát ta không bao giờ chất chứa vọng tưởng điên đảo trong bụng.
Ý thức như vậy rồi, chúng ta phải thải những cái đó ra thôi, không để trong hông ngực mình làm gì. Tổ dạy người tu đừng dính dáng tới vọng tưởng bên trong, ngoại cảnh bên ngoài. Cương quyết, dứt khoát, không chạy theo, không ngó ngàng gì tới nó, không để nó lôi kéo mình. Nói thì như thế, nhưng nếu công phu hằng ngày không đắc lực thì chúng ta không làm gì được nó đâu. Vèo một cái là nó lôi mình đi mất tiêu. Quí vị nghiệm đi sẽ thấy, có khi ta ngồi nói chuyện thế này, nhưng nó dẫn mình đi thành phố, đi Vũng Tàu, đi Singapore, Đài Loan, Nhật Bản… đủ chỗ. Cái xác nói mơ nói mớ vậy chứ thực sự cái hồn đi đâu mất. Sức lôi dẫn của nó mạnh như vậy, nên tâm ta luôn bị phân tán, không có định tuệ.
Các ngài dạy rõ danh văn, lợi dưỡng, tài sắc, ăn uống, ngủ nghỉ… tất cả các sự kiện, các vấn đề chung quanh đời sống nhiều vô lượng vô biên. Do vậy lúc nào chúng ta cũng phải tu, ở đâu cũng phải công phu hết. Chẳng những ba tháng mà suốt đời phải chuyên cần tu tập. Nếu đời này chưa xong, đời sau ta lại tu nữa, vừa mở con mắt ra, nương Bát-nhã lực, gặp Phật pháp tiếp tục tu hành, không tính kể thời gian. Tu hành chừng nào mình hoàn toàn làm chủ được, không bị động bởi những thứ đó thì mới yên lòng. Đó là kinh nghiệm chư Tổ trải qua và dạy chúng ta như vậy.
Người tu phải lạnh nhạt với thế sự. Chúng ta tập buông bỏ chớ không nên tập thu vào. Lạnh tức là thôi đi. Nghe ai nói gì mình thôi đi, bỏ đi, buông đi, không bàn tới nữa. Hãy để nó vơi cạn dần, mình không đào xới, không hâm nóng mọi việc, tự nó sẽ yên. Nói thế không có nghĩa là chúng ta chạy trốn cuộc đời. Chúng ta sống một trăm năm nữa, những sự kiện này cũng sẽ diễn bày ra như thế, không bao giờ hết. Chỉ có điều ta phải biết cách sống với nó mà mình vẫn tự tại. Giống như người đi giữa cơn mưa lớn, muốn không bị ướt, chỉ có cách là mặc áo mưa bảo vệ, rồi đi trong đó tự tại. Chứ đợi mưa tạnh thì biết chừng nào xong việc của mình. Càng buông bỏ thì càng lạnh nhạt với thế tình. Có vậy việc tu mới tập trung.
Các trưởng lão khung lại thời gian ba tháng và không gian của đạo tràng này, để chúng ta không mất thì giờ giong ruổi ra ngoài. Nhờ sống yên ổn một chỗ, định lực dễ phát huy. Từ đó mình kéo dài, nới rộng nội lực ngày một thêm lớn thêm mạnh. Có thế sau khi mãn hạ, trở về bản xứ của mình, quí vị nhân rộng thời gian tu tập tích cực như trong mùa an cư. Nhờ đó thân tâm tiếp tục được an vui, thanh tịnh. Một năm có mười hai tháng, ba tháng chỉnh đốn nghiêm túc trong mùa hạ rồi, bây giờ còn lại chín tháng. Chín tháng này quí vị làm gì? Chín tháng này cũng tu học bình thường, chứ không có việc gì khác. Nếp sinh hoạt tu tập trong ba tháng an cư như thế nào, bây giờ chúng ta cũng giữ như thế ấy trong suốt thời gian còn lại. Như vậy đời tu của chúng ta mới có giá trị, mới xứng đáng là đệ tử Phật.
Một hôm ông Duy-ma-cật từ trong chợ đi ra, Tôn giả Quang Nghiêm hỏi: Cư sĩ từ đâu tới? Ông đáp: Từ đạo tràng tới. Tôn giả lấy làm lạ, cư sĩ từ trong chợ đi ra rõ ràng, tại sao lại nói từ đạo tràng tới. Thật ra Duy-ma-cật đã nới rộng trước rồi. Ông đã nới rộng việc tu học của mình, nên lúc nào ở đâu đối với ông cũng là đạo tràng. Mùa nào cũng là mùa an cư kiết hạ. Chúng ta cũng phải như thế, luôn nhiếp niệm tu tập cho xứng đáng.
Giữa cuộc đời này chúng ta phải tự quyết, tự phấn đấu. Người nào không phấn đấu quyết tử thì thua. Ví dụ có vị tính chiều nay nằm nghỉ, học từ sáng tới giờ mệt rồi. Vị ấy không muốn đi đâu, không muốn nghe cái gì nữa. Nhưng được không? Nếu trong lòng chưa chịu nghỉ, vừa nghe phòng bên kia nói lát nữa đi hội chợ là ngồi phắt dậy liền. Cha! Cái này nghe bộ khá. Hội chợ đâu? Chợ Cora. Hấp dẫn lắm, bán cái gì cũng rẻ cũng tốt. Nằm nhắm con mắt nhưng nghe huynh đệ bên kia mở cửa gọi: Chị ơi! Có xe rồi nè, đi chợ vui lắm. Lúc đầu không thèm nói, nằm im giống như ngủ vậy. Nghe kêu lần thứ hai, trong bụng thấy được được. Kêu lần thứ ba “thôi được, đợi tôi đi”. Thua! Coi vậy chứ không phải dễ đâu. Đó là đơn cử việc thường thôi, còn nhiều việc khác, nhiều vấn đề trong cuộc đời này hấp dẫn, chúng luôn kéo lôi mình, cho nên cuối cùng ta thua cuộc. Bởi thua cuộc nên mình cứ lầm lũi chạy từ đời này sang đời khác, mãi mãi. Cho nên chư vị thánh, các bậc Bồ-tát nói chúng sanh thật đáng thương xót vậy.
Người xưa dạy muốn ra khỏi trần lao phải chuyên tâm hành đạo. Chuyên tâm như thế nào? Thường người đời cho những suy nghĩ phân biệt là tâm của mình. Đó chưa phải là thật tâm, nó chỉ là bóng dáng, vọng tưởng. Bởi bóng dáng vọng tưởng nên nó biến hiện, lăng xăng, đổi dời, lén lút, ngược xuôi đủ cách. Bây giờ chuyên tâm là chuyên nhất, tập trung chỉ một việc tu thôi, không có thứ khác, không cho vọng tưởng điên đảo dấy khởi nữa. Như trong mùa an cư, chúng ta tuân thủ đúng theo chương trình tu học. Giờ nào tụng niệm thì tụng niệm, giờ nào học thì học. Hôm nay làm như vậy, ngày mai cũng làm như vậy. Từ ngày đầu khóa cho tới ngày mãn hạ đều liên tục thực hiện như vậy. Đó là chuyên tâm.
Chúng ta không để mất thời gian hành đạo, không bị danh văn lợi dưỡng làm mê hoặc. Người chuyên tâm rồi thì không bị mất thời gian bởi những việc khác, như việc đi lại, khách khứa, ăn uống, ngủ nghỉ, tiếp xúc… Chúng ta dành thời gian để ngồi thiền, tụng kinh, đọc sách, nghỉ ngơi, thiền hành v.v… nói chung là sống cho mình, làm chủ mọi sinh hoạt thường nhật. Không bị danh văn lợi dưỡng làm mê hoặc, đây cũng là tiêu đề, là khuôn vàng thước ngọc cho người tu. Nếu một tu sĩ bị danh văn lợi dưỡng kéo lôi thì đời tu còn có giá trị gì đâu. Một khi chúng ta không chuyên tâm, không quyết định tích cực trên bước đường tu tập thì dễ rơi vào vòng danh văn lợi dưỡng lắm. Rơi vào đó rồi là đường cùng, thời gian đeo đẳng miệt mài trong vô minh tăm tối không biết đến bao giờ mới ra khỏi.
Tăng Ni chúng ta phải là người nêu gương sáng cho đạo, xứng đáng đứng trong hàng Thích tử Như Lai. Tại sao nói gương sáng? Vì cũng có những gương không sáng. Khi nói gương sáng tức là phải có sự lau chùi. Lau chùi bụi bặm phiền não, những thứ đã từng bu bám phủ che ánh sáng trí tuệ của chúng ta từ lâu đời. Thật ra bản chất của gương vốn sáng nhưng vì bị bụi phủ che nên thành tối. Nếu chúng ta không lau chùi, không dọn dẹp thì gương không sáng. Nói cho đúng, gương không sáng là vì bụi chứ không vì gương. Chúng ta biết tại vọng tưởng lăng xăng làm mất đi sự sáng suốt của gương tâm. Bây giờ biết rồi chúng ta cố gắng lau hết bụi cũ và đừng để bụi mới phủ lên nữa. Dẹp bỏ hết những vọng tưởng tích tụ cũ và đừng nuôi thêm những vọng tưởng mới. Đó là cách làm sáng lại gương tâm của mình.
Chư Tổ ngày xưa có sức kham nhẫn rất lớn, kham nhẫn nghịch cảnh và kham nhẫn luôn cả thuận cảnh. Do đó các ngài lạnh nhạt với danh vọng, tiền tài, sống tự do tự tại trong mọi hoàn cảnh. Các ngài dạy: Nếu còn một chút gì chưa quyết thì mình đừng có dây dưa, đừng có hẹn đời nào mới xong mà phải làm sao kịp thời ngăn chặn và cắt đứt vòng trầm luân sinh tử. Đây là những lời dạy chí thiết. Nếu trong lòng chúng ta còn một niệm chưa dứt khoát thì ta phải cương quyết, đừng để nó dây dưa mà phải cắt đứt. Cắt đứt được từng niệm một thì vòng luân hồi sinh tử mới bị đứt. Ngang đây chúng ta có thể vui vì mình tập làm chủ được dần.
Luân hồi sinh tử bắt nguồn từ những loạn tưởng, những dấy niệm của chúng ta. Từ loạn tưởng điên đảo nó dẫn mình đi trong vòng gây nhân rồi chịu quả, tạo nghiệp vai trả trả vay không cùng. Bây giờ vừa có một niệm dấy lên mình dừng ngay, tỉnh sáng, làm chủ được, không để nó dẫn lăn lóc trong vòng tăm tối nữa. Đó là quí vị tập cắt đứt. Cho nên đối với các niệm phải nhanh chóng phát hiện, tỉnh giác và dứt khoát cắt. Đâu có khó khăn gì, một niệm tưởng vừa nhú đầu ra, mình điểm mặt nó liền dừng lại, nếu nó đã khởi lên rồi thì cắt đi. Đằng này quí vị không cắt mà còn nuôi lớn thêm nữa, làm sao cắt nó nổi. Ví dụ nó rủ mình ra ngã ba chơi, mình nói không đi, nó đâu dám rủ nữa. Ngược lại nó vừa rủ đi mình liền hưởng ứng nên nó mới kéo mình đi luôn. Hết ngã ba tới ngã tư, rồi dẫn chúng ta đi luôn trong sanh tử, không có ngày cùng.
Nhiều người tu cả đời nhưng không nghiệm ra luân hồi sinh tử từ manh mối nào mà có. Do vậy họ yên lòng chấp nhận, thả trôi đời mình lang thang mãi. Bây giờ qua lời dạy của Phật tổ, chúng ta biết vòng sanh tử lẩn quẩn là từ niệm khởi, từ vọng tưởng của mình. Muốn dứt dòng sanh tử thì phải dừng được niệm, dừng được những vọng tưởng. Một khi dừng được rồi thì chúng ta không còn ngán sợ gì nữa, cho tới chết cũng không sợ. Do không sợ mới có thể chủ động lúc sắp lâm chung. Mình sợ chết hoặc sợ bất cứ thứ gì đều là nguyên nhân đẩy chúng ta đi vào luân hồi sinh tử. Là người tu, mình không sợ gì hết, vì không gây nhân để phải thọ quả. Đó là con người hùng dũng nhất, vô úy, vô hữu khủng bố. Do không sợ nên không gì có thể khủng bố ta được. Bấy giờ mình sống đời an nhiên tự tại, không bị cái xấu cái đẹp, cái hay cái dở, cái hơn cái thua kéo lôi. Trong hiện đời không dính mắc hai bên là đã giải thoát rồi, đâu đợi phải tới khi nào.
Nhưng nếu như đã lỡ gây nhân rồi thì sao? Gây nhân thì phải chịu quả. Sợ cái gì? Đã dám gây nhân thì phải chịu quả, sợ cũng không khỏi được. Nhân quả là như vậy. Cho nên tốt nhất là đừng gây nhân xấu. Sợ là sợ ở nhân, chớ không nên sợ ở quả. Lời Phật dạy chúng ta đã hiểu, gây nhân nào sẽ gánh lấy quả nấy. Cầu người khác cứu giúp hay sợ sệt chạy trốn khi quả đến đều không thể được. Nếu có được cũng chỉ được phần nào thôi, trong khuôn khổ của luật nhân duyên nhân quả và với điều kiện đương sự phải thật tâm hồi tỉnh, chớ không thể hoàn toàn thoát khỏi luật nhân quả. Cho nên quan trọng là lúc gây nhân. Ví dụ chúng ta không muốn bị quả báo trộm cắp thì đừng bao giờ gây nhân trộm cắp. Nếu không gây nhân đó thì không bao giờ chuốc quả báo đó. Tù tội trước mặt nhân gian rõ ràng, đâu có xa. Cũng thế, nếu chúng ta không gây nhân luân hồi sinh tử thì sợ gì quả luân hồi sinh tử ?
Như quí vị muốn về Thành phố thì ra đón xe về hướng Thành phố. Xe ngừng mình đi, chắc chắn sẽ tới Thành phố không nghi. Nhưng nếu quí vị bước qua bên kia đường đón xe về hướng Vũng Tàu, thì không có chuyện nó đưa quí vị về thành phố. Rõ ràng như vậy. Bài học này thật đơn sơ, nhưng nếu không tỉnh giác chúng ta sẽ không thực hành được đâu. Người tu cần phải dè dặt, mãnh tỉnh, không để trần cảnh bên ngoài lừa. Chúng ta cố gắng làm chủ lấy mình, không để vọng tưởng điên đảo kéo lôi, không dính mắc bởi bất cứ thứ gì bên ngoài. Như vậy mới xứng đáng là đệ tử Phật.
Mong rằng từ mùa an cư thanh tịnh tốt đẹp này, tất cả quí vị có được một đà tiến cho cả năm và hơn thế nữa là cả cuộc đời. Chúng ta tu tập thế nào để tất cả mọi thời gian đều là mùa an cư kiết hạ. Được thế còn gì vui thích bằng, còn gì đáng trân quí hơn. Đó là chúng ta thực hiện được lời Phật dạy và cũng thực hiện được nguyện lành của mình. Tăng Ni phải nhớ nhiệm vụ hàng đệ tử xuất gia của đức Thế Tôn là vừa tu vừa làm việc ích lợi cho tất cả chúng sanh, nên không thể lếu láo qua ngày. Như vậy có lỗi với Phật Tổ, mà cũng là cô phụ hoài bão lớn nhất của đời mình.
Chúng tôi rất mong mỏi quí vị thành tựu được đạo nghiệp của mình sau ba tháng nghiêm trì giới luật, cấm túc an cư.