TINH THẦN TU TIẾN
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ hai, 23 Tháng sáu 2008 09:16
- Viết bởi nguyen
...Đứng trước sự tiến bộ lớn lao của loài người, chúng tôi thật vô cùng trân trọng. Nhưng nghĩ lại nhiệm vụ của người tu, sự phát minh của chúng ta còn to lớn hơn nhiều. Đó là khám phá và sử dụng được kho báu vô tận ngay nơi chính mình ... |
Lần này tôi về thăm trường hạ chùa Bửu Thiền - Long Thành, thấy toàn thể đại chúng đều vui tươi khỏe mạnh, tôi rất mừng. Phật dạy người tu có hoan hỷ, có tiến bộ thì dung nghi bên ngoài tươi tắn đẹp đẽ. Chư tăng ở đây đã qua hai phần ba mùa an cư, quí vị đều vui khỏe, như vậy chứng tỏ việc tu học có tăng tiến.
Chúng ta có tu nhất định phải có tiến. Tuy nhiên cũng có trường hợp một số vị tu hoài mà không tiến. Từ đó lâm vấp vào tình cảnh thối thất hoặc đứng tại chỗ, cuối cùng mất niềm tin với đạo pháp, với chính mình. Thật đáng tiếc. Điều này tùy thuộc vào hoàn cảnh sống, phúc duyên của mỗi người. Song điều tiên quyết nhất, người tu phải cố gắng, phải tranh thủ. Tranh thủ với thời gian, bệnh tật, với những hoàn cảnh chung quanh và nhất là tranh thủ với thân tâm này. Có tranh thủ như vậy chúng ta mới giữ vững được tâm nguyện tu hành của chính mình. Nếu sự tranh thủ ấy yếu kém, đôi khi ta bị các duyên chung quanh làm trở ngại. Do vậy tuy phát tâm tu nhưng không tiến bao nhiêu. Không tiến đồng nghĩa với dậm chân tại chỗ, dần dần suy sụp nhiều hơn rồi ta nản. Một khi nản thì con đường tu tập xem như bị bỏ đi, rất khó kéo lại. Cho nên có những vị thời gian đầu rất tích cực đối với đạo, tích cực một cách đáng nể nang, nhưng không lâu đụng phải việc gì trở ngại, những tích cực ban đầu tan rã hết.
Hồi xưa lúc tôi còn nhỏ, tu ở đạo tràng Vạn Đức – Thủ Đức, thấy có rất nhiều vị cư sĩ đang làm ăn, nhưng họ tu học còn siêng năng, tích cực hơn những vị tăng trẻ. Có những buổi trưa, đại chúng đều nghỉ hết, các vị cư sĩ này, như ông Từ Hiếu, ông Minh Kiến ở tận Gia Định, tranh thủ chạy về chùa công phu. Nhưng sau này không biết công việc làm ăn bề bộn thế nào hay vì lý do nào khác, họ về chùa thưa dần rồi từ từ không thấy về nữa.
Ở đây tôi nhấn mạnh là chúng ta phải tranh thủ, dành dụm mọi cơ hội, không để qua suông mảy may thời gian nào trong sự tu tiến. Nghĩa là chúng ta phải tu liên tục, thân tâm luôn luôn tranh thủ như vậy. Người xưa gọi là khắc tỉnh khắc tiến. Cái tỉnh đó phải mạnh mẽ, dứt khoát, không chút do dự gì hết. Được vậy mới có ngày an ổn, có ngày xong việc. Chúng ta phải có thái độ dứt khoát đối với mọi sự duyên chung quanh, sắp đặt thế nào để mỗi ngày công phu không bị lay chuyển bởi bất cứ việc gì. Tu như vậy may ra mới khế hợp, mới tương ưng với lời Phật dạy.
Hành giả tu thiền trước tiên phải được định. Có thiền có định mới sống với giác tâm của mình, mới an ổn tự tại. Muốn thế phải làm sao? Chúng ta đang sống, đang tiếp cận với tất cả cảnh duyên, vừa có một niệm dấy khởi ta liền biết, không chạy theo, không bị nó dẫn đi, như vậy là định. Có định thì trí tuệ Bát-nhã sẽ phát sinh. Trí tuệ vốn có sẵn, nhưng vì chúng ta chao đảo, lao lự theo cảnh duyên nên nó không phát được. Bây giờ muốn cho trí tuệ phát ra, thì đừng chao đảo nữa. Chúng ta phải dứt khoát, tỉnh sáng, không để cảnh duyên dẫn, mình chủ động được là nhờ định và tuệ. Giản dị thế thôi. Nếu trong sinh hoạt hằng ngày, lúc nào chúng ta cũng tập trung áp dụng như vậy thì định tuệ hiện tiền. Người như thế bảo đảm khỏi sợ chết bị đọa hoặc ai kéo lôi đi đâu. Bởi vì người ấy đã hoàn toàn tự chủ.
Đời sống tăng đoàn không giống như ở thế gian. Chúng ta sống bằng tinh thần hòa hợp. Lục hòa là cốt lõi, là xương sống của tổ chức tăng đoàn. Một việc này thôi, nếu tu tập được nhất định chúng ta sẽ thành công. Tinh thần lục hòa không phải chỉ nói suông, mà phải được thực thi trong tổ chức của mình. Tất cả chư tăng hòa kính nhau, vừa hòa hợp vừa cung kính nhau. Đời sống của tăng đoàn là bỏ nhà, không nhà học đạo, đức Phật không cho chư tăng bận rộn việc thế gian. Nội hai việc này ta giữ được, là đã có một nếp sinh hoạt tăng đoàn rất tốt đẹp. Có thế việc tu của huynh đệ tiến nhanh lắm.
Người xưa thường chọn núi rừng, những nơi vắng vẻ thanh tịnh để tu hành. Vì ở những nơi này ít tiếp cận công việc bận rộn của thế gian, các ngài mới dễ chuyên tâm tu hành. Một khi đã vào được cửa, đã mở cửa rồi thì các ngài đi thẳng vào công phu, chuyên tâm một việc. Người xưa hơn chúng ta ở điểm đó. Tăng Ni ngày nay bận rộn quá, quí vị chỉ có một cái thất nhỏ thôi, cũng bận rộn đủ thứ. Bận rộn là do chúng ta không biết tranh thủ, không sắp đặt cho cuộc sống của mình đúng với nếp đạo. Phật dạy hàng xuất gia là những người bỏ nhà, không nhà học đạo, chúng ta sống ngược lại với lời Phật dạy nên tu không có kết quả. Điểm này là điểm chúng ta cần phải suy nghiệm lại thật kỹ, đừng để càng ngày càng lún sâu vào những sự duyên.
Tăng Ni bây giờ lại còn chạy theo cuộc sống văn minh hiện đại nên càng mất thì giờ tu tập nhiều hơn. Ví dụ quí vị muốn biết thêm những tiến bộ, những thông tin bên ngoài, nên sắm cái truyền hình. Khi có cái truyền hình thì chạy theo nó, bỏ được giờ giấc tu chớ không bỏ được chương trình của nó. Thành ra chỗ này bị chướng. Nếu chúng ta khắc phục một chút việc tu sẽ thành công hơn. Chúng ta dành nhiều thời gian cho việc tụng kinh, tọa thiền, để tâm thanh thản, nhẹ nhàng, như thế mới có định có tuệ. Cứ vùi đầu vào ti-vi một ngày hai ba tiếng đồng hồ, lâu dần thành quen, coi đó là sinh hoạt bình thường, mất hết thời gian tu tập mà chẳng thấy hổ thẹn chi cả.
Ngày xưa, thời khoá của người tu thường được chia ra đầu đêm, giữa đêm và cuối đêm. Đầu đêm từ khoảng 6 giờ chiều cho tới 10 giờ tối, giữa đêm từ 12 giờ cho tới 2 giờ, cuối đêm từ 3 giờ khuya tới 5 giờ sáng. Bây giờ giảm bớt chỉ còn đầu đêm và cuối đêm thôi. Vậy mà đôi khi có vị vẫn không tu được. Đầu đêm mắc coi truyền hình hết ngồi thiền tụng kinh, giữa đêm thì ngủ vùi, cuối đêm thức dậy không nổi, làm sao thiền định được!
Tăng Ni phải gương mẫu để nối nắm vận mệnh tương lai của Phật giáo. Vẫn biết cần phải cập nhật theo đà tiến của xã hội, nhưng đó chỉ là chuyện phụ, là phương tiện trong một giới hạn nào thôi. Tu vẫn là việc bổn phận chính của hàng xuất gia. Biết chuyện trên trời trên mây, chuyện Internet v.v… đủ thứ mà không biết chuyện của chính mình, có phải hoang đường không? Quí vị cứ lao theo các sự duyên bên ngoài thì tâm đạo đâu còn. Thiền định, trí tuệ làm sao phát triển đây! Người tu mà một ngày không có thì giờ yên lắng thì làm sao tu được, cứ lăng xăng hoài rồi nói tu mãi vẫn không thành Phật. Có trí tuệ, có giác ngộ đâu mà thành Phật!
Cho nên chư vị tôn đức nên tổ chức thời gian tu học thật tốt cho chư tăng, giúp anh em có điều kiện chung sống hòa hợp để trao đổi, trui luyện, đồng thời cũng để chuyên sâu vào việc chính của mình. Rõ ràng nếu tự bản thân chúng ta không giác ngộ thì không ai thay thế mình được. Giả dụ bây giờ đức Phật có sống trở lại đây, mà chúng ta không chịu tu, không giác ngộ, Ngài cũng không sao cứu được mình.
Buổi tối chúng ta không tụng kinh, không ngồi thiền là thiếu đi sự vun quén để tỉnh giác. Thiếu yếu tố này thì không ai giúp mình đi đến giác ngộ được. Mỗi chúng ta phải tự tu tự đào xới mới được cái đó. Rõ ràng chuyện này là chuyện của chúng ta, chúng ta tự đào xới, tự nuôi dưỡng, phát triển cho thành tựu. Đó là việc chính của người tu. Cho nên cần phải tranh thủ, dành dụm cơ hội, phải tỉnh giác tinh tấn tu tập, không nên lếu láo qua ngày. Đó là điểm tôi muốn nhắc nhở anh em.
Một điểm nữa, tôi muốn nói đối với việc tu hành cần phải tập trung miên mật. Nhiều vị sai lầm trong quan niệm và việc làm của mình mà vẫn đương nhiên chấp nhận, không cảm thấy hổ thẹn gì cả. Ví dụ quí vị muốn đi đây đi đó cho biết như đi Mỹ, đi Úc, đi Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc…. Nhưng xin hỏi lại biết để làm gì? Nếu cái biết này đảm bảo khi quí vị sắp lâm chung, Phật Bồ-tát tới nói “nhờ ông biết đây biết đó, nên tôi tới rước về Cực Lạc, rước lên Niết-bàn” thì cũng nên biết. Đằng này chúng ta bước ra một bước, tổ Quy Sơn bảo toàn là cỏ rác thì biết để làm gì? Nhân ngày mãn hạ, chư tăng đến đảnh lễ để lui về bản xứ của mình, Tổ Quy Sơn dạy: “Các vị khéo đi, một bước là cỏ rác”. Tức người không có công phu, bước ra một bước vướng không biết bao nhiêu chuyện. Chuyện đời chuyện đạo, chuyện mình chuyện người, chuyện chúng sinh, chuyện xã hội, đủ thứ chuyện. Nhiều thứ như vậy làm sao chúng ta được thiền được định.
Đứng trước sự tiến bộ lớn lao của loài người, chúng tôi thật vô cùng trân trọng. Nhưng nghĩ lại nhiệm vụ của người tu, sự phát minh của chúng ta còn to lớn hơn nhiều. Đó là khám phá và sử dụng được kho báu vô tận ngay nơi chính mình. Việc này nếu không tập trung, không tranh thủ, làm sao thành tựu nổi? Cho nên trân trọng những phát minh khoa học, nhưng việc riêng của mình không được quên. Như vậy chúng ta phải làm sao? Phải hết lòng trong việc tu tập. Đi tu không phải để ngao du sơn thủy, không vì cơm áo lây lất qua ngày, mà là tập trung vào một việc, tu tập làm sao để tâm định sáng.
Một điểm nữa, tu hành phải chấp nhận cay đắng, gian nan. Bỏ một thói quen nào cũng cay đắng lắm. Ví dụ quí vị quen hút thuốc, bây giờ muốn bỏ là cả một vấn đề. Nhiều thầy trước kia quen hút thuốc, đến khi đi tu thèm quá phải lén vô nhà vệ sinh hút. Thế nhưng cũng không tránh khỏi mấy thầy có trách nhiệm. Bởi vì khói thuốc phà ra, đi ngang là biết rồi. Chỗ người ta đi vệ sinh mà vô đó để thưởng thức như vậy. Cay đắng lắm, nhưng bỏ không được. Cho nên người tu phải có ý chí mạnh mẽ, vượt khó, dám xả bỏ thân mạng thì mới tu tập được.
Vì vậy trong pháp nghi thọ giới, luôn luôn có những lời nhắc của các bậc giới sư. Các ngài nhắc: “Thà mất mạng chứ không thể mất giới”. Ở đây đối với những thói quen hiện đời, hay những chủng tử nghiệp từ nhiều đời, nếu chúng ta không quyết tâm tẩy rửa, chuyển hóa thì không thể chiến thắng được nó. Song người tu thà mất mạng chứ không thể để mất việc tu hành. Những thói quen đó kéo lôi, dẫn mình đi, tới khi tỉnh được thì xa quá rồi, chúng ta đã mất hết thời gian.
Như người thế gian sanh ra, lớn lên, đi học, thi cử đỗ đạt, có gia đình, làm việc không bao lâu, đùng một cái thấy tóc đã điểm sương, có cháu nội cháu ngoại đủ hết. Bấy giờ thân thể bệnh hoạn, chân mỏi, lưng khòm, đủ tướng suy yếu hiện ra. Huynh đệ chúng ta cũng vậy, lâu ngày gặp lại, ngồi với nhau mà thảng thốt “Mới đó mà giờ tụi mình đã già hết rồi”. Vì vậy một khi chúng ta đã kết chủng duyên với Tam bảo thì gắng nỗ lực, phải khắc phục và chấp nhận tất cả khó khăn cay đắng để tiêu trừ tập khí, những chủng tử mà chúng ta đã lỡ để nó thấm nhiễm trong tâm. Còn trẻ khỏe mạnh dễ tu, chứ già yếu khó tu lắm.
Trước đây ở Thường Chiếu, có một cụ già trên 70 tuổi, rất khỏe mạnh. Khi còn sống tại gia đình, cụ đạp xe ba gác tự nuôi thân, không chịu nhận tiền bạc của con cháu. Chỉ phải tật làm được bao nhiêu tiền đem uống rượu hết. Đến khi gặp Hòa thượng, cụ xin vào thiền viện tu. Được Hòa thượng chấp nhận ở trong chúng tập tu, cụ bỏ rượu, bỏ thuốc ngay lập tức. Trong chùa việc gì cụ cũng hăng hái tham gia, không ngại cả những việc nặng nhọc. Vườn chùa có một khoảnh đất trũng, mùa mưa cát trôi xuống lấp đầy, nên đất chỗ này xấu lắm, trồng cây gì cũng không khá. Lúc đó có người cho tràm, trồng thử thấy được, tôi nói với cụ “Người ta mới cho ít tràm, cụ trồng phía trước nghe”. Cụ nói: “Để con, con làm”. Ông già ra cuốc đất làm, cứ nhắm nhắm đào lỗ hạ xuống. Thầy Tri viên thấy bảo: “Cụ ơi! Thầy Trụ trì kỹ lắm, cụ làm ơn căng dây thẳng hàng cho đẹp”. Cụ không nói gì, cứ làm. Thầy nào léng phéng nói tới nói lui, cụ bảo: “Làm không làm thì cút ngay để tui làm”. Ông già này thiệt là dứt khoát. Cho đến những ngày cuối cùng, mấy người con thương quá muốn đem cụ về nhà bảo dưỡng nhưng cụ nhất định không chịu, đòi ở chùa sống với quí thầy, không sống ngoài thế gian. Dứt khoát. Đến lúc chót tôi tới thăm, cụ đã quên hết, không còn nhìn ra tôi, mặc dù bình thường cụ luôn nhớ đến tôi. Con người tới lúc sắp ra đi là như vậy. Khi xưa dứt khoát, mạnh khỏe, vậy mà bây giờ không còn chút tự chủ nào cả. Cụ sống tình trạng đó khoảng chừng một hai tuần thì mất.
Việc tu hành không phải khó khăn lắm, nhưng nếu chúng ta dễ duôi, không dứt khoát hoặc kiểu một nắng mười mưa thì không thể nào tu có kết quả được. Đã chấp nhận tu hành thì phải chấp nhận mọi sự cay đắng, khó khăn, làm sao cho tâm đạo ngày càng sáng, như vậy mới hoàn thành được tâm nguyện hướng về đạo, nương theo chư Phật cho đến giác ngộ viên mãn.
Người tu chúng ta còn một nhiệm vụ to lớn nữa. Ngoài việc chính là lo tự độ cho bản thân, tu tập thật tốt, có niềm vui nhất định, còn phải đem kinh nghiệm đó chỉ vẽ lại cho người sau, những bạn đồng tu với mình. Nhiệm vụ này gọi là nhiệm vụ thắp sáng ngọn đèn Phật. Chúng ta không thể để cho ngọn đèn Phật tắt ngủm, mọi người quờ quạng trong tăm tối. Dù chúng ta chưa giác ngộ như Phật, nhưng đường hướng chủ trương ta nắm vững và có một phần thể nghiệm trong công phu tu hành, nên có thể nắm tay dìu dẫn các bạn đạo cùng tu. Bổn phận ấy phải được xuất phát từ lòng từ bi thì mới có thể kham nhẫn trên con đường lợi tha, không thôi sẽ phiền não mà mất hết công đức. Một người con Phật muốn thành tựu giác ngộ viên mãn thì nhất định phải thành tựu tự lợi, lợi tha viên mãn.
Muốn làm được những việc như thế, ngoài sự nỗ lực tu học của bản thân, quí vị còn phải cần cầu những kinh nghiệm của các bậc tôn đức đi trước bổ sung, hỗ trợ cho tâm nguyện tu hành của mình thành tựu viên mãn. Như vậy sau này mới có thể thay các bậc thầy làm lợi ích chúng sinh chút chút. Làm chút chút thôi, chúng ta không dám nói là sẽ gánh vác, sẽ chịu trách nhiệm gì, chỉ mong làm được chút chút việc trong phạm vi, trong điều kiện có thể của mình. Do tâm thành khẩn cần cầu thiện tri thức của chư tăng, nên chư vị tôn đức mới chịu khó, mùa an cư kiết hạ hoặc trong những thời gian tu tập của quí vị, các ngài đều đi đến chỉ dạy. Chỉ mong quí vị chuyên tâm tha thiết, nỗ lực hành trì làm sao phát minh được Phật pháp, đem Phật pháp hướng dẫn lại người sau, giúp mọi người đều được thấm nhuần Phật pháp, phát tâm tin kính và tu hành có an lạc, hết khổ được vui.
Chư tăng tùy vào phúc duyên và khả năng của mỗi vị có thể hoằng truyền Phật pháp, làm lợi ích chúng sinh. Vị nào giảng nói Phật pháp mà mọi người nghe, hiểu và hành được, đó là phúc duyên. Song cũng có nhiều vị học giỏi, nhớ dai, nhưng nói ra điều gì người nghe cũng khó hiểu, khó cảm thông, đó là thiếu phúc duyên. Biết rõ như vậy chúng ta cố gắng tu tập nhiều hơn nữa, chớ không buồn. Được vậy mới tăng tiến trên đường Phật đạo.
Các bậc tổ sư, các bậc thầy của chúng ta cũng vậy. Giai đoạn đầu các ngài nỗ lực tu tập sau mới hành đạo. Mỗi ngài đều có lập hạnh, có sự quyết tâm. Đồng thời song song đó cũng do có phúc duyên, mà các ngài làm được những việc lợi ích lớn lao khác nhau. Noi gương các ngài, chúng ta đi trên con đường Phật đạo thì phải tu như vậy, sống như vậy, làm lợi ích chúng sinh như vậy. Các bậc thầy đã nuôi dưỡng, uốn nắn để giúp chúng ta thành tựu, bây giờ gặp trở ngại mình buông hết, đóng cửa, bỏ việc cho ai? Như vậy là cô phụ, là có lỗi với các bậc tôn trưởng. Cho nên càng gặp khó chừng nào, chúng ta càng xông pha chừng ấy, quyết tâm phải thành tựu cho được tâm nguyện do người xưa giao phó.
Từ tâm nguyện, từ hùng lực ủng hộ Tam bảo, với quyết tâm mạnh mẽ nhất định mình sẽ vượt khó thôi.
Người tu nếu gặp khó thì phải khắc phục, nếu thành tựu dễ dàng không nên tự mãn. Khó khăn hay thành tựu gì, chúng ta cũng là những người đang cố gắng tiến lên. Giống như đang đi lên dốc ngược, trời trưa nắng gắt, chúng ta không có quyền đứng lại một chỗ để thưởng thức hoài những cái mát mẻ tạm thời, mà chấp nhận tốc mồ hôi, mỏi chân mỏi gối, cố gắng đi đến nơi đến chốn. Chúng ta nguyện chừng nào tất cả chúng sinh đều thành Phật hết, chúng ta mới thành Phật. Anh em đi tu, làm tất cả việc công đức, nguyện độ hết bà con quyến thuộc và tất cả chúng sinh thành Phật, sau ta mới thành Phật.
Chúng sinh là ai? Là những vọng tưởng của mình đó. Chúng ta tiêu trừ hết, đưa nó vào vô dư Niết-bàn, dọn dẹp sạch hết ba thứ đó mới thành Phật được. Không có cảnh giới Niết-bàn nào, không có vị Phật nào dám rước khi chúng ta còn đầy ắp phiền não. Cho nên phải ráng làm sao sạch hết phiền não, độ hết chúng sinh, độ hết những vọng tưởng điên đảo thì mới thành Phật. Lời nguyện độ tất cả chúng sinh mới nghe thấy như mơ hồ, không thực hiện được. Nhưng nghiệm kỹ lại quả thật cụ thể. Nếu chưa hết vọng tưởng thì không khi nào chúng ta thành Phật được. Cho nên phải hết vọng tưởng, phải làm chủ được tất cả các dấy niệm, không bị nó kéo lôi, chúng ta mới có định tuệ, mới giác ngộ giải thoát.
Khi đã có kinh nghiệm tu hành rồi, lúc đó chúng ta tự tại, sống không bị gò bó, dính mắc trong bất cứ việc gì. Tuy nhiên chữ tự tại trong nhà Phật cần phải được hiểu cho đúng đắn, nếu không ta sẽ hiểu lầm tự tại thành phóng túng buông lung. Nhiều vị bảo tự tại nên giong ruổi mãi, không chịu ở yên một chỗ tu hành. Thật ra để đi đến tự tại giải thoát theo đúng nghĩa Phật dạy thì cả đời chúng ta làm cũng chưa xong. Nói tự tại giải thoát là không còn vướng mắc gì hết, tự tại đối với các cảnh duyên, đối với tất cả các sự kiện, các hiện tượng ăn mặc, ngủ nghỉ, tiếp xúc… mà mình cái gì cũng vướng mắc làm sao tự tại giải thoát được?
Chúng ta còn bị câu thúc, gò bó, ép ngặt trong các sự duyên đó nhiều lắm. Tới bữa ăn mà thức ăn không thích hợp, mình không chịu ăn. Rõ ràng còn nhiều bất an bất ổn nằm sẵn trong chúng ta, có cơ hội nó nhảy ra liền. Cơ hội đó là những cảnh duyên khi ta tiếp xúc, chạm mắt chạm tai là có liền, vì vậy lúc nào mình cũng có thể phiền não được hết. Có khi đang tụng kinh mình cũng phiền não nữa. Như đang tụng kinh mà mấy đứa nhỏ trong nhà giỡn quá phát bực. Không lẽ bây giờ ngừng mõ rầy nó. Phiền não. Phiền não quá nhiều có khi tụng lộn, tụng hoài không ra nổi một bản kinh. Việc tu tập cần phải để tâm chuyên chú mới thực hiện được, chứ như thế thì bị nghiệp dẫn đi mất rồi, cho nên tu mà chẳng có kết quả chi.
Chúng ta phải gắng lên, lấy việc tu hành làm sinh mệnh của mình, không hẹn nay hẹn mai, qua hết thời gian thuận lợi, tu không được đâu. Nói tới đây tôi nhớ một câu chuyện. Có thầy đó rất tài. Bởi có tài cho nên được mời tham gia nhiều việc. Thầy giảng dạy, nghiên cứu, viết lách, dịch thuật đều hay cả. Thầy làm những việc đó tới ngoài năm mươi tuổi cũng không ngừng được. Càng lớn chừng nào công việc, nhiệm vụ càng quan trọng hơn. Nhiều lần huynh đệ đến thăm và nhắc. Nhắc sao? Nói thầy làm kiểu này tới lúc chết, đem những văn bản ra đọc, hoặc gom hết các giấy khen chất chung quanh cái thây. Thầy bảo: “Tôi biết chứ. Ngoài bốn mươi tuổi thì thấy sức khỏe suy rồi, nhất là làm việc bên ngành văn hóa. Tôi sợ lắm, hôm nào mình đột quỵ, đâu còn nhớ gì nữa mà làm. Nhưng bây giờ không biết ngừng ở chỗ nào? Làm sao ngừng được, công việc nó cứ đưa tới!” Tôi nói: “Thiệt ra không phải tôi khuyên thầy bỏ việc, mà thầy có sống thêm một trăm năm nữa cũng không làm hết việc đâu. Thầy làm nhưng tùy theo sức khỏe, tuổi tác, giao bớt cho người sau, mình rút dần, chứ cứ đương đầu lãnh thêm việc thì có ngày chết gục đó”. Quả vậy, sau lần anh em thăm viếng chừng tháng mấy, nghe nói đùng một cái thầy tắt ngang. Công danh sự nghiệp cũng không còn. Đó là hình ảnh để bổ sung vào cuộc đời tu hành cho chúng ta.
Trên con đường Phật đạo, tất cả chúng ta đều biết sự hành trì, công phu tu tập, phần thể nghiệm mới là chắc thực, mới có giá trị. Còn những kiến thức thu lượm bên ngoài đều là những phương tiện bổ sung cho việc chính yếu trên. Người xưa nói việc lớn sinh tử khi chưa sáng phải khẩn trương như đưa ma mẹ, đã sáng rồi cũng phải như đưa ma mẹ, mới mong thành tựu đạo nghiệp. Chưa sáng chúng ta nỗ lực tha thiết hành trì đã đành, mà sáng rồi cũng kiên quyết hành trì, không bỏ lửng, không để thời gian qua suông. Lúc nào cũng thành khẩn chí thiết giống như mẹ mình mất, ta làm đám tang cho mẹ thật thành khẩn tha thiết vậy.
Là người tu, chúng ta học theo gương hạnh của người xưa, nguyện tu học chừng nào thành Phật, bằng Phật mới vừa lòng mình. Tăng Ni nguyện tu học, đồng thời giúp cho mọi người chung quanh cũng đều tu học như vậy. Từ sự quyết tâm ấy cộng với sự hộ trì của Tam bảo, nhất định chúng ta sẽ thành công. Trong mùa an cư kiết hạ, thời gian không tới một trăm ngày, chúng ta cố gắng tranh thủ, nhất định qua mùa an cư, sự tu tập phải tăng tiến. Từ một trăm ngày đó ta kéo dài tiếp nhiều trăm ngày khác cho đến hết cả cuộc đời, dốc lòng vào việc tu hành. Như thế nhất định có ngày công thành quả mãn.
Nói đến tu hành là nói đến sáng đạo, sáng được việc của mình, làm chủ sinh tử, chứ không phải bận rộn với những sự duyên, với cơm ăn áo mặc, với chùa chiền, bản đạo… mà làm sao cho sáng đạo, làm chủ được sinh tử, mới mong thắp sáng được ngọn đèn Phật, nối tiếp tâm đăng chư Tổ. Chúng ta thành khẩn cúi đầu trước Tam bảo, nhận sự hộ trì của Tam bảo và cũng cúi đầu ghi nhận công đức, sự hộ trì giáo dưỡng của chư vị tôn đức, của thiện hữu tri thức, cũng như sự hỗ trợ của đàn-na thí chủ, quyết tâm phải sáng được đạo mới thôi.