TU LÀ PHÁT HUY TRÍ TUỆ
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ Sáu, 11 Tháng bẩy 2008 08:41
- Viết bởi nguyen
...Tu là cốt làm sao phát huy trí tuệ của mình cho được trọn vẹn... |
Thiền Uyển Tập Anh ghi lại lời dạy của một thiền sư Việt Nam: “Tu là cốt làm sao phát huy trí tuệ của mình cho được trọn vẹn”. Trí tuệ đó là trí tuệ Bát-nhã hay còn gọi trí tuệ vô sư, tức là trí bản hữu nơi mỗi chúng ta. Bao giờ những tăm tối cù cặn, phiền não vọng tưởng không còn bu bám nữa thì trí tuệ ấy sẽ phát huy.
Là con Phật tu theo Phật, chúng ta hợp với pháp môn nào cũng đều phải nỗ lực hết. Không có pháp môn nào tu sơ sơ mà thấu triệt được giá trị thiết thực của nó. Lời dạy của Phật tổ đi từ kết quả tu chứng mà ra. Do vậy chúng ta tu muốn lợi lạc, muốn hết khổ được vui thì phải thực hành đúng theo những lời dạy ấy. Tùy theo mức độ công phu của mỗi người mà trí tuệ bản hữu phát triển.
Ở đây xin nêu lên mấy điểm cần thiết trong lúc dụng công tu hành.
1. Ăn mặc đầy đủ
Đây là vấn đề trong sinh hoạt bình thường, nhưng chúng ta phải biết ăn mặc như thế nào để tu được, để không bị trở ngại việc tu hành. Nếu không biết cách ăn mặc đúng như Phật dạy, tham đắm sự ăn uống, đây là nguyên nhân làm phát sinh thói hư tật xấu. Chúng ta ăn vừa đủ, vừa no, có thể giữ được sự sống để tu hành. Ăn như vậy là hợp với pháp tu và cũng hợp với đời sống của người tu.
Phật dạy ăn là vì nuôi dưỡng đạo đức, để có sức khỏe phát huy sự tu học, cho nên khi ăn phải ngăn ngừa những dấy niệm tham ăn. Với người tu thiền, ăn để duy trì mạng sống, phát huy thiền định. Chư tổ dạy: “Nếu người tu thiền, buổi chiều ăn những thức sống nhiều, ăn những thức lạnh quá, ăn những thức cứng chắc, làm cho dạ dày no đầy thì ngồi thiền không yên. Nếu ngồi thiền bị hôn trầm, ngồi thiền nhiều vọng tưởng, ngồi thiền mà không làm chủ được, trước nhất nên kiểm lại chế độ ăn uống của mình”. Chư tổ có kinh nghiệm về thiền, thường dạy mình chỉ dùng những thức ăn lỏng nhẹ cho dễ hành thiền. Quả thực, nếu chiều mà ăn tiệc tùng nhiều, no quá, ăn những thức ăn sống hoặc lạnh, người dạ dày yếu dễ bị thương thực lắm. Bệnh thương thực rất dễ dẫn đến tử vong. Cho nên vị nào ăn kiêng được, điều hòa tốt việc ăn uống là thuận duyên lớn hỗ trợ cho việc tu hành dễ đạt kết quả tốt.
Ăn vừa phải, chúng ta ngồi thiền dễ phát triển trí tuệ, tâm được điều hòa, không nóng nảy, không buồn giận. Những người điều hòa vui vẻ bình an như thế có ảnh hưởng rất tốt đến mọi người chung quanh. Trong một tập thể đông đảo cần có những người như vậy. Trái lại, người bốc đồng nóng nảy hoặc sôi nổi quá dễ ảnh hưởng đến tập thể. Cho nên người nào tu hành tốt, có công phu thì rất điều hòa, rất bình thản đối với tất cả các pháp.
Ngày xưa nhiều vị khi đi hành khước, gặp được thầy rồi thì nhận ra yếu chỉ. Bấy giờ các ngài đi thẳng vào hang núi thiền định, không sắp đặt việc gì, không để dành gạo, không may sẵn quần áo, cũng không có bà con bản đạo, hứa hẹn mỗi tháng lên thăm một lần hai lần... Đi thẳng vào núi, ăn cây, mặc lá, uống nước suối sống tu. Chủ yếu là ngộ đạo, sáng được việc của mình, quên thân vì đạo, nên buông xả hết. Đó là gốc của sự tu. Đức Thế Tôn trong thời gian tu ở Tuyết Sơn cũng vậy. Sống một đời sống đạm bạc, chỉ có cái y rách che thân, không chuẩn bị hay để dành gì cả.
Chúng ta bây giờ có chùa có viện, có đệ tử đệ tôn, có bà con quyến thuộc, nhà bếp, nhà kho, để dành gạo, để dành tương, đủ thứ hết. Lúc nào đói bụng ta cũng có thể nấu cơm nấu chè ăn lai rai. Chính vì thế mà trở ngại lớn lao cho việc tu hành. Bận bịu nhiều trong sự ăn sự mặc, nhất định không thể nào tiến đạo nghiêm thân được. Chúng tôi nêu lên những điều thông thường như vậy để chúng ta chỉnh đốn lại sinh hoạt, đời sống tu hành của mình.
Phật dạy tài sản vật chất của người xuất gia chỉ có ba y thôi. Ngoài ba y ra không được cất chứa thêm những thứ khác. Điều này xem ra bây giờ chúng ta không giữ được. Ngoài ba y ra, mình còn để dành một số vải, có thể may thêm một y áo nữa. Ngày xưa những vật như thế, chư Tỳ-kheo không có quyền làm chủ, mà phải làm phép thuyết tịnh theo đúng luật. Làm phép thuyết tịnh rồi thì đó là của thường trụ, của chung. Dù là của gia đình sắm cho hay của ai tặng riêng mình, chứ không phải cúng dường chúng tăng, nhưng khi đã làm phép thuyết tịnh rồi thì của đó không phải là của mình nữa, mà là của chung. Của chung thì không ai có quyền chiếm giữ hay tự sử dụng theo ý riêng.
Luật Phật chế định như thế để làm gì? Để chế ngự lòng tham. Bởi vì chúng ta tham chứa, cái gì đẹp, vừa ý là muốn ôm vào, muốn nắm giữ. Ôm giữ những thứ đó thì quên đạo bỏ đạo, nặng với đời thì nhẹ với đạo. Việc ăn mặc thấy bình thường, nhưng nếu chúng ta không điều hòa thì không tu được. Bây giờ không nói của cải nhiều, như quí vị có một cái thất, trong thất có một cái đơn để nằm. Chữ “đơn” cũng có nghĩa là đơn độc. Người tu nằm cái giường vừa phải, đúng theo thước tấc Phật quy định, rồi có một án thờ Phật nho nhỏ, một cái bàn để kinh sách v.v... tạm như thế.
Nhưng với người có phước, được Phật tử ủng hộ nhiều thì cái đơn quý hơn, cái bàn đặc biệt hơn. Như thế cũng có thể làm dấy động lòng tham của chúng ta. Nếu ai tới xin những thứ ấy mình đâu có dễ dàng buông ra. Giả dụ cái đó bị mất, bị cướp mình sẽ không hoan hỷ, khởi niệm tiếc nuối, thán oán. Như thế thật là tai hại, ngăn trở quá trình công phu thiền định của chúng ta. Do vậy nhu cầu về đời sống của người tu luôn luôn giản dị, chừng mực, với tinh thần ít muốn biết đủ. Tinh thần biết đủ này chẳng những người xuất gia, mà giới Phật tử khi phát tâm học đạo tu hành cũng như thế. Giới hạn là một cái thắng, một cái chuẩn để chúng ta ngăn ngừa lòng tham. Như vậy mình mới có thời gian hành trì chánh pháp.
Chúng ta sắp xếp như thế nào để mỗi thời, mỗi ngày, mỗi giai đoạn phát huy được trí tuệ, hành trì đúng Phật pháp. Như ngoài thế gian, chỉ chuyện hút thuốc thôi, thấy không có gì đáng. Một điếu thuốc, một đốm lửa, không phải tốn công tốn của bao nhiêu, nhưng bữa nay hút, ngày mai hút, sáng hút, chiều hút, dần dần trở thành nghiện. Khi nghiện rồi thì có vấn đề. Vấn đề gì? Bỏ rất khó. Nó thành thói quen, mỗi khi vắng thiếu mình thấy mình dã dượi, hơi buồn buồn, thiếu nhiệt tâm… đủ những hiện trạng, những bệnh hoạn xảy ra đằng sau cái nghiện đó. Vì vậy phải có một cái nhìn chín chắn trước khi xảy ra cơn nghiện. Để làm gì? Để giữ được sự bình ổn trong cuộc sống. Người làm được như vậy là người biết tu.
Tóm lại, việc ăn mặc hoặc những phương tiện chung quanh cuộc sống của người tu nói riêng, của Phật tử nói chung phải chừng mực, có giới hạn vừa đủ. Không vì tham, không vì danh lợi, không vì điên đảo vọng tưởng mà mình ăn như thế, sử dụng như thế.
2. Ở
Ở trên đã nói về vấn đề ăn mặc, đến đây nói về vấn đề ở. Người xưa tuỳ theo hạnh nguyện, có vị chủ trương ở núi rừng, ở tùng lâm, ở những nơi thanh tịnh xa thế tục. Hoặc có vị phát nguyện ở bất cứ chỗ nào, tâm cũng thanh tịnh. Ở đâu thì ở nhưng đúng theo tinh thần Phật dạy thì người tu sống đạm bạc, giản dị, không nên tham đắm, luyến mến những nơi mình ưa thích. Phải nhớ người tu không có tài sản, không kẹt vướng vào bất cứ thứ gì kể cả chùa chiền, bổn đạo.
Chúng ta nghiệm xem mình có duyên ở chỗ nào? Núi rừng thì chưa đủ duyên. Ở chùa thì phải xuất gia, thọ giới. Giới điều của chư Tăng Ni lại quá nhiều mình giữ không hết, cho nên ở chùa cũng khó. Như vậy chỉ còn cách ở nơi nào có thiện hữu tri thức để nhắc nhở quí vị tu hành. Thời Phật còn tại thế có cư sĩ Duy-ma-cật. Một hôm các đại đệ tử của Phật đi khất thực, gặp ông từ trong chợ đi ra, đệ tử Phật hỏi:
- Thưa cư sĩ, cư sĩ từ đâu đến?
Ông đáp:
- Bạch tôn giả, tôi từ đạo tràng đến.
Các vị A-la-hán lấy làm lạ, ông từ trong chợ đi ra mà hỏi thì nói từ đạo tràng đến, nghĩa là sao? Nếu chúng ta có được tinh thần, nếp sống như cư sĩ Duy-ma-cật thì ở đâu cũng là đạo tràng. Nhưng chúng ta chưa được như vậy thì phải ở đâu? Ở đâu thì tùy theo hoàn cảnh, tùy theo phúc duyên, nhưng nhớ nương với các bậc thiện hữu tri thức để được nhắc nhở tu hành. Điều này rất quan trọng. Nhờ có thiện tri thức, có sự nhắc nhở, chúng ta giữ vững pháp tu và tăng trưởng công phu để đi tới chỗ cứu cánh. Thiếu thiện hữu tri thức, thiếu sự nhắc nhở chúng ta dễ quên. Một khi quên rồi thì công phu không vững, trí tuệ không sáng, chúng ta dễ bị pháp trần kéo lôi.
Người làm chủ được mình thì ở đâu cũng tốt. Trong nhà thiền có câu chuyện thế này. Thiền sư Trung Ấp khi được Ngưỡng Sơn hỏi:
- Thế nào là nghĩa Phật tánh ?
Ngài trả lời bằng một ví dụ:
- Như một ngôi nhà có sáu cửa, bên trong có một con khỉ. Khi con khỉ bên ngoài tới cửa kêu chóe chóe, con khỉ bên trong cũng đáp lại chóe chóe.
Ngưỡng Sơn hỏi tiếp:
- Giả tỉ như con khỉ bên trong ngủ thì sao?
Thiền sư Trung Ấp bước xuống toà nắm đứng Ngưỡng Sơn nói:
- Ta cùng ngươi thấy nhau rồi.
Với cái nhìn của nhà thiền, khi con khỉ bên trong ngủ thì con khỉ bên ngoài không làm gì được nữa. Chỗ dụng công phu của chúng ta cũng thế, làm sao con khỉ ý thức lăng xăng lặng đi, mình có thể làm chủ nó, bấy giờ cảnh bên ngoài không thể nào lôi kéo ta nổi.
Trường hợp Tăng Ni phải ở chùa mới có thể tu tập, vì trước nhất là hình thức cạo tóc, mặc áo nhuộm, ăn chay, giữ giới giúp chư Tăng Ni kềm chế ba nghiệp, không phóng túng buông lung chạy theo trần cảnh bên ngoài, ngăn ngừa vọng tâm điên đảo dẫn mình đi tạo nghiệp. Thật ra nếu chúng ta đã giác ngộ thì ở đâu tu cũng được, cần gì rào giậu rườm rà như thế. Nhưng trên thực tế chúng ta chưa thành tựu được chút đạo nghiệp nào, còn nhiều yếu dở, nên thiện hữu tri thức mới bày ra phương tiện để khung lại, tạo điều kiện cho chúng ta có thời gian tu tập.
Nếu ta chưa vững mà ở giữa chợ nghe ca hát, ăn uống, xe cộ tấp nập… tâm sẽ tán loạn, làm sao mà tu. Thế nên cần có phương tiện, có thiện hữu tri thức, là những vị thầy kinh nghiệm tu hành dày dặn, hỗ trợ cho chúng ta tu tập. Thiếu thiện hữu tri thức ta khó hoàn thành được nguyện vọng tu hành của mình lắm. Đối với quí Phật tử, thiện hữu tri thức là những người bạn đồng hạnh, chỉ vẽ mình việc này việc khác trong chuyện tu hành, những người cùng thọ giới, cùng đi chùa, cùng ăn chay, cùng nghe pháp, cùng hành trì lời Phật dạy như mình. Đây là những vị thầy của chúng ta, do vậy không thể nào thiếu những vị này được. Cho nên chọn chỗ ở cần phải gần gũi bạn lành.
3. Thiểu dục tri túc
Chữ “thiểu” là ít, chữ “dục” là những ưa thích, những ham muốn của chúng ta. “Thiểu dục” là muốn ít thôi. Chữ “tri túc” là biết đủ. Đối với người tu điều kiện vật chất nên ít thôi. Để làm gì? Để mình được nhẹ nhàng. Người xưa nói: Trời trưa nắng gắt, gánh nặng đường xa mà lên dốc ngược nữa. Bây giờ mệt mỏi rồi, người khôn thì thẩy đồ trong gánh ra. Dù ngọc ngà châu báu mà gánh nhiều nhất định sẽ không đi nổi, sẽ bỏ cuộc. Chỉ có người nào biết thảy ra, càng thảy ra càng nhẹ nhàng. Cho tới cuối cùng cái gánh cũng thẩy luôn, như vậy đảm bảo sẽ lên đến đỉnh núi.
Thân này dù cho có bảo bọc, sửa soạn săn sóc bao nhiêu, tới một lúc nào đó cũng phải bỏ thôi. Mình không muốn bỏ, tự nó cũng phải rã. Có ai muốn chết đâu, ai cũng muốn sống hoài sống mãi, nên mới chúc trường sinh bất tử. Muốn thì muốn, nói thì nói, chúc tụng rần rần chứ chết vẫn cứ chết. Cái tử nó rình rập đâu trong người mình, bất cứ lúc nào sơ hở một cái là chết. Thiền sư nói chết là thay áo để chúng ta đừng sợ sệt, đừng hốt hoảng, đừng sợ chết. Nhưng trên thực tế ai cũng ngán chết hết. Mình thấy người ta chết cũng đã ngán rồi, chứ đừng nói mình chết. Như khi gặp trường hợp suýt chết, gần chết mình cũng đã khiếp vía, chứ không bình tĩnh đâu.
Thành ra thiểu dục tri túc là điều không thể thiếu của người tu hành. Người xưa dạy dỗ chúng ta làm sao tập trung tu để đạt được sở nguyện, thành tựu đạo nghiệp. Muốn thế chúng ta phải phát nguyện hành trì Phật pháp, quay về nhận lại, sáng được việc của mình. Muốn sáng được việc của mình, trước nhất là sáng vấn đề gì ?
* Trước nhất là thấy rõ mọi thứ đều giả tạm
Tôi vừa lớn lên, vừa biết được việc này việc khác thì những người thân của tôi đã chết dần. Có những người chưa kịp lớn, vừa có mặt ra đã chia lìa. Cho nên tôi rất tin lời của một bậc thầy đã dạy “con đường luân hồi hết phiên người sang phiên ta”. Sự kiện đó xảy ra nơi hàng xóm, rồi sẽ xảy ra tại gia đình mình, chúng ta không sao tránh hoặc chạy thoát được. Có bao nhiêu bà con quyến thuộc thì có bấy nhiêu lần chia tay. Chúng ta phải chấp nhận sự thật như thế. Sự thật này có sức cảnh tỉnh chúng ta rất lớn để quay về nhận lại cái chân thật, không sanh diệt nơi chính mình.
* Sự thay đổi nhanh chóng
Như khoảng mười mấy năm về trước, tôi có về ngôi già-lam này dự lễ, nó không phải thế này. Chùa chỉ là mái tôn đơn sơ, chung quanh cây cỏ bạt ngàn, người thưa thớt chứ không đông đảo, không phải thanh lịch trang nghiêm thế này. Chỉ trong vòng một đôi năm, sự thay đổi quá nhanh, nhà cửa, đền đài, Phật tượng, Tăng Ni, Phật tử đông đảo. Song chúng ta cũng không quên một điều, cảnh vật thay đổi thì con người cũng thay đổi. Phải chi sự vật tiến hoá mà tuổi thọ con người đừng thay đổi, nó tha giùm cái đi, thì chắc thiên hạ sướng biết mấy. Thành ra vô thường là một quy luật, nó không tha cho ai hết. Cho tới đức Thế Tôn thân tướng tốt đẹp là vậy, sống tới tám mươi tuổi cũng nhập diệt.
Do vậy chúng ta phải chuẩn bị.
Chuẩn bị cái gì? Chuẩn bị một con đường sáng. Phật tử nghe quí thầy cô thường khuyên khi người thân mất đừng có khóc. Tại sao? Vì khóc sẽ làm cho người kia bi luỵ, rối tâm không đi theo con đường của Phật. Đường của Phật là đường sáng, thênh thang, người có tâm Phật mới đi được. Người vừa mới mệnh chung thấy con cháu khóc thương đau khổ quá nên quyến luyến không yên, do vậy không thọ sanh vào đường lành. Người tu còn phải chuẩn bị nhiều hơn nữa. Đó là chuẩn bị trí tuệ. Ngay bây giờ phát huy đạo lực, công đức tu hành của mình. Chúng ta có thời gian thực tập tỉnh lực, hoàn chỉnh công phu thể nhập Phật tâm của mình, như vậy ra đi hoàn toàn an ổn, tự do tự tại. Nhà thiền gọi người như thế là tự tại trong sanh tử.
Cái sanh đã qua, còn tử xảy ra lúc nào chúng ta không biết. Cho nên việc quan trọng là làm sao giữ vững ý chí tu tập, tâm Bồ-đề luôn phát triển, cả những niệm xấu như tham đắm, tật đố, kiêu mạn… buông bỏ hết. Như vậy là biết chuẩn bị cho lúc tử bình yên.
Pháp của Phật là nhằm phát huy trí tuệ. Muốn thế chúng ta phải buông bỏ, phải thấu hiểu, phải làm chủ, đừng để bất cứ một duyên trần nào gạt mình. Được như vậy là người biết phát huy trí tuệ của mình. Người này ở đâu cũng tu được hết. Do vậy chư Bồ-tát thị hiện trong nhân gian, có khi ở chỗ nghèo cùng, ở quán xá chợ búa, như Bồ-tát Địa Tạng thị hiện vào địa ngục, Bồ-tát Di Lặc ở cung trời Đâu Suất… Vô lượng Bồ-tát tùy duyên thị hiện trong mọi ngõ ngách cuộc đời, để giáo hoá chúng sanh, viên thành Phật đạo. Nơi nào có chúng sinh khổ, nơi đó có các ngài. Như vậy chúng ta lo gì, với tâm tu hành, siêng năng học hỏi và hành trì Phật pháp, nhất định Phật Bồ-tát sẽ chiếu cố.
Người Phật tử luôn tỉnh táo sáng suốt, biết rằng trong tất cả công phu của mình có sự hộ trì của chư vị đại thánh, chư Bồ-tát. Vì vậy quí vị luôn vững niềm tin, cố gắng làm sao để Phật, Bồ-tát thường có mặt hộ trì mình trên bước đường tu hành. Chính mình, mình làm cho Phật Bồ-tát thị hiện, cũng chính mình làm cho các ngài không thị hiện. Tất cả đều do chúng ta thôi. Nếu mình cứ quên, cứ lầm lũi theo trần thế, để cho tham dục dấy khởi, chạy theo trần cảnh thì Phật Bồ-tát ngán ngẩm mình lắm. Vì các ngài tới không có độ mình được, không nhắc nhở động viên nổi thì các ngài tới làm gì? Quí vị nên biết rõ long thiên, Tam bảo, chư Phật chư Bồ-tát, các vị tổ sư luôn có mặt hộ trì cho chúng ta ở mọi nơi mọi lúc, với điều kiện chúng ta tỉnh sáng, tu hành đàng hoàng, không bị pháp trần kéo lôi. Cho nên phải chấn chỉnh thân tâm, không được buông lung giải đãi.
Trong kinh Pháp Hoa nói các đồng tử giỡn chơi, vùa cát lại nói đây là tháp Phật, rồi niệm Nam-mô Phật, cũng được đức Thế Tôn thọ ký tương lai thành Phật. Mình chẳng những vùa cát chơi mà còn có tâm xây dựng chùa tháp lớn lao, rồi hành trì pháp Phật nữa, do vậy Phật đối với mình rất gần gũi, rất hiện tiền. Đó là tâm sáng suốt của chính mình. Bây giờ chúng ta cố gắng buông bỏ vọng trần bên ngoài, hằng sống với tâm thể của mình là Phật luôn ở bên ta, ta là Phật.
Mong rằng với tâm tu hành của tất cả chư Tăng Ni, Tam bảo thường gia hộ, các bậc thiện hữu tri thức không bao giờ bỏ chúng ta. Quí vị vững niềm tin và lúc nào cũng tích cực, biết thương mình, hành trì lời Phật dạy để biết rõ giá trị thiết thực của đạo pháp, ngay trong đời này được lợi lạc.