headertvtc new


   Hôm nay Thứ năm, 02/01/2025 - Ngày 3 Tháng 12 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
Phatdan2024  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

TU PHẢI VỮNG TIẾN

... Buông xả là một pháp tu rất quan trọng  đối với chúng ta ...

 

Đây là lần thứ hai tôi về thăm trường hạ Ni. Phần tổ chức bên Ni tương đối chu đáo hơn bên Tăng, như vậy nhất định việc tu học của đại chúng ở đây có tăng tiến.


Trải qua hơn nửa mùa hạ, chư Ni vui vẻ cùng nhau tiến tu là điều đáng tán dương. Tuy nhiên tu trong ba tháng thôi chưa đủ. Mãn hạ đến tháng thứ tư, thứ năm v.v... thời gian còn lại chúng ta phải tu thế nào? Đó là vấn đề chúng ta phải đặt ra để mỗi vị tự ổn định, sắp xếp việc tu hành của mình trong suốt thời gian dài thật tốt. Thời gian nhập hạ, tuy có nhiều thời khoá lễ lượt đại chúng phải hành trì, nhưng nhờ thế mà chúng ta có được chín mươi ngày tu học triệt để, không cho chuyện tạp xen vô. Thời gian còn lại cũng y theo tinh thần ba tháng an cư đó, mà quí vị gìn giữ công phu tích cực. Nỗ lực không để lãng phí thì giờ, làm sao việc tu tập ngày một tốt đẹp và đạt được nhiều an lạc hơn.

Buông xả là một pháp tu rất quan trọng đối với chúng ta. Nếu không biết buông xả mình sẽ đi hết vướng mắc này sang vướng mắc khác, rốt cuộc chúng ta tu mà giống như không tu, không có chút an vui nào cả. Có buông xả việc hành trì sẽ mau tăng tiến hơn. Như thế mới xứng đáng là đệ tử Phật. Chữ “xứng đáng” này thật đáng trân trọng và có giá trị vô cùng. Chúng ta phải tu học như thế nào mới gọi là xứng đáng? Người xưa dạy: phàm kẻ tu hành, đầu đêm, giữa đêm và cuối đêm đều áp dụng công phu. Đầu đêm là từ khoảng 6 giờ chiều cho tới hơn 10 giờ đêm, giữa đêm là từ 12 giờ cho tới 2 giờ đêm, cuối đêm là từ 3 giờ cho tới 6 giờ sáng. Như vậy giờ nghỉ chỉ khoảng 2 tiếng. Nói tóm lại, chúng ta dành trọn vẹn thời gian cho các khóa tu hết rồi, không có thì giờ đâu mà nghĩ tưởng tạp loạn.

Người xưa sắp đặt thời gian tu như vậy để ngăn ngừa vọng tâm phát sinh. Ngày nay chúng ta không theo nổi thời khóa gắt gao ấy, thì ít ra cũng phải giữ được tâm niệm tu hành miên mật, không nên phóng túng buông lung cả thân lẫn tâm. Đầu đêm chúng ta có thời gian tu, nhưng họa hoằn lắm chỉ hơn một tiếng thôi. Tu quá mười giờ thì y áo ướt đẫm mồ hôi, mệt đừ luôn. Đến giữa đêm chúng ta mê ngủ, nằm dài nên chẳng thể công phu. Cuối đêm cũng còn mê ngủ, không cương quyết không mãnh tỉnh thì thức dậy rất nhọc nhằn, uể oải nên việc tu cũng chẳng nghiêm chỉnh được. Các điệu còn trẻ, ngoài chúng lệnh ra còn có cái đồng hồ reo, chuông điện, rồi các vị thầy trực tiếp đến gọi dậy nữa. Thế nhưng có bữa, chúng lệnh cứ đánh, đồng hồ cứ reo, chuông cứ vang, thầy cứ kêu mà ta thì vẫn cứ ngủ ngon như thường! Đến khi kéo dậy được rồi, trong cơn ngái ngủ, các điệu đổ thừa đêm hôm nóng quá hoặc đau bụng nhức đầu gì đó ngủ không được, bây giờ mới ngủ một chút. Một chút ấy kéo dài hết một phần ba đêm. Việc tu học như thế, hỏi đến bao giờ mới xong ?

Chúng ta tu hành hời hợt như thế, không có sự cố gắng nào để vươn lên thì kết quả không thể bảo đảm được. Bởi vậy chúng ta tu mãi mà không sáng đạo, không làm chủ được đối với các sự duyên chung quanh. Đối với các hiện tượng thường nhật ta không làm chủ được thì nói gì đến việc sinh tử. Việc sinh tử là việc hết sức nguy ngặt. Chỉ như vấn đề hiện sinh của con người, đã nhiều điều rắc rối vô cùng, huống là nói tới việc tử. Việc tử là việc chúng ta phải đối đầu với ông ba mươi tối thui. Ông này nhăn nanh dữ tợn, mà mình chẳng biết phương cách chi chống đỡ, cũng chưa hề biết ông sẽ hỏi sẽ hạch mình cái gì? Chung quanh ông, mấy tay cầm dao cầm mác dữ tợn, liệu đến lúc đó mình đủ bình tĩnh để đối chất với họ hay mình sẽ nói năng lộn xộn, không đâu vào đâu. Vô đề mà người ta hỏi mình có phải là người Việt Nam không, mình quên trả lời là người Trung Quốc cái chết dở! Lật hồ sơ kiếm tên đó ở Trung Quốc, không biết ráp vô tỉnh nào, con của ông bà nào, họ gì, ở đâu. Nếu ráp nhằm chỗ thấp thỏi thì thiệt là rủi ro cho mình lắm vậy!

Tôi nêu lên như thế để những người con Phật chúng ta phải tranh thủ, làm sao trong từng ngày từng giờ, từng phút tập chủ động đối với các pháp. Như người đầu đêm công phu tốt, giữa đêm công phu tốt, cuối đêm công phu tốt, dù họ chưa thành thánh hiền, nhưng mình tin chắc họ có bước tiến vững vàng trong việc tu hành. Người như thế đủ sức bảo đảm phút cuối cùng, nói chuyện với vua Diêm-la một cách chủ động, không bị hề hấn bởi bất cứ sự duyên gì. Nên biết chỉ có ta mới làm chủ được vấn đề sinh tử thôi.

Phiền não, những thói hư tật xấu, những việc xoàng xĩnh không đáng gì mà nó làm cho mình rối đầu, bực dọc, khó chịu, bức xúc. Những trạng thái ấy làm hỏng đi Niết-bàn ngay trong phút giây hiện tại của chính mình. Nên nhớ chúng ta không thể tìm thấy Niết-bàn ở đâu ngoài công phu hằng ngày, từ nơi sự quyết tâm tu tập của chính mình. Ta gầy dựng được hay không trong từng phút giây sống hiện tại, không ai có thể làm thế cho mình được. Ý thức như vậy chúng ta phải tự lo thôi, thấy sự đổi thay là biết mình cũng sẽ đổi thay, thấy người ta chết là biết mình cũng sẽ chết. Thấy việc bên ngoài mình liền tỉnh lại. Đó là người mãnh tỉnh, người biết tu. Một khi tỉnh lại mình làm gì? Mình phải toan liệu, phải chuẩn bị, phải sắp đặt việc tu hành ngày một tốt hơn để có thể chủ động đối với việc sinh tử.

Thấy người ta khóc lóc vì chết, mình muốn khi chết bình yên, không khóc lóc thì chuẩn bị đi, chứ rề rà hoài tới lúc đùng một cái thần chết tới gõ cửa, mình khóc còn hơn thiên hạ nữa. Như vậy đời tu của chúng ta còn có ý nghĩa gì. Bây giờ mấy thầy mấy cô chết, đệ tử khóc còn hơn người đời nữa. Tại vì thầy cô không nhắc nhở cho Phật tử biết càng thương thầy, thương cô thì quí vị càng tu tập thật tốt, càng làm chủ được mình, mới đúng lý đạo. Nhiều Phật tử nói với chúng tôi, nghe quí thầy cô có chuyện gì, chúng con buồn khổ hơn là trong gia đình có chuyện. Mới nghe thấy như Phật tử thương thầy cô nhiều, nhưng xét lại rõ ràng như vậy là không biết cách kính thương thầy cô, không vâng lời thầy cô chỉ dạy, không thực tập pháp nên bị chính hình ảnh thầy cô trói buộc, không thể giải thoát an vui được. Điều này cần phải chỉnh đốn sửa đổi lại.

Trở lại vấn đề tu học, chúng ta phải tranh thủ, không để thời gian qua suông mà cố gắng tập trung vào việc tu học. Chư Tăng Ni lấy mùa an cư kiết hạ làm chuẩn cho công phu. Tại sao như thế? Tại vì trong mùa an cư kiết hạ có nhiều vị tôn đức hướng dẫn chỉ dạy cho mình thời khóa tu tập miên mật. Ai cũng phải chấp hành đúng như vậy. Quí vị được sự động viên nhắc nhở và kiểm soát thường xuyên, nhờ thế Tăng Ni không dám chểnh mảng việc tu tập. Sống trong điều kiện như vậy tu rất dễ tiến, chúng ta không bận bịu lo lắng việc gì, chỉ một bề tu học thôi. Cho nên Phật dạy người xuất gia phải lấy thời gian ba tháng an cư làm chuẩn, nỗ lực công phu để thăng tiến trên con đường đạo.

Trong Đại Thừa Khởi Tín Luận, tổ Mã Minh dạy hành giả phải biết kéo dài niệm hiện tại liên tục. Hành giả nếu nhận được tâm chân thật rồi, bình yên, thống khoái, sống với tâm rỗng rang sáng suốt, bấy giờ làm sao kéo dài công phu ấy. Như buổi sáng mình đã được thanh tịnh, an lạc, bây giờ cố gắng duy trì, kéo dài trạng thái đó thêm buổi trưa, rồi buổi chiều, hoặc tới đầu đêm, giữa đêm v.v... Kéo dài bằng sự tu tập, bằng công phu của mình. Hồi xưa trong các tùng lâm, chư vị tôn đức thường tổ chức kiết đông. Nghĩa là mùa hạ tu tập tốt rồi, bây giờ tới mùa đông cũng phải tiếp tục tu tập tốt như vậy, tức là kéo dài công phu thêm. Kiết đông cũng ba tháng, việc tu tập của mùa đông cũng như mùa hạ hoặc hơn nữa. Vì sao hơn nữa? Vì hành giả đã có sự thể nghiệm, nên công phu tu tập an định khá hơn, thuần hơn. Mùa đông rồi tới mùa xuân, mùa thu. Nếu cả bốn mùa mình kiết chế tu học hết thì thành trọn năm. Như vậy từ đầu năm đến giữa năm, cuối năm chúng ta đều tu tập tốt. Bốn mùa xuân, hạ, thu, đông đều là mùa an cư thì không gì quý bằng.

Những ai tu hành như thế, nhất định qua cổng nào cũng được chào, người ta mở cổng đón mình, mời lên xe hoặc kiệu trang trọng, chớ không phùng mang trợn mắt hỏi tên gì, ở đâu? Chúng ta còn thời gian chuẩn bị thì phải chuẩn bị, chớ để hôm nào nhũn não, tai biến gì thì thôi, nằm dài ra đó, quỷ thần nó muốn khiêng đi đâu thì đi, làm sao cứu kịp! Cho nên chúng tôi nhắc nhở quí vị phải dành dụm, chuẩn bị, khắc phục lấy mình, đừng để thời gian qua suông.

Đạo đức, trí tuệ không phải là hình thức vuông tròn hoặc màu mè xanh vàng đỏ trắng, nó là cái nội tại, cái bên trong của mỗi chúng ta. Nó biểu hiện ra bên ngoài bằng cuộc sống, trong mối tương quan ứng xử của chúng ta. Người có đạo đức, có trí tuệ, ánh mắt hoặc ngôn ngữ, hành động đều đem đến nguồn an vui lợi lạc cho mình và người. Ngược lại kẻ không có đạo đức, không có trí tuệ lời nói hay việc làm đều khiến cho mình và người buồn phiền, ưu não, không ai thích gần họ.

Có câu chuyện thế này, thiền sư Mộng Song xuống thuyền qua sông. Thuyền vừa nhổ neo, có một vị tướng quân xem thật hung tợn, ông đến trễ và kêu thuyền quay trở lại đón mình. Mọi người bảo ông này lên thuyền thì bất tiện lắm, thôi cứ đi. Thiền sư nói với thuyền trưởng hãy trở lại đón tướng quân. Vị thuyền trưởng nghe lời sư, quay lại đón tướng quân. Lên thuyền, tướng quân đến gần thiền sư, rút roi quất lên đầu ngài, máu me tùm lum, rồi đuổi Hòa thượng đi chỗ khác, dường chỗ cho ông. Bấy giờ mọi người đều bất mãn. Sở dĩ thuyền quay lại đón ông là nhờ Hòa thượng, nếu không thì thuyền đi luôn rồi. Bây giờ ông không biết ân mà còn lấy roi đánh ngài. Thế nhưng thiền sư không hề nói gì, kêu thầy đi chỗ khác thì thầy đi chỗ khác, không hề mở miệng phàn nàn. Tới chừng thuyền cập bến, thiền sư cũng theo mọi người đi lên, đến chỗ có nước ngài rửa máu sạch sẽ. Mọi người nhìn thấy sự việc rõ ràng như vậy, ai cũng hết lòng ngưỡng mộ kính trọng thiền sư. Bấy giờ tướng quân hối hận, quỳ trước ngài sám hối. Thiền sư vẫn bình thường, cứ bước đi như chưa từng có chuyện gì xảy ra.

Qua hình ảnh ấy, chúng ta đánh giá được nội tại bên trong của thiền sư. Phần nội tại đó được biểu hiện ra cho mọi người thấy biết rõ ràng qua cách ứng xử khi tiếp duyên. Lúc ngài kêu thuyền trưởng quay lại đón tướng quân và khi ông ta lên thuyền rồi, quất roi lên đầu ngài, máu tươi tuôn chảy, thiền sư vẫn bình thường an nhiên. Tới lúc thuyền cập bến, thầy xuống tìm nước rửa sạch máu trên đầu. Khi tướng quân quỳ sám hối thầy cũng thế thôi. Bình yên. Sự bình yên đó biểu hiện từ công đức lực, từ công phu khắc phục được chính mình ở bên trong của thiền sư. Đó là vị có nội tại thâm hậu, vững vàng.

Câu chuyện ấy nếu đổi nhân vật là mình, liệu xem chúng ta có làm chủ được không? Hay mình sẽ ré lên: “Trời ơi! Người đâu mà ác, mà bội bạc, nếu biết trước như thế tôi đã không nói cho thuyền quay lại đón ông…” Mình sẽ rên la thán oán tới chừng nào? Đằng này không, thiền sư không cần minh oan, không cần nói gì hết, bình thường an nhiên. Đó là biểu hiện công đức lực của người có nội tại vững vàng.

Chúng ta phải nỗ lực tu tập, nỗ lực tỉnh giác để công đức lực, nội tại của mình tròn đầy. Như thế chúng ta mới có thể nói chuyện với vua Diêm-la vào ngày ba mươi tháng chạp chứ! Người tu hơn người đời là hơn như thế, chớ không phải hơn lời lẽ đấu khẩu hay hùng biện. Điểm đặc biệt của người xuất gia là chịu khó nuôi dưỡng, phát huy nội lực nơi mình. Do đó chúng ta không thể sống hời hợt qua ngày, không thể thích du lịch, không thể lang thang giong ruổi với những dấy niệm, những vọng tưởng ngược xuôi đầu này đầu nọ, ưa thích chạy theo bên ngoài. Chúng ta luôn sống quay về, phản quan trở lại để biết rõ mình còn thói hư tật xấu nào, những tập khí, chủng tử nào cần phải buông bỏ, cần phải có thái độ dứt khoát, tập trung tu tập làm sao để buông cho được những thứ đó. Có buông bỏ được thì tâm mới sáng, trí mới hiện.

Đức Phật từng nói tất cả chúng sanh đều có sẵn tâm chân thật, nhưng chúng ta bỏ quên. Cho nên có mà không biết ở đâu, không biết ra sao nên cũng như không có. Giống như hồi xưa ông bà mình giàu có, đất đai vô lượng, nhưng mình bỏ xứ đi Ta-bà thế giới từ lâu lắm rồi, bây giờ về lại thấy nhà cửa mọc lên nhiều quá, không biết đất đai hồi xưa ở đâu, rồi bằng khoán đất mình cũng vấn thuốc hút hết rồi, không còn gì nữa. Phật không cho phép người tu chấp nhận như vậy, mà mình phải dẫm lên thực địa đó. Chúng ta là chủ nhân phải quán xuyến của cải trong nhà. Bây giờ dẹp bỏ hết những thói hư tật xấu, để hiện bày trọn vẹn tâm Phật của mình. Đây là việc làm chính yếu của người tu.

Chư Ni cố gắng giữ gìn công phu đều đặn. Sáng tu vậy, trưa tu vậy, chiều tu vậy, tối tu vậy. Thức ngủ gì cũng tu vậy. Chúng ta không nói ngày, không nói đêm, không nói năm tháng, không nói thời gian chi hết, cứ tu như thế là biết kéo dài công phu, kéo dài tâm hiện tại liên tục. Biết rằng thực hành như vậy là khó, chứ không phải dễ, nhưng không vì khó mà chúng ta không chịu tu. Càng khó càng phải cố gắng nhiều hơn. Người thời nay dễ quên, được nhắc nhở thì nhớ, qua rồi liền quên, cho nên việc tu tập chậm tiến. Bây giờ chúng ta cố gắng khắc phục khuyết điểm này để niệm hiện tại được kéo dài liên tục.

Kế nữa, người tu phải gan dạ, chịu đựng được những đắng cay. Nhiều khi gặp những việc không quan trọng gì hết mà mình chịu không nổi. Ví dụ nghe mấy đứa nhỏ kêu “Thầy chùa” thì không chịu rồi. Thôi kệ, mấy đứa nhỏ biết gì đâu, nó nói thì nói, mà xét lại mình ở chùa nó kêu thầy chùa là phải, cớ sao lại không chịu? Hoặc gặp một người lớn chỉ mặt nói: “Thằng thầy chùa này”, “thằng thầy chùa kia” là thấy không ổn. Dù mình có dở, có cà lăm đi nữa cũng phải nói lại vài câu mới được. Người ta nói mình thầy chùa thì chấp nhận liền, tại sao lại phiền não. Vì thế chúng ta mất hết thời gian tu hành, mất những cơ hội tốt vì những chuyện không đáng gì hết.

Đó là mầm mống phiền não, những cù cặn bên trong. Chúng ta không biết nó ở chỗ nào, nhưng đụng đến là nó vọt ra không kiểm soát được. Cho nên người tu phải là người ngậm đắng nuốt cay, “thiên ma bách chiết”, tức là trăm giũa ngàn mài. Quí vị thấy dao rựa có lụt gì mài một vài lần cũng bén, huống là ngàn mài. Người tu hơn ai hết, phải chịu đựng, chấp nhận khó khổ mới tu tiến được, mới giữ vững và phát huy nội lực của mình.

Mỗi ngày chúng ta được nghe những lời động viên khuyến khích của các vị có trách nhiệm trong trường hạ, những lời chỉ giáo của chư tôn đức, đều nhằm động viên dạy dỗ chúng ta làm sao giữ được những gì tốt đẹp cao quý, sự trang nghiêm thanh tịnh của một người tu. Chúng ta vừa tu vừa làm tròn bổn phận của mình đối với người sau, giúp họ có nơi quy hướng để cùng nhau tu tập. Giống như cổng chùa thường rộng mở cho chúng ta đi ra đi vào là điều dĩ nhiên rồi, nhưng cổng này cũng để cho thập phương bá tánh vào chùa. Vào chùa là đi vào Phật đạo. Nhiệm vụ của người xuất gia là như vậy. Tự tu không chỉ là việc của mình mà là trách nhiệm đối với Phật pháp, đối với người sau. Nó có ý nghĩa cao cả như thế, nên chúng ta không thể làm lấy lệ.

Hồi nhỏ lúc để chỏm, tôi bị một trận đòn mà tới bây giờ nhớ lại cũng còn xấu hổ. Hôm ấy ở gần chùa có một đám cúng miễu. Đám quy định bảy giờ tối xây chầu hát tuồng “Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu”, quí vị nào có đọc truyện Tàu thì biết. Thời Đường đã tàn, hồi ấy xuất hiện ngũ hổ tướng rất tài ba mà toàn là con gái. Buổi chiều nghe người ta phát loa thông báo tối nay có hát tuồng, mấy sư phụ để chỏm nhà ta tụng kinh rút để đi chứng cái lễ không ai mời mà đến này. Lúc đó tôi theo mấy điệu len lỏi vào trong để coi cho được mặt cô Lưu Kim Đính, nhất là ông xây chầu, rồi nhà vua nữa. Tôi thấy ông nào cũng mặc áo xanh áo đỏ, có đao thương đánh nhau ì xèo v.v... Cuối cùng tuồng mãn, về tới chùa bị một trận đòn. Lý do tụng kinh gian dối, tụng một hơi thật ẩu rồi đóng cửa chùa đi. Năm bảy huynh đệ kéo nhau đi hết, bỏ ông Hòa thượng già ở chùa tới khuya. Thầy đi lòng vòng kiếm không thấy đứa nào hết, biết ngay bên miễu rút hết mấy chóp qua đó chứng minh rồi.

Sáng ra Hòa thượng hỏi:
- Đêm hôm thấy mặt Lưu Kim Đính không?
- Dạ thấy.
- Lưu Kim Đính ra làm sao?
Thế là mấy huynh đệ thi nhau tả mặt Lưu Kim Đính, tả một hồi bị bắt nằm xuống ăn roi hết. Đó là một trận đòn do tu hành lấy lệ, qua thời qua buổi hồi còn nhỏ. Tới bây giờ nó vẫn còn giá trị răn nhắc chúng tôi trên con đường hành đạo.
Chúng ta thường bị ngoại cảnh kéo lôi, nó không có lai lịch gì cả mà sức kéo lôi rất mạnh. Chuyện tu hành đúng bài bản thời khóa như vậy, mà người yếu cơ không chịu nổi, không đứng vững vì sức hút của một buổi hát tuồng. Đó là vì ý chí của mình chưa được mài giũa, sự trui luyện chưa đến nơi đến chốn. Chư huynh đệ tu hành không nên xem thường, chúng ta tu phải dứt khoát mạnh mẽ đối với các cảnh duyên bên ngoài. Những cái vi tính, truyền hình, điện thoại di động, mình nói là những phương tiện để hành đạo, thì nhớ sử dụng nó trong phạm vi của phương tiện thôi, không thể sử dụng vượt qua mức độ cho phép của một người tu. Tăng Ni nên nhớ một giờ ngồi trước máy vi tính là mất một giờ tọa thiền, một giờ an lạc của mình. Cứ tập nhiễm những thứ đó thì đầy bụng toàn những chuyện tạp nham bên ngoài. Muốn kéo dài công phu tu tập trong ba tháng an cư nên dẹp bớt những thứ không cần thiết, không để nó lấn quyền làm chủ của mình. Có thế chúng ta mới giữ vững được công phu.

Ngày nay còn trẻ khỏe, chúng ta áp dụng công phu được thời gian nào thì cố gắng tuân thủ theo thời khoá chánh quy, bởi vì đó chính là tư lương mai sau của mình. Việc tu hành không thể lấy lệ, không phải làm cho ai cả, mà đó là việc quan trọng của đời mình. Chúng ta ý thức được như vậy thì nhất định việc tu học sẽ tăng tiến. Đối với ngũ dục, phải bước qua mau vì đó là chỗ bất an bất ổn của thế gian, không phải chỗ người tu để mắt. Người tu hành đừng quan tâm, đừng mắc mứu, đừng kẹt vướng trong đó, chỉ lo tu tập mà thôi.

Thế gian nhiều cạm bẫy, chúng ta không biết chạy trốn ở đâu? Trốn chỗ nào cũng không được. Vì vậy mình phải đủ lực để đương đầu với chúng. Chỗ tốt nhất là chúng ta phải gan dạ đương đầu, phải thấy rõ muôn pháp huyễn hoá không thật, đó là bổn phận của người tu. Quí vị thấy, như mở ra khoá tu học ba tháng an cư, tập hợp đông đảo một số lượng người thế này, dù lớn dù nhỏ gì cũng phải nghĩ đến việc ăn, việc ở của đại chúng. Sự việc bình thường như vậy đôi khi lại là vấn đề khó khăn. Bình thường chùa chỉ có bốn thầy trò thôi, cuối tháng gạo trong lu cạn, không biết phải làm sao. Huống là bây giờ nuôi năm bảy chục người trong ba tháng, làm gì để có gạo ăn đây ? Tuy nhiên nó không phải là vấn đề khó khăn, nếu chúng ta chịu nỗ lực tu tập, hành trì liên tục thì khắc phục không khó. Chỉ cần sự dũng mãnh đương đầu, ý chí mạnh mẽ, phát tâm Bồ-đề không lui sụt, thì sẽ vượt qua được tất cả mọi khó khăn trở ngại.

Con đường luân hồi hết phiên người đến phiên ta. Thấy rõ ràng như vậy thì phải chuyên tâm, kiên quyết trong việc tu hành. Bây giờ mình chưa bệnh, tóc chưa bạc vẫn tu được, mai kia dù có bệnh, tóc có bạc mình vẫn tu được. Như thế đảm bảo quí vị thực hiện trọn vẹn tâm nguyện tu hành đầy đủ một đời. Đó là chỗ mong mỏi của các bậc thầy, cũng là chỗ trông cậy của mười phương các bậc hiền thánh, đàn na thí chủ đối với chúng ta. Quả là việc làm chính đáng, việc làm duy nhất, rốt ráo nhất của những người con Phật tu hạnh xuất gia. Kinh Pháp Hoa nói: “Đây là một việc thực, không hai cũng không ba”.

Thiền sư Phần Dương rất được cảm tình của vị quan trong vùng. Ông nhiều lần cho người tới thỉnh cầu ngài đến chỗ mình giáo hóa mà không được, lần nào ngài cũng từ chối. Khi thì ngài nói bị phong thấp chân đau đi không được, khi thì ngài nói già rồi đi không nổi. Cứ thế, ngài thoái thác mãi thôi. Lần này vị chủ quan ra lệnh, nếu thỉnh cầu Hòa thượng không được, thì vị quan thừa hành bị bãi chức. Ông này sợ quá, tới thưa: “Chuyến này nhất định Hòa thượng phải đi, Hòa thượng không đi thì con bị bãi chức”. Ngài nói: “ Đi thì đi, nhưng ông về trước đi, ta sẽ theo sau”. Nghe thế vị quan nhỏ vui mừng về tâu trước.

Thiền sư tắm rửa xong, nói với đại chúng:
- Lão tăng đi, người nào theo được ?
Có vị tăng thưa:
- Con theo được.
Ngài hỏi:
- Một ngày ngươi đi bao nhiêu dặm?
Tăng thưa:
- Năm mươi dặm.
Ngài nói:
- Ngươi theo ta chẳng được.
Một vị khác ra thưa:
- Con theo được.
Ngài hỏi:
- Một ngày ngươi đi bao nhiêu dặm?
Tăng thưa:
- Bảy mươi dặm.
Ngài nói:
- Ngươi theo ta cũng chẳng được.
Thị giả thưa:
- Bạch thầy con theo được.
Ngài cũng hỏi:
- Một ngày ngươi đi bao nhiêu dặm?
Thị giả thưa:
- Thầy đi tới đâu con đi tới đó.
Ngài bảo:
- Ngươi theo lão tăng được.

Nói xong ngài từ giã chúng thị tịch. Thị giả cũng khoanh tay tịch theo. Thầy như vậy, trò như vậy, cùng đi như vậy. Quan lớn được tin đó hết sức nể phục, khen ngợi rồi sắp đặt việc trà-tỳ, cúng dường xá-lợi.

Người xưa tu hành như vậy, nên phát huy được tinh thần Phật pháp cao quý đặc biệt. Thời nay có thể nói Phật pháp hưng thịnh, người tu rất đông, cơ sở chùa chiền cũng không ít, Phật tử hướng tâm về cũng thật nhiều. Đây là thời Phật pháp mở rộng, nhưng điều cốt lõi của Phật pháp là liệu xem người tu Phật trong thời này có gì đặc biệt, được như thời trước không? Kết quả ấy trông cậy nơi mỗi chúng ta. Chư Tăng Ni làm sao xứng đáng, làm sao việc chính của mình phải được thực hiện đúng đắn và có kết quả cụ thể. Đó là sự trông mong của các vị có trách nhiệm trong Phật pháp từ xưa cũng như nay.

Tất cả người con Phật chúng ta thuở nào cũng vậy. Con đường, việc làm, tâm nguyện, chỗ nhắm luôn như thế. Cho nên trong mùa an cư hay mãn ba tháng an cư, chư Tăng Ni đều tập trung quyết chí thực hiện tâm nguyện của mình, sao cho xứng đáng là đệ tử Phật. Chúng ta không để mất thời gian, không làm điều gì trở ngại cho Phật pháp. Làm sao tất cả chúng ta tu tiến được, hành đạo được, sống và làm những điều lợi lạc trong Phật pháp.

[ Quay lại ]