headertvtc new


   Hôm nay Chủ nhật, 08/09/2024 - Ngày 6 Tháng 8 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

NHỮNG LỜI DẠY CỦA THIỀN SƯ ĐẠO GIAI PHÙ DUNG - tiếp theo

Tiếp theo

Người tu thì phải khắc tỉnh, khắc tiến. Không chần chờ ỷ lại bên ngoài, không cho căn trần dính nhau. Một công phu này giải quyết tích cực đến cùng, nếu như ta chưa sáng được việc sinh tử thì ta chưa yên lòng nằm nghỉ.

Chư tăng chẳng những trong ba tháng an cư, mà là suốt đời phải giữ mình như vậy, ai chưa làm được nhất định phải làm cho được. Vị nào không làm được thì bị nghiệp lực dẫn kéo ngược xuôi theo dòng đời, gây tạo vọng tưởng điên đảo, bị cột trói mắc mứu trong vòng luân hồi.

 Bây giờ bình tĩnh dừng lại, thì nghiệp không câu thúc lôi kéo chúng ta được. Vì vậy Phật dạy hễ có định là có tuệ. Khi chúng ta quay nhìn lại mình, tâm không tán loạn, dần dần được định, có định thì tự nhiên sáng suốt. Mọi âm thanh sắc tướng bên ngoài không dính dáng gì đến chúng ta, cho nên không cần phải quan tâm. Việc chính của người tu là xoay trở lại mình, bình yên.

Phật dạy trên thế gian này không có gì thật hết, tất cả đều do duyên sinh, có nhân nên có quả. Nhân mình đã gây, khi quả tới ta sẵn sàng nhận trả. Có trả thì nó sẽ hết, do vậy nên mình vui lòng trả, chứ không tránh né đi đâu. Hiểu rõ như vậy, tâm ta an ổn vui vẻ, nhờ thế mà sống bình yên trước mọi hoàn cảnh. Rõ ràng sự bình yên này từ trong mỗi chúng ta, mình gầy dựng nó bằng sự tu hành, chứ không có cách nào khác. Cũng vậy, Tổ dạy nếu hoa đem trồng trên đá, thì đá là đá, hoa là hoa. Hoa làm sao bám rễ được trên đá, đá làm sao cung cấp dưỡng chất cho hoa. Thế nên hai thứ ấy không dính dáng gì nhau.

Việc tu hành hằng ngày của chúng ta cũng thế, nghe thì cứ nghe, sự duyên là sự duyên. Lỗ tai mình sáng suốt, không bị âm thanh làm mờ tánh nghe nên lúc nào ta cũng thường nghe rõ ràng. Như người ta nói xấu mình nghe rõ ràng, không bít lấp, không nhét lỗ tai lại, nhưng làm sao nghe mà đừng dính gì với lời nói xấu kia. Cứ nghe thôi, như vậy mới đúng. Chỗ này đòi hỏi chúng ta phải tỉnh sáng lắm mới được. Chúng ta thường có bệnh vội vàng, vừa nghe người ta nói xấu mình liền nổi giận đùng đùng, nói năng lung tung, không kịp suy nghĩ đúng sai chi cả. Khi nghiệm lại lỗi từ nơi mình, chớ không phải của người. Bấy giờ đã tạo nghiệp rồi, phải chuốc quả thôi.

Phật dạy muôn sự muôn vật trên thế gian này đều là giả, đều tạm bợ, duyên hợp huyễn hóa, không có gì cố định, chắc thực. Một tòa nhà nguy nga làm bằng vật liệu tốt nhất, người ta nói nó sẽ chịu đựng được một trăm năm, một ngàn năm chẳng hạn. Nhưng dù bao nhiêu năm đi nữa nó cũng hư hoại, có gì tồn tại mãi với thời gian đâu. Do vậy ta yên lòng buông bỏ mọi sự chấp giữ cho tâm nhẹ nhàng thảnh thơi. Chúng ta có phúc duyên đến với đạo, làm các Phật sự thì phải biết đầu tư, gầy dựng thế nào cho phúc duyên ấy ngày thêm tăng trưởng, đừng để nó lụn tàn. Đó là người biết tu hành.

Chúng ta phát tâm hướng về Phật pháp, tin nhận và hành trì bằng khả năng, điều kiện sẵn có của mình. Chúng ta không làm việc gì nặng nề quá sức đến nỗi tu không được. Cho nên phải cố gắng, chín chắn nhìn kỹ, chớ bỏ qua một việc lành nhỏ. Khi mình lầm qua, những cơ hội hay việc phúc thiện lớn lao không đến với ta hai lần. Vì vậy trong công phu, trong quá trình tu tập hằng ngày, mỗi vị thường luôn tỉnh sáng, siêng năng tu tập thì tin vui sẽ đến không xa.

Đối với người tu hành, Tổ dạy thế này: Tất cả thế sự tự ta phải lạnh nhạt mới hợp với đạo; và phải làm sao đối với việc sinh tử chúng ta tự quyết, tự tâm nỗ lực phấn đấu, giải quyết được việc sinh tử. Tức là mình phải đương đầu, không ai có thể thay thế cho mình được trong việc sanh tử. Làm sao tới lúc sắp ra đi, mình vui vẻ đưa tay chào mọi người. Hoặc đệ tử đem giấy bút tới, thầy ghi cho một bài kệ, dặn dò việc tu hành, rồi từ giã ra đi. Chư vị tổ sư đã dạy chúng ta phải cương quyết, đảm đương nhận lấy việc bổn phận của mình. Mỗi người tự giải quyết việc của mình, không trông chờ hay nhờ cậy ai hết. Những thứ chúng ta nhờ cậy đôi khi còn làm khổ mình hơn nữa. Ví dụ hằng ngày, người nhiều tài sản, nhà cửa, quyền tước… tới lúc ngặt nghèo thở không nổi sắp đi thì chính những thứ đó hiện ra làm khổ họ, khiến họ sống không được mà chết cũng không xong.

Cho nên Phật dạy tất cả những thứ đó là duyên hợp huyễn hóa, đủ duyên nó hợp hết duyên nó tan, bình thường như vậy. Hiểu thế lòng mình vui vẻ yên ổn, không lo sợ hay tiếc nuối bất cứ thứ gì trước khi ra đi. Ngược lại, nếu lúc đó mình rối rắm, sợ sệt, nhất là sợ chết thì sẽ hỗn loạn, thần thức dễ sa vào các cõi dữ. Bởi vì lúc gần chết tâm trạng bức xúc lắm, trong kinh nói cận tử nghiệp chi phối con đường tái sanh rất mãnh liệt. Nếu lúc đó chúng ta quờ quạng, bám vào cái gì, nghĩ đến cái gì thì sẽ lao theo cái đó. Trong kinh nói bị nghiệp dẫn, theo đó trôi lăn không biết tới chừng nào mới dừng nghỉ.

Tổ Phù Dung dạy:
Người tu thì phải khắc tỉnh, khắc tiến. Không chần chờ ỷ lại bên ngoài, không cho căn trần dính nhau. Một công phu này giải quyết tích cực đến cùng, nếu như ta chưa sáng được việc sinh tử thì ta chưa yên lòng nằm nghỉ.

Ngài dạy điều gì? Phải khắc tỉnh, khắc tiến, chưa sáng được việc sanh tử không thể nằm ngủ yên. Phải làm sao? Phấn đấu, ngồi dậy tích cực làm việc của mình, thấy việc tu hành là việc của mình, tự nhiên chúng ta phải tu thôi. Dù có những cám dỗ bên ngoài nhưng nghĩ đến chuyện tu hành, tự nhiên ta gắng gổ, gắn bó với việc bổn phận của mình. Người xưa dạy khắc tỉnh khắc tiến, không để bất cứ duyên do gì làm trở ngại công phu. Cuối lời ngài hạ một ngữ gắng lên. Chữ “gắng” là gắng sức, gắng tỉnh, phải quyết liệt chứ không nên để qua ngày. Dù chúng ta lạy Phật, tụng kinh, ngồi thiền, hoặc làm việc từ sáng tới chiều, mà kiểm lại thấy mình chưa yên, chưa quyết định, chưa gầy dựng nỗi niềm tin trong đạo thì phải ráng lên. Khắc tỉnh khắc tiến, biết việc lớn chưa xong, không thể yên lòng ngủ say. Trong lòng luôn nghiêm khắc như vậy, dù mệt mỏi nằm nghỉ một chút nhưng khi giựt mình thức dậy lại tiếp tục tu, không để xao lãng công phu.

Hiện tại chúng ta bận rộn với quá nhiều việc tạp. Bận rộn việc gia đình, sự nghiệp, tiền tài… đủ thứ. Bởi đủ thứ bận rộn như vậy nên thời gian nhớ đến đạo ít ỏi quá. Suốt từ sáng sớm tới tối, rồi khuya thức dậy tới ngày hôm sau, quí vị lo việc sinh nhai, không nhớ gì nữa hết, hoàn toàn dính mắc ngược xuôi với chuyện đời, việc tu hành lóe lên một chút thôi, rồi tắt ngủm. Bây giờ nhớ lời tổ dạy, mình gắng lên, phải phấn đấu khắc tỉnh khắc tiến. Để làm gì? Để thấy rõ mình tu còn ít quá, bây giờ đầu tư khá thêm một chút nữa. Mỗi người tự ý thức ổn định việc tu hành của mình. Các vị lãnh đạo, các vị giáo phẩm đưa ra phương pháp dạy bảo phải học hành như vậy, tu như vậy… nhưng mỗi người tuỳ theo sự hành trì của mình mà gặt hái những kết quả khác nhau.

Niềm vui hay sự lui sụt nằm trong tâm mỗi vị, thiện tri thức không thể giúp đỡ hết được. Chỉ mỗi người tự tháo gỡ, tự giải quyết cho mình là ổn thỏa nhất. Những biểu hiện ra ngoài không đúng, các thầy chỉnh đốn dùm được. Như ngủ phi thời, ăn phi thời, các ngài quở và răn nhắc như thế không thuận lợi cho việc tu hành, phải sửa đổi, đừng ham ngủ ham ăn như thế v.v... Nhưng những thứ chìm sâu bên trong mà chính đương sự cũng không dám động tới, không dám mở cửa cho nó ló ra, thì ai biết được mà giúp đỡ cho.

Do vậy trong quá trình tu tập, người xưa còn dạy chúng ta sám hối. Sám hối là tha thiết trình bày những điều bất an bất ổn trong lòng, mong cầu thầy tổ hay đại chúng chứng minh chỉ dạy, mình nguyện sẽ bỏ, không cho tái phạm nữa. Nếu không sám hối, chúng ta sẽ không tỉnh, không cố gắng vượt lên những lỗi lầm sâu kín bên trong. Nó cứ im ỉm trong đó lâu ngày sẽ thành nghiệp, lôi chúng ta đi vào con đường thối đọa, làm tiêu tan hết sự nghiệp tu hành bấy lâu.
Mỗi ngày chúng ta tự kiểm thấy việc tu hành không tiến thì phải sửa đổi lại pháp tu hoặc xả bỏ kiến chấp của mình. Có nhiều Phật tử đi chùa trên mười năm, từng cúng chùa, từng trai tăng, từng bố thí, làm tất cả thiện sự, tưởng như thế có nhiều công đức. Không ngờ càng làm càng phiền não. Như vậy là sao? Vì còn những u ẩn trong lòng, những bất an bất ổn, nó núp ở đâu không biết, hễ có cơ hội là hiện ra ngay.

Chúng ta trầm luân trong sanh tử từ nhiều đời kiếp, chớ không phải mới đây thôi, cho nên nghiệp tập rất sâu dày. Những nghiệp tập xấu, không có cơ hội thì nó u ẩn trong lòng hoặc do nhãn hiệu bên ngoài che đậy. Khi nào chúng ta bất giác nó sẽ ló đầu ra ngay. Nó đã ló đầu thì thành cớ sự. Có người trong cuộc đời tu hành, không bao giờ dám trình bày thực những u ẩn trong lòng cho ai biết hết. Không lôi nó ra thì nó nằm ỳ trong đó hoài. Bởi nằm ì trong đó nên tu hai ba mươi năm vẫn không hết trầm uất, phiền não. Bây giờ chúng ta phải làm sao triệt tiêu những thứ đó, thế nên Tổ dạy khắc tỉnh, gắng lên. Chúng ta cố gắng chủ động, tích cực giải quyết, phẫu thuật và tiêu dung được tất cả những chủng tử xấu ẩn náu bên trong. Dẹp sạch nó, chúng ta mới giải thoát được. Vì vậy quí thầy thường nhắc nhở Phật tử thôi buông đi, bỏ hết là yên.

Ngài dạy: Một chút gì chưa giải quyết mà để dây dưa mãi, đời này đời khác thì thật là một cái tâm không thuận lợi cho việc tu hành. Nếu trong lòng mình còn một chút gì dây dưa, chưa dứt khoát, chưa giải quyết được, có khi nó sẽ kéo dài từ đời này sang đời khác, thật là tai hại, không thuận lợi cho việc tu hành. Cho nên ngài khuyên tất cả người tu phải có thái độ dứt khoát, cương quyết giải quyết việc của mình cho rõ ràng minh bạch.

Cuối cùng ngài nhắc nhở thế này: Sinh bất ái thiên đường, tử bất phạ địa ngục. Nghĩa là sống không thích thiên đường, chết không ngán địa ngục. Ngay trong đời sống này thiền sư Phù Dung nói ngài không thích thiên đường, đến khi chết ngài không ngán địa ngục, tự do tự tại. Còn thích thì còn ngán, Ngài không thích nên không ngán sợ chi cả. Chúng ta vì ham thích, ngược xuôi, chạy theo dính mắc những thứ bên ngoài nên lúc gần chết không yên. Tại sao? Tại vì mình nghi ngờ. Nghi ngờ không biết trong suốt quãng đời đã qua, mình có làm việc gì tội lỗi không? Do nghi ngờ nên không ổn định, vì vậy thần thức hoảng loạn. Nếu mình dứt khoát, biết rõ từ khi lớn lên cho tới già, mình không làm việc tai hại nào hết, không gây điều ác độc cho ai. Nghiệm xét lại như thế ta thấy lòng bình yên. Những việc có thể làm mình đã làm rồi, bây giờ nhẹ nhàng, thoải mái ra đi. Phật dạy: “Hễ vay nợ thì phải trả nợ, trả sẽ hết”. Do vậy không có gì sợ sệt, nếu quí vị có nợ thì người ta tới đòi, mình trả. Trả thì hết, nhất định như vậy. Nếu mình chịu trả dù nợ bao nhiêu cũng phải hết.

Tóm lại, chúng ta có thể đúc kết lại lời dạy của Tổ sư như sau:

1. Người tu hành phải tỉnh táo sáng suốt, làm chủ các căn của mình khi tiếp xúc với trần cảnh, giống như người trồng hoa trên đá. Hoa là hoa, đá là đá, không dính dáng gì nhau. Người mà các căn tiếp xúc với trần cảnh không bị dính dáng là người giải thoát.

2. Người tu hành phải cương quyết, phải khắc tỉnh khắc tiến, gắng lên, giải quyết việc sinh tử cho chính mình. Việc này mình tự giải quyết, không ai thay thế được nên không thể đợi chờ, ỷ lại, trông mong người khác. Ngay bây giờ phải làm chủ lấy mình thì phút lâm chung sẽ làm chủ được, không khó khăn gì. Cho nên bây giờ chúng ta phải sẵn sàng, có sự chuẩn bị trước.

Tinh thần của người đệ tử Phật là luôn tỉnh sáng đối với tất cả các sự duyên chung quanh. Đây là việc quan trọng. Các thiền sư nói tu hành là nhằm giải quyết việc sinh tử. Kiểm lại công phu tu hành của chúng ta, mong rằng mùa an cư, nhờ nhân duyên tập trung một điểm, chư tăng lúc nào cũng tỉnh sáng thấy rõ, tự mình giải quyết việc của mình. Nếu có nợ thì phải trả mới hết, mới vui vẻ. Từ niềm vui, từ sự phấn chấn trong công phu tu tập, chúng ta lấy đó làm đà phấn khích để tăng tiến nhiều hơn nữa.

Chư huynh đệ có duyên với Phật pháp, gặp Phật pháp, học hiểu và cố gắng hành trì bằng sự tỉnh sáng của mình, nhất định sẽ được lợi lạc. Công phu hành trì là công đức đảm bảo ngay trong đời hiện tại mình an ổn, phút lâm chung cũng an ổn. Đó là sự sắp đặt chung cho toàn thể người tu Phật chúng ta. Sống làm chủ được, chết không sợ sệt gì hết, như vậy mới đi trên con đường Phật đã đi. Con đường Phật là con đường tự tại, con đường sáng suốt.

Nhân mùa an cư sắp mãn, chúng tôi xin hướng về mười phương Tam bảo, kính lời chúc mừng chư vị tôn đức, chúc quí ngài luôn được an lạc, quí ngài là biểu hiện xứng đáng nhất cho Phật pháp, làm cho ngọn đèn Phật được sáng tỏ mãi trên đời. Tất cả Phật tử tu hành đúng chánh pháp cũng nhờ từ nơi quí ngài. Kính chúc Tăng Ni và toàn thể đạo tràng Phật tử luôn sống dưới ánh sáng trí tuệ chân thật của mình.

[ Quay lại ]