headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 19/04/2024 - Ngày 11 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Câu hỏi: Đạo Phật cấm sát sanh...

Hỏi: Đạo Phật cấm sát sanh, nhưng sâu rầy phá lúa mạ hoa màu, nên các nhà khoa học chế biến thuốc sát trùng, người chủ ruộng mua thuốc sát trùng, người làm công xịt thuốc sát trùng. Ba người làm như vậy  có phạm tội sát sanh không  ? Nếu phạm, ai tội nặng hơn ?

Đáp:

Phật tử qui y thọ năm giới, giới sát sanh là giới đầu. Khi truyền giới, các Thầy thường giảng không sát sanh là không được giết hại từ loài nguời cho tới loài vật. Giảng như thế, Phật tử thọ Tam qui ngũ giới, mỗi khi làm điều gì có phương hại đến sinh vật nhỏ như côn trùng lòng rất hoang mang.

Điều này tôi nghiên cứu trong Luật thấy không phải như vậy. Luật Phật dạy nguời Phật tử tại gia không được giết nguời và không được giết những con vật lớn như trâu, bò, ngựa… Con nguời là chính yếu, những con vật lớn là thứ yếu, Phật không nói tới côn trùng như sâu, rầy, kiến… Đối với nguời xuất gia Phật mới đề cập tới các con vật nhỏ. Nhưng nếu có phạm chỉ là tội nhẹ. Hiểu như vậy quí Phật tử mới giữ giới được. Ngày xưa có những nguời chài lưới thọ Tam qui giữ năm giới. Nếu không sát sanh là không giết hại côn trùng như sâu kiến thì những người chài lưới làm sao tu? Giới không sát sanh chủ yếu là không giết nguời.

Giết nguời có ba cách: Một là mình tự giết bằng đao bằng gậy hay bằng thuốc độc… Hai là bảo nguời khác giết thế cho mình. Ba là thấy nguời khác giết mình vui mừng theo. Như thế là phạm tội sát sanh đối với loài nguời, còn những loài nhỏ thì chưa bàn tới. Ngày nay chúng ta giảng quá tổng quát khiến cho Phật tử lúng túng không dám làm gì hết. Nếu không dám giết sâu bọ thì làm sao làm ruộng làm rẫy? Không làm ruộng làm rẫy thì lấy gì ăn và mọi nguời sẽ ra sao? Nguời nông dân không làm ruộng, làm rẫy thì nguời nông dân đói, nguời thành thị cũng đói theo. Nguời thành thị đói thì mấy nguời tu cũng đói luôn. Như vậy là cùng chết đói với nhau. Đó là cái lẽ không hợp pháp. Phật nói không sát sanh là không giết nguời để ngăn chận tâm ác. Giết nguời thì phạm tội sát, còn những loài kia thì nhẹ, chớ không phải là chính. Hiểu như vậy thì quí vị qui y giữ giới không lúng túng khi làm việc.

Câu hỏi này đối với nguời xuất gia mới bị kẹt. Vì nguời xuất gia Phật cấm không được giết cả côn trùng. Nếu nguời tại gia mà cấm không được giết những loại nhỏ như côn trùng, thì những người làm thầy thuốc làm sao trị bệnh? Chẳng hạn bệnh nhân mắc bệnh lao, trong nguời có vô số vi trùng lao, thầy thuốc chích thuốc những vi trùng đó chết hết, bệnh nhân mới lành bệnh. Thấy có tội làm cứu cho nguời hết bệnh?

Ngày xưa khi Phật còn tại thế, có một Tỳ kheo đi đường qua một bãi sa mạc, trời nóng Ngài khát nước cháy cổ, gặp vũng nước có nhiều vi trùng không dám uống. Ngài đến bạch với đức Phật:

- Bạch Thế Tôn, con rất khát nước, con dùng thiên nhãn thấy vũng nước bên đường có vô số vi trùng nên con không uống được.

Phật bảo:

- Sao ông không dùng nhục nhãn mà nhìn?

Qua câu chuyện, quí vị thấy Phật đặt nặng cái gì? Có phải Phật đặt nặng con nguời, cứu con nguời là trên hết không? Những vi trùng vi tế sống thời gian rất ngắn rồi chết, nếu đặt nó nặng để nó phá hại con nguời thì việc làm nào đúng? Ngay trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta hít thở không khí cũng có vô số vi trùng. Như vậy vi trùng ở đầy khắp, mà bảo tránh làm sao tránh? Còn làm ruộng làm rẩy xịt thuốc trừ sâu, tâm niệm mình chỉ nghĩ cho có cơm để mình và mọi nguời ăn, chớ đâu có oán thù nó. Nghĩ đến mạng sống con nguời là việc lớn, sâu rầy là cái nhỏ. Vì việc lớn mà chịu tội nhỏ đâu có thiệt thòi bao nhiêu! Vậy giữa cuộc sống tương đối này, phải có cái nhìn cho tường tận, vì việc lớn mà chấp nhận lỗi nhỏ, đòi hoàn hảo tuyệt đối hết thì không thể được. Vì sự sống cho gia đình, cho mọi nguời có bát cơm ăn là cái phước lớn, thì phải chịu tội nhỏ đối với loài sâu bọ.

Giả sử có nguời này ỷ thế lực giết hại nguời kia, chúng ta vì thương nguời bị giết nên ra tay cứu. Khi cứu nguời kia nên bị nguời này chửi mắng. Lúc bị chửi mắng chúng ta cam chịu một chút có sao đâu! Cứu được nguời khỏi chết là quan trọng. Đó là việc làm tốt cho nguời, phần mình phải nhận chút thiệt thòi. Nếu đòi hỏi hoàn toàn tốt hết thì khó lắm. Hiểu như vậy thì chúng ta tùy duyên làm lợi ích cho chúng sanh, chúng sanh lớn biết kêu la than khóc thì lo trước, còn chúng sanh nhỏ thì lo sau.

[ Quay lại ]