headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 24/12/2024 - Ngày 24 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

NỬA CÁI BÁNH

Chân Hiền Tâm

Kính Bách Dụ ghi :

Thuở xưa có người đói bụng, mua bảy cái bánh rán để ăn. Ăn đến sáu cái rưỡi thì no, anh hối hận lấy tay vả vào miệng nói “Chỉ nhờ nửa cái bánh sau mà no, biết vậy đâu cần phải phí tiền mua sáu cái bánh trước”.

Nửa cái bánh sau khác gì nửa cái bánh đầu tiên? Nhưng chỉ ăn nửa cái bánh đầu tiên thì không thể no mà cần đến 6 cái nữa, cái nửa sau cùng mới hoàn thành nhiệm vụ làm no bụng. Nhưng anh không thấy điều đó, tiếc 6 cái bánh trước rồi vả luôn vào miệng mình. Thiếu trí tuệ luôn làm mình nhọc tâm và nhọc thân.

Pháp thế gian là pháp Nhân Duyên. Cái này luôn có quan hệ mật thiết với cái kia. Một cái quả trong hiện đời là do đã có cái nhân trước đó. Nửa cái bánh sau cùng làm no, vì đã có 6 cái trước làm nhân. Không có 6 cái trước làm NHÂN cộng thêm nửa cái sau cùng làm DUYÊN, thì không có cái QUẢ là no. Tương tự, những thứ mình có trong hiện đời dù là hạnh phúc may mắn hay bất hạnh khổ đau không phải tự dưng nó như vậy mà do nhiều nhân nhiều duyên trong tiền kiếp, đến đời này mình mới có cái quả như vậy, không có gì tự nhiên có mà là một chuỗi nhân quả nối tiếp. Cái này làm nhân cho ra quả. Cái quả đó lại làm nhân cho ra một quả tiếp nữa. Cứ vậy mà nối tiếp xoay vần. Trong kinh Niết Bàn, Phật dạy :

                    Chớ khinh tội nhỏ
                    Cho là không họa
                    Giọt nước dầu nhỏ
                    Lần đầy lu lớn

Cái trước làm nhân cho cái sau, cái sau làm nhân cho cái sau nữa. Nhân thiện nối tiếp nhân thiện thì cho ra quả thiện. Nhân bất thiện nối tiếp nhân bất thiện cho ra quả bất thiện v.v... Tùy NHÂN và sự hỗ trợ của DUYÊN mà ta được cái QUẢ là thiện hay bất thiện. Nên làm điều gì mình cũng phải cẩn thận. Nhiều khi mình không muốn nói dối, nhưng nói dối lỡ một lần, có khi lại phải nói dối lần hai để che cho cái dối trước, dối lần ba để che cho cái dối thứ hai … Nhân duyên đầy đủ, thành một người nói dối thượng hạng, ai thấy cũng chạy mặt.

Việc tu hành cũng không khác, phải có sự huân tu từ đời này qua đời kia, từ ngày này qua ngày khác, một ngày một ít, cái quả mới tròn đầy. Phải có cái bánh đầu tiên, qua cái bánh thứ hai, thứ ba … đến nửa cái bánh cuối cùng mới no. Muốn không sân, mình phải tập dừng một ngày một ít, không phải nói dừng là dừng được liền. Lúc đầu chửi đã miệng rồi mới nhớ mà dừng. Cái dừng đó tuy chậm nhưng là cái nhân đầu tiên để có những cái dừng sau. Lần kế chửi năm tiếng, nhớ rồi dừng. Lần kế nữa vừa mở miệng liền nhớ rồi dừng. Mỗi ngày sự sân giận chửi bới mỗi giảm. Nối tiếp như thế đến lúc bình thản mặc kệ hoàn toàn. Phải cố gắng tạo cái nhân đầu tiên, từ từ mới đến cái quả cuối cùng. Không phải tự dưng chỉ có cái bánh cuối cùng làm mình no. Không phải muốn hết sân, nói là nó hết sân. Phải tập một ngày một ít mới hết sân.

Như học trò đi học, học từ lớp 1 lên lớp 2 qua đến lớp 11 rồi lớp 12, thi đại học. Phải có các lớp dưới mới có đủ trình độ học lớp 12. Nếu không thấy được chuỗi nhân duyên liên tục đó mà cứ tiếc tới tiếc lui “Biết vậy, học lớp 12 thôi, học chi 11 năm dưới cho uổng”. Không có 11 năm dưới, lấy cốc gì mà học được lớp 12? Tu hành cũng như vậy.

Nói vậy thế nào cũng có người cự. Thiếu gì dạng không học mà vẫn giỏi. Thần đồng chẳng hạn. Hoặc như chư vị thiền sư, nghe một câu của Tổ liền sáng tâm. Thần đồng là loại mà chuỗi nhân duyên này đã hình thành trong nhiều kiếp trước, không phải bỗng dưng kiếp này nó tự như thế. Việc sáng tâm cũng vậy. Phải có sự miệt mài tu hành định tâm liên tục, đủ duyên gõ một cái, nó bực ra. Không phải tự nhiên mà được như vậy.

Thế giới này là thế giới Nhân Duyên, tức phải có nhân có duyên mới có quả. Không có gì tự nhiên mà có. Phải có cái nhân đầu tiên rồi chăm bón một ngày một ít cho cái nhân ấy lớn lên, một lúc nào đó mình mới có quả ăn. 3 tuổi chơi cờ tướng rất nghề vì nó có mấy chục kiếp chơi cờ tướng rồi. Không phải tự dưng kiếp này nó như vậy. 6 tuổi đã muốn vào chùa vì đó là hiện tướng của những lão tu hành đã lâu. Tại con mắt mình chỉ thấy có kiếp này nên mình tưởng nó từ trên trời rơi xuống. Thực chất không phải vậy, đều là sự huân tập một ngày một ít mà thành, là một chuỗi nhân duyên vô hạn định.

Cũng như tu thẳng vào Đại thừa được vì mình từng tu pháp của Tiểu thừa và Trung thừa. Kinh Thắng Man nói “Bạch Thế Tôn, trụ nơi Đại thừa, nhiếp thọ Đại thừa là trụ nơi nhiếp thọ Thanh văn, Độc giác cùng các thiện pháp của thế gian và xuất thế gian”. Nếu mình chỉ công nhận Đại thừa, phủ nhận Tiểu và Trung thừa là mình đang phủ nhận 6 cái bánh trước. Song không có 6 cái bánh trước, thì nửa cái bánh sau cùng trở thành nửa cái bánh đầu, nó không còn làm đúng nhiệm vụ của nửa cái bánh sau cùng. Không phải là nửa cái bánh sau cùng thì mình không thể no. Phải có 6 cái bánh trước thì nửa cái bánh sau cùng mới đứng đúng vị trí của nó để làm mình no. Vì thế, phải biết Đại thừa không rời Tiểu và Trung thừa. Có Đại thừa là có Tiểu thừa và Trung thừa. Có Tiểu thừa và Trung thừa là có Đại thừa. Không thể ngắt chúng thành từng phần từng đoạn độc lập riêng lẻ.

Ngược lại chỉ công nhận Tiểu và Trung thừa mà phủ nhận Đại thừa thì cũng như ăn 6 cái bánh trước mà chê nửa cái sau cùng. Ăn như thế thì đói có giảm nhưng gọi là no thì chưa. Phải có nửa cái sau cùng đó mới gọi là no. Đó là những mắc xích nhân duyên làm nên Phật pháp giúp người đời hết khổ. Chỉ ngang 6 cái trước rồi ngừng thì không no. Ăn hết nửa cái sau cùng mà phủ nhận 6 cái trước thì bạc bẽo. Phải làm sao thấy được toàn bộ chuỗi nhân duyên liên đới đó. Cái này liên hệ mật thiết với cái kia. Trong thế giới Nhân Duyên, không thể ngắt thừa này riêng hẳn với thừa kia. Chúng không một nhưng không khác. Cái KHÔNG KHÁC đó là cái THỂ của cái KHÔNG MỘT. Trong Đại thừa vẫn tiềm ẩn pháp của Tiểu thừa. Trong Tiểu thừa đã ẩn chứa sơ về cốt lõi của Đại thừa. Vì sao phân biệt?

Vật lý hiện đại còn phải công nhận thế giới này là một mạng lưới động, cái này liên hệ chặt chẽ với cái kia, huống Phật pháp, là đạo khám phá ra qui luật Nhân Duyên đang chi phối thế giới này (1). Phật nói “Này các Tỷ kheo! Do duyên sanh lão tử có mặt. Dù chư Như Lai có xuất hiện ở đời hay không xuất hiện ở đời, các pháp vẫn như thế, vẫn quyết định tánh ấy, vẫn theo duyên như thế”. Theo duyên như thế là theo luận điệu “Do duyên sanh, lão tử có mặt”. Tương tự, do duyên TIỂU mà ĐẠI có mặt. Do duyên ĐẠI mà TIỂU có mặt. Tiểu không phải là Đại nhưng Tiểu không khác Đại, đều do một thể mà ra. Cái không khác đó mới là chỗ mà TIỂU hay ĐẠI qui hướng. Còn lập TIỂU hay ĐẠI là theo căn cơ của chúng sanh mà lập. Đều là phương tiện, không phải cứu cánh. Chỉ là vì ệnh mà cho thuốc. Hết bệnh thuốc cũng quăng để nhập Nhất thừa. Nhất thừa thì không có thừa để nhập, không có thừa để nương.

 

[ Quay lại ]