headertvtc new


   Hôm nay Thứ hai, 29/04/2024 - Ngày 21 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Vô mục tương cố

Thuần Bạch   

Tất nhiên, mọi sự không bao giờ tự nhiên mà đến. Phải có nhân mới có quả. Nhân ở Trúc Lâm và quả ở Viên Chiếu.

Tháng thứ nhì ở Trúc Lâm là tháng điêu đứng gần như khủng hoảng. Nỗi cô đơn cùng cực, cơn sốt tâm linh dường như bốc khói, và trong tình trạng bất an khuấy động, chới với và lạc lỏng không chịu nỗi, tôi đã đành bám vào gia đình, em út từ lâu xa cách cách. Nỗi bất an được giải tỏa một phần, cơn sốt hạ độ  … nhưng sau đó là nỗi buồn tái tê trì trệ kéo dài. Cho đến khi tôi giựt mình thấy sao quá bê bối, tu bao nhiêu năm để rơi vào hoàn cảnh này . Làm sao? Làm sao để thóat ra? Buông! Và từ đó là khinh an và an ổn mãi cho đến ngày về Viên Chiếu.

Trời vào mưa …

Viên Chiếu vào mùa.

Khí hậu vẫn nóng bức, nóng khô cả người, sưng cả răng, nứu răng mưng mủ phải uống trụ sinh lại càng nóng thêm. Tôi xin trà tươi uống thay trà khô. Màu trà tươi vàng óng ánh, sóng sánh trong chiếc ly pha lê, là màu của nóng hay màu của y, những lá y đang rực rỡ hân hoan và đăm chiêu đứng dàn chào hai bên đón Thầy vào thăm thất.

Thầy xuất hiện ngay cửa vào khu Thiền Thất. Cả núi rừng Trúc Lâm như nằm gọn trong lòng bàn tay Thầy, mây và sương Đà Lạt như bồng bềnh quyện dưới chân Thầy từng bước đi trên đường đất, tiến lên bậc thang gỗ vào thất lá. Chúng tôi, tám thất chủ từng người đứng ra lễ lạy thưa thỉnh. Đến lượt tôi: “ Kính bạch Thầy, có một buổi chiều ở Trúc Lâm Ni, Thầy hỏi về kinh Thất Hiền Nữ với câu “Thây ở  đây, người ở đâu?” Suốt thời gian trong thất, thỉnh thoảng câu này vang lên trong đầu con, nhưng con thông qua, cứ một bề “niệm một”…. Nhưng đùng một cái, ở Viên Chiếu có hai đám ma chỉ cách nhau mười ngày. Sao nhanh thế? Và câu “Thây ở đây, người ở đâu?” được dịp tuôn ra ào ào. Không phải là một người thân vừa mất, một huynh đệ vừa qua đời, mà con thấy như chính con đang hấp hối, cái chết đang rượt sau lưng. Trời ơi, không còn kịp nữa… “Thây ở đây, người ở đâu”.

Câu hỏi cách đây gần một năm, như được hà thêm hơi, chắp thêm cánh đã vượt không gian, cõng theo sương sớm cao nguyên, đồi thông Trúc Lâm, về đây tưới tẩm bốn mùa nắng rát gió hanh, nuôi dưỡng và ấp ủ, để bây giờ nhựa sống dâng trào thành nụ hoa.

Trên bầu trời đen thẳm, có ai treo hay lơ lửng tự bao giờ MỘT VẦNG TRĂNG

                    Đố Trăng mấy tuổi trăng già

                    Mộng mơ mơ mộng ta bà phù âu

                    Thây ở đây, người ở đâu?

                    Tử sanh sanh tử khác nào bóng trăng

                    Ngàn sông nước hiện ngàn trăng

                    Sông khô nước cạn hỡi trăng đâu rày?

                    Đất không nào chứa mảy may

                    Trời không riêng lộ, ô hay trăng kìa!

Tao nhân mặc khách uống trà ngắm trăng, còn vầng trăng của người tu không phải để ngắm. Dù còn nương hay hết nương theo ngón tay, dù đã nhìn thấy mặt trăng, vẫn chưa xong việc. Nếu nói theo người xưa thì: “ Tuy như thế Thiền của Lâm Tế vẫn chưa từng mộng thấy”. Người tu nhất là người trong thất, sau khi được thiện hữu tri thức đẩy vào quỹ đạo tức “Trực chỉ nhân tâm”, phải tự xoay sở đủ cách để tự đáp xuống mặt trăng, tức “ Kiến tánh thành Phật”. Trăng là mình, mình là trăng. “Người trong thất không biết việc bên ngoài” (Vân Môn) nên đâu thể ngắm trăng thưởng hoa, trà dư, tửu hậu, thi phú vịnh ngâm. Nếu có thơ kệ chăng nữa cũng chỉ là cảm tác bắt nguồn từ chấn động nội tâm, một chấn động long trời lở đất, đảo lộn càn khôn. Cảm tác đến sau, nhưng dù sao cũng nằm trong bình diện siêu xuất chớ không phải phàm tình. “Người trong thất” – không phải là “thất sinh” vì không có gì để học, không phải là “thất sư” vì không có gì để dạy, không phải là “thất giả” vì không có gì để làm, do đó là “thất chủ” hay là “am chủ”, tức luôn luôn làm chủ chính mình. Muốn được như thế, xin nghe Triệu Châu trả lời thiền khách đến tham vấn. Dù khách chưa từng đến hay đã từng đến, ngài đều trà lời gon lỏn một câu: “ Uống trà đi!”

[ Quay lại ]