headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 30/04/2024 - Ngày 22 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Tục lệ đầu xuân

Phổ Quang Chí  

Mỗi độ xuân về, dân ta có nhiều tục lệ do miệng miệng tương truyền hoặc do một vài cá nhân ngộ nhận sai lầm tạo thành thói quen và khởi nguồn từ đó. Một vài trường hợp để chúng ta rút kinh nghiệm.

- Tục lệ hái lộc đầu năm : Mọi người tin rằng sáng mùng một của ngày đầu năm, nếu có ai mang lộc đến biếu tặng, họ tin rằng suốt năm sẽ làm ăn phát đạt giàu có.

Bởi thế mọi người, trai gái rủ nhau đi chơi suốt đêm ba mươi, đợi lúc pháo nổ giao thừa bẻ một số cành lộc mang về nhà. Hoặc sau khi đón giao thừa Lễ Phật xong, lén ra vườn hoa cây kiểng bẻ cho được một nhành lộc non đem về cắm vào phòng, nghĩ rằng lộc đã đưa đến nhà, chắc năm nay làm ăn khấm khá, nhưng sự thật thì khác hẵn, bởi do hiểu lầm chữ lộc.

Chữ “Lộc” gồm có 2 nghĩa:

            1. Lộc non
            2. Tài lộc

Vì không hiểu đúng nghĩa nên áp dụng sai lầm, do đó đã không mang tiền bạc về nhà mà lại mang cành cây nhánh lá, chỉ vài ngày héo khô vứt bỏ. Hậu quả tan tát vườn hoa cây kiểng, mất vẻ mỹ quan của những nơi công viên, chùa chiền tu viện mà các nhà chức năng đã dày công đầu tư chăm bón, uốn nắn, cắt tỉa để tăng thêm vẻ đẹp mùa xuân.

- Tục lệ mâm trái cây : Mỗi khi lễ khai trương hay về nhà mới, người ta thường sắm lễ vật cầu cúng, quan trọng nhất là mâm trái cây, trong đó chính yếu nhất là mãng cầu, dừa, đu đủ và xoài có nghĩa là “Cầu vừa đủ xài”, nếu phân tích từ ngữ thì đây là dùng trùng âm của chữ “dừa” thành “vừa”, chữ “xoài” thành “xài” mà họ không nhận biết, thế nên dù trái mùa khan hiếm các loại trái cây trên, vẫn quyết tìm mua cho được dù đắc đỏ cũng an lòng.

Nếu gặp ai bán sung lại càng tranh nhau mua cho kỳ được đem về nhà đặt lên mâm trái cây dâng cúng, họ vui mừng tin rằng sau này sẽ được sung mãn. Đó là niềm tin thiếu chính xác. Bởi lẽ dẫu có người mang hàng trăm cây sung cả gốc lẫn ngọn về nhà, khi nghèo vẫn là nghèo. Vì muốn sung mãn, ta phải làm phước và đem hết khả năng sản xuất, vận dụng trí tuệ đầu tư sáng tạo mới giàu có được, chứ ngồi “há miệng chờ sung rơi” chắc khó như ý muốn.

- Tục lệ thử thời vận đen đỏ : Sáng mồng một tết mọi người thường đổ xô đến những tụ điểm bài bạc, đánh vài ván thử thời vận. Nếu thắng, tin rằng năm nay sẽ làm ăn khá giả. Nếu thua họ cho rằng năm nay làm ăn thua lỗ. Ý tưởng thật mơ hồ. Bởi lẽ họ đã tự đánh mất niềm tin vào tài năng của chính họ, chạy theo vọng tưởng, chán nản bỏ bê công việc, đi đến sự thất bại, từ đó tin sâu vào thời vận hơn nữa.

Ta cần sáng suốt hiểu rằng: “Thất bại là mẹ thành công” hay “thua keo này bày keo khác” và phải vượt lên chính mình mới hóa giải mọi trở ngại. Được vậy chiến thắng sẽ thuộc về ta.

- Tục lệ xin xăm bói quẻ: Đầu năm mọi người thường rủ nhau đi xin xăm bói quẻ để đoán sự tốt xấu trong năm. Khi gặp xăm tốt thì vui mừng, xăm xấu thì lo âu phiền não. Xăm tốt cũng khuyên ta làm lành làm thiện, xăm xấu cũng khuyên ta làm lành làm thiện. Kết luận đó là phương tiện để khuyên chúng ta nên làm lành lánh dữ. Cuộc đời có lúc vui lúc buồn, lúc thịnh lúc suy. Đây chẳng phải là do ai ban ân gieo họa mà chính quá khứ ta đã gieo nhân ngày nay hưởng quả.

Phật dạy: “Muốn biết nhân ngày trước, ta nhìn quả ngày nay. Muốn biết quả ngày sau, ta nhìn nhân hiện tại”. Như vậy, đâu cần cầu xin ai ngoài cầu xin chính mình.

- Tục lệ coi ngày khai trương: Những cửa hàng kinh doanh mua bán lớn, đầu năm thường chọn ngày tốt để khai trương ngõ hầu công việc làm ăn được êm xuôi thông suốt, đắc khách đắc hàng. Đây chỉ là phương tiện tạo niềm tin tốt lành cho công việc mua bán làm ăn. Nếu ngày tốt giờ tốt mà ta mua bán không tốt thì thử hỏi có làm ăn được lâu dài hay không? Trái lại không coi ngày tốt mà ta làm ăn tốt, có uy tín với khách hàng, bán giá cả phải chăng, tôi khẳng định cửa hàng này ngày càng đông khách. Như vậy bất luận ngày tốt ngày xấu mà tâm chúng ta tốt thì tất cả đều tốt, tâm chúng ta xấu thì tất cả đều xấu mà thôi.
Phật dạy: “Nhứt thiết duy tâm tạo” Vậy người trí, ta nên suy xét kỹ.

- Tục lệ cúng sao hạn: Đa số mọi người trong đó có cả Phật tử đã quy y Tam Bảo rồi vẫn còn cúng dâng sao giải hạn, tin rằng nhờ có dâng sao giải hạn mà thoát khỏi tai ách. Điều này không xác thật bởi lẽ Thánh nhân đã dạy: “Bất luận tôn sùng nhi giáng phước.  Chẳng màng thất lễ cố gieo tai”

Phật nói: “Ta không ban ân cho ai mà cũng chẳng gieo họa cho ai”, như vậy ta đã tạo nghiệp thì phải trả nghiệp. Chẳng có ai tha tội cho ta được nếu thế thì dâng sao giải hạn làm gì uổng công hao của, tạo thêm tà kiến chẳng lợi ích gì.

Phật dạy: “Tội từ tâm khởi, đem tâm sám. Tâm được tịnh rồi tội liền tiêu”

Có lỗi lầm, ta biết hổ thẹn không gây tạo nữa, từ đó tâm được tịnh thì tội liền tiêu.

Trong kinh Di Giáo Phật dạy: “Những việc chế thuốc thang, coi bói tướng, coi thiên văn, đoán thời tiết, dâng sao giải hạn, tính lịch số đều không thích hợp.”

Là Phật tử chúng ta đã quy y Tam Bảo, phải nhất nhất quay về y theo lời Phật dạy, đừng nghe ai chạy theo ngoại vọng tà kiến uổng một đời tu học. Mất thân này muôn kiếp khó gặp lại được.
 

[ Quay lại ]