headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 24/12/2024 - Ngày 24 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Tìm hiểu con người Thiền Sư Bạch Ẩn

Ngọc Bảo soạn dịch

Bạch Ẩn là người như thế nào?

Theo lời của Đông Lãnh, Bạch Ẩn  có những “cử chỉ chậm chạp nặng nề, cân nhắc như của một con bò đực và cái nhìn sắc bén xuyên thủng như của một con hổ dữ”. Sự mô tả này có thể không ngoa chút nào qua bức tượng chân dung lớn bằng người thật của ngài ở bệ thờ trong Tổ Đường của chùa Tùng Lâm, mà cho tới ngày nay, cái nhìn trừng trừng vẫn làm khách đến thăm không khỏi khiếp sợ, cũng như qua vô số những bức tự họa, và những lời kể lại của đệ tử ngài: Ngài có một dáng người cao lớn, uy nghi, có sức mạnh thể lực lớn lao phối hợp với một cá tính lấn áp, nổi bật với một ý chí mạnh mẽ phi thường và tinh thần độc lập cứng cỏi.

Tuy nhiên, ngài không phải là người hoàn toàn nghiêm nghị, khắc khổ. Trong quyển Hồi ký Bạch Ẩn của Đông Lãnh, có vài đoạn ghi chú lại những thói quen và nhược điểm của ngài, thì có thể thấy thoáng qua những nét mềm mại rất “người” của Bạch Ẩn. Đó là bức tranh toàn diện hơn về cá tính chung của ngài.

Ví dụ như, ngài đặc biệt rất thích ăn ngọt. Nhược điểm này có lẽ cũng nổi tiếng trong giới Thiền tông lúc ấy, vì Đông Lãnh nói là khi ông đến chùa Tùng Lâm lần đầu tiên để gặp thầy, ông đã đem theo làm quà một gói kẹo bánh mua dọc đường. Bạch Ẩn cũng rất mê ăn mì soba, và khi người đầu bếp trong chùa nấu món tororojiru, một món ăn làm bằng khoai lang tán. Chuyện kể lại rằng “Chỉ nghe tiếng chày giã khoai lang thôi cũng đủ làm cho thấy chảy nước miếng, mắt nheo lại thích thú chờ đợi” Và cũng như hầu hết những vị tăng Nhật Bản, ngài cũng thích uống rượu sake. Quyển Hồi Ký Bạch Ẩn kể lại rằng ngài trong độ tuổi ngoài hai mươi đã cố uống cho bằng hết mấy chén rượu sake trước khi vào chùa bắt đầu khóa tu ráo riết và cam go.

Theo lời thiền sử gia Rikugawa Taiun, trong mười năm đầu làm trụ trì ở chùa Tùng Lâm, Bạch Ẩn không được phép uống rượu, tuy  nhiên, về sau này, ngài cũng uống một cách vừa phải, nói là để “chữa bệnh” thôi. Ngài cũng có thói quen hút thuốc điếu từ lứa tuổi đôi mươi trở đi. Rồi một hôm, cảm thấy áy náy với ý nghĩ hút thuốc là phạm giới, ngài đã quyết định cai bỏ đi. Lấy bao thuốc lá và ống điếu ra, ngài đem đến một thửa ruộng và rồi, làm như muốn cắt hết mọi sự ràng buộc với những đồ vật này, ngài lấy cây gậy ấn chúng xuống dưới mãi cho đến khi chúng bị vùi sâu trong lòng đất bùn. Nhưng về sau này, ngài lại trở lại thói quen hút thuốc, lần này nói là vì nó giúp ngài “thư giãn với những trách nhiệm năng nề của công việc giảng pháp”. Đông Lãnh, người có tiếng là giữ gìn giới luật nghiêm minh, đã viết là đôi khi ông vào trong phòng Bạch Ẩn lại bắt gặp ngài vội vã giấu ống điếu đang còn bốc khói ra đàng sau lưng.

Hai giai thoại nổi tiếng về Bạch Ẩn được truyển tụng lại như sau:

Thiền sư Bạch Ẩn nổi tiếng trong vùng là một người đạo đức, sống một đời thanh tịnh, rất được khen ngợi.

Gần nơi sư ở có một tiệm thực phẩm, trong đó có một cô gái trẻ đẹp sống chung với cha mẹ, bỗng một ngày, cha mẹ cô gái bất ngờ khám phá ra là cô đang có thai. Thế là họ tức giận vô cùng, tra hỏi thế nào cô gái cũng không nói cha của đứa bé là ai, cuối cùng, bức bách quá cô nói tên Bạch Ẩn ra.

Tức giận điên cuồng, cha mẹ cô gái đi đến gặp sư, la mắng đủ điều. Sư chỉ nói: “ thế à?”

Sau khi đứa bé được sinh ra, nó được đem đến bỏ ngay nơi chỗ của Bạch Ẩn. Lúc này, bao nhiêu tiếng tốt đã mất hết, nhưng sư không cảm thấy phiền não, săn sóc đứa bé rất chu đáo. Ngày ngày sư đi khắp xóm làng xin sữa cũng như những thứ cần thiết cho đứa bé. 

Một năm sau, cô gái mẹ đứa bé không chịu nỗi nữa. Cô thú thật với cha mẹ - rằng người cha thật sự là một thanh niên làm việc trong chợ cá. Cha mẹ cô gái vội vàng đến ngay gặp Bạch Ẩn, lạy lục xin lỗi hết lời và xin phép được đem đứa bé về. Bạch Ẩn cũng sẵn sàng chiều ý. Trong khi trao đứa bé lại, trước sau sư chỉ nói một câu: “ thế à?".

 Một chiến sĩ tên là Nobushige đến gặp Bạch Ẩn, hỏi rằng: “Có thật có thiên đường và địa ngục không?”

 Bạch Ẩn hỏi: “Ngươi là ai?”

Chiến sĩ trả lời: “ Tôi là một hiệp sĩ”

“Ngươi mà là một chiến sĩ à!” Bạch Ẩn la lên, “ Không biết loại tướng quân nào mà cho ngươi làm cận vệ nhỉ? Trông mặt ngươi y như thằng ăn mày vậy.”

Tức giận, Nobushige muốn rút kiếm ra, nhưng Bạch Ẩn lại tiếp: “ Thì ra ngươi cũng có kiếm đấy à? Vũ khí của ngươi chắc là quá cùn, không thể cắt đầu ta được đâu!”

Trong khi Nobushige rút kiếm ra, Bạch Ẩn buông ra một câu: “ Đây là cửa đi đến địa ngục!”

Nghe lời nói, hiệp sĩ chợt hội được ý của Bạch Ẩn, bèn tra kiếm vào bao, cung kính cúi đầu thi lễ.

Bạch Ẩn nói, “ Đây là cửa đi đến thiên đường!”.

 

[ Quay lại ]