VUI BUỒN CUỐI NĂM
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ ba, 09 Tháng Hai 2010 09:04
Chân Hiền Tâm
Còn mấy ngày nữa là qua năm mới. Năm Canh Dần. Người đời vẫn nói “Cọp đã cao số mà còn canh nữa thì thêm tệ hại”. Canh, là canh cô mồ quả. Y đó có thể dự đoán một quẻ đầu năm: “Năm nay dân Việt ít tăng”. Người người sẽ nín cho qua năm nay để tránh cho con cái mạng đơn độc dữ dằn. Chỉ có mấy bà thiền sư mới không quan tâm việc ấy, nhưng nếu thiền sư thì không sinh nở gì nữa.
Cuộc sống của người học đạo, dù là tại gia thì cũng loanh quanh trong mấy quyển kinh, bạn đạo, chùa chiền, gia đình. Vui buồn của người học đạo cũng chỉ loanh quanh trong những thứ đó. Nhưng dù là việc vừa lòng hay không, với người học đạo, tất cả đều là phương tiện chư Phật ban cho, như thêm cơ hội để mình luyện tâm. Có thăng có trầm mới thấy năng lực của mình thế nào, mới thấy sức nhẫn của mình kham được tới đâu, mới có điều kiện trui rèn con người của mình cho thêm vững chải. Không có gió thổi, nào biết tâm động bao nhiêu, nào biết cây lay mấy phần? Hỏi vui hay buồn, chỉ biết trả lời đang học cái đạo "không vui không buồn", chỉ biết bổn phận trước mắt, không nhớ quá khứ, không vọng tương lai, như bài cổ thơ Nhật Bản đã nói:
Không biết vào mùa thu này
Mưa và bão có đến?
Bổn phận của ngày hôm nay
Là cần nhổ cỏ cánh đồng lúa
Hiện nay, kinh tế suy sụp hình như là việc không vui của khá nhiều người. Đang nắm hàng tỷ trong tay, bỗng nhiên mất trắng. Nắm ruột liền tay mà mất như thế không đau sao được. Ừ, đồng tiền vốn rất quan trọng trong thời hiện đại. Tới đâu cũng cần có tiền. Nó làm tăng thêm thành công và giúp cho ta thêm được niềm vui trong nhiều lãnh vực, dù là tôn giáo. Có chúng, gần như mình có tất cả. Mất chúng, gần như mình mất tất cả. Bởi thế mà mình xả thân theo chúng. Nhưng rồi mình quên một điều : Chúng có hình tướng. Thứ gì có hình có tướng, đều bị chi phối bởi lý Vô thường, đều bị chi phối bởi lý Duyên khởi.
Chịu sự chi phối của lý vô thường
Chịu sự chi phối của lý vô thường, nên đã có SINH thì ắt có DIỆT. Phát triển thịnh rồi sẽ có lúc tàn. Của không tàn thì người tàn. Như người sinh ra rồi chết. Có ai sinh ra không chết? Trước sau cũng chết, chỉ lâu hay mau mà thôi.
Đức Phật Thích Ca, pháp thân vô tướng không sinh thì không có diệt, nhưng thân tướng tuyệt hảo mà ta thấy được ở ngài, cũng không thoát khỏi qui luật sinh tử. Giáo pháp của ngài để lại cũng có khi thăng, khi trầm, khi hiện, khi ẩn. Bậc đệ nhất trong thiên hạ còn như thế, huống là những kẻ thường tình như mình, làm sao có thể đi ngược với qui luật ấy? Cần hiểu đúng đắn về những qui luật chi phối thế gian để mà … chấp nhận. Biết chấp nhận sẽ thấy dễ chịu hơn nhiều. Phản khán làm chi một cái không thể phản khán.
Hiểu được qui luật ấy rồi, thì khi ở tận đỉnh cao của sự thỏa mãn vui sướng, mình sẽ không để cho những cảm xúc thành công chi phối quá nhiều. Lắng lòng nhìn lại, vào cái chỗ mà sự thỏa mãn vui sướng đang hiện khởi. Tỉnh giác được với những cảm xúc khi thành công thì khi rơi xuống vực sâu của thất bại, sẽ không bị tâm trạng chán và buồn chi phối quá mức.
Chịu sự chi phối của lý Nhân duyên
Những gì ta có hiện nay đều bắt nguồn từ một cái nhân đã được gầy tạo trong quá khứ. Giàu có sung túc là cái quả của việc mở lòng cho ra, như bố thí, cúng dường v.v... Một quả đã sinh, thì theo qui luật vô thường sẽ có lúc diệt. Muốn quả ấy được sinh tiếp tục, ta phải gầy tạo những nghiệp nhân mới, lấy đó làm duyên bảo tồn cho sự sung túc hiện đời và trong tương lai.
Lúc Hòa thượng Trúc Lâm còn đi giảng ở thiền viện Vạn Hạnh. Có một người bẫm với Hòa thượng Vạn Hạnh: “Ôn Thanh Từ về giảng ở thiền viện, không chỉ tụi con được lợi mà nhiều người được lợi lắm”. Ôn Minh Châu hỏi lợi gì, ai lợi? Người đó trả lời : Dạ, tụi con thì được nghe pháp, còn mấy ông xe ôm, xích lô, hàng quán v.v… ai cũng có lộc nhờ Phật tử về thiền viện mình đông”. Cái đức của Sư ông là như thế. Còn mình có phước thì bạc tiền kiếm được lại thường ở thế đối đãi : Mình được thì người mất. Đó là cái nhân để có cái quả không tốt về sau. Do thế đối đãi ấy mà thiền sư Sessan nói: “Khi chúng ta thấy rõ vạn pháp trong thế gian này đều hạn cuộc, thì sẽ hài lòng trong mái nhà tranh đơn sơ nhất”. Ở cõi Ta bà này là như thế. Cho nên, hạn chế được thế đối đãi ấy nhiều chừng nào tốt chừng nấy. Mình thành công mà người người quanh mình cũng có phần dư ăn dư mặc hạnh phúc thì cái quả của mình nhận được mới dài lâu. Không thì không biết đường đâu mà rờ. Thời buổi này, cái duyên hoại diệt lại nhiều vô kể : Động đất, thiên tai, hỏa hoạn, nạn tai, sông nước v.v… Nếu chỉ nương vào sự khôn lanh gian xảo mà sống, không lấy cái đức làm chủ, thì những thứ ấy nó rờ tới mình lúc nào không hay.
Trong vực thẩm vẫn có ánh sáng của châu báu
Thiền sư Sessan nói: “Tính linh thiêng chân thực là sống trong sự biết ơn khi hoàn cảnh và mọi sự bất lợi cho ta”. Biết ơn khi mọi thứ quanh ta đều tốt đẹp thì dễ, nhưng biết ơn khi thất bại đến là một sự khó khăn vô cùng. Nhưng quả tình hãy biết ơn những việc như thế.
Đang trên đỉnh cao của danh vọng và tiền bạc, mình rất dễ kiêu căng và tự mãn. Đó là cái nhân của ba đường dữ. Thất bại giúp mình tỉnh giác với những thói xấu ấy.
Thất bại, giúp mình có thời gian nhìn thấy nhiều việc có ý nghĩa để làm hơn là cứ cắm đầu vào việc làm giàu, ăn chơi, ngủ nghỉ.
Bất như ý, dễ khiến mình nhìn lại con người mình, nhận ra những ưu khuyết điểm của chính mình.
Thất bại, giúp ta dừng đi cái chủng thiêu thân trong con người mình. Đứng trong guồng máy danh lợi rồi, mình sẽ như lũ thiêu thân a vào bóng đèn, gây nghiệp rồi nghiệp gây … không biết khi nào mới thoát ra được.
Thất bại, là cơ hội giúp ta ngơi nghỉ và trở về với giáo pháp của đức Phật. Đó là cội nguồn mang đến hạnh phúc cho ta. Nếu thông hiểu và áp dụng được những gì mà Phật đã dạy, thì trong bất cứ hoàn cảnh nào ta cũng bình yên.
Khi đã có thể nhận thấy : Ngay cả những việc không như ý cũng mang đến sự tốt đẹp cho ta, thì xuân dù ấm áp, hạ dù nóng bức, thu dù u ám và đông dù lạnh lẽo, chúng cũng đều có những ý nghĩa của riêng chúng, đều mang đến cho ta những ý thú riêng nếu ta biết vận dụng chúng. Cuộc đời sẽ thêm thi vị.
Để kết thúc, xin kể lại một câu chuyện để mọi người cùng ngẫm nghĩ :
Trong sở thú, con cọp nổi tiếng chết.
Chủ nhân sở thú quyết định lột da con cọp và thuê một người đội bộ da ấy làm cọp. Thật khó tìm người, nhưng rốt cuộc cũng có một chàng say rượu chịu nhận với tiền lương là 30 yen mỗi ngày và ba xị rượu sa kê.
Mỗi ngày anh đội lớp da cọp vào chuồng với dáng điệu uể oải, thỉnh thoảng lại hớp một ngụm sakê mà anh giấu trong lớp da. Vào ngày lễ, sở thú chật ních người. Có hai sinh viên vui tính đang chú mục vào chuồng cọp.
Một người nói : “Không có con vật nào mạnh bằng con cọp. Có một bài thơ cổ nói về tiếng cọp rống cùng với mặt trăng trên trời …”.
Người kia vặn lại: “Không phải. Sư tử mới là chúa tể của muôn loài, khi nó rống lên tất cả đều run rẩy”.
Từ đó biến thành cãi vã. Cuối cùng họ yêu cầu chủ nhân thả hai con vật ra đấu với nhau. Ông sẽ được bồi thường nếu có việc thiệt hại xảy ra. Nghe vậy, con cọp thất kinh, nhưng chưa kịp làm gì thì cửa chuồng bên cạnh đã được mở. Con sư tử nhảy chồm vào một cách hung tợn. Đám đông nín thở. Run sợ, con cọp đứng dựng lên. Trong chốc lát, sư tử đùa giỡn với cọp như mèo vờn chuột, rồi đưa miệng nói vào tai cọp : “Mày khỏi phải run như thế. Tao cũng là thằng ba xị như mày”.
Thiền sư Sessan bình rằng: “Câu chuyện châm biếm trên có một ý nghĩa rất đặc biệt, chế nhạo đời sống hiện đại. Mọi người đều mang cho mình một lớp vỏ. Sự thật là thế! Sư tử và cọp hình tướng tuy có khác nhau, nhưng đều được sắp đặt để trình diễn một cách thương tâm trước mắt mọi người. Tuy vậy, trong họ luôn có sự sống của một con người cao quí, như thiền sư Bạch Ẩn đã nói: “Mọi chúng sinh xưa nay là Phật”. Chỉ có hai con đường để chọn lựa: Hoặc sống ẩn náu trong lớp vỏ. Hoặc gở ném lớp vỏ đi và sống thoải mái”.
Chỉ có hai con đường để chọn lựa hay vẫn còn một con đường thứ ba? Đó là sống trong lớp vỏ ấy nhưng hiểu rất rõ về những lớp vỏ mà mình và người đang mang, như anh chàng đội lốt sư tử kia?
Với bạn thì sao, bạn thấy thế nào về lớp vỏ mà mình đang có ?