headertvtc new


   Hôm nay Thứ hai, 25/11/2024 - Ngày 25 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

NHỮNG THÔNG ĐIỆP TỪ KHÔNG

tanhkhongSuzuki - Viên Chiếu dịch 

Mặc dù chúng ta không có những thông điệp thực sự được viết từ thế giới “không”, chúng ta cũng có được một vài dấu chỉ hay những gợi ý về những gì đang xảy ra trong thế giới đó. Và đó là, bạn có thể nói, chứng ngộ. Khi bạn thấy hoa đào nở hay nghe tiếng sỏi chạm vào bụi trúc, đó là một thông điệp từ thế giới “không”.

Chỉ quản đả tọa là thực hành hay tu tập Không. Dù bạn có một hiểu biết mơ hồ về nó qua tư tưởng, bạn nên hiểu Không qua kinh nghiệm của mình. Bạn có một ý tưởng về “không” và một ý tưởng về “hiện hữu”, bạn nghĩ “hiện hữu” và “không” đối nghịch nhau. Nhưng trong Phật giáo, cả hai đều là ý tưởng của hiện hữu. “Không” của chúng ta không có nghĩa như ý của bạn. Bạn không thể hiểu “Không” một cách trọn vẹn bằng tâm suy nghĩ hay với cảm xúc của bạn. Đó là tại sao chúng ta tọa thiền.

Chúng tôi có một thuật ngữ shosoku, cảm giác bạn có khi nhận được thư nhà. Dù không có một bức ảnh thực, bạn vẫn biết cái gì thuộc về nhà mình, người ta đang làm gì ở đó, hay những hoa nào đang nở. Đó là shosoku. Mặc dù chúng ta không có những thông điệp thực sự được viết từ thế giới “không”, chúng ta có một vài dấu chỉ hay những gợi ý về những gì đang xảy ra trong thế giới đó, và đó là, bạn có thể nói, chứng ngộ. Khi bạn thấy hoa đào nở hay nghe tiếng sỏi chạm vào bụi trúc, đó là một thông điệp từ thế giới Không.

Bên cạnh thế giới chúng ta mô tả được, có một loại thế giới khác. Mọi mô tả về thực tại là những mô tả bị giới hạn về thế giới “không”. Nhưng chúng ta mắc vào những mô tả và nghĩ chúng là thực tại. Đó là một lầm lẫn vì cái gì có thể mô tả thì không phải là thực tại chân thật, và khi bạn nghĩ nó là thực tại, ý tưởng của riêng bạn bị dính mắc. Đó là một ý tưởng về ngã.

Nhiều Phật tử lầm lẫn như thế. Đó là tại sao họ dính mắc vào kinh điển hay lời Phật dạy. Họ nghĩ rằng lời của Ngài là thứ có giá trị nhất và cách gìn giữ lời dạy là nhớ những gì Phật nói. Nhưng những gì Phật nói chỉ là những lá thư từ thế giới “không”, chỉ là một gợi ý hay giúp đỡ từ Ngài. Nếu người khác đọc nó, nó có thể không ý nghĩa gì. Đó là bản chất của lời Phật. Để hiểu lời Phật chúng ta không thể dựa trên tâm suy nghĩ thông thường của mình. Nếu bạn muốn đọc một lá thư từ thế giới của Phật, thì cần phải hiểu thế giới của Phật.

“Làm trống” nước trong tách không có nghĩa uống hết nó. “Làm trống” có nghĩa là có kinh nghiệm trực tiếp, trong sạch không dựa trên hình thể hay màu sắc của sinh vật.  Thế thì kinh nghiệm của chúng ta là “trống” những ý tưởng định trước, những ý tưởng về hiện hữu, ý tưởng về lớn nhỏ, tròn vuông… Tròn hay vuông, lớn hay nhỏ không thuộc thực tại mà chỉ là những ý tưởng. Đó là “làm trống” nước. Chúng ta không có ý tưởng về nước dù chúng ta thấy nó.

Khi chúng ta phân tích kinh nghiệm của mình, chúng ta có ý tưởng về không gian và thời gian, lớn hay nhỏ, nặng hay nhẹ. Một cái cân cần thiết cho một loại nào đó và với những cái cân trong tâm ta, chúng ta kinh nghiệm sự vật. Tuy nhiên sự vật không có cân. Đó là thứ chúng ta cộng vào thực tại. Vì chúng ta luôn dùng cân và tùy thuộc nó rất nhiều, chúng ta nghĩ cái cân thực sự tồn tại. Nhưng nó không tồn tại. Nếu nó tồn tại, nó sẽ tồn tại với sự vật. Dùng một cái cân, bạn có thể phân tích một thực tại thành những thực thể, lớn và nhỏ, nhưng ngay khi chúng ta khái niệm sự vật, nó đã là một kinh nghiệm chết.

Chúng ta “trống” về những ý niệm lớn nhỏ, tốt xấu từ những kinh nghiệm của chính mình, vì thước đo mà chúng ta dùng thường dựa trên cái ngã. Khi chúng ta nói tốt hay xấu, cái cân là chính bạn. Cái cân không luôn giống nhau. Mỗi người có một cái cân khác nhau. Tôi không nói rằng cái cân luôn sai, nhưng chúng ta có thể dùng cái cân vị kỷ của chúng khi chúng ta phân tích hay khi chúng ta có ý tưởng về vật nào đó, cái phần vị kỷ nên làm trống. Cách chúng ta làm trống phần này là hành thiền và trở nên quen thuộc để chấp nhận sự vật như chúng là, mà không có ý tưởng lớn, nhỏ, tốt, xấu.

Đối với các nghệ sĩ hay nhà văn, họ có thể vẽ hay viết để diễn tả kinh nghiệm trực tiếp của họ. Nhưng nếu kinh nghiệm của họ mạnh mẽ và trong sạch, họ có thể từ bỏ cố gắng để mô tả nó: “Trời ơi!” Chỉ có thế. Tôi thích làm một vườn cảnh thu nhỏ quanh nhà tôi, nhưng nếu tôi đến suối và thấy những tảng đá kỳ diệu và nước chảy, tôi từ bỏ ý định: “Ồ! Không, tôi không bao giờ cố làm một vườn đá. Tốt hơn đi dọn sạch Tassajara Creek, nhặt giấy và cành rơi.”

Trong thiên nhiên tự nó có vẻ đẹp, đó là vượt trên cái đẹp. Khi bạn thấy một phần của nó, bạn có thể nghĩ tảng đá này nên dời hướng này và tảng đá đó nên dời hướng kia, như thế sẽ thành một khu vườn hoàn hảo. Vì bạn giới hạn thực tại chân thật, dùng cái cân của tự ngã nhỏ bé, có một vườn đẹp hay một vườn xấu, và bạn muốn thay đổi những tảng đá. Nhưng nếu bạn thấy sự vật như chính nó với một tâm rộng hơn, không cần làm gì cả.

Sự vật chính nó là không, nhưng vì bạn thêm gì đó vào nó, bạn làm hỏng thực tại chân thật. Vì thế nếu chúng ta không làm hỏng sự vật, đó là “làm trống” vật. Khi bạn tu Chỉ quản đả tọa, đừng bị âm thanh quấy rầy, đừng khởi động tâm suy nghĩ của bạn. Điều này có nghĩa là không dựa trên giác quan hay tâm suy nghĩ và chỉ nhận lá thư từ thế giới “không”. Đó là Chỉ quản đả tọa.

“Làm trống” không giống như phủ nhận. Thường khi chúng ta phủ nhận vật gì, chúng ta muốn thay thế nó bằng vật khác. Khi tôi từ chối cái tách xanh, nghĩa là tôi muốn cái tách trắng. Khi bạn tranh luận và phủ nhận ý kiến của ai khác, bạn áp đặt ý bạn lên người khác. Đó là việc chúng ta thường làm. Nhưng lối của chúng ta không giống thế. Chúng ta “làm trống” những yếu tố cộng thêm của những ý tưởng quy ngã, trong sạch hóa sự quan sát sự vật. Khi chúng ta thấy và chấp nhận mọi thứ như chúng là, chúng ta không cần thay thế vật này hay vật khác. Đó là ý nghĩa “làm trống” sự vật.

Khi chúng ta làm trống sự vật, bỏ mặc chúng như chúng là, mọi vật sẽ vận hành. Khởi đầu mọi vật được liên kết và mọi vật là một, và như một hữu thể, nó sẽ mở rộng chính nó. Để nó tự mở rộng, chúng ta làm trống mọi vật. Khi chúng ta có thái độ này, thì tuy không có một ý tưởng tôn giáo nào, chúng ta có tôn giáo. Khi thiếu thái độ này trong tu tập tôn giáo của chúng ta, tự nhiên nó sẽ trở thành như thuốc phiện. Để trong sạch kinh nghiệm và để sự quán sát sự vật như nó đang là, là hiểu thế giới của “không” và hiểu tại sao Phật để lại nhiều giáo pháp.

Tu tập Chỉ quản đả tọa, chúng ta không kiếm tìm gì cả, và khi chúng ta tìm cái gì là chúng ta mắc vào một ý tưởng của ngã. Khi chúng ta cố gắng giành được vật gì là thêm ý tưởng về ngã. Đó là những gì bạn đang làm khi bạn tạo nỗ lực nào đó, nhưng nỗ lực của chúng ta là từ bỏ những hoạt động quy ngã. Đó là cách chúng ta thanh tịnh hóa kinh nghiệm của mình.

Thí dụ bạn đang đọc, vợ hay chồng của bạn có thể nói: “Anh (Em) có thích uống một tách trà không?”. Bạn có thể nói: “Ô, tôi bận, đừng quấy rầy tôi”. Khi chúng ta đọc kiểu đó, tôi nghĩ bạn nên cẩn thận. Bạn nên sẵn sàng nói: “Vâng, tuyệt diệu, vui lòng cho tôi một tách trà.” Và bạn ngừng đọc và có một tách trà. Uống trà xong, bạn lại đọc tiếp.

Mặt khác thái độ của bạn là: “Ngay bây giờ tôi rất bận!” Điều đó không tốt lắm, vì tâm bạn không thực sự đầy đủ chức năng. Một phần tâm đang làm việc chăm chỉ, nhưng phần khác không làm chăm lắm. Bạn có lẽ mất quân bình trong hoạt động. Nếu là đọc thì tạm được, nhưng nếu bạn đang viết thư pháp và tâm bạn không rỗng không, việc của bạn sẽ nói với bạn: “Tôi không trong trạng thái rỗng rang.” Vậy bạn nên ngừng.

Nếu bạn là một thiền sinh, bạn nên xấu hổ khi viết thư pháp như thế. Viết thư pháp là hành thiền. Vì thế khi bạn viết, nếu ai nói: “Vui lòng uống trà đi.” Bạn trả lời: “Không, tôi đang viết thư pháp!” Thư pháp của bạn sẽ nói: “Không! Không!” Bạn không thể lừa chính bạn.

Tôi muốn các bạn hiểu mình đang làm gì ở Trung Tâm Thiền này. Đôi khi nó có thể ổn thỏa để hành thiền như một lối tập thể dục và tập luyện, để làm sự tu tập của bạn mạnh hơn hay làm hơi thở của bạn đều và tự nhiên. Điều đó có lẽ gồm trong tu tập, nhưng khi chúng ta nói Chỉ quản đả tọa thì nó không đúng nghĩa. Khi chúng ta nhận thông điệp từ thế giới “không”, thì sự tu tập Chỉ quản đả tọa đang vận hành.

Cám ơn các bạn rất nhiều.

 

[ Quay lại ]